Hỏi & Đáp: Bê-hê-mốt và Lê-vi-a-than

5,012 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

“Bê-hê-mốt” và “Lê-vi-a-than” trong Gióp 40:10, 20 là nghĩa đen hay nghĩa thuộc linh?

Đáp:

Trước hết, chúng ta cần chú ý đến điều này: Sự chia đoạn và câu trong Thánh Kinh Việt ngữ, Bản Dịch Phan Khôi (1926) có một số chỗ khác với sự chia đoạn trong Thánh Kinh Anh ngữ, Bản Dịch King James; điển hình là: Trong bản Phan Khôi, Gióp 38 chỉ có đến câu 38 trong khi trong bản King James có đến câu 41; vì thế, câu 1 của đoạn 39 trong bản Anh ngữ lại là câu 4 trong đoạn 39 của bản Việt ngữ. Sự khác biệt này dẫn đến sự kiện: Gióp 40:10 và 40:20 trong bản Việt ngữ chính là Gióp 40:15 và 41:1 trong bản Anh ngữ King James.

Gióp 40:10 “Nầy, con trâu nước mà ta đã dựng nên luôn với ngươi; Nó ăn cỏ như con bò.”

Gióp 40:20 “Ngươi có thể câu sấu với lưỡi câu, Và dùng dây mà xỏ lưỡi nó chăng?”

Job 40:15 “Behold now behemoth, which I made with thee; he eateth grass as an ox.”

Job 41:1 “Canst thou draw out leviathan with an hook? or his tongue with a cord which thou lettest down?”

Kế tiếp, chúng ta cần lưu ý rằng: hai từ ngữ “trâu nước” và “sấu” đã được phỏng dịch trong bản Việt ngữ với ghi chú rằng trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, hai từ này là “bê-hê-mốt” và “lê-vi-a-than.” Trong những nơi khác thì bản Việt ngữ không dịch mà chỉ phiên âm từ ngữ “leviathan:”

Gióp 3:8 “Ai hay rủa sả ngày, và có tài chọc lê-vi-a-than dậy, hãy rủa sả nó!”

Thi Thiên 74:14 “Chúa chà nát đầu lê-vi-a-than; ban nó làm thực vật cho dân ở đồng vắng.”

Thi Thiên 104:26 “Tại đó tàu thuyền đi qua lại; cũng có lê-vi-a-than mà Chúa đã nắn nên đặng giỡn chơi nơi đó.”

Ê-sai 27:1“Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ dùng gươm cứng, lớn, và mạnh mà phạt lê-vi-a-than, là con rắn lẹ làng, phạt lê-vi-a-than là con rắn cong queo; và Ngài sẽ giết con vật lớn dưới biển.”

Trong khi từ ngữ “lê-vi-a-than” xuất hiện sáu lần trong năm câu Thánh Kinh thì từ ngữ “bê-hê-mốt” chỉ xuất hiện có một lần trong sách Gióp.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, “bê-hê-mốt” được viết là בּהמות với mã số Strong là H930; được phiên âm là /behêmôth/ và phát âm là (be-hay-mohth’). Theo “Strong’s Hebrew and Greek Dictionaries” thì có thể đây là một từ ngữ ra từ tiếng Ai-cập, có nghĩa là “trâu nước” hay là “ngựa sông Nile.” Theo “Brown-Driver-Briggs’ Hebrew Definitions” thì có thể đó là tên của một loài khủng long đã tuyệt chủng, mà các di tích hóa thạch của khủng long diplodocus và brachiosaurus cho thấy rất có thể bê-hê-mốt trong sách Gióp đề cập tới một trong hai loài này.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, “lê-vi-a-than” được viết là לויתן với mã số Strong là H3882; được phiên âm là /livyâthân/ và phát âm là (liv-yaw-thawn’). Theo “Strong’s Hebrew and Greek Dictionaries” thì từ ngữ này được dùng để gọi một loài rắn nước to lớn. Trong Việt ngữ của chúng ta có từ ngữ “thuồng luồng” cùng ý nghĩa. Theo “Brown-Driver-Briggs’ Hebrew Definitions” thì có thể đó là một loài khủng long sống dưới nước, một loại rồng biển. Một số nhà giải kinh cho rằng lê-vi-a-than chính là loài khủng long biển tên là kronosaurus.

Dưới đây là một số chi tiết và hình minh họa về diplodocus, brachiosaurus, và kronosaurus:

Diplodocus

Tên diplodocus có nghĩa là “xà đôi,” (xà là khúc gỗ lớn, có lẽ vì cổ và đuôi của diplodocus giống như hai khúc gỗ lớn). Diplodocus có chiều dài 27 mét, chiều cao 5 mét, và nặng từ 10 đến 20 tấn. Cổ của diplodocus có thể dài đến 5 mét và đuôi dài đến 14 mét trong khi đầu của nó chỉ dài hơn ½ mét với lỗ mũi ở trên đỉnh đầu. Hai chân trước của nó ngắn hơn hai chân sau. Chân giống như chân voi với 5 ngón, trong đó, một ngón có vuốt nhọn, có lẽ dùng làm vũ khí để tự bảo vệ.

Thức ăn chính của diplodocus là cây cỏ. Phần lớn các di tích hóa thạch của diplodocus được tìm thấy tại khu vực Rocky Mountains thuộc vùng phía tây của Hoa Kỳ, trong các tiểu bang: Colorado, Montana, Utah, và Wyoming.

Hình 1: Minh họa khủng long diplodocus [1]
Bấm vào hình để phóng lớn

Brachiosaurus

Tên brachiosaurus có nghĩa là “thằn lằn cánh tay.” Brachiosaurus có chiều dài 24-26 mét, chiều cao 7 mét tính đến ngang hông và 12-16 mét tính đến đỉnh đầu, cân nặng từ 33 đến 88 tấn. Không giống như các loài khủng long khác, hai chân trước của brachiosaurus dài hơn hai chân sau, vì thế, mới được đặt tên là “cánh tay thằn lằn.”

Thức ăn chính của brachiosaurus là cây cỏ. Phần lớn các di tích hóa thạch của brachiosaurus được tìm thấy tại  Colorado, Hoa Kỳ; Tanzania, Phi Châu; và Portugal, Âu Châu.

Hình 2: Minh họa khủng long brachiosaurus [2]
Bấm vào hình để phóng lớn

Kronosaurus

Tên kronosaurus có nghĩa là “thằn lằn của Kronos,” (Kronos là tên một vị thần trong thần thoại Hy-lạp). Kronosaurus có chiều dài 9-13 mét, có bốn vây để bơi và một đầu dài bằng 1/3 toàn thân.

Thức ăn chính của kronosaurus là các động vật biển. Các di tích hóa thạch của kronosaurus được tìm thấy tại  Úc Châu và Colombia, Nam Mỹ.

Hình 3: Di tích hóa thạch của kronosaurus, trưng bày tại Harvard museum of natural history [3]
Bấm vào hình để phóng lớn

Hình 4: Minh họa kronosaurus [4]
Bấm vào hình để phóng lớn

Với những chi tiết được trình bày trên đây, chúng ta có thể tin chắc là hai loài vật: bê-hê-mốt và lê-vi-a-than, được Thiên Chúa nói đến trong sách Gióp, là hai loài sinh vật có thật do chính Ngài đã dựng nên. Trong Gióp 40:15 (trong bản Việt ngữ là 40:10), Thiên Chúa bảo Gióp:

“Bây giờ, hãy nhìn bê-hê-mốt mà Ta đã dựng nên với ngươi. Nó ăn cỏ như một con bò”(dịch sát nghĩa).

King James Version, Job 40:15: “Behold now behemoth, which I made with thee; he eateth grass as an ox.”

Có lẽ, ngay lúc đó, xa xa có bóng dáng của những con bê-hê-mốt đang ăn cỏ, và Thiên Chúa bảo Gióp nhìn vào chúng. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa thuộc linh, bê-hê-mốt và lê-vi-a-than đều được dùng để tiêu biểu cho sự hung hãn của Sa-tan. Thứ nhất, chúng ta thấy Thiên Chúa hàm ý Ngài sẽ tiêu diệt bê-hê-mốt:

King James Version, Job 40:19: “He is the chief of the ways of God: He that made him can make His sword to approach unto him.”

Dịch sát ý: “Nó là đầu trong các đường lối của Thiên Chúa. Đấng dựng nên nó có thể khiến cho gươm của Ngài đến gần nó.” Thành ngữ “đầu trong các đường lối của Thiên Chúa” có nghĩa bê-hê-mốt được tạo dựng đầu tiên trong các loài động vật.

Trong bản Việt ngữ, câu trên tương đương với Gióp 40:14 và được dịch như sau: “Nó là công việc khéo nhứt của Đức Chúa Trời; Đấng dựng nên nó giao cho nó cây gươm của nó.” Bản dịch Việt ngữ phạm vào lỗi văn phạm, cho nên, đã khiến gươm của Thiên Chúa thành gươm của bê-hê-mốt.

Thứ nhì, Lê-vi-a-than được gọi là vua của mọi con cái của sự kiêu ngạo:

King James Version, Job 41:34: “He beholdeth all high things: he is a king over all the children of pride.”

Trong bản Việt ngữ, câu trên tương đương với Gióp 41:25 và được dịch như sau: “Nó nhìn xem các vật cao lớn; Nó làm vua của các loài thú kiêu ngạo.”  Trong nguyên ngữ của Hê-bơ-rơ không chép là “các loài thú kiêu ngạo” mà chỉ chép là “mọi con cái của sự kiêu ngạo.” Chúng ta cũng biết, loài thú không có cá tính kiêu ngạo!

Thứ ba, tương tự trong việc cùng một đoạn Thánh Kinh có hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng, chúng ta thấy Ê-sai 14 vừa nói về Vua ba-by-lôn, vừa nói về Sa-tan, đặc biệt là từ câu 12 đến câu 15; và Ê-xê-chi-ên 28, vừa nói về Vua Ty-rơ, vừa nói về Sa-tan, đặc biệt là từ câu 11 đến câu 19.

Mời bạn xem thêm tại đây: http://tinlanhbiengiao.net/node/37 bài “Hỏi& Đáp: Loài người xuất hiện sau khủng long hàng triệu năm?”

Huỳnh Christian Timothy
23.09.2011

Ghi chú

[1] Nguồn: http://www.healthstones.comhttp://eng.universal-soundbank.com

[2] Nguồn: http://www.kidsdinos.comhttp://dinosaurs.wikia.com

[3] Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/

[4] Nguồn: http://www.toptenz.net

Tham khảo

http://www.clarifyingchristianity.com/dinos.shtml

– Henry M. Morris, “The Ramarkable Record of Job,” Master Books, 05/2004.