Hỏi & Đáp: Tình Yêu của Đức Chúa Trời

3,605 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, thì I Giăng 3:17 được dịch như sau:

Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được?”

Khiến cho người đọc hiểu là: Người có của mà không giúp đỡ cho anh em đang gặp khó khăn, thì người ấy không có lòng yêu Đức Chúa Trời. Tức là nói về tình yêu của một người dành cho Chúa.

Trong khi đó, Thánh Kinh Anh Ngữ Bản Dịch King James thì dịch là:

But whoso hath this world’s good, and seeth his brother have need, and shutteth up his bowels of compassion from him, how dwelleth the love of God in him?”

Khiến cho người đọc hiểu là: Người có của mà không giúp đỡ cho anh em đang gặp khó khăn, thì làm sao tình yêu của Đức Chúa Trời có ở trong người ấy? Tức là nói về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho muôn loài.

Xin hỏi là cách dịch nào đúng với nguyên ngữ của Thánh Kinh?

Đáp:

Thành ngữ “love of God” trong Anh ngữ được dịch từ chữ qua chữ sang tiếng Việt là: “Tình yêu của Thiên Chúa” hoặc “Tình yêu của Đức Chúa Trời” [1]. Ý nghĩa của thành ngữ “love of God,” tùy theo văn mạch, có thể là:

(1) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho muôn loài, như trong câu văn dưới đây của Arthur W. Pink:

The love of God is uninfluenced. By this we mean, there was nothing whatever in the objects of His love to call it into exercise, nothing in the creature to attract or prompt it.”

Chuyển ngữ: “Tình yêu của Thiên Chúa không chịu sự tác động. Nói như vậy tức là chúng ta hàm ý, không có bất cứ điều gì từ những đối tượng của tình yêu của Ngài khiến cho tình yêu ấy vận hành, không có một điều gì trong loài thọ tạo thu hút hay khơi động tình yêu ấy.

(2) Tình yêu của một người dành cho Thiên Chúa, như trong câu văn dưới đây:

My love of God helps me overcome temptations.” (Tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa sẽ giúp tôi vượt qua những cám dỗ.)

Bởi vì, giới từ “of” của tiếng Anh bao gồm nhiều nghĩa khác nhau: thuộc về (sở hữu); liên quan đến, kết nối với, ra từ, lý do, nguyên cớ… cho nên, phải tùy theo văn mạch mà hiểu ý nghĩa của thành ngữ “love of God.”

Trong Thánh Kinh, thành ngữ “tình yêu của Thiên Chúa” hoặc “tình yêu của Đức Chúa Trời” luôn luôn được dùng theo sở hữu cách. Vì thế, nó luôn luôn có nghĩa là: tình yêu của Thiên Chúa hay tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho muôn loài.

Câu Thánh Kinh I Giăng 3:17 được nêu ra trong câu hỏi trên đây, Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 dịch như sau:

Nếu ai có của cải đời này, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!”

Người không có tình yêu của Đức Chúa Trời thì không biết yêu và không thể yêu người khác. Người thật sự tiếp nhận tình yêu của Đức Chúa Trời thì có tình yêu của Ngài trong lòng mình, và chính mình cũng yêu người khác. Ý nghĩa ấy được xác định trong I Giăng 4:12 (Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012):

Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và tình yêu của Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.”

Dưới đây là những câu Thánh Kinh có thành ngữ “tình yêu của…” đã được hiệu đính trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. (Xin xem lời kêu gọi dự phần trong công tác hiệu đính ở cuối bài này).

Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi thỏa lòng; Tình yêu dành cho tôi bởi anh thật quý và hơn tình yêu của những người nữ” (II Sa-mu-ên 1:26).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bảo ta rằng: Hãy đi, lại yêu một người đàn bà tà dâm đã có bạn yêu mình, theo như tình yêu của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vẫn yêu con cái I-sơ-ra-ên, dầu chúng nó xây về các thần khác, và ưa bánh ngọt bằng trái nho” (Ô-sê 1:3).

Nhưng khốn cho các ngươi, người Pha-ri-si, vì các ngươi nộp một phần mười về bạc hà, hồi hương, cùng mọi thứ rau, còn sự công bình và tình yêu của Đức Chúa Trời, thì các ngươi bỏ qua! Ấy là các việc phải làm, mà cũng không nên bỏ qua các việc khác” (Lu-ca 11:42).

Nhưng Ta biết rằng các ngươi chẳng có tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong các ngươi” (Giăng 5:42).

Tuy nhiên, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì tình yêu của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5).

…bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:39).

tình yêu của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết” (II Cô-rinh-tô 5:14).

Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với hết thảy các anh em” (II Cô-rinh-tô 13:14).

…và được biết tình yêu của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, để cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:19).

…dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh tình yêu của lẽ thật để được cứu rỗi” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:10).

Nguyền xin Chúa soi dẫn lòng anh em vào trong tình yêu của Đức Chúa Trời, và vào trong sự nhẫn nại của Đấng Christ” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:5).

Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài” (I Giăng 2:5).

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy” (I Giăng 2:15).

Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9)

Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:3).

…hãy giữ mình trong tình yêu của Thiên Chúa, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe 21).

Lời Kêu Gọi Quý Con Dân Chúa
Tham Dự Công Việc Hiệu Đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống

Kính thưa quý con dân Chúa,

Kể từ giữa năm 2011, chúng tôi cậy ơn Chúa, khởi sự làm công việc hiệu đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, còn gọi là Bản Dịch Phan Khôi.

Mục đích của việc hiệu đính là: giữ lại nhiều chừng nào, tốt chừng nấy văn phong của Bản Dịch Truyền Thống đã quá quen thuộc với con dân Chúa người Việt trong gần 100 năm qua trong khi sửa các lỗi chính tả, thay đổi các từ ngữ xưa cũ, không còn thông dụng bằng các từ ngữ hiện thông dụng, và sửa lại những chỗ dịch sai ý hoặc những câu văn không rõ ý.

Công việc hiệu đính vẫn đang tiến hành. Chúng tôi cố gắng hoàn tất việc hiệu đính vào cuối năm 2013, để có thể ấn hành vào đầu năm 2014.

Kính mời quý con dân Chúa tiếp tay, bằng cách đọc qua một lượt từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 trên mạng, và email cho chúng tôi các lỗi chính tả, các từ ngữ khó hiểu, các câu khó hiểu, để chúng tôi sớm hoàn tất việc hiệu đính. Xin đọc trên mạng tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Xin email góp ý của quý vị đến: tim@timhieutinlanh.com.

Chúng tôi chân thành cám ơn sự tiếp tay của quý vị.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
27.10.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này
http://www.mediafire.com/folder/18qyns4flqfbj/2013_hoidap

Ghi Chú:

[1] Về cách dùng “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” xin đọc bài Hỏi & Đáp: Danh Từ “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” tại đây: https://www.timhieutinlanh.com/?p=3133