Của Lễ Quý Nhất

1,102 views

YouTube: https://youtu.be/9FEFLZaSJBc

202108 Bài Giảng Trong Năm 2021
Bài Giảng Dành cho Thiếu Nhi
Của Lễ Quý Nhất

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Trong ngày Sa-bát đầu năm mới Âm Lịch 2021 này, bác Tim mến chúc các cháu và gia đình của các cháu, cùng các cô phụ trách chăm sóc các cháu được an vui, khỏe mạnh, và thịnh vượng về mọi mặt, trong tình yêu, ân điển, và sự thông công của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trước khi bác Tim chia sẻ lời Chúa cho các cháu, nhân dịp năm mới Âm Lịch, bác muốn nhắc các cháu một điều. Đó là chúng ta không nên gọi giờ, ngày, tháng, năm theo cách gọi mê tín dị đoan của những người không tin Chúa. Tức là chúng ta không gọi giờ, ngày, tháng, năm theo cách gọi tên của mười hai con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Vì cách gọi tên này dựa vào truyền thuyết liên quan đến tà thần, lại được dùng trong bói toán, thuật số. Chúng ta dùng cách gọi giờ, ngày, tháng, năm theo số thứ tự và phân biệt là theo Âm Lịch hoặc theo Dương Lịch. Thí dụ, chúng ta nói và viết:

  • Ngày 01 tháng 01 năm 2021 Dương Lịch; hoặc:
  • Ngày 01 tháng 01 năm 2021 Âm Lịch.

Dương Lịch là cách tính thời gian theo chu kỳ trái đất xoay chung quanh mặt trời. Một năm theo Dương Lịch là khoảng thời gian trái đất giáp một vòng xoay chung quanh mặt trời. Âm Lịch là cách tính thời gian theo chu kỳ mặt trăng xoay chung quanh trái đất. Một năm Âm Lịch là khoảng thời gian mặt trăng giáp 12 hoặc 13 vòng xoay chung quanh trái đất.

Cứ mỗi 19 năm Âm Lịch thì có bảy năm nhuận. Nhuận có nghĩa là kéo dài ra. Năm nhuận có 13 tháng. Nhờ đó ngày Tết của Âm Lịch luôn đúng vào đầu mùa xuân.

Trong ngày Sa-bát đầu năm Âm Lịch 2021, bác Tim muốn chia sẻ với các cháu về đề tài: Của Lễ Quý Nhất.

Của lễ là những gì chúng ta dâng lên Chúa. Chúng ta có thể dâng lên Chúa nhiều thứ, như Lời Chúa dạy:

“Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Vậy, tôn vinh Chúa qua lời ca, tiếng hát; qua lời cảm tạ danh Chúa; qua mỗi việc làm của chúng ta; và qua sự thông công với mọi người trong Hội Thánh; chính là những của lễ dâng lên Chúa.

Chúng ta có thể ca hát, tôn vinh Chúa, và cảm tạ danh Chúa trong mọi nơi mọi lúc, và như vậy là chúng ta đang dâng của lễ lên Chúa. Khi chúng ta hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ sự gì cũng vì sự vinh quang của Chúa, là chúng ta đang dâng của lễ lên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31). Khi chúng ta vâng giữ các điều răn của Chúa, cầu thay cho người khác, làm ra những sự giúp ích cho người khác là chúng ta làm những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta; và cũng là lúc chúng ta dâng của lễ lên Chúa. Khi chúng ta nhóm hiệp với nhau học Lời Chúa, thờ phượng Chúa, hoặc thăm viếng lẫn nhau, hoặc vui chơi với nhau trong danh Chúa thì cũng là lúc chúng ta dâng của lễ lên Chúa. Nói tóm lại, khi chúng ta nói hay hát, hay làm bất cứ việc gì đẹp lòng Chúa là chúng ta đang dâng của lễ lên Chúa.

Và như vậy, chúng ta thấy rằng, có nhiều cách để chúng ta dâng của lễ lên Chúa và cũng có nhiều loại của lễ khác nhau mà chúng ta có thể dâng lên Chúa. Nói chung, chúng ta là những thầy tế lễ của Chúa và mỗi ngày chúng ta đều dâng các của lễ khác nhau lên Chúa qua từng lời nói và việc làm của chúng ta. Nhưng có một của lễ quý nhất và quan trọng nhất mà chúng ta có thể dâng Chúa, nên dâng lên Chúa, cần dâng lên Chúa. Vì nếu chúng ta không dâng lên Chúa của lễ ấy thì chúng ta sẽ không thể dâng bất cứ một loại của lễ nào khác lên Chúa. Các cháu có biết của lễ quý nhất ấy là gì không?

Ấy chính là thân thể xác thịt của chúng ta.

Lời Chúa dạy chúng ta rằng:

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

Trước hết, chúng ta có thể dâng của lễ lên Chúa là bởi vì Chúa thương xót chúng ta, cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi, khiến cho chúng ta được tha tội, được sạch tội, được nên thánh, và ban cho chúng ta chức thầy tế lễ:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]” (I Phi-e-rơ 2:9).

“…Đức Chúa Jesus Christ: Chứng Nhân Thành Tín; sinh đầu từ trong những kẻ chết; Đấng cầm quyền của các vua trên đất; Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài…” (Khải Huyền 1:5-6).

Kế tiếp, của lễ đầu tiên mà chúng ta dâng lên Chúa chính là thân thể xác thịt của chúng ta. Thân thể xác thịt của chúng ta vốn làm ra những sự tội lỗi, nay đã được ơn cứu chuộc của Chúa thì thân thể xác thịt của chúng ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa; và chúng ta có bổn phận dùng thân thể mình để làm tôn vinh Đức Chúa Trời:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Thân thể xác thịt của chúng ta là của lễ sống là vì khác với các sinh tế xưa kia khi được dâng lên Chúa thì phải bị giết, rồi bị thiêu trên bàn thờ. Thân thể xác thịt của chúng ta được dâng lên Chúa đang khi còn sống để làm ra những sự công bình, là những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta:

“Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:13).

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Sự dâng thân thể xác thịt của chúng ta lên Chúa là sự thờ phượng Chúa đẹp lòng Ngài. Ngày xưa, các thầy tế lễ phải mỗi ngày hai buổi sáng tối, mỗi buổi dâng lên Chúa một con chiên làm của lễ, gọi là của lễ thường dâng (Dân Số Ký 28:3. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là của lễ hằng hiến). Ngày nay, là những thầy tế lễ của Chúa, chúng ta không còn dâng những con chiên lên Chúa, nhưng mỗi ngày hai buổi sáng tối, chúng ta dâng chính thân thể sống của mình, đã được Chúa thánh hóa, làm của lễ.

Buổi sáng sau khi thức dậy, các cháu mở đầu cho lời cầu nguyện của mình với Chúa bằng sự dâng thân thể của mình lên Chúa với những lời tương tự như sau:

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ Cha đã ban cho con một giấc ngủ bình an và một ngày mới. Xin Cha thánh hóa thân thể con và nhận thân thể con làm của lễ sống và thánh kính dâng lên Cha. Xin Cha giữ gìn con được bình an và ban cho con một ngày mới đầy tràn ơn phước của Ngài. Xin Cha giữ gìn con để con không phạm tội nhưng thắng mọi cám dỗ. Xin Cha ban ơn cho mọi lời nói và việc làm của con đều có ích lợi, có tính gây dựng, và làm tôn vinh Thiên Chúa…

Tiếp theo đó, các cháu cầu xin những điều các cháu muốn cầu xin cho bản thân, cho gia đình, cho Hội Thánh, cho dân tộc…

Sự dâng thân thể của chúng ta vào mỗi buổi sáng giúp chuẩn bị thân thể chúng ta làm ra những việc lành trong danh Chúa, để thờ phượng Ngài.

Buổi tối trước khi ngủ, các cháu mở đầu cho lời cầu nguyện của mình với Chúa bằng sự dâng thân thể của mình lên Chúa với những lời tương tự như sau:

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an. Xin Cha thánh hóa thân thể con và nhận thân thể con làm của lễ sống và thánh kính dâng lên Cha. Xin Cha giữ gìn con được bình an trong giấc ngủ, chữa lành mọi tật bệnh trong thân thể con, bổ sức cho con. Xin Cha giữ gìn con để con không phạm tội trong giấc ngủ nhưng được Cha dạy dỗ Lời Ngài cho con. Xin Cha cất khỏi con những giấc mơ nào không đến từ Ngài nhưng ban cho con có những sự hiện thấy từ Ngài…

Tiếp theo đó, các cháu cầu xin những điều các cháu muốn cầu xin cho bản thân, cho gia đình, cho Hội Thánh, cho dân tộc…

Sự dâng thân thể của chúng ta vào mỗi buổi tối giúp chuẩn bị thân thể chúng ta đón nhận sự bổ sức, chữa lành, sự dạy dỗ của Chúa, và để chúng ta được thông công với Chúa trong suốt giấc ngủ.

Không phải chúng ta chỉ cầu nguyện dâng thân thể của chúng ta lên Chúa mà chúng ta còn phải luôn giữ gìn thân thể của chúng ta được thánh sạch từ thuộc thể tới thuộc linh. Thuộc thể là thuộc về vật chất, thuộc về xác thịt. Thuộc linh là thuộc về thiêng liêng, thuộc về linh hồn và tâm thần.

Chúng ta phải giữ gìn thân thể xác thịt của chúng ta luôn được sạch sẽ bằng cách tắm gội mỗi ngày. Chúng ta rửa tay trước khi ăn để tránh đưa vi trùng bệnh vào người. Chúng ta đánh răng ngay sau mỗi khi ăn để giữ vệ sinh cho răng miệng. Trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 hiện tại, chúng ta cần đeo khẩu trang khi ra đường và giữ khoảng cách an toàn chừng hai mét đối với những người không sống chung cùng một nhà. Chúng ta cần thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dùng nước rửa tay có chất sát trùng.

Chúng ta phải giữ gìn linh hồn và tâm thần của chúng ta luôn được sạch sẽ bằng cách đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày. Hãy xin Chúa giúp cho các cháu tập quen đọc câu gốc mỗi ngày mười lần và chép câu gốc ra giấy mười lần. Khi làm việc đó là các cháu dâng của lễ lên Chúa và thờ phượng Chúa. Các cháu có thể dành ra mỗi ngày 30 phút để đọc câu gốc và chép câu gốc ra giấy trong tinh thần thờ phượng Chúa hay không?

Buổi sáng, sau khi cầu nguyện dâng thân thể của mình lên Chúa, các cháu hãy dành thời gian đọc câu gốc năm lần và chép ra giấy năm lần. Sau đó đọc vài đoạn Thánh Kinh để suy ngẫm trong ngày. Buổi tối, sau khi cầu nguyện dâng thân thể của mình lên Chúa, các cháu dành thời gian đọc câu gốc năm lần và chép ra giấy năm lần. Sau đó đọc vài đoạn Thánh Kinh để suy ngẫm trong khi dỗ giấc ngủ; và xin Chúa dạy mình ý nghĩa của các đoạn Thánh Kinh ấy trong giấc ngủ. Các cháu hãy ưu tiên dành thời gian cho Lời Chúa mỗi ngày trước khi dành thời gian để vui chơi, giải trí, hay làm bất cứ sự gì khác.

Bác Tim chắc chắn rằng, cháu nào trung tín làm như vậy mỗi ngày thì chỉ sau một tháng, cháu ấy sẽ thấy quen thuộc và ưa thích sự thờ phượng Chúa mỗi ngày như vậy. Điều quan trọng là Lời Chúa sẽ được ghi nhớ trong tâm trí của các cháu và các cháu sẽ kinh nghiệm được Chúa phán dạy trực tiếp như Sa-mu-ên khi xưa.

Các cháu cũng giữ mình, không vào các trang mạng có những hình ảnh lẳng lơ, khêu gợi tình dục; có những lời mắng chửi hoặc những lời tục tĩu. Các cháu cũng giữ không cho môi miệng nói ra những lời tục tĩu, mắng chửi, giễu cợt, giả bộ tầm phào, hoặc những lời nói dối. Cũng không đọc và không viết những lời như vậy. Hãy tránh xa những trang mạng có những lời như vậy. Cũng hãy tránh xa những người thô tục như vậy.

Các cháu hãy biết rằng, một khi những lời ấy vào trong tâm trí của chúng ta thì rất khó để cho chúng ra khỏi. Chúng có thể cứ mãi theo các cháu nhiều năm. Các cháu cần phải xin Chúa cất chúng ra khỏi tâm trí của các cháu và các cháu cần nhân danh Chúa để xua đuổi chúng ra khỏi tâm trí của các cháu. Các cháu nói: “Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho những lời ô uế phải ra khỏi tâm trí của ta. A-men!” Nhưng trước đó, các cháu cần xưng tội với Chúa, nếu là do các cháu cố ý đọc, viết, hoặc nói những lời như vậy.

Chúa dạy chúng ta:

“Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:4).

Lời tục tĩu bao gồm những lời thô tục, dâm dật, mắng chửi mà trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là những lời ô uế đem lại sự hổ thẹn cho người nói lẫn người nghe. Lời giễu cợt là những lời nói chọc cười thiếu hiểu biết hoặc lố bịch (quá đáng); điển hình là phần lớn các màn hài kịch thời nay của người Việt. Lời giả bộ tầm phào là lời đùa chơi, không đúng sự thật, để chọc ghẹo người nghe. Tất cả các lời ấy đều là các lời không đáng cho con dân Chúa nói ra hoặc tìm nghe. Trái lại, con dân Chúa nên thường xuyên cảm tạ Chúa và cám ơn người.

Nếu các cháu làm theo những gì bác Tim giảng dạy cho các cháu trong bài giảng này thì chắc chắn các cháu là những thầy tế lễ làm trọn phận sự của mình đối với Chúa. Các cháu xứng đáng là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời.

Một lần nữa, bác Tim mến chúc các cháu và gia đình, cùng các cô trong Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi năm mới Âm Lịch 2021 tràn đầy ơn Chúa, sinh ra nhiều quả lành, dâng lên Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/02/2021

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.