Tuổi Dậy Thì 08: Bắt Nạt và Bị Bắt Nạt

1,672 views

Tuổi Dậy Thì:
08 Bắt Nạt và Bị Bắt Nạt

Huỳnh Christian Timothy

“Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm {điều ấy} cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12)

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzMyODkxOTdf/TDT_08_BatNatVaBiBatNat.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/tdt_08_batnatvabibatnat
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/dh6sis2z796uhcm/TDT_08_BatNatVaBiBatNat.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Trong bài học này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về hai áp lực khác, mà chúng ta có thể phải đương đầu trong lứa tuổi dậy thì. Đó là áp lực buộc các cháu nghe theo những bạn xấu để bắt nạt (bully) những người yếu sức; và áp lực khi chính các cháu bị bắt nạt (be bullied) bởi những kẻ xấu. Cả hai áp lực này đều rất mạnh, và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, còn lại đến lâu dài.

Tệ nạn những kẻ xấu mạnh sức, hợp nhau bắt nạt người yếu sức hơn mình xảy ra trong mọi thời đại và khắp nơi trên thế giới. Mỗi một tập thể trong xã hội, từ xóm làng hay khu phố, đến trường học hay nơi làm việc, trong nhà tù hay trong các tổ chức tôn giáo… đều có tệ nạn bắt nạt. Sự bắt nạt không chỉ diễn ra cách trực tiếp, mặt đối mặt, giữa kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt, mà còn lan ra trên các phương tiện truyền thông, qua tin nhắn điện thoại, các phòng trò chuyện (chat room), và các trang mạng xã hội của cá nhân; tạo thành hiện tượng gọi là “sự bắt nạt trên mạng” (cyberbullying).

Có lẽ, ít nhiều gì các cháu cũng từng chứng kiến cảnh trong xóm làng hay khu phố của mình, hoặc trong trường học của mình, có đứa trẻ bị những đứa trẻ khác xúm nhau vô cớ hiếp đáp. Đứa trẻ ấy là nạn nhân của tệ nạn bắt nạt (bullying). Sự bắt nạt được thể hiện bằng cách: mắng chửi; đánh đập; cướp giật tiền bạc, tài sản; hoặc làm nhục bằng các hình thức khác. Sự bắt nạt cũng có thể do một nhóm trẻ em gây ra cho một người lớn tuổi, nhất là trong số những người ăn xin, tật nguyền, không nhà không cửa.

Hầu hết những trẻ em chứng kiến cảnh người khác bị bắt nạt đều lờ đi, không dám lên tiếng can ngăn hoặc báo cho các bậc có thẩm quyền biết, vì sợ bị kẻ xấu trả thù. Khoảng 50% các nạn nhân bị bắt nạt cũng không dám báo với cha mẹ, thầy cô về sự mình bị bắt nạt. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 28% số trẻ em từ lớp 6 đến lớp 12 bị bạn học xấu bắt nạt; và có khoảng 40% người lớn bị bắt nạt trong nơi làm việc. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, chỉ riêng tại Hoa Kỳ, mỗi ngày có đến khoảng 160.000 trẻ em không dám đi học, vì sợ bị bạn học xấu bắt nạt. Mỗi năm có nhiều trẻ em người Mỹ tự tử vì bị bắt nạt, nhất là các trẻ em nữ trong lứa tuổi từ 10 đến 14. Chính phủ Hoa Kỳ đã phải cho thiết lập một cơ quan chuyên phụ trách ngăn chận việc bắt nạt, và lập ra các luật liên quan đến tệ nạn bắt nạt [1].

Tệ nạn bắt nạt trong lứa tuổi học sinh có thể bắt đầu với một đứa trẻ lớn hơn, có sức mạnh hơn những trẻ khác cùng trang lứa, mà có tính xấu, vui thích trong sự gây ra bất công và đau khổ cho người khác, nên nó tìm cách bắt nạt những trẻ khác yếu sức hơn mình. Theo thời gian, đứa trẻ xấu ấy tụ tập những trẻ xấu khác dưới quyền của mình, lập thành một băng đảng.

Tệ nạn bắt nạt trong lứa tuổi học sinh cũng có thể xảy ra, khi một đứa trẻ có điểm nào đó khác với các bạn học của mình, thì bị các bạn học xúm nhau, chỉ trích, bêu rếu, chê cười, tẩy chay (không chơi với). Thí dụ:

  • Quá mập hay quá ốm.

  • Có dị tật hoặc có thẹo, có vết trên thân thể.

  • Bị kém trí khôn.

  • Học lực kém.

  • Cách ăn mặc không giống số đông.

  • Con nhà nghèo.

  • Khác chủng tộc.

  • V.v..

Tệ nạn bắt nạt gây tác hại trên chính những kẻ làm sự bắt nạt cũng như trên những nạn nhân của sự bắt nạt. Những tác hại có thể kéo dài cho đến khi kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt đã trưởng thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ.

Các tác hại đối với những kẻ làm ra sự bắt nạt:

  • Kết quả học tập thấp, vì thích trốn học, hoặc bị kỷ luật vì tính xấu, không được đến trường.

  • Trở nên nóng tính, cộc cằn, thô lỗ.

  • Dễ gây sự, đánh nhau, phá hoại tài sản của người khác, bỏ học.

  • Dễ sa ngã vào sự ghiền, nghiện ma túy vì ưa thích cảm giác mạnh.

  • Khó duy trì các mối quan hệ trong xã hội, vì cá tính của mình khiến cho người khác xa lánh.

  • Sau khi có gia đình riêng sẽ tiếp tục bắt nạt chồng hoặc vợ và các con.

  • Có khuynh hướng chống đối các trật tự trong xã hội.

  • Dễ sa ngã vào các việc làm phạm pháp.

  • Dễ trở thành những tội phạm can tội hành hung, cướp, giết, hãm hiếp người khác.

  • V.v..

Các tác hại đối với những nạn nhân bị bắt nạt:

  • Bị thương tổn thân thể, nếu bị đánh đập.

  • Mang mặc cảm tủi nhục vì bị chà đạp nhân phẩm (nhân phẩm là phẩm chất tốt đẹp của một người do Thiên Chúa ban cho, cũng là quyền của một người được người khác đánh giá và tôn trọng cách xứng đáng, được đối xử cách công chính.)

  • Mang mặc cảm thấp hèn, nghĩ rằng mình không đáng để được tôn trọng.

  • Mất ngủ, ăn uống thất thường.

  • Tránh việc đi học. Kết quả học tập thấp.

  • Dễ bị bệnh và thường mắc các chứng như đau dạ dầy, nhức đầu, đau nhức bắp thịt… vì áp lực tâm lý.

  • Nhút nhát, tránh sự giao tiếp trong xã hội.

  • Lo lắng, sợ hãi.

  • Thường xuyên bị chứng trầm cảm (buồn bực, khó chịu, không tha thiết đến cuộc sống).

  • Sức khoẻ yếu kém vì lo lắng, bất an, và ăn ngủ không điều độ.

  • Dễ nảy sinh ý muốn tự tử.

  • Dễ làm ra những hành động tự làm hại thân thể để giải tỏa áp lực của chứng trầm cảm.

  • Dễ lạm dụng các chất ma túy để tránh áp lực của sự trầm cảm.

  • V.v..

Nếu các cháu bị những đứa trẻ xấu ép buộc các cháu phải nhập vào băng đảng của chúng, để bắt nạt những đứa trẻ khác, là các cháu bị chúng làm áp lực buộc các cháu làm điều xấu. Các cháu có thể bị chúng đe doạ sẽ biến các cháu thành nạn nhân của chúng, nếu các cháu không gia nhập băng đảng của chúng. Các cháu cũng có thể là nạn nhân bị bắt nạt. Khi ấy các cháu phải gánh chịu áp lực của sự sợ hãi, tủi nhục.

Trong cả hai trường hợp, các cháu hãy làm những điều sau đây:

  • Cầu nguyện, dâng trình sự việc lên Chúa. Xin Chúa bảo vệ mình. Xin Chúa ban cho mình sự can đảm và khôn sáng trong cách giải quyết vấn đề; khi mình trình bày vấn đề với cha mẹ, thầy cô; và khi mình đối đáp với những kẻ xấu.

  • Lập tức trình bày sự việc với cha mẹ hoặc anh chị, yêu cầu họ đưa mình đến gặp thầy cô để trình bày sự việc.

  • Nếu những kẻ xấu vẫn không để yên cho các cháu thì các cháu nhờ cha mẹ, anh chị báo với công an địa phương. Nếu công an địa phương không giải quyết thì nhờ các cơ sở truyền thông, như đài TV, báo chí… nhờ họ lên tiếng.

  • Các cháu cần thu thập các video ghi lại cảnh bắt nạt của những kẻ xấu, để đưa cho cha mẹ, thầy cô, công an, các cơ sở truyền thông.

  • Sau cùng, nếu vẫn không giải quyết được sự việc, thì các cháu cần phải rời khỏi địa phương hoặc trường học của mình. Đây là việc mà gia đình các cháu phải tìm cách thực hiện để bảo vệ các cháu, khi mà, ngay cả chính quyền và dư luận cũng không thể bảo vệ các cháu.

Nếu các cháu chứng kiến cảnh người khác bị bắt nạt, các cháu hãy kín đáo dùng điện thoại để ghi âm, thu hình cảnh bắt nạt. Sau đó, tự mình hoặc nếu cần thì nhờ cha mẹ hoặc anh chị của mình, chia sẻ đoạn phim ấy với cha mẹ của người bạn học bị bắt nạt, với thầy cô trong trường.

Nếu sự bắt nạt liên quan đến sự đánh đập, làm người bắt nạt bị thương, thì các cháu phải nhanh chóng gọi số 113 cho công an, cảnh sát.

Nếu các cháu nhận thấy mình có đủ sức để can thiệp, thí dụ, các cháu biết các thế cận chiến để tự vệ, thì các cháu nên lên tiếng can thiệp, yêu cầu các kẻ xấu không được tiếp tục bắt nạt nạn nhân. Rồi đưa nạn nhân đến gặp thầy cô hoặc cha mẹ của nạn nhân, để báo cáo sự việc.

Nếu các cháu là người bị bắt nạt mà các cháu có sức chống cự, thì các cháu phải lớn tiếng phản đối, để thu hút sự chú ý của nhiều người chung quanh; rồi khi kẻ bắt nạt đến gần tấn công các cháu, thì các cháu bình tĩnh đánh trả một cách nhanh, mạnh, và chính xác, bằng cách đá vào đầu gối hoặc hạ bộ, đấm vào sóng mũi, quai hàm, chấn thủy (điểm giữa ngực, trên rốn và dưới xương ức). Như thế, những kẻ bắt nạt sẽ biết là chúng không thể bắt nạt các cháu. Nếu các cháu không có sức chống cự thì bỏ chạy càng sớm càng tốt. Nhưng nếu không thể bỏ chạy mà bị bao vây, thì cũng thừa lúc kẻ bắt nạt sơ ý, tấn công thật nhanh như hướng dẫn trên đây, rồi bỏ chạy; lớn tiếng kêu cứu với những người chung quanh. Sau đó, các cháu phải báo ngay với cha mẹ, thầy cô.

Quyền tự vệ là quyền chính đáng đối với luật pháp của loài người lẫn luật pháp của Thiên Chúa. Trước khi Đức Chúa Jesus Christ chịu bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã bảo các môn đồ của Ngài, nếu ai không có gươm thì hãy bán áo để mua gươm (Lu-ca 22:36). Mục đích mua gươm là để các môn đồ có thể tự vệ trước quân trộm cướp, trong khi đi đường, vì Chúa sẽ không còn đi bên cạnh họ. Nhưng Chúa cũng dạy chúng ta phải khôn sáng, không chống cự kẻ dữ (Ma-thi-ơ 5:39), là kẻ mạnh sức hơn chúng ta, bắt nạt chúng ta, mà chúng ta không có sức để tự vệ; đặc biệt là trong trường hợp chính quyền bách hại chúng ta.

Các cháu nên đưa ra ý kiến thành lập các đội chống bắt nạt trong trường của mình, để dẹp đi tệ nạn bắt nạt nơi trường học.

Là con dân của Chúa, chúng ta không được tham dự vào bất cứ một hình thức bắt nạt nào. Chúa không cho phép chúng ta đối xử bất công, thiếu tình yêu thương với người khác. Lời Chúa dạy chúng ta phải yêu người lân cận như chính mình. Người lân cận là bất cứ ai mà chúng ta gặp được trong cuộc sống. Yêu người lân cận như chính mình là một trong hai điều răn lớn của Thiên Chúa.

Ma-thi-ơ 22:35-40

35 Có một người trong nhóm họ, {là} một thầy dạy luật, hỏi để thử Ngài, rằng:

36 Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?

37 Đức Chúa Jesus phán với ông: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời của ngươi.

38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn.

39 Còn điều răn thứ nhì cũng {lớn} như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận của ngươi như chính mình.

40 Hết thảy luật pháp và những lời tiên tri đều được treo trong hai điều răn này.

Ông Khổng Tử là một giáo sư lớn của Trung Quốc đã dạy cho học trò rằng: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Đó là một lời dạy đạo đức, khuyên người ta đừng làm ác. Nhưng lời của Đức Chúa Jesus Christ thì truyền dạy cho con dân Chúa, phải tích cực làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình:

“Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm {điều ấy} cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

Học theo câu nói trên đây của Khổng Tử thì chúng ta chỉ không cần làm điều ác. Nhưng vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, thì chúng ta vừa không làm điều ác, vừa tích cực làm cho người khác những điều lành mà chúng ta muốn họ làm cho mình.

Bác Tim chúc các cháu luôn đứng vững trong đức tin nơi Thiên Chúa, nhờ ơn Chúa mà vượt qua mọi áp lực xấu của bạn bè, của dư luận, sống thánh khiết theo Lời Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
20/10/2018

Ghi Chú

[1] https://www.stopbullying.gov/

Câu Hỏi

Các cháu hãy làm bài giải đáp các câu hỏi dưới đây, rồi email cho bác Tim trước 9 giờ tối Thứ Hai. Các cháu nên đọc lại và nghe lại bài giảng trước khi làm bài. Các cháu cũng nên cầu nguyện, xin Chúa ban cho các cháu sự thông sáng, hiểu rõ câu hỏi và biết câu trả lời trong khi làm bài. Nếu các cháu có thắc mắc gì thì hãy email cho bác Tim:

timhuynh@timhieuthanhkinh.net

Các cháu hãy trả lời một cách ngắn gọn, theo sự hiểu biết của mình, tránh không lập lại nguyên văn lời của bác Tim:

1. Chúng ta nên làm gì khi bị áp lực phải theo những bạn xấu để bắt nạt những bạn yếu?

2. Chúng ta nên làm gì khi bị những kẻ xấu bắt nạt mình?

3. Chúng ta nên làm gì khi thấy có người bị bắt nạt?

4. Thói xấu bắt nạt người khác sẽ đem lại hậu quả cho chính kẻ bắt nạt người khác. Hãy đặt ra một câu chuyện làm thí dụ, cho thấy hậu quả xấu ảnh hưởng đến đời sống của kẻ bắt nạt, khi kẻ ấy đã trưởng thành.

5. Những sự xấu xảy ra cho người bị bắt nạt có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người ấy khi người ấy đã trưởng thành. Hãy đặt ra một câu chuyện làm thí dụ, cho thấy hậu quả xấu ảnh hưởng đến đời sống của người bị bắt nạt, khi người ấy đã trưởng thành.

Tải xuống bài viết này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzMyODkwNzlf/TDT-08-BatNatVaBiBatNat.pdf

Tải xuống mp3 bài giảng này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzMyODkxOTdf/TDT_08_BatNatVaBiBatNat.mp3

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.