Bạn Thật Yêu Chúa Chăng?

3,521 views

Bạn Thật Yêu Chúa Chăng?

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive:https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

I. Yêu Chúa hơn tất cả mọi sự

Một người thật lòng yêu Chúa, trước hết, phải yêu Chúa hơn tất cả mọi sự. Chữ mọi sự được dùng ở đây bao gồm các phương diện liên quan đến: tình cảm, tiện nghi của đời sống, và chính mạng sống của người đi theo Chúa. Chúng ta dễ dàng nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con yêu Chúa hơn tất cả mọi sự,” nhưng trong thực tế của đời sống, chúng ta lại đặt tình cảm, tiện nghi của đời sống, hay sinh mạng của mình lên trên tình yêu chúng ta dành cho Chúa.

Có khi nào trong cuộc đời chúng ta, chúng ta yêu cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cháu, bà con, bạn bè, người yêu, thậm chí các minh tinh ca nhạc, thể thao, màn ảnh… hơn là yêu Chúa? Hoặc là chúng ta yêu quê hương, đất nước, yêu một chủ nghĩa, yêu một công việc, hay yêu một thú vui tội lỗi hơn là yêu Chúa? Có khi nào trong cuộc đời chúng ta, chúng ta yêu tiền bạc, những tiện nghi vật chất, tài sản, danh vọng, địa vị, học thức, bằng cấp của đời này hơn là yêu Chúa?

Nếu chúng ta xem tình cảm, tiện nghi của đời sống hơn Chúa thì chắc chắc không thể nào chúng ta có thể hy sinh mạng sống của mình cho Chúa. Tiêu chuẩn thứ nhất để xác định chúng ta có thật lòng yêu Chúa hay không được Chúa phán dạy như sau:

“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta. Ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta. Ai không vác thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.” (Ma-thi-ơ 10:37-39).

Sau khi phục sinh, Đức Chúa Jesus đã dùng chính tiêu chuẩn này để đo lường tình yêu của Sứ Đồ Phi-e-rơ dành cho Ngài:

“Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những sự nầy chăng?” (Giăng 21:15).

Trong nguyên tác của Thánh Kinh, Chúa dùng chữ “touton” có nghĩa là “những sự này,” bao gồm người và vật. Chúng ta có thể hiểu rằng, Chúa muốn hỏi Phi-e-rơ có yêu Chúa hơn các sứ đồ là những bạn thân của ông, con thuyền đánh cá là tài sản của ông, nghề đánh cá là phương tiện mưu sinh của ông… Ngày hôm nay, khi chúng ta đối diện với tất cả mọi sự trong thế gian, mong rằng, chúng ta có thể nói một cách chân thành: “Lạy Chúa, con yêu Chúa hơn tất cả mọi sự này.”

II. Yêu Chúa bằng cả con người của mình

Tiêu chuẩn thứ hai trong sự yêu Chúa là: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa.”

“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” (Mác 12:30)

1. Hết lòng: Chữ lòng, theo nghĩa đen là trái tim, theo nghĩa bóng là “con người bên trong,” là tâm thần của một người. Lòng (tâm thần) chúng ta nhận biết Chúa qua trực giác, ghi nhận thánh ý của Chúa vào lương tâm, và thờ phượng chỉ một mình Chúa theo lẽ thật mà Chúa đã bày tỏ cho chúng ta. Yêu Chúa hết lòng là trong lòng chúng ta chỉ có Chúa, không có một thần tượng nào khác, không tiếp nhận những “điều sâu hiễm của Satan” (Khài Huyền 2:24) tức là những văn hóa, tri thức của các tà linh, tà giáo, ngoại đạo; cũng không dung túng hoặc thoả hiệp với chúng:

“Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24).

“Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta.  Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi:Ta sẽ làm Chúa các ngươi, các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn Năng phán như vậy.” (II Cô-rinh-tô 6:16-18).

2. Hết linh hồn: Chữ linh hồn có hai nghĩa: (1) sự sống mà chúng ta kinh nghiệm trong thế giới vật chất hiện tại, (2) là bản ngã, là con người đích thật của chúng ta. Bản ngã, hay con người đích thật của chúng ta, tức là linh hồn, có phần tâm thần để tương giao với thế giới thuộc linh và có phần thể xác để tương giao với thế giới thuộc thể. Ta tức là linh hồn. Ta tâm thần để tương giao với thế giới thần linh. Ta thể xác để tương giao với thế giới vật chất. Thánh Kinh không bao giờ nói Ta có linh hồn ví Ta chính là linh hồn. Thánh Kinh cũng không bao giờ nói Ta là tâm thần, hoặc Ta là thể xác.

Bản ngã hay linh hồn của chúng ta có lý trí, có tình cảm, và có ý chí. Linh hồn thu thập các thông tin về thế giới vật chất qua năm giác quan của thể xác, thu thập các thông tin về thế giới thuộc linh qua trực giác (còn được gọi là giác quan thứ sáu) rồi dựa vào đó để lý luận. Linh hồn dựa vào kết quả lý luận để phát sinh ra những tình cảm. Linh hồn dựa vào lý trí và tình cảm để đi đến quyết định, tức là ý chí. Khi ý chí đã phát sinh thì được thể hiện thành lời nói và hành động qua thể xác, được thể hiện thành sự thờ phượng trong tâm thần.

Hết linh hồn yêu Chúa là yêu Chúa bằng tất cả sức sống của chúng ta, là trọn vẹn đầu phục Chúa, dâng lên Chúa tất cả lý trí, tình cảm, và ý chí của chúng ta để Chúa ngự trong chúng ta và Chúa sống trong chúng ta:

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

3. Hết trí khôn: Kết quả của sự lý luận trong linh hồn sinh ra trí khôn. Trí khôn là sự hiểu biết đúng về bản chất của một sự việc. Một người hết trí khôn yêu Chúa là một người hầu việc Chúa và thờ phượng Chúa với tất cả tri thức của mình về Chúa, tức thờ phượng Chúa bằng lẽ thật. Nhiều khi chúng ta hiểu biết thánh ý của Chúa nhưng chúng ta không hầu việc và thờ phượng Chúa theo thánh ý của Ngài, và như vậy, chúng ta không yêu Chúa bằng hết cả trí khôn.

“Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức…” (Châm Ngôn 1:7).

“Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24).

4. Hết sức: Chữ sức ở đây chỉ về năng lực, nghĩa là khả năng và sức mạnh để hành động. Có năng lực thuộc thể và năng lực thuộc linh. Năng lực thuộc thể là sức mạnh và khả năng của bắp thịt, năng lực thuộc linh là sức mạnh và khả năng của linh hồn, tức là ý chí. Sức mạnh của linh hồn điều khiển sức mạnh của bắp thịt. Hết sức yêu Chúa là dốc trọn khả năng và sức mạnh để hầu việc và thờ phượng Chúa, là làm việc gì cũng hết lòng mà làm trong danh Chúa, và vì sự vinh hiển của Ngài:

“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.” (Cô-lô-se 3:23).

“Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Cô-lô-se 3:17).

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

III. Tiếp nhận và vâng giữ các điều răn của Chúa

Làm sao để chứng minh được một người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức yêu Chúa? Chính Đức Chúa Jesus đưa ra tiêu chuẩn để chứng minh. Ngài phán:

“Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta. Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta. Người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta.” (Giăng 14:15, 21).

Đó cũng chính là tiêu chuẩn “nhìn trái biết cây.” Một người thật lòng yêu Chúa là một người tiếp nhận và vâng giữ các mạng lệnh của Chúa, thể hiện qua nếp sống đạo mỗi ngày.

Tiếp nhận lời Chúa là không lý luận phản bác lời Chúa dạy nhưng xem đó là mệnh lệnh phải thi hành bằng bất kỳ giá nào. Nếu Chúa phán: “Hãy trở nên trọn vẹn như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn” (Ma-thi-ơ 5:48) thì chúng ta liền thưa: “Lạy Chúa, xin thêm sức cho con và khiến con nên trọn vẹn theo thánh ý của Chúa.” Thánh Kinh xác định chính Đức Chúa Trời thành tín sẽ khiến cho tâm thần, linh hồn, và thể xác chúng ta được trọn vẹn không chỗ trách được cho đến kỳ Đấng Christ đến (II Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Có người lý luận rằng “nhân vô thập toàn” cho nên loài người không thể nào trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời. Những người lý luận như thế là những người phản bác lời Chúa, cho rằng Đức Chúa Trời nói dối, cho rằng Đức Chúa Trời không toàn năng, cho rằng lời nói của loài người là chân lý còn lời nói của Chúa là vô lý. Những người như vậy đã phạm thượng với Đức Chúa Trời. Nếu Chúa phán: “Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:25) thì chúng ta tìm đủ mọi cách vượt mọi khó khăn để có thể nhóm lại đồng thời khích lệ, giúp đỡ cho anh chị em khác cũng trung tín trong sự nhóm lại, thay vì tìm đủ mọi lý do để bỏ nhóm và rủ rê người khác bỏ nhóm.

Vâng giữ lời Chúa là “suy gẫm ngày đêm và cẩn thận làm theo” lời dạy của Chúa (Giô-suê 1:8). Nếu chúng ta không suy gẫm ngày đêm thì chúng ta sẽ không thông biết lời Chúa để có thể làm theo. Thánh Kinh dạy rằng, những con dân Chúa thiếu sự thông biết sẽ bị diệt (Ô-sê 4:6).

Sứ Đồ Giăng định nghĩa sự yêu Chúa như sau:

“Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3).

Như vậy, khi chúng ta nói chúng ta không thể làm điều này, điều kia theo lời dạy của Chúa là chúng ta đã cho rằng mạng lệnh của Chúa là nặng nề, không thể thi hành, là chúng ta cho rằng Đức Thánh Linh nói dối, vì Đức Thánh Linh đã qua ngòi viết của Sứ Đồ Giăng phán rằng: “điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.”

Kết luận

Yêu Chúa hơn tất cả mọi sự là chúng ta chọn Chúa. Yêu Chúa bằng cả tấm lòng, cả linh hồn, cả trí khôn, cả năng lực là chúng ta thờ phượng Chúa. Tiếp nhận và vâng giữ các điều răn của Chúa là chúng ta sống trong Chúa. Tất cả những điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta thật lòng yêu Chúa.

Đời sống vâng giữ lời Chúa là bằng chứng về lòng yêu Chúa của chúng ta, mà lời Chúa thì chẳng phải là nặng nề, chẳng phải là khó khăn để mà vâng theo. Vì vậy, câu hỏi dành cho chúng ta không phải là chúng ta có thể vâng giữ lời Chúa hay không, mà là: Chúng ta có thật lòng yêu Chúa hay không.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/07/2007