Hỏi & Đáp: Sáng Thế Ký 27

2,540 views

Huỳnh Christian Timothy

HỎI:

1. Bà Rê-be-ca và Gia-cốp có phạm tội nói dối?

2. Họ có phạm tội cướp đi ơn phước của người khác?

3. Gây cớ vấp phạm cho Ê-sau khi ông có ý định muốn giết Gia-cốp?

4. Khi con đọc đến đoạn Ê-sau than khóc xin cha mình cũng chúc phước cho mình mà ông I-sác không chúc phước, con đọc tới đó lòng con thắt lại, con thấy tội nghiệp cho Ê-sau. Con có cảm giác như vậy con có sai không chú, hay con có phạm tội không chú?

ĐÁP:

Trước hết, chúng ta hãy cùng đọc lại các phân đoạn Thánh Kinh mà chú trích đăng dưới đây:

Rô-ma 9:11-18

11 Vì, khi hai con chưa sinh ra, chưa làm điều gì lành hay dữ để cho được giữ vững ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu gọi

12 thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ;

13 như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.

14 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công bình trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy!

15 Vì Ngài phán với Môi-se rằng: Ta sẽ làm ơn cho kẻ Ta làm ơn, Ta sẽ thương xót kẻ Ta thương xót.

16 Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, mà là bởi Đức Chúa Trời thương xót.

17 Trong Thánh Kinh cũng có phán với Pha-ra-ôn rằng: Này là cớ vì sao Ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền phép Ta ra trong ngươi, để cho danh Ta được truyền ra khắp đất.

18 Như vậy, Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có phán: Ta yêu các ngươi; và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu? Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Ê-sau chẳng phải là anh Gia-cốp sao? Nhưng ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau, Ta làm cho những núi nó nên hoang vu, và phó sản nghiệp nó cho những chó nơi đồng vắng.” (Ma-la-chi 1:2-3).

Có ba điều chúng ta cần ghi nhớ luôn:

  • Đức Chúa Trời muốn làm gì thì làm vì Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng (hoàn toàn làm được mọi sự), nhưng mọi việc Đức Chúa Trời làm không hề nghịch lại bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài.

  • Đức Chúa Trời hành động theo sự khôn sáng và biết trước của Ngài vì Ngài là Thiên Chúa Toàn Tri (hoàn toàn biết hết mọi sự).

  • Đức Chúa Trời cũng hành động theo sự đáp ứng của chúng ta đối với Ngài vì Ngài là Thiên Chúa Toàn Chính (hoàn toàn công chính).

Chúng ta có thể kết luận rằng:

  • Vì Đức Chúa Trời muốn làm gì thì làm nên Ngài chọn yêu Gia-cốp hơn Ê-sau. Chữ “ghét” được dùng với ý nghĩa là yêu kém hơn, xin đọc bài này: http://www.thanhkinhvietngu.net/?p=40

  • Vì Đức Chúa Trời biết trước là Ê-sau sẽ khinh bỏ quyền trưởng nam nên Ngài chọn Gia-cốp.

  • Đức Chúa Trời đã hành động theo cách Ê-sau và Gia-cốp đối với quyền trưởng nam. Ê-sau khinh thường, Gia-cốp ham muốn.

Dù Gia-cốp và Rê-be-ca không lập mưu gạt I-sác thì Gia-cốp vẫn nhận được phước vì Ê-sau đã bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp (Sáng Thế Ký 25:27-34) và Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp. Sự nghe theo lời mẹ, lập mưu gạt cha của Gia-cốp đã khiến ông bị La-ban gạt lại sau này (Sáng Thế Ký 29).

Ê-sau mất phước vì chính Ê-sau đã tự mình đánh đổi với một chén canh.

Chú xin trả lời bốn câu hỏi của con như sau:

1. Bà Rê-be-ca và Gia-cốp có phạm tội nói dối? Cả Rê-be-ca và Gia-cốp đều phạm tội nói dối, lừa gạt I-sác.

2. Họ có phạm tội cướp đi ơn phước của người khác? Trong khi họ lừa gạt I-sác thì họ biết họ đang cướp đi ơn phước của Ê-sau, và còn sợ sẽ bị Ê-sau báo thù, mặc dù họ không biết là Đức Chúa Trời đã định cho Gia-cốp được phước thay vì Ê-sau.

3. Gây cớ vấp phạm cho Ê-sau khi ông có ý định muốn giết Gia-cốp? Đúng như vậy! Việc làm sai trái nào cũng luôn gây vấp phạm cho người khác.

4. Khi con đọc đến đoạn Ê-sau than khóc xin cha mình cũng chúc phước cho mình mà ông I-sác không chúc phước, con đọc tới đó lòng con thắt lại, con thấy tội nghiệp cho Ê-sau. Con có cảm giác như vậy con có sai không chú, hay con có phạm tội không chú? Con không có gì sai khi con thương xót Ê-sau. Con cũng không sai khi con đau thắt lòng nếu thấy anh chị em nào đó của mình phạm tội nhưng cứng lòng, không ăn năn, bị dứt thông công. Con cũng không có gì sai khi con đau thắt lòng nếu nhìn thấy người thân của mình chưa tin Chúa mà đã chết, bị hư mất đời đời. Thời Cựu Ước, khi Đức Chúa Trời hình phạt dân I-sơ-ra-ên vì họ phạm tội, cứng lòng, không ăn năn, thì Ngài cũng đã đau thắt lòng vì họ:

“Ngươi hãy bảo cho chúng nó lời này: Mắt Ta rơi lụy đêm ngày chẳng thôi; vì gái đồng trinh của dân Ta bị suy tàn, bị thương rất là đau đớn.” (Giê-rê-mi 14:17).

Dù sau khi chúng ta phạm lỗi hay phạm tội, chúng ta thật lòng ăn năn và được Chúa tha thứ thì hậu quả đương nhiên của sự phạm lỗi, phạm tội của chúng ta vẫn còn lại cho đến khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này. Hãy nhớ lại, A-đam và Ê-va chỉ phạm tội không vâng lời Chúa ăn trái cây Chúa cấm ăn, sau đó được Chúa tha thứ, nhưng đau khổ và sự chết đã đến trên họ và lưu truyền cho toàn thể loài người, cho đến khi trời cũ đất cũ này qua đi!

Nếu chúng ta xem tội lỗi như là chất a-xít (acid) cực mạnh, xem đời sống của chúng ta trong Chúa như là con ngươi của mắt, thì chúng ta sẽ không bao giờ muốn cho bất cứ một tội lỗi nào, dù nhỏ đến đâu, nhiễm vào đời sống của chúng ta, cũng như chúng ta không muốn một giọt rất nhỏ của a-xít rơi vào trong mắt của mình.

Nguyện sự thương xót của Chúa bao phủ chúng ta và Lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
31/05/2017

Tải xuống PDF bàiviết này tại đây: https://od.lk/f/MV8xNTUwNzI3Njlf