Vương Quốc Trời – Ngàn Năm

1,102 views

YouTube: https://youtu.be/xLIg8tpzSIU

202211 Bài Giảng Trong Năm 2022
Vương Quốc Trời
Vương Quốc Ngàn Năm

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “Vương Quốc Trời” và “Vương Quốc Đời Đời”. Chúng ta đã nhận thức rằng, Vương Quốc Trời được thể hiện trong ba thời kỳ: Thời kỳ nội tại, thời kỳ ngàn năm, và thời kỳ đời đời. Chúng ta cũng đã tìm hiểu về Vương Quốc Trời trong thời kỳ nội tại. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Vương Quốc Trời trong thời kỳ ngàn năm, còn được gọi là Vương Quốc Ngàn Năm.

Vương Quốc Ngàn Năm

Vương Quốc Ngàn Năm đã được Thánh Kinh nói đến từ trong thời của Tiên Tri Ê-sai và Tiên Tri Ê-xê-chi-ên.

Tiên Tri Ê-sai là tiên tri của dân I-sơ-ra-ên thuộc vương quốc Giu-đa ở phía nam. Theo Ê-sai 1:1 thì ông làm tiên tri trong các đời vua: Ô-xia, Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia. Vua Ô-xia lên ngai vào năm 767 TCN. Khi đó, vương quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc đã sắp bị đế quốc A-si-ri tiêu diệt, vì phạm tội thờ thần tượng. Vương quốc phía nam là Giu-đa thì cũng chẳng khá hơn.

Trong sách Ê-sai, có nhiều nơi ghi lại các lời tiên tri liên quan đến thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Nhưng nổi bật nhất là các đoạn 11, 65, và 66.

Tiên Tri Ê-xê-chi-ên là tiên tri của dân I-sơ-ra-ên thuộc vương quốc Giu-đa, sau khi họ đã bị lưu đày sang xứ Ba-bi-lôn. Vào khoảng tháng Tư, năm 573 TCN, Ê-xê-chi-ên đã thấy khải tượng về Đền Thờ Thiên Chúa, về sự chia lại đất cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Ông đã ghi lại cách rất chi tiết khải tượng ấy trong chín đoạn cuối cùng của sách Ê-xê-chi-ên, từ đoạn 40 đến đoạn 48.

Thực tế, năm 722 TCN thì vương quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc đã bị tiêu diệt bởi đế quốc A-si-ri; và năm 587 TCN thì vương quốc Giu-đa ở phía nam đã bị tiêu diệt bởi đế quốc Ba-bi-lôn. Sau 70 năm bị lưu đày tại Ba-bi-lôn, dân I-sơ-ra-ên từ Ba-bi-lôn được quay về, dựng lại Đền Thờ Thiên Chúa và xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Nhưng I-sơ-ra-ên chưa bao giờ chính thức được tái lập thành một quốc gia độc lập, hoàn toàn có chủ quyền quốc gia cho tới ngày 14/05/1948. Sự tái lập quốc của I-sơ-ra-ên và sự sau đó, họ hoàn toàn chiếm lại chủ quyền của thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 07/06/1967, là dấu hiệu cho biết, thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm đã gần, chỉ trong khoảng thời gian của một đời người. Theo Thánh Kinh, một đời người chỉ trong vòng 70 năm hay 80 năm [1]:

Những ngày của những năm của chúng con là bảy mươi năm. Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi năm. Nhưng sự kiêu căng của chúng chỉ là lao khổ và buồn thảm. Vì chúng chóng qua, rồi chúng con bay mất đi.” (Thi Thiên 90:10).

Liền trước thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ có hai sự kiện lớn chưa từng có trong lịch sử xảy ra. Đó là sự kiện Hội Thánh được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian và sự kiện Kỳ Tận Thế. Đó là thời kỳ sẽ kéo dài suốt bảy năm với sự hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên toàn thế gian. Vào cuối Kỳ Tận Thế, Đấng Christ sẽ kết thúc toàn thể chính quyền tự trị của loài người, tiêu diệt tất cả những ai không vâng phục Thiên Chúa [2]. Sự kiện Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Sự kiện Kỳ Tận Thế sẽ theo liền sau đó hoặc theo sau chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Phân đoạn Ê-sai 65:17-20 là một phân đoạn quan trọng. Vì nó giúp cho chúng ta hiểu rằng, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, trời đất được đổi mới, nhưng không phải là hoàn toàn bị tiêu tan rồi được dựng nên mới, như trời mới đất mới trong thời kỳ Vương Quốc Đời Đời. Đến cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm thì trời và đất sẽ không còn nữa (Khải Huyền 20:11). Vì toàn bộ thế giới vật chất sẽ bị nổ tung và cháy tan (II Phi-e-rơ 3:10-12). Rồi, Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn dựng nên trời mới và đất mới, với trái đất có kích thước lớn hơn nhiều để có thể tiếp nhận thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trời giáng xuống. Vì thành là một khối vuông mà mỗi chiều và chiều cao đều bằng 2.200 km (Khải Huyền 21). Trái đất với kích thước hiện tại không thể chứa một thực thể có chiều cao lên đến 2.200 km. Đỉnh Everest của Hy-mã-lạp Sơn là khối lượng cao nhất trên trái đất nhưng vẫn cao chưa tới 9 km (8.848,86 mét). Chiều cao 2.200 km là gấp hơn 244 lần chiều cao của đỉnh Everest. Các loại máy bay chở hành khách chỉ bay cao nhất là cách mặt nước biển khoảng từ 9 đến 11 km. Trạm Không Gian Quốc tế (International Space Station) chỉ bay cách mặt đất 400 km. Viễn Vọng Kính Không Gian Hubble (Hubble Space Telescope) chỉ bay cách mặt đất 610 km. Vì thế, khó mà hình tưởng một thành phố rộng tương đương 1/2 nước Mỹ và có chiều cao hơn mặt đất 2.200 km.

Trời đất trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ chỉ được làm mới lại, được phục hồi như buổi đầu sáng thế mà thôi.

Ê-sai 65:17-20

17 Vì, kìa! Ta làm ra trời mới và đất mới. Những sự trước sẽ chẳng được nhớ cũng chẳng đến trong tâm trí.

18 Nhưng các ngươi hãy mừng rỡ và vui vẻ cho tới mãi mãi sự Ta làm ra. Vì, kìa! Ta làm ra Giê-ru-sa-lem cho sự vui, và dân nó cho sự mừng rỡ.

19 Ta sẽ vui vì Giê-ru-sa-lem và sẽ mừng vì dân Ta. Tiếng khóc hay là tiếng kêu la sẽ không còn được nghe trong nó.

20 Tại đó, sẽ không còn nữa trẻ con chỉ sống vài ngày, hay người lớn chẳng đầy trọn những ngày của mình. Vì đứa trẻ con sẽ chết lúc trăm tuổi là kẻ có tội lúc trăm tuổi, bị rủa sả.

Động từ “bârâ’” /ba-ra/ (H1254) được dịch là “làm ra” trong câu 17 cùng là động từ được dịch là “sáng tạo” trong Sáng Thế Ký 1:1. Động từ này bao gồm các nghĩa:

  • Sáng tạo: từ không có làm cho có, như sự sáng tạo các tầng trời và đất được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 1.

  • Làm ra hình thể: từ một vật liệu có sẵn, như sự sáng tạo loài người và muôn loài sinh vật trên đất.

  • Làm mới lại điều kiện hoặc hoàn cảnh, như sự tái sinh người tin nhận Tin Lành.

  • Làm cho thay đổi hình thể và phẩm chất, như sự biến hóa hoặc sự sống lại của thân thể xác thịt loài người.

Theo văn mạch thì động từ “bârâ’” trong Ê-sai 65:17 phải được dịch là “làm ra” với nghĩa: làm mới lại, làm thay đổi hình thể và phẩm chất của trời đất hiện tại. Khác với trời mới đất mới sẽ được sáng tạo từ không ra có cho Vương Quốc Đời Đời. Trong trời mới đất mới được sáng tạo sẽ không có tội lỗi và sự chết:

Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:4).

Nhưng trong trời đất được làm cho mới lại của Vương Quốc Ngàn Năm thì sự chết và tội lỗi vẫn còn, như Ê-sai 65:20 xác định, trẻ con chết lúc trăm tuổi là có tội. Thực tế, vào cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ có vô số người theo Sa-tan, phản nghịch Thiên Chúa; và họ sẽ bị lửa của Đức Chúa Trời thiêu đốt.

Công dân của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm là những người thật lòng tin nhận Tin Lành và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa trong Kỳ Tận Thế mà chưa bị AntiChrist giết. Loài người và các sinh vật khác trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm được ban cho khỏe mạnh, không bệnh tật. Loài người nếu không phạm tội thì sẽ sống đến hết thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Sau đó, thân thể xác thịt sẽ được biến hóa để bước vào Vương Quốc Đời Đời của trời mới đất mới. Nếu ai phạm tội thì sẽ chết lúc trăm tuổi. Điều đó cũng hàm ý, nếu một người sống đến trăm tuổi mà không phạm tội thì người ấy sẽ không phạm tội trong suốt thời gian còn lại của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Những người sống trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm vẫn kết hôn và sinh con để làm đầy dẫy đất.

Những sự trước” trong Ê-sai 65:17 là những sự đau khổ vì bị áp bức, vì bất công, vì thiên tai, đói kém, chiến tranh, dịch bệnh… mà cao điểm là bảy năm của Kỳ Tận Thế, sẽ không còn trong Vương Quốc Ngàn Năm.

Ê-sai đoạn 11 là phân đoạn Thánh Kinh mô tả một số chi tiết về thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Trong đó, các câu 6-9 cho chúng ta thấy, loài người và loài thú đều được phục hòa với nhau, chung sống hòa bình và hạnh phúc như buổi đầu sáng thế.

Ê-sai 11:6-9

6 Bấy giờ, chó sói sẽ ở với chiên con; beo sẽ nằm với dê con; bò con và sư tử con được nuôi mập với nhau; một đứa trẻ sẽ dắt chúng nó.

7 Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ của chúng nó nằm chung; sư tử sẽ ăn cỏ khô như bò.

8 Trẻ con đang bú sẽ chơi kề hang của rắn hổ mang; trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang của rắn độc.

9 Chúng nó sẽ chẳng làm hại cũng chẳng hủy diệt trong cả núi thánh của Ta. Vì thế gian sẽ đầy dẫy sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như nước che lấp biển.

Các câu trên đây phải được hiểu theo nghĩa đen. Chó sói, beo, và sư tử hiện nay đều là loài ăn thịt. Chiên con, dê con, và bò con đều là gia súc dễ bị chó sói, beo, và sư tử ăn thịt. Nhưng trong Vương Quốc Ngàn Năm, các loài thú vốn ăn thịt sẽ ăn thực vật như buổi đầu sáng thế. Các loài rắn độc nhất cũng trở thành vô hại. Mọi loài sinh vật sẽ sống chung hòa bình với nhau; và chúng sẽ hoàn toàn ở dưới quyền cai trị của loài người.

Trong Thánh Kinh, núi thánh của Thiên Chúa là Núi Si-na-i và Núi Si-ôn. Núi Si-na-i là nơi Thiên Chúa giáng lâm để ban Mười Điều Răn và Luật Pháp của Đức Chúa Trời cho loài người, qua dân I-sơ-ra-ên. Núi Si-ôn là nơi tọa lạc của Đền Thờ Thiên Chúa, và sẽ là nơi Đấng Christ ngự để cai trị Vương Quốc Ngàn Năm. Nhưng danh từ “núi thánh” được dùng trong câu 9 là để chỉ cả trái đất, khi Đấng Christ ngự xuống trên đất để cai trị Vương Quốc Ngàn Năm. Chúng ta hiểu như vậy; vì trong phần trước của câu dùng danh từ “núi thánh” và phần sau thì dùng danh từ “thế gian” để giải thích cho phần trước. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, danh từ “’erets” /e-rét/ (H769) vừa có nghĩa là trái đất hoặc mặt đất, vừa có nghĩa là thế gian, tức muôn vật trên đất và trong đất.

Sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cùng nghĩa với sự nhận biết vinh quang của Ngài.

Vì thế gian sẽ được đầy dẫy sự nhận biết vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu như nước che lấp biển.” (Ha-ba-cúc 2:14).

Nhận biết sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là nhận biết sự chiếu ra: tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài. Sự nhận biết này là sự ban cho từ Thiên Chúa cho mỗi người sống trong Vương Quốc Ngàn Năm.

Như nước che lấp biển” là thành ngữ nói đến sự bao phủ đầy trọn, khắp nơi. Chính vì sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được đầy trọn khắp thế gian trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm mà những kẻ chọn phạm tội trong thời kỳ ấy sẽ không có cơ hội để ăn năn. Đó là sự phạm tội do ý riêng của mỗi người, không do Sa-tan cám dỗ. Vì khi ấy, Sa-tan đã bị giam vào vực sâu không đáy (Khải Huyền 20:1-3).

Chớ có ai bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào tác động đến Ngài, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:13-15).

Cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, Sa-tan sẽ được thả ra từ vực sâu. Nó sẽ xuất hiện trên đất và lôi kéo vô số người theo nó, chống nghịch Đấng Christ. Sách Khải Huyền đã tiên tri về cuộc bạo loạn ấy như sau:

Khải Huyền 20:7-10

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

Vì sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đầy dẫy thế gian trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, nên từ đó, sẽ chẳng có ai giảng dạy về Chúa cho người khác. Ngoại trừ sự giảng dạy của Đức Thánh Linh trong thần trí của mỗi người và những lời giảng dạy ra từ chính Đấng Christ (Ê-sai 2:3).

Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta sẽ tha sự gian ác của chúng nó, và Ta sẽ chẳng nhớ tội lỗi của chúng nó nữa.” (Giê-rê-mi 31:34).

Điều đó không có nghĩa là mọi người đều có cùng một trình độ tri thức về Thiên Chúa như nhau. Cũng không có nghĩa là mọi người đều có sự tri thức đầy trọn về Thiên Chúa. Chúng tôi tin rằng, sự hiểu biết về Thiên Chúa của mỗi con dân Chúa trong đời này sẽ theo mỗi người vào trong đời sau. Và trong đời sau, sự tri thức về Thiên Chúa của mỗi người sẽ vẫn thêm lên mãi mãi. Vì Thiên Chúa là Đấng Đời Đời nên sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa sẽ thêm lên cho tới đời đời.

Vương Quốc Ngàn Năm được bắt đầu với những người hoàn toàn tin nhận Chúa và có sự tri thức về Chúa. Sự tri thức của họ sẽ được thêm lên trực tiếp từ Đức Thánh Linh, sẽ không còn ai giảng dạy về Chúa cho người khác nữa. Ngay cả trẻ con được sinh ra trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm cũng sẽ có sự tri thức về Thiên Chúa đến bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta hiểu rằng, sự tri thức đó sẽ đến với chúng như vào buổi đầu sáng thế đã đến với A-đam và Ê-va. Ngoài ra, chúng còn được nghe những lời ra từ Đấng Christ. Sự tri thức của loài người trong Vương Quốc Ngàn Năm vừa được thêm lên bởi sự giảng dạy của Đức Thánh Linh trong thần trí, vừa được thêm lên bởi sự giảng dạy của Đấng Christ.

Ê-sai 65:25 cũng nói đến sự kiện các loài thú chung sống hòa bình với nhau, trong Vương Quốc Ngàn Năm. Ngay cả loài rắn cũng không còn gây tổn hại:

Chó sói với chiên con sẽ ăn chung với nhau, sư tử sẽ ăn rơm như bò, bụi đất sẽ là thức ăn cho rắn. Chúng nó sẽ chẳng làm tổn hại hoặc hủy phá trong khắp núi thánh của Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 65:25).

Có một chi tiết đáng chú ý là trong khi loài sư tử được ăn rơm như bò thì loài rắn ăn bụi đất. Đây cũng chính là án phạt dành cho con rắn cám dỗ bà Ê-va (Sáng Thế Ký 3:14). Thực tế thì vào buổi đầu sáng thế, thức ăn của muôn loài là thực vật, kể cả thức ăn của loài người (Sáng Thế Ký 1:29-30). Chỉ sau Cơn Lụt Lớn thì loài người mới được Đức Chúa Trời cho phép ăn thịt (Sáng Thế Ký 9:3-5). Có lẽ sau Cơn Lụt Lớn thì thức ăn từ thực vật không còn đủ dinh dưỡng cho loài người.

Chúng ta không biết từ bao giờ thì một số loài thú cũng ăn thịt. Nhưng trong Vương Quốc Ngàn Năm thì có lẽ muôn loài, kể cả loài người, đều trở lại chỉ ăn thực vật; nhưng riêng loài rắn thì ăn bụi đất. Về ý nghĩa của sự rắn ăn bụi đất thì thực tế, loài rắn thường liếm bụi đất để nếm và ngửi trong khi săn mồi [3]. Nhưng chúng ta biết là rắn không sống bằng sự ăn bụi đất. Ngoài ra, “ăn bụi đất” hoặc “liếm bụi đất” là một thành ngữ tiếng Hê-bơ-rơ được dùng để nói đến sự bị hạ nhục, như ý nghĩa được dùng trong các nơi khác trong Thánh Kinh:

Những kẻ ở đồng vắng sẽ cúi lạy trước mặt người; còn những kẻ thù của người sẽ liếm bụi đất.” (Thi Thiên 72:9).

Các vua sẽ làm các cha nuôi của ngươi, các hoàng hậu của họ sẽ làm các mẹ nuôi của ngươi. Họ sẽ cúi mặt sát đất ở trước ngươi; liếm bụi đất nơi chân ngươi. Ngươi sẽ biết rằng, Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Những ai trông cậy Ta sẽ chẳng bị hổ thẹn.” (Ê-sai 49:23).

Chúng nó sẽ liếm bụi như con rắn. Chúng nó sẽ run rẩy ra khỏi các hang của chúng như sâu bọ của đất. Chúng nó sẽ kinh hãi về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của chúng tôi, và sẽ khiếp sợ Ngài.” (Mi-chê 7:17).

Nhưng cũng có thể, sau khi tội lỗi vào trong thế gian thì loài rắn bị mất chân, phải bò bằng bụng, và ăn bụi đất, như loài giun đất. Có lẽ sau Cơn Lụt Lớn thì chúng mới bắt đầu ăn thịt như loài người và một số loài thú khác. Riêng về sự rắn có chân thì ngành khảo cổ đã tìm được một số di tích hóa thạch cho thấy, một số loài rắn trước kia vốn có chân [4].

Vì Ê-sai 65:25 phải được hiểu theo nghĩa đen khi so với Ê-sai 11:6-9 và nhất là cách dùng chữ rất rõ ràng: “bụi đất sẽ là thức ăn cho rắn”; nên chúng ta hãy tin rằng, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm thì loài rắn chỉ sống nhờ ăn bụi đất.

Trong Vương Quốc Ngàn Năm, Đấng Christ sẽ thực tế cai trị các tầng trời và toàn thế gian. Vua Đa-vít cùng mười hai sứ đồ của Chúa sẽ cai trị quốc gia I-sơ-ra-ên. Hội Thánh và những người chịu chết vì danh Chúa trong Kỳ Tận Thế cũng được cai trị trong Vương Quốc Ngàn Năm.

Đa-vít, tôi tớ của Ta, sẽ là vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một người chăn. Chúng nó sẽ bước đi trong các mệnh lệnh của Ta. Chúng nó sẽ vâng giữ các luật lệ của Ta và làm theo. Chúng nó sẽ ở trong đất mà Ta đã ban cho Gia-cốp, tôi tớ của Ta, nơi các tổ phụ của các ngươi đã ở. Chúng nó sẽ ở tại đó; chúng nó, con cái chúng nó, và con cái của con cái chúng nó, cho đến mãi mãi. Đa-vít, tôi tớ của Ta, sẽ là vua của chúng nó đời đời.” (Ê-xê-chi-ên 37:24-25).

Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Thật! Ta nói với các ngươi rằng, trong kỳ đổi mới, khi Con Người sẽ ngự trên ngai vinh quang của Ngài, thì các ngươi là những người đã theo Ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngai mà phán xét mười hai chi phái I-sơ-ra-ên.” (Ma-thi-ơ 19:28).

Chúng ta lưu ý, Đức Chúa Jesus dùng từ ngữ “kỳ đổi mới” để chỉ về sự trời đất hiện tại của chúng ta sẽ được đổi mới, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Và tôi thấy có nhiều ngai và những người ngồi trên chúng. Quyền phán xét được ban cho họ. Tôi thấy những linh hồn của những người đã bị chém đầu bởi sự làm chứng về Đức Chúa Jesus và về Lời của Đức Chúa Trời, là những người đã không thờ phượng con thú hoặc tượng của nó, cũng đã không nhận dấu hiệu của nó trên trán hoặc trên tay của họ. Họ được sống và được cai trị với Đấng Christ một ngàn năm.” (Khải Huyền 20:4).

Nhiều ngai và những người ngồi trên chúng” là chỉ về Hội Thánh. Hội Thánh là những người cầm quyền cai trị thân cận với Đấng Christ nhất. Vì họ là những con dân Chúa duy nhất được kết hiệp làm một thân với Ngài. Dù Thánh Kinh không nói nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, Hội Thánh giống như bộ nội các của Đấng Christ. Hội Thánh sẽ đồng trị với Đấng Christ không những khắp thế gian mà còn khắp các tầng trời. Trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, trời và đất đều được làm cho mới lại như buổi đầu sáng thế. Vì thế, việc Hội Thánh đồng trị với Chúa trên vô số các hành tinh là điều phải lẽ.

Trái đất là một trong chín hành tinh xoay chung quanh mặt trời, họp thành một hệ thống, gọi là “thái dương hệ” (solar system), có nghĩa là hệ thống mặt trời. Mặt trời của chúng ta là một trong số hơn 200 tỉ ngôi sao trong thiên hà (galaxy) của chúng ta [5]. Thiên hà có nghĩa là dòng sông ở trên trời, là danh từ dùng để gọi một chuỗi khổng lồ hàng trăm tỉ ngôi sao vận hành trong cùng một hệ thống. Thiên hà của chúng ta được gọi trong tiếng Việt là “Ngân Hà”, có nghĩa là con sông bạc. Trong tiếng Anh gọi là “Milky Way”, có nghĩa là con đường sữa. Vì trong đêm không trăng, nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy một vùng ánh sáng vắt ngang bầu trời, bao gồm vô số các vì sao lấp lánh, như một con sông bạc hoặc như một con đường sữa.

Trong mỗi thiên hà có chừng 200 đến 400 tỉ ngôi sao cùng với chừng đó các hành tinh xoay quanh một số các ngôi sao. Trong vũ trụ mà loài người có thể nhìn thấy được bằng viễn vọng kính, có khoảng từ 100 đến 200 tỉ thiên hà [6]. Hiện nay, theo sự quan sát của các nhà thiên văn học thì không một hành tinh nào hay một ngôi sao nào có sự sống, ngoài trái đất của chúng ta. Câu hỏi đặt ra là: tại sao Chúa lại sáng tạo một vũ trụ bao la với hàng tỉ tỉ hành tinh và ngôi sao như vậy, mà trên chúng lại không có sự sống? Phải chăng, vũ trụ mà chúng ta nhìn thấy hiện nay là một vũ trụ chết bởi sự phạm tội của các thiên sứ, đứng đầu là Sa-tan?

Thánh Kinh cho biết, hiện nay các thiên sứ phạm tội, tức là các tà linh đang cầm quyền cai trị từ trong không gian. Chúng đang tác động trong những người không tin kính Thiên Chúa. Sự tác động đó có nghĩa là xúi giục và sai khiến họ làm ra những sự nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình, những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch.” (Ê-phê-sô 2:1-2).

Thánh Kinh cho biết, trong Kỳ Tận Thế, sẽ có một cuộc chiến xảy ra trong không gian, khi các thiên sứ của Chúa nghịch lại Sa-tan và các sứ giả của nó, tức các thiên sứ phạm tội, để đuổi chúng ra khỏi chốn không gian.

Có một cuộc chiến trên trời. Mi-chen và các thiên sứ của người chiến cự với con rồng. Con rồng và các sứ giả của nó chiến đấu nhưng không thắng được. Chỗ của chúng cũng không còn tìm thấy trên trời. Con rồng lớn tức là con rắn xưa, có tên là Ma Quỷ và Sa-tan, là kẻ lừa gạt khắp đất, bị quăng xuống đất cùng với các sứ giả của nó.” (Khải Huyền 12:7-9).

Chúng ta có thể tin rằng, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, khi các tầng trời được làm mới lại, thì các ngôi sao và hành tinh sẽ được phục hồi như buổi đầu sáng thế. Rất có thể các ngôi sao vẫn là những khối lửa khổng lồ để chiếu sáng như mặt trời của chúng ta. Nhưng các hành tinh xoay quanh chúng sẽ có sự sống. Và Thánh Kinh cũng cho chúng ta biết, các hành tinh và ngôi sao trong vũ trụ đã được Đức Chúa Trời phân chia cho muôn dân trên đất:

Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

Vì thế, chúng ta, những con dân Chúa trong Hội Thánh, sẽ có thể du lịch liên hành tinh bằng vận tốc của tư tưởng trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Rất có thể, chúng ta sẽ có dịp ghé thăm khối kim cương lớn bằng trái đất, là một hành tinh cách xa trái đất khoảng 50 năm ánh sáng [7], và nhiều hành tinh kim cương khác nữa. Rất có thể trong Vương Quốc Ngàn Năm, phần lớn thời gian của chúng ta sẽ là cai trị hàng tỉ thiên hà trong vũ trụ, trong khi các thánh đồ khác cai trị các quốc gia trên địa cầu.

Theo Ê-xê-chi-ên 47:9, trong Vương Quốc Ngàn Năm, con sông ra từ Đền Thờ sẽ chữa lành nước của Biển Chết, khiến nước biển trở thành nước ngọt và sẽ có rất nhiều cá.

Theo Ê-xê-chi-ên đoạn 48, vùng đất tại Trung Đông sẽ được phân chia trở lại cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên, và thành Giê-ru-sa-lem sẽ có tên mới là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Ở Đó”.

Trong Vương Quốc Ngàn Năm, sự thờ phượng Chúa theo nghi thức thời Cựu Ước sẽ được thực hiện trong Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Trong Ê-xê-chi-ên, từ đoạn 40 đến đoạn 42, Tiên Tri Ê-xê-chi-ên đã mô tả rất chi tiết về Đền Thờ Thiên Chúa sẽ được tái xây dựng. Chúng ta có thể hiểu, Đền Thờ được Ê-xê-chi-ên nhìn thấy trong khải tượng khác với Đền Thờ sẽ được dân I-sơ-ra-ên tái xây dựng liền trước khi hoặc liền sau khi Kỳ Tận Thế bắt đầu, còn gọi là Đền Thờ Thứ Ba. Vì Đền Thờ ấy sẽ bị AntiChrist vào ngồi trong đó, làm cho ô uế. Và Đền Thờ Thiên Chúa trong Vương Quốc Ngàn Năm phải được xây dựng bằng các vật liệu ra từ đất đã được làm cho mới. Rất có thể, Đền Thờ Thiên Chúa trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ được xây dựng bằng công nghệ máy in ba chiều. Hiện nay, đã có loại nhà ở được xây dựng bằng máy in ba chiều.

Sự thờ phượng Thiên Chúa theo nghi thức thời Cựu Ước sẽ được thực hiện trong các ngày Sa-bát và các ngày đầu tháng, tức là các ngày trăng mới. Các ngày Sa-bát bao gồm các ngày Sa-bát cuối tuần và bảy ngày Sa-bát trong các kỳ lễ hội của Đức Chúa Trời: ngày Sa-bát đầu và ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men; ngày Sa-bát của Lễ Ngũ Tuần; ngày Sa-bát của Lễ Thổi Kèn; ngày Sa-bát của Lễ Chuộc Tội; ngày Sa-bát đầu và cuối của Lễ Lều Trại.

Và dân sự của đất, họ sẽ thờ phượng tại cửa của cổng ấy vào những ngày Sa-bát và vào những ngày trăng mới, trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).

Chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi một quốc gia trên đất lúc bấy giờ sẽ cử ra một phái đoàn thường trực đại diện cho dân tộc mình để ra mắt, thờ phượng Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Bên cạnh đó, dân chúng của mỗi quốc gia cũng sẽ thường xuyên đến Giê-ru-sa-lem để tham dự các buổi thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ. Và nhất là để được ra mắt Đấng Christ, Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa, được nghe lời phán dạy từ chính Ngài.

Ê-sai 2:1-4

1 Lời mà Ê-sai, con trai của A-mốt, đã thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

2 Sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, núi của nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, sẽ cao hơn các đồi. Mọi quốc gia sẽ trẩy hội về đó.

3 Nhiều dân tộc sẽ đến và nói: Hãy đến! Chúng ta hãy lên trên núi của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đến nhà Thiên Chúa của Gia-cốp. Ngài sẽ dạy chúng ta về các đường lối của Ngài. Chúng ta sẽ đi trong các nẻo của Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn và lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem.

4 Ngài sẽ phán xét giữa các quốc gia, sẽ quở trách nhiều dân tộc. Họ sẽ rèn những gươm của họ thành những lưỡi cày và những giáo của họ thành những lưỡi liềm. Nước này sẽ chẳng còn giơ gươm lên nghịch lại nước khác. Họ cũng sẽ chẳng còn học tập sự chiến tranh.

Chúng ta có thể hiểu rằng, các sự kiện sau đây sẽ xảy ra, khi thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm được kết thúc:

  • Thân thể xác thịt của những người trung tín với Chúa trong Vương Quốc Ngàn Năm sẽ được biến hóa để có thể bước vào thiên đàng, chờ đợi Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.

  • Trời đất sẽ qua đi bằng sự nổ tung và cháy tan như đã được tiên tri trong II Phi-e-rơ.

Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

  • Thân thể xác thịt của những người không thuộc về Chúa sẽ được sống lại, và họ sẽ phải ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

  • Trời mới đất mới được sáng tạo. Thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trên thiên đàng giáng xuống trên đất. Vương Quốc Đời Đời được thành lập. Thiên Chúa sẽ ở cùng loài người trên đất cho tới đời đời.

Về phần của chúng ta là Hội Thánh của Chúa, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, chúng ta sẽ đồng trị với Đấng Christ trong thế giới thuộc thể lẫn trong thế giới thuộc linh. Trong thời kỳ đó, thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên thiên đàng là nhà của chúng ta, chưa hạ xuống trên đất, nên chúng ta có thể thường xuyên đi về giữa thiên đàng và trái đất. Có lẽ khi chúng ta sinh hoạt với những công dân của Vương Quốc Ngàn Năm trên đất thì thân thể siêu vật chất của chúng ta sẽ được bao phủ với quần áo vật chất như họ, như thân thể phục sinh của Đấng Christ, trong suốt 40 ngày Ngài lưu lại trên đất, trước khi thăng thiên. Chúng ta vẫn có thể ăn uống các thức ăn, thức uống vật chất. Nhưng khi vào trong thế giới thuộc linh hoặc đi đến các hành tinh trong vũ trụ thì thân thể của chúng ta được bao phủ bằng ánh sáng.

Chúng ta có thể hiểu rằng, thân thể siêu vật chất của chúng ta không cần ăn uống các thức ăn và thức uống vật chất. Nhưng chúng ta vẫn có thể ăn uống các thức ăn và thức uống vật chất, như Đức Chúa Jesus, sau khi phục sinh vẫn ăn và uống với các môn đồ. Có lẽ chúng ta sẽ không bài tiết theo cách hiện nay. Có lẽ những thức ăn và thức uống vật chất sau khi vào trong cơ thể siêu vật chất của chúng ta, thì sẽ phân hóa và bốc hơi qua da của chúng ta.

Thực tế, có rất nhiều điều chúng ta chưa biết và chưa hiểu về thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Nhưng không còn bao lâu nữa, chúng ta sẽ được bước vào Vương Quốc Ngàn Năm. Khi đó, chúng ta sẽ biết và sẽ hiểu; chúng ta sẽ vui thỏa trong Vương Quốc Ngàn Năm và được đồng trị với Đấng Christ. Cảm tạ Chúa! Xin ngày ấy mau đến.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/02/2022

Ghi Chú

[1] https://kytanthe.net/060-cay-va-i-so-ra-en-diem-chua-den/

[2] https://kytanthe.net/072-su-tro-lai-cua-dang-christ/

[3] https://answersingenesis.org/contradictions-in-the-bible/left-in-the-dust/

[4] https://www.icr.org/article/snakes-with-legs/

[5] https://spaceplace.nasa.gov/other-solar-systems/en/

[6] https://www.space.com/25303-how-many-galaxies-are-in-the-universe.html

[7] https://www.youtube.com/watch?v=crzn5yFGM-4&ab_channel=Cosmoknowledge

Karaoke Thánh Ca: “Mong Ngày Vinh Quang”
https://karaokethanhca.net/mong-ngay-vinh-quang/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/