Những Phép Lạ Trong Ngày Thứ Nhất Sau Khi Chúa Phục Sinh

3,183 views

Huỳnh Christian Timothy

Nhấp vào đây để download bài viết này

I. Dẫn nhập

Cuộc đời của Đức Chúa Jesus, khi Ngài ở trong thân xác loài người, bắt đầu bằng những phép lạ, diễn tiến với những phép lạ và kết thúc cũng bằng những phép lạ. Thánh Kinh ghi lại cuộc đời của Đức Chúa Jesus qua bốn sách Tin Lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Những ai thật lòng tin nhận Chúa đều công nhận Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời. Vì Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời cho nên Thánh Kinh không thể có sai lầm và cũng không thể tự mâu thuẫn. Những ai thật lòng tin nhận Chúa đều tiếp nhận tín lý sau đây bằng đức tin (nghĩa là tin mà không cần có sự chứng minh): “Ngoại trừ một số lỗi trong sự sao chép, in ấn, dịch thuật xảy ra sau này, Thánh Kinh khi được viết ra không hề có một lỗi nào.” Tuy nhiên, dường như có những sự kiện về cuộc đời của Đức Chúa Jesus được ghi chép trong bốn sách Tin Lành mà chi tiết  lại không đồng nhất. Điều này làm cho những người không tin Chúa nhạo cười tín lý “Thánh Kinh Vô Ngộ” (Thánh Kinh không sai lầm); còn những người tin Chúa thì bối rối, thậm chí, có người nghi ngờ sự chân thật của Thánh Kinh.

Chi tiết về những sự kiện xảy ra trong ngày thứ nhất sau khi Chúa sống lại, được ghi chép trong bốn sách Tin Lành, là một điển hình cho nan đề “không đồng nhất” trong Thánh Kinh. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau hệ thống các chi tiết được ghi chép trong Thánh Kinh; rồi lý luận trong sự soi dẫn bởi Đức Thánh Linh để thấy được sự đồng thuận của mọi chi tiết.

Trước khi bắt đầu, chúng ta cũng cần ghi nhớ vài điểm quan trọng sau đây:

1. Thánh Kinh chỉ ghi lại một cách tổng quát các sự việc xảy ra. Tùy theo sự quan sát của người viết, sự thần cảm của Đức Thánh Linh mà mỗi ghi chép ghi lại một sự kiện dưới những góc độ khác nhau. Điều này cũng giống như một viên trưởng ban biên tập của một tờ báo sai phái nhiều phóng viên cùng đến hiện trường của một tai nạn lớn để thu thập tin tức. Có phóng viên ngồi trên trực thăng từ trên cao chụp hình, quay phim; có phóng viên theo cảnh sát vào tận hiện trường để chụp hình, quay phim; có phóng viên thì xen lẫn vào dân chúng tụ tập chung quanh hiện trường để hỏi han, ghi chép. Chắc chắn là bản tường trình của ba phóng viên sẽ hoàn toàn khác nhau, các hình chụp cũng khác nhau. Thậm chí, có những điểm dường như mâu thuẫn; thí dụ: phóng viên từ trên trực thăng báo cáo có 10 xe cảnh sát tại hiện trường và ba xe cứu thương; trong khi phóng viên dưới đất, (đến sau phóng viên ở trên trực thăng), báo cáo chỉ có tám xe cảnh sát và một xe cứu thương, (vì anh ta đến sau nên không biết đã có hai xe cứu thương rời hiện trường cùng với hai xe cảnh sát đi trước mở đường, đưa các nạn nhân đến bệnh viện); còn phóng viên lo lấy tin từ trong dân chúng thì chẳng đề cập có bao nhiêu xe cảnh sát hay xe cứu thương nhưng bản tường trình của anh ta có nhiều chi tiết từ các nhân chứng mà trong tường trình của hai phóng viên kia không có. Riêng một phóng viên khác được phái đến bệnh viện thì bản tường trình của anh ta hoàn toàn không có những chi tiết liên quan đến hiện trường nhưng lại rất chính xác về vết thương của các nạn nhân, sự chữa trị của các bác sĩ và y tá, thậm chí anh ta còn ghi lại được những phát biểu của các nạn nhân. Trong bản tường trình của người phóng viên có mặt bên cạnh cảnh sát, tiếp cận hiện trường, có thể ghi lại: có ba người bị thương và một người chết; nhưng trong bản tường trình của người phóng viên có mặt tại bệnh viện có thể ghi lại: có hai người bị thương và hai người chết. Hai bản tường trình rõ ràng là mâu thuẫn nhưng không bản tường trình nào sai khi dựa vào thời gian và địa điểm mà các bản tường trình được ghi chép; bởi vì, có thêm một nạn nhân đã qua đời trên đường được di chuyển đến bệnh viện.

2. Vì Thánh Kinh ghi chép một cách tổng quát cho nên nhiều khi những sự kiện cách xa nhau hàng ngàn năm đã được ghi gọn lại trong một câu. Điển hình là Đa-ni-ên 9:26, ghi lại hai sự kiện cách nhau hơn 40 năm, (Đấng Christ bị giết vào năm 27, dân La-mã hủy diệt đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70); Từ Đa-ni-ên 9:26 đến Đa-ni-ên 9:27 có một khoảng cách chừng 2,000 năm (Thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 70 và AntiChrist sẽ cầm quyền trong thời gian sắp tới).

Bấm vào đây để vào trang download audio

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Phần 1

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần 2</stro ng>

 

 

 

 

 

 

 

Phần 3

 

 

 

 

 

 

 

II. Thời gian biểu các diễn tiến từ khi Chúa chết cho đến khi Chúa sống lại và hiện ra ban Thánh Linh cho các môn đồ

Để có một cái nhìn rõ ràng, chúng ta hãy hệ thống các chi tiết theo thứ tự diễn tiến của chúng kể từ khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá cho đến khi Chúa hiện ra với các môn đồ vào buổi chiều tối của ngày thứ nhất, sau khi Chúa sống lại. Mời các bạn tham khảo bài: “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” được đăng tại đây: https://timhieutinlanh.com/node/579.

Thánh Kinh

Sự Kiện

Ma-thi-ơ 27:46-61

Mác 15:33-47

Lu-ca 23:44-55

Giăng 19:38-42

1. Thứ tư 09/04/27 –  Từ 3 giờ chiều đến trước khi mặt trời lặn:Chúa chết và được Giô-sép, nghị viên của Tòa Công Luận Do-thái, cùng với Ni-cô-đem, người Pha-ri-si và giáo sư dạy luật Do-thái Giáo, tẩm liệm rồi chôn cất trong huyệt đá của Giô-sép. Trong lúc chôn cất xác Chúa có sự chứng kiến của: Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ của Sứ Đồ Gia-cơ [01] còn gọi là Ma-ri khác, Sa-lô-mê là mẹ của Sứ Đồ Gia-cơ và Sứ Đồ Giăng, cùng với nhiều phụ nữ khác đã từ xứ Ga-li-lê đi theo Chúa để hầu việc Ngài.

Lu-ca 23:56

2. Thứ năm 10/04/27 – Ngày Lễ Sa-bát Trọng Ăn Bánh Không Men: Các phụ nữ nghỉ ngơi theo luật lệ.

Mác 16:1

3. Thứ sáu 11/04/27 – Các phụ nữ đi mua hương liệu để xức xác Chúa:Ngày Lễ Sa-bát Trọng Ăn Bánh Không Men đã qua, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ cùng Sa-lô-mê đi mua hương liệu để viếng xác Chúa sau ngày Sa-bát cuối tuần.

Ma-thi-ơ 16:21; 17:23; 20:19

Lu-ca 18:33

I Cô-rinh-tô 15:4

I Phi-e-rơ 3:18-20

Lu-ca 16:19-31; 23:43

Ê-phê-sô 4:8-10

4. Thứ bảy 12/04/27 – Chúa phục sinh: Đúng theo lời Thánh Kinh, Chúa chịu chết và chôn trong lòng đất ba ngày ba đêm, đến ngày thứ ba thì Ngài từ kẻ chết sống lại. Chúa được chôn vào mộ trước khi mặt trời lặn của ngày thứ tư, (sau khi mặt trời lặn của ngày thứ tư là bước sang ngày Lễ Sa-bát Ăn Bánh Không Men – không thể làm công việc chôn cất). Chúa đã ở trong mộ trọn ba ngày ba đêm: Đêm thứ tư, ngày thứ năm, đêm thứ năm, ngày thứ sáu, đêm thứ sáu và ngày thứ bảy, cho nên, Chúa đã phục sinh trước khi mặt trời lặn của ngày thứ bảy. Nếu Chúa phục sinh sau khi mặt trời lặn của ngày thứ bảy (tức là ngày thứ nhất trong tuần lễ) thì sự phục sinh của Chúa sẽ rơi vào ngày thứ tư sau khi Chúa chết chứ không còn là ngày thứ ba sau khi Chúa chết như lời Thánh Kinh nhiều lần khẳng định.

Trong thời khoảng từ khi Chúa sống lại trước khi mặt trời lặn của ngày thứ bảy cho đến khi Chúa hiện ra lần thứ nhất với Ma-ri Ma-đơ-len, (khoảng 12 tiếng đồng hồ), có lẽ là lúc Chúa công bố sự toàn thắng của chương trình Đức Chúa Trời cứu rỗi nhân loại với các thiên sứ phạm tội bị giam trong âm phủ rồi sau đó tập họp hồn của các thánh đồ thời Cựu Ước trong chốn Ba-ra-đi (lạc viên – vườn hạnh phúc) ở âm phủ để đưa họ vào thiên đàng. Trong lúc sắp về lại thiên đàng, có lẽ Chúa động lòng thương xót Ma-ri Ma-đ
ơ-len khi thấy bà đau buồn, khóc lóc vì tưởng người ta đã di chuyển xác Chúa, nên Ngài đã vội hiện ra để an ủi bà. Hành động này của Chúa khiến cho chúng ta thấy Ngài yêu thương và quan tâm đến những kẻ thuộc về Ngài biết là dường nào. Ngài không muốn cho Ma-ri Ma-đơ-len phải chịu đau khổ một cách vô lý thêm một giây phút nào. Từ khi Ngài hiện ra lần thứ nhất với Ma-ri Ma-đơ-len cho tới khi Ngài hiện ra lần thứ hai cho bà và Ma-ri mẹ Gia-cơ, sau khi Ngài đã trở về thiên đàng ra mắt Đức Chúa Cha, có lẽ thời gian chưa tới một tiếng đồng hồ. Thế nhưng, Ngài đã tạm gác những việc quan trọng đang làm, để dừng lại an ủi Ma-ri Ma-đơ-len, để chấm dứt ngay sự đau khổ, lo lắng, sợ hãi của bà. Chúa thật là tuyệt vời!

Chúng ta hãy lấy đức tin mà tin chắc rằng: Không bao giờ Chúa để cho chúng ta phải lo lắng, sợ hãi và đau khổ một cách vô lý, cho dù chỉ một giây đồng hồ. Mọi sự hiệp lại có ích cho những ai yêu mến Chúa; Mọi thử thách cám dỗ không có sự nào quá sức chịu đựng của chúng ta và Chúa luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi. Vậy, chúng ta hãy cứ làm lành mà phó sự sống mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín (Rô-ma 8:28, I Cô-rinh-tô 10:13; II Phi-e-rơ 2:9; I Phi-e-rơ 4:12-19).

Ma-thi-ơ 28:2-4

5. Chủ nhật (ngày thứ nhất trong tuần) 13/04/27 – Thiên sứ xuất hiện, lăn tảng đá chận cửa mộ của Đức Chúa Jesus: Sự kiện này xảy ra vào lúc trời vẫn còn mờ tối, có lẽ vào khoảng 4, 5 giờ sáng. Sự xuất hiện và hành động của thiên sứ làm cho những lính canh mộ sợ hãi và có lẽ đã bỏ trốn trước khi Ma-ri Ma-đơ-len một mình đến mộ. Rất có thể, sau khi Chúa công bố sự sống lại của Ngài cho các thiên sứ phạm tội bị giam trong âm phủ thì các thiên sứ xuất hiện tại mộ Chúa, lăn tảng đá chận cửa mộ, để công bố cho thế gian sự sống lại của Ngài. Hành động lăn tảng đá chận cửa mộ không phải là để Chúa có thể ra khỏi mộ như một số người lầm tưởng, mà là, để cho thế gian thấy xác Chúa không còn ở trong mộ. Chính thân xác bị đóng đinh và bị chết đó của Chúa được sống lại để ấn chứng rằng thân xác của chúng ta cũng sẽ được sống lại. Một thân xác được phục sinh vinh hiển thì không còn bị giới hạn bởi thế giới vật chất. Chúa phục sinh không cần thiên sứ lăn tảng đá chận cửa mộ để Ngài có thể bước ra.

Mác 16:9

Giăng 20:1-2

6. Chủ nhật 13/04/27 – Ma-ri Ma-đơ-len đi thăm mộ Chúa vào lúc trời còn mờ tối: Khi so sánh chi tiết trong bốn sách Tin Lành chúng ta có thể kết luận: Có lẽ, Ma-ri Ma-đơ-len hẹn gặp Ma-ri mẹ Gia-cơ và Sa-lô-mê tại mộ Chúa và bà là người đầu tiên đến nơi hẹn. Bà đến nơi sau khi thiên sứ đã lăn hòn đá chận cửa mộ và làm cho các lính canh sợ hãi, bỏ trốn. Khi thấy hòn đá lấp của mộ đã dời đi, có lẽ bà đã nhìn vào, không thấy xác Chúa, nên hốt hoảng chạy về báo tin cho Sứ Đồ Phi-e-rơ và Sứ Đồ Giăng (người môn đồ Chúa yêu).

Giăng 20:3-10

7. Chủ nhật 13/04/27 – Sứ Đồ Phi-e-rơ và Sứ Đồ Giăng chạy đến mộ Chúa: Nghe tin báo của Ma-ri Ma-đơ-len, Phi-e-rơ và Giăng đều chạy đến mộ Chúa. Giăng chạy nhanh hơn Phi-e-rơ, có lẽ vì trẻ tuổi hơn nên khỏe hơn; ông đến mộ trước Phi-e-rơ nhưng không vào. Có lẽ ông đang đứng bên ngoài quan sát cho kỷ để biết chắc là không đứng lầm trước một cái mộ khác. Phi-e-rơ đến sau Giăng nhưng với cá tính nóng nảy, ông không đứng ngoài để quan sát như Giăng mà lập tức bước vào trong mộ. Tiếp theo, Giăng cũng bước vào, cả hai thấy vải liệm và khăn liệm còn đó nhưng không có xác Chúa thì tin lời báo cáo của Ma-ri Ma-đơ-len. Họ tin rằng có ai đó đã dời xác Chúa đi nơi khác chứ không phải tin rằng Chúa đã sống lại; vì lúc bấy giờ họ vẫn chưa hiểu lời Thánh Kinh tiên tri về sự sống lại của Chúa. Không biết làm gì khác hơn, họ trở về.

Giăng 20:11-17

8. Chủ nhật 13/04/27 – Chúa hiện ra lần thứ nhất cho Ma-ri Ma-đơ-len: Trong khi Phi-e-rơ và Giăng chạy đến mộ Chúa, có lẽ Ma-ri-Ma-đơ-len chậm bước theo sau. Khi Phi-e-rơ và Giăng ra về thì bà mới đến nơi mộ Chúa lần thứ hai, với tâm trạng đau buồn vì không biết người ta đã đem xác Chúa đi đâu. Bà cứ đứng bên ngoài, gần mộ mà khóc; vừa khóc lại vừa cúi đầu nhìn vào trong mộ; bỗng nhiên, thấy hai thiên sứ xuất hiện trong mộ. Thiên sứ hỏi tại sao bà khóc, bà trả lời, vì người ta đã dời xác Chúa đi nơi khác, không biết là đâu. Trong lúc ấy, có lẽ nghe tiếng động phía sau lưng nên bà quay lại và thấy Chúa, nghe Chúa hỏi, đáp lời Chúa nhưng không nhận ra Chúa; chắc là vì cảm xúc trong lòng và nước mắt ràn rụa làm cho bà nhìn không rõ. Đến khi Chúa gọi tên bà thì bà mới nhận ra Chúa. Có lẽ, bà vui mừng định bước tới ôm lấy chân Chúa nhưng Chúa đã lên tiếng ngăn cản; vì Ngài chưa về cùng Cha sau khi sống lại

Ma-thi-ơ 28:1; 5-10

9. Chủ nhật 13/04/27 – Chúa hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ: Có lẽ, sau khi gặp Chúa, Ma-ri Ma-đơ-len đang trên đường trở vào thành thì gặp Ma-ri mẹ Gia-cơ đang đi tới mộ Chúa, cho nên, bà đã quay lại mộ Chúa với Ma-ri mẹ Gia-cơ. Có lẽ, Ma-ri Ma-đơ-len vừa đi, vừa thuật lại cho Ma-ri mẹ Gia-cơ những sự việc bà đã chứng kiến. Khi hai bà đến cửa mộ thì một lần nữa, thiên sứ xuất hiện công bố sự phục sinh của Chúa và nhắc lại lệnh truyền của Chúa, là hãy đi báo tin Chúa đã sống lại cho các môn đồ khác. Hai bà vừa mừng, vừa sợ (sợ sự vinh hiển, oai nghiêm của thiên sứ), vội rời mộ Chúa.

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, Ma-thi-ơ 28:1 dùng từ ngữ Sa-bát với số nhiều: “Sau những ngày Sa-bát, ngày thứ nhất trong tuần lễ…” là bằng cớ hiển nhiên để chúng ta biết chắc Chúa đã chết vào một ngày trước hai ngày Sa-bát: Ngày Sa-bát Trọng của Lễ Ăn Bánh Không Men tiếp liền sau ngày Lễ Vượt Qua và ngày Sa-bát thứ bảy cuối tuần. Như vậy, không thể nào Chúa chết vào ngày thứ sáu.

Ma-thi-ơ 28:11-15

10. Chủ nhật 13/04/27 – Các lính canh mộ Chúa báo cáo với các thầy tế lễ: Trước đó, các lính canh chứng kiến cảnh thiên sứ hiện ra, lăn tảng đá chận cửa mộ Đức Chúa Jesus, thì sợ hãi và có lẽ đã bỏ trốn vào thành nhưng chưa kịp trình báo với các thầy tế lễ. Đến khi mặt trời lên, cùng lúc Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ trở về thành báo tin Chúa sống lại cho các môn đồ khác thì những lính canh cũng đến gặp các thầy tế lễ để báo cáo. Các thầy tế lễ đã quyết định hối lộ những lính canh để họ phao tin rằng các môn đồ của Chúa đã đánh cắp xác Chúa. Lời phao tin đó vẫn còn lưu truyền trong dân chúng cho đến ngày Ma-thi-ơ đặt bút ghi chép lại chương cuối cùng của sách Tin Lành Ma-thi-ơ, khoảng 20, 30 năm sau ngày Chúa sống lại.

Mác 16:2-8

Lu-ca 24:1-8

11. Chủ nhật 13/04/27 – Các phụ nữ khác đi thăm mộ Chúa: Mác 16:1-8 là phân đoạn gây ra sự khó hiểu, nhất là khi đọc trong bản dịch Phan Khôi. Câu một liệt kê tên các phụ nữ đi mua hương liệu để tẩm xác Chúa: Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ và Sa-lô-mê (mẹ của Gia-cơ và Giăng). Câu hai và ba ghi rằng:  “Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, sáng sớm, mặt trời mới mọc, ba người đến nơi mộ, nói cùng nhau rằng: Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ ra cho chúng ta?” Thật ra, theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, trong câu thứ hai không có từ ngữ “ba người đến nơi mộ” mà chỉ là: “họ đến mộ.” Trong khi câu một liệt kê tên các phụ nữ đi mua sắm hương liệu nhưng chữ “họ” trong câu hai không nhất thiết bao gồm ba người đã được nhắc đến trong câu một. Bản dịch Phan Khôi tạo cho người đọc cảm tưởng là: Ngày thứ nhất trong tuần lễ, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ và Sa-lô-mê cùng nhau đi viếng mộ Chúa lúc mặt trời mới mọc.

Chúng ta đã biết, ngoài ba phụ nữ được kể trên đây, Thánh Kinh cho biết còn có nhiều phụ nữ khác (Ma-thi-ơ 27:55; Mác 15:40-41; Lu-ca 24:10) có mặt trong khi Chúa bị đóng đinh, chúa được chôn, và cùng có lòng đi mua sắm hương liệu để tẩm xác Chúa. Chúng ta có thể tin rằng, những chi tiết được ghi lại trong Mác 16:2-8 và Lu-ca 24:1-8 là nói về một nhóm phụ nữ khác mà Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ không cùng đi chung với họ.

Theo sự trình bày trên đây, chúng ta thấy: Ma-ri Ma-đơ-len lúc trời còn mờ tối đã đi đến mộ Chúa một mình, chạy về báo tin cho Phi-e-rơ và Giăng, trở lại mộ Chúa lần thứ hai với Phi-e-rơ và Giăng, gặp Chúa, trở về thì gặp Ma-ri mẹ Gia-cơ đang đi tới (trước lúc rạng đông), đi cùng Ma-ri mẹ Gia-cơ trở lại mộ Chúa lần thứ ba. Hai bà gặp Chúa và được ôm chân Ngài, hai bà trở về loan tin Chúa sống lại. Như vậy, Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ không thể có mặt trong nhóm phụ nữ đi thăm mộ Chúa vào lúc mặt trời đã lên mà trong lúc đi đường đã bàn tán cùng nhau: “Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ cho chúng ta?”

Dùng phương pháp loại suy, chúng ta biết nhóm phụ nữ đi thăm mộ Chúa sau khi mặt trời mọc không có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ nhưng có Sa-lô-mê mẹ của Gia-cơ và Giăng, Gian-nơ vợ Chu-xa (quan nội vụ của Vua Hê-rốt – Lu-ca 8:3; 24:10), và các người phụ nữ khác.

Lu-ca 24:12

12. Chủ nhật 13/04/27 – Phi-e-rơ chạy đến mộ Chúa lần thứ hai: Lu-ca 24:12 chép rằng: “Dầu vậy, Phi-e-rơ đứng dậy, chạy đến mồ, cúi xuống mà dòm, chỉ thấy vải liệm ở trên đất, đoạn về nhà, lạ lùng cho việc đã xảy ra.” Đây là lần thứ hai Phi-e-rơ chạy đến mộ Chúa. Lần thứ nhất, ông cùng với Giăng chạy đến mộ Chúa sau khi nghe Ma-ri Ma-đơ-len báo tin không thấy xác Chúa trong mộ. Lúc ấy, trời còn mờ tối, mặt trời chưa lên. Có lẽ, trong lúc Phi-e-rơ còn đang ngẫm nghĩ về sự xác Chúa bị biến mất thì Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, Gian-nơ và các phụ nữ khác tìm đến báo tin Chúa đã sống lại, nên ông vội vã chạy trở ra mộ Chúa một lần nữa. Có thể, ông hy vọng sẽ gặp được Chúa hoặc gặp được các thiên sứ. Tuy nhiên, Phi-e-rơ chỉ nhìn thấy vải liệm ở trong mộ như trước đó. Ông trở về và lấy làm lạ lùng về những việc đã xảy ra. Thời gian giữa hai lần Phi-e-rơ chạy đến mộ Chúa có lẽ từ một đến hai tiếng đồng hồ. Thật tội nghiệp cho Phi-e-rơ, hai lần đều nôn nả chạy ra mộ Chúa nhưng không được cái phước gặp Chúa hay là gặp thiên sứ của Chúa.

Mác 16:12

Lu-ca 24:13-32

13. Chủ nhật 13/04/27 – Chúa hiện ra với hai môn đồ: Buổi chiều của ngày thứ nhất sau khi Chúa sống lại, có lẽ vào khoảng hai giờ chiều, có hai môn đồ của Chúa, không phải là sứ đồ, rời thành Giê-ru-sa-lem để về làng Em-ma-út.  Từ Giê-ru-sa-lem đến Em-ma-út là một chặng đường khoảng chừng 12 cây số, mất khoảng ba tiếng đồng hồ đi bộ. Trên đường đi, hai môn đồ bàn luận về sự kiện Chúa bị bắt, bị đóng đinh trên thập tự giá, bị chết và chôn, cùng các phép lạ xảy ra trong khi Chúa chết… Trong khi họ đang tranh luận với nhau thì Đức Chúa Jesus xuất hiện, lại gần, cùng đi với họ nhưng họ không nhận biết Chúa. Chúa dùng suốt thời g
ian đi đường để giảng Thánh Kinh cho họ. Khi đến làng Em-ma-út, sắp chiều tối, có lẽ vào khoảng năm giờ chiều, thì họ mời Chúa ở lại với họ. Trong bữa ăn chiều, Chúa lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra trao cho họ thì họ nhận biết Chúa, nhưng Chúa liền biến đi. Lập tức, họ lên đường trở về Giê-ru-sa-lem (tức là đi bộ thêm ba tiếng đồng hồ nữa) để báo tin cho mười một sứ đồ và các môn đồ khác. Khi họ đến nơi, có lẽ vào khoảng tám giờ tối, thì gặp các sứ đồ và các môn đồ khác đang nhóm họp lại, họ liền thuật lại sự kiện Chúa đã hiện ra với họ.

Lu-ca 24:33, 34

I Cô-rinh-tô 15:5

14. Chủ nhật 13/04/27 – Chúa hiện ra với Si-môn Phi-e-rơ: Thánh Kinh không ghi rõ chi tiết về sự Chúa hiện ra với Phi-e-rơ nhưng sự kiện này phải xảy ra trước khi Chúa hiện ra với các sứ đồ khác. Lu-ca 24:33, 34 ghi lại chi tiết khi hai môn đồ từ Em-ma-út về lại Giê-ru-sa-lem thì 11 sứ đồ đang nhóm họp với các môn đồ khác và thuật lại sự kiện Chúa đã hiện ra cho Phi-e-rơ. Về sau, trong I Cô-rinh-tô 15:5, Phao-lô cũng xác nhận như vậy. Có lẽ trong khoảng thời gian từ khi Phi-e-rơ từ mộ Chúa trở về lần thứ hai cho đến khi các sứ đồ nhóm họp lại vào buổi tối thì Chúa đã hiện ra cùng Phi-e-rơ.

Chúng ta không biết rõ nhưng vẫn có thể cảm thông được tâm trạng lo buồn, hoang mang, và bối rối của Phi-e-rơ trong thời điểm ấy. Nên nhớ, ông đang mang nặng mặc cảm tội lỗi vì đã chối Chúa; chắc chắc ông phải tự hỏi, nếu Chúa đã thực sự sống lại thì Ngài sẽ đối xử với ông ra sao. Một lần nữa, chúng ta thấy được sự yêu thương của Chúa dành cho những kẻ thuộc về Ngài khi Ngài hiện ra cho Phi-e-rơ để cất đi mối sầu khổ trong lòng ông. Chúng ta không có chi tiết về sự Chúa hiện ra cho Phi-e-rơ. Có lẽ, đó là một kỷ niệm độc đáo mà Phi-e-rơ muốn giữ riêng cho ông! Tuy nhiên, sự kiện đó đã dẫn đến buổi nhóm họp các sứ đồ và các môn đồ khác để Phi-e-rơ chính thức công bố Chúa đã sống lại.

Mác 16:14

Lu-ca 24:36-49

Giăng 20:19-23

15. Chủ nhật 13/04/27 – Chúa hiện ra với mười sứ đồ: Trong khi các sứ đồ đang nhóm họp với các môn đồ để công bố sự kiện Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Phi-e-rơ; thì hai môn đồ từ làng Em-ma-út về tới, thêm lời xác chứng về sự kiện Chúa đã sống lại. Sau đó, có lẽ Sứ Đồ Thô-ma đã đứng dậy rời buổi nhóm trước khi Chúa hiện ra giữa mọi người đang nhóm họp. Tám ngày sau đó, Chúa lại hiện ra giữa các môn đồ và lần này có mặt Thô-ma (Giăng 20:24-29). Chúa mời Thô-ma đến đặt tay vào các vết thương của Chúa. Thô-ma thưa: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”

Trong một ý nghĩa thần học: Thân thể phục sinh của Chúa vẫn còn mang dấu vết đinh đóng, giáo đâm là vì nhân loại vẫn còn tiếp tục phạm tội, thậm chí, con dân Chúa vẫn còn cố ý phạm tội. Sự thương khó của Chúa vì gánh thay án phạt cho tội lỗi của loài người vẫn là một sự kiện khởi từ quá khứ nhưng chưa hoàn thành. Sự cứu chuộc đã hoàn thành nhưng sự thương khó chưa chấm dứt! Rất có thể chúng ta sẽ được nhìn thấy các vết thương của Chúa vẫn còn trên thân thể Ngài trong Vương Quốc Ngàn Năm nếu những người phạm tội trong thời đại đó vẫn được hưởng ơn cứu rỗi. Dấu vết thương khó của Chúa sẽ chấm dứt khi không còn có sự phạm tội, đó là lúc sự phán xét chung cuộc đã hoàn tất và trời mới đất mới xuất hiện.

III. Tổng Luận

1. Ma-thi-ơ 28:1; 5-10 ghi lại sự kiện xảy ra sau sự kiện được ghi lại trong Giăng 20:1-17.

2. Ma-thi-ơ 28:2-4 ghi lại sự kiện xảy ra trước sự kiện được ghi lại trong Giăng 20:1-17

3. Ma-thi-ơ 28:11-15 ghi lại sự kiện xảy ra đồng thời với sự kiện được ghi lại trong Mác 16:2-8 và Lu-ca 24:1-8

4. Mác 16:2-8 và Lu-ca 24:1-8 ghi lại cùng một sự kiện

5. Mác 16:1 không liên quan đến sự kiện ghi lại trong Mác 16:2-8. Trong Thánh Kinh nguyên ngữ không hề có dấu chấm câu, cũng không chia thành đoạn và câu như các bản dịch Thánh Kinh mà chúng ta có ngày nay; sự phân chia đoạn và câu này đã khiến cho chúng ta cảm tưởng là sự kiện trong Mác 16 câu một và câu hai có liên quan và xảy ra nối tiếp nhau. Câu văn trong Mác 16:1 mô tả một sự kiện xảy ra trong ngày thứ sáu còn các câu văn từ Mác 16:2-8 thì mô tả một sự kiện khác xảy ra sau khi mặt trời mọc vào chủ nhật. Vì vậy, theo Mác 16:1 thì vào ngày thứ sáu, (sau ngày Lễ Sa-bát Ăn Bánh Không Men), Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ và Sa-lô-mê cùng nhau đi mua hương liệu để tẩm xác Chúa; nhưng từ Mác 16:2-8 thì Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ không có mặt trong nhóm phụ nữ đi thăm mộ Chúa sau khi mặt trời mọc. Hai bà đều đi thăm mộ Chúa và gặp nhau rồi gặp Chúa trước khi mặt trời mọc, đều biết rõ ràng hòn đá chận cửa mộ đã được lăn đi.

6. Mác 16:8 cho biết nhóm phụ nữ đi thăm Chúa sau khi mặt trời mọc gặp thiên sứ báo tin Chúa sống lại đã sợ hãi không dám nói cùng ai, trong khi đó, Lu-ca 24:9-11 cho biết họ cùng với Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ rao truyền tin Chúa đã sống lại cho các sứ đồ. Rất có thể là sau khi ra khỏi mộ thì các phụ nữ này đã không dám nói gì hết cho đến khi nghe thấy Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ mạnh mẽ loan tin Chúa đã sống lại thì họ cũng mới ra mặt để xác chứng.

7. Lu-ca 24:12 ghi lại sự kiện xảy ra sau sự kiện được ghi trong Má
c 16:2-8 và Lu-ca 24:1-8

8. Lu-ca 24:33 ghi lại khi hai môn đồ từ làng Em-ma-út trở về thành Giê-ru-sa-lem thì gặp 11 sứ đồ đang nhóm lại với các môn đồ khác. Lu-ca 24:36 cho biết trong lúc hai môn đồ đang làm chứng cho 11 sứ đồ và các môn đồ khác thì Chúa hiện ra giữa họ. Tuy nhiên, Giăng 20:24 cho biết, trong lần Chúa hiện ra đó lại không có mặt Sứ Đồ Thô-ma; khi Thô-ma nghe các sứ đồ khác thuật lại sự Chúa đã hiện ra thì ông không tin. Mãi đến tám ngày sau, Chúa hiện ra với các sứ đồ một lần nữa với sự có mặt của Thô-ma thì ông mới tin. Như vậy, có phải Lu-ca đã lầm lẫn khi ghi trong Lu-ca 24:12 rằng hai môn đồ từ Em-ma-út về lại Giê-ru-sa-lem đã gặp đủ 11 sứ đồ đang nhóm họp? Vì Thánh Kinh không thể sai lầm cho nên chúng ta chỉ có thể giải thích rằng: Hai môn đồ từ Em-ma-út gặp đủ mặt 11 sứ đồ đang nhóm họp; nhưng trước khi Chúa xuất hiện giữa họ thì có lẽ Sứ Đồ Thô-ma đã rời khỏi buổi nhóm.

9. Mác 16:14 có lẽ ghi lại sự kiện Chúa hiện ra với các sứ đồ lần thứ nhì, khi có mặt Thô-ma và quở trách Thô-ma.

Kết luận

Có thể, Ma-thi-ơ đã ghi chép sự kiện Chúa sống lại theo lời tường thuật của Ma-ri mẹ Gia-cơ. Ngoài ra, trước khi theo Chúa, Ma-thi-ơ vốn là một viên chức thu thuế cho nên chắc có dịp quen biết những người lính gác mộ Chúa; có lẽ, ông đã lợi dụng sự quen biết đó, tìm đến phỏng vấn họ nên ông mới biết rõ câu chuyện thiên sứ hiện ra lăn hòn đá chận cửa mộ và câu chuyện các thầy tế lễ hối lộ những người lính để họ tung tin đồn thất thiệt.

Có thể, Mác ghi chép theo lời tường thuật của Sa-lô-mê mẹ Gia-cơ và Giăng rồi thêm vào các chi tiết khác qua lời thuật lại của các môn đồ nhưng ông không trực tiếp nghe từ các nhân chứng khác.

Có thể, Lu-ca ghi chép theo lời tường thuật của Gian-nơ vợ của quan nội thị trong triều Hê-rốt. Lu-ca là một bác sĩ trước khi trở thành môn đồ của Chúa cho nên chắc có dịp quen biết nhiều trong giới quý tộc thời bấy giờ, đặc biệt là những người tin nhận Chúa như Gian-nơ. Sách Tin Lành Lu-ca trước hết là một bức thư viết riêng cho một người trong giới quý tộc tên là Thê-ô-phi-lơ (Lu-ca 1:1); cho nên, cũng có thể Lu-ca chọn phỏng vấn Gian-nơ để ghi lại sự kiện Chúa phục sinh với mục đích giúp cho Thê-ô-phi-lơ dễ dàng kiểm chứng với Gian-nơ những gì Lu-ca viết. Ngoài ra, có thể chính Lu-ca đã trực tiếp phỏng vấn hai môn đồ gặp Chúa trên đường đi về làng Em-ma-út cho nên ông có nhiều chi tiết khi ghi chép về sự kiện này.

Có thể, Giăng ghi chép theo lời tường thuật của Ma-ri Ma-đơ-len và qua chính kinh nghiệm bản thân được thấy Chúa hiện ra vào buổi chiều hôm đó với ông và các sứ đồ khác.

Người viết chọn dùng các từ ngữ “có thể,” “có lẽ” nhiều nơi trong bài viết này là vì những điều suy luận trong bài viết này, dù có vô cùng hợp lý với các chi tiết được ghi lại trong Thánh Kinh đi nữa vẫn là những suy luận không được xác chứng của Thánh Kinh. Vì thế, những suy luận trên đây không thể biến thành giáo lý mà chỉ là một trong những cách giải thích hữu lý nhất về các chi tiết trong Thánh Kinh liên quan đến sự sống lại của Chúa. Mong rằng bài viết này đem lại ích lợi cho con dân Chúa trong khi đọc và suy ngẫm những phép lạ xảy ra trong ngày thứ nhất, sau khi Chúa phục sinh.

 

Huỳnh Christian Timothy
www.tinlanhvietnam.net
Ngày 22/08/2010

 

Ghi chú

[01] Sứ Đồ Gia-cơ còn được gọi là “Gia-cơ nhỏ,” con của A-phê và Ma-ri, khác với Sứ Đồ Gia-cơ anh của Sứ Đồ Giăng, con của Xê-bê-đê và Sa-lô-mê. Mác 15:40; Ma-thi-ơ 10:3.