Tiệc Thánh: Hãy Làm Điều Này để Nhớ Ta!

3,750 views

Nhấp vào nút play ►để nghe

Bánh và Bánh không men

Bánh là một thức ăn được làm từ các loại bột của các loại lúa. Xưa nay, bánh là nguồn thực phẩm chính của nhân loại, vì thế, chữ bánh đã trở thành danh từ biểu trưng cho thức ăn, nghĩa là cho tất cả những gì loài người có thể ăn để bảo tồn sự sống của thân thể vật chất. Bánh, thường được làm từ bột có pha men để tăng thêm hương vị và có thể để lâu mà không bị khô cứng.

Thánh Kinh dùng men làm biểu tượng của sự giả hình (Lu-ca 12:1), của những sự gian ác, độc dữ (I Cô-rinh-tô 5:6-8), và của tà giáo (Ga-la-ti 5:9). Thánh Kinh gọi bánh không men là bánh của sự thật thà và của lẽ thật.

Lần đầu tiên bánh không men được nhắc đến trong Thánh Kinh là khi Lót tiếp đải các thiên sứ tại thành Sô-đôm (Sáng Thế Ký 19:3). Lần thứ nhì là khi Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên thiết lập Lễ Vượt Qua (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8). Kể từ đó trở đi, bánh không men được dân Y-sơ-ra-ên ăn trong Lễ Vượt Qua và suốt 7 ngày sau đó của Lễ Bánh Không Men để tỏ lòng tôn kính Đức Chúa Trời. Bánh không men còn được dùng trong nghi thức phong chức thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:2, 23) và được dâng lên Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký 2:4, 5; 7:12).

Bánh tượng trưng cho sự sống và bánh không men tượng trưng cho sự sống thánh khiết không vướng tội. Đời sống của con dân Chúa phải thánh khiết để dâng lên Chúa vì Ngài đã ban chính mạng sống thánh khiết của Ngài cho chúng ta.

Chén và nước nho

Trong Thánh Kinh, chén được dùng làm biểu tượng cho số phận của một người hay một dân tộc.  Có thể là số phận phước hạnh tràn đầy ân điển của Chúa hoặc số phận bị đoán phạt bởi Đức Chúa Trời.

Về số phận phước hạnh, Vua Đa-vít trong Thi Thiên 16:5 gọi Đức Giê-hô-va là cái chén của ông, và trong Thiên Thiên 23:5 ông nói: “Chén tôi đầy tràn;” tác giả của Thi Thiên 116, trong câu 12 và 13 nói rằng:

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va
Về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?
Tôi sẽ cầm cái chén cứu rỗi,
Mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va!”

Về số phận bất hạnh, “chén thịnh nộ” của Đức Chúa Trời đã và sẽ ban cho dân Y-sơ-ra-ên cũng như các dân tộc khác khi họ cứng lòng, sống trong tội lỗi, không chịu ăn năn (Ê-sai 51:17; Giê-rê-mi 25:15; Ê-xê-chi-ên 23:31-34; Khải Huyền 14:10; 16:19). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jesus Christ đã cầu xin:

“Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên.” (Ma-thi-ơ 26:42)

Chén mà Đức Chúa Jesus Christ đề cập đến chính là số phận thương khó mà Ngài vì toàn thể nhân loại đã phải gánh lấy. Sự thương khó đó không phải chỉ là bị sĩ nhục, bị đánh đập tàn nhẫn, và bị đóng đinh cho đến chết trên thập tự giá, mà trên tất cả những điều đó, là sự bị phân cách với Đức Chúa Cha (Ma-thi-ơ 27:46):

“Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Nước nho, tức là chất nước cốt được ép ra từ trái nho (không phải rượu nho là nước cốt nho đã lên men), là thức uống thông thường trong các bữa ăn của người Y-sơ-ra-ên và các dân tộc vùng Trung Đông:

“Tay tôi đương cầm cái chén của Pha-ra-ôn; tôi hái nho đó, ép nước nho vào, rồi dâng chén vào tay Pha-ra-ôn.” (Sáng Thế Ký 40:11) [1]

Nước nho còn được gọi là huyết của nho :

“Người buộc lừa tơ mình vào gốc nho, lừa con mình vào nhành nho tốt nhứt. Người giặt áo xống mình vào rượu nho, cùng lấy huyết nho lau áo tơi mình.” (Sáng Thế Ký 49:11)

“Ngài đã khiến người cỡi trên các nơi cao của xứ, Y-sơ-ra-ên ăn hoa quả của đồng ruộng, Ngài khiến người hút mật của hòn đá, dầu của hòn đá cứng hơn hết, và nút mỡ sữa bò và sữa chiên. Ngài ban cho người mỡ chiên con, chiên đực sanh tại Ba-san, và dê đực, cùng bột lọc nhất hạng của lúa mạch; Người có uống huyết của nho như rượu mạnh.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:13, 14)

Lễ Vượt Qua

Xuất Ê-díp-tô Ký 12 ghi lại nguồn gốc và chi tiết của Lễ Vượt Qua. Dân Y-sơ-ra-ên là con cháu của Áp-ra-ham, sống tại xứ Ê-díp-tô còn gọi là xứ Ai-cập suốt 430 năm nhưng hết 400 năm phải làm nô lệ cho dân Ai-cập (Sáng Thế Ký 15:13; Xuất Ê-díp-tô Kỳ 12:40, 41). Hết thời gian 430 năm kiều ngụ tại Ai-cập, Đức Chúa Trời đã dẫn toàn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ để tiến về vùng đất Ca-na-an mà Chúa đã hứa ban cho họ. Tuy nhiên, Pha-ra-ôn – vua của Ai-cập, không chịu để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi cho nên Đức Chúa Trời đã giáng 10 tai vạ xuống đất nước Ai-cập. Tai vạ cuối cùng cũng là tai vạ kinh khủng nhất là Đức Chúa Trời đánh chết các con đầu lòng của Ai-cập từ người đến thú trong một đêm. Trong đêm đó, Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên giết chiên con, bôi huyết của chiên trên hai cột và mày cửa, ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. Trong khi ăn, phải hối hả trong tư thế sẵn sàng ra đi: dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy. Thánh Kinh gọi: “Ấy là Lễ Vượt Qua của Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:11). Vượt Qua có nghĩa là trong khi Đức Chúa Trời ra tay hành hại các con đầu lòng của dân Ai-cập thì Ngài bỏ qua những nhà của dân Y-sơ-ra-ên có huyết của chiên con bôi trên hai cột và mày cửa.

Ý nghĩa của Lễ Vượt Qua là Đức Chúa Trời hình phạt tội nhân nhưng những ai tin vào giải pháp cứu rỗi của Ngài thì Ngài sẽ bỏ qua mọi sự vi phạm của họ. Giải pháp đó chính là Con Một của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus phải mang lấy trách nhiệm tội lỗi của toàn thể nhân loại và chịu chết trên thập tự giá. Chiên con không tì vít bị giết trong Lễ Vượt Qua và huyết nó được bôi trên hai cột và mày cửa là hình ảnh Đức Chúa Jesus Christ bị giết trên thập tự giá, đổ huyết ra để cứu toàn thể nhân loại. Chỉ có một khung cửa cứu rỗi duy nhất cho nhân loại là khung cửa có bôi huyết Chiên Con của Đức Chúa Trời. Chỉ có những ai đi vào khung cửa đó mới thoát được sự hình phạt kinh khiếp của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ chính là khung cửa đó:

“Ta là cái cửa: nếu ai bởi Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ.” (Giăng 10:9)

“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Giăng 14:6)

Dân Y-sơ-ra-ên được thoát khỏi sự chết không phải để tiếp tục ở lại Ai-cập mà là phải hối hả ra khỏi đó ngay trong đêm tối để tiến về miền đất hứa. Tất cả những người tin nhận huyết cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ cũng phải hối hả ra khỏi cuộc đời xưa cũ, nô lệ tội lỗi để đi vào Nước Trời.

Tiệc Thánh

Dựa vào sự ghi chép của Thánh Kinh chúng ta biết rằng chính Đức Chúa Jesus đã thiết lập Lễ Tiệc Thánh trong bữa ăn cuối cùng với các môn đồ trước Lễ Vượt Qua, trước khi Ngài chịu chết trên thập tự giá:

“Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể Ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến Ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:19, 20)

Vì chiên con bị giết trong Lễ Vượt Qua là hình bóng của sự Đấng Christ đổ huyết ra để cứu rỗi nhân loại cho nên sự kiện Đức Chúa Jesus thiết lập Tiệc Thánh trong ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua là sự khẳng định Ngài chính là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Trong thư gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Đức Thánh Linh đã thần cảm Sứ Đồ Phao-lô viết ra lẽ thật sau đây:

“Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi.” (I Cô-rinh-tô 5:7)

Trong Lễ Vượt Qua, dân Y-sơ-ra-ên được sống và được ra khỏi cảnh đời nô lệ tối tăm. Khi vào đồng vắng để tiến về đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời nuôi dưỡng bằng bánh từ trời là Mana. Cũng một thế ấy, Hội Thánh của Đấng Christ được thoát khỏi sự đoán phạt và ra khỏi cảnh đời nô lệ cho tội lỗi nhờ huyết của Đức Chúa Jesus đã đổ ra trên thập tự giá và trên hành trình tiến về Nước Trời Hội Thánh được Đức Chúa Trời nuôi dưỡng bởi Lời Hằng Sống của Ngài là Ngôi Lời. Vì thế, Đức Chúa Jesus chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời mà cũng chính là bánh từ trời đối với Hội Thánh (Giăng 6:32-58).

Bánh không men trong Tiệc Thánh được Đức Chúa Jesus tạ ơn Cha và bẻ ra trước khi trao cho các môn đồ nói lên ý nghĩa Ngài ban phát chính mình Ngài, là sự sống, cho những ai tin nhận Ngài:

“Ta là Bánh của Sự Sống!” (Giăng 6:48)

Chén nước nho hay còn gọi là huyết nho trong Tiệc Thánh được Đức Chúa Jesus trao cho các môn đồ và tuyên bố đó là giao ước mới trong huyết Ngài. Chúng ta đã biết Thánh Kinh dùng hình ảnh của chén để biểu trưng cho số phận của một người hay một dân tộc. Chén huyết nho mà Đức Chúa Jesus trao cho các môn đồ là biểu trưng cho số phận của những ai tin nhận Ngài, là được tha tội và được làm cho sạch tội:

“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5)

“Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.” (Khải Huyền 1:6)

Thịt của Chúa là bản thể vinh hiển của Ngài, là sự sống của chính Ngài. Huyết của Chúa là sự tha tội và làm cho sạch tội những ai tin nhận Ngài. Ăn bánh không men là tiếp nhận sự dự phần vào trong bản thể vinh hiển của Chúa, là dự phần vào sự sống của chính Đức Chúa Trời, là sự sống đời đời. Uống nước nho là tiếp nhận sự tha tội và làm cho sạch tội từ Chúa, là tiếp nhận sự thánh hóa của Chúa để trở nên trọn vẹn như chính Ngài là trọn vẹn: không tì, không vít, không chỗ trách được (Ma-thi-ơ 5:48; Phi-líp 2:15).Nói tóm lại, Tiệc Thánh biểu hiện ân điển vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời ban cho những ai thật lòng ăn năn tội và đầu phục Đức Chúa Trời:

“Vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết; Ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình; vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được” (Lê-vi Ký 17:11)

“Vì nầy là huyết Ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Ma-thi-ơ 26:28)

“Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết Ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, Ta sẽ khiến người đó sống lại.” (Giăng 6:53-54)

“Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:22)

“Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta, và bởi vinh hiển nhơn đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.” (II Phi-e-rơ 1:3, 4)

“… Huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:8)

Hãy làm điều này để nhớ Ta!

“Hãy làm điều này để nhớ Ta!” là một trong những điều Chúa đã truyền cho các môn đồ của Ngài và là một mệnh lệnh. Là môn đồ của Chúa, chúng ta phải có cùng một tâm tình như tác giả Thi Thiên 119:

“Tôi lật đật, không chậm trễ, mà gìn giữ các điều răn Chúa.” (Thi Thiên 119:60)

Xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ mà không ăn bánh và uống chén của Chúa để nhớ Chúa là chúng ta đã vi phạm mệnh lệnh của Ngài, đã khinh thường Lời Ngài, đã không thật lòng yêu Ngài. Mỗi lần Hội Thánh cử hành Tiệc Thánh là mỗi lần Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ân điển vô lượng, vô biên của Ngài; ban cho chúng ta cơ hội xưng tội để được Ngài “tha thứ cho và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9); ban cho chúng ta vinh dự được dự phần vào trong bản thể của Ngài. Khi chúng ta từ chối dự Tiệc Thánh là chúng ta từ chối chính thân và huyết của Chúa, là chúng ta từ chối ân điển của Đức Chúa Trời, là chúng ta từ chối sự tha tội, sự làm cho sạch tội bởi Chúa, và từ chối sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Từ chối dự Tiệc Thánh là một tội trọng vì từ chối dự Tiệc Thánh là từ chối Chúa. Đức Chúa Jesus phán:

“Còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 10:33)

Người ta từ chối dự Tiệc Thánh vì hai lý do chính sau đây:

1. Quá bận rộn, không có thì giờ đến nhóm trong ngày có Tiệc Thánh hoặc đã đến nhóm nhưng không nán lại dự Tiệc Thánh. Những người như vậy đã xem các việc riêng của họ tôn trọng hơn là ân điển của Đức Chúa Trời. Họ vì yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian nên chối Chúa.

2. Đã phạm tội nhưng không chịu ăn năn tội và xưng tội với Chúa nên không dự Tiệc Thánh. Những người như vậy đã xem cái tôi, lòng tự ái, lòng kiêu ngạo của họ tôn trọng hơn là ân điển của Đức Chúa Trời. Họ vì yêu chính mình nên chối Chúa.

Điều kinh khủng nhất là khi những người từ chối dự Tiệc Thánh thì Đức Thánh Linh lập tức cáo trách họ vì Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ và thương xót luôn ban cơ hội cho người có tội được ăn năn nhưng họ quá cứng lòng cho nên không chịu ăn năn. Từ tội trọng khinh thường bánh và chén của Chúa dẫn đến tội trọng khinh thường Đức Thánh Linh và cuối cùng Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ bị dập tắt trong đời sống của những người như vậy.

Bên cạnh tội trọng từ chối dự Tiệc Thánh còn có tội trọng dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng. Lời Chúa ghi rõ như sau:

“Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. Vậy, mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ.” (I Cô-rinh-tô 11:26-30)

Chúng ta dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng khi:

1. Không dứt khoác với nếp sống tội lỗi mà Đức Thánh Linh đang cáo trách ngày đêm trong lòng chúng ta, dù là tội đến nỗi chết hay tội không đến nỗi chết. Có thể là tội tham lam, tội ham mến tiền bạc, tội kiêu ngạo, tội tà dâm, tội không tha thứ cho người khác, hoăc những tội ô uế, như: tham dự vào các hoạt động liên tôn, bói khoa, tử vi, mê tín, bùa phép, tham quan, mua bán, hoặc ăn uống trong những miếu thờ tà thần, cho đến những tội làm tàn hại thân thể, sức khoẻ của mình và tiền bạc Chúa ban cho mình, như ghiền rượu, ghiền thuốc, ghiền cờ bạc…

2. Không rao truyền sự chết của Chúa, nghĩa là không giảng Tin Lành của Ngài. Chúa chết để cứu rỗi nhân loại vì Ngài là tình yêu. Chúng ta đã tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng vì chúng ta chưa thật sự tiếp nhận chính Chúa cho nên chúng ta chưa có tình yêu của Ngài trong chúng ta để thôi thúc chúng ta loan báo sự cứu rỗi của Ngài cho người khác. Như thế, có nghĩa là chúng ta chưa thật sự đầu phục Chúa để có Chúa trong chúng ta; là chúng ta vẫn chưa chịu chết đi con người cũ để Chúa tái sinh chúng ta thành một người hoàn toàn mới, sống bằng chính sự sống của Ngài:

“Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Rô-ma 14:8)

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17)

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

3. Cuối cùng, những người mang danh tôi tớ Chúa mà tổ chức Tiệc Thánh một cách chiếu lệ hoặc chính bản thân mình vẫn còn đang sống trong tội cũng là những người phạm tội trọng khinh thường thân và huyết của Chúa, khinh thường mệnh lệnh của Ngài, và làm gương xấu cho cả bầy.

Kết luận

Bài giảng này chắc chắn sẽ đụng chạm nhiều người là những người xưa nay phạm tội trọng khinh thường bánh và chén của Chúa mà tổ chức Tiệc Thánh một cách không xứng đáng, hoặc bỏ qua sự dự Tiệc Thánh, hoặc có dự Tiệc Thánh nhưng vẫn ăn bánh và uống chén của Chúa một cách không xứng đáng. Bài giảng này là sự xét đoán của Chúa và là sự sửa phạt của Ngài dành cho những người như vậy:

“Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán. Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian.” (I Cô-rinh-tô 11:31, 32)

Nếu bạn là người phạm tội khinh thường Tiệc Thánh của Chúa mà đang nghe hoăc đang đọc bài giảng này, tôi chân thành kêu gọi bạn hãy tiếp nhận sự xét đoán, sửa phạt của Chúa mà hạ mình ăn năn trước mặt Ngài ngay sau khi bài giảng này chấm dứt. Đức Chúa Trời vẫn còn thương xót bạn cho nên Ngài đang ban cơ hội ăn năn tội cho bạn. Có thể lắm, đây là lời cảnh báo cuối cùng của Đức Thánh Linh dành cho chính bạn. Chúa đang dịu dàng nhưng rất nghiêm khắc phán với bạn:

“Phàm những kẻ Ta yêu thì Ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng, và ăn năn đi.” (Khải Huyền 3:19)

Hãy đến với Chúa, xưng nhận tội lỗi, xưng nhận và dâng lên Ngài mọi thói hư, tật xấu, mọi cơn ghiền, mọi ác tưởng… Ngài sẽ mang lấy hết những điều đó cho bạn, đóng đinh chúng vào thập tự giá và tái sinh bạn:

“Đấng Cao Cả, ở nơi đời đời vô cùng, Danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn. Ta chẳng muốn cãi lẽ đời đời, cũng chẳng tức giận mãi mãi; vì thần linh sẽ mòn mỏi trước mặt Ta, và các linh hồn mà Ta đã dựng nên cũng vậy.” (Ê-sai 57:15, 16)

Ghi Chú:

[1] Trong bản dịch Phan Khôi dịch là: “Tay tôi đương cầm cái chén của Pha-ra-ôn; tôi hái nho đó, ép nước nho vào, rồi dâng tửu bôi vào tay Pha-ra-ôn.” Tửu bôi có nghĩa là “chung rượu.” Trong nguyên tác của Thánh Kinh không dùng chữ “chung rượu” mà dùng chữ “chén.” 

Huỳnh Christian Timothy
16/03/2008