Nước Trời (05): Giá trị

2,714 views

Nhấp vào nút play ► để nghe


Ngụ ngôn về của báu

Từ xưa đến nay, Palestine là vùng đất sôi động vì chiến tranh, chủ quyền đất đai thay đổi liên tục. Sống trong bối cảnh bất an như vậy, những nhà giàu có thường tích trử của cải như vàng, bạc, châu báu trong các bình bằng đất rồi đem chôn giấu đâu đó trong phần đất của mình, phòng khi phải chạy loạn thì không bị mất mát. Đôi khi chủ nhân của những của báu này có thể trở về cố hương sau những tháng năm loạn lạc và tìm đào lại được gia sản đã chôn cất. Nhưng thường thì họ bị chết trong khi chạy loạn, hoặc bị kẻ thù bắt và bán đi các nước khác làm nô lệ, hoặc quê hương đã bị kẻ thù chiếm đóng, không thể quay về. Trong các trường hợp đó, những của báu đã được chôn giấu trở thành vật vô chủ và người chủ mới của phần đất đó, nếu tìm được, sẽ toàn quyền sở hữu.

Người nông dân trong ngụ ngôn có thể là một người đi làm thuê cho chủ ruộng hoặc thuê muớn lại miếng ruộng để canh tác, kiếm sống cho gia đình. Anh ta cam chịu cuộc sống khó nghèo, không có cái can đảm và liều lĩnh để tự lập, tự làm chủ phương tiện sinh sống. Toàn bộ tài sản của anh ta có thể dùng để mua đám ruộng mà anh ta đang canh tác nhưng anh ta vẫn là người làm thuê hoặc người thuê ruộng để làm. Tuy nhiên, khi phát giác ra của báu được chôn cất trong đám ruộng thì anh bèn vui mừng, trở về bán hết gia tài mình để mua đám ruộng đó. Theo luật pháp, chỉ khi anh chính thức làm chủ đám ruộng thì của báu được chôn trong đám ruộng mới thuộc về anh một cách hợp pháp. Anh sẵn lòng bán hết gia tài để mua đám ruộng vì anh biết chắc của báu được chôn trong đám ruộng có giá trị gấp ngàn lần toàn bộ tài sản của anh. Việc bán hết tài sản trong tay để mua đám ruộng không phải là một hành động can đảm hay liều lĩnh, mà là một hành động khôn ngoan, có tính toán, không bỏ qua cơ hội quý báu rất có thể chỉ đến một lần trong đời.

Người nông dân không phải là một chuyên gia chuyên đi tìm kiếm của báu. Anh cam phận sống cuộc đời khó nghèo, chỉ mong đem sức lao động của mình ra để kiếm đủ sống cho gia đình. Tuy nhiên, khi tình cờ tìm gặp của báu, anh đã khôn ngoan hành động để trở thành người chủ hợp pháp của miếng ruộng. Anh không lén lút lấy một phần trong của báu để dùng đó mua lấy đám ruộng, vì nếu làm như thế, chẳng khác nào anh ăn cắp tiền của chủ ruộng để mua đám ruộng. Sau này, nếu sự việc bại lộ, anh sẽ bị mất tất cả mà còn bị tù tội.  Phương cách hợp pháp duy nhất là anh phải bán hết gia tài mình để có đủ tiền mua lại đám ruộng và qua đó trở thành chủ nhân hợp pháp của bất cứ những gì nằm trong đám ruộng.

Bài học trong ngụ ngôn này kêu gọi những con người đang sống cam phận giữa thế gian, khi tìm được Nước Trời hãy vui mừng đánh đổi hết mọi điều mình có để được sở hữu Nước Trời. Phương cách hợp pháp duy nhất để được hưởng Nước Trời là bỏ hết mọi sự mình đang có để đi theo Đức Chúa Jesus:

“Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jêsus; Ngài xây lại cùng họ mà phán rằng: Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình theo ta, cũng không được làm môn đồ ta… Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:25-27, 33)

Lời phán trên đây của Đức Chúa Jesus không phải chỉ dành riêng cho các sứ đồ mà là cho cả đoàn dân đông đang cùng đi với Ngài. Lời phán đó, ngày hôm nay vẫn còn hiệu lực để áp dụng cho chúng ta. Lời phán này chính là cái thước đo sự đi theo Chúa của chúng ta. Khi chúng ta đến với Chúa là chúng ta bằng lòng bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa và khi đối diện với câu hỏi của Chúa: “Ngươi có yêu ta trên hết mọi sự chăng?” chúng ta có thể trả lời như Sứ Đồ Phi-e-rơ ngày xưa: “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự. Chúa biết rằng con yêu Chúa!”

Đức Chúa Jesus phán: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy” (Giăng 18:36) cho nên lời Chúa khuyên chúng ta: “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa.” Bởi vì: “Nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy” (I Giăng 2:15). Vì còn sống ở giữa thế gian cho nên chúng ta phải “dùng thế gian” (I Cô-rinh-tô 7:31) nhưng nếu chúng ta “yêu mến thế gian và các vật ở thế gian” thì chúng ta sẽ không thuộc về Nước Trời.

Ngụ ngôn về hột châu

Điểm giống nhau giữa người nông dân và người lái buôn khi tìm được của báu là trở về bán hết gia tài mình để mua cho được của báu. Điểm khác biệt là: người nông dân tình cờ tìm được của báu trong cuộc sống thường ngày của mình trong khi người lái buôn châu ngọc là chuyên gia tìm kiếm của báu. Người lái buôn châu ngọc là hình ảnh của những người say mê tìm kiếm chân, thiện, mỹ; châu ngọc tượng trưng cho các khuynh hướng triết lý và tôn giáo trong thế gian nhằm tìm kiếm và hướng dẫn loài người đến với chân, thiện, mỹ. Mỗi triết lý và tôn giáo có những giá trị riêng, có thể giúp ích phần nào cho loài người trong việc tu tâm, dưỡng tánh, làm lánh, lánh dữ, hướng thượng, hướng thiện… Nhưng không một triết lý hoặc tôn giáo nào, kể cả Do-thái Giáo có thể giải phóng loài người ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết.

Sự khao khát thuộc linh của loài người có thể tạm thời được giải khát bằng các thứ giếng nước triết học và tôn giáo, nhưng ai uống từ các thứ giếng triết học và tôn giáo đó thì vẫn còn khát mãi (Giăng 4:13) cho đến khi được uống nước sự sống đời đời của Nước Trời. Lời của Đức Chúa Jesus phán:

“… Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.” (Giăng 4:13, 14)

“… Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.” (Giăng 7:37, 38)

Mọi khao khát về tri thức, về chân, thiện, mỹ, về sự được giải cứu khỏi quyền năng và hậu quả của tội lỗi chỉ có thể được thỏa mãn trong Nước Trời. Những người có tấm lòng tìm kiếm chân, thiện, mỹ khi gặp được Nước Trời thì vui mừng đánh đổi tất cả những tri thức về triết học, văn hóa, và tôn giáo để có được điều tốt nhất.

Bài học trong ngụ ngôn về hột châu kêu gọi chúng ta từ bỏ mọi tri thức, mọi giáo điều, mọi nghi lễ, mọi phong tục, tập quán thuộc về các hệ thống triết học, văn hóa,  và tôn giáo xưa nay để đổi lấy lẽ thật của Nước Trời. Đức Chúa Jesus đã khẳng định rằng:

“Ngài lại lấy thí dụ mà phán cùng họ rằng: Không ai xé một miếng áo mới mà vá áo cũ. Nếu vậy, áo mới phải rách, và miếng giẻ mới cũng không xứng với áo cũ. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, nếu vậy, rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi. Song rượu mới phải đổ vào bầu mới.” (Lu-ca 5:36-38)

Người nào vẫn còn bảo thủ những gì thuộc về các hệ thống triết lý, văn hóa, và tôn giáo của thế gian thì sẽ không thể nào nhận ra giá trị của Nước Trời, vì chính Đức Chúa Jesus đã phán rằng:

“Lại cũng không ai uống rượu cũ lại đòi rượu mới; vì người nói rằng: Rượu cũ ngon hơn.” (Lu-ca 5:39)

Kết luận

Nước Trời có một giá trị tuyệt đối, cao trọng và tôn quý hơn thế gian cùng tất cả những sự thuộc về thế gian. Bất kỳ người nào khi gặp được Nước Trời (được nghe giảng Tin Lành) cũng đều có khả năng nhận biết giá trị của Nước Trời. Điều quan trọng là: thái độ của mỗi người đối với Nước Trời. Thái độ khôn ngoan và đúng là bỏ hết mọi sự để đổi lấy Nước Trời. Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh một người bán hết gia tài để nói lên sự quyết tâm trả cái giá cao nhất để có thể sở hữu được điều quý báu nhất. Sự bán hết gia tài của người nông dân nói lên quyết tâm rời bỏ những giá trị vật chất của thế gian. Sự bán hết gia tài của người lái buôn nói lên quyết tâm rời bỏ hết những giá trị tri thức về triết học, văn hóa, và tôn giáo của thế gian.

Trong Hội Thánh ngày nay, có không ít số người mượn danh Đạo Chúa để tranh quyền, đoạt lợi, tạo danh tiếng cho cá nhân và bè nhóm, giáo phái của mình. Cũng có những người không say mê tiền bạc, của cải, vật chất, danh vọng, địa vị trong thế gian… nhưng lại bảo thủ các tư tưởng triết học, văn hóa, và tôn giáo của thế gian, nên cố gắng tìm cách để hòa trộn những điều này vào trong lẽ thật của Đạo Chúa. Chúng ta hãy cẩn thận xét mình. Hãy tự hỏi, chúng ta đã có thái độ nào đối với Nước Trời.

Huỳnh Christian Timothy
4/11/2007