Đức Tin trong Đạo Chúa

3,104 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

Đức tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời

Đức tin trong Đạo Chúa bắt đầu bằng đức tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời, nghĩa là tin rằng có một Đức Chúa Trời. Có một số người không tin rằng có Đức Chúa Trời mà chúng ta gọi là những người vô thần. Những người này không thể giải thích được sự thực hữu của chính họ và vũ trụ mà họ đang sống trong đó, nhưng lại không tin có một Đức Chúa Trời sáng tạo ra muôn loài vạn vật. Thánh Kinh cho biết sự thực hữu của Đức Chúa Trời đã được chính Ngài bày tỏ cho nhân loại từ buổi sáng thế:

“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài.” (Rô-ma 1:19, 20)

Thánh Kinh xác nhận thiên nhiên là chứng tích cho sự thực hữu của Đức Chúa Trời:

“Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia. Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.” (Thi Thiên 19:1, 2)

Và Thánh Kinh gọi những người vô thần là những kẻ ngu dại:

“Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời.” (Thi Thiên 14:1; 53:1)

Đức tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời không chỉ đơn giản là tin vào một sức mạnh siêu nhiên làm phát sinh ra muôn loài vạn vật, hay là tin vào một khái niệm trừu tượng về chân, thiện, mỹ. Đức tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời cũng không phải là tin vào một định luật như luật nhân quả, hay là tin vào các huyền thoại như huyền thoại Ngọc Hoàng Thượng Đế!

Sức mạnh siêu nhiên làm phát sinh ra muôn loài vạn vật, bảo tồn muôn loài vạn vật, và tể trị muôn loài vạn vật không phải là Đức Chúa Trời, mà là quyền phép của Ngài. Chân, thiện, mỹ không phải là Đức Chúa Trời mà là thuộc tính của Ngài. Luật nhân quả không phải là Đức Chúa Trời mà là luật pháp do Ngài đặt ra. Tất cả các huyền thoại về Thượng Đế đều là sự tưởng tượng và suy diễn của loài người về Đức Chúa Trời mà không hề phản ánh lẽ thật về Ngài. Đức tin đúng về Đức Chúa Trời trước hết phải tin về sự thực hữu của một Đức Chúa Trời có thân vị, nghĩa là một Đức Chúa Trời có lý trí, có tình cảm, và có ý chí mà loài người là hình ảnh của Ngài. Nhân tính chính là hình ảnh của Thiên tính. Loài người là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Chỉ có một loài ngưòi và chỉ có một Đức Chúa Trời. Loài người có thể nhìn vào chính mình, nhìn vào thiên nhiên để ý thức và tin rằng có một Đức Chúa Trời mặc dù không thể thấy được Ngài.

“Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6)

Đức tin vào lời của Đức Chúa Trời  

Yếu tố thứ hai của đức tin trong Đạo Chúa là tin vào lời của Ngài. Nhiều người tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời nhưng không tin vào lời của Ngài.

Người Do-thái Giáo, người Hồi Giáo, người Giê-hô-va Chứng Nhân, người Mormon tin vào Đức Chúa Trời nhưng lại không tin vào lời của Ngài cho nên họ đã chối bỏ thần tính của Đấng Christ, con Đức Chúa Trời Hằng Sống (Ma-thi-ơ 16:16).

Người Công Giáo tin vào Đức Chúa Trời nhưng không tin vào lời của Ngài cho nên họ cầu xin sự cứu rỗi qua các hình tượng, qua các việc làm công đức, qua các lễ nghi tôn giáo, và qua sự đền tội trong ngục luyện tội.

Người Cơ-đốc Phục Lâm tin Đức Chúa Trời nhưng không tin lời Ngài cho nên họ không tin sự hình phạt đời đời trong hỏa ngục và tìm kiếm sự cứu rỗi qua sự thêm công đức vào ân điển của Đức Chúa Trời như việc kiêng cữ các thức ăn bị kể là không tinh sạch trong thời Cựu Ước và việc tuân giữ luật Sa-bát.

Một số người Ân Tứ tin Đức Chúa Trời nhưng không tin lời Ngài cho nên họ tìm kiếm sự cứu rỗi qua cái gọi là “nhận báp-tem bằng Thánh Linh qua sự đặt tay té ngã” và cho rằng nếu không biết “nói tiếng lạ” là chưa được báp-tem bằng Thánh Linh, là chưa được tái sinh, nghĩa là chưa được cứu rỗi…

Nhiều người tin Đức Chúa Trời và tin đúng những giáo lý về Đức Chúa Trời nhưng không tin vào các lời hứa và mệnh lệnh của Ngài nên họ vẫn sống trong lo lắng, bất an, và trong những thói hư, tật xấu…

Lời của Đức Chúa Trời là lời của sự sống (Giăng 6:63, 68). Lời của Đức Chúa Trời thể hiện qua chính Đấng Christ, danh của Ngài là Ngôi Lời (Giăng 1:1). Lời của Đức Chúa Trời còn là Thánh Kinh (II Ti-mô-thê 3:16). Tin vào lời Chúa là tin và làm theo những gì Đức Chúa Jesus phán dạy được ghi chép trong Thánh Kinh, những gì các đấng tiên tri và các sứ đồ của Chúa được Chúa thần cảm ghi lại trong Thánh Kinh.

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được thịnh vượng trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8) 

Đức tin vào công việc của Đức Chúa Trời

Yếu tố thứ ba của đức tin trong Đạo Chúa là tin vào những công việc của Đức Chúa Trời. Công việc của Đức Chúa Trời thì phong phú, vượt quá sự suy tưởng của chúng ta. Chúng ta không cần phải  hiểu được công việc và cách thức hành động của Đức Chúa Trời để có thể tin vào công việc của Ngài. Một người có thể không hiểu biết một chút gì về máy bay và công việc của người phi công nhưng nếu người ấy tin vào công việc của người phi công, bằng lòng bước chân lên máy bay thì viên phi công sẽ dùng máy bay đưa người ấy đến nơi muốn đến. Khi chúng ta hoàn toàn tin vào công việc của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đưa chúng ta đến chỗ trở nên trọn vẹn như chính mình Ngài (Ma-thi-ơ 5:48) và được sống đời đời trong sự giàu có và vinh hiển của Ngài (Khải Huyền 22).

Tin vào công việc của Đức Chúa Trời là tin rằng sự cứu rỗi của chúng ta đã được Ngài hoàn thành qua cái chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Chúng ta không cần phải thêm bất cứ một điều gì vào công việc cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời.

Tin vào Đức Chúa Trời là tin rằng sự thánh hóa của chúng ta do Đức Chúa Trời thi hành bởi quyền năng của Đức Thánh Linh làm thay đổi tấm lòng của chúng ta. Chúng ta không thể dùng sức riêng của xác thịt để vâng giữ các điều răn của Chúa. Khi chúng ta đối diện với cám dỗ và tội lỗi, chỉ cần chúng ta có tấm lòng không muốn phạm tội và kêu cầu danh Chúa cất những điều tội lỗi ra khỏi chúng ta, thì Ngài sẽ hoàn thành điều đó, vì Ngài là Đấng làm cho chúng ta sạch tội (I Giăng 1:9).

Tin vào công việc của Đức Chúa Trời là tin vào sự chu cấp và bảo vệ của Ngài đối với chúng ta. Chúng ta không cần phải tích trử của cải, chúng ta không cần phải lo lắng về cơm ăn, quần áo mặc, chỗ ở cho ngày mai. Chỉ cần chúng ta hết lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì chúng ta sẽ được no đủ thuộc linh và Ngài sẽ ban thêm cho chúng ta những nhu cầu vật chất đó. Cho dù Đức Chúa Trời có cho phép kẻ thù tấn công và làm thiệt hai chúng ta nhưng cuối cùng, tất cả những điều đó chỉ là nguyên cớ của phước hạnh. Thi Thiên 23 là một bài thơ tuyệt vời diễn tả đức tin của một người vào trong sự chu cấp và bảo vệ của Chúa:

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài bổ lại linh hồn tôi, Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài. Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi. Chúa dọn bàn cho tôi Trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn.  Quả thật, trọn đời tôi Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va Cho đến lâu dài.” (Thi Thiên 23)

Kết luận

Đức tin trong Đạo Chúa là đức tin vào chính Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là tình yêu (I Giăng 4:8) cho nên tin vào Đức Chúa Trời tức là tin vào tình yêu của Ngài đối với muôn loài thọ tạo. Riêng đối với loài người, được Chúa dựng nên để làm con của Ngài (Lu-ca 3:38), thì đức tin vào Đức Chúa Trời là tin vào tình yêu tuyệt đối của Ngài và đáp ứng tích cực với tiếng gọi yêu thương của Chúa. Sự đáp ứng tích cực đó thể hiện qua tấm lòng đồng chết bản ngã tội lỗi trên thập tự giá với Chúa và để cho Chúa sống trong chúng ta, nghĩa là, để cho Chúa làm chủ đời sống của chúng ta.

Với đức tin trọn vẹn vào Đức Chúa Trời chúng ta sẽ được vui mừng mãi mãi (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16) bởi vì cho dù bất cứ cảnh ngộ nào xãy ra trong đời sống của chúng ta cũng đều nằm trong sự cho phép của Chúa và đem lại ích lợi cho chúng ta (Rô-ma 8:28).

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin vào Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

Huỳnh Christian Timothy
26/08/2007