Sự Cám Dỗ Bên Trong và Sự Cám Dỗ Bên Ngoài

1,124 views

YouTube: https://youtu.be/Y58743UwAmI

202215 Bài Giảng Trong Năm 2022
Sự Cám Dỗ Bên Trong và Sự Cám Dỗ Bên Ngoài

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Ngày Lễ Vượt Qua của năm 2022 nhằm ngày 15/04/2022, tiếp liền theo đó là Lễ Bánh Không Men và Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Ngày Lễ Vượt Qua giúp cho chúng ta nhớ đến sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá để cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi. Đấng Christ được gọi là Chiên Con của Lễ Vượt Qua, vì nhờ sự chết của Ngài mà Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Lễ Bánh Không Men giúp cho chúng ta nhớ đến đời sống thánh khiết vô tội của Đấng Christ đã được mặc lên cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, để họ có được nếp sống mới thánh khiết trong Ngài, như chính Ngài đã sống trong thế gian. Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa tiêu biểu cho kết quả của sự sống lại của Đấng Christ. Tức là, nhờ Ngài sống lại mà những ai thuộc về Ngài cũng được sống lại. Nói cách khác, bó lúa đầu mùa là hình ảnh những người thuộc Hội Thánh của Chúa được tái sinh phần thuộc linh và được phục sinh phần thể xác. Sau sự sống lại phần xác thịt của Hội Thánh trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, là sự sống lại của các thánh đồ qua đời trước thời Tân Ước và trong Kỳ Tận Thế. Vì thế mà sự sống lại của Hội Thánh được ví như bó lúa đầu mùa.

Nhân dịp Lễ Vượt Qua năm nay, trong khi biết ơn Chúa về sự cứu chuộc Ngài đã làm ra cho chúng ta thì chúng ta cũng hãy cùng nhau suy ngẫm về sự cám dỗ dẫn đến sự phạm tội của loài người. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ biết không tự đặt mình vào trong môi trường bị cám dỗ và biết cách đối phó những khi bị cám dỗ.

Loài người phạm tội khi vi phạm Mười Điều Răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Mười Điều Răn và luật pháp của Đức Chúa Trời đã được Ngài bày tỏ trong lương tâm của loài người (Rô-ma 1:18-32). Mỗi người đều nhận biết mình đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời và lương tâm của mỗi người tự cáo trách mình. Cho đến một lúc, sự tiếp tục phạm tội khiến cho lương tâm bị chai lì và loài người vui thú trong sự phạm tội, vui thú với những kẻ cùng phạm tội:

Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.” (Rô-ma 1:32).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời về sau đã được chính Ngài ghi chép thành chữ trên hai bảng đá; và được Môi-se ghi lại trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký và Phục Truyền Luật Lệ Ký (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21). Luật pháp của Ngài cũng đã được Môi-se ghi chép trong các phần còn lại của các sách từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký của Thánh Kinh.

Mười Điều Răn là nền tảng của luật pháp của Đức Chúa Trời, như hiến pháp là nền tảng luật pháp của một quốc gia. Luật pháp của Đức Chúa Trời là sự giãi bày ý nghĩa của Mười Điều Răn và các điều lệ quy định hình phạt cho những ai vi phạm.

Sự phạm tội bắt đầu với sự cám dỗ. Sự cám dỗ có thể đến từ bên trong hoặc đến từ bên ngoài.

Sự cám dỗ bên trong là ý muốn vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời để thỏa mãn sự ham muốn mà không bị sự tác động từ bên ngoài.

Sự cám dỗ bên ngoài là hoàn cảnh bên ngoài tác động lên sự ham muốn, xui khiến vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

Trong câu chuyện con rắn cám dỗ bà Ê-va, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 3:1-7, thì bà Ê-va đã bị con rắn dùng lời dối trá để cám dỗ bà vi phạm mệnh lệnh của Thiên Chúa. Nhưng sâu kín trong lòng của bà Ê-va cũng có sự không tin cậy, không tôn kính Thiên Chúa. Điều đó đã thể hiện qua câu trả lời của bà dành cho con rắn:

Người nữ đáp lời con rắn: Chúng ta được ăn trái của các cây trong vườn, nhưng về trái của cây mọc giữa vườn, Thiên Chúa có phán rằng, các ngươi sẽ chẳng ăn đến, các ngươi cũng sẽ chẳng đụng đến, kẻo các ngươi chết.” (Sáng Thế Ký 3:2-3).

Thật ra, mệnh lệnh của Thiên Chúa là không được ăn trái của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác chứ không phải là không được đụng đến:

Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho loài người. Ngài phán: Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.” (Sáng Thế Ký 2:16-17).

Thực tế, bà Ê-va đã phạm tội không tin cậy, không tôn kính Thiên Chúa, dẫn đến tội vu khống Thiên Chúa, trước khi bà phạm tội không vâng lời Thiên Chúa.

Sự bà Ê-va phạm tội không vâng lời Thiên Chúa, ăn trái cấm, là sự phạm tội đến từ sự cám dỗ bên trong lẫn sự cám dỗ bên ngoài. Sự cám dỗ bên trong là do lòng kiêu ngạo, muốn tự mình hành động theo ý muốn của mình thay vì tôn kính, vâng phục Thiên Chúa; do lòng tham muốn, chỉ muốn thỏa mãn sự ham muốn của mình mà bất chấp hành động của mình làm thiệt hại người khác và nghịch lại Thiên Chúa; do lòng không tin cậy Thiên Chúa, nghĩ rằng, Thiên Chúa không muốn ban cho mình điều tốt nhất. Sự cám dỗ bên ngoài đến từ hình ảnh quyến rũ của trái cấm và lời dẫn dụ dường như có lý của con rắn.

Kể từ khi một thiên sứ trưởng phạm tội, trở thành Sa-tan, cho tới khi Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc, mọi sự cám dỗ bên trong đều do lòng kiêu ngạo, lòng tham muốn, và lòng vô tín.

Bản thân của Sa-tan đã kiêu ngạo, muốn mình bằng Thiên Chúa; đã tham muốn quyền cai trị và sự thờ phượng chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa; và đã không tin rằng, những gì mình có là những sự tốt nhất Thiên Chúa đã ban cho mình (Ê-sai 14).

Trong câu chuyện Ca-in giết A-bên (Sáng Thế Ký 4:1-15). Ca-in đã sa ngã vào sự cám dỗ bên trong. Ca-in đã kiêu ngạo, muốn tỏ ra mình tài giỏi hơn A-bên và cũng muốn đặt ý của mình lên trên ý của Thiên Chúa, qua sự dâng của lễ theo ý riêng, khoe tài trồng trọt. Ca-in đã tham muốn sự đẹp lòng của Thiên Chúa đối với A-bên nên giết chết em mình. Ca-in đã không tin cậy nơi sự toàn tri của Thiên Chúa. Ông đã không tin rằng, Thiên Chúa biết của lễ nào là nên dâng lên Thiên Chúa. Ca-in đã không tin cậy nơi tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã không tin rằng, Thiên Chúa yêu ông và ban cho ông những điều tốt nhất. Cũng có thể Ca-in đã không tin Thiên Chúa là công bình, mà ông cho rằng, Ngài đã thiên vị A-bên.

Trong câu chuyện Gióp thắng mọi cám dỗ đến từ Sa-tan (Gióp 1-2), Gióp đã không có sự cám dỗ bên trong mà chỉ đối diện với sự cám dỗ bên ngoài, do Sa-tan mang đến. Có thể nói, trong lịch sử của loài người, ngoài Đức Chúa Jesus ra, Gióp là người bị Sa-tan cám dỗ mãnh liệt nhất. Từ một tộc trưởng giàu có, danh tiếng, tin kính Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa làm chứng tốt trước các thiên sứ, chỉ trong một ngày, Sa-tan đã làm cho:

  • Mười đứa con của Gióp đều chết khi một cơn gió lớn làm sập nhà.

  • Một phần gia súc bị cướp, tôi tớ bị giết, phần gia súc và tôi tớ còn lại thì bị mưa lửa thiêu đốt.

Khi nhận được hung tin, biết rằng, cả mười đứa con ông rất yêu quý, hàng ngày vẫn cầu thay cho chúng đã chết hết, và toàn bộ tài sản đã mất hết, Gióp đã hành động như sau:

Gióp đã trỗi dậy và xé áo của mình, cạo đầu mình, rồi sấp mình trên đất mà thờ lạy, và nói: Tôi đã trần truồng ra khỏi lòng mẹ của tôi, thì tôi cũng sẽ trần truồng mà quay về. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cất đi! Đáng tôn vinh danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” (Gióp 1:20-21).

Lời Chúa xác nhận rằng:

Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng làm ra sự phạm thượng đến Thiên Chúa.” (Gióp 1:22).

Sau đó, Sa-tan còn làm cho bản thân Gióp bị một chứng ung độc trên da, từ bàn chân cho đến đỉnh đầu. Rồi, có lẽ cũng bởi sự tác động của Sa-tan mà vợ của Gióp bảo ông: “Hãy phỉ báng Thiên Chúa, và chết đi!” Nhưng Lời Chúa xác nhận rằng:

Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội với môi của mình. (Gióp 2:10b).

Gióp đã không có sự cám dỗ bên trong vì ông hoàn toàn yêu kính Thiên Chúa, tin cậy nơi Ngài, và vâng phục Ngài. Mấy câu nói sau đây của Gióp đáng cho mỗi con dân của Chúa ghi nhớ và học theo:

Tôi đã trần truồng ra khỏi lòng mẹ của tôi, thì tôi cũng sẽ trần truồng mà quay về. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cất đi! Đáng tôn vinh danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” (Gióp 1:21).

…Sao sự lành chúng ta sẽ nhận lấy từ Đức Chúa Trời, còn sự dữ chúng ta sẽ không nhận?…” (Gióp 2:10).

Mặc dù xảy đến cho ta điều gì… Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!… (Gióp 13:13, 15).

Trong câu chuyện Giô-sép thắng cám dỗ, không phạm tội ngoại tình với vợ của chủ (Sáng Thế Ký 39), Giô-sép đã không có sự cám dỗ bên trong mà chỉ đối diện với sự cám dỗ bên ngoài, đến từ vợ của chủ. Giô-sép đã không có sự cám dỗ bên trong vì ông hoàn toàn yêu kính Thiên Chúa, tin cậy nơi Ngài, và vâng phục Ngài. Trong Giô-sép không có sự ham muốn tình dục trái phép. Câu nói sau đây của Giô-sép đáng cho mỗi con dân Chúa ghi nhớ và học theo:

Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Thiên Chúa sao?” (Sáng Thế Ký 39:9b).

Trong câu chuyện Đa-vít phạm tội ngoại tình, dẫn đến tội giết người (II Sa-mu-ên 11), Đa-vít đã sa ngã vào sự cám dỗ bên trong lẫn bên ngoài. Đa-vít đã kiêu ngạo, lạm dụng quyền thế của mình. Đa-vít đã tham muốn về tình dục, sẵn sàng thỏa mãn sự ham muốn của mình cách bất chính, đối xử bất công và làm hại đến người khác. Đa-vít đã không tin cậy Đức Chúa Trời luôn ban cho ông điều tốt nhất. Sự cám dỗ bên ngoài là thân thể xinh đẹp của Bát Sê-ba mà Đa-vít đã nhìn thấy, khi nàng đang tắm.

Trong câu chuyện Ma Quỷ cám dỗ Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 4:1-11), Ngài đã không có sự cám dỗ bên trong vì Ngài hoàn toàn yêu kính, tin cậy, và vâng phục Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus đã chiến thắng sự cám dỗ bên ngoài, đến từ Ma Quỷ, bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, khiến nó phải bỏ đi.

Đối với Gióp, một người có dư dật ơn phước từ Chúa thì Sa-tan đã lấy đi hết những sự ban cho của Chúa, để cám dỗ Gióp oán trách Chúa mà phạm tội. Đối với Đức Chúa Jesus, một người không có danh tiếng, của cải, quyền thế, thì Sa-tan đem danh, lợi, quyền ra cám dỗ. Ngoài ra, Sa-tan còn lợi dụng sự thân thể của Đức Chúa Jesus cần thức ăn, sau 40 ngày kiêng ăn, để cám dỗ Ngài. Nó muốn Ngài lạm dụng thẩm quyền Đức Chúa Trời ban cho Ngài để làm ra phép lạ, phục vụ bản thân. Trong lịch sử loài người, sự Sa-tan cám dỗ Gióp và Đức Chúa Jesus là hai sự cám dỗ khốc liệt nhất.

Sự cám dỗ bên trong với lòng kiêu ngạo, lòng tham muốn, và lòng vô tín sẽ không thể nào có được, nếu một người đã thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời tha tội và dựng nên mới; được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội và báp-tem vào trong thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa; được Đấng Thần Linh ngự vào trong thân thể xác thịt để dẫn người ấy vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Người ấy học sự nhu mì và khiêm nhường của Đấng Christ, người ấy trở nên giống như Đấng Christ, ghét tội lỗi, luôn giữ mình tránh xa tội lỗi, và sẵn sàng chịu khổ để sống theo Lời Chúa. Người ấy yêu kính Chúa, biết ơn Chúa, vâng phục Chúa. Trong người ấy đầy dẫy các phẩm chất của Thiên Chúa:

Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22-23).

Vì thế, trong khi người không thuộc về Chúa phải cùng lúc đối phó với sự cám dỗ bên trong lẫn bên ngoài thì con dân chân thật của Chúa chỉ cần đối phó với sự cám dỗ bên ngoài.

Con dân Chúa sẽ luôn đắc thắng sự cám dỗ bên ngoài bằng cách không đặt mình vào hoàn cảnh, môi trường bị cám dỗ; và dùng Lời Chúa để chống lại sự cám dỗ.

Con dân Chúa không đọc, không xem các văn hóa phẩm đồi trụy, khêu gợi tình dục để tránh bị cám dỗ phạm tà dâm. Con dân Chúa không tham dự những cuộc họp mặt, vui chơi, ăn uống của những người không tin Chúa dễ dàng dẫn đến sự phạm tà dâm. Con dân Chúa giữ khoảng cách nhất định, không thân mật, không đụng chạm người khác phái để tránh bị cám dỗ phạm tà dâm. Kể cả những đôi vợ chồng hứa cũng phải giữ mình trong sạch về tình dục cho tới ngày cưới.

Khi đối diện với sự cám dỗ phạm tà dâm thì con dân Chúa cần làm ngay ba điều sau đây:

  • Kêu cầu danh Chúa, xin Chúa giải cứu mình. Kêu rằng: “Lạy Đức Chúa Jesus, xin cứu con ra khỏi sự phạm tội tà dâm. Con cảm tạ ơn Ngài. A-men!” Rồi, dùng danh Chúa để truyền cho sự cám dỗ phải lui ra khỏi tâm trí của mình. Truyền rằng: “Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho sự cám dỗ tà dâm phải lui ra khỏi tâm trí của ta. A-men!”

  • Dùng Lời Chúa để chống trả sự cám dỗ:

I Cô-rinh-tô 6:18-20

18 Hãy tránh xa sự tà dâm! Mỗi một tội mà người ta làm đều ở ngoài thân thể; nhưng kẻ phạm tà dâm thì phạm tội nghịch lại chính thân thể mình.

19 Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?

20 Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.

  • Lập tức ra khỏi hoàn cảnh, môi trường cám dỗ.

Con dân Chúa không đọc, không xem, không làm theo các tài liệu dạy “làm giàu” để tránh bị cám dỗ ham muốn làm giàu. Lời Chúa dạy rất rõ:

I Ti-mô-thê 6:6-11

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

11 Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời! Hãy tránh khỏi những sự đó mà theo đuổi sự công chính, lòng tin kính, đức tin, tình yêu, sự nhẫn nại, và sự nhu mì.

Sự giàu có không sai nhưng sự muốn được giàu có, tức là sự ham muốn làm giàu, và sự tham tiền bạc là sai. Chúng ta là con dân Chúa, chúng ta chỉ cần siêng năng làm việc kiếm sống và hết lòng làm việc như làm cho Chúa (Cô-lô-se 3:23). Nếu Chúa ban cho chúng ta được giàu có, thịnh vượng về vật chất thì đó là ân điển của Chúa để chúng ta dùng sự ban cho đó của Chúa mà phụng sự Ngài, qua Hội Thánh. Nhưng chúng ta không nên ham muốn được giàu có, không nên chạy theo những cách làm giàu của thế gian. Vì “được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng” là mệnh lệnh của Chúa cho tất cả con dân của Ngài.

Là con dân của Chúa, chúng ta cần vững tin nơi sự quan phòng và sự thành tín của Ngài. Lời Chúa đã khẳng định với chúng ta:

Ma-thi-ơ 6:31-34

31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì?

32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.

33 Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.

34 Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.

Cách sống của các anh chị em chớ tham lam. Hãy biết đủ với những gì các anh chị em có. Vì Ngài đã phán: Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, cũng chẳng bỏ ngươi. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:6]” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Con dân chân thật của Chúa luôn nhu mì, khiêm nhường theo gương Chúa; luôn xem người khác là tôn trọng hơn mình (Ma-thi-ơ 11:29; Phi-líp 2:3). Con dân chân thật của Chúa khi được sự khen ngợi thì nhận biết rằng, những gì khiến mình được khen là sự ban cho của Chúa, nên thật lòng khiêm nhường, cám ơn người khen và dâng sự vinh quang lên Chúa bằng lời cảm tạ Chúa. Vì thế, trong lòng không có sự cám dỗ để phạm tội kiêu ngạo. Khi đối diện với sự cám dỗ từ bên ngoài thì con dân Chúa hóa giải bằng cách dâng lời cảm tạ Chúa về sự mình được khen; và nói rõ cho người khen biết rằng, nhờ ơn Chúa mà mình làm được việc.

Khi chúng ta đọc câu chuyện của Gióp, chúng ta thấy, Chúa đã cho phép Sa-tan tạo ra các nghịch cảnh để cám dỗ ông phạm tội. Khi Sa-tan tạo ra các nghịch cảnh ấy là Sa-tan muốn dùng chúng để khiến cho Gióp phạm tội; nên các nghịch cảnh ấy chính là các sự cám dỗ, đến từ Sa-tan. Cũng cùng các nghịch cảnh ấy nhưng khi chúng được Chúa cho phép xảy ra thì chúng là các sự thử thách đức tin của Gióp, đến từ Chúa. Chúa dùng các cám dỗ do Sa-tan tạo ra để Gióp có cơ hội thể hiện đức tin của ông nơi Thiên Chúa.

Trong Thánh Kinh Tân Ước, chữ cám dỗ và thử thách đều cùng là một từ ngữ. Đức Thánh Linh đã qua Sứ Đồ Phao-lô hứa rằng, ngoại trừ sự cám dỗ đến từ bên trong, các sự cám dỗ và thử thách đến từ bên ngoài đều không bao giờ quá sức chịu đựng của con dân Chúa. Và Đức Chúa Trời luôn mở đường cho con dân Ngài ra khỏi.

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Sự cám dỗ thuộc về bản tính của loài người tức là sự cám dỗ bên trong, từ lòng kiêu ngạo, lòng tham muốn, và lòng vô tín. Chỉ có sự cám dỗ bên trong mới nắm giữ được người bị cám dỗ.

Gia-cơ 1:12-15

12 Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.

13 Chớ có ai bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào tác động đến Ngài, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.

14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình.

15 Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.

Lòng tham muốn là lòng sẵn sàng làm ra sự bất chính để thỏa mãn sự ham muốn của mình. Sự ham muốn không sai. Đó là sự Chúa đặt để trong loài người. Nhưng khi muốn hành động không công chính, không vâng theo điều răn và luật pháp của Thiên Chúa để thỏa mãn sự ham muốn thì nó trở thành tham muốn. Thí dụ: Đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống; nhưng nếu muốn cướp lấy thức ăn, thức uống của người khác để ăn và uống thì ý muốn đó trở thành tham muốn trong sự ăn và uống. Một thí dụ khác: Ý muốn được thỏa mãn nhu cầu tình dục là chân chính; nhưng muốn phạm tà dâm để thỏa mãn tình dục thì ý muốn đó trở thành tham muốn trong nhu cầu tình dục.

Lời Chúa đã dạy rõ, như sau:

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian. Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại cho đến vĩnh cửu.” (I Giăng 2:15-17).

Người vẫn có lòng kiêu ngạo, lòng tham muốn, lòng vô tín là người không thuộc về Chúa. Dù miệng của họ có xưng nhận đức tin nơi Chúa, dù họ đang sinh hoạt trong Hội Thánh, thậm chí, đang giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh thì họ cũng chỉ là sói đội lốt chiên, là anh chị em giả dối (Ma-thi-ơ 7:15; II Cô-rinh-tô 11:26).

Với lời hứa và sức mạnh Chúa ban cho, con dân chân thật của Chúa sẽ không bao giờ sa ngã vào bất cứ sự cám dỗ nào hoặc thất bại trước sự thử thách nào. Đời sống của con dân Chúa luôn là đời sống vui thỏa và đắc thắng trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa cho thế gian. Miễn là họ giữ vững đức tin nơi Chúa, yêu Chúa trên hết mọi sự, mỗi ngày trung tín chịu khổ vì danh Chúa, luôn tránh xa những sự cám dỗ, ô uế, và tội lỗi. Khi không tránh kịp sự cám dỗ thì lập tức kêu cầu danh Chúa và dùng Lời Chúa để chống trả sự cám dỗ, dùng danh Chúa truyền cho sự cám dỗ phải ra khỏi tâm trí của mình.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/04/2022

Karaoke Thánh Ca: “Linh Hồn Con Vui Mừng”
https://karaokethanhca.net/linh-hon-con-vui-mung/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/