Sự Kết Hôn, Sự Ly Dị, và Sự Tái Hôn Theo Lời Chúa

1,094 views

Youtube: https://youtu.be/HImUzg_v8DM

202216 Bài Giảng Trong Năm 2022
Sự Kết Hôn, Sự Ly Dị, và Sự Tái Hôn Theo Lời Chúa
 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Có một thực tế rất hiển nhiên, đó là ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này thì ngày đó chúng ta vẫn còn có những nhu cầu chính đáng của xác thịt. Có các nhu cầu vừa là nhu cầu riêng của chúng ta mà cũng vừa là mệnh lệnh chung của Thiên Chúa ban cho loài người. Như các nhu cầu kết hôn, sinh con, vui hưởng tình yêu vợ chồng, vui hưởng tình yêu giữa cha mẹ và con cái đều có liên quan đến hai mệnh lệnh chung của Thiên Chúa.

Mệnh lệnh thứ nhất là một trong ba mệnh lệnh chung đầu tiên của Thiên Chúa truyền cho loài người trong buổi đầu sáng thế; và đã được chép lại trong Sáng Thế Ký 1:28:

Thiên Chúa ban phước cho họ và phán:

    • Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất!

    • Hãy làm cho đất phục tùng!

    • Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!”

Mệnh lệnh ấy đã được nhắc lại sau Cơn Lụt Lớn, là cơn lụt đã hủy diệt mọi sinh vật có hơi thở trên đất, vì sự phạm tội của loài người, ngoại trừ gia đình tám người của Nô-ê:

Thiên Chúa ban phước cho Nô-ê cùng các con trai của ông và phán với họ: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất. (Sáng Thế Ký 9:1).

Mệnh lệnh thứ nhì là mệnh lệnh chung do Đức Thánh Linh đã ban cho Hội Thánh, qua Sứ Đồ Phao-lô:

Nhưng để tránh sự tà dâm thì mỗi người đàn ông hãy có vợ cho mình; và mỗi người đàn bà hãy có chồng cho mình!” (I Cô-rinh-tô 7:2).

Để có thể sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất thì loài người phải kết hôn. Người nam và người nữ phải kết hiệp với nhau trong mối quan hệ vợ chồng và có sự quan hệ tình dục với nhau.

Cách tốt nhất để tránh sự phạm tội tà dâm cho cả đàn ông lẫn đàn bà cũng là sự kết hôn.

Nếu tội lỗi không vào trong thế gian và loài người ăn trái của Cây Sự Sống thì loài người sẽ sống mãi và không bao giờ phạm tội. Chúng ta hiểu rằng, vì không có tội lỗi thì sẽ không có sự đau ốm và sự chết, cũng không có sự ly dị, nên từng đôi vợ chồng sẽ sống mãi bên nhau. Họ cứ sinh con làm cho đầy dẫy đất và có thể sẽ làm cho đầy dẫy hàng bao nhiêu tỉ hành tinh khác trong vũ trụ bao la. Vì mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên vũ trụ bao la với hàng tỉ thiên hà mà mỗi thiên hà có hàng trăm tỉ ngôi sao, hàng trăm tỉ hành tinh là để ban cho loài người. Lời Chúa khẳng định:

Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến rũ, quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

Tiếc thay, loài người đã phạm tội, khiến cho tội lỗi vào trong thế gian, đem theo hậu quả của sự phạm tội là đau ốm, già yếu, và sự chết. Bên cạnh đó còn là bao nhiêu hệ lụy như:

II Ti-mô-thê 3:2-5

2 Vì loài người sẽ là những kẻ ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, phạm thượng, không vâng phục cha mẹ, không biết ơn, không tin kính,

3 không có tình cảm tự nhiên, không hòa thuận, hay vu khống, không tiết độ, hung dữ, chống nghịch những sự lành và những người lành,

4 phản bội, nóng tính, lên mình kiêu ngạo, yêu sự khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa,

5 có hình thức của sự tin kính, nhưng chối bỏ quyền lực của sự ấy…

Một trong các hậu quả nghiêm trọng của các hệ lụy đó là sự trong thế gian đã và vẫn tiếp tục xảy ra biết bao nhiêu là sự đổ vỡ của hôn nhân, dẫn đến sự ly dị. Cuộc ly dị nào cũng để lại tổn thương tâm lý sâu nặng cho con cái nếu đôi vợ chồng ly dị đã có con.

Trước khi là con dân Chúa thì mỗi người trong chúng ta đều là tội nhân, đều vi phạm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, đều mang các tính xấu xa, gian ác như đã liệt kê trong II Ti-mô-thê 3:2-5. Và vì thế, chúng ta đã sống như bao nhiêu người khác trong thế gian. Sau khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì chúng ta đã được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus làm cho sạch tội, và được Đức Thánh Linh ban cho thánh linh là năng lực của Thiên Chúa để chúng ta có thể sống thánh khiết theo Lời Chúa. Tức là sống theo luật pháp của Thiên Chúa, vâng giữ các điều răn của Ngài.

Chúng ta cần phân biệt:

  • Sống theo luật pháp của Thiên Chúa là sống nếp sống vâng giữ các điều răn của Ngài.

  • dưới luật pháp của Thiên Chúa là chịu sự hình phạt bởi luật pháp của Ngài vì những sự phạm tội của chúng ta.

Con dân Chúa không còn ở dưới luật pháp của Thiên Chúa, tức là không còn bị hình phạt bởi luật pháp của Ngài cho những sự phạm tội của mình (Rô-ma 8:1). Vì họ đã thật lòng tin nhận Tin Lành và được ở dưới ân điển của Đấng Christ. Đấng Christ đã gánh thay mọi hình phạt cho những sự phạm tội của họ. Nhưng con dân Chúa không phạm tội nữa mà sống theo luật pháp, tức là vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa (Rô-ma 3:31). Vì thế, mọi sinh hoạt của con dân Chúa không còn theo bản tính cũ tội lỗi nữa mà theo bản tính mới của người đã được Đức Chúa Trời dựng nên mới:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22-23).

Dù vậy, cuộc hôn nhân của con dân Chúa cũng có khi phải kết thúc bằng sự ly dị. Nếu vợ hay chồng là người không thuộc về Chúa.

Như bao nhiêu sinh hoạt khác, sự kết hôn, sự ly dị, và sự tái hôn của con dân Chúa cũng phải hoàn toàn theo đúng Lời Chúa, sao cho:

Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều xây dựng.” (I Cô-rinh-tô 10:23).

Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Vậy, Lời Chúa đã dạy gì về sự kết hôn, sự ly dị, và sự tái hôn của con dân Chúa?

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng, những gì Chúa dạy về sự kết hôn, sự ly dị, và sự tái hôn là cho con dân Chúa, tức là cho những người đã thật lòng ăn năn tội, đã tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa. Vì người nào không phải là con dân Chúa thì không có năng lực Chúa ban để có thể sống theo Lời Chúa.

Kế tiếp, chúng ta cần phải hiểu rằng, các luật pháp về kết hôn, ly dị, và tái hôn thời Cựu Ước không còn áp dụng trong thời Tân Ước, vì có sự thay đổi về luật hôn nhân trong tiêu chuẩn mới của Giao Ước Mới, và có sự thay đổi về năng lực hành xử của con dân Chúa. Tương tự như sự thay đổi về các điều luật chọn thầy tế lễ, dâng của lễ lên Chúa, và thờ phượng Chúa.

Chúng ta đã biết, trong thời Tân Ước, không còn việc chọn thầy tế lễ thượng phẩm. Vì thầy tế lễ thượng phẩm đời đời đã được Đức Chúa Trời chọn ra và xức dầu cho. Đó là Đức Chúa Jesus Christ. Cũng không còn việc chọn ra các thầy tế lễ nữa, vì Đức Chúa Trời đã chọn ra các thầy tế lễ là những ai thuộc về Hội Thánh của Ngài. Sự thờ phượng Chúa cũng không còn phải là trong Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem nữa. Vì thân thể của mỗi con dân Chúa là Đền Thờ Thiên Chúa; và con dân Chúa, trong tư cách thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1). Con dân Chúa thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật (Giăng 4:23).

Sự Kết Hôn

Con dân Chúa được tự do kết hôn, miễn là kết hôn với người trong Chúa (I Cô-rinh-tô 7:39). Người trong Chúa có nghĩa là người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa; sống theo Lời Chúa.

Hôn nhân trong Chúa không phân biệt bất cứ điều gì, như: chủng tộc, tuổi tác, trình độ học thức, giàu nghèo, giai cấp, địa vị, v.v.. Chỉ cần người nam và người nữ ở trong Chúa, độc thân, hợp pháp về tuổi tác kết hôn theo luật lệ của quốc gia mà họ đang cư trú.

Con dân Chúa không được kết hôn với người không tin Chúa. Lời Chúa đã dạy rất rõ:

II Cô-rinh-tô 6:14-18

14 Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?

15 Đấng Christ với Bê-li-an có sự hiệp ý gì? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị hoặc sự ác, kẻ ác; là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]

16 Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27]

17 Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45]

18 Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]

Phân đoạn này cũng là nền tảng cho sự con dân Chúa ly dị chồng hay vợ không tin Chúa.

Sự Ly Dị và Sự Ly Thân

Thời Cựu Ước con dân Chúa không có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của họ và ban thánh linh cho họ. Họ không có tình yêu của Đức Chúa Trời trong họ, không có năng lực để thắng các cá tính xấu của họ. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ các điều luật để hạn chế các hậu quả xấu có thể phát sinh từ các quyết định không đẹp lòng Chúa của họ. Điển hình là luật về sự ly dị. Lời Chúa đã chép:

Ngài phán với họ: Vì cớ sự cứng cỏi của lòng các ngươi Môi-se đã cho phép các ngươi ly dị vợ của các ngươi. Nhưng từ ban đầu đã không như vậy.” (Ma-thi-ơ 19:8).

Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1-4

1 Khi một người nam tiếp nhận một người đàn bà và đã cưới nàng, và nếu xảy ra nàng chẳng tìm thấy ơn trong mắt của người, vì người đã thấy nơi nàng một sự xấu hổ nào, thì người hãy viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng, đuổi nàng khỏi nhà người.

2 Khi nàng đã ra khỏi nhà người, đi và trở thành vợ của một người khác,

3 và người chồng sau ghét nàng, viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng, đuổi nàng khỏi nhà người, hoặc nếu người chồng sau, người đã tiếp nhận nàng làm vợ, chết đi,

4 thì người chồng trước là người đã đuổi nàng đi, không có quyền tiếp nhận nàng trở lại để làm vợ, sau khi nàng bị ô uế. Vì ấy là điều gớm ghiếc trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngươi chớ khiến cho đất phạm tội; đất mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp.

Khi một người nam tiếp nhận một người nữ và cưới nàng, thì cả hai trở thành vợ chồng.

Vợ chẳng tìm thấy ơn trong mắt chồng có nghĩa là chồng không còn yêu thích vợ nữa.

Lý do chồng không còn yêu thích vợ nữa là vì chồng tìm thấy có sự xấu hổ nào đó nơi vợ. Danh từ “sự xấu hổ” (H6172) được dùng trong câu này có nghĩa đen là sự trần truồng, đáng bị hổ thẹn; có nghĩa bóng là sự lộ ra cá tính xấu hoặc khuyết điểm, đáng bị hổ thẹn.

Nếu hiểu về nghĩa đen thì có thể là người vợ có nhu cầu tình dục cao hơn chồng, thường khỏa thân, khêu gợi, kích thích người chồng về tình dục mà người chồng không có khả năng đáp ứng. Nếu hiểu về nghĩa bóng thì có thể là người vợ lộ ra cá tính xấu, khuyết điểm, hoặc thiếu năng lực nội trợ, như: lười biếng việc nhà, ngồi lê đôi mách, tham lam, dối trá, không vâng phục chồng… Cũng không ngoại trừ người vợ trở nên bệnh tật, yếu đuối, già xấu, hoặc không có khả năng đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng.

Khi đó, chồng được phép ly dị vợ bằng cách viết tờ ly dị trao cho vợ và đuổi vợ ra khỏi nhà.

Có người nghĩ rằng, danh từ “sự xấu hổ” nói đến sự người vợ phạm ngoại tình hoặc phạm các hình thức tà dâm khác. Nhưng luật pháp dành cho sự phạm tội ngoại tình là cả người đàn ông lẫn người đàn bà phạm tội đều bị xử tử hình:

Nếu người nào phạm tội ngoại tình cùng vợ của người khác, tức là phạm tội ngoại tình cùng vợ người lân cận mình, thì người nam ngoại tình và người nữ ngoại tình đều phải bị xử tử.” (Lê-vi Ký 20:10).

Luật pháp dành cho sự phạm các tội tà dâm khác cũng là bị xử tử hình, như đã liệt kê trong Lê-vi Ký 20:11-16; Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:21-25. Ngoại trừ một trường hợp duy nhất là hai người độc thân phạm tà dâm với nhau thì phải cưới nhau, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 22:16 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:28-29.

Thánh Kinh nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có hai từ ngữ để chỉ về sự phạm tội tà dâm “zānâ” /gia-na/ (H2181) và phạm tội ngoại tình “nā’ap̄” /na-ép/ (H5003).

Dân Số Ký 25:1 “I-sơ-ra-ên ở tại Si-tim, và dân chúng bắt đầu phạm tội tà dâm (H2181) với những con gái của dân Mô-áp.”

Lê-vi Ký 20:10 “Nếu người nào phạm tội ngoại tình (H5003) cùng vợ của người khác, tức là phạm tội ngoại tình (H5003) cùng vợ người lân cận mình, thì người nam ngoại tình (H5003) và người nữ ngoại tình (H5003) đều phải bị xử tử.”

Lời Chúa rất rõ ràng, từng câu và từng chữ. Không ai có thể theo ý riêng mà giải thích.

Mỗi sự giải thích ý nghĩa của một từ ngữ trong Thánh Kinh phải đúng theo ý nghĩa mà từ ngữ đó được dùng trong các chỗ khác của Thánh Kinh. Một từ ngữ trong Thánh Kinh chỉ có thể được hiểu theo nghĩa do chính Thánh Kinh đã dùng, bất kể trong thế gian dùng từ ngữ đó theo nghĩa nào; và phải được hiểu theo văn mạch của câu Thánh Kinh ấy trong nguyên ngữ. Nếu một nghĩa nào đó không hề được dùng trong Thánh Kinh cho từ ngữ ấy thì chúng ta không được phép gán ý nghĩa đó cho từ ngữ ấy trong Thánh Kinh.

Trong số 54 lần danh từ “ʿervâ” /e-rơ-va/ (H6172) được dùng trong Thánh Kinh, không một lần nào nó được dùng với nghĩa: tà dâm hoặc ngoại tình. Nó chỉ được dùng với các nghĩa: trần truồng, lõa lồ, ô uế, không tinh sạch, xấu hổ, hổ thẹn [1].

Ngoài ra, không thể nào cùng một tội mà Chúa vừa ra lệnh xử tử hình lại vừa ra lệnh ly dị và cho phép kẻ phạm tội được tái hôn.

Trong thời Tân Ước chồng không được phép ly dị vợ theo điều luật ghi trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1-4. Nói cách khác, điều luật đó không còn áp dụng. Vì trong thời Tân Ước, Chúa đã ban hành các điều luật mới về sự ly dị tốt hơn, dành cho hai trường hợp:

  • Trường hợp cả vợ lẫn chồng đều là con dân Chúa.

  • Trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng là con dân Chúa.

Mỗi trường hợp có các hoàn cảnh khác nhau. Chúa có các điều luật thích hợp cho từng hoàn cảnh.

Sự Ly Dị và Sự Ly Thân Trong Trường Hợp Cả Vợ Lẫn Chồng Đều Là Con Dân Chúa

Trường hợp này có hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều áp dụng chung các điều luật:

  • Hoàn cảnh thứ nhất là cả vợ lẫn chồng đều là con dân Chúa trước khi kết hôn.

  • Hoàn cảnh thứ nhì là cả vợ lẫn chồng đều không phải là con dân Chúa trước khi kết hôn, nhưng sau khi kết hôn thì cả hai đều trở nên con dân Chúa.

Trong trường hợp này:

1. Sự ly dị chỉ có thể xảy ra khi chồng hay vợ phạm tội ngoại tình:

“Đã có lời rằng: Ai ly dị vợ của mình thì hãy cho nàng tờ ly dị. Nhưng Ta phán với các ngươi rằng: Ai ly dị vợ của mình ngoại trừ lý do tội tà dâm, thì người ấy khiến nàng phạm tội ngoại tình. Nếu ai cưới người bị ly dị đó cũng phạm tội ngoại tình.” (Ma-thi-ơ 5:31-32).

“Ta phán với các ngươi, ai ly dị vợ của mình ngoại trừ vì tội tà dâm, mà cưới người khác, thì người ấy phạm tội ngoại tình. Kẻ cưới người bị ly dị đó cũng phạm tội ngoại tình.” (Ma-thi-ơ 19:9).

Rõ ràng, luật hôn nhân thời Tân Ước tốt hơn luật hôn nhân thời Cựu Ước. Luật hôn nhân thời Tân Ước thay thế cho luật hôn nhân thời Cựu Ước. Ma-thi-ơ 5:31-32; 19:9 đã thay thế cho Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1.

2. Sự ly dị chỉ có thể có khi chồng hay vợ phạm tội mà không ăn năn, bị Hội Thánh dứt thông công. Khi đó, con dân Chúa phải phân rẽ khỏi người đã bị dứt thông công theo Lời Chúa dạy trong II Cô-rinh-tô 6:14-18, như đã trích dẫn trên đây, trong tiết mục “Sự Kết Hôn”.

3. Sau khi ly dị, con dân Chúa có quyền tái hôn với một con dân Chúa khác.

4. Trường hợp vì một lý do gì khác, không phải vì hai lý do (1) và (2) trên đây, mà vợ chồng phân rẽ nhau, thì cả vợ lẫn chồng không được tái hôn:

Về những người đã kết hôn, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, mà là Chúa, truyền rằng: Vợ không nên từ bỏ chồng! Nhưng nếu đã từ bỏ thì hãy cứ ở độc thân, hoặc là chịu phục hòa với chồng. Chồng cũng không nên từ bỏ vợ.” (I Cô-rinh-tô 7:10-11).

Động từ “từ bỏ” (G5563) được dùng với các nghĩa: phân rẽ, ly thân, đi xa. Có thể áp dụng trong trường hợp vợ chồng vì một lý do nào đó, không liên quan đến sự phạm tội, phải tạm thời xa cách nhau. Động từ “phục hòa” (G2644) được dùng trong trường hợp này không nhất thiết là vợ chồng có sự bất hòa với nhau. Mà nó được dùng với nghĩa rộng là vui đón nhận nhau, sau một thời gian xa cách nhau vì bất cứ lý do gì.

5. Nếu không phải vì hai lý do (1) và (2) trên đây, thì vợ chỉ có thể lấy chồng khác hoặc chồng chỉ có thể lấy vợ khác, sau khi chồng hoặc vợ hiện tại qua đời:

Cho nên, người phụ nữ nào có chồng, thì bị ràng buộc với chồng bởi luật pháp khi chồng còn sống. Nhưng nếu chồng chết, thì người ấy được thoát khỏi sự luật pháp đã ràng buộc mình với chồng. Vậy, nếu đang lúc chồng còn sống mà người ấy kết hôn với người chồng khác, thì người ấy sẽ bị gọi là đàn bà ngoại tình. Nhưng nếu chồng của người ấy chết, thì người ấy được tự do khỏi luật pháp; người ấy không là đàn bà ngoại tình, dù kết hôn với người chồng khác.” (Rô-ma 7:2-3).

Chồng còn sống bao lâu, thì vợ phải ràng buộc với chồng bởi luật pháp bấy lâu. Nếu chồng của nàng chết, nàng được tự do kết hôn với ai mà nàng muốn, miễn là trong Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:39).

Luật pháp được nói đến trong các câu Thánh Kinh trên đây là luật hôn nhân trong luật pháp của Chúa. Luật ấy có điều khoản xử tử những kẻ ngoại tình. Mặc dù các câu Thánh Kinh trên đây chỉ nói về phần người vợ, nhưng chúng ta hiểu rằng, điều luật này cũng áp dụng cho người chồng. Như đã được phán dạy rõ ràng bởi Đức Chúa Jesus:

Ngài phán với họ: Nếu ai ly dị vợ của mình mà cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội ngoại tình nghịch lại nàng. Nếu người đàn bà ly dị chồng của mình mà cưới chồng khác, thì nàng cũng phạm tội ngoại tình.” (Mác 10:11-12).

Lý do các câu Thánh Kinh trên đây nhấn mạnh đến người vợ là vì vào thời buổi ấy, phụ nữ không tin Chúa tại thành Rô-ma và thành Cô-rinh-tô sống rất phóng khoáng về quan hệ tình dục và hôn nhân. Họ dễ dàng phạm tà dâm, phạm ngoại tình. Luật pháp của La-mã cho phép họ được tự do ly dị mà không cần lý do. Người muốn ly dị chỉ cần bỏ đi hoặc tái hôn với người khác mà không cần sự can thiệp hoặc cho phép của nhà cầm quyền [2], [3].

Sự Ly Dị Trong Trường Hợp Chỉ Có Vợ Hoặc Chồng Là Con Dân Chúa

Trường hợp này là cả vợ lẫn chồng đều không phải là con dân Chúa trước khi kết hôn. Nhưng sau khi kết hôn thì một trong hai người trở nên con dân Chúa. Trong trường hợp này:

1. Con dân Chúa được phép tiếp tục sống chung với người chồng hay người vợ không tin Chúa. Nếu người không tin Chúa bằng lòng chung sống hòa bình, không bách hại đức tin của con dân Chúa. Con dân Chúa chấp nhận sự ly dị nếu người không tin Chúa muốn ly dị.

Nên nhớ, đây chỉ là sự Chúa cho phép, qua Sứ Đồ Phao-lô, không phải là điều răn, luật pháp của Chúa.

I Cô-rinh-tô 7:12-16

12 Về những người khác, chẳng phải Chúa, mà là tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em cùng Cha nào có vợ không tin Chúa, và nàng bằng lòng ở chung với mình, thì người ấy không nên từ bỏ nàng.

13 Còn người đàn bà nào có chồng không tin Chúa, và anh ta bằng lòng ở chung với mình, thì nàng không nên từ bỏ anh ta.

14 Bởi vì, chồng không tin Chúa được thánh hóa qua vợ; vợ không tin Chúa được thánh hóa qua chồng; nếu không, con cái của các anh chị em chẳng tinh sạch, nhưng hiện nay, chúng là thánh.

15 Nhưng nếu kẻ không tin Chúa bỏ đi thì hãy để cho kẻ ấy bỏ đi. Người anh em cùng Cha hay là người chị em cùng Cha chẳng bị sự ràng buộc gì trong trường hợp đó. Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta trong sự bình an.

16 Hỡi người làm vợ! Biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng? Hỡi người làm chồng! Biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ?

Về ý nghĩa của các câu Thánh Kinh trên đây, xin đọc bài giảng chú giải “Chú Giải I Cô-rinh-tô 07:01-16 Nguyên Tắc Chung về Hôn Nhân” [4].

2. Con dân Chúa được kêu gọi hãy phân rẽ khỏi người chồng hay vợ không tin Chúa. Nghĩa là hãy ly dị, theo Lời Chúa dạy trong II Cô-rinh-tô 6:14-18 đã trích dẫn trên đây.

3. Sau khi ly dị, con dân Chúa có quyền tái hôn với một con dân Chúa khác.

Sự Tái Hôn của Con Dân Chúa

Như chúng ta đã biết, một trong các mệnh lệnh đầu tiên của Thiên Chúa ban cho loài người là sự “sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” (Sáng Thế Ký 1:28). Mà muốn sinh sản thì phải kết hôn. Kế tiếp là sự Chúa truyền cho đàn ông lẫn đàn bà phải kết hôn để không bị phạm tội tà dâm.

Vì thế, con dân Chúa hoàn toàn có quyền và nên tái hôn sau khi chồng hay vợ qua đời, hoặc sau khi ly dị chồng hay vợ đúng theo luật pháp của Thiên Chúa.

Con dân Chúa được quyền vui hưởng hạnh phúc gia đình trong mối quan hệ giữa vợ chồng và trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Lời Chúa cũng dạy cho chúng ta biết hai người tốt hơn một:

Truyền Đạo 4:9-12

9 Hai người hơn một, vì sẽ được công giá tốt về việc làm của họ.

10 Vì nếu họ ngã, thì một người sẽ đỡ bạn mình lên. Khốn cho kẻ ở một mình khi bị ngã, mà không có người khác đỡ mình lên!

11 Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được?

12 Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.

Hơn nữa, ngay trong thời Cựu Ước, người đàn bà bị ly dị hợp pháp vẫn có quyền tái hôn, như điều luật đã ghi trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1-4. Đức Chúa Jesus đã công nhận sự tái hôn theo luật pháp của Thiên Chúa, khi Ngài phán rằng, người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước có năm đời chồng (Giăng 4:18). Thì hoàn toàn không có lý do gì con dân Chúa ly dị hợp pháp theo Lời Chúa trong thời Tân Ước lại không được phép tái hôn.

Quan điểm cho rằng, con dân Chúa sau khi ly dị không được tái hôn, cho tới khi người chồng hay người vợ bị ly dị đã qua đời là do hiểu Thánh Kinh không đúng. Do hiểu sai ý nghĩa của các câu Thánh Kinh trong Rô-ma 7:2-3; I Cô-rinh-tô 7:10-11, 39, là các câu Thánh Kinh áp dụng cho sự ly thân của hai vợ chồng cùng là con dân Chúa, mà sự ly thân đó không liên quan đến sự phạm tội của chồng hay vợ. Sự ly thân đó có thể vì một trong hai người bị bệnh lâu năm, già yếu, bất lực về sinh hoạt tình dục, bị tù, hoặc đi làm ăn xa lâu ngày…

Khi sự ly dị xảy ra vì một trong hai người không tin Chúa hoặc phạm tội mà không ăn năn thì người tin Chúa mà không phạm tội hoàn toàn có quyền tái hôn. Vì Lời Chúa đã dạy rõ:

  • Người tin không có phần gì với kẻ chẳng tin (II Cô-rinh-tô 6:15).

  • Người tin không bị ràng buộc gì với kẻ chẳng tin, nghĩa là không có luật pháp nào ràng buộc người tin, không cho phép người tin tái hôn sau khi ly dị người chẳng tin (I Cô-rinh-tô 7:15).

Kẻ chẳng tin bao gồm người không hề tin Chúa lẫn người đã tin Chúa nhưng về sau, phạm tội mà không chịu ăn năn, bị dứt thông công.

Kết Luận

Con dân Chúa chỉ được kết hôn hoặc tái hôn với người trong Chúa. Con dân Chúa không được ly dị nếu không phải vì chồng hay vợ phạm tội ngoại tình, hoặc vì phạm bất cứ tội gì khác mà không chịu ăn năn, bị dứt thông công. Con dân Chúa nếu vì lý do gì khác hơn lý do chồng hay vợ phạm tội mà phải phân rẽ, ly thân thì không được tái hôn. Trong trường hợp đó, hai bên nên phục hòa với nhau. Nếu chồng hay vợ là người không tin Chúa thì con dân Chúa có thể chọn tiếp tục sống chung, theo Lời Chúa dạy trong I Cô-rinh-tô 7:12-16; hoặc chọn ly dị theo Lời Chúa dạy trong II Cô-rinh-tô 6:14-18. Con dân Chúa sau khi ly dị theo Lời Chúa thì được quyền tái hôn với người trong Chúa.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/05/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.blueletterbible.org/lexicon/h6172/kjv/wlc/0-1/

[2] https://news.stanford.edu/pr/91/911203Arc1041.html

[3] http://www.womenintheancientworld.com/divorceinancientrome.htm

[4] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-0701-16-nguyen-tac-chung-ve-hon-nhan/

Karaoke Thánh Ca: “Mãi Yên Nghỉ Trong Tình Yêu”
https://karaokethanhca.net/mai-yen-nghi-trong-tinh-yeu/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.