Danh tiếng tốt

2,932 views

Danh tiếng tốt của Cơ-đốc nhân

Thánh Kinh, trong Châm Ngôn 22:1a cho biết: “Danh tiếng tốt còn hơn tiền của nhiều.”
Có nghĩa là: tiền bạc, vật chất không thể nào sánh bằng với danh tiếng tốt. Những người được tiếng tốt trong thế gian thường phải trả một cái giá để giữ vững nhân phẩm của mình, tạo ra danh tiếng tốt cho mình. Dầu vậy, không phải là họ xuất sắc, có tiếng tốt trong mọi lãnh vực, hay có thể giữ vững nhân phẩm trong mọi lãnh vực của đời sống. Hai mươi bốn người được ghi danh trong “Nhị thập tứ hiếu” là vì họ có lòng hiếu thảo vượt bực, bất chấp cảnh ngộ khó khăn, họ đã chu toàn bổn phận làm con, cho dù có những trường hợp cha mẹ đối xử bất công với họ. Tuy nhiên, khi xét qua một lãnh vực khác của đời sống, không chắc họ có được danh tiếng tốt như đã có trong lãnh vực hiếu thảo. Danh tiếng tốt trong thế gian, đến từ thế gian, vì thế, chỉ là một sự tương đối.

Chúng ta là con dân của Chúa, chúng ta không thuộc về thế gian (Giăng 15:19) cho nên danh tiếng tốt của chúng ta cũng không thuộc về thế gian và cũng không đến từ thế gian. Chúng ta không phải trả giá để được danh tiếng tốt, vì chính Đấng Christ đã trả giá cho chúng ta. Ngài đã trả bằng một giá rất đắc là dùng chính mạng sống của Ngài để phục hồi danh tiếng tốt cho chúng ta. Vì thế, danh tiếng tốt của chúng ta đến từ Chúa, được phục hồi bởi Chúa,  và là tuyệt đối, là thánh. Thánh Kinh chép rõ:

“Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà Vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” (1 Phi-e-rơ 2:9)

“Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.” (Khải Huyền 1:6)

Ở đây, chúng ta thấy các danh hiệu: “Thầy tế lễ nhà Vua”, “Thầy tế lễ của Đức Chúa Trời”, và “Dân Thánh”, được chính Đấng Christ ban cho chúng ta qua sự Ngài rửa sạch tội lỗi của chúng ta bằng chính huyết của Ngài. Thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời cũng ban cho dân Israel danh hiệu “Thầy Tế Lễ” và “Dân Thánh”:

“Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6)

Nhìn vào sự ban cho của Đức Chúa Trời  đối với dân Israel, được ghi chép trong Thánh Kinh, mà chúng ta hiểu được sự ban cho của Đức Chúa Trời  đối với Hội Thánh ngày nay. Ngày xưa, dân Israel đã nhờ lễ Vượt Qua, chịu báp-tem dưới biển đỏ và dưới đám mây để trở thành một nước thầy tế lễ, một dân tộc thánh của Đức Chúa Trời (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6; 14:2, 21; 28:9).

Trong lễ Vượt Qua, một chiên con, hoặc một dê con không tì vít bị giết, máu được bôi trên hai cột và mày cửa để thể hiện đức tin của dân Israel vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và hình bóng về sự đổ huyết chuộc tội cho toàn thể nhân loại của Đấng Christ. Bởi sự vâng phục của dân Israel mà Ngài đã giải cứu họ ra khỏi sự nô lệ thế gian, để làm thành một dân thuộc riêng về Ngài, thờ phượng Ngài, hầu việc Ngài, và vui hưởng phước hạnh trong Ngài (Xuất Ê-díp-tô-ký 12:1-28).

Thánh Kinh ví sự vượt qua biển Đỏ, và đi dưới đám mây của dân Israel là hình ảnh của lễ báp-tem (1 Cô-rinh-tô 10:2). Bước xuống biển Đỏ là hình ảnh lễ báp-tem bằng nước với ý nghĩa con người cũ ô uế, tội lỗi chết đi trong sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, như Ngài đã đoán phạt cả nhân loại trong thời Nô-ê. Ra khỏi biển Đỏ là hình ảnh của sự tái sinh, sống lại một con người mới trong Chúa. Đi dưới đám mây là hình ảnh lễ báp-tem bằng Thánh Linh, với ý nghĩa được Đức Thánh Linh thánh hóa và dẫn dắt trên hành trình đi về đất hứa.

Ngày nay, chúng ta nhận được danh hiệu “Thầy Tế Lễ”, và “Dân Thánh” của Đức Chúa Trời khi chúng ta ăn năn tội và tin nhận sự đổ huyết chuộc tội của Đấng Christ. khi một người thật lòng ăn năn tội lỗi và tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình, người ấy thể hiện lòng ăn năn của mình qua lễ báp tem bằng nước, và Đấng Christ nhúng chìm người ấy vào trong Thánh Linh của Ngài, tức báp-tem cho họ bằng Thánh Linh, để khiến họ trở nên “Dân Thánh” và “Thầy Tế Lễ” của Đức Chúa Trời. Câu Thánh Kinh:

“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy.” (Giăng 1:12, 13)

Là nói đến sự tái sinh và sự báp-tem bằng Thánh Linh cho bất kỳ ai tin nhận Đấng Christ. Tái sinh là nhận được sự sống lại và sự sống đời đời trong Đấng Christ. Báp-tem bằng Thánh Linh là được nhúng chìm vào trong sự thánh khiết và quyền năng của Đức Thánh Linh. Sự báp-tem bằng Thánh Linh đi kèm với sự tái sinh, như sự sinh ra một người đi kèm theo năng lực của sự sống trong người đó. Được tái sinh mà không được nhúng chìm vào trong quyền năng của Đức Thánh Linh thì có khác gì một cái thai được sinh ra mà không có năng lực để hoạt động và tăng trưởng?

Điều kiện để được tái sinh (sống lại và sống đời đời), để nhận lãnh quyền phép của Đức Chúa Trời (được báp-tem bằng Thánh Linh), để trở nên con cái Đức Chúa Trời (Dân Thánh), để được hầu việc Ngài (chức tế lễ), là tin nhận Đấng Christ. Và một người chỉ thật sự tin nhận Đấng Christ khi người ấy công nhận mình là một tội nhân, thật lòng ăn năn tội, quyết tâm từ bỏ tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và vâng giữ mọi điều Ngài đã truyền (Giăng 15:10).

Danh tiếng tốt của Cơ-đốc nhân là: “Dân Thánh” của Đức Chúa Trời; danh tiếng này nói lên phẩm chất của Cơ-đốc nhân. Những việc làm tốt đẹp thể hiện nhân phẩm của “Dân Thánh” được ghi trong Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5):

– Thờ lạy chỉ một mình Đức Chúa Trời;

– Không làm tượng, không thờ lạy hình tượng, và không hầu việc hình tượng;

– Không xúc phạm danh Chúa;

– Vâng giữ ngày Sa-bát thánh của Chúa;

– Hiếu kính cha mẹ;

– Không giết người;

– Không tà dâm;

– Không trộm cướp;

– Không làm chứng dối;

– Không tham lam.

Phẩm chất của “Dân Thánh” được ghi trong Ga-la-ti 5:22:

– Yêu thương,

– Vui mừng,

– Bình an,

– Nhịn nhục,

– Nhơn từ,

– Hiền lành,

– Trung tín,

– Mềm mại,

– Tiết độ;

mà không một luật pháp nào cấm cản những sự ấy!

Danh tiếng tốt của Cơ-đốc nhân còn là: “Thầy Tế Lễ của Nhà Vua”, Thầy Tế Lễ của Đức Chúa Trời;” danh tiếng này nói lên các nhiệm vụ của Cơ-đốc nhân:

– Biệt riêng mình ra cho Chúa, giữ mình thánh khiết (2 Cô-rinh-tô 6:17; 1 Phi-e-rơ 1:15, 16);

– Thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật (Giăng 4:24);

– Dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1, 2);

– Cầu thay cho mọi người (1 Sa-mu-ên 12:23; Ê-phê-sô 6:18; 1 Ti-mô-thê 2:1);

– Sống cho Chúa và chết cho Chúa, không còn vì chính mình mà sống nữa nhưng để cho Đấng Christ sống trong chính mình (Rô-ma 14:7,8; Ga-la-ti 2:20).

Kết luận

Trong tác phẩm “Tâm Hồn Cao Thượng” có ghi lại lời khuyên của một người cha đối với con mình. Đại ý như sau: Ngày con chào đời, con đã cất vang tiếng khóc trong khi mọi người chung quanh đang mĩm cười chào đón con. Hãy sống sao cho đến ngày con lìa đời, mọi người chung quanh sẽ rơi lệ tiễn đưa con trong khi con mĩm cười giả biệt cuộc đời!

Chúng ta có thể áp dụng  sự dạy dỗ của lời khuyên nói trên vào trong sự sống đạo của chúng ta.

Nếu danh tiếng tốt đến từ thế gian đã là hơn tiền của nhiều thì danh tiếng tốt đến từ Đức Chúa Trời là quý báu đến dường nào? Chúng ta có thể lấy chi để so sánh với danh tiếng tốt mà Đức Chúa Trời  đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ?

Chúng ta đã không làm gì để nhận lấy danh tốt từ nơi Đấng Christ, vì danh đó đã được ban cho chúng ta bởi ân điển của Chúa khi chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài; nhưng chúng ta phải tiếp tục ở trong Chúa, và lời Chúa ở trong chúng ta, nghĩa là nghe và làm theo lời phán dạy của Chúa (Giăng 15:7; Ma-thi-ơ 6:21), nghĩa là trung tín với Chúa cho đến chết (Khải Huyền 2:10) để xứng đáng với danh xưng “Thầy tế lễ của nhà Vua”, “Thầy tế lễ của Đức Chúa Trời”, “Dân Thánh của Đức Chúa Trời.”

Một ngày kia, khi chúng ta vào trong nước sáng láng của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được nhận những danh mới. Đức Chúa Jesus hứa với những ai vâng giữ đạo Chúa, không chối bỏ danh Ngài, Ngài sẽ ban cho họ: Danh của Đức Chúa Trời, danh của thành Đức Chúa Trời, cùng danh mới của Ngài (Khải Huyền 3:12).

Huỳnh Christian Timothy
29/04/2007