Tên riêng của Đức Chúa Trời: YHVH

3,512 views

I. Tên riêng của Đức Chúa Trời

Tên riêng của Đức Chúa Trời do chính Ngài xưng nhận (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, 15; 6:2, 3; Ê-sai 42:8), được ghi lại trong Thánh Kinh bằng tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew). Danh xưng này được phiên âm qua Anh ngữ là Jehovah, qua Việt ngữ là Giê-hô-va. Cũng có bản dịch Anh ngữ phiên âm là Yahveh, và phiên âm tương đương bên Việt ngữ là Gia-vê. Thật ra, đó là một tổng hợp giữa 4 phụ âm Hê-bơ-rơ: YHVH (hoặc YHWH) với các nguyên âm từ một danh xưng khác của Đức Chúa Trời là ADONAI (Đấng Chủ Tể), và phát âm thành YaHoVaH. Người Do-thái rất mực tôn kính Danh Chúa, không dám phát âm danh xưng YHVH, đã dùng danh xưng Adonai để thay thế trong khi phát âm tên riêng của Đức Chúa Trời. Theo thời gian, dần dần chính người Do-thái cũng không còn nhớ được cách phát âm chính xác của tên riêng Chúa.

Trong nguyên tác, Chúa xưng nhận Ngài là “TA THỰC HỮU”. Xin đối chiếu  bản dịch Anh ngữ, bản dịch Việt ngữ, với nguyên tác tiếng Hê-bơ-rơ dưới đây:

– And God430 said559 unto413 Moses,4872 I AM1961 THAT834 I AM:1961

– Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU, HẰNG HỮU

– ויאמר559  אלהים430  אל413  משׁה4872  אהיה1961  אשׁר834  אהיה1961

* 559 = phán; 430 = Đức Chúa Trời; 413 = cùng; 4872 = Môi-se; 1961 = là, có, thực hữu; 834 = Đấng

Trong bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt, chúng ta có tên riêng của Đức Chúa Trời được phiên âm thành “Đức Giê-hô-va.” Nếu muốn dịch thay vì phiên âm, thì chúng ta có thể dịch tên riêng của Đức Chúa Trời thành “ĐẤNG THỰC HỮU”. Đây là danh xưng độc đáo nhất của Đức Chúa Trời và được ghi lại 6,828 lần trong Cựu Ước. Danh xưng này đặc biệt liên quan đến sự thánh khiết của Ngài, liên quan đến sự nhân từ của Ngài, và liên quan đến sự công chính của Ngài.

II. Ý nghĩa tên riêng của Đức Chúa Trời

Danh xưng “Đức Giê-hô-va” hay “ĐẤNG THỰC HỮU” bao gồm những ý nghĩa sau đây:

1. Đức Chúa Trời là Đấng tự nhiên có và còn đến mãi mãi:

Vì Ngài tự nhiên có và còn đến mãi mãi cho nên Ngài không có sự bắt đầu và sự chấm dứt. Khi chúng ta nói đến bắt đầu và chấm dứt là chúng ta nói đến thời gian, nói đến sự hữu hạn. Đức Chúa Trời tạo ra thời gian cho nên Ngài không bị giới hạn hay lệ thuộc vào thời gian. Vì thế, Ngài xưng rằng ta là Đầu tiên và Cuối cùng, là An-pha và Ô-mê-ga (Ê-sai 44:6; Khải Huyền 21:6). Ngài có trước thời gian và Ngài vẫn tồn tại sau khi thời gian chấm dứt. Ngài ở trong thời gian lẫn ở ngoài thời gian. Ngài là sự vĩnh cửu! Và Ngài đã đặt để sự nhận biết đó trong lòng nhân loại:

“Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được.” (Truyền Đạo 3:11)

2. Đức Chúa Trời là độc nhất, vô nhị, và cao siêu tuyệt đối:

Vì Ngài tự nhiên có và còn đến mãi mãi cho nên ngoài Ngài không thể có một Đấng nào khác giống như Ngài và không một ai hay một sự gì có thể sánh được với Ngài. Chính Ngài khẳng định như vậy:

“6 Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác.” (Ê-sai 44:6

“5 Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa. Dầu ngươi không biết ta, ta sẽ thắt lưng ngươi, 6 hầu cho từ phía mặt trời mọc đến phía mặt trời lặn họ được biết rằng không có Đức Chúa Trời nào khác ngoài ta. Ta là Đức Giê-hô-va, không có đấng nào khác.” (Ê-sai 45:5, 6)

“18 Vậy thì các ngươi có thể vì Đức Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được?” (Ê-sai 40:18)

“25 Đấng Thánh phán rằng: Vậy thì các ngươi sánh ta cùng ai? Ai sẽ bằng ta?” (Ê-sai 40:25)

3. Đức Chúa Trời là sự sống và nguồn của sự sống:

Vì Ngài tự nhiên có và còn đến mãi mãi cho nên Ngài chính là sự sống và là nguồn của sự sống. Tất cả những gì có sự sống đều phát xuất từ Ngài, đều do Ngài tạo dựng. Vì thế, Ngài là Đấng có quyền ban cho và lấy lại tùy theo ý muốn của Ngài (Gióp 1:21).

20 Thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu, đặng ngươi ở trên đất mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho các tổ phụ ngươi, là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:20)

“28 Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28a)

4. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, muôn vật bắt nguồn từ sự thực hữu của Ngài, muôn vật được dựng nên bởi chính Ngài:

Vì Ngài tự nhiên có và còn đến mãi mãi cho nên muôn vật được tạo thành bởi Ngài và được bảo dưỡng bởi Ngài (Sáng Thế Ký 1). Khi loài người và thế giới vật chất bị băng hoại bởi tội lỗi, thì Đức Chúa Trời lại ra tay tạo dựng nên mới cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận Ngài (Giăng 1:12, 13); và một ngày kia, Ngài cũng sẽ tái tạo trời mới đất mới, làm nơi ở mới và sản nghiệp đời đời cho những ai thuộc về Ngài:

“17 Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17)

“1 Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa.” (Khải Huyền 21:1)

5. Đức Chúa Trời hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập:

Vì Ngài tự nhiên có và còn đến mãi mãi, là sự sống và nguồn của sự sống, cho nên Ngài hoàn toàn tự do và độc lập. Ngài không lệ thuộc vào bất cứ một sự gì cho sự thực hữu của Ngài. Ngài muốn làm gì thì làm tùy theo ý chỉ của Ngài mà không lệ thuộc vào bất cứ một sự gì.

“Nơi Đức Chúa Trời có sự khôn ngoan và quyền năng; Mưu luận và thông minh đều thuộc về Ngài.” (Gióp 12:13)

“Ai lường được Thần của Đức Chúa Trời, và làm mưu sĩ Ngài, đặng dạy Ngài điều gì? (Ê-sai 40:13)

“Đức Giê-hô-va phán ràng: Ta sẽ làm cho các sự nhân từ ta phát ra trước mặt ngươi; ta hô danh Giê-hô-va trước mặt ngươi; làm ơn cho ai ta muốn làm ơn, và thương xót ai ta muốn thương xót.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19)

“Như vậy, Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm.” (Rô-ma 9:18)

6. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị trên muôn loài vạn vật:

Vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật cho nên Ngài có quyền tể trị trên mọi sự. Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Ngài là Đức Giê-hô-va Vạn Quân.

“Kìa, trời và các từng trời cao hơn trời, đất và mọi vật ở nơi đất đều thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:4)

“Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.” (1 Sử Ký 29:11)

“Chúa đã xây dựng cung đền Ngài trong các từng trời, đã lập vòng khung Ngài trên đất. Ngài kêu gọi nước biển và đổ ra trên mặt đất. Danh Ngài là Đức Giê-hô-va.” (A-mốt 9:6)

7. Đức Chúa Trời là Đấng muôn loài vạn vật ngưỡng trông và thờ phượng:

Vì Ngài là sự sống và nguồn của sự sống, là Đấng Tạo Hóa, là Đấng Tể trị của muôn loài vạn vật cho nên muôn loài vạn vật phải ngưỡng trông lên sự nhân từ, sự công chính của Ngài, và thờ phượng sự thánh khiết của Ngài.

“Con mắt muôn vật đều ngửa trông Chúa, Chúa ban cho chúng đồ ăn tùy theo thì.” (Thi Thiên 145:15)

“Sự tiếp trợ chúng ta ở trong danh Đức Giê-hô-va, Là Đấng đã dựng nên trời và đất.” (Thi Thiên 124:8)

“Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa.” (Nê-hê-mi 9:6)

III. Sự vinh hiển trong tên riêng của Đức Chúa Trời

Tên riêng “ĐẤNG THỰC HỮU” của Đức Chúa Trời chiếu sáng toàn vẹn vinh hiển của Ngài, bao gồm: sự thánh khiết, sự công chính, và sự nhân từ. Thánh Kinh ghi lại cách thức Đức Chúa Trời cho phép Môi-se nhìn xem sự vinh hiển của Ngài như sau:

“5 Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng gần bên Môi-se và hô danh Giê-hô-va. 6 Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, 7 ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:5-7)

1. Sự thánh khiết:

Trước hết, Đức Chúa Trời hô danh Ngài là “Giê-hô-va”, nghĩa là “ĐẤNG THỰC HỮU”. Chúng ta đã biết, danh xưng Đấng Thực Hữu có nghĩa là: Đấng tự nhiên có và còn đến mãi mãi cho nên danh xưng đó nói lên sự thánh khiết của Đức Chúa Trời; bởi vì nghĩa đen của chữ “thánh” trong Thánh Kinh là: chỉ có một, hoàn toàn khác với tất cả những thứ khác, và hoàn toàn đôc lập với tất cả những thứ khác.

Đấng Thực Hữu là Thánh Khiết, vì Ngài chỉ có một,  hoàn toàn khác biệt với muôn sự, và không lệ thuộc vào bất cứ một sự gì.

2. Sự nhân từ:

Kế tiếp Đức Chúa Trời giải thích Ngài là: “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi!”, và đó là sự nhân từ của Đấng Thực Hữu.

3. Sự công chính:

Sau cùng, Đức Chúa Trời nhấn mạnh: “Nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời” để nói lên sự công chính của Ngài.

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chính là sự chiếu sáng các thuộc tính thánh khiết, nhân từ, và công chính của Ngài. Khi Môi-se nhìn thấy sự vinh hiển của Chúa, ông cảm nhận được các thuộc tính của Chúa, và ông đã lật đật cúi đầu xuống đất mà thờ phượng Chúa.

Sau khi được trực diện với sự vinh hiển của Chúa và lắng nghe Chúa dùng ngôn ngữ loài người bày tỏ sự vinh hiển của Ngài, Gióp nhận ra sự công bình của mình là vô nghĩa trước Đức Chúa Trời và đã tuyên xưng:

“5 Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: 6 Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:5, 6)

Kết luận

Đức Chúa Trời vĩ đại, cao siêu tuyệt đối, tự nhiên có, còn đến mãi mãi, hoàn toàn thánh thiện, không gì không làm được, không gì không biết được, hiện diện mọi nơi, hiện diện mọi lúc, biết hết mọi sự, và tể trị mọi sự đó chính là CHA của chúng ta. Ngài dựng nên loài người theo hình ảnh của Ngài để làm con của Ngài. Ngài muốn chúng ta đi vào trong tình yêu đời đời Ngài đã dành cho chúng ta và Ngài cũng đã trả một giá thật đắt để đem chúng ta đến với tình yêu đó.

Đức Chúa Trời ở trên chúng ta: luôn yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ chúng ta. Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta: cùng sống và đồng công với chúng ta trong mọi sự, ở bên cạnh chúng ta trong mỗi bước đường đời, và liên kết chúng ta lại với nhau trong Hội Thánh của Ngài. Đức Chúa Trời ở trong chúng ta: để an ủi, khuyên lơn, chỉ dạy, cáo trách chúng ta khi chúng ta lầm lỗi, và giúp ta dâng trình những điều cầu xin không thể nói nên lời:

“Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người, và ở trong mọi người.” (Ê-phê-sô 4:6)

Câu chúc phước mà Đức Chúa Trời truyền cho các thầy tế lễ chúc cho dân Y-sơ-ra-ên là:

“24 Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! 25 Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! 26 Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi! 27 Họ phải đặt danh ta trên dân Y-sơ-ra-ên như vầy, thì ta đây sẽ ban phước cho dân đó.” (Dân Số Ký 6:24-27)

Chúng ta cần ghi nhớ sự tôn quý, cao trọng, và đầy dẫy vinh hiển của tên Chúa. Chúng ta cần phải sống trong danh Chúa, nghĩa là cẩn thận vâng giữ mọi điều Chúa dạy trong Thánh Kinh, sống một nếp sống phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, tức phản chiếu sự thánh khiết, nhân từ, và công chính của Ngài, thì chúng ta sẽ nhận được những phước hạnh đời đời của Đức Chúa Trời.

Huỳnh Christian Timothy
06/05/2007

Tham khảo

1. Walter A. Elwell, Baker Theological Dictionary of the Bible, Baker Book (1996)

2. Nathan Stone, Names of God, The Moody Bible Institute (1944)

3. James Strong, LL.D., S.T.D., The New Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, Thomas Nelson Publisheers (1990)