Hậu Quả của Sự Phạm Tội

3,502 views

Hậu Quả của Sự Phạm Tội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Mục đích của đời sống loài người là tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng loài người đã dùng quyền tự do quyết định Thiên Chúa ban cho để chọn tôn vinh chính mình, thay vì tôn vinh Thiên Chúa. Tất cả những gì nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa đặt để cho loài người được Thiên Chúa gọi là tội lỗi. Tội lỗi có những hậu quả nghiêm trọng mà suốt dòng lịch sử của loài người đã chứng minh.

Thiên Chúa cho phép tội lỗi xảy ra để loài người và các thiên sứ là hai loài thọ tạo thượng đẳng học biết hậu quả của sự lạm dụng quyền tự do quyết định. Thiên Chúa ban quyền tự do quyết định cho loài người và các thiên sứ là vì nếu không có quyền tự do quyết định thì loài người và các thiên sứ chỉ yêu kính Thiên Chúa một cách máy móc mà thôi.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTY1MTczNjRf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201710-hau-qua-cua-su-pham-toi
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/0cesdicaj7f0hap/201710_HauQuaCuaSuPhamToi.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Sau khi loài người phạm tội, Thiên Chúa đã ban cho loài người ơn cứu rỗi, để bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, muốn sống thánh khiết theo ý muốn của Thiên Chúa, thì được tha tội bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, được tái sinh thành một người mới, được phục hồi địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, được ban cho năng lực của chính Thiên Chúa để sống thánh khiết theo ý muốn của Thiên Chúa. Kể từ đó, người ấy được toàn quyền quyết định sống cho Thiên Chúa, sống vì sự vinh quang của Thiên Chúa, hay là quay về phạm tội, sống vì sự vinh quang của chính mình.

Lời Chúa dạy chúng ta rất rõ ràng:

Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Nói cách khác, từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của con dân Chúa đều là vì sự vinh quang của Chúa, chứ không vì chính mình hay là ai khác. Khi chúng ta suy nghĩ, nói, hay làm bất cứ điều gì mà không vì sự vinh quang của Thiên Chúa thì chúng ta phạm tội. Tội không vâng phục Chúa như xưa kia tổ phụ của chúng ta là A-đam và Ê-va đã phạm. Và tội xúc phạm sự vinh quang của Thiên Chúa [1].

Nan đề thường xảy ra trong Hội Thánh là con dân Chúa vẫn có lúc phạm tội. Khải Huyền 2 và 3 ghi lại nan đề phạm tội trong Hội Thánh. Trong bảy Hội Thánh được đề cập thì chỉ có hai Hội Thánh là không bị Chúa quở trách về sự phạm tội. Nếu chúng ta lấy 100 chia cho bảy, rồi nhân cho năm, thì chúng ta có đến hơn 71% số người phạm tội trong Hội Thánh chung.

Thường thì một người đã biết Chúa mà vẫn phạm tội là vì yêu bản thân mình hơn yêu Chúa: yêu những sự ham muốn bất chính của xác thịt, yêu sự vinh quang của đời này, hơn là yêu nếp sống thánh khiết trong Chúa và sự vinh quang của Thiên Chúa mà Ngài đã ban cho những ai thuộc về Ngài. Điều nghiêm trọng hơn hết là con dân Chúa vẫn tiếp tục phạm tội vì họ lạm dụng sự thương xót của Chúa. Họ nghĩ rằng, sau khi phạm tội, chỉ cần nói lời ăn năn với Chúa thì sẽ được Chúa tha tội; và như vậy, họ vẫn được cứu rỗi, vẫn được sự sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Họ nghĩ như vậy vì họ quên rằng, Lời Chúa phán dạy rõ ràng:

Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống đời đời.” (Ga-la-ti 6:7-8).

Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Khải Huyền 3:16).

Gieo cho xác thịt tức là sống cho xác thịt, chiều theo sự ham muốn của xác thịt. Tất cả những gì chúng ta nói, viết, và làm ra trong đời này mà không vì sự vinh quang của Thiên Chúa thì đều là vì sự vinh quang của xác thịt, là phạm tội. Hậu quả của đời sống gieo cho xác thịt là sự chết đời đời, tức là đời đời bị hư mất trong hỏa ngục. Gieo cho tâm thần tức là sống cho tâm thần, sống theo sự ham muốn của thần trí về nếp sống thánh khiết đúng theo Lời Chúa. Tất cả những gì chúng ta nói, viết, và làm ra trong đời này theo thần trí đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Thậm chí, khi con dân Chúa là một người nô lệ làm việc phục vụ người chủ khắc nghiệt của mình, thì người ấy cũng nên hết lòng phục vụ chủ như phục vụ Chúa (Cô-lô-se 3:22-23). Kết quả của đời sống gieo cho tâm thần là sự sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Con dân Chúa mà tự lừa gạt mình hoặc để cho các giáo sư giả lừa gạt mình, sống theo xác thịt, nếu không ăn năn kịp lúc thì sẽ bị Chúa mửa ra và hư mất đời đời. Thánh Kinh gọi những người sống theo xác thịt đã quá quen với nếp sống theo xác thịt, không còn nhận biết sự cáo trách của thần trí, của Đức Thánh Linh, là những kẻ có “lương tâm chai lì” (I Ti-mô-thê 4:2). Bởi sự thương xót lớn của Đức Chúa Trời, vì Ngài “muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4), mà Đức Chúa Trời đã dùng những người khác chỉ ra tội lỗi của họ. Và đó chính là cơ hội cuối cùng cho họ. Nếu họ vẫn cứng lòng không ăn năn, thì họ đã tự chọn cho mình con đường đi vào sự hư mất.

Tuy nhiên, có những người ăn năn khi bị chỉ ra tội, nhưng rồi sau đó lại tái phạm. Họ cứ tái phạm vì: (1) Họ chưa thật sự chán ghét tội, vì thế, khi có cơ hội là họ tái phạm, từ các tội kiêu ngạo, giận dữ, tự ái không đúng, bất công, tư vị… cho đến các tội tà dâm, tham lam, dối trá… (2) Hoặc là họ sống theo tiêu chuẩn, đạo lý của thế gian thay vì sống theo tiêu chuẩn đạo lý của Thiên Chúa. (3) Hoặc là họ không tận dụng các vũ khí của Đức Chúa Trời đã ban cho họ để chiến thắng sự cám dỗ.

Giả sử như, cứ mỗi lần phạm tội, ăn năn với Chúa, được Chúa tha, không bị vào hỏa ngục nhưng sẽ bị chặt đi một ngón tay, hoặc một ngón chân, hoặc bị xẻo đi một miếng thịt, thì chắc người ta sẽ bớt phạm tội rất nhiều. Trong thực tế, ngoài máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ, còn có những cái giá phải trả cho mỗi lần phạm tội mà vì người ta không nhìn thấy, nên người ta vẫn dễ dàng tái phạm, rồi ăn năn! Ngoài ra, còn có điều đáng sợ là: Không biết Chúa sẽ mửa người cứ cố tình phạm tội ra lúc nào!

Chắc chắn là nếu chúng ta phạm tội thì chúng ta phải gánh lấy hậu quả trước mắt vì sự phạm tội của mình, như đứa bé cãi lời cha mẹ, thò tay vào lửa thì bị bỏng tay. Khi chúng ta, con dân Chúa, phạm tội, thì bởi sự thương xót lớn của Chúa, Ngài có thể tha thứ cho chúng ta, để chúng ta không bị hư mất đời đời, khi chúng ta biết ăn năn, nhưng trong đời này, chúng ta vẫn phải chịu hậu quả tất nhiên của sự phạm tội tác động trên thân thể của chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta, còn trong đời sau, chúng ta sẽ bị mất đi nhiều phần thưởng mà lẽ ra chúng ta sẽ nhận được, nếu chúng ta không phạm tội.

Điều gì xảy ra khi con dân Chúa phạm tội?

Bất kể là tội nhỏ hay lớn, bất kể là tội vi phạm điều răn nào, khi con dân Chúa phạm tội thì lập tức các điều sau đây xảy ra:

1. Trước hết là ma quỷ sẽ vui mừng vì sự vinh quang của Thiên Chúa bị xúc phạm, trong khi cả thiên đàng đau buồn. Thánh Kinh cho biết, Thiên Chúa khóc khi con dân Chúa phạm tội: “Ngươi hãy bảo cho chúng nó lời này: Mắt Ta rơi lụy đêm ngày chẳng thôi; vì gái đồng trinh của dân Ta bị tan nát bởi cơn tàn hại lớn, bởi thương tích nặng nề.” (Giê-rê-mi 14:17).

2. Kế tiếp, ma quỷ sẽ nhanh chóng tấn công người phạm tội bằng nhiều cách:

  • Tiếp tục cám dỗ cho người ấy phạm thêm tội.
  • Hù dọa người ấy để người ấy không dám xưng tội.
  • Gieo rắc vào tâm trí người ấy các ý tưởng sợ hãi, tiêu cực, không còn tin vào sự thương xót của Chúa, và xúi giục người ấy tìm cách giải quyết vấn đề phạm tội theo ý riêng, như gắng sức làm ra nhiều việc công đức để bù đắp cho việc phạm tội hoặc tự tử.
  • Khi cần thì bêu rếu người ấy trước công chúng để sỉ nhục danh Chúa và Hội Thánh.
  • Tha hồ làm khổ người ấy bằng đủ mọi cách, vì người ấy đã mất sự bảo vệ của Chúa khi tội lỗi làm cho người ấy bị mất thông công với Chúa.

3. Sự thiệt hại trong đời này xảy ra ngay cho người phạm tội:

  • Tự làm ô uế thân thể mình, nếu là phạm tội tà dâm (I Cô-rinh-tô 6:18).
  • Mất sự bình an vì mất sự thông công với Chúa: “Nhưng ấy là sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi khỏi Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt {Ngài} khỏi các ngươi, mà Ngài không nghe {các ngươi nữa}.” (Ê-sai 59:2).
  • Mất sự thông công trong thần trí với Hội Thánh (cho dù chưa bị Hội Thánh chính thức dứt thông công).
  • Đau ốm, bệnh tật, tai nạn, thiệt hại tài sản, danh tiếng… và có khi là bị chết: “Bởi cớ đó mà trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!” (I Cô-rinh-tô 11:30).
  • Có thể bị pháp luật của loài người trừng phạt nếu sự phạm tội cùng lúc vi phạm luật pháp của loài người.

4. Người phạm tội có nguy cơ bị hư mất đời đời. Thật vậy, nếu một người phạm tội, chưa ăn năn tội, mà qua đời thì sẽ bị hư mất đời đời. Đó là sự công chính của Thiên Chúa: “Nhưng nếu người công bình xoay khỏi sự công bình của mình và phạm sự gian ác, làm theo mọi sự gớm ghiếc mà kẻ ác làm, thì người ấy sẽ sống không? Mọi việc công bình người ấy đã làm sẽ không được nhớ lại. Trong sự phạm pháp mà người ấy đã phạm, trong sự tội lỗi mà người ấy đã phạm, người ấy sẽ chết trong chúng.” (Ê-xê-chi-ên 18:24).

5. Danh Chúa bị nói xấu giữa những người không tin Chúa. Hội Thánh đau buồn và hổ thẹn.

Khi chúng ta suy ngẫm Ê-xê-chi-ên 18:24 thì chúng ta sẽ thấy rằng:

Trong thời Cựu Ước, người công bình là người tin Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài (Sáng Thế Ký 15:6; Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:25). Trong thời Tân Ước, người công bình là người đã được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, và được Đức Thánh Linh tái sinh thành một người mới, ban cho thánh linh của Thiên Chúa để sống thánh khiết theo Lời Chúa, làm ra những việc lành, tức là những việc công bình mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy:

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Những việc lành Đức Chúa Trời sắm sẵn cho người ấy, không phải là vì Đức Chúa Trời cần người ấy làm việc cho Ngài, mà là Đức Chúa Trời ban cho người ấy cơ hội để tạo sự vinh quang cho thân thể xác thịt sẽ được phục sinh hay biến hóa trong đời sau. Khải Huyền 19:8 cho biết, trang phục thánh, hay là sự vinh quang của con dân Chúa thuộc Hội Thánh trong ngày Hội Thánh được kết hiệp với Đấng Christ chính là các việc làm công bình của họ:

Người đã được ban cho khoác lên trang phục trắng, mịn, và sạch. Trang phục mịn là những việc làm công bình của các thánh đồ.”

Chữ “người” trong Khải Huyền 19:8 là chỉ chung về Hội Thánh. Trang phục trắng, mịn, và sạch chính là sự vinh quang của Hội Thánh.

Hội Thánh là tập thể của tất cả con dân Chúa từ khi Hội Thánh được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 27 (Công Vụ Các Sứ Đồ 2) cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, cho nên, số người trong Hội Thánh có thể lên đến hàng chục triệu người. Sự vinh quang của Hội Thánh là sự vinh quang chung của hàng chục triệu người nhưng mỗi người sẽ có sự vinh quang riêng của mình. Mà sự vinh quang riêng của mỗi người tùy thuộc vào những việc làm công bình của mỗi người đang khi còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại.

Chúng tôi đã nhiều lần chia sẻ trong các bài giảng, rằng mỗi việc làm của chúng ta sẽ được chính Đức Chúa Jesus Christ là Đầu của Hội Thánh đánh giá và ban thưởng ngay trong ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Sự ban thưởng ấy bao gồm hai phương diện:

  • Sự vinh quang của thân thể xác thịt được phục sinh hay được biến hóa.

  • Thẩm quyền đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta hãy hình dung ra một bóng đèn lớn chiếu ra ánh sáng rực rỡ, nhưng bóng đèn lớn đó là tập hợp của hàng triệu bóng đèn nhỏ với mức độ phát sáng khác nhau. Ánh sáng rực rỡ của bóng đèn lớn tiêu biểu cho sự vinh quang của Hội Thánh, là tập hợp sự vinh quang của tất cả mọi người trong Hội Thánh. Ánh sáng của mỗi bóng đèn nhỏ tiêu biểu cho sự vinh quang của mỗi người trong Hội Thánh, tùy theo những việc công bình mà họ đã làm ra trên đất.

Nếu một người đã ở trong sự cứu rỗi, được Đức Chúa Trời xưng là “người công bình” mà trở lại phạm tội, thì ngay lập tức, người ấy ở trong sự đoán phạt, ở trong sự chết, vì sự chết là hậu quả của tội lỗi, như Rô-ma 6:23 đã nói rất rõ ràng: “Tiền công của tội lỗi là sự chết”. Và sự chết do tội lỗi mang đến không chỉ là sự chết tạm thời của thân thể xác thịt, mà còn là sự cả thân thể xác thịt được sống lại và linh hồn sẽ bị đời đời xa cách Thiên Chúa, phải chịu khổ trong hỏa ngục.

Thí dụ 1: một người đã ở trong sự cứu rỗi, được Đức Chúa Trời xưng là người công bình, mà chọn phạm tội tà dâm với vợ của người lân cận, bị người lân cận bắt gặp quả tang, nổi cơn ghen bắn chết tại chỗ, thì người phạm tội ấy bị hư mất đời đời vì chết trong tội lỗi của mình.

Thí dụ 2: một người đã ở trong sự cứu rỗi, được Đức Chúa Trời xưng là người công bình, mà chọn phạm tội tà dâm bằng cách đi đến ổ điếm. Trên đường đi đến nơi phạm tội, người ấy bị xe đụng chết, thì người ấy bị hư mất đời đời, vì chết trong tội lỗi của mình.

Thí dụ 3: một người đã ở trong sự cứu rỗi, được Đức Chúa Trời xưng là người công bình, mà chọn phạm tội tà dâm bằng cách lén lút xem các phim ảnh khiêu dâm, bất ngờ, động đất xảy ra, người ấy chết ngay tại chỗ, thì người ấy bị hư mất đời đời, vì chết trong tội lỗi của mình.

Vì sao chúng tôi nêu ra liên tiếp ba thí dụ về sự phạm tội tà dâm? Vì đó chính là các hình thức tà dâm thường xảy ra trong Hội Thánh. Quý ông bà anh chị em có thể thay thế cho tội tà dâm bằng bất cứ tội gì, cho dù chỉ là một lời nói dối, thì hậu quả cũng vẫn là sự hư mất đời đời của người phạm tội, nếu người đó chết mà không kịp ăn năn. Đó chính là ý nghĩa đáng sợ thứ nhất của Ê-xê-chi-ên 18:24.

Nếu có ai nghĩ rằng, một lời nói dối không thể nào nghiêm trọng đến nỗi bị hư mất đời đời thì người ấy cần phải đọc lại Khải Huyền 21:8.

Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.”

Đối với Thiên Chúa, tội lỗi là tội lỗi, và tiền công của tội lỗi là sự chết!

Nếu như Đức Chúa Trời thương xót và cho người phạm tội cơ hội ăn năn và người ấy thật lòng ăn năn tội, thì người ấy sẽ được tha tội, nhưng tất cả những việc làm công bình trước đây của người ấy sẽ không còn được nhắc lại. Vì mọi việc làm công bình của một người công bình bị quên đi, nói cách khác là bị xóa sạch, khi người ấy phạm tội và chết trong tội. Mỗi khi chúng ta phạm tội là lập tức chúng ta ở trong sự chết, vì tiền công của tội lỗi là sự chết! Sự ăn năn tội của người ấy chỉ cứu người ấy ra khỏi sự chết trong tội, tức là sự chết thứ nhì trong lửa đời đời của hỏa ngục, chứ không phục hồi những việc làm công bình của người ấy. Đó chính là ý nghĩa đáng sợ thứ nhì của Ê-xê-chi-ên 18:24.

Những người xưng mình là con dân Chúa mà cứ tái phạm tội vì lạm dụng sự thương xót, chậm giận của Đức Chúa Trời là những người đùa với lửa; và nếu như họ có được cứu thì cũng chỉ là được cứu dường như qua lửa, không có một sự ban thưởng nào cả. Và thậm chí, có thể được cứu nhưng không còn thuộc về Hội Thánh, không được hiệp một cách mầu nhiệm với Đức Chúa Jesus Christ và đồng trị với Ngài.

Xin mỗi người hãy cùng nhau học thuộc lòng Ê-xê-chi-ên 18:24 ngay trong ngày hôm nay, để dùng đó mà nhắc nhở mình:

Nhưng nếu người công bình xoay khỏi sự công bình của mình và phạm sự gian ác, làm theo mọi sự gớm ghiếc mà kẻ ác làm, thì người ấy sẽ sống không? Mọi việc công bình người ấy đã làm sẽ không được nhớ lại. Trong sự phạm pháp mà người ấy đã phạm, trong sự tội lỗi mà người ấy đã phạm, người ấy sẽ chết trong chúng.” (Ê-xê-chi-ên 18:24).

“Xoay khỏi sự công bình của mình” tức là lìa bỏ sự công bình Đức Chúa Trời đã ban cho mình bởi sự ăn năn tội của mình, để quay lại phạm tội! Hê-bơ-rơ 10:29 gọi đó là sự: giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ đó nên thánh, là ô uế, và khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển!

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng, nếu Đức Chúa Trời nghiêm khắc như vậy thì có mấy ai được ban thưởng. Thực tế cho biết là chính Đức Chúa Jesus Christ đã tuyên phán:

Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 22:14).

Ta nói với các ngươi, Ngài sẽ vội vàng làm sự bênh vực họ. Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Hội Thánh của Chúa chắc chắn là số ít, không phải bất cứ ai xưng mình là con dân Chúa thì người ấy thuộc về Hội Thánh, mà chỉ những ai nghe và làm theo lời phán của Chúa:

Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì được vào Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

Ý muốn của Đức Chúa Trời đã được ghi chép qua Mười Điều Răn của Ngài và qua lời Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi loài người ăn năn tội, tức ăn năn sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và tin mọi lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ.

Vì thế, việc còn lại là mỗi người hãy tự quyết định cho chính mình:

1. Cứ chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt, để cứ phạm tội và có thể bị hư mất đời đời vì chết trong lúc chưa kịp ăn năn, hoặc có kịp ăn năn thì cũng không có bao nhiêu phần thưởng, bao nhiêu vinh quang.

2. Hay là hết lòng sống cho Chúa, sống vì Chúa, cậy nhờ ân điển và sức toàn năng của Thiên Chúa để sống thánh khiết, không phạm tội, và làm ra nhiều việc công bình, để được sự ban thưởng và vinh quang nhiều trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại.

Và chúng ta cũng hãy nhớ đến lời phán này của Chúa:

Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng bỏ ngươi, để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Đây không phải là lời phán dành cho những người chưa tin Chúa, mà là lời phán dành cho những người đã được gọi là con dân của Thiên Chúa. Sự tri thức là sự biết về Thiên Chúa và các điều răn của Thiên Chúa mà chính Đức Thánh Linh đã đặt vào trong tâm thần của họ. Bất cứ ai bỏ đi sự hiểu biết về Thiên Chúa và các điều răn của Thiên Chúa thì người ấy sẽ bị chính Thiên Chúa từ bỏ. Họ sẽ mất đi chức vụ vua và chức vụ thầy tế lễ mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho họ (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6). Sự phạm tội của họ còn ảnh hưởng trên con cháu của họ đến đời thứ ba và thứ tư (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; 34:7; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9).

Kính thưa Hội Thánh.

Xin mỗi người ghi nhớ rằng:

Mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta xúc phạm Chúa, xúc phạm sự vinh quang của Chúa, chúng ta đáng chết! Chúng ta cần lập tức ăn năn, xưng tội với Chúa, để được tha tội và được làm cho thánh sạch trở lại. Chúng ta không biết khi nào sự thương xót của Chúa dành cho chúng ta sẽ kết thúc. Cho dù chỉ một giọt a-xít nhỏ rơi vào mắt của chúng ta thì tác hại của nó sẽ lớn vô cùng. Không ai thản nhiên nói rằng, chỉ là một giọt a-xít nhỏ, không cần rửa mắt và điều trị. Hãy xem tội lỗi như là chất a-xít cực mạnh đối với linh hồn.

Nếu chúng ta không ý thức mình phạm tội hoặc đã biết mình phạm tội nhưng vì bất cứ lý do nào đó mà chần chừ chưa xưng tội, Chúa thương xót chúng ta, sai tiên tri của Ngài đến, chỉ tội của chúng ta, kêu gọi chúng ta ăn năn, thì chúng ta hãy nhanh chóng hạ mình, ăn năn, xưng tội, để được tha tội và được làm cho thánh sạch trở lại. Chúng ta không biết khi nào sự thương xót của Chúa dành cho chúng ta sẽ kết thúc.

Đừng bao giờ xưng tội vì sợ bị phạt nhưng trong lòng không vui, vì cho rằng những người Chúa dùng làm tiên tri đã không tôn trọng mình trong cách ăn nói, không lựa chữ nhẹ nhàng để chỉ tội của mình, thiếu lễ phép đối với mình. Sao chúng ta chỉ thấy mình bị “xúc phạm” mà không nhớ mình đã xúc phạm Thiên Chúa như thế nào? Sao chúng ta không nhận thấy Chúa cho phép sự “xúc phạm” chúng ta xảy ra để chúng ta học biết về sự chúng ta đã xúc phạm Chúa? Sao chúng ta không ý thức rằng, lời buộc tội nghiêm khắc ấy chính là lời Đức Thánh Linh buộc tội chúng ta qua môi miệng của người được Chúa sai làm tiên tri, chỉ tội của chúng ta? Chẳng lẽ Tiên Tri Giê-rê-mi mười mấy tuổi, gọi các vua, các quan, các thầy tế lễ, và muôn dân trong vương quốc Giu-đa, trong đó có biết bao nhiêu người tóc bạc, là “dân ngu muội” thì Tiên Tri Giê-rê-mi đã thiếu lễ phép hay sao? Dĩ nhiên là không! Vì đó không phải lời Tiên Tri Giê-rê-mi tự ý nói ra, mà là lời của Thiên Chúa được nói ra bởi môi miệng của Giê-rê-mi. Hay chúng ta không tin rằng, Chúa thương xót chúng ta, phán với chúng ta qua môi miệng của một người thấp kém hơn chúng ta? Chỉ khi nào một người cao trọng hơn chúng ta chỉ tội chúng ta thì mới có quyền gọi đúng tội của chúng ta? Chẳng lẽ chúng ta xem sự vinh quang của mình lớn hơn sự vinh quang của Chúa?

Bất cứ người nào nói lời ăn năn, xưng tội mà lại phiền trách, bắt lỗi, và thậm chí cáo ngược lại những người Chúa dùng để chỉ ra tội của người ấy, thì người ấy không thật lòng ăn năn. Người ấy vẫn tôn thờ thần TÔI!

Nếu người chỉ tội chúng ta có điều gì sai trái thì chính Chúa sẽ sửa phạt người ấy, còn chúng ta, hãy nhận tội và xưng tội của mình trước Chúa, để sớm được tha thứ và phục hòa với Chúa. Sau đó, chúng ta mới có tư cách thầy tế lễ để cầu thay cho người có tội và giúp người có tội nhận biết tội để ăn năn tội.

Sự ăn năn tội trọn vẹn là sự ăn năn theo thần trí, đau đớn, tiếc nuối về sự phạm tội của mình, vui mừng cảm tạ Chúa đã thương xót mình, ban cho mình cơ hội ăn năn, và biết ơn anh chị em của mình đã hết lòng chỉ ra tội của mình. Người thật lòng ăn năn tội theo thần trí sẽ lập tức được bước vào trong sự vinh quang của Thiên Chúa. Người ấy sẽ kết quả một cách xứng đáng với sự ăn năn của mình, đem lại sự vinh quang cho Thiên Chúa.

Còn có một nan đề khác trong Hội Thánh, là sự hèn nhát không dám nói lên sự phạm tội của anh chị em mình. Đó cũng chính là một hình thức tôn thờ cái TÔI của mình; sợ nói ra tội lỗi của anh chị em mình thì sẽ mất lòng anh chị em mình, hoặc bị xem là “thiếu tình yêu thương”. Là chi thể của cùng một thân, nếu thật sự Đức Thánh Linh đã chỉ cho chúng ta thấy sự phạm tội của anh chị em của mình thì chúng ta có bổn phận lên tiếng. Nếu chúng ta không lên tiếng thì chúng ta phạm tội. Tội đồng lõa!

Nan đề phạm tội, tôn thờ thần TÔI của người đã tin nhận Tin Lành cứu rỗi có thể theo đuổi một người đến vài chục năm, thậm chí đến gần hết một đời. Bản thân tôi là một thí dụ điển hình. Tôi được sinh ra trong một gia đình tin Chúa. Đi nhà thờ từ trong lòng mẹ. Từ khi có trí khôn đã được học biết Lời Chúa. Năm lên chín tuổi đã say mê đọc Thánh Kinh. Thật lòng tin Chúa và chịu báp-tem năm 12 tuổi. Lúc 16 tuổi đã mơ ước sẽ trở thành một nhà truyền giáo khi theo chân các giáo sĩ, các nhà truyền giáo vào các buôn làng của những người dân sơn cước. Thế nhưng, tôi đã lớn lên trong sự giả hình, mang danh là con dân Chúa nhưng vẫn sống trong tội. Thậm chí, sau khi tị nạn tại Mỹ, có một thời gian làm “mục sư” trong giáo hội mà vẫn sống trong tội, cho đến một lúc tôi tự mình ra khỏi Hội Thánh. Cảm tạ sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho riêng tôi. Đến năm tôi 47 tuổi (tháng Hai năm 2001), sau khi tôi đã hoàn toàn xa rời Chúa, quên hết các câu Thánh Kinh, các bài thánh ca đã thuộc lòng từ khi còn thơ ấu, chẳng còn nghĩ gì đến Chúa, thì Đức Chúa Trời đã cảnh tỉnh tôi qua một tai nạn hụt (hụt là vì chưa kịp xảy ra, bởi sự can thiệp của Chúa) [2]. Kể từ đó, tôi mới thật lòng từ bỏ hết những gì thuộc về con người xác thịt và thế gian, để sống theo Lời Chúa.

Giai đoạn đầu tôi cũng có những sự vấp ngã vì chưa biết tận dụng các vũ khí của Đức Chúa Trời để chống lại cám dỗ, chưa biết dùng Lời Chúa để phân biệt những giáo sư giả và tiên tri giả. Một năm sau đó, (từ tháng Một năm 2002) Chúa kêu gọi vợ chồng chúng tôi vào trong chức vụ chăn bầy. Chúng tôi đã hết lòng vâng theo. Rồi trong khi tôi biên soạn bài giảng, bài học Thánh Kinh cho con dân Chúa, thì Chúa mở mắt cho tôi thấy những sự sai trái về thần học và về tổ chức trong các giáo hội, đặc biệt là sự sai trái của sự đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật [3] và sự dùng danh xưng “mục sư” trong Hội Thánh Việt Nam [4]. Tôi cảm tạ Chúa đã cùng lúc thánh hóa vợ chồng chúng tôi bằng lẽ thật của Ngài, là Thánh Kinh. Tôi cảm tạ Chúa đã thương xót dùng chúng tôi để gây dựng Hội Thánh của Ngài giữa vòng dân Việt.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi đồng cảm với những người tin Chúa lâu năm mà vẫn thờ thần TÔI, sống vì sự vinh quang của thần TÔI, thay vì thờ phượng Thiên Chúa và sống vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Tôi hiểu rằng, chỉ khi nào một người thật sự chịu đóng đinh xác thịt của mình lên thập tự giá với Đấng Christ, thì khi ấy bản ngã tội lỗi của người ấy mới bị tiêu diệt và người ấy không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa (Rô-ma 6:6). Ngoài ra, không có cách nào khác. Sự lựa chọn là của mỗi người.

Nguyện Đức Chúa Trời thành tín và toàn năng sẽ giữ cho chúng ta được nên thánh trọn vẹn, để tâm thần, linh hồn, và thân thể của chúng ta không chỗ trách được, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/07/2017

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca “Về Ngay Bên Chúa Jesus”:
http://thanhca.timhieutinlanh.com/karaoke-ve-ngay-ben-chua-jesus/

[1] Xin đọc và nghe bài giảng “Vì Sự Vinh Quang của Thiên Chúa”: https://www.timhieutinlanh.com/vi-su-vinh-quang-cua-thien-chua/

[2] Xin đọc bài “Chúa Jesus Tìm Tôi”: https://timhieutinlanh.com/phunu/?p=38

[3] https://www.timhieutinlanh.com/sach-cac-dieu-ran-cua-thien-chua-10/

[4] http://timhieuthanhkinh.net/danh-xung-muc-su-va-reverend/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.