Thần Trí và Tiếng Chúa

3,341 views

Thần Trí và Tiếng Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Là con dân Chúa, chúng ta có Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của chúng ta (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19) với danh xưng Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta vào trong mọi lẽ thật, giãi bày cho chúng ta những sự sẽ đến (Giăng 16:13), và tương giao, tức thông công, với chúng ta qua tâm thần.

Tâm thần là thân thể thiêng liêng của chúng ta. Tâm thần có các chức năng nhận thức, cảm xúc, và suy luận như thân thể xác thịt của chúng ta. Trong khi thân thể xác thịt nhận thức, cảm xúc, và suy luận những sự thuộc về thế giới thuộc thể, thế giới vật chất, thì tâm thần nhận thức, cảm xúc, và suy luận những sự thuộc về thế giới thuộc linh, thế giới thiêng liêng. Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại bài “Loài Người (03): Tâm Thần” trên khu mạng: www.timhieuthanhkinh.net [1].

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjIyOTI1Njhf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201801-than-tri-va-tieng-chua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/5s6fptk7t9ue39r/201801_ThanTriVaTiengChua.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Quý con dân Chúa nào hết lòng sống theo Lời Chúa, có sự tương giao mật thiết với Chúa, thì sẽ được thường xuyên trò chuyện với Chúa bằng cả thân thể xác thịt lẫn thân thể thiêng liêng là tâm thần. Không phải chỉ có Đức Thánh Linh trực tiếp phán với chúng ta mà chính Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ cũng phán trực tiếp với chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định rằng, Ngài ở cùng những môn đồ của Ngài luôn cho tới lúc tận thế (Ma-thi-ơ 28:20), và Đức Chúa Trời cũng sẽ đến và ở lại với những ai vâng giữ những lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ, còn gọi là giáo lý của Đấng Christ (II Giăng câu 9):

Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Nếu ai yêu Ta thì vâng giữ những lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu người ấy. Chúng ta sẽ đến với người ấy và làm ra chỗ ở của chúng ta với người ấy.” (Giăng 14:23).

Động từ “làm ra” được dùng trong Giăng 14:23 có rất nhiều nghĩa: sản xuất, xây dựng, phát sinh, sáng tạo, cung cấp, chỉ định, thực hiện, làm thành…

Danh từ “chỗ ở” chỉ về nơi thường trú, nhà cửa.

Giới từ “với” có nghĩa là: bên cạnh, gần, trong phạm vi, tại chỗ, giữa vòng…

Trong khi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể xác thịt của con dân Chúa thì Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời và Thiên Chúa trong thân vị loài người cùng “làm ra chỗ ở gần bên” con dân Chúa bất cứ nơi nào con dân Chúa cư ngụ. Nói cách khác, trong khi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh hiện diện trong chúng ta thì Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời cùng Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Jesus Christ hiện diện ngay trong nhà của chúng ta và đồng hành với chúng ta khắp nơi. Chính vì thế mà sự con dân Chúa thường xuyên trò chuyện với Ba Ngôi Thiên Chúa là điều đương nhiên, chỉ cần chúng ta quan tâm đến sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chúng ta, bên cạnh chúng ta, và tự nhiên thưa chuyện với Thiên Chúa.

Trong khi trò chuyện với Thiên Chúa chúng ta gọi Đức Chúa Trời là Cha, gọi Đức Chúa Jesus Christ là Chúa, và gọi Đấng Thần Linh là Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta, chăm sóc mọi nhu cầu thuộc thể lẫn thuộc linh trong đời sống của chúng ta, ban mọi thứ phước cho chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ ban thêm sức cho chúng ta, cùng làm việc với chúng ta (mang ách chung, Ma-thi-ơ 11:29), cai trị đời sống của chúng ta, làm gương cho chúng ta, cầu thay cho chúng ta khi chúng ta lỡ phạm tội. Đức Thánh Linh an ủi chúng ta những khi chúng ta đau buồn vì khó khăn, hoạn nạn; giảng dạy Lời Chúa cho chúng ta để chúng ta hiểu rõ mọi lẽ thật; hướng dẫn chúng ta cách thức ứng xử, áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống; cáo trách chúng ta khi chúng ta phạm lỗi, phạm tội; làm chứng cho chúng ta về sự chúng ta được cứu, được làm con cái của Đức Chúa Trời, sẽ hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời; dâng lời cầu thay lên Đức Chúa Trời cho chúng ta khi chúng ta không thể nói nên lời; và ban cho chúng ta mọi ân tứ mà chúng ta cần, để chúng ta gây dựng chính mình và gây dựng Hội Thánh, giúp ích mọi người, sống đẹp lòng Đức Chúa Trời [2].

Một trong các nhầm lẫn mà nhiều con dân Chúa thường lâm vấp nhất là sự nhầm lẫn giữa thần trí, tức là những ý nghĩ, ước muốn trong tâm thần, với tiếng phán của Đức Thánh Linh. Vì thế mà họ thường nói:

  • Chúa cảm động tôi…

  • Chúa dạy tôi…

  • Chúa nhắc tôi…

  • Chúa phán với tôi…

  • Chúa kêu gọi tôi…

  • Chúa thúc giục tôi…

  • Chúa cáo trách tôi…

Trong khi thực ra, phần nhiều đó chỉ là những ý nghĩ và ước muốn trong tâm thần của họ.

Trong thực tế, khi một người có mối tương giao mật thiết với Chúa thì người ấy thường xuyên được Chúa cảm động, dạy dỗ, nhắc nhở, phán bảo, kêu gọi, thúc giục, cáo trách… Nhưng làm thế nào để phân biệt được lời nào là từ lý trí hoặc thần trí của mình, và lời nào là tiếng phán của Chúa? Thậm chí, làm thế nào để phân biệt được lời nào đến từ ma quỷ?

PHẦN BỔ SUNG 21/05/2018

Kính thưa Hội Thánh,

Tin Lành đến Việt Nam vừa hơn 100 năm (1911-2018). Các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ đã in ra vẫn chưa được theo sát nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh. Chúng ta chưa có các bộ từ điển Hê-bơ-rơ – Việt, Hy-lạp – Việt, từ điển Thánh Kinh tiếng Việt, và từ điển thần học tiếng Việt. Vì thế, việc chuyển đạt ý nghĩa của nhiều từ ngữ Thánh Kinh sang tiếng Việt cho thật chính xác là một điều khó khăn; và trong quá trình tạo từ mới hoặc dùng từ ngữ đã có với nghĩa mới có thể xảy ra thiếu sót và lỗi lầm.

Điển hình là việc ban đầu tôi dùng “lý trí” để chỉ sự nhận thức bởi lý luận theo xác thịt khác với “thần trí” là sự nhận thức do Chúa ban cho trong “tâm thần”, và tôi đã đồng hóa “lý trí” với “tâm trí” theo nghĩa chữ “tâm” (心) là trái tim, chỉ về sự cảm xúc: tâm trí  (心智) = sự nhận biết theo cảm xúc của xác thịt. Vì thế, trong bài “Thần Trí và Tiếng Chúa” tôi đã giảng rằng:

“Trước hết, chúng ta cần phân biệt lý trí, còn gọi là tâm trí, với thần trí. Lý trí hay tâm trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể xác thịt.”

Nhưng sau đó, trong khi suy ngẫm để biên soạn các bài giảng chú giải Thư Rô-ma thì tôi đã dùng “tâm trí” để bao gồm “lý trí” và “thần trí” theo nghĩa chữ “tâm” (心) là chính giữa, là bên trong: tâm trí = sự nhận biết theo con người bên trong, tức linh hồn (linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt). Mà linh hồn của chúng ta vừa có sự nhận thức theo xác thịt (lý trí) vừa có sự nhận thức theo tâm thần (thần trí). Vì thế, trong bài giảng ” Chú giải Rô-ma 8:1-11″ tôi đã giảng:

“Tâm trí bao gồm lý trí và thần trí.”

Như vậy, chữ “tâm trí” dùng trong Thánh Kinh mang ý nghĩa khác với chữ “tâm trí” người thế gian dùng. Đây là sự áp đặt nghĩa mới cho từ ngữ đã có sẵn, tạo thành một danh từ thần học trong tiếng Việt.

Có lẽ sẽ có người hỏi tôi: Khi ông biên soạn bài giảng “Thần Trí và Tiếng Chúa” và giảng rằng, “Trước hết, chúng ta cần phân biệt lý trí, còn gọi là tâm trí, với thần trí. Lý trí hay tâm trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể xác thịt.” Thì ông có được thần cảm hay không? Bài giảng ấy có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh hay không? Nếu có, sao Đức Thánh Linh để cho ông đồng hóa “lý trí” với “tâm trí”?

Tôi xin trả lời: Mỗi bài giảng tôi đều cầu nguyện xin Chúa soi dẫn tôi, để tôi hiểu đúng lẽ thật của Lời Chúa và được ơn trong khi trình bày. Tôi tin rằng, các sứ điệp trong mỗi bài giảng tôi giảng cho Hội Thánh, kể từ khi tôi ra khỏi giáo hội đều là đúng theo Lời Chúa, và sự hiểu biết của tôi về Lời Chúa là đến từ Chúa. Tuy nhiên, về các dữ kiện lịch sử ngoài Thánh Kinh, các sự hiểu biết về khoa học, chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội… thì tôi dựa trên trí thức của loài người, mà những gì thuộc về loài người thì không hẵn là đúng 100%. Trong các bài giảng, thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc đến các dữ kiện ngoài Thánh Kinh, dựa trên trí thức của loài người. Ngoài ra, tôi vẫn còn phạm lỗi chính tả, văn phạm; đôi khi dùng sai chữ để diễn tả một ý tưởng, thậm chí có khi ghi sai địa chỉ các câu Thánh Kinh được trích dẫn… Nhưng các điều ấy không có nghĩa là Chúa không soi dẫn tôi trong khi tôi biên soạn các bài giảng, vì lẽ thật về Lời Chúa được tôi trình bày trong bài giảng không bị các lỗi ấy ảnh hưởng đến; mà các điều ấy chỉ là bằng cớ cho thấy, sự trí thức của tôi có giới hạn, và Chúa cho phép các lỗi như vậy xảy ra, để mọi người nhìn thấy sự thiếu sót của tôi, còn tôi thì luôn được nhắc nhở là mình không là gì nếu không có các sự ban cho của Chúa, để tôi không lên mình kiêu ngạo. Mỗi khi có ai chỉ ra lỗi của tôi trong các bài giảng thì đó cũng là cơ hội để tôi chọn lựa: Thật lòng nhận lỗi hay kiêu ngạo, tự ái, tìm cách khỏa lấp lỗi.

Sách Khải Huyền do Sứ Đồ Giăng viết ra theo sự mạc khải mà Đấng Christ đã tỏ ra cho ông. Tuy nhiên, vốn là người đánh cá không có học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13), Giăng không giỏi viết văn, lại là viết trong tiếng Hy-lạp, nên sách Khải Huyền do ông viết đầy các lỗi chính tả và văn phạm, khác với sách Giăng và các thư Giăng I, II, III mà ông đọc cho các thư ký có học ghi chép [1]. Chúng ta không thể vì những lỗi chính tả, văn phạm trong sách Khải Huyền mà cho rằng Giăng không được Đức Thánh Linh thần cảm để ông viết ra sách Khải Huyền.

Chúa có quyền khiến cho Giăng viết ra sách Khải Huyền với văn phong bóng bẩy, tuyệt vời nhưng Ngài đã không chọn làm như vậy.

Kính thưa Hội Thánh,

Tôi xin Hội Thánh tha lỗi cho tôi vì tôi đã khiến cho Hội Thánh bị bối rối về sự tôi đã đồng hoá từ “tâm trí” với “lý trí”, sau đó thì dùng từ “tâm trí” với nghĩa mới: bao gồm “lý trí” và “thần trí”, mà không có lời hiệu đính và giải thích. Tôi xin lỗi những ai đã vì sự việc này mà bị vấp phạm.

Từ nay, xin Hội Thánh dùng từ “tâm trí” với nghĩa mới: Tâm trí bao gồm lý trí và thần trí.

Tôi xin cám ơn Hội Thánh.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huỳnh Christian Timothy

Trước hết, chúng ta cần phân biệt lý trí, còn gọi là tâm trí, với thần trí.

Lý trí hay tâm trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể xác thịt. Trong tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, danh từ לֵב (leb) /lây/ H3820 được dùng để chỉ: trái tim, tấm lòng, tâm trí, lý trí. Trong tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “lý trí” là νοῦς (nous) /nuốt/ G3563.

Thần trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể thiêng liêng là tâm thần. Trong tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, danh từ רוּחַ (ruwach) /ru-ác-kh/ H7307 vừa chỉ về tâm thần, vừa chỉ về thần trí. Trong tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ πνεῦμα (pneuma) /niu-ma/ G4151 vừa chỉ về tâm thần, vừa chỉ về thần trí [1]. Thần trí thông công với Thiên Chúa thì sẽ dựa trên những lẽ thật mà Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người qua Thánh Kinh. Thần trí thông công với tà linh thì sẽ dựa trên những sự dối trá do tà linh đưa ra. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh đã cảnh cáo con dân Chúa qua Sứ Đồ Giăng:

Hỡi các con yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần trí, nhưng hãy thử cho biết các đấng thần linh có phải thuộc về Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã vào trong thế gian.” (I Giăng 4:1).

Khi chúng ta có thần trí thông công với Thiên Chúa thì Thánh Kinh gọi là chúng ta có thần trí của Đấng Christ:

Nhưng các anh chị em không theo xác thịt mà theo tâm thần, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Rô-ma 8:9).

Vì hết thảy những ai được thần trí của Thiên Chúa dắt dẫn, đều là con cái của Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:14).

Kế tiếp, chúng ta phải hiểu rằng, mặc dù ma quỷ không thể biết được các ý tưởng trong tâm trí và thần trí của chúng ta, nhưng ma quỷ vẫn có thể cám dỗ chúng ta bằng cách gieo vào trong chúng ta những ý tưởng xúi giục chúng ta phạm tội.

Vì chúng ta đã là con cái của Đức Chúa Trời, là những người có thần trí của Đấng Christ, là thần trí nhận biết tội lỗi và gớm ghét tội lỗi, cho nên, tất cả những ý muốn phạm tội đều thuộc về sự ham muốn bất chính của xác thịt, tất cả những tiếng nói trong tâm thần của chúng ta nghịch lại với lẽ thật của Lời Chúa đều đến từ tà linh.

Khi chúng ta chưa tin Chúa, chúng ta sống theo lý trí của mình và theo sự xúi giục của ma quỷ trong tâm thần của chúng ta. Đối với những người bị tà linh xâm nhập thì họ hoàn toàn sống theo sự điều khiển của tà linh.

Một ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus Christ được ghi lại trong Lu-ca 12:15-21, cho chúng ta thấy sự một người sống theo lý trí:

15 Ngài lại phán với họ: Hãy nhận biết và canh chừng {để tránh} khỏi sự tham lam! Vì sự sống của một người không phải là sự dư dật tài sản của người ấy.

16 Ngài kể cho họ một ngụ ngôn. Ngài phán: Ruộng của một người giàu kia phì nhiêu lắm.

17 Ông ấy lý luận với chính mình: Ta sẽ làm gì? Vì ta không có đủ chỗ để chứa những sản vật của ta.

18 Ông ấy lại nói: Ta sẽ làm điều này, ta sẽ phá bỏ các nhà kho của ta và cất cái khác lớn hơn, rồi ta sẽ thu trữ mọi sản vật của ta và gia tài của ta vào đó.

19 Ta sẽ nói với linh hồn của ta: Linh hồn ơi! Ngươi đã được nhiều gia tài để dành cho nhiều năm. Hãy nghỉ ngơi, ăn uống, vui vẻ!

20 Nhưng Đức Chúa Trời phán với ông: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại từ nơi ngươi. Vậy, những vật ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?

21 Bất cứ ai thu trữ cho mình mà không giàu có nơi Thiên Chúa thì cũng như vậy.

Sự lý luận với chính mình cùng nghĩa với sự nói với linh hồn của mình. Ý nghĩ, lời nói, và sự quyết định của người nhà giàu trong ngụ ngôn thuộc về lý trí của ông, hoàn toàn hợp tình, hợp lý, và khôn sáng theo tiêu chuẩn của thế gian, nhưng không đúng với thần trí của Đấng Christ. Đối với một người có thần trí của Đấng Christ thì người ấy sẽ cầu xin Chúa dạy cho mình biết phải làm gì với sự giàu có của mình, xin Chúa dạy cho mình biết, Chúa muốn mình làm gì trong những ngày tháng còn lại của đời mình.

Sau khi chúng ta tin nhận Chúa và được dựng nên mới, thì chúng ta có sự lựa chọn: (1) Hoặc là sống theo xác thịt, chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt. (2) Hoặc là sống theo tâm thần đã được dựng nên mới, vâng theo những ý muốn thánh khiết mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm thần.

Vì những kẻ theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn những người theo tâm thần thì chăm những sự thuộc về tâm thần. Chăm về xác thịt thì chết, còn chăm về tâm thần thì sống và bình an. Vì sự chăm về xác thịt nghịch lại Thiên Chúa, bởi nó không phục dưới luật pháp của Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được. Những kẻ theo xác thịt thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:5-8).

Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!” (Ga-la-ti 5:16).

Nếu chúng ta sống theo thần trí, thì chúng ta cũng hãy bước đi theo thần trí.” (Ga-la-ti 5:25).

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Người chọn sống theo tâm thần sẽ thường xuyên có những ý muốn hiệp với sự dạy dỗ của Lời Chúa và thường xuyên nghe tiếng của tâm thần, mà nếu không cẩn thận thì sẽ nhầm lẫn là tiếng của Chúa.

Khi chúng ta đối diện trước một vấn đề và trong tâm thần xuất hiện một câu Thánh Kinh để giúp chúng ta đánh giá và giải quyết vấn đề theo Lời Chúa, thì đó không phải là tiếng phán hay sự nhắc nhở của Chúa, mà chỉ là hoạt động của tâm thần. Đó là sự thần trí của chúng ta dẫn dắt chúng ta.

Khi chúng ta ham thích hầu việc Chúa, cứu giúp người, thì đó là sự Thiên Chúa tác động trong chúng ta để chúng ta ham thích và làm ra những việc lành, đẹp ý Ngài. Nhưng hầu việc Chúa như thế nào, cứu giúp người ra sao, thì thần trí của chúng ta sẽ dựa trên sự hiểu biết Lời Chúa mà dẫn dắt chúng ta, cho đến khi chúng ta cảm thấy tự mình không thể quyết định được, chúng ta cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt, thì chúng ta sẽ nghe được tiếng phán của Chúa. Ngài có thể nhắc chúng ta một câu Thánh Kinh. Ngài có thể nhắc chúng ta nhớ đến một ai đó, một sự gì đó. Ngài có thể trực tiếp truyền lệnh cho chúng ta. Bất cứ thân vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đều xưng “Ta” hoặc “Chúa” với chúng ta và gọi chúng ta bằng “con” hoặc bằng tên của chúng ta.

Khi chúng ta đứng trước sự cám dỗ thì chính thần trí của chúng ta lên tiếng cảnh cáo, bằng cách chỉ rõ đó là tội lỗi và nhắc chúng ta những câu Thánh Kinh, giúp chúng ta có thêm sức để tránh xa sự cám dỗ.

Khi chúng ta hạ mình, khiêm nhường, suy ngẫm Lời Chúa thì Đức Thánh Linh luôn dẫn dắt chúng ta vào trong mọi lẽ thật bằng cách ban cho chúng ta sự khôn sáng, hiểu biết đúng về Lời Chúa. Đó chính là sự thần cảm đến từ Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta hạ mình, khiêm nhường, chia sẻ sự hiểu biết Lời Chúa của mình với các anh chị em cùng Cha thì Đức Thánh Linh sẽ giúp cho các anh chị em cùng Cha của chúng ta được hiểu biết đúng lời chia sẻ của chúng ta, nếu họ biết hạ mình, khiêm nhường, đón nghe. Đó cũng là sự thần cảm của Đức Thánh Linh trên người chia sẻ và những người nghe.

Nhân tiện đây, chúng tôi cũng xin chia sẻ với Hội Thánh điều này. Sau khi tôi giảng về Ô-sê 6:1-2 phần 2 thì có một con dân Chúa email cho tôi với thắc mắc như sau:

[Trích nguyên văn từ email ngày 30/12/2017]

Chao anh Tim

Toi thuc su thac mac la anh thuc su da duoc than cam khi giang ve o se 6:1-2 vao ngay 22.4.2017 khong?

Khi ay anh da manh me keu goi chung toi bang moi cach phai pho bien bai giang ay den moi nguoi nhat la nhung nguoi than trong gia dinh.

Nhung bay gio thi anh lai co mot huong suy dien moi.Toi thuc su khong biet dieu gi se xay ra khi moi nguoi da tin theo gia thuyet thu nhat cua anh.

Anh co the chia se nhung suy dien cua anh khi anh hoc hoi loi Chua, nhung xin anh dung noi voi chung toi bang moi cach phai pho bien nhung suy dien cua anh cho moi nguoi.

Toi tin chac mot dieu la neu mot nguoi da thuc su thuoc ve Chua thi ho luon luon san sang de duoc gap Chua bat cu luc nao.

[Hết trích]

Nếu có ai thực sự thắc mắc là chúng tôi có thực sự được thần cảm để giảng một bài giảng nào hay không, thì người ấy nên đến với Chúa và hỏi Chúa. Chắc chắn, Chúa sẽ luôn đáp lời cho những ai thật lòng tìm kiếm lẽ thật. Riêng với chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ rao giảng một điều gì nếu chúng tôi không tin điều chúng tôi rao giảng và không tin đó là điều Chúa muốn cho chúng tôi rao giảng.

Bài giảng về Ô-sê 6:1-2 phần 1 lẫn phần 2 đều có cùng một sứ điệp. Đó là: “Ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần, gần như hơi thở kế tiếp của chúng ta.” Việc chúng tôi đưa ra ba giả thuyết khác nhau về ngày Chúa phục hồi dân I-sơ-ra-ên, ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu Kỳ Tận Thế không dính dáng gì đến sứ điệp Chúa muốn chúng tôi rao truyền cho Hội Thánh qua hai bài giảng ấy, mà chỉ là để giúp cho chúng ta hiểu rõ những gì có thể hiểu được về ý nghĩa của hai câu Thánh Kinh ấy.

Người viết email cho chúng tôi đã không chú tâm đến sứ điệp của hai bài giảng mà chỉ chú tâm đến các giả thuyết về thời điểm Chúa sẽ làm cho dân I-sơ-ra-ên được sống lại về phần thuộc linh. Khi đã gọi là giả thuyết thì đó không phải là điều ắt sẽ xảy ra, mà chỉ là điều có thể xảy ra. Chúng tôi đã cẩn thận viết hoa và tô đậm các chữ “NẾU” được dùng trong mỗi giả thuyết. Chúng tôi không hề kêu gọi ai phải TIN vào một giả thuyết nào. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh là không thể biến các giả thuyết ấy thành giáo lý.

Chúng tôi không kêu gọi con dân Chúa phổ biến các giả thuyết về thời điểm Chúa phục hồi dân I-sơ-ra-ên qua lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2, mà chúng tôi chỉ kêu gọi con dân Chúa phổ biến bài giảng kêu gọi con dân Chúa sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, vì ngày Chúa đến đã quá gần, khi thời điểm dân I-sơ-ra-ên được Chúa làm cho sống lại sẽ không quá 3 năm hay không quá 10 năm!

Chắc chắn là một người đã thực sự thuộc về Chúa thì người ấy sẵn sàng gặp Chúa bất cứ lúc nào. Nhưng bổn phận của mỗi con dân Chúa là: “hãy khuyên bảo {nhau}, và {khuyên bảo} càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25). Vì thế hai bài giảng của chúng tôi về Ô-sê 6:1-2 chính là sự chúng tôi làm tròn bổn phận Chúa giao phó cho chúng tôi, trong sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Chúng tôi mong rằng bất cứ ai nghe hoặc đọc hai bài giảng ấy đều được Đức Thánh Linh thần cảm để nhận biết sứ điệp Đức Thánh Linh muốn gửi đến cho họ qua hai bài giảng ấy.

Gần đây, có những bài chia sẻ, làm chứng, bài thơ, bài thánh ca của một số con dân Chúa trên trang Gia Đình, mà chúng ta nhận thấy rõ sự thần cảm của Đức Thánh Linh trên người viết. Sự thần cảm này khác với sự thần cảm để ghi chép Thánh Kinh. Sự thần cảm để ghi chép Thánh Kinh là sự thần cảm để người viết viết ra những gì chính Thiên Chúa muốn phán dạy cho loài người. Sự thần cảm trên người viết để viết ra những bài chia sẻ, làm chứng, thơ, lời ca, và ngay cả những bài giảng là sự thần cảm để giãi bày các lẽ thật của Thánh Kinh và ghi lại những ân điển Thiên Chúa làm ra trong đời sống của con dân Chúa.

Trở lại với sự nhận biết tiếng phán của Chúa trong tâm thần của chúng ta, chúng ta cần hiểu rằng, tất cả những gì cần thiết để chúng ta sống một đời sống an vui, hạnh phúc, thánh khiết trong Chúa, kết nhiều quả lành, đều đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Chúng ta chỉ cần ngày đêm đọc, suy ngẫm, rồi cẩn thận làm theo Lời Chúa, thì chúng ta sẽ được thịnh vượng và khôn sáng trong mọi nơi, mọi lúc:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi mới hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Vì thế, chúng ta sẽ không nghe tiếng Chúa phán dạy gì cho chúng ta trong cuộc sống mỗi ngày, trừ khi chúng ta đối diện với những hoàn cảnh đặc biệt mà chúng ta không biết phải ứng xử như thế nào, và chúng ta dâng trình lên Chúa để tìm cầu sự dẫn dắt của Ngài.

Tuy nhiên, khi chúng ta tôn vinh, cảm tạ Chúa, tâm sự những vui buồn trong cuộc sống với Chúa, cầu xin Chúa soi dẫn cho chúng ta một vấn đề gì mà tâm thần của chúng ta chưa biết cách giải quyết, thì chúng ta sẽ được nghe tiếng Chúa trò chuyện với chúng ta. Đặc biệt, khi chúng ta cầu xin Chúa giảng dạy Thánh Kinh cho chúng ta, thì chúng ta sẽ được nghe Đức Thánh Linh giảng giải cho chúng ta những điều sâu nhiệm, lạ lùng của Lời Chúa.

Quý ông bà anh chị em hãy tập thói quen này, đọc nhiều lần một phân đoạn Thánh Kinh trước khi ngủ, cầu xin Đức Thánh Linh giảng dạy phân đoạn Thánh Kinh ấy cho mình trong khi chờ đợi giấc ngủ đến. Quý ông bà anh chị em sẽ được nghe sự phán dạy tuyệt vời của Đức Thánh Linh.

Quý ông bà anh chị em cũng hãy tập thói quen trò chuyện với Chúa mỗi ngày về những vui buồn trong cuộc sống. Ngoài thì giờ dành riêng cho việc khẩn xin và cầu thay, hãy trò chuyện với Chúa như quý ông bà anh chị em nhìn thấy Chúa đang đối diện với mình, cùng sinh hoạt với mình. Nói với Chúa như con nói với cha, như tôi tớ nói với chủ, như trò nói với thầy. Tôn kính nhưng thân mật, với lòng yêu thương, dạn dĩ.

Tuy nhiên, chỉ những ai có lòng trong sạch mới kinh nghiệm được ơn phước trò chuyện với Thiên Chúa, mình nói và Chúa đáp lời.

Xin quý ông bà anh chị em đọc thêm các bài sau đây:

  • “Lý Trí và Tình Cảm Trong Chúa” đã được đăng trên khu mạng www.timhieutinlanh.com [4].

  • “Lời Xưng Tội Bởi Lý Trí và Lời Xưng Tội Bởi Thần Trí” đã được đăng trên khu mạng www.timhieutinlanh.com [5].

Chúng tôi kính chúc quý ông bà anh chị em suốt năm 2018 được kinh nghiệm thật nhiều những ơn phước lạ lùng trong sự tương giao mật thiết với Chúa, khi quý ông bà anh chị em nói với Chúa và nghe Chúa đáp lời mình.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/01/2018

Ghi Chú

Karaoke: “Tình Chúa Xuân”
http://thanhca.timhieutinlanh.com/karaoke-tinh-chua-xuan/

Karaoke: “Mùa Xuân Trong Ơn Chúa”
http://thanhca.timhieutinlanh.com/karaoke-mua-xuan-trong-on-chua/

[1] http://timhieuthanhkinh.net/loai-nguoi-03-tam-than/

[2] http://kytanthe.net/?p=114

[3] https://www.timhieutinlanh.com/nyttn-nghe-tieng-chua/

[4] https://www.timhieutinlanh.com/nyttn-ly-tri-va-tinh-cam-trong-chua/

[5] https://www.timhieutinlanh.com/nyttn-loi-xung-toi-boi-ly-tri-va-loi-xung-toi-boi-than-tri/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.