Hỏi & Đáp: Quan Hệ Nam Nữ – Sa-bát – Làm Chứng – Thụ Tinh Nhân Tạo – Nói Đùa…

2,271 views

Hỏi & Đáp: Quan Hệ Nam Nữ – Sa-bát – Làm Chứng – Thụ Tinh Nhân Tạo – Nói Đùa – Danh Xưng Đức Chúa Trời

Huỳnh Christian Timothy

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzUwNDc3MTdf/11168_QuanHeNamNuSabatLamChungThuTinhNhanTao.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11168_quanhenamnusabatlamchungthutinhnhantao
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/h3oobmo9uhft6u6/11168_QuanHeNamNuSabatLamChungThuTinhNhanTao.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

HỎI:

Nam nữ không phải là vợ chồng chính thức thì không được thân mật với nhau. Nhưng như thế nào là thân mật? Vuốt tóc; vỗ vai, vỗ lưng; sờ vai, sờ lưng; massage mặt, massage bàn chân, bàn tay; phủi bụi trên quần áo; cột dây giày; ăn còn dư thức ăn trong chén bát vì no quá nên nhờ ăn giúp phần dư, hay không thích ăn thức ăn nào đó nên gắp sang chén của người khác; ăn chung một cái bánh, uống chung một ly nước; cắt móng tay, móng chân; đút cho nhau ăn; nói chuyện nũng nịu, nhõng nhẽo kéo dài… có phải là những hành động thân mật hay không? Hay hành động nào là thân mật, hành động nào không phải là thân mật? Nếu là thân mật thì vì sao lại là thân mật, khi anh chị em trong Hội Thánh thì yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau là chuyện bình thường, thay vì chỉ an ủi, hỏi thăm thì mình thực hiện một cách hết lòng như vậy. Tất nhiên, những hành động trên nếu nam đối với nam, nữ đối với nữ thì ai cũng dễ hiểu, nhưng nam nữ không phải là vợ chồng hay không phải là vợ chồng chính thức thì có được thể hiện như vậy hay không?

ĐÁP:

Tất cả các hành động liệt kê trong câu hỏi và ngay cả việc cạo gió, giác hơi đều là sự thân mật không nên có giữa nam nữ không phải là vợ chồng đã kết hôn. Nghĩa là đối với vợ chồng hứa, chưa kết hôn, thì cũng không nên như vậy. Ngay cả đối với vợ chồng đã kết hôn thì có một số hành động thân mật cũng không nên thể hiện trước công chúng.

Lý do:

  • Những hành động thân mật kể trên chỉ có thể dành riêng cho vợ chồng đã cưới, vì hai người đã trở nên một thịt.

  • Sự đụng chạm thân thể nhau giữa hai người khác phái dễ dàng tạo ra sự cám dỗ tình dục.

  • Sự nói chuyện nũng nịu, nhõng nhẽo chỉ dành riêng cho vợ đối với chồng hoặc con cái còn nhỏ đối với cha mẹ, ông bà. Con dân Chúa tránh cách nói nũng nịu, nhõng nhẽo, ỏng ẹo, lả lơi với những ai không phải là chồng hay vợ của mình. Khi nhắn tin cho nhau qua điện thoại hay các trang mạng điện tử cũng tránh bỡn cợt theo cách người thế gian.

  • Những hành động thân mật nhưng không đụng chạm đến thân thể, như múc thức ăn từ chén của mình sang chén của người, ăn chung một cái bánh, uống chung một ly nước… giữa hai người không phải là vợ chồng có thể gây hiểu lầm rằng, mình làm như vậy để thể hiện tình yêu nam nữ với người ấy. Nếu đó là người có vợ hoặc có chồng thì hành động của mình có thể tạo sự ghen tương cho chồng hoặc vợ của người ấy. Mà sự ghen tương ấy hoàn toàn hợp lý. Không ai muốn người khác thân mật với chồng hoặc vợ của mình như vậy. Ngay cả khi là vợ chồng hứa thì cũng không nên làm như vậy, vì hành động thân mật đó chỉ dành riêng cho hai người đã trở nên một thịt trong quan hệ vợ chồng.

Anh chị em trong Hội Thánh không cần phải gắp thức ăn cho nhau. Thức ăn đã dọn ra, ai thích ăn thức nào thì gắp thức nấy. Một lời mời gọi là đủ rồi, không cần phải gắp cho nhau. Ngoài ra, cũng nên có chén nước chấm riêng cho mỗi người.

Anh chị em trong Hội Thánh quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, thân mật với nhau là điều đáng làm; nhưng giữa nam và nữ không thể tỏ ra thân mật như vợ chồng. Ăn chung một cái bánh, uống chung một ly nước không phải là thái độ quan tâm chăm sóc nhau. Thức ăn, thức uống còn dư thì có thể bỏ đi, không nhất thiết phải đưa cho người khác ăn. Các hành động phủi bụi quần áo; cột dây giày; lấy khăn, lấy nón; cắt móng tay, móng chân; xoa bóp bắp thịt; cạo gió, giác hơi… cho nhau không nên làm ra cho người khác phái. Lời Chúa dạy rõ ràng:

“Mọi sự tôi được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Mọi sự tôi được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều gây dựng. Chớ ai tìm cho mình {sự vừa ý riêng}, nhưng ai nấy hãy tìm cho người khác {được vừa ý nữa}.” (I Cô-rinh-tô 10:23-24).

Từ ngữ “mọi sự” được nói đến ở đây có nghĩa là mọi sự gì không phải là tội lỗi, tức là bất cứ sự gì không bị ngăn cấm bởi Lời Chúa. Nếu một hành động tự nó không phải là tội lỗi nhưng có thể gây cám dỗ cho người khác, gây hiểu lầm cho người khác, gây khó chịu cho người khác, gây ghen tương cho người khác, thì con dân Chúa không nên làm.

Như chúng tôi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại, ngay cả một cái vuốt tóc hay nắm tay giữa hai người khác phái cũng không nên làm, nếu chưa phải là vợ chồng đã kết hôn. Đó là cách giữ cho không bị cám dỗ phạm tà dâm. Hai người yêu nhau thì muốn ngồi gần nhau nhưng tốt hơn là nên giữ khoảng cách ít nhất là một cu-bít (khoảng cách từ cùi chõ đến đầu ngón tay giữa), để tránh sự vô ý va chạm nhau. Còn nếu có ý muốn va chạm nhau thì đã là có lòng muốn tìm cảm giác thỏa mãn khoái cảm tình dục.

Nam nữ tránh ngồi chung xe máy, xe đạp với nhau. Trong trường hợp bất đắc dĩ thì nên có vật chận giữa thân thể của hai người, như: ba-lô, túi xách. Tuy nhiên, hãy hết sức tránh tình trạng ngồi chung xe như vậy. Khi dùng xe đò, xe buýt cũng giữ ý tránh không va chạm thân thể người khác phái ngồi kế bên.

Trong trường hợp gặp người khác phái lần đầu thì không chủ động đưa tay ra bắt, nên chào bằng sự cúi đầu. Nhưng nếu người ấy chủ động đưa tay ra bắt thì chúng ta vẫn có thể bắt tay người ấy.

HỎI:

Thế nào là ghen đúng và thế nào là ghen không đúng?

ĐÁP:

Lòng ghen là cảm xúc đau buồn, tức giận, khó chịu khi thấy người mình yêu thân mật với người khác hoặc khi người khác thân mật với người mình yêu.

Ghen đúng là ghen khi người mình yêu cũng là người yêu mình, hay là vợ hoặc chồng của mình. Ghen không đúng, nói cách bình dân là ghen bậy, tức là ghen khi người mình yêu không phải là người cũng yêu mình, không phải là chồng hoặc vợ của mình.

Cho dù là ghen đúng thì nhiều khi lòng ghen khiến cho người ta có hành động không đúng. Là con dân Chúa, chúng ta phải biết kiềm chế để không phạm tội trong khi giận và trong khi ghen. Lúc nào cũng giữ cho thái độ, cử chỉ, hành động của chúng ta có ích lợi, có gây dựng, và làm tôn vinh danh Chúa.

HỎI:

Ngày Sa-bát có nên nhờ cậy anh chị em trong Hội Thánh giúp mình làm một việc gì không phải là lao động, như: nhờ hướng dẫn mình cách dùng máy vi tính, cách dùng các chức năng của điện thoại, cách cài đặt một nhu liệu…?

ĐÁP:

Trừ khi là việc khẩn cấp, quan trọng, thì chúng ta nên tránh làm phiền anh chị em của mình trong ngày Sa-bát, kể cả email, nhắn tin, gọi điện thoại. Hãy để cho anh chị em của mình được hoàn toàn yên nghỉ trong ngày Sa-bát và tận dụng thời gian trong ngày Sa-bát để thông công với gia đình của họ và anh chị em trong Hội Thánh tại địa phương.

HỎI:

A và B nói với C rằng: Chúng tôi thấy bạn là người sau cùng vào nhà, vậy việc quên khóa cửa nhà là do bạn.

C trả lời: Tôi có khóa cửa sau khi vào nhà.

A và B nói: Bạn là người vào nhà sau cùng nên cửa không khóa là do bạn quên, không khóa cửa.

Sau đó D xuất hiện và nói: Tôi mới là người vào nhà sau cùng và đã quên khóa cửa. Tôi xin lỗi các bạn.

A và B chính mắt thấy C vào nhà nhưng không thấy D vào nhà sau C, nên đã kết luận rằng, C là người quên khóa cửa, mặc dù cả hai không nhìn thấy là C không khóa cửa. Vậy, sự kết luận của A và B có phải là vu oan cho C hay không? Nếu A và B đứng ra làm nhân chứng, cho rằng C là người quên khóa cửa thì có phải đã phạm vào tội làm chứng dối?

Trong cuộc sống cũng có những sự việc tương tự như vậy, có những người họ bị án oan mấy chục năm vì có người làm chứng thấy người đó có mặt ở hiện trường hay xuất hiện ở đâu đó gần hiện trường, vì công an không tìm được chứng cứ thế là người đó bị bắt. Phải mấy chục năm sau có người đến đầu thú hay công an lúc đó mới tìm ra chứng cứ và minh oan cho người kia.

Vậy là con dân Chúa mình nên hành xử như thế nào cho đúng lời Chúa? A và B cần làm như thế nào cho đúng Lời Chúa?

ĐÁP:

Trong trường hợp nói trên, A và B chỉ có thể nói: Chúng tôi chỉ nhìn thấy C vào nhà. Chúng tôi không biết là có ai vào nhà sau C hay không. Và chúng tôi cũng không biết là C có quên khóa cửa hay không.

A và B không nên đưa ra kết luận gì, vì A và B không có đủ dữ kiện để kết luận. Trừ khi:

  • A và B nhìn thấy C vào nhà và nhìn thấy C không khóa cửa.

  • Hay là dù A và B không nhìn thấy C không khóa cửa nhưng liền sau đó A hoặc B bước đến mở cửa, thấy cửa không được khóa.

  • Hay là khi xem video thu hình, thấy từ khi C vào nhà cho đến khi A hoặc B phát hiện cửa không khóa thì không có ai vào nhà sau C.

Là con dân Chúa chúng ta chỉ nên khẳng định những gì mình nghe và thấy. Những gì mình nghe người khác thuật lại và suy luận thì không nên khẳng định, cho đến khi đã được kiểm chứng và có bằng cớ rõ ràng. Nên nhớ, làm chứng tức là thuật lại điều mình nghe hoặc thấy, không phải nói ra điều mình nghi ngờ hay suy đoán; và lời buộc tội nào cũng phải có chứng cớ hoặc ít nhất là hai nhân chứng.

HỎI:

Con dân Chúa có nên thụ tinh nhân tạo khi không thể thụ thai cách tự nhiên hay không ạ?

ĐÁP:

Con cái là cơ nghiệp Chúa ban nên việc có con hay không có con hoàn toàn thuộc quyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên, còn có một yếu tố khác, là vì sự bệnh tật trong cơ thể, vì sự thiếu sức khoẻ của chồng hoặc vợ, hoặc của cả chồng lẫn vợ, mà nhiều phụ nữ không thể thụ thai.

Là con dân Chúa chúng ta nên giữ cho thân thể có sức khoẻ tốt. Nếu thân thể khoẻ mạnh bình thường mà lại không có con, thì chúng ta có thể cầu xin Chúa ban con cho mình. Thánh Kinh ghi rõ các trường hợp Thiên Chúa làm cho một người hiếm muộn hoặc làm cho một người có thai.

Khi chúng ta bị bệnh mà Chúa không chữa lành bằng phép lạ thì chúng ta phải nhờ bác sĩ và thuốc men. Chính Đức Chúa Jesus phán dạy: “Những người khỏe mạnh chẳng cần thầy thuốc, nhưng những người có bệnh” (Ma-thi-ơ 9:12; Mác 2:17; Lu-ca 5:31).

Trong trường hợp thân thể của chồng hoặc vợ, hoặc của cả hai có khuyết điểm khiến cho việc thụ thai tự nhiên khó xảy ra, thì sự thụ tinh nhân tạo có thể thực hiện, nếu dùng tinh trùng của chồng. Sự thụ tinh nhân tạo là một liệu pháp, tức là một phương pháp chữa trị chứng vô sinh. Bác sĩ bơm trực tiếp tinh trùng của người chồng vào sâu trong tử cung của người vợ, vào thời kỳ trứng rụng, giúp cho việc thụ thai được dễ dàng hơn.

Con dân Chúa có thể chọn dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo cũng như chọn dùng phương pháp sinh mổ, khi cần.

HỎI:

Thế nào là nói đùa theo văn chương của Thánh Kinh? Có nên nói đùa về ngoại hình mập hay ốm của anh chị em mình hay không?

ĐÁP:

Lời nói đùa theo văn chương của Thánh Kinh là lời nói đùa dựa theo các câu chuyện trong Thánh Kinh, không có khả năng xúc phạm người bị nói đùa nhưng đem lại sự vui vẻ cho mọi người. Thí dụ:

  • Hỏi thăm chuyện tình cảm của một người nam: Khi nào thì mới giới thiệu Su-la-mít của anh cho mọi người biết?

  • Nói vui khi bị phạt tiền vì sơ ý vi phạm luật giao thông: Đúng là của bác Hồ thì trả lại cho bác Hồ (vì trên tờ giấy bạc có in hình bác Hồ).

  • Gọi xe máy của mình là “chiến xa của Pha-ra-ôn” (nói với vợ): Mời em bước lên chiến xa Pha-ra-ôn của anh.

  • Khen vui một người chị em thông sáng Lời Chúa: Chị là người vừa có dầu trong đèn vừa có dầu trong bình.

  • Nhắc ai đó: Nhớ ngủ sớm tối Thứ Sáu để dậy sớm đi nhóm sáng Thứ Bảy nhé. Đừng trở thành Ơ-tích của Hội Thánh tại Saigon (ý nói: ngủ gục trong buổi nhóm – Công Vụ Các Sứ Đồ 20:9).

  • Nói vui về việc phải đi làm kiếm tiền: Tôi phải ra khơi đánh cá đây.

  • Nói vui về việc đi giảng Tin Lành: Tôi phải đi đánh lưới người đây.

  • Nói vui về số tiền dâng hiến theo khả năng của mình: Đây là năm cái bánh và hai con cá của tôi.

  • Nói vui về việc mình bị phạt: Tội tôi xứng với việc tôi làm.

  • Nói vui về tính nóng nảy của một người anh em: Chắc anh cùng họ Bô-a-nẹt với Giăng và Gia-cơ! (Mác 3:17).

Không nên nói đùa về khuyết điểm ngoại hình của người khác, vì chắc chắn là không ai thoải mái khi bị nói đùa như vậy, nhất là phái nữ. Sao chúng ta lại nói đùa xoáy vào điểm khó chịu của người khác? Ngoài ra, chuyện mang thai cũng như chuyện tình dục là chuyện thiêng liêng, không thể đem ra nói đùa.

Xin ghi nhớ ba nguyên tắc về nói đùa, như sau:

Trước hết, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của người bị nói đùa, xem thử, nếu là mình thì mình có muốn bị đem ra nói đùa như vậy hay không.

Kế tiếp, nếu chúng ta KHÔNG BIẾT CHẮC lời nói đùa của mình có làm buồn lòng người bị nói đùa hay không, thì chúng ta không nên nói.

Và sau cùng, nên đem mình ra nói đùa hơn là dùng người khác làm đề tài để nói đùa.

HỎI:

Có thể gọi Đức Chúa Jesus là “Đức Chúa Trời” hay không?

ĐÁP:

Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người. Vì thế, Ngài vừa có thân vị Thiên Chúa vừa có thân vị loài người.

Trong thực tế, Đức Chúa Trời đã ban danh xưng của Ngài cho thân vị loài người của Ngôi Lời, tức con người xác thịt Jesus.

“Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, và con về cùng Ngài. Cha Thánh! {Xin} giữ gìn họ trong danh Ngài, {là} danh mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như chúng ta.” (Giăng 17:11).

Danh của Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Trời đã ban cho Đức Chúa Jesus Christ chính là danh “Đức Chúa Trời”. Đức Thánh Linh đã gọi Đức Chúa Jesus là “Đức Chúa Trời”.

“Nhưng về Con {thì lại phán rằng}: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài {còn đến} đời đời. Vương trượng công chính {là} vương trượng của vương quyền Ngài. Ngài yêu sự công bình và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài. [Thi Thiên 45:6-7] (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Vì thế, nếu chúng ta gọi Đức Chúa Jesus bằng danh xưng “Đức Chúa Trời” thì không có gì sai Thánh Kinh. Tuy nhiên, khi chúng ta cầu nguyện thì chúng ta nên dùng danh xưng Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Cha, để tránh sự nhầm lẫn giữa hai thân vị Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói: “Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa” và nói: “Đức Chúa Jesus được xưng bằng danh Đức Chúa Trời”. Nhưng chúng ta không thể nói: “Đức Chúa Jesus Đức Chúa Trời”. Vì Đức Chúa Jesus dù là Thiên Chúa nhưng không phải là Đức Chúa Trời, mà chỉ được mang danh Đức Chúa Trời.

Xin đọc và nghe loạt bài giảng về Thiên Chúa tại đây: http://timhieuthanhkinh.net/le-that-cua-thanh-kinh/

Huỳnh Christian Timothy
08/12/2018

Ghi Chú:

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Tải xuống bài viết này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzUwNDc3MTVf/11168_QuanHeNamNuSabatLamChungThuTinhNhanTao….pdf