Kính Báo với Hội Thánh về Chữ “Tâm Trí’

2,541 views

Kính thưa Hội Thánh,

Tin Lành đến Việt Nam vừa hơn 100 năm (1911-2018). Các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ đã in ra vẫn chưa được theo sát nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh. Chúng ta chưa có các bộ từ điển Hê-bơ-rơ – Việt, Hy-lạp – Việt, từ điển Thánh Kinh tiếng Việt, và từ điển thần học tiếng Việt. Vì thế, việc chuyển đạt ý nghĩa của nhiều từ ngữ Thánh Kinh sang tiếng Việt cho thật chính xác là một điều khó khăn; và trong quá trình tạo từ mới hoặc dùng từ ngữ đã có với nghĩa mới có thể xảy ra thiếu sót và lỗi lầm.

Điển hình là việc ban đầu tôi dùng “lý trí” để chỉ sự nhận thức bởi lý luận theo xác thịt khác với “thần trí” là sự nhận thức do Chúa ban cho trong “tâm thần”, và tôi đã đồng hóa “lý trí” với “tâm trí” theo nghĩa chữ “tâm” (心) là trái tim, chỉ về sự cảm xúc: tâm trí  (心智) = sự nhận biết theo cảm xúc của xác thịt. Vì thế, trong bài “Thần Trí và Tiếng Chúa” tôi đã giảng rằng:

“Trước hết, chúng ta cần phân biệt lý trí, còn gọi là tâm trí, với thần trí. Lý trí hay tâm trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể xác thịt.”

Nhưng sau đó, trong khi suy ngẫm để biên soạn các bài giảng chú giải Thư Rô-ma thì tôi đã dùng “tâm trí” để bao gồm “lý trí” và “thần trí” theo nghĩa chữ “tâm” (心) là chính giữa, là bên trong: tâm trí = sự nhận biết theo con người bên trong, tức linh hồn (linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt). Mà linh hồn của chúng ta vừa có sự nhận thức theo xác thịt (lý trí) vừa có sự nhận thức theo tâm thần (thần trí). Vì thế, trong bài giảng “Chú giải Rô-ma 8:1-11” tôi đã giảng:

“Tâm trí bao gồm lý trí và thần trí.”

Như vậy, chữ “tâm trí” dùng trong Thánh Kinh mang ý nghĩa khác với chữ “tâm trí” người thế gian dùng. Đây là sự áp đặt nghĩa mới cho từ ngữ đã có sẵn, tạo thành một danh từ thần học trong tiếng Việt.

Có lẽ sẽ có người hỏi tôi: Khi ông biên soạn bài giảng “Thần Trí và Tiếng Chúa” và giảng rằng, “Trước hết, chúng ta cần phân biệt lý trí, còn gọi là tâm trí, với thần trí. Lý trí hay tâm trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể xác thịt.” Thì ông có được thần cảm hay không? Bài giảng ấy có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh hay không? Nếu có, sao Đức Thánh Linh để cho ông đồng hóa “lý trí” với “tâm trí”?

Tôi xin trả lời: Mỗi bài giảng tôi đều cầu nguyện xin Chúa soi dẫn tôi, để tôi hiểu đúng lẽ thật của Lời Chúa và được ơn trong khi trình bày. Tôi tin rằng, các sứ điệp trong mỗi bài giảng tôi giảng cho Hội Thánh, kể từ khi tôi ra khỏi giáo hội đều là đúng theo Lời Chúa, và sự hiểu biết của tôi về Lời Chúa là đến từ Chúa. Tuy nhiên, về các dữ kiện lịch sử ngoài Thánh Kinh, các sự hiểu biết về khoa học, chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội… thì tôi dựa trên trí thức của loài người, mà những gì thuộc về loài người thì không hẳn là đúng 100%. Trong các bài giảng, thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc đến các dữ kiện ngoài Thánh Kinh, dựa trên trí thức của loài người. Ngoài ra, tôi vẫn còn phạm lỗi chính tả, văn phạm; đôi khi dùng sai chữ để diễn tả một ý tưởng, thậm chí có khi ghi sai địa chỉ các câu Thánh Kinh được trích dẫn… Nhưng các điều ấy không có nghĩa là Chúa không soi dẫn tôi trong khi tôi biên soạn các bài giảng, vì lẽ thật về Lời Chúa được tôi trình bày trong bài giảng không bị các lỗi ấy ảnh hưởng đến; mà các điều ấy chỉ là bằng cớ cho thấy, sự trí thức của tôi có giới hạn, và Chúa cho phép các lỗi như vậy xảy ra, để mọi người nhìn thấy sự thiếu sót của tôi, còn tôi thì luôn được nhắc nhở là mình không là gì nếu không có các sự ban cho của Chúa, để tôi không lên mình kiêu ngạo. Mỗi khi có ai chỉ ra lỗi của tôi trong các bài giảng thì đó cũng là cơ hội để tôi lựa chọn: Thật lòng nhận lỗi hay kiêu ngạo, tự ái, tìm cách khỏa lấp lỗi.

Sách Khải Huyền do Sứ Đồ Giăng viết ra theo sự mạc khải mà Đấng Christ đã tỏ ra cho ông. Tuy nhiên, vốn là người đánh cá không có học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13), Giăng không giỏi viết văn, lại là viết trong tiếng Hy-lạp, nên sách Khải Huyền do ông viết đầy các lỗi chính tả và văn phạm, khác với sách Giăng và các thư Giăng I, II, III mà ông đọc cho các thư ký có học ghi chép [1]. Chúng ta không thể vì những lỗi chính tả, văn phạm trong sách Khải Huyền mà cho rằng Giăng không được Đức Thánh Linh thần cảm để ông viết ra sách Khải Huyền.

Chúa có quyền khiến cho Giăng viết ra sách Khải Huyền với văn phong bóng bẩy, tuyệt vời nhưng Ngài đã không chọn làm như vậy.

Kính thưa Hội Thánh,

Tôi xin Hội Thánh tha lỗi cho tôi vì tôi đã khiến cho Hội Thánh bị bối rối về sự tôi đã đồng hoá từ “tâm trí” với “lý trí”, sau đó thì dùng từ “tâm trí” với nghĩa mới: bao gồm “lý trí” và “thần trí”, mà không có lời hiệu đính và giải thích. Tôi xin lỗi những ai đã vì sự việc này mà bị vấp phạm.

Từ nay, xin Hội Thánh dùng từ “tâm trí” với nghĩa mới: Tâm trí bao gồm lý trí và thần trí.

Tôi đã hiệu đính bài “Thần Trí và Tiếng Chúa” và cho đăng lời giải thích trên đây ngay chỗ hiệu đính [2].

Tôi xin cám ơn Hội Thánh.

Ngoài ra, cháu Nguyễn Thị Lan có thắc mắc là:

Thần trí của một người có thể là thần trí trong sự tương giao với Chúa và có thể là thần trí tương giao với tà linh ma quỷ.

Như vậy, có phải nếu chúng ta chỉ nói: Sống theo thần trí, xưng tội bằng thần trí,…theo con sẽ chưa thật sát nghĩa, còn thiếu, con hiểu đó là cách nói tắt, vì đúng ra sẽ là: Sống theo thần trí của Đấng Christ, xưng tội bằng thần trí của Đấng Christ. 

Dạ, con nêu ra trên đây, là vì con thấy nhiều khi vẫn hay dùng tắt. Xin Hội Thánh xem lại, giúp con hiểu đúng nếu như con hiểu sai.

Tôi xin trả lời: Thắc mắc của cháu Lan là đúng, nhưng chúng ta hãy quy định rằng, chữ “thần trí” được dùng để chỉ sự cảm xúc, suy luận, nhận thức của con dân Chúa trong tâm thần của họ. Còn sự cảm xúc, suy luận, nhận thức trong tâm thần của người tương giao với ma quỷ thì chúng ta dùng chữ “quỷ trí”, tương tự như “quỷ biện” là sự biện luận đến từ ma quỷ.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
21/05/2018

Chú Thích

[1] http://kytanthe.net/?p=110

[2] https://www.timhieutinlanh.com/than-tri-va-tieng-chua/