Cuộc Chiến Giữa Người Mới và Ma Quỷ

1,590 views

YouTube: https://youtu.be/WeyFeMvWqNU

202110 Bài Giảng Trong Năm 2021
Cuộc Chiến Giữa Người Mới và Ma Quỷ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Lời Chúa là Thánh Kinh đã dạy cho chúng ta biết, mỗi một con dân chân thật của Chúa là một người mới trong Đấng Christ, đồng thời cũng là một chiến binh của Đấng Christ. Trọn phần đời còn lại của chúng ta trong thân thể xác thịt hiện tại là ở trong một cuộc chiến thuộc linh. Cuộc chiến thuộc linh đó cùng lúc xảy ra suốt ngày đêm trên ba mặt trận: chiến cự người cũ, chiến cự thế gian, và chiến cự ma quỷ. Trong hai bài trước [1], [2], chúng ta đã học biết về cuộc chiến giữa người mới và người cũ, cuộc chiến giữa người mới và thế gian. Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về cuộc chiến giữa người mới và ma quỷ.

Danh từ “ma quỷ” (G1140) được Thánh Kinh dùng để gọi các thiên sứ phản nghịch Thiên Chúa, đứng đầu là Sa-tan. Tất cả các tà thần đều là ma quỷ. Tà thần là bất cứ thần linh nào không phải là Thiên Chúa nhưng được loài người tin kính, thờ phượng.

Thánh Kinh dạy rõ, con dân Chúa chiến trận cùng ma quỷ:

Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.” (Ê-phê-sô 6:11-12).

Trong hiện tại, ma quỷ có sức mạnh hơn loài người và có khả năng nhập vào thân thể xác thịt của loài người, gây ra các chứng bệnh tật, làm khổ loài người:

Và kìa, có một người đàn bà đã có tà linh bệnh tật mười tám năm và bị còng lưng, chẳng thể đứng cho thẳng hoàn toàn.” (Lu-ca 13:11).

Lu-ca 13:16 cho chúng ta biết, “tà linh bệnh tật” ấy chính là Sa-tan. Thánh Kinh cũng ghi lại các trường hợp ma quỷ nhập vào thân thể xác thịt của loài người, khiến cho người bị quỷ nhập trở nên hung dữ (Ma-thi-ơ 8:28); bị câm, bị mù (Ma-thi-ơ 9:32; 12:22); bị động kinh (Mác 9:18). Phần lớn các trường hợp được y khoa xếp loại là bệnh tâm thần, thật ra là bị quỷ nhập.

Một người bị quỷ nhập có thể là vì bị cha mẹ bán cho ma quỷ; vì tự mình bán mình cho ma quỷ qua việc làm thầy bùa, thầy pháp, thầy bói, hoặc tu tập theo các pháp môn; vì uống bùa, đeo bùa; vì tin cậy và thờ phượng ma quỷ; vì tin vào tử vi, bói toán; vì quan hệ tình dục với người bị quỷ ám; vì sử dụng các loại ma túy… Nhưng điểm căn bản chung của những người bị quỷ nhập là vì họ không thuộc về Chúa, không ở trong sự bảo vệ của Ngài.

Không phải hễ ai xưng nhận mình là con dân Chúa thì người ấy thuộc về Chúa. Có rất nhiều người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng vẫn bị quỷ nhập. Ngay cả người thật lòng tin Chúa nhưng nếu cố ý phạm tội mà không ăn năn, thì vẫn có thể bị quỷ nhập. Thánh Kinh ghi lại trường hợp Vua Sau-lơ được chính Đức Chúa Trời chọn làm vua đầu tiên cho dân I-sơ-ra-ên. Nhưng sau khi Sau-lơ phạm tội mà không ăn năn, thì ông bị tà linh xâm nhập, quấy rối ông và khiến cho ông muốn giết Đa-vít:

Và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho phép ác thần được nhập vào Sau-lơ. Người ngồi trong nhà mình, với cây giáo của người trong tay người; còn Đa-vít dùng tay gảy đàn.” (I Sa-mu-ên 19:9).

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người được Đức Chúa Jesus chọn làm một trong 12 sứ đồ đầu tiên. Nhưng vì ham muốn bất chính mà Sa-tan nhập vào trong ông:

Nhưng Sa-tan nhập vào Giu-đa, tên họ là Ích-ca-ri-ốt, là người thuộc về trong nhóm mười hai sứ đồ.” (Lu-ca 22:3).

Khi so sánh Lu-ca 22:3 với Giăng 13:27 thì chúng ta thấy, Sa-tan đã nhập vào Giu-đa hai lần. Lần thứ nhất nó khiến ông có ý định phản Chúa. Lần thứ nhì nó khiến ông thực hiện hành động phản Chúa.

Người thuộc về Chúa là người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và luôn hết lòng sống theo Lời Chúa, tức là vâng giữ các điều răn của Chúa.

Cảm tạ Chúa vì chúng ta không chiến cự ma quỷ bằng thể lực nhưng bằng trí lực, tức là bằng sự hiểu biết được thể hiện thành hành động, bởi đó, chúng ta có thể phơi bày và đánh tan mọi mưu kế của ma quỷ. Sức mạnh tâm trí của chúng ta chính là bảy khí giới Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, như đã chép trong Ê-phê-sô 6:11-18 [3], bao gồm:

  • Thắt lưng trong lẽ thật: Là sẵn sàng trong sự hiểu biết Lời Chúa. Cuộc chiến thuộc linh mà chúng ta tham dự kể từ giây phút đầu tiên chúng ta được tái sinh vào trong gia đình của Đức Chúa Trời là cuộc chiến trong lẽ thật và cho lẽ thật. Lẽ thật là Lời Chúa. Chúng ta chiến đấu trong Lời Chúa là mọi sự chúng ta làm ra đều đúng theo Lời Chúa. Chúng ta chiến đấu cho Lời Chúa là mọi sự chúng ta làm ra để Lời Chúa được đắc thắng trong tâm trí của muôn dân trên đất, để họ trở nên môn đồ của Đấng Christ.

  • Áo giáp của sự công bình: Nghĩa thứ nhất là chúng ta được bảo vệ trước mọi sự kiện cáo của ma quỷ, bởi sự chúng ta được Đức Chúa Trời xưng là công bình khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nghĩa thứ nhì là những việc công bình chúng ta làm ra, tức là những việc chúng ta làm ra đúng theo Lời Chúa. Những việc ấy bảo vệ chúng ta trước mọi cám dỗ và thử thách. Mặc lấy giáp của sự công bình có nghĩa là luôn tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đấng Christ và luôn làm theo Lời Chúa mỗi ngày trong cuộc sống.

  • Chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An: Từ ngữ “chân được ràng buộc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để nói đến sự cột giày vào chân. Giày dép có công dụng bảo vệ đôi chân. Mỗi bước đi của chúng ta tiêu biểu cho từng nếp sống. Thánh Kinh luôn dùng hình ảnh con đường tiêu biểu cho cuộc đời và hình ảnh bước chân tiêu biểu cho nếp sống. Con dân Chúa mỗi ngày phải cột sự bình an của Tin Lành vào trong nếp sống của mình. Có như vậy mới không lo lắng, sợ hãi trước những sự tấn công của ma quỷ. Nếp sống mỗi ngày của chúng ta phải được bảo vệ bởi sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An.

  • Thuẫn của đức tin: Khiên hay thuẫn được dùng để chống đỡ vũ khí của kẻ thù. Một trong những vũ khí nguy hiểm nhất là tên lửa. Tên lửa có thể bắn từ xa, ngoài đặc tính đâm xuyên người gây thương vong còn có thể đốt cháy mục tiêu. Mọi vũ khí tấn công của ma quỷ đều nguy hiểm như tên lửa. Con dân Chúa cần chống đỡ bằng đức tin.

  • Mão của sự cứu rỗi: Mão vừa có công dụng bảo vệ đầu, vừa nói lên người lính thuộc về đơn vị nào, chủ tướng là ai. Mão của sự cứu rỗi tức là sự hy vọng được cứu rỗi như đã chép trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:8. Sự hy vọng về sự cứu rỗi do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta tin nhận Tin Lành. Nhận mão của sự cứu rỗi tức là nhận lãnh dấu hiệu thuộc về Đấng Christ và nhận lãnh hy vọng được cứu ra khỏi sự chết để vào trong sự sống đời đời. Hiện nay, chúng ta đã được cứu ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, nhưng thân thể xác thịt của chúng ta vẫn phải chết đi. Vì thế, Chúa ban cho chúng ta hy vọng được cứu rỗi khỏi sự chết, được sống lại hoặc được biến hóa, để sống đời đời. Nhận mão của sự cứu rỗi là tin chắc vào sự cứu rỗi của Tin Lành.

  • Gươm của Đức Thánh Linh là Thánh Kinh: Trong bảy loại khí giới của Đức Chúa Trời ban cho con dân của Chúa: dây thắt lưng, áo giáp, giày dép, thuẫn, mão, gươm, và lời cầu xin. Chỉ có một món dùng để tấn công là gươm, tức là Lời của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng Lời Chúa để đánh bại sự cám dỗ của Sa-tan (Ma-thi-ơ 4:1-11). Để có thể dùng Lời Chúa đánh trả ma quỷ thì chúng ta phải đọc Lời Chúa, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo, như Chúa đã truyền cho chúng ta trong Giô-suê 1:8. Nếu không, chúng ta chẳng biết gì về Lời Chúa, chẳng biết gì về vũ khí duy nhất Chúa ban cho chúng ta để tấn công ma quỷ.

  • Sự cầu nguyện: Cầu nguyện là khí giới thứ bảy trong cuộc chiến thuộc linh. Cầu nguyện là tương giao với Chúa, là giữ mối liên lạc với chủ tướng của chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ. Nhờ đó, chúng ta biết phải làm gì trong mọi nơi, trong mọi lúc, giữa mọi cuộc chiến. Sự cầu nguyện phải là thường xuyên. Có nghĩa là tâm thần của chúng ta lúc nào cũng tương giao với Chúa qua sự suy ngẫm Lời Chúa, lắng nghe sự dạy dỗ của Chúa, cảm tạ Chúa, tôn vinh Chúa, tâm tình với Chúa, cầu hỏi Chúa, khẩn xin Chúa cho mọi nhu cầu cùng nan đề của chúng ta và của các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Chính sự cầu nguyện trong mọi lúc giúp cho chúng ta không hướng về tội lỗi, không nghe những lời cám dỗ do ma quỷ gieo vào tâm trí chúng ta. Cả thế gian này bị bao trùm bởi những làn sóng tội lỗi, ô uế. Tâm thần của chúng ta phải hướng về Chúa, thông công với Chúa, nếu không tâm trí của chúng ta sẽ bị những ý tưởng tội lỗi xâm nhập. Chúng ta có thể cầu nguyện trong thần trí ngay cả khi thân thể xác thịt của chúng ta đang làm những việc khác hay đang bệnh nằm liệt giường. Chúng ta hãy tập cầu nguyện trong mọi lúc trong thần trí của mình, để kinh nghiệm mối tương giao tuyệt vời giữa chúng ta và Thiên Chúa.

Phao-lô đã khẳng định với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô:

II Cô-rinh-tô 10:3-5

3 Vì dù chúng tôi bước đi trong xác thịt, chúng tôi chẳng chinh chiến theo xác thịt.

4 Vì những khí giới dùng trong cuộc chiến tranh của chúng tôi không thuộc về xác thịt. Nhưng đối với Đức Chúa Trời là sức mạnh cho sự triệt hạ các đồn lũy;

5 cho sự triệt hạ các lý luận cùng mọi sự cao tự nổi lên, nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời; và bắt giữ mọi ý tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ.

Cuộc chiến giữa con dân Chúa và ma quỷ là cuộc chiến về trí lực. Con dân Chúa chỉ cần giữ cho mình không sa vào mưu kế của ma quỷ thì sẽ luôn luôn đắc thắng. Các vũ khí tự vệ giúp chúng ta không bị ma quỷ làm thiệt hại nhưng vũ khí tấn công là sự công bố Lời Chúa trước ma quỷ, nhờ đó chúng ta thắng ma quỷ; và chúng phải bỏ đi. Chúng ta cần ghi nhớ gương Đức Chúa Jesus chiến cự Sa-tan bằng sự tuyên đọc Lời Chúa (Ma-thi-ơ 4:1-11).

Ma quỷ có chiến lược và các chiến thuật để tấn công chúng ta. Chiến lược là kế hoạch chung trong sự chiến trận. Chiến thuật là cách thức thi hành những chi tiết trong chiến lược. Chiến lược của ma quỷ bao gồm ba bước: cám dỗ, hăm dọa, và hãm hại. Chiến thuật của ma quỷ bao gồm ba phương thức: dối trá, bắt chẹt, và khủng bố. Ma quỷ dùng lời nói dối để cám dỗ chúng ta phạm tội. Ma quỷ dùng sự bắt chẹt, hăm dọa tiết lộ bí mật nào đó của chúng ta, buộc chúng ta phải làm theo ý chúng. Ma quỷ dùng sự khủng bố, làm hại chúng ta để chúng ta mất đức tin nơi Chúa.

Ma quỷ sẽ trước hết cám dỗ chúng ta phạm tội. Câu chuyện Sa-tan qua con rắn cám dỗ Ê-va và Sa-tan đích thân cám dỗ Đức Chúa Jesus là điển hình cho bước thứ nhất trong sự tấn công của ma quỷ. Chúng ta thấy, đây là sự tấn công trực tiếp vào bản ngã của chúng ta. Trước khi chúng ta được dựng nên mới trong Đấng Christ thì chúng ta đều thất bại trước sự cám dỗ và sự dối trá của ma quỷ. Sau khi chúng ta được dựng nên mới, nhiều người đã thất bại trước sự cám dỗ và sự dối trá của ma quỷ, vì họ không từ bỏ lòng ham thích những sự thuộc về thế gian. Nào là ham muốn được trở nên giàu có; ham muốn được nổi tiếng; ham muốn được người khác tôn vinh mình; ham muốn tình dục bất chính; ham muốn những tiện nghi vật chất xa hoa trong đời sống… Đức tin của họ nơi Chúa như những hạt giống rơi trên vùng đất có gai, bị lòng ham muốn những sự thuộc về thế gian giết chết (Ma-thi-ơ 13:22).

Ma quỷ thường đặt những sự chúng ta ham muốn trước chúng ta và sau đó là gieo vào lý trí của chúng ta những ý tưởng dối trá để chúng ta dùng mà biện minh cho hành động sai trái, tìm kiếm sự thỏa mãn lòng ham muốn của chúng ta. Thí dụ: Đối với người ham muốn trở nên giàu có thì ma quỷ sẽ gieo vào lý trí người ấy ý tưởng làm giàu để có tiền hầu việc Chúa. Nhưng Lời Chúa dạy rõ:

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Có những sự ham muốn chính đáng và có những sự ham muốn không chính đáng. Những ham muốn chính đáng là điều tự nhiên Chúa đặt để trong chúng ta, như đói thì muốn ăn; ăn thì muốn ăn ngon. Những ham muốn không chính đáng là những ham muốn nghịch lại Lời Chúa, như sự ham muốn phạm tà dâm, ham muốn những gì thuộc về người khác… Chúng ta được phép và có quyền thỏa mãn những sự ham muốn chính đáng bằng những phương cách chính đáng. Chúng ta không được thỏa mãn sự ham muốn chính đáng bằng phương cách không chính đáng. Như đói thì muốn ăn nhưng chúng ta không thỏa mãn sự muốn ăn bằng hành động ăn cắp thức ăn của người khác để ăn. Còn bất cứ sự ham muốn nào không chính đáng thì chúng ta phải lập tức nhân danh Chúa, truyền cho nó ra khỏi tâm trí của chúng ta. Nếu ma quỷ tiếp tục gieo vào tâm trí chúng ta những sự ham muốn không chính đáng đó thì chúng ta đọc to Lời Chúa để phản công. Thí dụ: Nếu ý tưởng ham muốn bất cứ điều gì thuộc về người khác vẫn cứ đến với chúng ta thì chúng ta đọc to điều răn thứ mười.

Điều quan trọng là chúng ta luôn luôn đối chiếu từng việc mình muốn hoặc mình định làm với Lời Chúa. Nếu là việc không đúng Lời Chúa thì chúng ta gạt ngay việc ấy ra khỏi tâm trí của chúng ta. Nếu ý tưởng sai trái ấy trở lại trong tâm trí thì chúng ta nhân danh Chúa, xua đuổi nó và đọc to Lời Chúa, là lời cho thấy, đó là tội lỗi.

Nếu ma quỷ không thành công với sự cám dỗ và dối trá thì chúng sẽ tiến hành bước thứ nhì trong chiến lược và chiến thuật của chúng. Chúng sẽ bắt chẹt chúng ta bằng cách dùng kẻ xấu hăm dọa phơi bày những bí mật xấu xa của chúng ta, khiến chúng ta chọn phạm tội để che giấu những bí mật ấy. Sự phạm tội có thể chỉ là một lời nói dối hoặc một lời chối tội để che giấu những gì chúng ta không muốn người khác biết. Nhưng tội nói dối ngang bằng với các trọng tội khác:

Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Ngoài ra, Sa-tan là cha của sự nói dối. Khi một người nói dối thì người ấy đã tự nhận mình là con cái của Sa-tan:

Các ngươi là ra từ cha Ma Quỷ của các ngươi. Các ngươi sẽ làm theo sự tham muốn của cha các ngươi. Nó đã là kẻ giết người từ lúc ban đầu; chẳng đứng vững trong lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó. Khi nó nói dối, nó nói bởi chính nó, vì nó là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.” (Giăng 8:44).

Chúng ta là những con trai và những con gái của Thiên Chúa (II Cô-rinh-tô 6:18). Chúng ta không thể nói dối.

Trong các quốc gia mà nhà cầm quyền thù nghịch con dân Chúa thì ma quỷ cũng có thể bắt chẹt chúng ta bằng cách dùng kẻ xấu hăm dọa tố cáo chúng ta với nhà cầm quyền, khiến chúng ta sợ mà làm theo ý muốn nghịch Lời Chúa của kẻ xấu.

Nếu việc xấu của chúng ta thuộc về quá khứ, trước khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì khi bị phơi bày, chúng ta cứ can đảm xưng nhận. Đồng thời, đó cũng chính là cơ hội để chúng ta làm chứng về sự Chúa đã biến đổi chúng ta thành một người mới như thế nào.

Nếu việc xấu của chúng ta xảy ra sau khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Chúa và chúng ta đã thật lòng ăn năn, thì khi bị phơi bày, chúng ta cứ can đảm xưng nhận; và dâng lời tạ ơn thương xót của Chúa.

Nếu không phải là việc xấu nhưng là việc khi bị công khai thì có hại cho chúng ta hay Hội Thánh, thì chúng ta phó thác lên Chúa và yên lặng chờ đợi sự giải cứu của Chúa.

Các Thi Thiên 1, 23, và 91 là ba phân đoạn Thánh Kinh an ủi chúng ta và thích hợp để chúng ta đáp trả sự bắt chẹt và hăm dọa của ma quỷ.

Sau cùng, nếu sự bắt chẹt và hăm dọa không khiến chúng ta phạm tội thì ma quỷ sẽ dùng sự khủng bố để làm hại chúng ta, mong rằng chúng ta sẽ oán trách Chúa và mất đức tin, như chúng đã làm đối với Gióp thời trước Cựu Ước và với Hội Thánh của Chúa trong suốt gần hai ngàn năm qua.

Đối với Gióp, chỉ trong một ngày toàn bộ tài sản của ông bị Sa-tan khiến cho bị thiêu hủy hoặc bị cướp mất và mười đứa con bị chết trong tai nạn. Tiếp theo đó, thân thể của Gióp, từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, bị một chứng ung độc tàn phá, đau nhức và ngứa ngáy khó chịu. Rồi vợ của Gióp cũng xúi giục ông nguyền rủa Chúa và chết đi (Gióp 1-2). Nhưng Gióp đã giữ vững đức tin. Ông khảng khái nói:

Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15a).

Đối với con dân Chúa trong Hội Thánh, Sa-tan đã dùng thế lực cầm quyền của đế quốc La-mã, của Giáo Hội Công Giáo, của Hồi Giáo, của các nhà cầm quyền cộng sản để bắt bớ, tra tấn, tù đày, và giết chết họ. Nhưng hàng triệu môn đồ chân thật của Đấng Christ đã giữ vững đức tin cho tới chết.

Ngày nay, ma quỷ có thể trực tiếp hãm hại chúng ta như Sa-tan đã hãm hại Gióp. Ngày nay, ma quỷ cũng có thể mượn tay nhà cầm quyền chống nghịch Thiên Chúa để hãm hại chúng ta. Nhưng tất cả những sự hãm hại ấy sẽ đều là sự cho phép của Đức Chúa Trời để thử thách đức tin của chúng ta. Chúng ta cần ghi nhớ câu chuyện của ông Gióp. Chúng ta cũng cần ghi nhớ các phân đoạn Thánh Kinh sau đây, dùng Lời Chúa để phản công ma quỷ:

Rô-ma 8:28-39

28 Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.

29 Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.

30 Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công bình. Những ai Ngài đã xưng là công bình thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển.

31 Vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao về những sự này? Nếu Đức Chúa Trời vì chúng ta thì ai có thể nghịch lại chúng ta?

32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì hết thảy chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?

33 Ai sẽ kiện những người được chọn của Thiên Chúa? Thiên Chúa xưng công bình những người ấy.

34 Ai sẽ định tội họ? Đấng Christ đã chết nhưng cũng đã sống lại, là Đấng đang ngự bên phải Đức Chúa Trời, cầu thay cho chúng ta.

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? Có phải sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc gươm giáo chăng?

36 Như có chép: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày. Chúng tôi bị xem như chiên để làm thịt. [Thi Thiên 44:2]

37 Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta hơn cả những người thắng trận.

38 Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến,

39 chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Lời Chúa giúp cho chúng ta được thêm sức mạnh, giữ vững đức tin và hy vọng, trong khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa, chịu khổ vì vâng giữ các điều răn của Chúa.

Nếu chúng ta không thể chịu khổ vì danh Chúa, không thể chịu khổ vì vâng giữ các điều răn của Chúa thì đức tin của chúng ta sẽ chết đi, giống như những hạt giống rơi trên vùng đất có đầy đá (Ma-thi-ơ 13:20-21).

Vì vũ khí phản công duy nhất của chúng ta đối với mọi sự tấn công của ma quỷ là Lời Chúa, nên chúng ta cần phải ngày đêm, đọc, suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo:

Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Khi cần thì chúng ta công bố Lời Chúa trước ma quỷ, trước những kẻ xấu bị ma quỷ sai khiến, bao gồm những viên chức cầm quyền.

Chúng ta sẽ phải liên tục chiến đấu ngày đêm trong danh Chúa cho tới ngày Chúa đến. Chúng ta sẽ phải cùng lúc chiến đấu trên cả ba mặt trận: chiến cự người cũ, chiến cự thế gian, và chiến cự ma quỷ. Cuộc chiến nào cũng khốc liệt và nhiều gian khổ nhưng nếu chúng ta trung tín thì chúng ta chắc chắn là người chiến thắng. Vì trong Đấng Christ, chúng ta có sự chiến thắng:

Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy can đảm! Ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33b).

Cuộc chiến thuộc linh của chúng ta cũng đang đi vào thời điểm cuối cùng. Nó có thể kết thúc bất kỳ lúc nào. Chúng ta sắp bước vào trong sự vinh quang đời đời. Mão sự sống đang chờ đợi chúng ta (Khải Huyền 2:10).

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/02/2021

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/cuoc-chien-giua-nguoi-moi-va-nguoi-cu/

[2] https://timhieutinlanh.com/cuoc-chien-giua-nguoi-moi-va-the-gian/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-phe-so-6_10-24/

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin”
https://karaokethanhca.net/con-xin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/