Giới Thiệu Tác Phẩm: Người của Thiên Quốc

3,251 views

“Người của Thiên Quốc” (Nguyên tác Anh ngữ: “The Heavenly Man”) là một chi tiết lịch sử sống động trong vòng ba thập niên qua của Hội Thánh Chúa tại Trung Quốc, qua cuộc đời của một tôi tớ Chúa, anh Yun!

Chúng tôi đọc cuốn sách này qua bản Anh Ngữ và đã không cầm được nước mắt trước những thương khó mà Hội Thánh Chúa nói chung và các tôi tớ Chúa nói riêng, tại Trung Quốc, đã dự phần với Đấng Christ. Cuốn sách này, cùng với cuốn “Hoa Huệ Giữa Chông Gai” là những bài học thuộc linh quý giá, là những bản anh hùng ca đức tin, là chứng tích về tình yêu và quyền năng, phép lạ của Tin Lành Cứu Rỗi… dành cho con dân Chúa của thời đại hôm nay.

Cảm tạ Chúa đã cho Hội Thánh Việt Nam được hưởng ơn phước, nếm trải phước hạnh được học hỏi những bài học thuộc linh quý giá, khi Ngài sắm sẵn người dịch thuật hai tác phẩm nói trên. Trong thời gian sắp tới, www.timhieutinlanh.com sẽ đăng tải tác phẩm “Hoa Huệ Giữa Chông Gai”. Riêng về tác phẩm “Người của Thiên Quốc” xin bạn đọc liên lạc với dịch giả ở cuối bài này để mua sách.

Trong phần giới thiệu này, chúng tôi xin đăng lời giới thiệu của dịch giả và hai chương trong tác phẩm.

Đôi lời của dịch giả Hoàng Đức Thành về cuốn sách “Người của Thiên Quốc”.

Được dịch từ sách “The Heavenly Man” của tác giả Paul Hattaway (Có giấy phép của Tác giả):

“Sau khi đọc vài trang đầu của cuốn sách The Heavenly Man “Người của Thiên Quốc” tôi cảm thấy rất xúc động khi thấy một cậu bé người Trung Hoa tên Yun mong ước chỉ được nhìn thấy cuốn Thánh Kinh thôi, em nài nỉ mẹ đến mức độ mẹ em phải dẫn em đến một người chăn đã ở tù ra vì phong trào Cách Mạng Văn Hóa bên Trung Quốc bắt bớ tất cả những người theo Chúa. Bà hy vọng là ông hãy còn cuốn Thánh Kinh để em được nhìn thấy. Nhưng em không được toại nguyện, lần thứ hai em lần mò đến một mình, mà còn được vị người chăn căn dặn phải nhịn ăn cầu nguyện và khóc với Chúa ngày đêm mới được. Em kiêng ăn, em cầu nguyện, em khóc và em nằm mơ, em kể cho cha mẹ em nghe, cha mẹ tưởng em nhịn đói hóa điên. Nhưng em vẫn kiên trì kiêng ăn cầu nguyện. Cuối cùng em đã được Chúa sai người mang đến ban cho em cuốn Thánh Kinh như trong giấc mơ của em.

Nguyên mấy trang đầu đã khiến tôi muốn dịch cuốn sách này, để chia sẻ với các anh chị em trong Chúa. Khi dịch, càng đi sâu vào cuốn sách, nước mắt tôi không sao ngưng chảy vì có nhiều đoạn lúc Yun lớn lên, em đã chịu nhiều cay đắng, khổ cực khi em trở thành một nhà truyền giáo rất đắc lực cho Chúa.

Yun đã bị tù ba lần hầu hết là thời gian anh hầu việc Chúa. Anh bị hành hạ đau đớn khổ sở, anh nhịn ăn, nhịn uống 74 ngày trong tù, anh lại càng bị đánh đập nhiều hơn. Anh chịu đựng được là nhờ những Lời Chúa anh thuộc lòng trong Thánh Kinh. Họ đánh anh thậm chí què luôn cả hai chân không đi được. Nhưng Chúa vẫn yêu thương anh và dùng anh, Chúa đã cứu anh trốn tù bằng những phép lạ. Chúa cũng cho anh xuất khỏi Trung Quốc cũng qua phép lạ, để anh tiếp tục sứ mạng rao truyền Danh Chúa, cứu vớt linh hồn lạc lõng trở về. Ra khỏi Trung Quốc mà anh vẫn phải vào tù, theo anh đó là ý Chúa muốn vì anh chưa làm xong nhiệm vụ. Không những vậy, anh còn gánh nặng gia đình, gồm vợ và hai con sống trốn tránh rất cực khổ khi vắng anh, và sau này tìm cách vượt biên để sum họp gia đình với anh tại Đức Quốc.

Theo tác giả Paul Hattaway, đây là một câu chuyện có thật, càng đọc tôi càng thấy Lời Chúa do tác giả dẫn chứng thật là sâu sắc và là ngọn đèn soi sáng cho những con cái Chúa hầu việc Ngài trong lúc gặp hoạn nạn khổ đau. Chúa luôn luôn lúc nào cũng ở cùng chúng ta.

Xin kính mời quý vị hãy đọc cuốn sách này để biết thêm về vị trí của mình trong bước đường theo Chúa.”

Chương Một.

Những Buổi Ban Đầu Khiêm Tốn.

Tên tôi là Liu Zhenying, những bạn Cơ-đốc của tôi thường gọi tôi là anh Yun.

Vào một buổi sáng mùa thu năm 1999, tôi thức dậy trong thành phố Bergen thuộc miền tây nước Thụy Điển. Lòng tôi thấy rộn ràng và hồi hộp sôi sục trong tôi. Tôi đã nói chuyện tại những Hội Thánh suốt xứ Scandinavia, làm chứng về những Hội Thánh Tư Gia bên Trung Quốc, và mời những Cơ-đốc nhân đến với chúng tôi, vì chúng tôi truyền rao Phúc Âm cho khắp nước Trung Hoa, và cả những quốc gia ngoài nữa. Những người tôi mời, họ hỏi tôi là nếu tôi muốn đến thăm mộ cô Marie Monsen, một nữ giáo sĩ Lutheran nổi tiếng tại Trung Quốc, cô là người đã được Chúa sử dụng một cách mãnh liệt, để phấn hưng các Hội Thánh ở nhiều nơi trong xứ sở tôi từ năm 1901 đến 1932. Mục vụ truyền giáo của cô đặc biệt nhằm vào phía nam tỉnh Henan (Hà Nam), nơi mà tôi từ đó đến.

Cô Monsen là một mẫu người nhỏ nhắn, nhưng là rất to lớn, một vĩ nhân trong Vương Quốc của Chúa. Hội Thánh tại Trung Quốc chẳng những đã bị chấn động bởi lời giảng của cô, mà lại còn bị thách thức mãnh liệt bởi nếp sống của cô. Cô hoàn toàn dâng hiến đời mình, và đầu phục Chúa Jesus một cách cương quyết. Cô để lại cho chúng tôi một tấm gương sáng về sự chịu đựng, và thương khó khi hầu việc Chúa.

Chúa sử dụng Marie Monsen bằng một cách đầy quyền năng, do đó nhiều phép lạ, dấu kỳ và những việc lạ lùng đã xảy đến trong mục vụ của cô. Cô trở về Thụy Điển năm 1932 để phụng dưỡng cha mẹ già, và kể từ đó công việc hầu việc Chúa của cô tại Trung Quốc coi như hoàn tất. Cô không bao giờ còn trở lại Trung Hoa nữa, nhưng để lại một đức tin bất khuất, lòng sốt sắng không thể dập tắt được, và sự cần thiết trong việc thay đổi lòng người, để được hoàn toàn giao phó những gì Đấng Christ mong muốn, vẫn còn sống mãi trong các Hội Thánh tại Trung Hoa cho tới ngày nay.

Bây giờ thì tôi có một đặc quyền lớn là viếng thăm mộ của cô ngay tại xứ sở của cô. Tôi tự hỏi không biết có người Cơ-đốc Trung Hoa nào, đã bao giờ được hưởng thụ đặc quyền mà tôi sắp thụ hưởng không? Khi cô đến phần đất Trung Hoa của chúng tôi, lúc đó chỉ có vài người tin Chúa và Hội Thánh rất yếu ớt. Ngày nay có hàng triệu tín đồ. Thay mặt cho họ tôi tỏ lời cảm tạ Chúa cho cuộc đời của cô.

Xe của chúng tôi leo lên nghĩa địa, bên cạnh ngọn đồi trong thung lũng chật hẹp, với con sông chảy qua. Chúng tôi đi bộ xung quanh vài phút, hy vọng thấy tên của cô trên một trong hàng trăm tấm mộ bia. Không tài nào kiếm thấy mộ cô Monsen, chúng tôi bèn đến văn phòng để hỏi. Người quản nhiệm tại đó cũng không quen với tên của cô, nên phải lật sách coi trong danh sách những người chết đã chôn ở đây. Sau khi lật những trang giấy ông ta nói với chúng tôi rằng, thật là khó khăn mới kiếm thấy rằng, Marie Monsen thực sự đã chôn cất tại đây vào năm 1962. Nhưng mộ của cô không được ai chăm sóc nhiều năm qua, do đó ngày nay chỉ là một khu đất trống mà không có mộ bia.

Theo phong tục người Trung Hoa, việc tưởng nhớ những người quá cố rất được thịnh hành trong nhiều thế hệ nay, do đó tôi không bao giờ ngờ được rằng sự việc đó lại xảy ra. Những tín hữu địa phương cắt nghĩa rằng họ đã tưởng nhớ tới cô bằng nhiều cách, ví dụ như in sách nói về tiểu sử của cô sau khi cô chết. Nhưng đối với tôi, việc không làm dấu tích gì mộ của cô là một sỉ nhục, mà cần phải sửa đổi lại cho đúng.

Tôi thật đau lòng. Với tấm lòng nặng trĩu tôi nghiêm nghị nói với những Cơ-đốc nhân Thụy Điển đi cùng với tôi: “Các anh chị phải vinh danh người phụ nữ trong Chúa này! Tôi để cho quý vị hai năm nữa để xây cất một ngôi mộ và mộ bia tưởng nhớ đến Marie Monsen, nếu quý vị không làm, tôi sẽ dàn xếp với những anh chị em Cơ-đốc khác, đi bộ suốt từ bên Trung Hoa đến Thụy Điển để xây! Có rất nhiều anh em tại Trung Hoa rất khéo léo về việc đẽo đá, vì họ ở trong tù nhiều năm, lao động trong tù vì Tin Lành của Chúa. Nếu quý vị hờ hững họ sẽ rất sẵn lòng để làm việc đó”.

* * *

Tôi sinh năm 1958, trong năm nhuận của Trung Quốc, là người con thứ tư trong số năm người con trong gia đình. Tôi ra đời trong một làng cổ xưa, sống theo cổ truyền chuyên về nghề nông, có tên là Liu LaoZhuang trong thành phố Nanyang (Nam Dương), ở về phía nam tỉnh Henan (Hà Nam) Trung Quốc.

Henan (Hà Nam) gồm có khoảng 100 triệu linh hồn, là một tỉnh Trung Quốc rất đông dân cư. Mặc dù vậy, dường như cũng có nhiều nơi bỏ hoang, nơi tôi lớn lên có nhiều đồi để trèo, nhiều cây để leo. Mặc dù đời sống khó khăn, nhưng tôi cũng vẫn còn nhớ thời gian vui đùa khi tôi còn là đứa trẻ.

Tất cả sáu trăm người trong làng tôi đều là tá điền, và họ còn làm cho tới ngày giờ này. Không thay đổi gì nhiều lắm. Chúng tôi phần lớn trồng khoai, bắp và lúa mạch. Chúng tôi cũng trồng bắp cải và nhiều loại củ.

Nhà của chúng tôi theo kiến trúc rất đơn giản tường gồm đất sét khô, mái thì lợp bằng rơm rạ. Nước mưa thường chảy qua những lỗ hổng trên mái, về mùa đông thì gió lạnh không bao giờ quên thổi qua những kẽ hở của tường. Khi nhiệt độ hạ xuống dưới độ đông lạnh, thì chúng tôi đốt những vỏ khô của bắp còn lại để cho ấm. Chúng tôi không thể cung cấp than được.

Thường thì vào mùa hè, trời nóng và ẩm thấp, chúng tôi không thể nào chịu nổi khi ngủ bên trong nhà với lối thoáng khí nghèo nàn. Chúng tôi kéo giường ra ngoài và cả gia đình chúng tôi cùng với một số gia đình trong làng, ngủ với gió mát ngoài trời.

“Henan” (Hà Nam) có nghĩa là “phía Nam con sông”. Con sông tên Màu Vàng (Hoàng Hà) đã phân xé phần đất phía bắc của tỉnh. Nó thường lụt to, và đã mang bệnh tật đến từ nhiều thế kỷ nay cho những người sống dọc theo bờ sông. Chúng tôi biết như vậy vì chúng tôi lớn lên tại đó, nhưng đối với chúng tôi miền Bắc Henan (Hà Nam) có cả triệu dặm xa.

Làng của chúng tôi được quy tụ trong những trái đồi ở phần phía Nam của tỉnh, an toàn khi bị ngập lụt và ngoài vòng ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ quan tâm đến mùa gặt tới. Đời sống của chúng tôi hoàn toàn xoay quanh chu kỳ của việc cày xới, trồng trọt, tưới nước và gặt hái. Cha tôi thường nói, chịu khổ để có đủ thực phẩm mà ăn. Cho nên các bàn tay đều phải sử dụng ngoài đồng, dù tôi còn nhỏ tôi cũng bị gọi ra ngoài đó để giúp anh và chị tôi. Bởi vậy cho nên, tôi không có cơ hội đến trường học nhiều.

So với vùng khác của Trung Hoa, ai sanh tại Henan (Hà Nam) thì có tiếng là bướng bỉnh như lừa. Có lẽ vậy, mà tính bướng bỉnh này đã ngăn cản những người tại Henan (Hà Nam) tin nhận Chúa, khi những giáo sĩ Tin Lành đến tỉnh này lần đầu tiên vào năm 1884. Có nhiều nhà Truyền Giáo hầu việc tại Henan (Hà Nam) mà không thấy kết quả gì. Vào năm 1922, sau gần bốn mươi năm cố gắng truyền giảng, mà chỉ có 12,400 tín hữu Tin Lành cho toàn tỉnh bộ. Những kẻ chấp nhận tin vào tôn giáo “Con Quỷ Ngoại Bang” thì trông rất nực cười và bị dân chúng tẩy chay. Thường thường sự chống đối tràn ra đến độ họ dùng cả đến những từ ngữ hung bạo. Những Cơ-đốc nhân bị đánh đập. Có cả vài người bị giết vì đức tin. Ngay cả những giáo sĩ cũng vậy, phải đối diện với hình phạt đó. Nhiều người gán cho những giáo sĩ là công cụ của Đế Quốc Thực Dân, được gửi từ những nước của họ đến để thu hút lòng dân chúng Trung Hoa, nghi hầu chính quyền họ sẽ xâm chiếm đất đai, cướp nguyên liệu thiên nhiên. Sự lăng nhục những người ngoại quốc đã lên đến cực điểm, vào năm 1990 khi có một hội bí mật được gọi là “Những Người Đô Vật” xúi giục toàn dân tẩy chay những người ngoại quốc.

Đa số trốn thoát khỏi, ngoại trừ có nhiều giáo sĩ sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh tại nội địa Trung Quốc, xa hẳn với nơi an toàn như những thành phố lớn ven biển. Những Tên Đô Vật tàn nhẫn, tàn sát hơn 150 giáo sĩ và cả ngàn người Trung Hoa mới tin nhận Chúa.

Những linh hồn can đảm này đã đến để cứu vớt quốc gia chúng tôi, mang tình yêu của Chúa Jesus Christ đến cho chúng tôi, họ đã hy sinh và bị thảm sát. Họ đã đến để đồng công với Đấng Christ, nâng cao mức sống của chúng tôi bằng việc xây cất nhà thương, viện mồ côi và trường học. Vậy mà chúng tôi đã trả ơn họ bằng sự tàn sát.

Hậu quả có người tưởng là với biến cố năm 1900, đủ để làm cho những nhà Truyền Giáo sợ hãi mà sẽ chẳng bao giờ đến nữa.

Nhưng họ đã lầm.

Vào ngày 1 tháng 9 năm 1901, một chiếc tàu lớn đậu ở bến cảng Shanghai (Thượng Hải). Một người đàn bà trẻ độc thân, từ Thụy Điển đã đặt chân lên đất Trung Hoa lần đầu tiên, tên là Marie Monsen cô là một trong những làn sóng mới các giáo sĩ đã thông biết sự tàn sát năm trước đây, đã hiến dâng mình hầu việc Chúa truyền giáo toàn thời gian cho nước Trung Hoa.

Monsen ở tại Trung Quốc hơn ba chục năm. Thời gian mà cô sống ở khu vực chúng tôi, Nanyang (Nam Dương), cô đã khuyến khích và huấn luyện cho một nhóm tín hữu Trung Hoa bừng dậy lên.

Marie Monsen khác với những giáo sĩ khác. Cô dường như không quan tâm đến việc đề cao những người lãnh đạo các Hội Thánh. Cô thường nói với họ rằng: “Quý vị là những người ích kỷ! Quý vị chỉ tin nhận Chúa Jesus Christ bằng đầu môi chót lưỡi, trong khi đó lòng quý vị chưa thực sự hứa hẹn với Ngài! Hối cải việc đó thì quá muộn để thoát khỏi sự phán xét của Chúa!” Cô đã mang lửa từ bàn thờ Chúa đến.

Cô Monsen nói với những Cơ-đốc nhân là học biết về sự tái sinh như vậy chưa đủ, họ phải tái sinh tận gốc rễ để được vào Vương Quốc của Chúa. Với lời dạy dỗ như vậy, cô đã nhấn mạnh gạt bỏ sự hiểu biết qua lý trí đối với Chúa, mà họ phải có trong nội tâm một cuộc sống đầy dẫy thánh linh. Những tấm lòng đã hối cải vì tội lỗi, và lửa phục hưng đã thổi qua các làng trung tâm Trung Quốc, bất cứ nơi nào cô đặt chân tới.

Vào năm 1940 một giáo sĩ phương tây khác đến giảng về Lời Chúa cho mẹ tôi, lúc đó bà mới hai mươi tuổi. Mặc dù bà không hoàn toàn hiểu, nhưng bà rất có thiện cảm với những gì bà nghe. Đặc biệt là bà thích hát Thánh Ca và nghe những chuyện trong Thánh Kinh, mà những nhà truyền giáo chia sẻ trong nhóm nhỏ khi họ đi thăm viếng miền quê. Chẳng bao lâu mẹ tôi đến nhóm với Hội Thánh, và trao trọn cuộc đời cho Chúa Jesus Christ.

Trung Quốc trở thành một nước Cộng Sản vào năm 1949, trong vòng vài năm sau tất cả các giáo sĩ đều bị trục xuất, các nhà thờ đóng cửa, và hàng ngàn người chăn tại Trung Hoa bị nhốt tù. Nhiều người mất mạng. Mẹ tôi trông thấy những giáo sĩ rời khỏi Nanyang (Nam Dương) trước năm 1950. Bà không bao giờ quên những giọt nước mắt trên má họ, khi họ phải ra bến cảng dưới sự dẫn độ của những người lính có vũ trang. Mục vụ của họ đã chấm dứt một cách tức tưởi.

Chỉ có một thành phố tại Trung quốc là Wenzhou (Ôn Châu), ở tỉnh Zhejiang (Triết Giang), có 49 người chăn bị nhốt tù khổ sai gần biên giới Liên Xô vào năm 1950. Nhiều người bị kết án trên mười hai năm về tội đã rao giảng Tin Lành. Trong số 49 người chăn chỉ có một người sống sót và trở về nhà, còn 48 người kia đều chết trong tù.

Khu vực nhà tôi ở Nanyang (Nam Dương), những tín đồ bị đóng đinh lên tường của nhà thờ vì đã không từ chối Đấng Christ. Những người khác thì bị xích vào xe và ngựa kéo lết đi cho tới chết.

Có một người chăn bị trói và cột vào một sợi dây thừng dài. Chức quyền giận điên lên vì người của Chúa này không chịu từ chối đức tin, nên họ đã dùng chiếc cần của xe cần trục kéo ông lên cao. Trước hàng trăm nhân chứng đến buộc tội gian là “Chống đối Cách Mạng”, vị người chăn được hỏi lần cuối cùng rằng ông có chịu từ chối không? Ông la lớn lên trả lời: “Không! Tôi sẽ không bao giờ từ chối Chúa của tôi là Đấng đã cứu tôi!” Chiếc dây thừng được thả xuống và vị người chăn bị dập nát dưới mặt đất.

Sau khi khám xét, những tên hành hạ đó đã khám phá thấy vị người chăn chưa chết hẳn, nên chúng dựng ông dậy, kéo ông lên cao lần thứ hai, thả dây xuống để kết liễu đời ông. Trong cuộc đời này vị người chăn đã chết, nhưng ông sống trên thiên đàng, với phần thưởng của một người đã trung kiên cho tới chết.

Cuộc đời không có gì là khó khăn đối với những Cơ-đốc nhân. Chủ tịch Mao đã đề xướng ra một kinh nghiệm mà ông ta gọi là “Một bước nhảy vọt”, cái đó đã kéo theo một đống người chết đói tại Trung Hoa. Thực sự bước nhảy vọt đó đã kéo Tổ Quốc họ thụt lùi. Ở trong tỉnh tôi tại Henan (Hà Nam) có vào khoảng tám triệu người chết đói.

Trong thời kỳ khó khăn đó, các Hội Thánh bé nhỏ còn non nớt, được mọc rải rác ở thành phố tôi ở là Nanyang (Nam Dương). Họ như những con Chiên không có người chăn. Mẹ tôi cũng phải rời khỏi Hội Thánh. Qua những thế hệ sau, vì hoàn toàn đói khát về sự thông công với các tín hữu, và không có Lời Chúa. Mẹ tôi quên hầu hết những gì bà đã học khi bà còn trẻ. Sự tương giao với Chúa đã trở nên nguội lạnh.

* * *

Vào ngày 1 tháng 9 năm 2001, đúng một trăm năm kể từ ngày mà cô Marie Monsen lần đầu tiên đến Trung Quốc để truyền giáo, có trên ba trăm Cơ-đốc nhân người Thụy Điển, đến tụ tập tại nghĩa địa Bergen để cầu nguyện và làm một buổi lễ hiến dâng. Một mộ bia mới được đặt lên, để tưởng nhớ cô Monsen đã trả giá cho việc đóng góp của cô vào các Hội Thánh, và những cá nhân người Cơ-đốc.

Hình cô Monsen và tên cô bằng tiếng Trung Hoa được xuất hiện trên mộ bia như sau:

Marie Monsen 1878 -1962

Giáo sĩ tại Trung Quốc 1901-1932

Chương Hai.

Người Đói Khát Được No Bụng.

“Hỡi các cù lao, hãy nghe ta! Hỡi các dân xa lạ, hãy ghé tai! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã gọi ta từ trong bụng mẹ, đã nói đến danh ta từ lòng dạ mẹ ta.” (Ê-sai 49:1).

Chúa đã gọi tôi theo Ngài lúc tôi mới 16 tuổi. Năm đó là năm 1974, và cuộc Cách Mạng Văn Hóa vẫn còn dữ, đi khắp Trung Hoa.

Lúc đó cha tôi bị đau. Ông bị suyễn rất nặng, nó làm cho ông bị ung thư phổi. Ung thư đó đã lây ra dạ dày của ông. Bác sĩ cho hay ông không thể cứu được nữa và sẽ chết, và nói với mẹ tôi: “Không còn hy vọng gì cho chồng bà nữa, hãy về lo sửa soạn chôn cất.”

Mỗi đêm cha tôi nằm trên giường rất khó thở. Vì là người mê tín dị đoan, nên cha tôi đã nhờ những người hàng xóm, kiếm cho một thầy phù thủy đến để tống khứ ma quỷ khỏi ông, vì ông tin rằng bệnh tật của ông là do kết quả của sự tức giận của ma quỷ.

Bệnh tật của cha tôi đã làm cho chúng tôi hết cả tiền của và sức lực. Bởi vì sự nghèo đói của chúng tôi, mà tôi không được đến trường học cho tới khi tôi lên chín, rồi thì tôi phải nghỉ học lúc mười sáu tuổi vì bệnh ung thư của cha tôi. Anh chị tôi và tôi buộc phải đi xin thức ăn tại hàng xóm và bạn bè để sống.

Cha tôi trước kia là đại úy trong Quân Đội Quốc Gia, ông đã chiến đấu chống Cộng Sản, những người ở làng khác và những người bị hành hạ rất ghét ông trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Cha tôi đã giết rất nhiều người trong chiến trận và chính ông cũng suýt chết. Ông bị tất cả mười hai vết sẹo đạn bắn vào chân ông.

Khi tôi mới sinh, cha tôi đặt tên tôi là “Zhenying” tên này có nghĩa là “Anh hùng của đơn vị đồn trú”.

Cha tôi có tiếng là không hay sợ sệt. Hàng xóm tránh né ông vì tính nết hung dữ của ông. Khi đội Phòng Vệ Đỏ đến để buộc tội ông trong thời Cách Mạng Văn Hóa, ông phải chịu đựng nhiều cuộc tra tấn đánh đập. Ông đã can đảm từ chối nhận tội, và không trả lời khi hỏi đến việc ông đã giết bao nhiêu người. Ông cứng đầu thà là bị đánh hay là bị giết, chứ không muốn nói cho chúng biết những gì chúng muốn nghe.

Có hai phương diện của cha tôi. Hầu hết mọi người đều biết cha tôi cực kỳ cứng rắn và nóng tính. Điều đó là đúng. Ông đã răn dạy các con hai điều chính yếu: Thứ nhất là phải tàn bạo và cứng rắn với kẻ khác, thứ hai là luôn luôn phải làm việc tích cực.

Nhưng tôi cũng còn nhớ về mặt hòa nhã của ông. Ông luôn luôn che chở vợ con từ những hãm hại bên ngoài. Nói chung là tôi rất gần với cha tôi. Tôi hy vọng cha tôi sức khỏe khá hơn, nhưng trường hợp còn tồi tệ hơn. Mẹ tôi ở trong thế nặng nề, đối diện với những viễn tưởng nản chí, phải một mình nuôi nấng năm đứa con. Bà không biết những gì sẽ xảy đến cho chúng tôi nếu cha tôi chết. Mọi sự đều vô vọng đến nỗi bà dự định tự vẫn.

Có một đêm khi mẹ tôi nằm trên giường, hoàn toàn thức giấc. Bất chợt bà nghe thấy rõ ràng tiếng nói dịu dàng đầy thương xót nói rằng: “Chúa Jesus yêu con”. Bà quỳ gối xuống sàn và nước mắt trào ra, hối lỗi và trao trọn vẹn cuộc đời bà cho Chúa Jesus Christ. Giống như người con hoang đàng, mẹ tôi đã trở về nhà với Chúa. Ngay lập tức bà gọi hết mọi người trong gia đình đến và cầu nguyện với Chúa Jesus. Bà nói với chúng tôi: “Chúa Jesus là nguồn hy vọng duy nhất của cha con”. Tất cả chúng tôi dâng cả đời sống cho Chúa, khi chúng tôi biết sự việc đó xảy ra. Chúng tôi mọi người đặt tay lên cha tôi trong đêm và lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa Jesus, xin Ngài chữa lành cho cha con! Chúa Jesus ơi xin Ngài chữa cho cha con!”

Ngay sáng sớm hôm sau cha tôi thấy khỏe hẳn lại! Đây là lần đầu tiên trong những tháng dài ông ăn đã thấy ngon miệng. Trong vòng một tuần lễ cha tôi bình phục hoàn toàn, và không còn dấu vết gì là bị ung thư! Thật là một phép lạ vĩ đại từ nơi Chúa.

Chúng tôi đã kinh nghiệm được sự phấn hưng từ nơi Chúa trong gia đình, và đời sống của chúng tôi đã thay đổi một cách mạnh mẽ. Thật đó là một tác động mạnh trong ngày hôm đó, vì gần 30 năm sau khi Chúa Jesus chữa lành bệnh cho cha tôi, tất cả năm người con của ông vẫn còn theo Chúa.

Cha mẹ tôi rất đội ơn Chúa về những điều Ngài đã làm, và cha mẹ tôi đã tức thì làm chứng tin vui này cho mọi người trong làng. Vào những ngày đó tụ họp là bất hợp pháp, nhưng cha mẹ tôi nghĩ ra một chương trình, là sai chúng tôi đi mời họ hàng bè bạn đến nhà chúng tôi.

Mọi người đến nhà chúng tôi cũng không biết lý do gì được mời đến. Nhiều người đoán chắc là cha tôi chết, do đó họ đã mặc quần áo chỉnh tề để dự đám tang! Họ rất ngạc nhiên là thấy cha tôi ra chào đón họ ở ngoài cửa, trông ông thật khỏe mạnh! Khi tất cả họ hàng và bạn bè đã đến đông đủ, cha mẹ tôi mới mời họ vào trong nhà. Khóa cửa và che cửa sổ lại, rồi cha mẹ tôi mới giải thích rằng, cha tôi hoàn toàn được chữa lành bởi sự cầu nguyện với Chúa Jesus. Tất cả họ hàng bạn bè đều quỳ gối xuống sàn nhà, và vui mừng tiếp nhận Chúa Jesus là Chúa là Chủ của họ.

Những giây phút đó thật là lý thú. Không những tôi tiếp nhận Chúa Jesus là Cứu Chúa của đời sống tôi, nhưng tôi cũng còn trở nên một người thực sự muốn hầu việc Ngài với tất cả tấm lòng.

Mẹ tôi chưa bao giờ học đọc và viết chữ, nhưng bà đã trở nên một người giảng lời Chúa trong làng. Bà đã hướng dẫn một Hội Thánh nhỏ trong nhà chúng tôi. Mặc dù còn nhỏ tôi không thể nhớ nhiều lời Chúa, nhưng mẹ tôi luôn luôn cổ vũ chúng tôi hướng về Chúa Jesus. Khi mà chúng tôi lớn tiếng kêu cầu Chúa, thì Chúa Jesus giúp đỡ chúng tôi với lòng thương xót của Ngài. Nhìn trở lại những ngày đó mới đây, tôi rất đỗi ngạc nhiên sao Chúa đã sử dụng mẹ tôi, mặc dù bà vô học và chẳng biết gì cả. Chí hướng trong lòng bà hoàn toàn trao cho Chúa Jesus. Có một vài giới lãnh đạo các Hội Thánh Tư Gia tại Trung Quốc, gặp Chúa lần đầu tiên cũng do lời giảng của mẹ tôi.

Lúc đầu tôi thực sự không biết Chúa Jesus là ai, nhưng khi nhìn thấy Chúa chữa lành bệnh cho cha tôi, và giải phóng gia đình tôi. Tôi hiến dâng cuộc đời tôi một cách tin tưởng cho Chúa, Đấng đã chữa lành cho cha tôi và cứu tôi. Trong thời gian ấy, tôi thường hỏi mẹ tôi Chúa Jesus thực sự là ai. Bà trả lời : “Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời, Ngài đã chết trên thập tự giá vì chúng ta, gánh lấy hết tội lỗi và bệnh tật của chúng ta. Ngài đã ghi tất cả những điều dạy dỗ của Ngài trong Thánh Kinh”.

Tôi hỏi rằng có những lời nào của Chúa Jesus còn lại để tôi có thể đọc được không. Bà trả lời: “Không, tất cả những lời ấy đã bị mất rồi. Không có gì còn lại qua lời của Ngài. Đó là vì trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, Thánh Kinh không còn thấy nữa”.

Kể từ ngày đó, tôi thiết tha mong muốn có một cuốn Thánh Kinh của riêng tôi. Tôi hỏi mẹ tôi và các bạn Cơ-đốc rằng, cuốn Thánh Kinh hình thù nó giống ra sao, nhưng chẳng ai biết cả. Có một người đã trông thấy một khúc Thánh Kinh viết tay, và các tờ bài hát, nhưng chưa bao giờ được thấy nguyên cuốn Thánh Kinh. Chỉ có một vài Cơ-đốc nhân già cả, có thể nhớ lại đã nhìn thấy Thánh Kinh nhiều năm trước đây. Lời của Chúa thật là hiếm hoi trong nội địa. Tôi thật thèm khát có được một cuốn Thánh Kinh. Nhìn thấy sự thất vọng của tôi, mẹ tôi nhớ lại có một ông cụ già sống ở làng bên. Ông đã là một người chăn trước ngày Cách Mạng Văn Hóa.

Hai mẹ con tôi bắt đầu đi bộ thật xa mới đến được nhà ông. Khi thấy ông, mẹ tôi nói với ông lòng khao khát của chúng tôi: “Chúng tôi mong chờ hoài để được nhìn thấy cuốn Thánh Kinh, cụ có cuốn nào không?”.

Tức thì, ông nhìn chúng tôi một cách sợ hãi. Ông già này đã bị gần 20 năm trong tù vì đức tin của ông. Ông nhìn tôi và nhìn thấy tôi còn trẻ và nghèo nàn, với bộ quần áo rách tả tơi đi chân không. Ông già cảm thấy thương hại, nhưng cũng vẫn không muốn cho tôi thấy cuốn Thánh Kinh của ông.

Tôi không trách cứ gì ông, bởi vì trong những ngày ấy tại Trung Quốc Thánh Kinh rất hiếm. Không ai được phép đọc bất cứ sách nào, ngoại trừ cuốn sách nhỏ màu đỏ của Mao. Nếu thấy ai đọc Thánh Kinh thì Thánh Kinh sẽ bị đốt, và người có cuốn Thánh Kinh, với cả gia đình sẽ bị đánh đập tàn nhẫn ngay trước mặt làng xóm.

Vị người chăn cao niên chỉ vẻn vẹn nói với tôi: “Cuốn Thánh Kinh là một cuốn Sách Thánh, nếu cháu muốn có một cuốn, thì cháu cần phải cầu nguyện với Chúa ở trên thiên đàng. Thì Ngài sẽ cung cấp cho cháu cuốn Sách Thánh ấy. Chúa là thành tín. Ngài luôn luôn nhậm lời khi ai tìm kiếm Ngài với tất cả tấm lòng.”

Tôi hoàn toàn tin tưởng ở lời của vị người chăn này.

Khi tôi trở về nhà, tôi vác một hòn đá vào trong phòng tôi, và quỳ lên đó cầu nguyện vào mỗi chiều tối. Tôi chỉ cầu nguyện có một điều đơn giản: “Chúa ơi, Chúa làm ơn cho con cuốn Thánh Kinh. A-men.” Lúc đó tôi không biết cách cầu nguyện ra làm sao, nhưng tôi cứ tiếp tục hơn một tháng.

Không có gì xảy ra cả. Thánh Kinh cũng không thấy xuất hiện.

Tôi trở lại nhà của vị người chăn đó nữa. Lần này tôi đi một mình. Tôi nói với cụ: “Cháu đã cầu nguyện với Chúa theo như lời cụ dạy, nhưng cháu vẫn chưa nhận được cuốn Thánh Kinh mà cháu rất cần. Cụ ơi, cụ làm ơn cho cháu thấy cuốn Thánh Kinh ra sao đi, chỉ liếc mắt nhìn thôi cháu cũng mãn nguyện rồi! Cháu cũng không cần sờ vào cuốn đó nữa. Cụ cứ giữ lấy nó. Cháu cũng hả lòng khi được nhìn thấy cuốn sách đó. Nếu cháu có thể chép được một vài câu, thì cháu sẽ sung sướng khi về nhà.”

Vị người chăn này nhìn thấy lòng áy náy của tôi. Cụ lại nói với tôi thêm nữa: “Nếu cháu thực lòng, thì từ nay cháu khỏi cần quỳ gối cầu nguyện với Chúa nữa, nhưng cháu phải kiêng ăn và khóc với Chúa. Cháu càng khóc nhiều chừng nào thì cháu sẽ có cuốn Thánh Kinh sớm chừng đó.”

Tôi trở về nhà, mỗi sáng và mỗi chiều tôi chẳng ăn uống gì. Mỗi buổi chiều tôi chỉ húp có chút ít cháo hoặc ăn chút cơm. Tôi kêu gào khóc lóc như đứa trẻ đối với Cha nó trên thiên đàng, là muốn được đầy lời dạy dỗ của Cha. Một trăm ngày sau, tôi cầu nguyện xin một cuốn Thánh Kinh, cho tới chừng tôi không thể chịu đựng nổi được nữa. Cha mẹ tôi tin chắc là tôi đã mất trí.

Nhìn lại những năm trước gần đây, tôi có thể nói rằng đây là những kinh nghiệm khó khăn nhất mà tôi đã từng chịu đựng.

Rồi thì bỗng nhiên một buổi sáng lúc 4 giờ, sau nhiều tháng xin Chúa trả lời những lời cầu nguyện của tôi, tôi đã được nhìn thấy một khải tượng từ nơi Chúa trong lúc tôi quỳ gối bên cạnh giường. Trong khải tượng ấy tôi thấy tôi đang leo lên một ngọn đồi, cố đẩy một chiếc xe phía trước tôi. Tôi hướng về một làng nơi này, tôi dự định xin thức ăn cho gia đình tôi. Tôi cố sức vật lộn vì đói và yếu, và đã chịu đựng khi kiêng ăn. Chiếc xe gần như tụt xuống đè lên tôi.

Lúc đó tôi thấy có ba người đang đi tới xuống đồi, hướng nghịch về phía tôi. Có một người lớn tuổi thật tốt, ông để bộ râu quai nón dài, đang đẩy một xe đầy bánh bao nóng hổi. Hai người kia đi cặp hai bên xe. Khi ông già đó nhìn thấy tôi, ông rất thương hại tôi và để tỏ lòng thương xót, ông hỏi tôi: “Cháu có đói không?” Tôi trả lời: “Thưa có, cháu chẳng có gì để ăn cả. Cháu đang đi xin thức ăn cho gia đình cháu.” Tôi khóc vì gia đình quá nghèo. Vì cha tôi bị bệnh, chúng tôi đã bán hết mọi thứ đáng giá để mua thuốc cho cha tôi. Chúng tôi còn chút ít tiền để sống, và cũng đã nhiều năm nay, chúng tôi đã buộc phải đi xin thức ăn từ các bạn bè và hàng xóm. Khi mà ông già đó hỏi tôi, tôi có đói không? Tôi không thể đừng được mà bật lên tiếng khóc. Tôi chưa bao giờ thấy một tình yêu chân thật, và lòng trắc ẩn của bất kỳ người nào trước đây như vậy.

Trong khải thị đó, ông già cầm một bao đỏ có bánh từ trong chiếc xe ra và bảo hai người hầu cận trao cho tôi. Ông nói: “Cháu phải ăn ngay đi.”

Tôi liền mở bao ra, và nhìn thấy một chiếc bánh bao còn nóng hổi bên trong. Khi tôi bỏ chiếc bánh vào miệng, bất chợt nó trở thành cuốn Thánh Kinh! Tôi thấy tôi bất thình lình quỳ xuống với cuốn Thánh Kinh, và lớn tiếng cảm tạ ơn Chúa: “Chúa ơi, Danh Chúa đáng tôn thờ! Chúa không coi thường lời cầu nguyện của con. Chúa đã cho phép con có được cuốn Thánh Kinh này. Con muốn hầu việc Chúa suốt cuộc đời còn lại của con.”

Tôi thức dậy bắt đầu đi kiếm cuốn Thánh Kinh trong nhà. Mọi người trong nhà đều ngủ cả. Khải thị tôi thấy thật là rõ rệt, khi tôi thể hiện thì nó chỉ là một giấc mộng, tôi thật là đau khổ, tôi khóc thật là lớn. Cha mẹ tôi vội chạy ùa vào phòng tôi để xem việc gì đã xảy ra. Cha mẹ tôi cho rằng tôi phát khùng vì tôi đã nhịn ăn để cầu nguyện. Tôi kể lại cho cha mẹ tôi về khải thị đó của tôi, nhưng khi tôi càng chia sẻ thì cha mẹ tôi lại càng cho tôi là điên khùng! Mẹ tôi nói: “Trời chưa sáng, chưa có ai đến nhà mình. Cửa còn khóa kỹ.”

Cha tôi ôm chặt lấy tôi. Với nước mắt trào ra, ông khóc với Chúa: “Chúa kính yêu ơi, xin Chúa thương xót con của con. Xin Chúa đừng để cho con của con mất trí. Con sẵn lòng bị bệnh trở lại, nếu việc đó làm cho con của con khỏi mất trí. Xin Chúa hãy cho con của con một cuốn Thánh Kinh!”

Cha tôi, mẹ tôi và tôi quỳ xuống tay trong tay và cùng khóc.

Bất thình lình tôi nghe thấy tiếng gõ cửa yếu ớt. Một tiếng nói êm dịu gọi tên tôi. Tôi vội chạy đến và hỏi qua cửa khóa: “Ông mang bánh đến cho tôi hả?” Tiếng nói êm dịu trả lời: “Vâng, tôi mang đến một bữa tiệc bánh cho cậu.” Tức thì tôi nhận ra ngay tiếng nói đó y như tiếng nói tôi đã nghe trong khải tượng.

Tôi vội mở cửa ra, thì đứng sững trước mặt tôi là hai người hầu cận mà tôi đã thấy trong khải thị. Một người cầm một túi đỏ trong tay. Tim tôi đập mạnh khi tôi mở túi ra và cầm lên trong tay cuốn Thánh Kinh của chính tôi!

Hai người vội vã rời khỏi trong đêm tối tĩnh mịch.

Tôi ôm ghì cuốn Thánh Kinh mới này của tôi vào lòng, và quỳ xuống ngay ngoài cửa. Tôi lại tạ ơn Chúa nữa và nhiều nữa. Tôi hứa với Chúa Jesus rằng, kể từ nay về sau tôi sẽ nghiền ngẫm Lời Chúa như là đứa trẻ đang đói. Sau này tôi khám phá ra được tên của hai người này. Một là anh Wang và người kia là anh Sung. Họ từ một làng xa. Họ nói với tôi về một giáo sĩ mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt. Ông này đau khổ khủng khiếp trong thời gian Cách Mạng Văn Hóa, và suýt chết khi bị chúng hành hạ.

Khoảng trước ba tháng, ngày tôi nhận được cuốn Thánh Kinh của tôi, thì vị giáo sĩ này nhận được khải thị từ Chúa. Chúa cho ông thấy một cậu bé mà ông phải trao cho cuốn Thánh Kinh ông đã giấu kín. Trong sự mạc khải đó, ông thấy nhà của chúng tôi và cả nơi ở của chúng tôi trong làng nữa.

Giống như nhiều Cơ-đốc nhân vào thời đó, ông cụ ấy đã đặt cuốn Thánh Kinh của cụ vào trong chiếc hộp, và chôn thật sâu xuống đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ đến, ông có thể đào lên và còn đọc lại được. Mặc dù với khải thị ông thấy, nhưng cũng phải đợi vài tháng ông mới quyết định thi hành điều Chúa đã bảo ông làm. Ông yêu cầu hai Cơ-đốc nhân khác trao cuốn đó cho tôi. Và rồi họ phải đi bộ suốt đêm mới tới nhà tôi. Sau đó tôi cầu nguyện với Chúa Jesus với lời cầu nguyện trung tín. Tôi hoàn toàn tin vào Lời Chúa trong Thánh Kinh, tôi luôn luôn mang theo cuốn Thánh Kinh, ngay cả khi tôi đi ngủ, tôi để nó trên ngực tôi. Tôi nghiền ngẫm lời dạy dỗ trong đó như đứa trẻ đang cơn đói.

Đây là món quà đầu tiên, tôi chưa bao giờ nhận được từ nơi Chúa khi cầu nguyện.

* * *

Deling (Tên của vợ anh Yun): Vào khoảng thời gian đó. Chúa sửa soạn cho chồng tôi anh Yun một cuộc sống hầu việc Chúa bằng Lời Ngài. Anh cũng kêu gọi tôi cùng anh, và hướng dẫn tôi làm cộng sự viên của anh. Tôi sinh năm 1962 tại thành phố Nanyang (Nam Dương) thuộc tỉnh Henan (Hà Nam), trong một làng có tên là Yenzhang. Làng của anh Yun ở cách tôi khoảng vài dặm.

Gia đình tôi thì thật là nghèo. Với bảy anh chị em, chúng tôi khó mà có quần áo để mặc, thực phẩm để ăn.

Khi nghĩ lại thời thơ ấu, tôi nhớ là thời hạnh phúc hòa với sự vật lộn để sống. Đồng ruộng của chúng tôi ở cách nhà khoảng một dặm, do đó chúng tôi phải cuốc bộ đi và về hàng ngày, vác theo những dụng cụ nặng nề và đồ dùng cho nông trường. Chúng tôi cũng phải dắt trâu, bò tới đó đi và về hàng ngày.

Chúng tôi là trẻ con, nên được giao cho việc vặt, là vác bông gòn hái được mang về nhà bằng những rổ nặng, treo toòng teng trên gánh. Chúng tôi trượt ngã trong bùn. Đôi khi mất cả tiếng đồng hồ mới vác được về tới nhà. Đó là một công việc nặng nề gãy sống lưng.

Đời sống tôi bị chi phối bởi sự chống chọi với bệnh loãng máu. Nếu tôi bị đứt thịt máu sẽ không ngưng chảy trong khoảng thời gian khá lâu. Dường như tôi cứ phải băng bó chân tay bằng những miếng giẻ rách để ngăn chặn máu chảy.

Mẹ tôi thì vì bị áp lực lạ lùng đè lên bà nên bị bệnh tâm thần. Ban ngày thì có vẻ tỉnh táo, nhưng về đêm chúng tôi nghe thấy bà nói một mình, khi cười khi khóc. Đôi khi bà nói chuyện với bức tường như nói với một người nào vậy.

Sau khi mẹ tôi tin Chúa, sự bình an của Chúa dần dần chiếm hữu, bà phục hồi và tỉnh táo lại. Đây là một bằng chứng mạnh mẽ cho gia đình và hàng xóm chúng tôi.

Lúc đầu tôi tin Chúa qua một sự đau đớn về thể xác rất dữ dội. Người hàng xóm là một bà Cơ-đốc nhân, bà hứa với tôi một câu rất đơn giản là: Nếu tôi tin Chúa Jesus thì Ngài sẽ chữa lành cho. Khi tôi 18 tuổi tôi trao cuộc đời tôi cho Chúa Jesus Christ.

Ngay tối hôm đầu tiên với tư cách là một tín hữu, tôi đã dự một buổi nhóm đầu tiên tại Hội Thánh. Nhân viên an ninh công cộng đến, chúng tôi đều phải chạy trốn trong đêm tối. Đây là việc khởi đầu giới thiệu về những gì khi tôi theo Chúa!

Vài ngày sau tôi được nhận phép Báp-tem, tôi nhận được một khải thị rõ rệt của Chúa khi tôi đang ngủ. Có một người dẫn tôi đến một cái ao, trong đó chứa nước thật trong như pha lê. Tôi được bảo phải rửa tay và chân bởi vì tôi đã hoàn toàn bị thương vì bệnh tật của tôi. Trong khải tượng, tôi thấy tôi nhúng tay và chân đầy sẹo vào nước, và tôi thấy sao da thịt tôi được lành và mới. Sáng ngày hôm sau khi tôi tỉnh dậy tôi thấy da của tôi giống như da của đứa trẻ mới sinh! Việc gì đã xảy đến cho tôi trong khải thị mà bây giờ lại xảy đến trong lúc tôi đang ngủ!

Tôi bây giờ không còn khổ sở vì bệnh loãng máu của tôi nữa.

Bởi vì phép lạ vĩ đại mà Chúa đã thể hiện trên tôi. Trong khi đó, cuộc sống của chúng tôi vẫn còn bị khó khăn, vì phải đương đầu với sự khủng bố hàng ngày. Nhưng tôi hứa với Chúa là tôi quyết theo Chúa Jesus bằng mọi giá.

Có hai người đàn bà còn trẻ đã tin nhận Chúa cùng lúc với tôi. Chúng tôi cùng nhóm họp với nhau. Họ thì sống phía bên kia của quận, nên chúng tôi phải đi bộ tới hơn một tiếng mới tới đó. Sau buổi nhóm tôi phải đi bộ một mình về nhà. Như thế thật là nguy hiểm, bởi vì trời thì tối và có những tên côn đồ và chó dữ ở ngoài đường vào ban đêm.

Chúa đã làm phép lạ vĩ đại để che chở và giúp tôi những buổi sáng sớm trong ngày ấy. Nhiều đêm khi tôi đi bộ về nhà, tôi nhìn thấy ánh sáng cách xa tôi khoảng mười thước, dường như có người đang cầm đèn dẫn lối tôi đi. Trong đêm tối như vậy, tôi thường hay bị lạc đường, lúc đó tôi thấy ánh sáng, giống như ngôi sao chỉ đường cho tôi quay trở lại đi đúng đường. Ánh sáng không có chiếu liên tục. Nó chỉ bật lên khi tôi đi lạc đường.

Vì những kinh nghiệm đó nên đức tin của tôi lớn mạnh rất nhanh……

[Xem tiếp: Cuộc Vượt Ngục Lạ Lùng]

Hiệu Đính bởi: Nguyễn Đức Huấn.
Ngày 05 Tháng 01 Năm 2019.