Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 05 (a)

1,857 views

Youtube: https://youtu.be/FElaKe-_Boc

MP3 OpenDrive:
https://od.lk/d/MV8xOTgwMDI0OTNf/HoaHueGiuaChongGai_05a.mp3

MP3 SoundCloud:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/hoahuegiuachonggai-05a

Tải xuống bài viết, mp3, và video tại đây:
https://od.lk/fl/MV8yMDkxNzgyNF8

Anh Hùng Đức Tin
Hoa Huệ Giữa Chông Gai

Nguyên tác: Danyun
Chuyển ngữ: Vô Danh

Người Công Dân Thiên Quốc – Phần 1

Lời Giới Thiệu

Đó là vào đầu Tháng Hai năm 2001. Chúng tôi cầu nguyện, và trông mong tin tức về “Người Công Dân Thiên Quốc”. Vào Tháng Mười Hai, anh đã bay đến một nước Á Châu, để đón gia đình sang Đức. Những tin tức đáng lo ngại đã khiến chúng tôi đến với sự cầu nguyện. Vào ngày mười một Tháng Hai, anh Yun bị biệt tăm. Đã bay, nhưng không đến nơi. Vào ngày mười hai Tháng Hai, Yun bị bắt! Anh mang theo người những hộ chiếu và giấy tờ cần thiết của gia đình, để từ đó anh cùng gia đình bay sang Đức. Ngày mười ba Tháng Hai, anh bị nguy cơ bị bắt tù từ một đến ba năm và bị trao trả lại Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ là một án tử hình. Mỗi ngày chúng tôi chờ đợi tin tức về “Người Công Dân Thiên Quốc”, là người mà quyền công dân ở dưới đất đã bị khước từ.

Bây giờ anh ở đâu? Anh cảm nhận và suy nghĩ gì? Lại phải chia ly với gia đình và bị vào tù, lại phải gặp những nguy nan. Dẫu vậy, chúng tôi tin rằng, Đức Chúa Trời cầm giữ tất cả trong tay Ngài và mở một lối ra.

Đôi điều sơ qua về bối cảnh hiện tại. “Người Công Dân Thiên Quốc” này là ai? Tôi được vinh dự làm quen với “Người Công Dân Thiên Quốc” ở vùng hoạt động của anh vào trong những năm chín mươi. Đó là ở nơi hoang vu của rừng núi Trung Quốc, trong một hang động.

Một giáo sĩ Phần-lan đã mời Erwin Wendland và tôi làm một chuyến đi vào Trung Hoa nội địa. Chúng tôi đã đợi ở một sân bay Trung Quốc để bay tiếp, đang trong lúc đó, chúng tôi đã lấy đồ ăn ra và ăn. Xung quanh chúng tôi có nhiều người bản xứ, họ kinh ngạc nhìn chúng tôi ăn bánh mì đen Đức. Chúng tôi đã mời họ nếm thử. Họ ăn loại bánh mì lạ đó, nhưng người dẫn đường chúng tôi cho biết rằng, sau đó đã có vài người biến mất, để đến chỗ kín mà làm nhẹ bụng.

Cuối cùng, chúng tôi đã đến nơi. Những anh em Trung Quốc đã đón chúng tôi bằng một chiếc gọi là “xe chở bánh mì”. Erwin và tôi phải ngồi vào hàng ghế trong cùng của chiếc xe mi-ni bus. Có người đưa cho chúng tôi chăn đắp, không phải để đắp vào những ngày cao điểm giữa mùa hạ này, nhưng để trốn trong đó. Tôi nhớ, đó là một chuyến đi đêm hối hả. Chúng tôi luôn luôn được nhắc nhở là phải im lặng, đặc biệt khi đi qua những đoạn đường có trạm gác công an. Vào gần sáng, chúng tôi đến một thành phố lớn. chúng tôi dừng ở bên một khách sạn tương đối tồi tàn, đổ nát. Vì mệt, nên chẳng mấy chốc tôi đã ngủ say. Sau đó, khi chúng tôi đi bách bộ qua những đường phố, tôi ngạc nhiên vì nghe nói rằng, ở đây có đến nhiều con cái Chúa như vậy. Tôi tự hỏi, những người Trung Quốc mà tôi gặp ở đó có phải là anh chị em hay không? Nghe lời người dẫn đường, chúng tôi cẩn trọng và không muốn làm hại cho ai.

Cuối cùng, trời đã tối, và trong buổi tối đó, chúng tôi sẽ gặp người anh em Yun. Tôi còn nhớ, mình đã hồi hộp chờ đợi và lúc chúng tôi chuẩn bị lên đường, ánh trăng đêm mờ nhạt chiếu thật huyền ảo trên cảnh vật ra sao. Những chiếc xe vận tải chở đá nặng nề chạy vù qua và quấn theo bụi mù mịt. Chúng tôi đi qua những chỗ đổ nát và những nơi có lấp lánh ánh đèn; và cuối cùng đến một ngôi nhà nhỏ. Trong một phòng con, có vài anh chị em đang đợi chúng tôi.

Ở đây, lần đầu tiên tôi gặp anh. Một người đàn ông nhỏ nhắn và rạng rỡ đến chào đón chúng tôi bằng một sự niềm nở, mà người ta ít khi gặp trong những cuộc gặp gỡ lần đầu tiên ở nơi xứ lạ. Tất nhiên, chúng tôi rất hồi hộp và trông mong quá chừng. Ở nơi hoang vu hiu quạnh này có một đại hội Người Chăn? Ở đây, chúng tôi phải nói chuyện với các anh chị em lãnh đạo, là những người dẫn dắt hàng chục nghìn người? Trong tâm tư, tôi tự hỏi, buổi nhóm sẽ họp ở đâu vậy kìa? Đây là sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với Hội Thánh bí mật. Tôi đã vài lần ở Trung Quốc và đã được nghe đây đó những lời làm chứng về những người tử đạo, tôi đã gặp những người nam nữ, từng ở tù hai mươi năm và nhiều hơn vì cớ Chúa Jesus, chịu nhiều đau đớn trong tù. Nhưng những buổi nhóm như thế thường ở một khách sạn hay ở trong một nhà riêng.

Lần này sẽ là một buổi họp có nhiều người chăn đến dự. Yun niềm nở nói với chúng tôi, trước hết, nên ăn một chút gì đã. Có một bữa ăn thịnh soạn bằng sự hiếu khách của người Trung Quốc, mà vợ tôi, Kriemhilde, yêu thích những món ăn được dọn ra hơn là tôi. Điều đáng chú ý là bầu không khí tôi được chứng kiến ở đây. Người tây phương chúng ta thường có những quan niệm sai lầm về sự bắt bớ của những Cơ-đốc nhân trong nơi dầu sôi lửa bỏng. Tại đây, tôi kinh nghiệm ở giữa sự hoạn nạn, bắt bớ, một niềm vui, sự niềm nở, và tiếng cười trong sự thông công với một người đã từng bị trên dưới mười lăm lần bị bắt và hàng năm ròng phải ở tù. Anh thật vui vẻ và cười nói hồn nhiên làm sao.

Cuối cùng, sau khi chúng tôi đã ăn uống và đã nói chuyện xong, Yun nói, “Bây giờ chúng ta sẽ đến chỗ nhóm”. Erwin và tôi đi theo anh. Cái sân mờ mờ dưới ánh trăng. Trong bóng tối, một lúc lâu sau chúng tôi mới có thể quen được với các vật xung quanh. Trong sân có nhà và chòi rơm. Phía đằng xa, người ta nghe thấy tiếng máy công nghiệp mạnh mẽ chạy. Đi được vài bước, chúng tôi đứng trước một bức tường, có một lỗ thủng. Chúng tôi khom người đi vào. Dưới ánh đèn pin, chúng tôi nhận ra, đó là lối đi xuống một hang đá. Sau một lúc đi vòng vèo, có thể nghe thấy tiếng hát vọng ra từ đâu đó. Sau này chúng tôi mới khám phá ra, trong thời gian bị cải tạo lao động ở một núi đá, Yun đã học được nghề đục đá, để xây dựng hang đá trong những phiến đá. Lúc đó, anh đã kêu than vì cực khổ: “Chúa ơi, tại sao con phải làm công việc nặng nhọc này?” Nhưng chương trình của Đức Chúa Trời là để anh học cho về sau. Sau khi được giải thoát, anh đã vận dụng điều đã học và tạo nên hang động này, ở một nơi an toàn, để có thể tổ chức đại hội những người chăn.

Bây giờ, chúng tôi được phép đi thăm chỗ đó. Trong lúc đó, tiếng hát càng to hơn, cùng với những tiếng vỗ tay nhịp nhàng. Khi chúng tôi bước vào phòng, chúng tôi thấy những gương mặt rạng rỡ. Đối với tôi, đó là khoảnh khắc cao đẹp nhất mà tôi từng được chứng kiến trong một buổi nhóm. Điều đáng ngạc nhiên là có ít nhất một nửa số những người tham dự là những thanh niên trẻ tuổi, đa số đó lại là những cô gái trẻ. Họ là những người dẫn dắt Hội Thánh bí mật Trung Quốc, những người lãnh đạo Hội Thánh tư gia Trung Quốc sao?

Đây là những “anh hùng của Đức Chúa Trời”, mỗi ngày, họ sẵn sàng liều mạng để dẫn dắt, an ủi, nhắc nhở, khích lệ, sửa đổi, và gây dựng con dân Chúa. Tôi thấy mình thật nhỏ bé và không xứng đáng để phục vụ những anh hùng đức tin này. Tôi sẽ phải nói với họ điều gì đây? Về phía họ, tôi cảm nhận một sự mong đợi. Chúng tôi thuộc trong số ít người tây phương, được họ tin tưởng tiếp nhận giữa vòng họ. Về điều đó, chúng tôi biết ơn người bạn cùng đi của chúng tôi, là người đã nhiều năm có kinh nghiệm ở Á Châu và nói thông thạo tiếng Trung Quốc.

Sau đó, Đức Chúa Trời đã cho tôi một Lời cho những con người này, mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn ngỡ ngàng kinh ngạc. Tôi nói về những anh em đã dòng Phao-lô chạy trốn qua tường thành Đa-mách và đã cứu ông khỏi bị giết. Tôi nói về sự quan trọng, nắm giữ sợi dây của Đức Chúa Trời, để những người được sự kêu gọi của Ngài có thể tiếp tục rao giảng Tin Lành. Lời đó được tiếp nhận nồng nhiệt, và qua đó, Đức Chúa Trời đã an ủi và khích lệ những người nghe.

Đó là sự tiếp xúc đầu tiên của AVC (Uỷ Ban Hành Động Vì Những Cơ-đốc Nhân Bị Bắt Bớ) với những người lãnh đạo Hội Thánh ở nơi bí mật. Kể từ thời điểm đó, mối liên lạc trực tiếp với Hội Thánh tư gia Trung Quốc được xiết chặt; trong khi trước kia, chúng tôi đóng góp phục vụ cho Trung Quốc qua những tổ chức truyền giáo khác.

Trong những chuyến đi của tôi ở nước ngoài, tôi thường có thói quen thăm hỏi về những nhu cầu thiết yếu. Cũng giống như ở đây, tôi nghĩ rằng, họ sẽ xin tiếp trợ Thánh Kinh và lời cầu nguyện. Nên tôi càng ngạc nhiên hơn, khi nghe lời đề nghị của Yun. Đó là anh xin một chiếc máy gặt. Anh cần máy gặt để làm gì vậy?

Và anh đã giải thích cho tôi: “Những người truyền giảng Tin Lành như chúng tôi thường đi công tác mười một tháng trong năm. Khi họ có một tháng nghỉ ở nhà, thì họ dùng thời gian này để gặt vụ mùa, hầu cho gia đình họ được nuôi sống. Vậy nên, tuy những nhà truyền giảng nghỉ ở nhà, nhưng họ phải làm việc. Với một cái máy, việc thu hoạch có thể được hoàn tất trong hai đến ba ngày. Điều đó nghe sáng tỏ. Giá tiền một vài nghìn Mác cũng có thể xoay sở được. Tôi đã hứa sẽ lo liệu. Bằng cách đó, những nhà truyền giảng có thể dành thời gian quý báu nghỉ ngơi với gia đình. Có điều tôi không biết, đó là qua công trình này, Yun được Đức Chúa Trời cho thấy một khải tượng đặc biệt. Anh nhìn thấy rằng, một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ ban cho anh một máy gặt thuộc linh, để thu hoạch mùa gặt linh hồn ở một quy mô rộng lớn và nhanh chóng hơn những công việc thủ công khó nhọc. Yun nhận được khải tượng rằng, anh sẽ truyền giảng Tin Lành trên thế giới cũng như ở tây phương bằng một máy gặt lớn. Và khải tượng đã thành hiện thực. Trước đây hai năm, trong một đại hội nhân sự của chúng tôi ở Norddeich, tôi có gặp lại Yun. Trong lúc đó, anh đã được giải cứu khỏi nhà tù một cách khác thường, như về sau chúng ta sẽ rõ. Một phép lạ của Đức Chúa Trời, mà chúng ta chỉ thấy có ở trong Công Vụ Các Sứ Đồ. Phép lạ thứ hai là, do sự giúp đỡ của một người bạn sống ở Đức, anh đã làm một chuyến đi nguy hiểm từ Trung Quốc sang Đức, và cuối cùng đã đến nơi. Đầu tiên, anh đã sống bí mật và im lặng. Nhưng sau đó, đã có cuộc gặp ở Norddeich như đã nói ở trên. Chúng tôi, với tư cách là một Uỷ Ban Quốc Tế vừa họp lại cùng với một vài khách mời. Lúc đó vẫn còn sự đề phòng, anh chưa nên lộ diện công khai. Khi Yun bắt đầu cầu nguyện, không một cặp mắt nào còn khô ráo được. Tất cả đều bị sự hiện diện của Đức Chúa Trời đụng chạm bởi lời cầu nguyện đơn sơ và rúng động của người anh em. Khi anh gặp tôi, bày tỏ tình yêu chan chứa và sự kính trọng của anh, và gọi tôi bằng “Papa” làm tôi không tài nào quên được.

Và bây giờ trở lại với câu hỏi: “Người Công Dân Thiên Quốc” đó là ai? Khi anh đến chỗ chúng tôi và sống với chúng tôi, anh đã kể cho chúng tôi câu chuyện của mình một cách trực tiếp. Chính sách tuyên truyền của Trung Quốc về sự tự do tôn giáo ngày càng gia tăng, ngay cả ở tây phương, cũng có những người giống như những “ăng-ten” (mật thám) cho Trung Quốc (funfte Kolonne) đi gieo rắc những điều này. Có thể là do Trung Quốc là một đất nước rộng lớn. Điều ở một vùng là đúng, thì ở một vùng khác có thể hoàn toàn là bịa đặt. Điều có thể được phép ở một vùng, thì ở một nơi khác có nghĩa là án tử hình. Đúng là cho đến hôm nay, những người cộng sản không những đã khống chế Hội Thánh Ba Tự Túc chính quy bằng tư tưởng vô thần của họ, mà thực tế họ đã lãnh đạo.

Đúng là có mười hai triệu Thánh Kinh được in ấn ở Trung Quốc hợp pháp. Nhưng điều đó không có nghĩa là mười hai triệu Thánh Kinh đó được phân phát trong đất nước. Chúng được đem đi xuất khẩu để lấy ngoại tệ. Những hàng hoá về Thánh Kinh của Trung Quốc như vậy, tương đối rẻ, chính tôi đã nhìn thấy ở Nga, bằng tiếng Nga.

Đúng là, ở đây, hay ở đó có những giấy cho phép xây dựng Hội Thánh công khai. Nhưng mặt khác những Hội Thánh hiện có bị phá hủy. Có nơi, thậm chí có cả những trường Thần Học, nhưng cũng đúng là còn có những người chăn trong các Hội Thánh tư gia bị bắt giam, bị truy lùng, bị tra tấn trong tù, bị đánh đập, và bị bắn. Bằng mọi cố gắng họ bị “làm việc”, để khiến họ phải lìa bỏ niềm tin vào Chúa Jesus. Bằng mọi quyền lực, người ta tìm cách phá hủy những công việc của Hội Thánh.

Yun được gọt đẽo ra từ loại “gỗ” nào và được tôi luyện trong loại “lửa” gì, để đức tin trở nên mạnh mẽ, tôi luyện cứng như thép, thì bạn sẽ đọc sau đây.

Trước đây hơn một trăm năm, những giáo sĩ từ tây phương đã tìm đường đến Trung Quốc. Hồi đó, họ thường đi bằng đường biển. Khi gặp dân bản xứ, họ đụng độ phải sự kháng cự, phải vật lộn với những hoàn cảnh sống thiếu thốn và tệ mạt. Hết sức cố gắng họ đã học một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ và gánh chịu nhiều đau khổ vì cớ đức tin. Nhiều người trong số họ cũng đã phải trả một giá cao nhất – sự sống của mình.

Trong lúc họ đã gieo bằng giọt lệ, họ chưa biết được rằng nhiều năm sau đó, tại những nơi họ đã phục vụ, có vô số những linh hồn quý báu được bước vào Nước Trời. Hôm nay, sự phấn hưng ở Trung Quốc được nhiều người cho rằng, đó là mùa gặt thuộc linh lớn nhất kể từ thời kỳ Công Vụ Các Sứ Đồ. Những Cơ-đốc nhân Trung Quốc đi gặt hái nhiều bông trái bằng sự vui mừng (Thi Thiên 126:5-6).

Nhiều người lãnh đạo truyền giáo ở phương tây ngày nay đang ngóng đợi sự mở cửa ở Trung Quốc, để những giáo sĩ tây phương có thể trở lại phục vụ ở đất nước rộng lớn này. Tôi cho rằng dịp tiện đó đã đi qua.

Thiên kỷ mới đã trình báo bằng những sự thay đổi kinh khủng. Chính những nhà truyền giáo Trung Quốc hôm nay đang chuẩn bị từ quê hương họ đi đến những nước khác. Hàng nghìn người, trong số họ đã nhận được sự kêu gọi thánh, rời khỏi Trung Quốc và đi rao truyền Tin Lành cho thế giới. Họ sẵn sàng lên đường, sau khi họ đã được tôi luyện và được nhào nặn trong những ngọn lửa của sự bắt bớ khốc liệt và những sự gian khó. Đó không phải là một sự phát triển mới – trên một nghìn năm, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị Hội Thánh Trung Quốc cho giờ phút như thế này.

Họ đã nhận được một sự kêu gọi thiên thượng, để đem Tin Lành đến thế giới Phật Giáo, Ấn-độ Giáo, và Hồi Giáo.

“Người Công Dân Thiên Quốc” đứng ở tuyến đầu trong phong trào truyền giáo này. Anh là một Cơ-đốc nhân thuộc thế hệ thứ hai. Mẹ anh, qua lời làm chứng của một nữ giáo sĩ người Na-uy đã tin Chúa. Hôm nay, chính “người trời” đã thăm thế giới tây phương, để qua đó, tỏ lòng biết ơn những giáo sĩ trước kia trong công tác tiên phong của họ đã hết lòng hy sinh vì nhiệm vụ của mình và đã gieo những hạt giống. Anh đã thách thức những Cơ-đốc nhân ngày hôm nay, hãy cùng đứng với những anh chị em Trung Quốc, trong nhiệm vụ dùng Tin Lành đột phá thế giới. Nhiệm vụ của họ là đem Tin Lành “ngược về Giê-ru-sa-lem”. Có thể nói rõ hơn, trải qua những khu vực rộng lớn của thế giới, ở đó, hầu như chưa hề được nghe về Tin Lành.

Câu chuyện này muốn thách thức và khích lệ, và có thể sẽ làm cho người này người kia thấy nặng trĩu trong lòng, khi họ đọc về những sự bắt bớ cực khổ mà Hội Thánh tư gia ở Trung Quốc phải chịu ngày nay.

Xin bạn hãy can đảm, cùng đứng chung và ủng hộ những anh chị em Trung Quốc của chúng ta, để đem Tin Lành “ngược về Giê-ru-sa-lem”.

Chương 1: Quyển Thánh Kinh do Một Sứ Giả của Chúa Đưa Đến

Yun sinh năm 1958, mười năm sau khi Mao Trạch Đông, một người cộng sản, sáng lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Năm 1958 là khởi đầu của một thời kỳ rất khó khăn cho người Trung Quốc. Lúc đó, Mao bắt đầu một trong những thí nghiệm vĩ đại của mình, để hiện đại hoá Trung Quốc. Ông gọi đó là “bước đại nhảy vọt”.

Những tư tưởng kỳ quặc càng ngày càng thâm nhập vào trong đời sống hàng ngày. Những bác nông dân được khuyến khích hãy mua cho mình những lò đúc kim loại để sản xuất sắt thép cho Trung Quốc, góp phần vào sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Những sáng kiến như vậy đã hoàn toàn bị thất bại. Sắt được luyện trong những lò luyện thô sơ như vậy, không sử dụng được. Hàng triệu người Trung Quốc đã lãng phí biết bao giờ làm việc quý giá, để sản xuất những loại sắt thiếu chất lượng đó. Bước đại nhảy vọt đã trở thành một bước thụt lùi to lớn. Chính quyền dưới thời Mao đòi hỏi nhiều sự hy sinh của quần chúng. Đáng buồn là những người được chủ nghĩa cộng sản giải phóng lại trở thành những người phải trả giá cho những giấc mơ không tưởng của sự lãnh đạo của họ.

Bước đại nhảy vọt dẫn đến một nạn đói lan tràn toàn khắp Trung Quốc. Yun còn nhớ, lúc còn nhỏ anh đã phải ăn xin ra sao. Hồi đó, ở Hà Nam có những người ăn cỏ và vỏ cây để sinh tồn, đó không phải là chuyện không bình thường. Vào trong những năm lúc Yun từ một đến bốn tuổi, có khoảng tám triệu người bị chết đói ở Hà Nam.

Lúc Yun lên tám tuổi, Mao Trạch Đông bắt đầu một thí nghiệm khác – cuộc “cách mạng văn hoá”. Quyển sách nhỏ màu đỏ của Mao Trạch Đông đại diện cho nguyện vọng của người dân Trung Quốc, được giải phóng khỏi tất cả mọi sự ràng buộc của xã hội, những khái niệm, tư tưởng văn hoá, phong tục tập quán, và truyền thống lâu đời. Hàng triệu những thanh niên trẻ, nổi tiếng là những “hồng vệ binh” được thả ra, để đi giải phóng nhân dân. Nhưng họ càng đem lại sự đau khổ và cực hình cho nhân dân. Những trường học và đại học bị đóng cửa, và cả cuộc sống của Yun cũng bị ảnh hưởng qua đó. Anh chỉ đi học có ba năm phổ thông. Cuộc cách mạng văn hoá đối với các Cơ-đốc nhân đồng nghĩa với sự bị bắt bớ nhiều lần hơn. Tất cả các Hội Thánh bị đóng cửa và các Cơ-đốc nhân bị cấm đi cầu nguyện hay nhóm lại để thông công. Tất cả những “hoạt động mê tín dị đoan”, trong số đó Đạo Chúa cũng bị liệt vào, đều bị bài trừ triệt để, và thậm chí còn mạnh hơn bao giờ hết. Ở giữa những sự biến động này, các tín đồ đã buộc phải nhóm bí mật. Nhưng tuy nhiên, vào thời gian này, có nhiều người đã được thêm vào Hội thánh của của Đấng Christ.

Yun được cứu khi lên mười sáu tuổi. Mẹ của anh là một Cơ-đốc nhân; bà đến với Chúa lúc còn rất trẻ. Trong thời gian cách mạng văn hoá, những giáo sĩ bị bắt bớ và buộc phải rời khỏi Trung Quốc, nên có nhiều con chiên bị bỏ lại không có một người chăn. Vào thời gian khó khăn đó, mẹ của Yun đã xa cách Chúa.

Khi anh lên mười sáu tuổi, vào năm 1974, cha anh bị bệnh rất nặng. Ông bị hen suyễn và đã phát triển thành ung thư phổi, rồi lan xuống dạ dày. Bác sĩ nói không còn hy vọng gì nữa. Chứng ung thư chỉ còn có một kết quả là cái chết. Nhưng sự mê tín cổ truyền vẫn còn lại trong gia đình Yun. Nên bố anh đã mời ông thầy pháp trong làng đến để đuổi ma ung thư ra khỏi ông. Bố của Yun, tin vào quyền lực của các thầy pháp, thậm chí đã khuyến khích con mình hãy trở thành học trò của ông thầy pháp, để học được môn phép thuật đó. Theo truyền thống, Yun cũng như đa số những thanh niên ở Trung Quốc đều sẵn sàng đi theo nguyện vọng của bố mình. Trung Quốc bị ảnh hưởng về đạo lý Khổng Tử trên hai nghìn năm, đòi hỏi con cái phải vâng lời bố mẹ và những đấng bậc trong xã hội. Nên cậu thanh niên Yun mười sáu tuổi đã sẵn sàng học môn phép thuật phù thuỷ. Bệnh tình của bố đã làm một gánh nặng cho gia đình. Không chỉ họ không có đủ thức ăn, mà còn không có đủ tiền. Mẹ anh đã bán hầu hết những tài sản trong nhà để chạy chọt thuốc men. Bà biết rằng, chẳng bao lâu bà sẽ trở thành goá phụ. Tất cả những suy nghĩ của bà bị dồn ép bởi câu hỏi khủng khiếp, gia đình mình sẽ sống ra sao đây nếu không có người đàn ông trụ cột trong gia đình. Trong những chuỗi ngày đó, vào một buổi tối, mẹ của Yun nghe thấy một giọng êm dịu nói với mình, “Chúa Jesus vẫn luôn luôn yêu thương”. Bà đã được Chúa đánh thức dậy. Bà đã dậy và quỳ gối cầu nguyện. Một lần nữa, bà đã ăn năn tội lỗi mình và đã tái dâng mình cho Chúa. Rất đáng ngạc nhiên là ngày hôm sau, bố của Yun đã được chữa lành. Yun nhận thấy rằng, đó là Chúa Jesus đã chữa lành bố mình, nên anh cũng đã tiếp nhận Chúa. Trong lòng anh đã hứa nguyện dâng mình để phục vụ Chúa Jesus.

Sau đó, mẹ anh đã nói là tất cả những sự dạy dỗ của Chúa Jesus được viết lại trong Thánh Kinh. Kể từ ngày đó, Yun ước ao được nhìn thấy quyển Thánh Kinh. Anh hỏi thăm những tín đồ Thánh Kinh trông ra sao. Nhưng không ai trong số họ nhìn thấy Thánh Kinh bao giờ.

Nên một ngày kia, Yun phải lặn lội gần năm mươi cây số để đến thăm một người kia mà người ta nói là người giảng đạo. Khi đến nơi, Yun nói cho ông mục đích của chuyến đi. Ông thấy anh còn trẻ quá nên không dám đưa Thánh Kinh cho anh xem. Ông nói, “Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời ; đó là quyển sách từ trên trời. Không ai có thể có Thánh Kinh được. Nhưng nếu anh thực sự muốn có một quyển, anh có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban cho”. Nên ông đã bảo Yun hãy kiêng ăn và cầu nguyện. Yun thì không biết kiêng ăn và cầu nguyện như thế nào. Ông người chăn đã giải thích cho Yun, “Kiêng ăn là không ăn. Cho đến khi thời gian kiêng ăn đã hết thì Chúa sẽ ban cho anh một quyển Thánh Kinh”. Yun trở về nhà và kiêng ăn, cầu nguyện hai tháng liền. Mỗi lần anh cầu nguyện, anh đều nói, “Chúa ơi, xin cho con một quyển Thánh Kinh. A-men!” Hai tháng trôi qua. Không có điều gì xảy ra. Yun vẫn chưa nhận được quyển Thánh Kinh. Nên anh đã lặn lội đến gặp ông người chăn lần nữa. Ông người chăn nói, “Khi anh cầu xin Chúa một quyển Thánh Kinh, anh đừng chỉ quỳ gối và cầu nguyện. Anh còn phải than khóc trước Chúa nữa. Anh càng tha thiết cầu khẩn bao nhiêu, anh càng sớm nhận được bấy nhiêu”. Lần này, anh chỉ ăn một bữa trong ngày, và cầu nguyện, và than khóc trước Chúa. Nhiều tháng trôi qua, vào một buổi sáng sớm kia, khi Yun còn đang ngủ, anh mơ thấy một ông già. Ông cụ hỏi Yun, “Anh Yun này, anh có gì ăn không?”

Yun trả lời, “Không”.

Sau đó, ông cụ đã đưa cho anh một chiếc bánh mì nho. Yun đưa tay ra nhận, thì nó biến thành một quyển Thánh Kinh. Yun quỳ gối xuống nói, “Đáng tôn vinh danh Chúa! Ngài đã nghe lời cầu nguyện của tôi và đã ban cho tôi một quyển sách!”

Sau đó Yun đã thức dậy. Tiếng khóc của anh cũng đã đánh thức bố mẹ. Khi họ nghe thấy anh kêu to như vậy, họ nghĩ rằng anh bị thần kinh. Yun nói cho họ về giấc mơ, nhưng họ đều cho là anh sắp mất trí. Ngay lúc đó, cánh cửa đột nhiên mở ra và có hai người bước vào. Họ không quen biết Yun, nhưng họ được Đức Thánh Linh dẫn dắt đến để đưa cho Yun một quyển Thánh Kinh. Đó là anh Vang và anh Song, đến từ một làng cách xa đó. Họ kể cho Yun rằng, có một giáo sĩ, sau một thời gian cầu nguyện được Đức Thánh Linh dẫn dắt đem cho Yun một quyển Thánh Kinh. Hai anh em mang sách đến cho anh là những người chuyển tin. Kể từ ngày hôm đó, Yun đã học thuộc lòng mỗi ngày một chương Thánh Kinh. Vào một ngày kia, khi Yun đang đọc Thánh Kinh, Chúa đã hiện đến với anh trong một khải tượng. Ngài nói với anh ba lần, hãy ra đi và rao giảng Tin Lành. Chúa cũng nói chính xác cho anh địa điểm mà anh đến để phục vụ Ngài. Nhiều năm sau, sự kiện đó đã được ứng nghiệm. Có một lần, anh đọc một câu Thánh Kinh trong Công Vụ Các Sứ Đồ, anh đã chợt ngừng lại để tiếp nhận vào lòng: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”.

“Đức Thánh Linh, đó là ai vậy?” Khi anh hỏi mẹ, thì bà khó nhọc giải thích cho anh về những gì bà biết về Đức Thánh Linh. Nhưng câu trả lời của mẹ chỉ càng làm cho anh bối rối thêm. Cuối cùng, Yun cầu nguyện y như đã chép trong câu Thánh Kinh đó và cầu xin Đức Chúa Trời ban cho Đức Thánh Linh. “Lạy Chúa Jesus yêu dấu. Con cầu Đức Thánh Linh. Xin hãy ban cho con quyền phép của Ngài, con sẵn sàng làm nhân chứng cho Ngài”. Bỗng nhiên có điều đã xảy ra. Một tình yêu không tả xiết và sự mạc khải về bản thân Đức Chúa Trời đã tràn ngập con người anh. Những bài hát mà anh chưa từng hát bao giờ, đã tuôn trào ra từ trong anh như một dòng sông chảy cuồn cuộn. Những bài hát này, ngày nay còn được hay hát trong những Hội Thánh tư gia ở Trung Quốc. Đó là một trong những biến cố quyết định trong cuộc đời của thanh niên Yun trẻ tuổi, vừa mới tin Chúa, trước khi Đức Chúa Trời kêu gọi anh làm nhà truyền giảng Tin Lành. Bây giờ, chúng ta hãy đi tiếp những sự kiện đã được nói đến ở trên, khi Yun nhận được sự kêu gọi bắt đầu chuyến đi đầu tiên đến miền tây và miền nam.

Chương 2: Hãy Đi về Phía Tây và Phía Nam

Vào thời kỳ bắt đầu cuộc cách mạng văn hoá. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thành lập đội “hồng vệ binh” bất khả chiến bại. Gần một thập kỷ, bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc họ đặt chân qua, họ đều để lại đằng sau một sự hoang vu, rộng lớn. Trong mọi lĩnh vực của xã hội đều chế ngự một sự rối loạn về kinh tế và chính trị. Mọi người sống trong sự sợ hãi, chỉ được cung cấp tạm sống và không ai biết được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Tuy nhiên, họ đã dần dần làm quen với điều đó ngay cả trước khi Mao Chủ tịch lên nắm quyền năm 1949. Những trận lụt lội dữ dội, hạn hán, và đặc biệt là những sự tranh chấp giữa những băng đảng, những chủ nông, và những nhóm cách mạng, càng ngày càng trở nên bánh ăn hàng ngày. Người dân Trung Quốc đã sống hàng thế kỷ như vậy dưới những điều kiện bất ổn.

Vào một buổi tối năm 1975, khoảng mười giờ đêm, đa số những người dân của một thị trấn nhỏ ở trung tâm đất nước Trung Quốc đã lên giường đi ngủ. Cũng giống như hầu hết mọi người họ đều đi qua một ngày làm việc mệt nhọc. Nên họ mong được nghỉ ngơi.

Cả chàng thanh niên Yun cũng đã nằm trên giường. Theo như thói quen của mình, Yun đã cầu nguyện một lúc lâu, trước khi đi ngủ. Yun thường dành nhiều thời gian để cầu nguyện và đọc Thánh Kinh, một món quà quý giá mà trước đây một thời gian anh đã nhận được. Yun là một trong số ít người ở quê hương anh có Thánh Kinh. Cách thức anh nhận được Thánh Kinh cũng đã gây cho nhiều Cơ-đốc nhân phải kinh ngạc, quyển Thánh Kinh thật sự là quý báu đối với Yun. Anh mang theo nó cả ngày, tại nơi làm cũng như ở nhà. Và khi đã lên giường, anh đặt nó lên ngực. Không những Yun đọc Thánh Kinh, thậm chí anh còn thuộc lòng một phần lớn.  Anh đã mong đợi với sự hy vọng đầy tràn rằng, Đức Chúa Trời sẽ sai anh đi, làm một chứng nhân cho Ngài.

Trong buổi tối hôm đó, Yun vừa ngả lưng, thì anh lại thình lình ngồi bật dậy và xuống khỏi giường. Anh chạy sang chỗ bố mẹ, lúc đó chưa ngủ, và hỏi mẹ: “Mẹ có gọi con phải không? Con có cần làm gì không?”

Mẹ anh trả lời: “Không, tại sao?”

Yun trả lời ngạc nhiên: “Nhưng có ai đã gọi con và đã nói tên con? Ai đã chạm vào con?” Mẹ của anh cũng không kém phần kinh ngạc, nói với anh: “Bố và mẹ không nói gì với con cả. Không có ai gọi con. Hãy lên giường đi ngủ đi.” Bà bảo anh.

Nửa tiếng đồng hồ sau, anh lại nghe thấy tiếng đó. Lần này rất rõ ràng. “Yun, con phải đi về phía tây và sau đó, đi về phía nam và rao truyền Tin Lành! Con phải làm nhân chứng cho Ta!”

Và anh lại đến với mẹ và kể cho bà về điều mình đã nghe thấy. Bà rất sửng sốt và sợ là con trai mình bị mất trí. Nên anh lại lên giường, quỳ gối và cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu Ngài đã kêu gọi con, thì hãy nói cho con biết điều Ngài muốn. Con sẵn sàng là một chứng nhân cho Ngài.”

Vào đêm hôm đó, khoảng bốn giờ sáng, Yun có một khải tượng. Anh nhìn thấy một ông già, mà trước đó anh đã nhìn thấy trong một giấc mơ. Lần này, ông già đến với anh và nhắc lại những lời mà Yun đã nghe trong tối qua. “Trước tiên, con sẽ đi về phía tây và sau đó là về phía nam. Con sẽ truyền giảng Tin Lành và làm chứng nhân cho Ta.”

Sau đó, bức tranh thay đổi và bỗng nhiên Yun thấy một đoàn người đông. Ông già, một người có uy quyền tỏa ra, đến nói với Yun hãy làm chứng cho họ. Yun lưỡng lự một lúc. Sau đó, ông già đã bảo Yun hãy cầu nguyện cho một phụ nữ đang ở trong đoàn người. Bà bị một tà linh áp chế. Anh vâng lời làm theo. Bà ta vật lộn như sắp chết. Nhưng sau một hồi lâu cầu nguyện, bà hoàn toàn được giải phóng khỏi tà linh.

Mọi người thấy điều đó đều kinh ngạc. Một thanh niên trẻ từ trong đoàn người đến với anh và hỏi, anh có phải là Yun không. Người đó đã nói rằng, những anh chị em ở làng họ đã cầu nguyện và kiêng ăn ba ngày liền để anh đến và giảng Tin Lành cho họ.

Yun hỏi người thanh niên, đến từ đâu. Người ấy đáp: “Em đến từ miền Nam.” Sau đó, người thanh niên giới thiệu tên cho Yun và tên làng mình. Yun có ấn tượng sâu sắc trước sự nghiêm túc của con người này và hứa ngày hôm sau sẽ đến.

Khi Yun tỉnh lại khỏi giấc mơ và khải tượng, anh biết chắc là Đức Chúa Trời đã kêu gọi anh để truyền giảng Tin Lành ở miền tây cũng như ở miền nam.

Yun xuất thân từ tỉnh Hà Nam, một địa phận ở trung tâm Trung Quốc.

Có rất nhiều Giáo sĩ người Na-uy đã làm việc ở đó từ trước Thế Chiến Thứ Nhì cho đến năm 1950. Họ đã để lại những dấu ấn thuộc linh trong vùng này. Nhiều người Trung Quốc đã được biết về Chúa Jesus và đã tiếp nhận Ngài làm cứu Chúa của mình.

So với các tỉnh khác của Trung Quốc, ở quê hương của Yun có nhiều Cơ-đốc nhân. Mẹ của Yun là một người trong số họ. Trong những năm bốn mươi, bà đã tin Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng đến khi những người cộng sản lên nắm quyền, đa số những người lãnh đạo Cơ-đốc nhân bị bắt và bị kết án nhiều năm ở tù hay ở trại cải tạo lao động. Có nhiều người đã bị giết. Vào thời gian đó, so với tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, thì Đạo Chúa bị bài trừ nhiều nhất. Nó được xem như một thứ tôn giáo của tây phương, đạo của Mỹ, muốn đồng hoá dân Trung Quốc. Những sứ giả, những giáo sĩ, bị coi như những gián điệp của chủ nghĩa đế quốc tây phương và của chủ nghĩa thuộc địa, muốn phủi sạch Trung Quốc. Dưới những điều kiện như vậy, có nhiều tín đồ Trung Hoa đã bắt buộc phải đi vào bí mật. Họ không được tự do thông công với những Cơ-đốc nhân khác hay học hỏi Lời của Đức Chúa Trời. Thật nguy hiểm, nếu ai đó bày tỏ công khai mình là Cơ-đốc nhân, tin Đức Chúa Jesus Christ.

Mẹ của Yun tuy không chối bỏ Chúa, nhưng do nhiều hoàn cảnh khác nhau, mối tương giao của bà với Chúa đã bị nguội lạnh. Điều này thường xảy ra trong số các Cơ-đốc nhân ở Trung Quốc vào thời gian đó.

Chương 3: Chuyến Công Tác Đầu Tiên về Phía Tây và Phía Nam

Sau khi Đức Chúa Trời đã bước vào đời sống anh, Yun đã nói cho bố mẹ biết rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi mình làm một nhân chứng của Chúa Jesus cho toàn đất nước Trung Quốc. Mẹ anh muốn biết Đức Chúa Trời sẽ sai anh đi đâu bây giờ. Yun chỉ biết trả lời, rằng Đức Chúa Trời gọi anh đi đến miền tây và đến miền nam để rao truyền Tin Lành.

Yun đã kể cho bố mẹ về giấc mơ của mình. Anh giải thích cho họ, rằng sau chuyến đi của anh đến miền tây, vào ngay buổi tối hôm đó sẽ có một thanh niên trẻ đến nhà mình. Yun miêu tả người thanh niên trẻ trông giống như một người đến từ hướng nam, mặc một chiếc áo trắng và quần nâu có miếng vá ở đầu gối.

“Nếu bố mẹ gặp, thì hãy nói chàng thanh niên đó nán lại cho đến khi con trở về.” Yun nói với mẹ, “Những người trong làng của anh ấy họ đã kiêng ăn và cầu nguyện ba ngày để con đến làm chứng chỗ họ và giảng Tin Lành. Thanh niên đó có tên là Jing Cai Yu”. Cảm nhận rằng, Đức Chúa Trời đã sai con mình đi, mẹ của Yun cầu nguyện xin sự che chở, mặc dù bà hoàn toàn không hiểu về điều cậu con trai nói là gì.

Khi Yun đi về hướng tây, anh không biết đến làng nào. Nên anh cứ đi tiếp tục. Anh đi qua một con sông, ở đó, anh gặp một người anh em tên là Young. Người đó hỏi anh đi đâu. Yun đáp là Đức Chúa Trời đã sai anh đi về phía tây và sau đó về phía nam, để làm chứng nhân cho Ngài và truyền giảng Tin Lành. Khi Young nghe câu chuyện của Yun, anh rất cảm động và nói: “Tôi đến để gặp anh và đưa anh về làng chúng tôi, làng có tên là “làng miền tây.” Những anh chị em ở đó đã được nghe câu chuyện anh đã cầu nguyện một thời gian dài để được một quyển Thánh Kinh, và Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của anh ra sao. Họ mời anh hãy đến chỗ họ để giảng Tin Lành và đọc Thánh Kinh cho họ.”

Khi Yun đến làng, thì lúc đó là mùa gặt. Những người nông dân ngoài đồng vừa nghe nói Yun đến, họ đã bỏ liềm cuốc xuống và chạy về nhà, nơi Yun đang ở đó. Họ muốn nhìn xem quyển Thánh Kinh của anh và lắng nghe anh. Những người trẻ già, nam nữ, tất cả đều chạy nhanh đến, vì cả đời họ chưa hề nhìn thấy tận mắt một quyển Thánh Kinh bao giờ. Khi Yun thấy sự đói khát Lời của Đức Chúa Trời của họ, anh bắt đầu hát những bài hát, mà Đức Thánh Linh đã ban cho mình. Những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má, khi họ lắng nghe. Họ nài Yun hãy để lại nội dung bài hát cho họ và giục anh hãy đọc Thánh Kinh cho họ.

Trong khi anh cầm lấy quyển Thánh Kinh, anh giải thích cho họ, đã kiêng ăn và cầu nguyện ra sao cho đến khi Đức Chúa Trời đã nhận lời cầu nguyện của anh. Vì anh không biết phải giảng ra sao, anh cứ bắt đầu đọc lại trong trí nhớ cả sách Tin Lành Ma-thi-ơ: từ đầu đến cuối. Từng chương, từng chương, tuôn ra từ trong anh. Những thiếu niên, hầu như không hiểu điều anh nói là gì, và cả người nghe cũng không hiểu nữa. Nhưng Thần của Đức Chúa Trời đã giáng xuống, và Lời của Đức Chúa Trời đã đem lại bông trái. Những tấm lòng của họ được đụng chạm bởi Lời của Đức Chúa Trời và bởi chân lý trong những lời nói của Yun.

Cuối cùng, khi anh đọc đến Tin Lành Ma-thi-ơ chương hai mươi tám, thì anh đứng lên, và đến lúc anh phải rời khỏi làng. Nhưng mà họ muốn thêm hơn, và anh đã tiếp tục, đọc cho họ từ trong Công Vụ Các Sứ Đồ. Mười hai chương đầu tiên đã tuôn trào ra từ trong anh.

Khi Yun đến, ở làng đó chỉ có ít Cơ-đốc nhân, nhưng khi anh chia tay, số tín đồ đã tăng lên đáng kể. Đó là lần đầu tiên Yun nói về Nước Trời – ở tuổi mười bảy.

Anh kể cho những dân làng, rằng anh phải đi về miền nam, có những người ở đó đang đợi anh. Một phụ nữ đã hỏi anh, anh sẽ đi đến làng nào, anh đáp, anh sẽ gặp một người và anh đã nói tên người đó. Người phụ nữ đã kinh ngạc, nói: “Anh cũng biết người này sao?” Phải, trong một chừng mực nào đó, anh biết người đó. Anh đã gặp người đó trong những giấc mơ vào buổi sáng, khi anh hứa là sẽ đến đó làm chứng và giảng Tin Lành. Người phụ nữ tư lự một hồi, nước mắt rưng rưng, “Người đó là em trai tôi”, người phụ nữ nói.

Người phụ nữ đó đã lớn lên trong làng mà Yun có ý định muốn đi đến đó. Bà đã kể về Chúa Jesus, và nhiều người đã tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình. Bà cũng đã kể là Yun đã nhận được Thánh Kinh ra sao. Trong làng có nhiều người đã kiêng ăn và cầu nguyện cho Yun có thể đến giảng.

Khi Yun bắt đầu lên đường trở về, có một phép lạ xảy ra, giống như Phi-líp trong Công Vụ Các Sứ Đồ đã kinh nghiệm. Yun sống cách xa làng miền tây đó khoảng chừng hai tiếng đồng hồ. Khi anh lên đường trở về, thì anh bỗng nhiên không mất một chút thời gian nào – đã về đến làng bố mẹ mình.

Khi bước vào nhà, mẹ anh vui mừng, sung sướng gặp lại con. “Ngay sau khi con vừa đi xong, có một người mà con đã nói rằng sẽ đến. Người đó giống như con đã kể. Mẹ hỏi anh ta, có phải tên anh là Yu phải không, và anh đến từ miền nam. Anh hết sức ngạc nhiên vì những điều đó đều đúng. Mẹ đã hỏi có phải những người ở đó đã kiêng ăn và cầu nguyện ba ngày để cho con trai tôi đến đó và đọc trong Thánh Kinh cho họ nghe không? Khi anh nghe không những ngạc nhiên mà còn có một sự kính sợ. Anh ta đáp: “Làm sao bác biết tất cả những điều đó? Cháu chưa gặp bác trước đó một lần nào.” Mẹ đã kể cho anh ta nghe là Đức Chúa Trời đã báo cho con trai tôi trong một giấc mơ. Mẹ cũng nói là con đã hứa, khi trở về sẽ đến làng họ.”

Yun hỏi mẹ, người đó bây giờ ở đâu rồi. “Anh ta không ở đây”, mẹ anh nói. “Mẹ đã hỏi anh có muốn uống gì không, nhưng anh đã về ngay lập tức, để nói mọi điều đó cho những Cơ-đốc nhân khác ở làng mình, và nói với họ Đức Chúa Trời đã nhận lời cầu nguyện của họ. Anh quá bất ngờ, đến nỗi đã bỏ quên chiếc mũ rơm lại.”

Trong khi Yun còn nói chuyện với mẹ, thì Yu đã đến, mệt đừ vì vừa quay lại. Mồ hôi chảy ròng rã. Yun cầm lấy tay Yu và nhìn kỹ anh. Vì sao? Bởi vì người đó trông giống hệt như người anh đã thấy trong giấc mơ. Yun nói: “Anh là anh Yu. Anh và những người khác trong làng anh đã cầu nguyện ba ngày, để em có thể đến chỗ các anh. Tất cả những điều đó em đã thấy trong giấc mơ đêm qua, Chúa Jesus yêu anh.” Yu ôm chầm lấy Yun và khóc. Bây giờ, mẹ của Yun bắt đầu hiểu là con trai mình hoàn toàn bình thường và những khải tượng của nó không phải là một dạng bệnh thần kinh. Nên bà đã chúc phước cho con trai và người khách. Cả hai đã lên đường về hướng nam. Lúc đó, trời đã xế tà.

Đó là lần đầu tiên Yun đi về hướng tây và hướng nam, để làm chứng về Chúa Jesus.

Ngọn lửa Tin Lành đã nhanh chóng lan tràn rộng rãi, bằng những dấu kỳ và phép lạ.

Vừa bước vào tuổi thanh niên, Yun khái niệm về “hướng tây và hướng nam”, đó là những vùng lân cận của làng anh. Càng về sau, hai mươi lăm năm tiếp theo, khái niệm đó đã mở mang đến những khu vực trong toàn cõi Trung Quốc, và bây giờ đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Mỗi một giây phút rảnh rỗi, Yun đọc Thánh Kinh. Mặc dù anh không học một trường Thánh Kinh, nhưng anh đã nghiên cứu Thánh Kinh, học thuộc lòng và đào sâu, tra cứu Lời của Đức Chúa Trời. Sự thành công về sau này của anh liên hệ cơ bản đến sự hiểu biết của mình: tra cứu Lời của Đức Trời và sau đó, bởi đức tin vận dụng vào thực tế. Hôm nay, khi nhìn lại, anh nói, “Nếu Chúa bảo tôi làm điều gì đó, thì tôi luôn luôn sẵn sàng vâng lời.”

Chương 4: Sự Bắt Bớ, Sự Phấn Hưng, và Sự Mở Cửa

Như thường xảy ra, kèm theo sự phấn hưng là những sự chống đối, bắt bớ và đau đớn. Yun, mẹ anh, và nhiều Cơ-đốc nhân khác cũng đã bị công an bắt, đánh đập, và bị nhục hình. Họ bị tố cáo là giảng công khai về niềm tin Cơ-đốc, là điều không được phép. Nhưng cho dù Sa-tan đã làm mọi điều có thể, nó cũng không thể dập tắt ngọn lửa phấn hưng. Ngay giữa thời kỳ bắt bớ này, ngọn lửa phấn hưng đã cháy bùng và lan tràn ra mọi phương trời.

Trong một làng ở phía nam mà Yun đã đến thăm, sau đó vài ngày đã bị công an bất ngờ đến khám xét. Công an an ninh đã hùng hổ bắt giam tất cả các Cơ-đốc nhân trong làng. Nhưng điều ngạc nhiên là những Cơ-đốc nhân đã phản ứng bằng một sự vui mừng không thể tả được, đến nỗi nó đã chuyển thành những tiếng cười thánh. Yun cũng đã nói cho họ về những lời Chúa Jesus nói rằng, phước cho những ai chịu sự bắt bớ vì cớ Ta. Và hình thức để bộc lộ sự vui mừng đó là tiếng cười. Những người công an chưa hề thấy có ai đó bị bắt mà lại cười được. Và vì họ nghĩ rằng, chắc là những Cơ-đốc nhân muốn trêu chọc họ và hạ thấp họ, nên họ đã bắt đầu đánh đập các anh chị em tín đồ.

Chẳng bao lâu, phòng công an an ninh càng thấy rõ rằng, Yun là một trong những nhân vật then chốt trong vòng những Cơ-đốc nhân ở trong huyện. Tên của Yun thường xuất hiện trong những tài liệu công an, đầu tiên mới ở mức độ địa phương, sau đó là đến cấp huyện, rồi đến tỉnh. Cuối cùng, tên anh cũng đã được biết đến ở những cơ quan và chính quyền các tỉnh lân cận.

Trong những năm đầu, khi Yun trở lại với Chúa, anh đã dẫn hàng nghìn người đến với Đức Chúa Jesus Christ. Khi lên mười tám tuổi, anh bắt đầu đi công tác ở những tỉnh lân cận. Khi lên hai mươi tuổi, anh tổ chức những trường huấn luyện cho những nhân sự của mình. Anh hiểu được rằng, một sự đào tạo kỹ lưỡng về Lời của Đức Chúa Trời là rất cần thiết.

Cùng trong thời gian đó, anh đã có liên lạc với những Hội Thánh tư gia hoạt động bí mật ở Trung Quốc. Một trong những mạng lưới hoạt động lớn nhất đó có tên là “Phong Trào Tái Sinh” và có nguồn gốc từ vùng mà Yun xuất thân. Đó là nơi mà một nửa thế kỷ trước những nhà truyền giáo Châu Âu đã gieo những hạt giống Lời của Đức Chúa Trời. Những giáo sĩ này đặt trọng tâm vào việc những Cơ-đốc nhân phải thực sự được tái sinh. Nhiều người lãnh đạo những Hội Thánh tư gia còn trẻ tuổi. Nhưng đó không phải là tuổi tác quyết định ai là người lãnh đạo, mà là sự trưởng thành thuộc linh. Vào mùa đông năm 1978, Yun và những nhân sự của mình bắt đầu cử hành lễ báp-tem cho những tín đồ mới. Hầu hết họ làm báp-tem vào ban đêm, vì lúc đó, ít bị bắt bớ gay gắt hơn. Vào mùa đông, họ đục những lỗ thủng dưới con sông và báp-tem những tín đồ dưới nước băng giá đó. Hàng trăm người có thể được báp-tem trong một đêm.

Vào ngày chín Tháng Chín, năm 1976, vị “chủ tịch vĩ đại” của Trung Quốc Mao Trạch Đông từ trần và cùng ra đi với ông là cuộc cách mạng văn hoá với những kết cục thảm hại. Nền kinh tế đất nước bị điêu đứng. Xã hội Trung Quốc hoàn toàn bị trật khỏi đường ray. Về nhiều khía cạnh, Trung Quốc bị phát triển thụt lùi. Vào lúc đó, điều cấp thiết là củng cố đất nước và đưa các sinh hoạt trở về sự bình thường hóa.

Vào năm 1979, khi Yun hai mươi mốt tuổi, Đặng Tiểu Bình lên lãnh đạo. Đặng đã lập tức thi hành những biện pháp để bình thường hoá Trung Quốc – một sự cần thiết tuyệt đối. Thuộc vào một phần trong chính sách của sự mở cửa, ông cho phép tự do tôn giáo phần nào – ít nhất cũng như những Cơ-đốc nhân trong những năm năm mươi đã được hưởng. Đặng đã cho phép những tổ chức lớn có tên gọi là năm tổ chức tôn giáo yêu nước, bao gồm: Phật Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo, Công Giáo, và Tin Lành hoạt động trở lại. Tổ chức chịu trách nhiệm về hội Tin Lành có tên là “Phong Trào Ba Độc Lập Yêu Nước”, hay còn gọi là “Hội Thánh Ba Độc Lập”. Phong Trào Ba Độc Lập, được hình thành từ những năm năm mươi do đại đa số những nhà Thần học tự do. Trong cuộc cách mạng văn hoá, tất cả những hoạt động tôn giáo, kể cả của Hội Thánh Ba Độc Lập đều bị nghiêm cấm. Bây giờ, dưới thời Đặng, Hội Thánh Ba Độc Lập lại được phép hoạt động trở lại. Đảng cộng sản thấy rằng, phải công nhận chút ít niềm tin của người dân là một điều cần thiết, nên đã cho phép tự do tôn giáo trong một chừng mực nhất định. Họ tin rằng, tất cả các tôn giáo rồi sẽ qua đi. Theo như học thuyết Mác, thì đó chỉ là một câu hỏi của sự tiến bộ và sự giáo dục đầy đủ, và tất cả mọi loại hình tôn giáo sẽ bị biến mất khỏi đầu óc con người.

Nhưng, sự tự do tôn giáo này có một điều kiện tiên quyết kèm theo, đó là họ phải quy phục sự kiểm soát của nhà nước. Những tổ chức tôn giáo không được phép đối lập lại những giá trị và mục đích của chính phủ Trung Quốc trong việc xây dựng đất nước.

Ngày nay, Hội Thánh Ba Độc Lập được ủng hộ bởi một hiệp hội có tên gọi là “Hội Đồng Cố Vấn của Những Cơ-đốc Nhân” và “Văn Phòng Phụ Trách về Những Vấn Đề Tôn Giáo”, một cơ quan của chính phủ, với chủ trương áp dụng những mục tiêu chính trị của Đảng cộng sản. Những tổ chức này canh phòng để cho đường lối của Đảng liên quan về vấn đề tôn giáo được thi hành ở Hội Thánh Ba Độc Lập, cho dù đó là bằng “bàn tay sắt” hay là bằng “găng tay nhung”.

Người Trung Quốc được tuyên truyền rằng, họ chỉ cần thực hành đức tin một cách cá nhân và giữ cho mình. Sự giảng đạo và thờ phượng Chúa chỉ được cho phép ở những Hội Thánh chính quy được đăng ký với nhà nước. Những người trẻ hơn mười tám tuổi không được phép tham dự buổi thờ phượng Chúa. Giảng Tin Lành công khai bị tuyệt đối nghiêm cấm.

Về phần hạ tầng, trong vòng Hội Thánh Ba Độc Lập, có nhiều Cơ-đốc nhân sốt sắng muốn làm chứng về đức tin của mình cho những người khác ở ngoài Hội Thánh, nhưng họ phải được sự chấp thuận của chính phủ về điều đó, trước khi đi ra và giảng đạo.

Hội Thánh tư gia bác bỏ mọi điều kiện này và không muốn để cho những người như vậy lèo lái hay định đoạt, vì đó là những người không chấp nhận giá trị Lời của Đức Chúa Trời. Theo cách nhìn của Hội Thánh tư gia, thì một chính phủ vô thần không thể nào lại có thể đảm nhận sự lãnh đạo Hội Thánh được. Kể cả Yun, anh luôn luôn là người đứng lên, nói rằng, Hội Thánh tư gia cần phải tách ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ.

Xem tiếp: Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 05 (b)
https://timhieutinlanh.com/hoa-hue-giua-chong-gai-05-b/