Phụng Sự Chúa (3): Sự Phục Vụ

2,249 views

 

YouTube: https://youtu.be/-0lGLbvFpKU

Bài Giảng Trong Năm 2020
Phụng Sự Chúa – Phần 3

Sự Phục Vụ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

“Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép cho đến đời đời, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.” (I Phi-e-rơ 4:11).

Trong xã hội, sự phục vụ hay sự hầu việc của một người là hành động được làm ra để giúp ích người khác, theo bổn phận và trách nhiệm đã được giao phó cho người ấy. Trong Hội Thánh, sự phục vụ Chúa hay hầu việc Chúa là hành động con dân Chúa làm ra những điều đem lại ích lợi cho Hội Thánh, ích lợi cho sự rao giảng Tin Lành giữa những người chưa có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, cùng lúc làm tôn cao danh Chúa. Đó là bổn phận và trách nhiệm của mỗi con dân Chúa. Bổn phận là việc phải làm theo lý lẽ, theo lương tâm, và theo luật pháp. Trách nhiệm là cái giá phải trả khi không làm tròn bổn phận.

Sự hầu việc Chúa của con dân Chúa được Thánh Kinh so sánh với việc xây dựng một ngôi nhà. Một ngôi nhà có thể được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, có giá trị khác nhau, có độ bền khác nhau, có kích thước khác nhau. Thánh Kinh dùng: vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ để tiêu biểu cho các vật liệu mà con dân Chúa dùng trong công việc xây dựng ngôi nhà thuộc linh trên nền tảng đức tin vào Đấng Christ. Ngôi nhà thuộc linh, là sự tổng hợp tất cả những việc lành mà con dân Chúa làm ra trong suốt cuộc đời theo Chúa, khi đang sống trong thân thể xác thịt hiện tại:

I Cô-rinh-tô 3:10-15

10 Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng mà người khác xây cất trên đó. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất trên đó như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm phẩm chất công việc của mỗi người sẽ là.

14 Nếu công việc của ai cứ còn lại, là việc mà người ấy đã xây cất trên nền ấy, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, người ấy sẽ bị tổn thất nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.

Trong thực tế, sự hầu việc Chúa của con dân Chúa là những việc do con dân Chúa làm ra theo ý Chúa, đem lại ích lợi lớn và rất cần thiết cho bản thân và cho những người khác. Sự ích lợi ấy tương tự như sự ích lợi lớn và cần thiết của một ngôi nhà thuộc thể trong thế giới vật chất đối với một người và gia đình của người ấy. Tuy nhiên, sự xây dựng ngôi nhà thuộc linh có ích lợi về thuộc thể lẫn thuộc linh. Về thuộc thể, sự ích lợi chỉ tồn tại ở trong đời này, được ví như ngôi nhà hay một phần của ngôi nhà được xây dựng bằng các loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ. Về thuộc linh, sự ích lợi còn lại cho đến đời đời, được ví như ngôi nhà hay một phần của ngôi nhà được xây dựng bằng vàng, bạc, và các loại đá quý.

Vì chúng ta đang sống trong thế giới vật chất nên chắc chắn chúng ta có những nhu cầu vật chất, như: thức ăn, thức mặc, chỗ ở. Vì thế, trong sự phục vụ Chúa, chúng ta vẫn theo ý Chúa, theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, làm ra những việc đem lại ích lợi thuộc thể cho mọi người. Xét về phương diện vật chất thì những thức ăn, thức uống, quần áo, nhà cửa, tiền bạc, các vật dụng mà chúng ta tiếp trợ cho những anh chị em có nhu cầu trong Hội Thánh ví như những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ, vì chúng đều sẽ qua đi trong thế giới vật chất; nhưng giá trị thuộc linh của việc làm ấy, nếu làm bởi tấm lòng chân thật yêu thương anh chị em của mình và không tìm kiếm sự khen ngợi của loài người, sẽ tương đương với vàng, bạc và các loại đá quý. Giá trị thuộc linh của việc làm ấy sẽ theo chúng ta vào trong cõi đời đời, sau khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này:

“Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết: Từ nay, phước cho những kẻ chết, chết trong Chúa. Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ được yên nghỉ khỏi những sự lao nhọc của họ và những việc làm của họ sẽ theo họ.” (Khải Huyền 14:13).

“Người đã được ban cho trang phục trắng, mịn, và sạch. Trang phục là những việc làm công bình của các thánh đồ.” (Khải Huyền 19:8).

“Này, Ta đến mau chóng với tiền công của Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người đó sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).

Nếu cũng cùng một việc làm như nói trên nhưng làm với tấm lòng tìm kiếm sự khen ngợi của loài người, thì giá trị của việc làm ấy sẽ tương đương với những gỗ, cỏ khô, và rơm rạ. Việc làm như vậy sẽ không theo chúng ta vào trong cõi đời đời, nghĩa là ngoài sự khen thưởng của loài người mà chúng ta tìm kiếm trong đời này, chúng ta sẽ không có sự khen thưởng nào từ nơi Chúa trong đời sau (Ma-thi-ơ 6:2, 5, 16).

Những sự hầu việc Chúa theo ý riêng cũng có giá trị như những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ. Nghĩa là chúng sẽ không đem lại cho chúng ta sự ban thưởng từ nơi Chúa, mà có khi còn bị Chúa phạt.

Sự hầu việc Chúa của con dân Chúa trước hết phải là những việc làm theo ý Chúa để tự giữ gìn và gây dựng cho chính mình. Vì thân thể của mỗi con dân Chúa vừa là Đền Thờ của Thiên Chúa, vừa là của lễ sống và thánh, cũng là của lễ đầu tiên dâng lên Chúa, nên mỗi con dân Chúa có bổn phận và trách nhiệm bảo quản tốt thân thể của mình. Bảo quản là giữ gìn và chăm sóc. Con dân Chúa phải giữ gìn vệ sinh thân thể về cả hai phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh. Về thuộc thể thì siêng năng tắm rửa, ăn uống hợp vệ sinh. Về thuộc linh thì giữ mình khỏi những sự ô uế của hình tượng, giữ mình không phạm tội, và nuôi mình bằng sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Lời Chúa dạy cho chúng ta biết rằng, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa về thân thể của mình:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao? Nếu có ai phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy. Vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 3:16-17).

Một trong những thói quen của người Mỹ là “hug” tức là ôm nhau để chào hay để an ủi. Phong cách ấy ngày nay đã lan truyền đến nhiều dân tộc khác, nhất là các dân tộc Á Đông bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Mỹ. Trong khi một số người không có tà ý khi ôm người khác thì không ít người muốn ôm người khác để tìm khoái cảm tình dục. Là con dân Chúa, chúng ta nên tránh sự ôm nhau để chào hay để an ủi, trừ khi là đối với người thân trong gia đình. Nhất là chúng ta không nên để cho thân thể của chúng ta tiếp xúc thân mật với những người không tin Chúa, thờ lạy tà thần.

Thứ nhì, sự hầu việc Chúa của con dân Chúa là luôn tôn vinh Chúa và cảm tạ Chúa. Trong sự tôn vinh phải có sự cảm tạ và sự cảm tạ nào cũng chính là sự tôn vinh. Con dân Chúa tôn vinh Chúa và cảm tạ Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc, cho dù ở trong cảnh ngộ nào. Chính vì thế mà mọi sự hầu việc Chúa của chúng ta cũng chính là sự thờ phượng Chúa. Vì khi chúng ta làm gì chúng ta cũng làm trong danh Chúa, làm để thể hiện sự vinh quang của Ngài, tức thể hiện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài qua mỗi việc làm của chúng ta.

Lời Chúa dạy:

“Hãy luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta mà tạ ơn Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, về mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:20).

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

“Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.” (Cô-lô-se 3:17).

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Đời sống biết tôn vinh và cảm tạ Chúa là đời sống đắc thắng mọi cảnh ngộ, vì được đầy dẫy ơn và sức thiêng từ Chúa. Chính vì thế mà ngay trong khi chịu khổ vì danh Chúa, con dân Chúa cũng tôn vinh Chúa. Và chính sự kiện thà chịu khổ thay vì chối bỏ Chúa đã là sự tôn vinh Chúa:

“Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, nhưng hãy vì thế mà tôn vinh Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 4:16).

Và ngay khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa thì chúng ta đã được phước, và hành động chịu khổ vì danh Chúa của chúng ta chính là việc dùng các vật liệu quý và bền để xây căn nhà thuộc linh của chúng ta:

“Phước cho những ai bị bách hại vì sự công bình! Vì Vương Quốc Trời là của họ! Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta người ta sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi. Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:10-12).

Nói cho cùng, sự thực hữu của chúng ta trong Đấng Christ và đời sống của chúng ta trong Đấng Christ chính là sự tôn vinh Thiên Chúa:

“Trong Đấng ấy chúng ta cũng nhận phần kế nghiệp, như đã định trước theo mục đích của Đấng khiến mọi sự xảy ra y theo ý muốn của Ngài, để cho chúng ta trở thành sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài, là những người đã trước hết tin cậy Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 1:11-12).

Thứ ba con dân Chúa luôn sẵn sàng để làm những việc lành. Không phải là làm những việc lành theo ý nghĩ và sự lựa chọn của mình, hoặc theo tiêu chuẩn của thế gian, mà là những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Bước đi trong những việc lành là sống trong những việc lành, tức là làm ra những việc lành và vui hưởng những việc lành được làm ra bởi con dân Chúa. Những việc lành do chính Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Đó chính là mục đích của sự chúng ta được dựng nên mới trong Đấng Christ.

Có những việc lành chung cho mọi con dân Chúa là những việc đã được ghi rõ trong Thánh Kinh. Trước hết là sự vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ, và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh. Kế tiếp là tất cả những điều mà Chúa đã truyền cho con dân Chúa phải làm ra trong cuộc sống, như đã ghi rõ trong Thánh Kinh. Đứng đầu là việc giảng Tin Lành cho mọi người và việc giữ gìn sự thông công mật thiết với các anh chị em cùng đức tin, tích cực tham dự mọi sinh hoạt trong Hội Thánh địa phương.

Có những việc lành Đức Chúa Trời dành riêng cho mỗi người, như những việc được làm ra trong các chức vụ mà Chúa đã đặt để trong Hội Thánh: việc của những trưởng lão, những giám mục, những chấp sự, những sứ đồ, những người chuyên việc rao giảng Tin Lành, những người chăn và giảng dạy… Cũng có những việc lành Đức Chúa Trời dành riêng cho mỗi người nhưng không thuộc về các chức vụ trong Hội Thánh. Chính Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa các ân tứ cần thiết để làm ra những việc lành ấy, như đã dạy rõ trong I Cô-rinh-tô 12.

Là con dân Chúa, chúng ta có bổn phận đọc và suy ngẫm Lời Chúa để hiểu biết những việc lành chung mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho con dân của Ngài; rồi cẩn thận làm theo:

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Kế tiếp, nếu chúng ta được Chúa gọi vào các chức vụ trong Hội Thánh thì chúng ta phải hết lòng làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai được Ngài kêu gọi vào các chức vụ ấy. Nếu không được Chúa gọi vào chức vụ trong Hội Thánh thì chúng ta không nên làm những việc làm chỉ dành riêng cho những người có chức vụ.

Trong I Sa-mu-ên 13, có ghi lại câu chuyện Vua Sau-lơ đã tự ý làm công việc dâng tế lễ lên Đức Chúa Trời, khi vào thời ấy, đó là công việc của thầy tế lễ. Trong I Sa-mu-ên 15, Sau-lơ tiếp tục không vâng lời của Đức Chúa Trời về sự kiện phải tiêu diệt mọi mạng sống từ người đến súc vật, khi tấn công dân A-ma-léc. Sau-lơ đã tha mạng cho vua của A-ma-léc và giữ lại những súc vật tốt nhất trong bầy của dân A-ma-léc, dùng làm của lễ dâng lên Chúa. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã cất đi quyền làm vua của ông mà giao cho Đa-vít.

“Sa-mu-ên nói: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực. Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.” (I Sa-mu-ên 15:22-23).

Bài học dành cho chúng ta, những con dân Chúa thời nay, là: Đừng tự mình làm ra những việc mà Đức Chúa Trời chỉ giao cho những người có chức vụ trong Hội Thánh. Đừng thờ phượng cũng đừng hầu việc Chúa theo ý riêng, nghịch lại Lời Chúa. Mỗi chúng ta cần học thuộc và suy ngẫm cặn kẽ câu này:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Sau cùng, chúng ta xin Chúa chỉ rõ cho chúng ta những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn riêng cho chúng ta. Một người có thể được Chúa gọi vào chức vụ trong Hội Thánh để làm những việc lành thuộc về chức vụ; nhưng người ấy vẫn có thể được Chúa ban cho những việc lành ngoài chức vụ.

Đối với người mới tin nhận Chúa thì những việc lành đầu tiên của người ấy là những việc lành chung cho mọi con dân Chúa, như đã ghi chép cách rõ ràng trong Thánh Kinh. Đó là sự vâng giữ các điều răn và những mệnh lệnh của Chúa. Theo thời gian, Đức Thánh Linh sẽ tỏ ra cho người ấy biết, Đức Chúa Trời còn ban riêng cho người ấy những việc lành nào nữa. Và nếu Đức Chúa Trời gọi người ấy vào chức vụ nào trong Hội Thánh thì Đức Thánh Linh sẽ tỏ ra cho Hội Thánh và bản thân của người ấy biết.

Sự phục vụ Chúa thể hiện qua lời nói và hành động làm tôn cao sự vinh quang của Chúa, làm tôn cao danh của Ngài. Con dân Chúa phải cẩn thận về lời nói của mình để lúc nào mình cũng nói đúng theo Lời Chúa. Con dân Chúa phải cẩn thận về sự phục vụ của mình để lúc nào cũng là phục vụ bởi thánh linh của Chúa, chứ không bởi sức riêng của mình, không bởi sự khôn sáng của xác thịt. Thánh linh của Chúa tức là thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ đến từ Đức Thánh Linh. Các ân tứ đến từ Đức Thánh Linh đã được ghi rõ trong I Cô-rinh-tô 12.

Và xin ghi nhớ, một trong những sự phục vụ Chúa quan trọng nhất là sự thông công với các anh chị em cùng đức tin (Hê-bơ-rơ 13:16). Một viên than hồng bị tách ra khỏi bếp lửa thì sẽ nhanh chóng tắt đi và không đóng góp được gì cho mục đích chung của bếp lửa. Ngoài việc hy sinh mạng sống của mình cho anh chị em cùng Cha, có lẽ không còn việc lành nào quan trọng và cao đẹp hơn là giữ gìn sự thông công, hiệp một trong Hội Thánh. Ý nghĩa của danh từ sự thông công có nghĩa là sự hiệp làm một để mọi người trở nên như một người và một người chan hòa với tất cả mọi người. Đó cũng chính là lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus Christ, trước khi Ngài chịu chết để hoàn thành sự cứu chuộc loài người, để lập nên nền tảng của Hội Thánh (Giăng 17:11).

Lời Chúa dạy chúng ta về cách thức phục vụ Chúa như sau:

“Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép cho đến đời đời, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.” (I Phi-e-rơ 4:11).

Chúng tôi xin nhắc lại lời sau đây trong bài giảng “Chú Giải I Phi-e-rơ 4:7-11” [1].

[Trích:]

Dù lời của chúng ta không phải là Lời của Thiên Chúa nhưng vì chúng ta “đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24), nên lời nói của chúng ta cũng phải chân thật, đầy ơn, giúp ích cho người nghe như Lời của Thiên Chúa.

“Chớ có lời hư xấu nào ra từ miệng anh em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

Trong khi chúng ta dùng các ơn Chúa ban cho chúng ta để phục vụ thì chúng ta hãy phục vụ sao cho mọi người nhìn thấy là chúng ta đang phục vụ bằng năng lực của Chúa, không phải bằng sức riêng của chúng ta. Nghĩa là, người ngoài nhìn thấy sự phục vụ của chúng ta không phải vì chúng ta rán sức của mình mà là thấy rõ sức toàn năng của Đức Chúa Trời tuôn đổ trong chúng ta qua sự phục vụ của chúng ta; và họ dâng lời tôn vinh Đức Chúa Trời.

Có những người biết rõ những gì mình có là đến từ Chúa và họ sốt sắng phục vụ mọi người bằng năng lực Chúa ban; nhưng họ lại làm ra vẻ là họ phải rán hết sức của họ để làm ơn cho người khác, với mục đích là được người khác khen ngợi mình, biết ơn mình. Làm như vậy, họ đã phục vụ như bằng sức riêng, và đã chiếm đoạt sự vinh quang vốn thuộc về Đức Chúa Trời. Các anh chị em hãy cẩn thận giữ mình. Một chút men làm dậy cả đống bột. Một chút khoe mình trong sự kiêu ngạo, nếu không ăn năn kịp thời, sẽ đốt cháy cả đời mình trong hỏa ngục!

Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Trung Bảo duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Vì chỉ một mình Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là loài người để kết hiệp loài người với Thiên Chúa. Chúng ta ở trong Đức Chúa Jesus Christ là chúng ta ở trong Thiên Chúa. Đức Thánh Linh ở trong chúng ta là Thiên Chúa ở trong chúng ta.

Vì thế, mọi ơn của Đức Chúa Trời chúng ta đều nhận được qua Đức Chúa Jesus Christ, bởi sự vận hành của Đức Thánh Linh; và mọi sự thờ phượng Đức Chúa Trời, phục vụ Đức Chúa Trời của chúng ta cũng đều qua Đức Chúa Jesus Christ, bởi năng lực của Đức Thánh Linh, mà đến với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là thân vị Thiên Chúa tiêu biểu cho Ba Ngôi Thiên Chúa.

[Hết trích.]

Kính thưa Hội Thánh,

Phụng sự Chúa là đặc ân và đặc quyền Chúa ban cho chúng ta. Phụng sự Chúa là thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa theo thánh ý của Đức Chúa Trời như đã được tỏ ra trong Thánh Kinh và được Đức Thánh Linh soi dẫn trong thần trí của con dân Chúa. Chúng ta phụng sự Chúa bởi sự thêm sức của Đức Chúa Jesus Christ và bởi sự ban các ân tứ của Đức Thánh Linh. Chúng ta phụng sự Chúa trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta phụng sự Chúa trong từng ý nghĩ, lời nói, việc làm, ngay từ những việc nhỏ nhặt, thông thường nhất, sao cho danh Chúa được tôn vinh, sự vinh quang của Chúa chiếu sáng qua chúng ta, và các ơn phước của Chúa qua chúng ta tuôn đổ đến nhiều người.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/01/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-phi-e-ro-47-11/

Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Tôn Thờ Mỗi Chúa Mà Thôi”
https://karaokethanhca.net/doi-con-ton-tho-moi-chua-ma-thoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/ .

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/