Ngày Tận Thế Theo Thánh Kinh

3,169 views

Nhấp vào nút play  ►để nghe

I. Ý nghĩa của sự tận thế theo Thánh Kinh

“Kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ. Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy… Đến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra.” (Ma-thi-ơ 13:39, 40, 49)

“Ngài đương ngồi trên núi ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế.” (Ma-thi-ơ 24:3)

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:20)

Theo nguyên tác, chữ “tận thế” trong các câu Thánh Kinh trên đây có nghĩa là sự hoàn toàn chấm dứt một thời đại:

– Sunteleia [soon-tel’-i-ah] = sự chấm dứt toàn diện.

– Aiōn [ahee-ohn’] = thời đại, theo nghĩa đen = thế gian, theo nghĩa bóng.

Thời đại là một khoảng thời gian trong lịch sử của loài người mà trong khoảng thời gian đó Đức Chúa Trời bày tỏ thánh ý của Ngài cho nhân loại và chờ đợi sự đáp ứng của nhân loại. Hầu hết những lời tiên tri về sự tận thế trong Thánh Kinh đều nói về sự kết thúc thời đại của chúng ta. Sự kết thúc đó xảy ra bởi sự tái lâm của Đấng Christ để tiêu diệt Antichrist và tất cả những người không tin nhận Chúa trước khi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm Bình An của Ngài. Chỉ có một ngoại lệ được ghi lại trong II Phi-e-rơ 3:7-13 là sự tận thế chỉ về sự tiêu diệt toàn thể vũ trụ để lập nên trời mới đất mới. Sự tận thế này xảy ra vào cuối thời đại của Vương Quốc Ngàn năm Bình An:

“7 Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác.

8 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.

9 Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.

10 Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

11 Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tôn kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12 trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!

13 Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.”

Sự hủy phá kẻ ác bao gồm sự Đấng Christ tiêu diệt những người tội lỗi vào cuối Thời Đại Ngàn Năm Bình An, sự Đấng Christ ném Satan vào hỏa ngục, và sự tất cả những người không tin nhận Chúa trong mọi thời đại chịu sự phán xét trước Ngai Trắng Lớn của Đấng Christ trước khi bị ném vào hỏa ngục chung với Satan cùng các quỷ sứ của nó cho đến đời đời. Những điều đó được ghi chép rõ trong Khải Huyền 19:7-15.

“7 Khi hạn ngàn năm mãn rồi, quỷ Sa-tan sẽ được thả,

8 và nó ra khỏi ngục mình đặng dỗ dành dân ở bốn phương trên đất, dân Gót và dân Ma-gót; nó nhóm chúng lại để chiến tranh, đông như cát bờ biển.

9 Chúng nó lên khắp các vùng rộng trên mặt đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có lửa từ trên trời rơi xuống thiêu diệt chúng nó.

10 Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.

11 Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa.

12 Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy.

13 Biển đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm.

14 Đoạn, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai.

15 Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.”

II. Các Thời Đại

Hầu hết các nhà giải kinh và các nhà thần học dựa vào Thánh Kinh chia lịch sử loài người ra thành bảy thời đại. Các thời đại có độ dài ngắn khác nhau. Mỗi thời đại đều kết thúc bởi sự phán xét của Đức Chúa Trời trên toàn thể nhân loại. Từ khi loài người được dựng nên cho đến ngày hôm nay, năm thời đại đã qua đi và chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của thời đại thứ sáu.

1. Thời đại thứ nhất: Thời Đại Vô Tội. Khởi đầu với sự dựng nên loài người và kết thúc với Sự Sa Ngã. Trong thời đại này loài người hoàn toàn vô tội cho đến khi cố ý phạm tội không vâng lời Chúa.

2. Thời đại thứ nhì: Thời Đại Lương Tâm. Khởi đầu với sự loài người bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và kết thúc với Cơn Nước Lụt. Trong thời đại này Đức Chúa Trời để cho loài người sống theo lương tâm.

3. Thời đại thứ ba: Thời Đại Chính Quyền. Khởi đầu với sự gia đình Nô-ê ra khỏi tàu và kết thúc khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ram. Trong thời đại này Đức Chúa Trời để cho loài người tự cai trị lẫn nhau.

4. Thời đại thứ tư: Thời Đại Lời Hứa. Khởi đầu với sự Áp-ram đáp lại sự kêu gọi của Chúa và kết thúc khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se. Trong thời đại này Đức Chúa Trời ban lời hứa cho những người đáp lại sự kêu gọi của Ngài.

5. Thời đại thứ năm: Thời Đại Luật Pháp. Khởi đầu với sự Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và kết thúc với sự chết của Đức Chúa Jesus Christ. Trong thời đại này Đức Chúa Trời ban luật pháp cho nhân loại qua dân tộc Y-sơ-ra-ên.

6. Thời đại thứ sáu: Thời Đại Ân Điển, là thời đại mà chúng ta đang sống. Khởi đầu với Sự Phục Sinh của Đấng Christ và kéo dài cho đến khi Đấng Christ tái lâm.

7. Thời đại thứ bảy: Thời Đại Nước Trời Trên Đất, còn gọi là Thời Đại Ngàn Năm Bình An. Khởi đầu với sự Đấng Christ diệt hết những người không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, ném Antichrist và tiên tri giả của Antichrist vào hoả ngục, nhốt Satan vào vực sâu. Thời đại này sẽ kết thúc với sự hủy diệt toàn thể vũ trụ (II Phi-e-rơ 3:10; Khải Huyền 20:11) để lập lại trời mới đất mới (Khải Huyền 21:1). Sau đó, những người thuộc về Chúa sống đời đời với Ngài trong trời mới đất mới, những người chối bỏ Chúa sống đời đời trong hỏa ngục.

II. Sự Chúa đến và tận thế

Sự Chúa trở lại để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian và sự tận thế là hai sự kiện khác nhau. Xưa nay, các nhà giải kinh cho rằng Đức Chúa Jesus đến thế gian hai lần. Lần thứ nhất để làm sinh tế chuộc tội nhân loại và lần thứ hai để tiêu diệt tội lỗi và thiết lập Nước Trời trên đất. Tuy nhiên, Thánh Kinh cho chúng ta biết Đức Chúa Jesus đến thế gian ba lần:

1. Đức Chúa Jesus đến thế gian lần thứ nhất để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại:

“Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp.” (Ga-la-ti 4:4)

“Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy…” (I Ti-mô-thê 1:15)

2. Đức Chúa Jesu đến thế gian lần thứ hai để đem Hội Thánh về thiên đàng với Ngài:

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa. Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:1-3)

“Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, 17)

3. Đức Chúa Jesus đến thế gian lần thứ ba để thiết lập Nước Trời trên đất:

“Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa… Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Khi ấy, điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia.” (Ma-thi-ơ 24:21, 29-31)

“11 Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cỡi ngựa ấy gọi là Đấng Trung Tín Và Chơn Thật; Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu.

12 Mắt Ngài như ngọn lửa; trên đầu có nhiều mão triều thiên, lại có đề một danh, ngoài Ngài ra không ai biết được.

13 Ngài mặc áo nhúng trong huyết, danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời.

14 Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài.

15 Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng.

16 Trên áo tơi và trên đùi Ngài, có đề một danh là Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa.

17 Tôi thấy một vị thiên sứ đứng trong mặt trời. Người cất tiếng lớn kêu các chim chóc bay giữa không của trời, mà rằng: Hãy đến, bay hãy nhóm họp lại để dự tiệc lớn của Đức Chúa Trời,

18 hãy đến ăn thịt các vua, thịt các tướng, thịt các dũng sĩ, thịt ngựa cùng kẻ cỡi ngựa, và thịt của mọi người, tự chủ và tôi mọi, nhỏ và lớn.

19 Tôi lại thấy con thú và các vua thế gian cùng những quân đội mình nhóm lại đặng tranh chiến với Đấng cỡi ngựa, và với đạo binh của Ngài.

20 Nhưng con thú bị bắt và tiên tri giả là kẻ đã làm phép lạ trước mặt cho thú, nhờ đó lừa dối những người đã nhận dấu hiệu con thú cùng thờ lạy hình tượng nó, cùng bị bắt với nó nữa; cả hai đều đương sống bị quăng xuống hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng.

21 Những kẻ khác đều bị giết bởi lưỡi gươm ra từ miệng Đấng cỡi ngựa, và hết thảy chim chóc đều được ăn thịt chúng nó no nê.” (Khải Huyền 19)

Kết luận

Sự tận thế theo Thánh Kinh bao gồm sự kiện kết thúc Thời Đại Ân Điển để mở đầu cho Thời Đại Ngàn Năm Bình An đồng thời sự kiện Chúa tiêu diệt cả trời đất sau Thời Đại Ngàn Năm Bình An để dựng nên trời mới và đất mới. Cả hai sự kiện tận thế đều không ảnh hưởng trực tiếp đến Hội Thánh của Chúa vì trước đó Hội Thánh sẽ được cất ra khỏi thế gian để ở cùng Chúa luôn luôn.

Sự tận thế để kết thúc Thời Đại Ân Điển là một tiến trình kinh hoàng kéo dài đến bảy năm như đã được báo trước trong Ma-thi-ơ 24 và trình bày chi tiết từng biến cố một trong Khải Huyền 6-19. Sự tận thế này có thể ảnh hưởng sâu đậm đến rất nhiều người đang sống trong thời hiện tại, là những người không tin nhận Chúa và những người đã tin nhận Chúa nhưng chưa dứt khoác với tội lỗi, vẫn còn yêu mến thế gian, sống theo thế gian. Họ sẽ bị bỏ lại trong ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Ngày ấy, có thể sẽ xảy đến trong thời đại của chúng ta!

Huỳnh Christian Timothy
22/06/2008