Giấc Mơ Đến từ Chúa

9,093 views

Kính báo:

Kính thưa quý bạn đọc,

Các chữ “tâm trí” trong bài này đã được sửa thành “lý trí”. Lý do là chúng tôi đã chọn dùng chữ “tâm trí” để chỉ chung “thần trí” và “lý trí”.

  • Thần trí là sự nhận thức của thân thể thiêng liêng là tâm thần.
  • Lý trí là sự nhận thức của thân thể vật chất là xác thịt.
  • Tâm trí là sự nhận thức của bản ngã là linh hồn, bao gồm thần trí  và lý trí.

Kính xin quý bạn đọc vui lòng đọc thêm bài này: https://timhieutinlanh.com/kinh-bao-voi-hoi-thanh-ve-chu-tam-tri/

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla


Giấc Mơ Đến từ Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Giấc mơ là một loạt những ý nghĩ, cảm xúc, và hình ảnh diễn ra trong lý trí hoặc trong thần trí của một người đang khi người ấy ngủ. Lý trí, là sự nhận thức, cảm xúc và suy ngẫm bởi thân thể xác thịt về thế giới vật chất. Thần trí là sự nhận thức, cảm xúc, và suy ngẫm bởi thân thể thiêng liêng, là tâm thần, về thế giới thiêng liêng. Khoa học đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu về giấc mơ trong lý trí của loài người lẫn một số loài vật, như tìm hiểu một trong các hoạt động của bộ não. Nhưng khoa học không biết gì về tâm thần và thần trí, nên khoa học xem mọi giấc mơ đều xảy ra trong lý trí, nói cách cụ thể là trong bộ não xác thịt của người nằm mơ.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI1MTczMzlf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201803-giac-mo-den-tu-chua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/9ipi0qqa4j61067/201803_GiacMoDenTuChua.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài giảng viết:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Theo các chuyên gia nghiên cứu về giấc mơ thì:

  • Một người có thể nằm mơ từ ba đến sáu giấc mơ một đêm, dù có thể là người ấy không nhớ một vài hoặc tất cả các giấc mơ.

  • Mỗi giấc mơ có thể kéo dài khoảng từ năm đến hai mươi phút.

  • Người ta thường quên đi khoảng chừng 95% các giấc mơ ngay sau khi thức giấc.

Các chuyên gia nghiên cứu về giấc mơ vẫn chưa biết chính xác tại sao hoặc điều gì khiến cho chúng ta nằm mơ. Một số giả thuyết được đưa ra như sau:

  • Giấc mơ thể hiện những sở thích và ước muốn thầm kín của một người.

  • Giấc mơ diễn dịch những tín hiệu bất chợt từ bộ não và thân thể trong khi một người đang ngủ.

  • Giấc mơ giúp củng cố và xử lý các thông tin một người thu thập trước đó, khi người ấy đang thức.

  • Giấc mơ là một hình thức bộ não tự chữa các chứng bệnh về tâm lý.

  • Giấc mơ là hoạt động của bộ não để sắp xếp lại các thông tin trong bộ nhớ của não.

Đối với những giấc mơ gọi là “ác mộng” vì nó khiến cho người nằm mơ lo lắng, sợ hãi, thì nguyên nhân có thể là do người nằm mơ có nhiều áp lực trong cuộc sống, sợ hãi, bệnh tật, bị tai nạn, trúng độc, dùng một chất kích thích như các loại ma túy, hoặc dùng một loại thuốc trị bệnh nào đó… Truyền Đạo 5:3 cho biết, người quá lo lắng cũng sẽ nằm mơ.

Những giấc mơ mà người nằm mơ ý thức được mình đang nằm mơ thì người nằm mơ có thể chủ động gần như hoàn toàn về các diễn tiến trong giấc mơ, và nội dung các giấc mơ ấy rất gần với cuộc sống thực mỗi ngày.

Là con dân Chúa, chúng ta có thể tin rằng, có những giấc mơ đến từ phản ứng sinh học của bộ não. Dù những giấc mơ ấy không đến từ Chúa, không có sứ điệp gì cho người nằm mơ hay cho bất cứ ai, nhưng Chúa cho phép chúng xảy ra như những diễn tiến sinh học khác trong thân thể xác thịt của chúng ta. Đó là những giấc mơ xảy ra trong lý trí. Bên cạnh đó, có những giấc mơ đến từ Chúa, và thậm chí đến từ ma quỷ, xảy ra trong thần trí của chúng ta, là kết quả sự tiếp xúc của tâm thần chúng ta với thế giới thiêng liêng thuộc về Chúa hoặc thế giới thiêng liêng thuộc về ma quỷ.

Thánh Kinh đã ghi lại nhiều lần về những giấc mơ đến từ Chúa. Ngay cả những người không tin Chúa, như Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô thời Giô-sép, như Vua Nê-bu-cát-nết-xa xứ Ba-by-lôn thời Đa-ni-ên cũng có giấc mơ quan trọng bày tỏ về những việc Chúa sẽ làm ra trong tương lai.

Riêng với những người thờ lạy tà thần, thông công với ma quỷ thì họ thường có những giấc mơ đến từ ma quỷ. Một trong những giấc mơ đến từ ma quỷ mà nhiều người thường gặp, là mơ thấy quan hệ tính dục với người vợ hay người chồng đã chết của mình. Hoặc thường xuyên mơ thấy quan hệ tính dục với một người không có thật ngoài đời. Người dân miền nam Việt Nam gọi đó là chứng bệnh “mắc đàng dưới”. “Đàng dưới” chỉ về cõi âm phủ, ma quỷ; chữ “mắc” là nói đến sự dính dáng, vướng mắc. Giấc mơ loại này khác với giấc mơ gọi là “mộng tinh” (xuất tinh trong khi nằm mơ, tiếng Anh gọi là “wet dream”) của những thiếu niên nam ở tuổi dậy thì hoặc của những người đàn ông độc thân, thỉnh thoảng mơ thấy như mình đang giao tình với ai đó, có khoái cảm tính dục, rồi xuất tinh. Nếu bỗng nhiên bị xuất tinh trong lúc đang thức thì trong tiếng Hán Việt gọi là “di tinh” (“di” có nghĩa là chảy ra). Mộng tinh hoặc di tinh là phản ứng bình thường của cơ thể khoẻ mạnh, tràn đầy sinh lực, dư dật tinh trùng. Người bị mộng tinh hoặc di tinh không phạm tội tà dâm, chỉ cần cảm tạ ơn Chúa đã cho mình được khoẻ mạnh và tắm rửa sạch sẽ (Lê-vi Ký 15:16).

Ma quỷ cũng có thể gieo vào trong thần trí của con dân Chúa giấc mơ cám dỗ phạm tội tà dâm, mà người nằm mơ hoàn toàn có quyền chọn chiều theo sự cám dỗ để phạm tội tà dâm trong giấc mơ, hoặc chống lại và kêu cầu danh Chúa, xin Chúa cứu mình ra khỏi sự cám dỗ. Dù là giấc mơ như vậy đến từ ma quỷ, vì ma quỷ là kẻ cám dỗ, nhưng Chúa cho phép xảy ra, để chúng ta rèn luyện đức tin của mình.

Một số con dân Chúa không tin rằng, ngày nay Chúa còn cho phép loài người có những giấc mơ đến từ Chúa. Trong khi đó, lại có quá nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa thì tin rằng, hầu hết các giấc mơ của họ đều đến từ Chúa (nhưng thật ra đến từ ma quỷ), đặc biệt là những người thuộc về các phong trào Ân Tứ, Ngũ Tuần, nói “tiếng lạ”. Những người ấy suốt ngày bận rộn với việc giải thích các giấc mơ, sống trong hoang tưởng. Truyền Đạo 5:7 là lời khuyên dạy thích hợp dành cho những người như vậy:

Vô số chiêm bao và nhiều lời quá cũng là những sự hư không. Nhưng ngươi hãy kính sợ Đức Chúa Trời.”

Có rất nhiều sách chuyên về việc giải thích ý nghĩa của các giấc mơ, xem các giấc mơ như sự biểu hiện cá tính của một người hoặc là điềm báo trước về những sự sẽ xảy ra. Trong số những sách ấy, có nhiều sách do những người xưng nhận là Cơ-đốc nhân biên soạn. Chúng tôi không tin vào các sách ấy, mà chúng tôi tin rằng, nếu một giấc mơ đến từ Chúa, thì Chúa sẽ ban cho người nằm mơ hoặc một người khác trong Hội Thánh địa phương hiểu rõ giấc mơ ấy, qua ân tứ nói lời khôn sáng [1].

Thánh Kinh dạy rõ:

Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau cùng, Ta sẽ tuôn đổ Thần của Ta khắp trên mọi xác thịt. Những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri. Những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng. Những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17 – Xem thêm Giô-ên 2).

Danh từ “những ngày sau cùng” chỉ chung khoảng thời gian từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, cho đến khi Ngài thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất. Nhưng giai đoạn cuối của những ngày cuối cùng là từ khi quốc gia I-sơ-ra-ên được tái lập trên vùng đất Ca-na-an (ngày nay gọi là Pa-lét-tin) vào ngày 14/05/1948 và nắm quyền kiểm soát hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 07/06/1967 cho đến khi kết thúc Kỳ Tận Thế. Giai đoạn cuối cùng có lẽ chỉ kéo dài khoảng 70 năm hoặc 80 năm, là thời gian trung bình của một đời người (Thi Thiên 90:10), như ý nghĩa của ngụ ngôn về cây vả (Ma-thi-ơ 24:32-34).

Danh từ “những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi” có nghĩa đen là con cháu của Áp-ra-ham về phần xác thịt, tức là dân I-sơ-ra-ên, và có nghĩa bóng là con cháu của Áp-ra-ham phần thuộc linh, tức là Hội Thánh (Ga-la-ti 3:7). Danh từ “những người trẻ” có nghĩa đen là những người dưới 60 tuổi, và nghĩa bóng là những người chưa có nhiều thời gian bước đi với Chúa, bất kể tuổi đời của họ là bao nhiêu. Danh từ “những người già” có nghĩa đen là những người từ 60 tuổi trở lên, và nghĩa bóng là những người có nhiều thời gian bước đi với Chúa, như các trưởng lão trong Hội Thánh, bất kể tuổi đời của họ là bao nhiêu.

Khải tượng và chiêm bao được nói đến trong câu Thánh Kinh trên đây là những sự hiện thấy đến từ Thiên Chúa. Khải tượng là những sự hiện thấy trong thần trí đang lúc còn thức. Chiêm bao là những sự hiện thấy trong thần trí đang lúc ngủ.

Vì thế, chúng ta biết và tin rằng: Chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối của những ngày cuối cùng, nên chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ ban cho con dân Chúa nhiều khải tượng và chiêm bao. Những khải tượng và chiêm bao đó sẽ liên quan đến sự kêu gọi con dân Chúa thức tỉnh, sẵn sàng cho ngày Chúa đến. Nhiều con dân Chúa, cả nam lẫn nữ đều sẽ nói lời tiên tri về sự Chúa đến và sự tận thế. Họ đã được Chúa ban cho sự tri thức để nói tiên tri, việc nói hay không là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng mỗi khi con dân Chúa rao truyền sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, rồi sẽ giáng lâm trên đất để hình phạt thế gian và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài, thì họ đang dự phần trong sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Giô-ên đoạn 2:28, được Sứ Đồ Phi-e-rơ nhắc lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17.

Tuy nhiên, làm sao để phân biệt những giấc mơ trong lý trí với những giấc mơ trong thần trí; và làm sao để phân biệt những giấc mơ trong thần trí đến từ ma quỷ với những giấc mơ trong thần trí đến từ Thiên Chúa?

Những giấc mơ trong lý trí có thể là vô nghĩa, chỉ là sự bộ não làm công việc quét dọn bộ nhớ của nó, hệ thống lại các thông tin đã được thu thập. Hoặc có thể là sự củng cố, xử lý các thông tin đã được thu thập trong khi thức. Hoặc là sự thể hiện những ước muốn và sở thích của con người xác thịt. Hoặc là một phương cách bộ não tự giải tỏa những áp lực về tâm lý. Nói chung là phản ứng sinh học bình thường của thân thể xác thịt.

Những giấc mơ trong thần trí đến từ ma quỷ có thể là để cám dỗ người nằm mơ phạm tội tà dâm; có thể là gạt người nằm mơ để họ lún sâu vào trong sự tin cậy và thờ lạy các hình tượng, các tà thần, tin cậy vào những việc mê tín dị đoan; có thể là gạt những người tin Chúa nhưng thiếu hiểu biết Lời Chúa, khiến họ tin vào tà giáo do các giáo sư giả và tiên tri giả nhân danh Chúa rao giảng. Trường hợp sau cùng thường xảy ra cho những người tin vào sự nói “tiếng lạ”. Nói “tiếng lạ” là điều không đến từ Đức Thánh Linh nhưng đến từ các tà linh, tức ma quỷ. Đức Thánh Linh không ban ân tứ nói “tiếng lạ” mà chỉ ban ân tứ nói ngoại ngữ. Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2 liệt kê rõ các ngôn ngữ được Đức Thánh Linh thần cảm cho các môn đồ của Chúa nói ra để tôn vinh Thiên Chúa, và có người thông hiểu các ngôn ngữ ấy xác chứng, trong ngày Đức Thánh Linh được ban cho Hội Thánh. Tất cả những trường hợp lắp bắp những âm thanh vô nghĩa, không phải là một ngôn ngữ, đều đến từ tà linh. Kính mời quý ông bà anh chị em vào trang www.biengiao.timhieutinlanh.com để tải xuống và đọc cuốn sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã” [2]. Không những ma quỷ cho những người ấy có những giấc mơ mà còn cho họ cả những khải tượng về thiên đàng và hỏa ngục một cách giả tạo, để họ dùng đó mà lường gạt nhiều người tin theo giáo hội của họ. Tiếc thay! Hàng trăm triệu người trên thế giới đã bị lường gạt như vậy. Lời tiên tri trong Xa-cha-ri 10:2 đã ứng nghiệm cho họ:

Vì những thần tượng nói sự hư không, các thầy bói thấy sự dối trá và rao ra những giấc mơ giả dối; chúng an ủi vô ích. Vậy nên, họ đã đi ra như một bầy, khốn khổ vì không có người chăn.”

Mục đích của ma quỷ là giả mạo Hội Thánh của Chúa, giả mạo các giấc mơ khải tượng, mong dùng đó để dẫn dụ được càng nhiều người tin theo tà giáo mà bị xa khỏi lẽ thật của Thánh Kinh. Thánh Kinh gọi đó là hiện tượng ma quỷ mạo làm thiên sứ sáng láng:

Nào có lạ gì, vì chính Sa-tan giả dạng thành thiên sứ của sự sáng. Vậy nên, chẳng {có gì là} vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó giả dạng như những người giúp việc công bình. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ xứng với việc làm của chúng nó.” (II Cô-rinh-tô 11:14-15).

Những giấc mơ đến từ ma quỷ luôn có những chi tiết không đúng với các lẽ thật của Lời Chúa, và luôn có những chi tiết không đúng với thực tế trong cuộc sống. Điển hình cho chi tiết không đúng với các lẽ thật của Lời Chúa trong những giấc mơ hoặc khải tượng về hỏa ngục đến từ ma quỷ là: Người nằm mơ thấy linh hồn của những người không có sự cứu rỗi bị ma quỷ hành hạ trong hỏa ngục. Trong khi đó, Lời Chúa công bố hỏa ngục được sắm sẵn cho ma quỷ (Ma-thi-ơ 25:41). Các tà linh phải bị hình phạt trong hỏa ngục chứ không thể là những “cai tù” hành hạ linh hồn của những người bị hư mất. Điển hình cho chi tiết không đúng với thực tế trong cuộc sống là sự xem các giáo hội là Hội Thánh, kêu gọi người ta đến với các giáo hội để được sự cứu rỗi.

Chúng ta cần dựa vào Lời Chúa là Thánh Kinh để xem xét một giấc mơ xảy ra trong thần trí, để tránh bị ma quỷ lường gạt. Chúa vẫn cho phép ma quỷ cám dỗ những con dân chân thật của Ngài, để tập cho họ luôn tỉnh thức và hoàn toàn dựa vào Lời Chúa mà nhận xét và phán đoán mọi sự.

Những giấc mơ trong thần trí đến từ Chúa có thể là những sự Chúa dạy dỗ chúng ta về các lẽ thật; Chúa cảnh cáo chúng ta về sự tội lỗi chúng ta vấp phạm mà chúng ta không biết; Chúa báo trước cho chúng ta điều gì đó sẽ xảy ra; hoặc là Chúa truyền cho chúng ta một mệnh lệnh. Trong những trường hợp đó, Chúa hoặc thiên sứ của Chúa đều phán rõ ràng về sự việc Chúa muốn bày tỏ, người nằm mơ nhận chỉ thị trực tiếp từ Chúa hoặc từ thiên sứ của Chúa. Chúng ta có thể xem qua những trường hợp đã được Thánh Kinh ghi lại:

Nhưng Thiên Chúa đến với A-bi-mê-léc trong một giấc mơ {lúc} ban đêm, và phán: Này, ngươi sẽ chết vì người đàn bà mà ngươi đã bắt lấy; vì nàng đang có chồng.” (Sáng Thế Ký 20:3).

Đức Chúa Trời lại phán với ông trong giấc mơ: Phải! Ta biết rằng, ngươi làm việc này với sự ngay thẳng của lòng ngươi, và Ta cũng đã ngăn trở ngươi phạm tội nghịch lại Ta. Vì thế, Ta không cho phép ngươi đụng đến nàng.” (Sáng Thế Ký 20:6).

Gia-cốp từ Bê-e-sê-ba đi về hướng Cha-ran. Ông tới một chỗ kia, thì dừng lại nghỉ, vì mặt trời đã khuất. Ông lấy đá tại nơi đó làm gối đầu, và nằm {ngủ} tại nơi đó. Ông nằm mơ, và kìa, một cái thang bắc trên đất, đầu của nó chạm đến các tầng trời; và kìa, các thiên sứ của Thiên Chúa lên xuống trên nó. Kìa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng phía trên nó và phán: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ của ngươi, và Thiên Chúa của I-sác. Đất mà ngươi nằm trên đó, Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi.” (Sáng Thế Ký 10:13).

Chúng ta có thể xem thêm trong:

  • Sáng Thế Ký 30:10-13 về việc Gia-cốp nằm mơ thấy các chiên đực có vằn và có đốm, phối giống với các chiên cái, và thiên sứ của Đức Chúa Trời, tự xưng là Thiên Chúa tại Bê-tên, nơi mà ông đã lập bàn thờ và dâng lời cầu nguyện, phán bảo ông: “Bây giờ, hãy đứng dậy, ra khỏi xứ này và trở về xứ của bà con ngươi!”

  • Sáng Thế Ký 31:24 về việc Thiên Chúa phán với La-ban trong một giấc mơ, khi ông đem người đuổi theo Gia-cốp: “Hãy coi chừng! Ngươi chớ nói một lời lành hay dữ với Gia-cốp!”

  • Ma-thi-ơ 1:20 về việc một thiên sứ của Chúa phán với Giô-sép trong một giấc mơ: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại mà tiếp nhận Ma-ri, vợ của ngươi; vì thai ở trong nàng là bởi thánh linh.”

  • Ma-thi-ơ 2:12 về việc các nhà thông thái ở đông phương được Thiên Chúa báo cho biết, họ không nên quay lại gặp Vua Hê-rốt.

  • Ma-thi-ơ 2:13 về việc thiên sứ của Chúa truyền lệnh cho Giô-sép trong một giấc mơ, bảo ông phải đem Ma-ri và Đức Chúa Jesus trốn qua xứ Ê-díp-tô.

  • Ma-thi-ơ 2:19-20 về việc thiên sứ của Chúa truyền lệnh cho Giô-sép trong một giấc mơ, bảo ông đem Đức Chúa Jesus về lại xứ I-sơ-ra-ên.

Có những giấc mơ đến từ Chúa báo trước việc sẽ xảy ra cho người nằm mơ, như giấc mơ của Giô-sép về việc các anh em của ông và cha mẹ của ông sẽ ở dưới quyền của ông (Sáng Thế Ký 37). Nhiều năm sau, sau khi đã trải qua những hoạn nạn, oan ức, bất công, Giô-sép trở thành tể tướng của xứ Ê-díp-tô và giúp cả gia đình mình thoát nạn đói kém trong suốt bảy năm. Hoặc giấc mơ của vị quan lo việc ăn và vị quan lo việc uống của Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô thời Giô-sép bị tù oan. Ba ngày sau khi họ nằm mơ, vị quan lo việc uống được phục chức nhưng vị quan lo việc ăn bị xử tử (Sáng Thế Ký 40).

Có những giấc mơ đến từ Chúa báo trước việc xảy ra cho một dân tộc, như giấc mơ của Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô thời Giô-sép, mơ bảy năm đói kém theo sau bảy năm trúng mùa (Sáng Thế Ký 41).

Có những giấc mơ đến từ Chúa báo trước về phần đã định cho các quốc gia, ngay từ khi các quốc gia ấy chưa thành hình, như giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-xa. Vua mơ một giấc mơ ứng nghiệm vào chính vương quốc của vua cách nay hơn 2500 năm đồng thời ứng nghiệm cho các đế quốc Phe-rơ-sơ – Mê-đi, Hy-lạp, và La-mã, cho đến một chính quyền toàn cầu của AntiChrist trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế (Đa-ni-ên 2) [3]. Hoặc giấc mơ của Tiên Tri Đa-ni-ên về bốn thế lực lớn trên đất trong những ngày cuối cùng (Đa-ni-ên 7) [4].

Chúng ta thấy rõ, những giấc mơ đến từ Chúa đều có một mục đích nhất định: Hoặc là để truyền bảo người nằm mơ một điều gì, hoặc là tỏ ra những việc sẽ xảy ra cho một cá nhân, một quốc gia, hay các thế lực cầm quyền trên đất.

Chúa cũng có thể ban cho con dân Chúa những giấc mơ về những sự tội lỗi trong Hội Thánh, là những sự đang xảy ra cách kín giấu, nhưng sẽ được Chúa làm cho lộ ra. Lý do là để người nằm mơ biết mà cầu thay cho Hội Thánh. Nếu Chúa cho chúng ta nằm mơ thấy một ai đó trong Hội Thánh phạm tội thì chúng ta cần hết lòng cầu thay cho người ấy, và chú ý khuyên bảo, dẫn dắt người ấy. Tuy nhiên, chúng ta không thuật lại giấc mơ của mình cho người ấy, nếu không có sự truyền bảo của Chúa. Người nằm mơ không nên thuật lại giấc mơ của mình cho những người khác trong Hội Thánh, ngoại trừ người chăn bầy hoặc giám mục của Hội Thánh, trừ khi Chúa truyền cho mình phải công bố trước Hội Thánh. Sau khi giấc mơ được ứng nghiệm thì người nằm mơ có thể làm chứng trước Hội Thánh (với sự xác nhận của người chăn hoặc giám mục), để tôn vinh danh Chúa, và để Hội Thánh cùng kính sợ Chúa và kinh nghiệm thêm về sự Chúa đang đi lại giữa Hội Thánh.

Những ai xưng nhận mình là con dân Chúa mà lại không tin vào việc Chúa vẫn ban cho con dân Chúa những giấc mơ và những khải tượng thì họ đang chống nghịch lại lời tiên tri của Giô-ên, đã được Sứ Đồ Phi-e-rơ xác chứng (Giô-ên 2:8; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17). Thánh Kinh xác nhận Thiên Chúa dùng những giấc mơ và khải tượng để dạy dỗ loài người:

Vì Thiên Chúa phán một lần, hai lần; nhưng {người ta} không để ý. {Nên} trong giấc mơ, trong khải tượng {lúc} ban đêm, khi cơn ngủ mê giáng trên loài người, {họ} ngủ ngon trên giường; bấy giờ, Ngài mở lỗ tai của loài người, niêm phong lời giáo huấn {mà Ngài dạy cho} họ, để khiến loài người quay khỏi việc làm {của họ}, và giấu sự kiêu ngạo khỏi loài người. Ngài giữ lại linh hồn của họ khỏi cái huyệt, và mạng sống của họ khỏi bị qua đi bởi gươm.” (Gióp 33:14-18).

Những ai khinh thường sự dạy dỗ của Chúa trong các giấc mơ và khải tượng thì trước hết đã khinh thường Lời Chúa được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Kế tiếp là phạm tội kiêu ngạo, đặt quan điểm của mình lên trên Lời Chúa.

Nói tóm lại, chúng ta không cuồng tín cho rằng lúc nào Chúa cũng ban cho chúng ta những giấc mơ và khải tượng như những người nói “tiếng lạ”, nhưng chúng ta dựa vào Lời Chúa để phân biệt đâu là những giấc mơ trong lý trí, đến từ sinh hoạt bình thường của bộ não, đâu là những giấc mơ trong thần trí, đến từ Thiên Chúa, và đâu là những giấc mơ trong thần trí đến từ ma quỷ để cám dỗ hoặc lường gạt chúng ta. Và chúng ta cần ghi nhớ điều quan trọng này: Nếu Chúa ban cho chúng ta giấc mơ hay khải tượng về sự phạm tội của ai đó trong Hội Thánh, mà Ngài không truyền cho chúng ta thuật lại giấc mơ cho người ấy, thì chúng ta không nên thuật lại, để tránh gây sự vấp phạm cho người ấy, vì có thể người ấy không tin. Trên hết vẫn là chúng ta đến với Đức Thánh Linh, xin Ngài giúp cho chúng ta hiểu rõ những giấc mơ và khải tượng Chúa ban cho chúng ta hoặc Chúa cho phép ma quỷ mang đến cho chúng ta. Chúng ta xin Đức Thánh Linh giúp mình hiểu đúng và có sự khôn sáng để hành xử, để cầu thay.

Nguyện lẽ thật của Thiên Chúa luôn bao phủ chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/01/2018

Ghi Chú

Karaoke: “Bao Nhiêu Tháng Ngày Qua”:
http://thanhca.timhieutinlanh.com/karaoke-bao-nhieu-thang-ngay-qua/

[1] http://timhieuthanhkinh.net/hoi-thanh-09-cac-an-tu/

[2] Tải xuống miễn phí sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã”:
https://od.lk/f/MV8xMTYzMTQ1ODRf

[3] http://kytanthe.net/?p=50

[4] http://kytanthe.net/?p=53

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.