Hãy Yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu…

202 views

YouTube: https://youtu.be/R1nGko6M4k8

202404 Bài Giảng Trong Năm 2024
Hãy Yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu…

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ngày nay, ta đã gọi các tầng trời và đất làm chứng về các ngươi. Ta đã đặt trước ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, để ngươi và dòng dõi của ngươi được sống! Hãy yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi! Hãy vâng theo tiếng của Ngài và hãy gắn bó với Ngài! Vì Ngài là sự sống và sự kéo dài những ngày của ngươi, để ngươi ở trên đất mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thề ban cho họ, các tổ phụ của ngươi: Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:19-20).

Nê-bô là một ngọn núi thuộc Dãy Núi A-ba-rim. Trong tiếng Anh là the Abarim Mountains. Cách bờ đông của sông Giô-đanh và Biển Chết khoảng 20 km, đối diện với thành Giê-ri-cô. Ngày nay, Núi Nê-bô thuộc lãnh thổ của vương quốc Giô-đanh, một quốc gia của người Ả-rập Hồi Giáo. Cao độ của đỉnh Nê-bô là khoảng 700 mét, so với mặt biển [1]. Cách nay khoảng 3.428 năm, vào giữa mùa đông của năm 1406 TCN, Thiên Chúa đã truyền cho Môi-se lên đỉnh Nê-bô để ông được nhìn thấy Đất Hứa Ca-na-an mà Ngài sẽ ban cho dân I-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp.

Môi-se và A-rôn đã không được vào Đất Hứa, vì họ đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa, không tôn Ngài làm thánh, khi họ tức giận dân I-sơ-ra-ên. Tại Ca-đe, nơi đồng vắng Sin, dân I-sơ-ra-ên thiếu nước uống nên oán trách Môi-se và A-rôn. Môi-se kêu cầu Thiên Chúa. Ngài phán bảo ông, hãy nói với một vầng đá để nó chảy nước ra cho dân chúng uống. Thay vì vâng theo lời Thiên Chúa, nói với vầng đá, Môi-se đã dùng gậy, đập hai lần vào vầng đá. Nước vẫn từ vầng đá chảy ra cho dân I-sơ-ra-ên uống nhưng Thiên Chúa đã phạt Môi-se và A-rôn không được vào Đất Hứa (Dân Số Ký 20). Dù vậy, Thiên Chúa đã ban cho Môi-se được nhìn thấy toàn vùng Đất Hứa, trước khi ông qua đời.

Từ trên đỉnh Núi Nê-bô, Môi-se đã có thể nhìn thấy vùng đất Ca-na-an phì nhiêu ở phía tây của sông Giô-đanh. Thiên Chúa đã cho Môi-se nhìn thấy toàn xứ Ca-na-an, cho tới Địa Trung Hải. Rồi, Môi-se đã qua đời trên Núi Nê-bô; và được Thiên Chúa sai thiên sứ chôn cất ông trong thung lũng của đất Mô-áp, ở về phía bắc của Núi Nê-bô.

Bản đồ minh họa vị trí Núi Nê-bô (Google Map)
Nguồn: https://timhieutinlanh.com/wp-content/uploads/2024/01/Nebo.png

Trước khi qua đời trên Núi Nê-bô, Môi-se đã giảng cho dân I-sơ-ra-ên ba bài giảng dài, được ghi lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký, từ đoạn 1 đến đoạn 30. Cuối của bài giảng thứ ba, Môi-se đã đúc kết như sau:

Ngày nay, ta đã gọi các tầng trời và đất làm chứng về các ngươi. Ta đã đặt trước ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, để ngươi và dòng dõi của ngươi được sống! Hãy yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi! Hãy vâng theo tiếng của Ngài và hãy gắn bó với Ngài! Vì Ngài là sự sống và sự kéo dài những ngày của ngươi, để ngươi ở trên đất mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thề ban cho họ, các tổ phụ của ngươi: Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:19-20).

Ngày nay” là ngày mà Môi-se giảng ba bài giảng sau cùng cho dân I-sơ-ra-ên, trước khi ông đi lên Núi Nê-bô và qua đời tại đó. Theo Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:3 thì ngày Môi-se giảng ba bài giảng cho dân I-sơ-ra-ên nhằm ngày 01 tháng 11 năm thứ bốn mươi, sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Đó là tính theo lịch mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân I-sơ-ra-ên, về sau lịch ấy trở thành Lịch Do-thái, còn gọi là Lịch Hê-bơ-rơ hoặc Lịch Thánh Kinh. Ngày ấy nhằm ngày 20/01/1406 TCN theo Lịch Julian.

Ta đã gọi các tầng trời và đất làm chứng về các ngươi” có nghĩa là Môi-se kêu gọi các tầng trời và đất hãy làm chứng cho ông về những lời ông đã rao giảng cho dân I-sơ-ra-ên. Các tầng trời và đất là vật vô tri, không thể làm chứng. Thiên Chúa gọi các tầng trời là ngai của Ngài và đất là bệ để chân của chân Ngài (Ê-sai 66:1). Cách nói “gọi các tầng trời và đất làm chứng” của Môi-se hàm ý, với sự uy nghiêm của Thiên Chúa, trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa làm chứng cho những gì ông đã nói với dân I-sơ-ra-ên, và được ghi lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký từ đoạn 1 đến đoạn 30:18.

Ta đã đặt trước ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả” có nghĩa là Môi-se đã giảng cho dân I-sơ-ra-ên nghe một cách rõ ràng, họ phải sống như thế nào để được hưởng các ơn phước Thiên Chúa ban cho, và nếu họ sống như thế nào thì sẽ bị Thiên Chúa giáng tai họa. Sự sống là sự được ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa, được giao hòa với Ngài, được thuộc về Ngài, được làm con dân của Ngài, được Ngài ban cho đủ mọi ơn phước trong đời này và trong đời sau. Sự chết là sự bị Thiên Chúa hình phạt, thân thể xác thịt phải chết sớm trong đời này, thay vì được sống lâu, làm ra những việc lành để được ban thưởng trong đời sau. Sự chết còn là trong đời sau phải chịu khổ trong hỏa ngục, mãi mãi xa cách Thiên Chúa. Sự phước lành là sự được sống trong Chúa. Sự rủa sả là sự bị Thiên Chúa hình phạt và bị xa cách Thiên Chúa.

Vậy, hãy chọn sự sống, để ngươi và dòng dõi của ngươi được sống” có nghĩa là Môi-se khuyên dân I-sơ-ra-ên chọn sự sống và sự phước lành. Sự lựa chọn là quyền tự do Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nhưng sự lựa chọn của một người sẽ ảnh hưởng đến con cháu của người ấy. Điều đó không có nghĩa là khi một người chọn sự sống và sự phước hạnh thì con cháu của họ sẽ được sống và hưởng phước, cho dù chúng nó bội nghịch Thiên Chúa. Điều đó chỉ có nghĩa là con cháu của họ được đặt trong môi trường sống hiểu biết Chúa, tin kính Chúa, và vâng phục Chúa. Nếu chúng tiếp tục ở lại trong sự tin kính và vâng phục Thiên Chúa thì chúng sẽ được thêm lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa và được hưởng dư dật ơn phước từ Ngài. Nếu chúng bội nghịch Thiên Chúa thì chúng sẽ gánh lấy sự chết và sự rủa sả. Con cháu của chúng không được ở trong môi trường sống hiểu biết Chúa, tin kính Chúa, và vâng phục Chúa. Và như vậy, con cháu của chúng sẽ không có cơ hội thuận tiện để biết đến Chúa.

Hãy yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi” là lời Môi-se kêu gọi dân I-sơ-ra-ên.

Chúng ta đã biết, danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là tên riêng của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng thần linh duy nhất tự có và có mãi trong ba thân vị, Đấng dựng nên muôn loài và tể trị muôn loài [2]. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, danh từ “Thiên Chúa” được dùng trong câu này là “אֱלֹהִים” (H430), /Ê-lô-him/. Đây là một danh từ số nhiều được Thánh Kinh dùng để gọi một thực thể duy nhất, tối cao, tể trị trên muôn loài. Thực thể đó chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Danh từ “Ê-lô-him” được dịch sang tiếng Hán Việt là “Thiên Chúa” với nghĩa: Đấng ở trên trời, tể trị muôn loài. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không phải chỉ là Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên mà là Thiên Chúa của muôn loài. Vì Ngài dựng nên muôn loài và cai trị muôn loài.

Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa rất lớn, là Vua Cao Cả trên hết các thần.” (Thi Thiên 95:3).

Theo Thánh Kinh, loài thọ tạo có tri thức về Thiên Chúa và có quyền tự do lựa chọn để yêu hay không yêu Thiên Chúa là các thiên sứ và loài người. Chính vì thế mà chỉ có các thiên sứ và loài người là có thể phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Chính vì thế mà Môi-se khuyên dân I-sơ-ra-ên: Hãy yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi!

Chúng ta thấy, Môi-se mở đầu câu 19, gọi dân I-sơ-ra-ên bằng nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhì số nhiều, là “các ngươi”. Nhưng sau đó, cho tới hết câu 20 thì Môi-se dùng nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhì số ít, là “ngươi”. Điều đó có nghĩa là Môi-se nói chung với dân I-sơ-ra-ên về sự ông gọi các tầng trời và đất làm chứng cho những điều ông đã nói với họ. Nhưng sau đó, ông dùng nhân xưng đại danh từ số ít để nhấn mạnh đến điều ông đang nói là ông muốn nói với từng người. Môi-se kêu gọi từng người dân I-sơ-ra-ên: Hãy yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi!

Tình yêu là cảm xúc cao đẹp nhất mà Thiên Chúa ban cho các thiên sứ và loài người, để họ có thể yêu Ngài như Ngài yêu họ; và để họ có thể yêu lẫn nhau. Tình yêu hướng nội là tình yêu chính mình. Tình yêu hướng ngoại là tình yêu đối với những ai và những gì không phải là mình. Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, tình yêu hướng ngoại đối với đồng loại phải ngang bằng với tình yêu hướng nội (Lê-vi Ký 19:18; Ma-thi-ơ 22:39; Ga-la-ti 5:14). Điều đó có nghĩa là phải yêu người khác như chính mình. Và tình yêu hướng ngoại đối với Thiên Chúa phải là tuyệt đối (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13; Ma-thi-ơ 22:37-38). Tình yêu đối với Thiên Chúa đã được Sứ Đồ Phao-lô diễn giải như sau:

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Thiên Chúa đã nhập thế làm người và Ngài đã khẳng định:

Ai yêu cha hay mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai yêu con trai hay con gái hơn Ta thì không đáng cho Ta.” (Ma-thi-ơ 10:37).

Rồi, Ngài phán với hết thảy mọi người: Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

Tình yêu đối với Thiên Chúa giúp cho một người tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Nếu một người không yêu Thiên Chúa thì cũng không thể yêu ai khác ngoài yêu chính mình. Sự yêu chính mình hơn người khác, hơn Thiên Chúa là sự tự tôn mình làm Đức Chúa Trời của chính mình. Đó là tình yêu bị băng hoại bởi những sự ham muốn xấu xa và làm cho một người bị băng hoại cả linh hồn.

Thiên Chúa không muốn loài người yêu những gì thuộc về thế gian:

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian. Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại cho đến vĩnh cửu.” (I Giăng 2:15-17).

Người yêu thế gian không thể nào yêu người khác như chính mình, không thể nào yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Người ấy sẽ sống và chết cho những sự thuộc về thế gian mà người ấy yêu.

Hãy vâng theo tiếng của Ngài và hãy gắn bó với Ngài” là lời kêu gọi tiếp theo lời kêu gọi hãy yêu Thiên Chúa. Đó là hành động thể hiện tình yêu của một người đối với Thiên Chúa. Một người thật lòng yêu Thiên Chúa thì sẽ vâng theo tiếng phán của Ngài. Tiếng phán của Thiên Chúa đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Ngài muốn loài người đọc, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo mọi tiếng phán của Ngài (Giô-suê 1:8). Một người thật lòng yêu Thiên Chúa cũng sẽ không bao giờ muốn xa rời Thiên Chúa. Người ấy luôn muốn được gắn bó với Thiên Chúa, tương giao với Thiên Chúa, tâm sự những vui buồn trong cuộc sống với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng không hề xa rời những ai nương cậy nơi Ngài:

Hãy mạnh mẽ và can đảm! Chớ sợ, cũng chớ kinh hãi trước chúng nó! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, Ngài đi với ngươi. Ngài sẽ chẳng rời khỏi ngươi, cũng chẳng sẽ từ bỏ ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:6).

Ta sẽ khiến kẻ mù đi trên con đường mình không thuộc, dắt họ bởi các nẻo chẳng quen; Ta sẽ đổi bóng tối trước mặt họ ra ánh sáng, nơi cong quẹo ra ngay thẳng. Thật, Ta sẽ làm các sự đó, và không lìa bỏ chúng nó đâu.” (Ê-sai 42:16).

Cho đến chừng các ngươi già cả, tóc bạc, Ta là Đấng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra và Ta sẽ gánh vác. Ta sẽ bồng ẵm và sẽ giải cứu các ngươi.” (Ê-sai 46:4).

Cách sống của các anh chị em chớ tham lam. Hãy biết đủ với những gì các anh chị em có. Vì Ngài đã phán: Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, cũng chẳng bỏ ngươi.” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20b).

Động từ “gắn bó” (H1692) được dùng trong câu này trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh có nghĩa đen là làm cho dính lại với nhau hoặc bám lấy nhau; có nghĩa bóng là rượt theo và nắm bắt. Chúng ta hiểu là nghĩa đen được dùng trong câu này như đã được dùng trong Sáng Thế Ký 2:24, nói về sự người nam gắn bó với vợ mà nên một thịt. Một ngày không còn bao lâu nữa, Hội Thánh sẽ được “gắn bó” với và nên một thịt với Thiên Chúa trong thân vị loài người là Đấng Christ, qua Lễ Cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:7-9). Đó là sự kết hiệp mầu nhiệm giữa mỗi người trong Hội Thánh với Đấng Christ.

Vì Ngài là sự sống và sự kéo dài những ngày của ngươi” có nghĩa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng ban sự sống và bảo tồn sự sống cho những ai yêu Ngài. Ngài cũng ban cho họ được sống lâu trong cuộc đời này. Nhờ đó, họ có nhiều cơ hội làm ra những việc lành mà Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ (Ê-phê-sô 2:10); Thiên Chúa trong thân vị Đấng Christ cùng làm với họ (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:21); và Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh ban năng lực cùng các ân tứ cho họ (I Cô-rinh-tô 12:1-11). Càng có cơ hội làm việc lành và trung tín trong sự làm việc lành thì càng được Đấng Christ ban thưởng nhiều trong đời sau. Vì thế, sự sống lâu trong đời này là một ơn phước và là một ơn phước đặc biệt dành cho những ai hiếu kính cha mẹ.

…để ngươi ở trên đất mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thề ban cho họ, các tổ phụ của ngươi: Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp” có nghĩa là để người I-sơ-ra-ên nào yêu Thiên Chúa thì được sống trên vùng Đất Hứa Ca-na-an. Gọi là Đất Hứa vì đó là vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông. Dòng dõi của Áp-ra-ham tức là dân I-sơ-ra-ên. Lời hứa đó đã được Đức Chúa Trời lập lại với I-sác và Gia-cốp. I-sác là đứa con trai mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham. Gia-cốp là con trai của I-sác. Dân I-sơ-ra-ên ra từ 12 con trai của Gia-cốp. Sau hơn 2.500 năm vong quốc (587 TCN – 1948), Đức Chúa Trời đã tái lập dân I-sơ-ra-ên trên Đất Hứa Ca-na-an vào ngày 14/05/1948. Sự kiện đó đánh dấu Đức Chúa Trời đã bắt đầu làm thành lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp về dòng dõi của họ, trong những ngày cuối cùng, trước khi Đấng Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm.

Hãy yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi” không phải là lời kêu gọi dành riêng cho mỗi người I-sơ-ra-ên. Đó là lời kêu gọi cho bất cứ người nào được sinh ra trong cuộc đời này, bao gồm cả những người sẽ được sinh ra trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Người thật lòng yêu Thiên Chúa thì hết lòng vâng theo tiếng của Ngài và gắn bó với Ngài. Nghĩa là người ấy mỗi ngày siêng suốt, khao khát đọc, suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo; luôn trò chuyện, tâm sự với Thiên Chúa những buồn vui trong cuộc sống. Người ấy sẽ được kinh nghiệm sự vui thỏa trong Đấng Christ, trong mọi cảnh ngộ của đời sống. Người ấy sẽ được sống lâu trên đất để làm ra những việc lành tôn vinh Thiên Chúa. Người ấy sẽ được sống đời đời trong vinh quang, trong hạnh phúc với Ba Ngôi Thiên Chúa, trong Vương Quốc Trời.

Chúng tôi mong rằng, mỗi ông bà, anh chị em đều là những người thật lòng yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của quý ông bà, anh chị em.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/01/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.holylandsite.com/mount-nebo-moses

[2] https://timhieutinlanh.com/tri-thuc-ve-le-that/

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con Khao Khát Hướng về Thiên Chúa”
https://karaokethanhca.net/long-con-khao-khat-huong-ve-thien-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.