Thánh Hóa

2,358 views

Thánh Hóa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“…Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:4).

Thánh hóa có nghĩa là làm cho một đối tượng không thánh trở nên thánh. Vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh cho nên việc thánh hóa là việc của Thiên Chúa.

“Các ngươi hãy giữ làm theo những luật pháp Ta: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng làm cho các ngươi nên thánh.(Lê-vi Ký 20:8).

Những câu Thánh Kinh sau đây xác định Thiên Chúa là Đấng thánh hóa: Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13; Lê-vi Ký 20:8; 21:8, 15; 22:9, 16, 32; Giăng 17:17; Rô-ma 15:16; I Cô-rinh-tô 1:30; 6:11; Ê-phê-sô 1:4; 5:26; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 2:11; 10:14; 13:12; I Phi-e-rơ 1:2.

Trong thời Cựu Ước, khi thầy tế lễ dâng lễ vật lên Thiên Chúa một cách đẹp ý Chúa thì lễ vật đó được Thiên Chúa thánh hóa; và lễ vật đó được gọi là vật thánh, chức vụ thánh, hay người thánh… Như vậy, khi chúng ta nói một người, một vật, hay một việc được thánh hóa là chúng ta có ý nói rằng: người ấy, vật ấy, hay việc ấy đã được biệt riêng ra cho Thiên Chúa, được Ngài chấp nhận, được ở trong tình trạng thánh khiết và đẹp ý Ngài.

Sự thánh hóa chúng ta nhận được đến từ Thiên Chúa, bởi sự thương xót rất lớn của Ngài. Điều kiện duy nhất để nhận được sự thánh hóa của Thiên Chúa là tội nhân cần phải thật lòng từ bỏ tội lỗi và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài qua sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá.

I. Tiến trình thánh hóa

Thiên Chúa thánh hóa người có lòng ăn năn thống hối về tội lỗi và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài như sau:

1) Tha tội và làm cho sạch tội: Con Một của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt của tội nhân bằng cách chết thay cho tội nhân trên thập tự giá. Nhờ vào cái chết của Đấng Christ trên thập tự giá mà tội lỗi của toàn thể nhân loại – bao gồm tội lỗi trong quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai – đều được Đức Chúa Trời tha thứ và bôi xóa:

“…Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê-sai 1:18).

“Ta đã xóa sạch những sự vi phạm của ngươi như mây đậm, và những tội lỗi của ngươi như đám mây. Hãy trở lại cùng Ta, vì Ta đã chuộc ngươi.” (Ê-sai 44:22).

“Ngài đã đem những sự vi phạm của chúng tôi xa khỏi chúng tôi như phương đông xa cách phương tây.” (Thi Thiên 103:12).

“Vì Ngài đã chết là Ngài đã chết cho tội lỗi một lần. Và Ngài sống là Ngài sống cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:10).

“Trong ý muốn ấy, chúng ta được làm cho nên thánh bởi sự dâng thân thể của Đức Chúa Jesus Christ một lần đủ cả.” (Hê-bơ-rơ 10:10).

“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:7).

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

“…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

2) Tái sinh: Sau khi được tha tội và làm cho sạch tội, người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời được Ngài tái sinh và ban cho quyền trở nên con cái của Ngài. Quyền trở nên con cái của Đức Chúa Trời là quyền thắng được điều dữ, làm được điều lành (Rô-ma 7:14-25).

“Nhưng những ai tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho họ, tức là những ai vẫn tin vào danh của Ngài, quyền làm những con cái của Thiên Chúa. Những người ấy được sinh ra chẳng bởi máu, cũng chẳng bởi ý muốn của xác thịt, cũng chẳng bởi ý muốn một người nào, nhưng bởi Thiên Chúa.” (Giăng 1:12-13).

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi lòng thương xót lớn của Ngài mà Ngài khiến cho chúng ta được tái sinh vào trong sự trông cậy sống, qua sự sống lại từ trong những kẻ chết của Đức Chúa Jesus Christ.” (I Phi-e-rơ 1:3).

“…đã được tái sinh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, bởi Lời Hằng Sống và còn lại cho đến vĩnh cửu của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 1:23).

“Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta hơn cả những người thắng trận.” (Rô-ma 8:37).

“Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng ban cho chúng ta sự thắng, qua Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.” (I Cô-rinh-tô 15:57).

“Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời! Ngài luôn luôn làm cho chúng tôi đắc thắng trong Đấng Christ; và bởi chúng tôi, tỏ ra mùi của sự hiểu biết về Ngài trong khắp chốn.” (II Cô-rinh-tô 2:14).

“Vì bất cứ ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và này sự đắc thắng đã thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta.” (I Giăng 5:4).

II. Dấu chứng của sự được thánh hóa

Thánh Kinh gọi những người đã được tái sinh là thánh đồ, tập thể của các thánh đồ được gọi “là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9), là Hội Thánh.

Người đã được Thiên Chúa thánh hóa, nghĩa là đã được Ngài tha tội, làm cho sạch tội, và tái sinh thì không còn sống theo bản tính tội lỗi cũ nữa. Dấu chứng của một người đã được tái sinh là trái của tâm thần trong sạch phát sinh trong đời sống của họ:

“Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ…” (Ga-la-ti 5:22-23).

Thánh Kinh khẳng định lẽ thật về một người đã được tái sinh như sau:

“Nhưng các anh chị em không ở trong xác thịt mà ở trong thần trí, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Rô-ma 8:9).

Bởi vì, người được Thiên Chúa thánh hóa, tái sinh là người được dựng nên mới; bản tính tội lỗi cũ của xác thịt đã chết đi và bản tính thánh khiết mới đã được sinh ra bởi Thiên Chúa:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Mọi sự đã trở nên mới có nghĩa là mới trong tâm thần, mới trong linh hồn, và mới trong thể xác.

Mới trong tâm thần là vì được tương giao với Đức Chúa Trời, được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh, được nhận biết Đức Chúa Trời.

“Mà sự giao thông của chúng tôi là với Đức Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ.” (I Giăng 1:3b).

“Vì bất cứ những ai được thần trí của Thiên Chúa dắt dẫn, thì họ là con cái của Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:14).

“Nguyện ân điển và sự bình an được thêm lên cho các anh chị em bởi sự tri thức về Đức Chúa Trời và về Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta!” (II Phi-e-rơ 1:2).

Mới trong linh hồn là vì sự yêu thương của Chúa đổ đầy trong chúng ta, khiến cho chúng ta có thể hết lòng yêu Chúa hơn tất cả mọi sự và yêu thương mọi người như chính mình, tha thứ ngay cả kẻ thù nghịch, chăm lo về quyền lợi của người khác hơn của mình, khiêm nhường, nhịn nhục, xem người khác là tôn trọng hơn mình, và có thể hy sinh mạng sống của mình để người khác có cơ hội nhận được sự cứu rỗi:

“Sự hy vọng không làm cho hổ thẹn, vì tình yêu của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng của chúng ta bởi thánh linh đã được ban cho chúng ta.” (Rô-ma 5:5).

“…Ngươi sẽ hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi; và sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình.” (Lu-ca 10:27).

“…Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi, chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi…” (Ma-thi-ơ 5:44).

“Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng chăm về những sự của những người khác nữa.” (Phi-líp 2:4).

“Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

“…với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu…” (Ê-phê-sô 4:2).

“Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).

Mới trong thể xác có nghĩa là thân thể của chúng ta được dâng lên cho Đức Chúa Trời, trở nên đồ dùng của Đức Chúa Trời:

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

“Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, khiến các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó. Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:12-13).

III. Dấu chứng của sự chưa được tái sinh

Trái của tâm thần là thuộc tính của Đức Chúa Trời. Đối nghịch với trái của tâm thần là trái của tội lỗi, là thuộc tính của xác thịt. Người đã được tái sinh không thể có những trái của xác thịt trong đời sống:

“Các việc làm của xác thịt được tỏ ra, ấy là: Ngoại tình, tà dâm, ô uế, phóng đãng, thờ hình tượng, dùng ma túy, thù nghịch, cãi lẫy, ganh tị, thịnh nộ, cạnh tranh, chia rẽ, phe đảng, ganh ghét, giết người, say rượu, thác loạn, cùng các sự khác giống như vậy. Về các sự ấy tôi nói trước với các anh chị em, như tôi đã nói rồi. Những ai phạm các sự ấy thì sẽ không được hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa.” (Ga-la-ti 5:19-21).

Đối với những người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng không chịu từ bỏ tội lỗi thì sự thánh hóa của Đức Chúa Trời không thể hoàn thành trong họ; nghĩa là cho dù họ tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, kêu cầu cùng Đức Chúa Trời nhưng nếu họ không chịu từ bỏ tội lỗi, vẫn sống theo bản tính của xác thịt, thì họ không được Đức Chúa Trời tái sinh! Những người như vậy, là những người bị Đức Thánh Linh cáo trách về tội lỗi nhưng không có lòng ăn năn tội. Một người không có lòng ăn năn tội là một người không muốn từ bỏ những thú vui của tội lỗi; hoặc quá tự ái, quá kiêu ngạo, không thể mặc lấy lòng nhu mì, khiêm nhường, và thương xót của Đấng Christ; không thể yêu thương, tha thứ cho người khác vô điều kiện như Chúa đã yêu thương và tha thứ mình. Những người như vậy là những người chưa được tái sinh; mà chưa được tái sinh là không có sự cứu rỗi, vì Đức Chúa Jesus Christ khẳng định:

“…Trừ khi một người được sinh ra bởi nước và linh, người ấy không thể vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:5).

Nước là Lễ Báp-tem, là chịu dìm mình trong nước. Lễ Báp-tem là hình bóng về sự chết, về sự đoán phạt con người cũ tội lỗi như xưa kia Đức Chúa Trời đã đoán phạt thế gian bằng cơn nước lụt (I Phi-e-rơ 3:20-21). Người có lòng ăn năn thống hối về tội lỗi sẽ bày tỏ lòng mình qua sự chịu Lễ Báp-tem.  Linh là thánh linh, là năng lực của Thiên Chúa khiến cho kẻ chết được sống lại. Một người phải bằng lòng chết đi con người cũ của mình thì mới được Đức Chúa Trời tái sinh thành một con người mới.

Kết luận

Thánh hóa là một phần trong ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời có nghĩa là tiếp nhận sự thánh hóa của Ngài. Nhiều người chỉ muốn tiếp nhận sự tha tội của Đức Chúa Trời nhưng không chịu tiếp nhận sự làm cho sạch tội của Ngài; vì thế, dầu họ tuyên xưng đức tin nơi Chúa nhưng họ vẫn sống trong tội lỗi. Sứ Đồ Phao-lô gọi đó là những kẻ có nếp sống thù nghịch thập tự giá.

“Vì tôi đã thường nói điều này cho các anh chị em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.” (Phi-líp 3:18).

Chúng ta hãy đối chiếu lòng mình với Lời Chúa. Hãy nhờ Đức Thánh Linh chỉ ra những điều tội lỗi sâu kín trong linh hồn của chúng ta. Hãy hạ mình, nhu mì đón nhận sự quở trách, sửa trị của Lời Chúa. Hãy làm theo Lời Chúa, hãy tiếp nhận sự thánh hóa của Thiên Chúa. Hãy biết rằng, một ngày kia, mỗi chúng ta đều phải ứng hầu trước Đấng Thánh.

“Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:13).

“Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và sự đầy dẫy của điều độc ác, đem lòng nhu mì nhận lấy Lời đã trồng trong các anh chị em, là Lời cứu được linh hồn của các anh chị em. Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.” (Gia-cơ 1:21-22).

“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Chủ Nhật 28/01/2007