Hối Lộ

3,690 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
http://timhieutinlanh.opendrive.com/files/NV8xNjIzMDA5Nl8xZks1TV9kYWYz/005_HoiLo.mp3

Bấm vào nối mạng dưới đây để đọc, tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/download/w5vqjk3466w7p5y/HoiLo.pdf

Huỳnh Christian Timothy

“Hối lộ” là một từ ngữ Hán Việt. Hối là tiền bạc, của cải. Lộ là tặng, biếu, cho (nghĩa tốt) hoặc đút lót (nghĩa xấu). Hối lộ là tặng, biếu hoặc đút lót tiền bạc, của cải.

Nếu đưa tiền bạc, của cải cho ai để tỏ lòng quý mến, hoặc để tạ ơn, hoặc để khen thưởng người ấy thì gọi là tặng, biếu. Nếu đưa tiền bạc, của cải cho ai để yêu cầu người ấy làm một việc bất chính, mang lại ích lợi cho mình, thì gọi là đút lót. Ngày nay, từ ngữ hối lộ chỉ còn được dùng với nghĩa xấu.

Còn có một hình thức thứ ba trong việc đưa tiền bạc, của cải cho ai để làm việc ích lợi cho mình, mặc dù đó là bổn phận của người ấy, hoặc để người ấy đừng vô cớ tạo ra những trở ngại bất công cho mình. Dân gian cũng dùng từ “hối lộ” để gọi việc đưa tiền bạc, của cải như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải gọi đó là “mãi lộ” mới đúng. Mãi là mua. Lộ là đường đi, khác với chữ lộ là tặng, biếu trong từ ngữ “hối lộ”. Việc mãi lộ hoặc mua đường đi đúng nghĩa là bị cướp. Đường lộ là công ích của người dân, kẻ cướp trấn đóng giữa đường, dùng sức mạnh và vũ khí đòi hỏi người dân phải trả tiền mua đường, mới cho đi qua. Các viên chức nhà nước làm công việc phục vụ dân, lãnh lương từ tiền bạc đóng thuế của dân, thế nhưng, đòi hỏi dân phải đưa tiền, đưa quà cho mình, thì mới chịu làm bổn phận, hoặc mới không gây khó, tạo phiền cho dân, thì đúng là dùng quyền thế để ăn cướp của dân.

Kẻ đòi hối lộ hoặc đòi mãi lộ nhiều khi không đòi tiền bạc, của cải mà đòi chức vị hoặc đòi tà dâm. Kẻ đòi hối lộ hoặc đòi mãi lộ luôn luôn là người xấu.

Người hối lộ hoặc mãi lộ có thể là người xấu, tận dụng tiền bạc, của cải, quyền thế, sắc đẹp để đạt đến những ích lợi bất chính; mà cũng có thể là người lương thiện, chỉ vì muốn hưởng những quyền lợi chính đáng của mình mà chịu cho những kẻ có quyền có thế bóc lột.

Thánh Kinh có nói nhiều đến hối lộ. Trong Thánh Kinh nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, từ ngữ “שׁחד,” H7810, chuyển ngữ quốc tế là (shachad), phiên âm quốc tế là /shakh’-ad/, phiên âm tiếng Việt là /sô-khét(đ)/; được dịch là “hối lộ” trong Thánh Kinh Việt ngữ. Từ ngữ này xuất hiện 23 lần trong 21 câu, và chỉ xuất hiện trong phần Cựu Ước. Ý nghĩa của từ ngữ này là: cho, tặng, thưởng, chuộc, hoặc đút lót (tức hối lộ), tùy theo văn mạch.

Thánh Kinh nói đến các trường hợp nhận hối lộ để xử án bất công, thậm chí xử tử người vô tội, để giúp cho kẻ hối lộ cướp đoạt tài sản, người, vật, chức vị… của nạn nhân. Vì thế, nhận hối lộ tự nó là một việc làm ác. Việc làm ác đó dẫn đến những việc làm ác khác. Lời Chúa dạy rằng, sự nhận hối lộ làm cho:

  • mờ mắt người thượng trí”, “mù mắt người khôn sáng (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:8 ; Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:19);

  • rối lời của người công chính” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:19);

  • xiêu lòng tham của” (I Sa-mu-ên 8:3);

  • trái lệch sự công chính” (I Sa-mu-ên 8:3);

  • sai lệch các lối phán xét” (Châm Ngôn 17:23);

  • hư hại lòng” (Truyền Đạo 7:7).

Về phương diện quốc gia, bậc lãnh đạo nhận của hối lộ sẽ dẫn đến sự suy sụp của quốc gia. Thánh Kinh dạy rõ: “Vua nhờ sự công chính mà làm nước mình vững bền; nhưng ai nhận của hối lộ hủy hoại nó.” (Châm Ngôn 29:4).

Thánh Kinh luôn luôn lên án người nhận hối lộ và dạy con dân Chúa không được nhận hối lộ. Tuy nhiên, Thánh Kinh không hề lên án người hối lộ. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ và dựa trên Lời Chúa để rút ra kết luận về người hối lộ.

Như đã nói trên, người hối lộ có thể là người xấu, lạm dụng tiền bạc, của cải, quyền thế, hoặc sự tà dâm để xúi giục người khác làm điều sai trái, nhờ đó, mình được hưởng lợi một cách bất chính. Những người như vậy đương nhiên là phạm tội, vì xúi giục người khác làm điều ác.

Trong trường hợp dùng tiền bạc, của cải, quyền thế để xúi giục người khác làm điều tốt, là điều không phải bổn phận của người ấy, để đem lại ích lợi cho mình hoặc đem lại ích lợi chung một cách công chính, thì người hối lộ lẫn người nhận hối lộ đều không có tội. Trường hợp này tương tự như việc thuê mướn, trả công. Tuy nhiên, không thể dùng sự tà dâm để hối lộ, vì sự tà dâm, tự nó là tội lỗi.

Riêng, đối với những người thấp cổ, bé miệng bị các viên chức quấy nhiễu, đòi ăn tiền, mới chịu thi hành đúng chức trách của họ, thì người hối lộ là nạn nhân bị cướp, kẻ nhận hối lộ là kẻ cướp. Người hối lộ không có tội. Kẻ nhận hối lộ đương nhiên có tội. Trong trường hợp này, con dân Chúa đành phải chấp nhận bị cướp. Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 5:41-42 dạy rằng:

“Nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với kẻ ấy. Ai xin ngươi hãy cho, ai mượn của ngươi thì đừng từ chối.

Đương thời Đức Chúa Jesus, đất nước I-sơ-ra-ên ở dưới quyền đô hộ của đế quốc La-mã. Những người lính La-mã thường lạm dụng quyền thế, trưng dụng (lấy mà không trả tiền) thực phẩm, tài sản, vật lực của dân chúng, và sung công dân chúng để khuân vác hành lý cá nhân hoặc quân nhu cho mình. Lời Chúa dạy các môn đồ của Ngài phải nhẫn nại, chịu đựng những sự bất công đó, đừng chống cự kẻ những lạm quyền, vì có thể sẽ chuốc lấy những bất công và thiệt hại lớn hơn.

Áp dụng vào cuộc sống thực tế hiện nay tại Việt Nam, là con dân Chúa, chúng ta:

  • Tuyệt đối không đòi hối lộ và cũng không nhận hối lộ.

  • Nếu là bổn phận của chúng ta, chúng ta phải hết lòng mà làm. Sau khi làm xong, chúng ta không được phép nhận quà tặng của người được giúp.

  • Nếu không phải là bổn phận của chúng ta, nhưng là việc chính đáng, trong khả năng của chúng ta, thì chúng ta cũng hết lòng làm để đem lại ích lợi cho người khác. Nếu người được giúp thật lòng biết ơn, đem tặng quà và có khả năng tặng quà, chúng ta có thể nhận quà tặng của người được giúp. Nhưng chúng ta không nên nhận quà tặng của người nghèo.

  • Trong tất cả các trường hợp bị những viên chức làm khó dễ, đòi ăn hối lộ mới chịu thi hành bổn phận, thì chúng ta trở thành nạn nhân của kẻ cướp. Chúng ta hãy chấp nhận để cho bị cướp.

  • Riêng trong trường hợp chúng ta vi phạm luật pháp không có tính cách hình sự, thí dụ như phạm luật giao thông, mà các viên chức đòi hối lộ để bỏ qua việc xử phạt hành chính; chúng ta vẫn có thể chấp hành sự đòi hỏi của họ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhắc mình tuân thủ luật giao thông, tránh tái phạm.

  • Nếu chúng ta phạm tội hình sự, thì phải ăn năn, nhận tội và chịu xử phạt theo luật pháp, không hối lộ để được giảm án.

Mỗi ngày, chúng ta nên bắt đầu một ngày mới bằng sự cầu nguyện cảm tạ Chúa, dâng lên Chúa thân thể mình như một của lễ sống và thánh mà Chúa sẽ dùng để làm ra các sự công bình của Ngài. Xin Chúa gìn giữ mình và ban ơn cho mọi việc mình làm, ban sự khôn ngoan thông sáng cho mình để biết cách ứng xử trong mọi trường hợp. Xin Chúa dạy dỗ Lời của Chúa cho mình trong ngày. Xin Chúa tiếp trợ mọi nhu cầu trong đời sống của mình và giữ cho mình không phạm tội. Xin Chúa giúp cho mình yêu thương, tha thứ cho mọi người, như Chúa yêu thương và tha thứ mình.

Như vậy, chúng ta sẽ sống một ngày đầy ơn trong ân điển của Chúa, đem lại ích lợi cho mọi người, và biết phải làm gì trước mọi cảnh ngộ.

Huỳnh Christian Timothy
09/08/2013

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: