Chớ lo phiền chi hết

4,542 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

Thái độ của con dân Chúa trước nghịch cảnh

Phản ứng chung của loài người khi đứng trước nghịch cảnh, là: lo lắng, buồn bả, sợ hãi, và bối rối. Người đời lo lắng, buồn bả, và sợ hãi vì biết rằng nghịch cảnh sẽ làm cho họ bị tổn thương, mất mát, và đau khổ. Người đời bối rối vì không biết làm thế nào để giải quyết nghịch cảnh. Những thái độ tiêu cực đó, dẫn đến những hành động than van, oán trách, liều lĩnh, và có khi dẫn đến sự tuyệt vọng, tự kết liễu mạng sống của mình và người khác.

Thái độ đúng mà con dân Chúa cần phải có khi đối diện với nghịch cảnh, là: “Chớ lo phiền chi hết!” Thái độ đúng sẽ dẫn đến hành động đúng, và hành động đúng sẽ dẫn đến kết quả phước hạnh. Con dân Chúa cần phải cậy ơn Chúa để dứt bỏ những thái độ cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc… khi đối diện với nghịch cảnh:

“Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác.” (Ê-phê-sô 4:31)

Thái độ đúng phát xuất từ đức tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời. Muốn có đức tin vững chắc thì phải sốt sắng đọc và suy gẫm lời Chúa.

“Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4)

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8)

Hành động của con dân Chúa trước nghịch cảnh 

Khi đã có thái độ đúng trước nghịch cảnh thì sẽ có hành động đúng. Hành động đúng của con dân Chúa trong mọi nghịch cảnh, là:  trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.

Cầu nguyện là trò chuyện với Đức Chúa Trời. Thay vì than thở, tâm sự với loài người về nghịch cảnh mà chúng ta đang đối diện, hãy đến ra mắt Chúa và trò chuyện, tâm sự với Chúa.

Nài xin là tha thiết xin. Chúng ta đến với Chúa để xin Chúa che chở, tiếp trợ, và giải cứu nhưng chúng ta cần phải hết lòng trong sự cầu xin. Chúng ta cần hướng trọn vẹn sự nương cậy của chúng ta vào chỉ một mình Chúa. Những thái độ sau đây khiến cho chúng ta không hết lòng trong khi cầu xin:

1. Vẫn còn nương cậy vào các giải pháp khác. Nhiều lần, chúng ta đến với Chúa và trình dâng nan đề của chúng ta lên Chúa, nhưng trong tâm trí, chúng ta lại liên tưởng đến những cách thức khác để giải quyết nan đề.

2. Nghi ngờ, thiếu đức tin. Không phải chúng ta không tin Chúa có thể giúp chúng ta giải quyết nan đề, mà chúng ta không tin Ngài sẽ giúp chúng ta giải quyết nan đề. Chúng ta có thể không còn giải pháp nào để giải quyết nan đề khi chúng ta dâng nan đề của chúng ta lên Chúa, nhưng chúng ta cũng có thể cầu xin mà không tin rằng Chúa sẽ đáp lời, vì nghĩ rằng việc của chúng ta không đáng cho Chúa quan tâm hoặc Chúa sẽ không làm cho chúng ta điều chúng ta cầu xin.

Lời Chúa dạy:

“Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.” (Giăng 15:7)

Tạ ơn là cám ơn Chúa về mọi sự Ngài đã làm cho chúng ta. Trong cái nhìn của chúng ta, mọi sự xảy đến cho chúng ta có thể được phân chia thành hai loại: phước hạnh và tai họa. Nhưng trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, mọi sự xảy đến cho chúng ta đều là phước hạnh, miễn là chúng ta thuộc về những kẻ yêu mến Chúa:

“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28)

Đối với một đứa bé, khi cha mẹ cho nó những món đồ chơi mà nó ưa thích, những món ăn mà nó ưa chuộng thì rất dễ dàng để cho nó thấy được sự yêu thương, chăm sóc mà cha mẹ dành cho nó, và cũng dễ dàng để cho nó nói lời cám ơn. Tuy nhiên, khi nó bị bệnh, cha mẹ bắt nó phải uống thuốc đắng, phải dậy sớm tập thể dục, phải kiêng cử những thức ăn ngon… thì rất khó để cho đứa bé thấy được những điều cha mẹ đang làm cho nó là vì lợi ích của nó.

Nếu chúng ta tin vào lời của Đức Chúa Trời thì chúng ta luôn tạ ơn Chúa trong mọi cảnh ngộ, cho dù, trong cái nhìn giới hạn của xác thịt, những điều đó dường như là tai họa chứ không phải phước hạnh.

Khi ba người thanh niên Hê-bơ-rơ bị Vua Nê-bu-cát-nết-xa ra lệnh ném vào lò lửa vì không chịu sấp mình thờ lạy hình tượng thì dường như đó không phải là điều phước hạnh. Khi Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử vì chống lại lệnh vua không cho cầu nguyện vói Đức Chúa Trời thì dường như đó không phải là điều phước hạnh. Khi ông Gióp bị mất hết tài sản, chết hết 10 đứa con yêu dấu, thân thể bị chứng ung độc hành hạ mặc dù ông không phạm tội thì dường như đó không phải là điều phước hạnh. Khi Phao-lô bị: “Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.” (II Cô-rinh-tô 11:23-27) thì dường như mọi sự đó không phải là những điều phước hạnh. Nhưng thật ra tất cả những điều đó là phước hạnh vì đem lại ích lợi cho con dân Chúa y như lời Chúa đã khẳng định trong Rô-ma 8:28.

Mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời sống của người theo Chúa là cơ hội để người ấy được dự phần trong sự thương khó và vinh hiển của Đấng Christ:

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.” (I Phi-e-rơ 4:12, 13)

Mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời sống của người theo Chúa là cơ hội để rèn tập cho người ấy được trĩu đầy bông trái của Đức Thánh Linh:

“Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy.” (Rô-ma 5:3, 4)

Vì vậy, chúng ta tạ ơn Chúa về mọi nghịch cảnh Chúa cho phép xảy đến trong đời sống của chúng ta.

Kết quả của thái độ đúng và hành động đúng

Khi chúng ta đối diện với nghịch cảnh, nếu chúng ta có thái độ đúng thì thái độ đúng dẫn đến hành động đúng và hành động đúng dẫn đến kết quả phước hạnh. Kết quả của sự: Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời; dẫn đến kết quả: Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Kết quả của sự vững lòng phó thác trọn vẹn cho Chúa trong mọi nghịch cảnh không nhất thiết đem đến sự giải cứu về mặt thuộc thể nhưng chắc chắn là đem đến sự bình an lạ lùng của Đức Chúa Trời trong tâm linh của chúng ta. Trong lịch sử của Hội Thánh, biết bao nhiêu con dân của Chúa giữ trọn đức tin, tôn vinh Chúa cho đến hơi thở cuối cùng khi bị đóng đinh vào thập tự giá, bị ném vào đấu trường cho thú dữ xé xác, bị trói trên dàn hoả thiêu, bị ném đá, bị chém đầu, bị cưa xè, bị xử bắn, bị đói khát, bệnh tật trong các trại tù cho đến chết… Đức Chúa Trời đã không giải cứu họ khỏi sự chết của thể xác nhưng đã đem họ vào trong cõi vĩnh cửu của Ngài. Họ được an nghỉ bên Chúa trong phước hạnh để chờ ngày thể xác được sống lại.

Ngay cả khi chúng ta phải chịu khổ trong nghịch cảnh theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì chính Đức Chúa Trời là Đấng thêm sức cho chúng ta để chúng ta có thể chịu đựng:

“Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (I Cô-rinh-tô 12:7-10)

“Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi-líp 4:12, 13)

Kết luận 

Đời sống của con dân Chúa trong những ngày tạm bợ trên trần gian này chắc chắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, và sự bách hại của thế gian. Vì thế, Phao-lô đã khuyên Ti-mô-thê như sau:

“Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3)

Mỗi chúng ta sẽ chịu khổ như một người lính giỏi của Đấng Christ, vui mừng trước mọi nghịch cảnh, trao hết mọi lo lắng của mình lên cho Chúa:

“Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.” (Gia-cơ 1:2)

“Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.” (I Phi-e-rơ 5:7)

Hay chúng ta sẽ là người lính dỡ, than van, oán trách trước những khó khăn trên bước đường theo Chúa? Sự chọn lựa thuộc về chúng ta.

Huỳnh Christian Timothy
02/09/2007