Video Chân Giả Luận: 13 Phật Thích Ca

2,781 views

 

 

13 – Phật Thích Ca

Phật (Buddha, tiếng Phạn có nghĩa là người giác ngộ, hiểu được chân lý) họ Thích Ca, tên Tất-đạt-đa, con Vua Tịnh Phạn và bà Ma-da tại Ca-tì-la-vệ (thuộc xứ Nepal ngày nay). Tất-đạt-đa sinh vào ngày 8, tháng 4, năm 563 TCN, nhằm đời Vua Chiêu Vương nhà Châu, Trung Quốc.

Sau bốn lần đi dạo chơi ngoài thành, chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử của người đời, Tất-đạt-đa nhận thấy rằng cuộc đời chỉ là những sự khổ, nên sinh lòng buồn bực, muốn tìm cách thoát khổ. Năm 29 tuổi, Tất-đạt-đa quyết định từ bỏ tất cả: gia đình, vợ con, danh vọng, quyền thế, tiền tài… để tìm đường giải thoát ra khỏi sự khổ. Không thỏa lòng với Ấn Độ Giáo, Tất-đạt-đa lên núi Tuyết Sơn khổ tu 6 năm, nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Sau đó, ông quay trở về bờ sông Ni Liên, ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề. Sau 49 ngày thiền định, Tất-đạt-đa tuyên bố đã giác ngộ, đắc đạo và thành Phật.

Thích Ca Tất-đạt-đa mất (giới Phật tử gọi là nhập diệt) năm 80 tuổi. Đệ tử của ông tin rằng ông đã nhập Niết Bàn nên tôn xưng là Phật Tổ, và viết kinh sách lưu truyền giáo lý của Phật, dạy người đời ăn chay, tụng niệm, bố thí, kiêng sát sinh… Từ đó trở đi, đạo Phật phát triển mạnh, có nhiều người tin theo; và cũng theo gương Phật Thích Ca, từ bỏ: gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con, bạn hữu… thí phát, đi tu, sống nương nhờ cửa Phật, ăn muối dưa, mặc nâu sồng, không lưu luyến gì đến cõi hồng trần nữa.

Đến đời Vua Minh Đế nhà Hán, đạo Phật truyền bá sang Trung Quốc, để lại nhiều ảnh hưởng không nhỏ. Qua đến đời nhà Đường, từ vua quan cho đến dân chúng đều mê tín đạo Phật. Ông Hàn Dũ, quan Hình Bộ Thị Lang của Trung Quốc, người làng Hà Dương, tỉnh Hà Nam, lo lắng cho hậu vận nước nhà nên dâng tấu sớ khuyên can vua rằng: “Đại chỉ đại nguyên xuất ư Thiên, có nghĩa là: Ý lớn, nguồn gốc lớn đều từ Trời mà ra; vậy thì, cớ sao không thờ Trời mà lại thờ Phật, để hại cho đời sau?” Nhưng thật đáng tiếc! lời thật trái tai nên ông bị đưa đi lưu đày.

Nước ta, đến đời nhà Đinh mới sai sứ sang Trung Quốc thỉnh kinh Phật về thờ. Từ đó cho đến nay, số lượng người tin theo càng ngày càng nhiều, nhưng trải qua nhiều trào lưu, đạo Phật dần dần bị biến thể. Người ta hô hào quyên góp tiền bạc để xây chùa, cất miếu, dựng tượng, thờ cúng, đúc chuông, và bày vẽ thêm nhiều việc linh tinh, mê tín khác, không có trong kinh sách của Phật; mục đích cầu mong được Phật ban phước, độ trì mà không hiểu biết đến bài thuyết pháp của Phật cho các đệ tử như sau:

Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng nên nhớ ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về đạo cũng vậy. Các người cứ nghe theo lời ta giảng mà tìm đạo, nhưng nên nhớ lời giảng của ta không phải là đạo; theo lời ta dạy tự mình hành trì, tu học để giải thoát; các ngươi hãy dùng trí tuệ để nhận xét những lời của ta rồi hãy tự mình thắp đuốc mà đi.”

Xem như thế, chúng ta thấy Phật không nói Phật có quyền phép cứu độ cho ai cả, mà tự mỗi người phải tìm cách cứu lấy mình. Theo giáo lý nhà Phật, loài người có ba cái độc hại gọi là “Tam Độc,” tức là: tham, sân, si – tham lam, giận dữ, mê muội. Bất luận người nào muốn đạt đến Niết Bàn đều phải tự mình diệt được ba cái độc hại ấy. Ngón tay của Phật chỉ mặt trăng cho người ta hướng đến chứ ngón tay của Phật không phải là mặt trăng. Phật là người chỉ đường cho người ta đến với sự giải thoát chứ Phật không phải là Đấng giải thoát người ta ra khỏi sự khổ. Hiểu chính xác hơn, Phật là một giáo chủ dạy triết lý, luân lý và đạo đức, vì thế, Phật không có quyền phép độ trì cho ai được cả. Phật cũng như một bác sĩ kia, sau khi khám cho bịnh nhân, cho biết rằng: “Anh mắc phải ba căn bịnh chết người, đó là tim, gan và phổi.” Bịnh nhân rất lo sợ và xin được chữa trị, nhưng vị bác sĩ đó lại nói: “Tôi không có cách gì cứu chữa anh được, anh phải tự điều trị cho mình dứt bệnh thì anh sẽ được khỏe lại và bình an.” Nghe như thế, chắc là người bịnh phải rất đau khổ và thất vọng biết bao! Hoặc có người kia đang vỡ nợ, quan tòa gửi giấy gia hạn cho, trong thời hạn ngắn phải mang trả đủ số nợ gốc và tiền lãi, mới được bình yên vô sự, nếu không, sẽ thi hành luật pháp mà phạt tù. Tiếc thay! Số nợ quá lớn mà số tiền tích lũy không đủ, làm thế nào trả cho hết nợ? Cũng như thế, việc thiện tích lũy trong đời ít hơn việc ác đã tạo. Số ngày của cuộc đời dài thêm bao nhiêu ngày thì việc ác cũng gia tăng theo; bây giờ mang số vốn thiện ít ỏi của mình để trang trải cho số nợ tội ác quá lớn thì sao cho đủ? Điều này không thể thực hiện được. Như vậy, giáo lý nhà Phật dạy những điều mà suốt cả kiếp này sang qua nhiều kiếp sau, (hiểu theo triết lý của đạo Phật là một người có nhiều kiếp sống), con người cũng không bao giờ thực hiện được.

Người đời xây chùa, dựng miếu thờ cúng Phật nhưng cũng không biết rằng Phật đã dạy đệ tử:

Này Ananda, không phải như vậy là tôn trọng, kính cẩn, sùng bái, làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất luận vị tỳ khưu nào, bất luận vị tỳ khưu ni hay thiện nam, tín nữ nào hành đúng theo Giáo Huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chân chính, là người tôn trọng, kính cẩn, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai theo cách cao thượng nhất. Như vậy, này Ananda, con phải chuyên cần tu tập, hành động đúng theo Giáo Huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, sống đời chân chính.”

Phật Thích Ca cũng không nói rằng mình có quyền giáng họa hoặc ban phúc cho ai, những việc làm như trên là không thực hiện đúng theo giáo huấn của Phật. Phật vốn xuất thân là hoàng tử con vua, có chí khí lớn, chấp nhận từ bỏ giàu sang, vinh hiển để đi tìm đạo. Chí khí rất cao quý đáng cho chúng ta nể phục! Nhưng dù sao, Phật cũng chỉ là một trong số những con người thọ tạo. Phật vẫn phải khuất phục trước mạng Trời và cuối cùng cũng vẫn không thoát khỏi vòng sinh tử như tất cả mọi người khác. Phật không có khả năng tự cứu lấy mình khỏi cái chết thì Phật cũng không có khả năng tế độ cho người khác như người ta mong muốn.

Kinh Phật có chép: Lúc tám tuổi, Phật được vua cha đưa đến Thiên miếu cúng bái Trời. Như vậy, bản thân Phật cũng còn phải quy phục dưới mạng Trời, thì tại sao chúng ta không noi gương ấy mà thờ lạy Đức Chúa Trời cho hợp lẽ?

Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng Tạo dựng ra vũ trụ và muôn loài trên đất mới có quyền ban phước, tha tội, cứu vớt mọi sinh linh. Ngài yêu thương nhân loại hơn cả người cha yêu thương con cái mình, cho nên, Ngài không muốn bất cứ người nào phải chết. Vì biết loài người không có khả năng tự giải thoát khỏi tội lỗi, cho nên, Ngài bèn lập ra một phương án cứu rỗi, vừa thể hiện được sự công bình mà cũng vừa thể hiện được tình thương yêu của Ngài đối với nhân loại. Đó là Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng bằng lòng đổ huyết trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người, và người nào ý thức được mình là con người tội lỗi, bằng lòng xưng nhận tội trước Đức Chúa Trời và tin nhận rằng Đức Chúa Giê-xu Christ đã đền tội thế cho mình, đồng thời chấp nhận Ngài làm Cứu Chúa thì sẽ được tha thứ mọi tội lỗi. Điều đó ví như người mang nợ đã được xóa nợ, bệnh nhân đã được chữa trị đúng phương pháp, người đang bị đắm chìm giữa biển khơi được con tàu cứu vớt.

Kính mời quý độc giả bỏ chút thời gian đọc hết sách này sẽ biết rõ phương án cứu rỗi duy nhất ấy.