Tuổi Dậy Thì 02: Nỗi Buồn Không Tên

1,935 views

Tuổi Dậy Thì:
02 Nỗi Buồn Không Tên

Huỳnh Christian Timothy

“Như con nai cái mong chờ khe nước, Thiên Chúa ôi, linh hồn tôi mong chờ Ngài!
Linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa, là Thiên Chúa Hằng Sống!
Khi nào tôi sẽ đến ra mắt Thiên Chúa?”
(Thi Thiên 42:1-2)

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzEzOTA1MTRf/TDT_02_NoiBuonKhongTen.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/tdt_02_noibuonkhongten
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ygq5aq655m8kyf0/TDT_02_NoiBuonKhongTen.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Một trong những thay đổi tâm lý đầu tiên đến với tuổi dậy thì là cái cảm giác trống vắng, bâng khuâng, buồn buồn. Buồn mà không biết vì sao mình buồn. Các thi sĩ và nhạc sĩ thường gọi đó là “nỗi buồn không tên”, “nỗi buồn vu vơ”, “nỗi buồn của tuổi mới lớn”…

Các nhà tâm lý học thì cho rằng, đó là vì cơ thể của chúng ta bị thiếu chất kích thích tố xe-rô-tô-nân, cho nên, chúng ta có cảm giác buồn chán.

Kích thích tố, còn gọi là nội tiết tố, trong tiếng Anh là “hormone” (hóc-môn). Kích thích tố là các chất hóa học do một số tế bào bên trong cơ thể tiết ra. Nhiệm vụ của các kích thích tố là chuyển đạt thông tin từ tế bào này đến tế bào khác và kích thích các tế bào hoạt động. Mục đích của các kích thích tố là điều hòa việc phát triển của cơ thể; giúp cơ thể điều chỉnh cho thích nghi với hoàn cảnh sống; điều khiển chu kỳ sinh sản, lưu truyền dòng giống; điều khiển việc thức, ngủ; và điều khiển cảm xúc, tâm trạng.

Xe-rô-tô-nân, được phiên âm từ tiếng Anh “serotonin”, là một kích thích tố với khoảng 20% trong thần kinh trung ương của bộ não và 80% trong đường ruột của bộ tiêu hóa. Trong bộ não, xe-rô-tô-nân giúp cho việc nhận thức; điều khiển sự thức, ngủ, thèm ăn; và ảnh hưởng đến việc thay đổi tâm trạng. Nếu số lượng xe-rô-tô-nân xuống thấp thì sẽ khiến cho tâm trạng trở nên buồn chán, cáu gắt.

Xét về phương diện sinh học thì đúng là khi trong bộ não của chúng ta bị thiếu kích thích tố xe-rô-tô-nân thì chúng ta sẽ bị buồn chán. Nhưng tại sao sự kiện thiếu kích thích tố xe-rô-tô-nân lại xảy ra cho mọi người vào lứa tuổi dậy thì? Khoa học không có câu trả lời, ngoài việc đoán rằng, vì vào lứa tuổi dậy thì, cơ thể của chúng ta phát triển quá nhanh, không kịp sản xuất đủ chất xe-rô-tô-nân.

Nỗi buồn không tên đó khiến cho chúng ta cảm thấy hụt hẫng và “chán đời”, không tha thiết đến việc học hành hay bất cứ việc gì, kể cả bổn phận thường làm trong gia đình. Nhiều người khi đến tuổi dậy thì chọn tụ tập với bạn bè cùng trang lứa, làm những việc tạo ra cảm giác hưng phấn, để khỏa lấp tâm trạng buồn chán. Những việc làm đó thường là những việc phạm pháp và tội lỗi, như: cờ bạc, tà dâm, uống rượu, hút thuốc lá, dùng ma túy, đua xe, trộm cắp… Điều tai hại càng hơn là những việc làm xấu đó chỉ tạm thời khiến cho chúng ta quên đi nỗi buồn chán trong khi chúng ta làm ra chúng, chứ không giải quyết được tâm trạng buồn chán. Sau đó, thì nỗi buồn chán càng gia tăng. Thậm chí, có nhiều người đã buồn chán đến mức chọn sự tự tử. Tại Mỹ, theo thống kê của năm 2016, chết vì tự tử đứng hàng thứ nhì trong các nguyên nhân chết của thanh thiếu niên.

Thật ra, nỗi buồn không tên đó chính là điều mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi chúng ta. Nỗi buồn không tên đó là dấu hiệu từ thiên đàng, báo cho chúng ta biết rằng, chúng ta đã đến tuổi tự mình nhận biết Thiên Chúa, học biết về Thiên Chúa, và tương giao với Ngài. Tương giao là hai bên cùng tiếp xúc thân mật với nhau, thường xuyên trò chuyện với nhau, nghĩ đến nhau, nhớ về nhau, chăm lo cho nhau…

Nỗi buồn không tên đó báo cho chúng ta biết rằng, trong thế gian này, ngoài Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được ai hoàn toàn hiểu biết chúng ta; hoàn toàn yêu thương chúng ta; sẵn lòng làm những điều tốt nhất cho chúng ta; có dư dật năng lực cùng thẩm quyền làm ra mọi sự tốt lành cho chúng ta; và ban cho chúng ta một đời sống vui thỏa, ngập tràn phước hạnh, giúp ích cho những người chung quanh chúng ta.

Nói cách khác, nếu chúng ta không đến với Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không được thỏa lòng; chúng ta sẽ luôn mệt mỏi, buồn chán trong cuộc sống, và quan trọng hơn hết là sẽ ngày càng lún sâu vào trong đủ các thứ tội. Mà càng phạm tội thì càng xa cách Thiên Chúa, càng cô đơn, buồn thảm, chán chường!

Câu gốc tuần này của chúng ta là lời diễn tả tâm trạng của một người khao khát được tương giao với Thiên Chúa:

“Như con nai cái mong chờ khe nước, Thiên Chúa ôi, linh hồn tôi mong chờ Ngài! Linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa, là Thiên Chúa Hằng Sống! Khi nào tôi sẽ đến ra mắt Thiên Chúa?” (Thi Thiên 42:1-2).

“Con nai cái” hàm ý con nai cái đang mang thai rất cần nước và thèm uống nước nơi khe nước. Động từ “mong chờ” vừa có nghĩa là mong ngóng vừa có nghĩa là tiếng kêu tha thiết hoặc tiếng thở gấp, diễn tả con nai cái đang trên đường ngóng tìm khe nước, vừa kêu, vừa thở gấp vì cơn khát, mong chờ mau tìm gặp khe nước. Linh hồn của một người thiếu vắng sự tương giao với Thiên Chúa không khác nào con nai cái thiếu nước và thèm khát nước.

Thi Thiên 42 nói về sự một người trước đây có Chúa, có sự tương giao với Ngài, nhưng giờ đây, vì sự phạm tội, đã bị xa cách Thiên Chúa. Người ấy đau buồn, thương nhớ Chúa và khao khát Chúa. Người ấy ăn năn tội và xin Chúa cho mình được trở lại tương giao với Chúa.

Khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì, chúng ta có nỗi buồn không tên, vì chúng ta chưa có sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Nỗi buồn không tên ấy chính là sự linh hồn của chúng ta thiếu vắng sự tương giao với Thiên Chúa.

Vì thế, khi các cháu bước vào tuổi dậy thì và đối diện với nỗi buồn không tên, thì các cháu đừng tìm đến bất cứ một điều gì trong thế gian này, để mong khỏa lấp nỗi buồn không tên đó; mà các cháu hãy tìm đến một nơi yên tĩnh, quỳ xuống, thưa với Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện tương tự như sau:

Kính lạy Đức Chúa Trời là Thiên Chúa của con, Đấng đã dựng nên con, cứu chuộc con, và là Cha ở trên trời của con. Con biết rằng, giờ này, Ngài đang gõ cửa lòng con, mời gọi con bước vào trong sự tương giao mật thiết với Ngài. Con xin cảm tạ tình yêu của Ngài.

Hôm nay, con xin được bước vào trong sự tương giao với Ngài, bằng sự đọc và suy ngẫm Thánh Kinh mỗi ngày, trò chuyện với Ngài mỗi ngày.

Xin Cha chăn dắt trọn đời sống con, giữ gìn con để con không sa vào những sự cám dỗ, nhưng luôn biết hướng lòng về Ngài. Xin Cha ban cho con đầy dẫy năng lực để con luôn sống một đời sống thánh khiết, yêu thương, và công chính.

Nguyện đời sống con luôn được thỏa vui và là thức hương thơm kính dâng lên Thiên Chúa.

Con thành kính cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Nếu các cháu chưa bao giờ ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì bác mời các cháu đọc, nghe bài giảng “Tin Lành Là Gì” [1], rồi thưa với Đức Chúa Jesus Christ lời ăn năn tội và lời tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, như bác đã hướng dẫn trong bài giảng ấy, trước khi các cháu có thể cầu nguyện những lời trên đây. Vì chỉ khi các cháu thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì các cháu mới có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời và tương giao với Đức Chúa Trời.

Sau khi thưa với Đức Chúa Trời những lời cầu nguyện trên đây, các cháu hãy bắt đầu thiết lập lịch đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Các cháu hãy tập thói quen đọc Thánh Kinh vào mỗi buổi sáng, sau khi cầu nguyện. Ít nhất là mỗi ngày các cháu đọc một câu Thánh Kinh và suy ngẫm câu ấy. Thường thì nên đọc một vài đoạn và suy ngẫm các đoạn đã đọc. Sự suy ngẫm có thể cứ tiếp tục trong suốt ngày và ngay cả khi các cháu đã lên giường nằm, chờ giấc ngủ. Trong khi suy ngẫm, các cháu có thể thầm trò chuyện với Chúa, nêu các thắc mắc lên Chúa và hỏi xem Chúa muốn dạy các cháu điều gì qua những câu Thánh Kinh mà các cháu đang suy ngẫm, rồi dâng lời tôn vinh và cảm tạ Chúa.

Các cháu có thể bắt đầu từ sách Ma-thi-ơ và đọc cho đến sách Khải Huyền. Tiếp theo là đọc sách Thi Thiên và sách Châm Ngôn. Sau cùng là đọc từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền. Các cháu nên ghi vào một cuốn sổ những điều các cháu hiểu biết về câu hoặc đoạn Thánh Kinh mà các cháu đã đọc. Cuốn sổ ấy sẽ là một tài sản quý báu của các cháu.

Các cháu nên bắt đầu một ngày mới bằng cách cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ mọi sự vi phạm của các cháu. Nếu các cháu nhận biết mình đã phạm tội gì thì xưng tội với Chúa. Kế tiếp, các cháu xin Đức Chúa Trời thánh hóa thân thể của các cháu và tiếp nhận thân thể của các cháu như một của lễ sống và thánh dâng lên Ngài (Rô-ma 12:1). Các cháu xin Đức Chúa Trời giữ gìn các cháu không phạm tội và ban ơn cho mọi việc làm của các cháu. Các cháu xin Đức Chúa Jesus Christ cùng đi bên cạnh các cháu và ban cho các cháu sức mạnh để làm trọn mọi sự đẹp lòng Thiên Chúa. Các cháu xin Đức Thánh Linh ban cho các cháu sự hiểu biết Lời Chúa, dẫn các cháu vào trong các lẽ thật của Lời Chúa trong khi các cháu đọc và suy ngẫm Thánh Kinh. Rồi các cháu bắt đầu đọc Thánh Kinh và suy ngẫm. Các cháu nên đọc thành tiếng trước ít nhất là một lần và đọc thầm trong lòng vài lần. Sau đó, trong ngày, mỗi khi thuận tiện thì các cháu tiếp tục suy ngẫm về những câu Thánh Kinh đã đọc.

Trong khi suy ngẫm các câu Thánh Kinh đã đọc, các cháu hãy trả lời ít nhất là ba câu hỏi sau đây:

  • Câu Thánh Kinh này nói gì về Thiên Chúa? Về Đức Chúa Trời? Về Đức Chúa Jesus Christ? Về Đức Thánh Linh? Về loài người?

  • Có mệnh lệnh nào, lời hứa nào, lời khuyên nào dành cho tôi trong câu Thánh Kinh này?

  • Có gương tốt nào tôi nên theo? Có gương xấu nào tôi nên tránh?

Các cháu hãy hết lòng làm theo sự hướng dẫn của bác Tim trong bài giảng này. Sau một tháng, chắc chắn các cháu sẽ có sự hiểu biết Lời Chúa càng hơn, sự được tương giao mật thiết với Chúa, sự khôn sáng để giải quyết mọi khó khăn theo Lời Chúa, và các vấn đề của tuổi dậy thì sẽ không còn là khó giải quyết đối với các cháu.

Bác Tim chúc các cháu sẽ không bao giờ có lại “nỗi buồn không tên”, vì sự tương giao với Thiên Chúa, qua sự đọc và suy ngẫm Lời Hằng Sống của Ngài, chính là niềm vui của các cháu.

Lời Ngài được tìm gặp, thì tôi đã ăn nuốt {chúng}. Lời Ngài là niềm vui cho tôi và sự mừng rỡ trong lòng tôi, vì tôi được xưng bằng danh Ngài! Ôi! Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!” (Giê-rê-mi 15:16).

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài, được chép lại trong Thánh Kinh, và được dịch sang tiếng Việt. Chúng ta hãy khao khát Lời Chúa và ăn nuốt Lời Chúa. Ăn nuốt Lời Chúa tức là đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Và sau cùng, chúng ta hãy cẩn thận làm theo Lời Chúa để luôn được vui tươi, thỏa lòng, thịnh vượng trong cuộc sống, và được thông sáng trong mọi hành động (Giô-suê 1:8).

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
08/09/2018

Ghi Chú

[1] http://timhieuthanhkinh.net/tin-lanh/

Cảm xúc: Sự cảm nhận và rung động trong lòng.

Hưng phấn: vui vẻ, thích thú, dễ chịu.

Nhà tâm lý học: Người chuyên nghiên cứu về những nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ, ý thích… trong lòng người.

Sinh học: Môn học về các vật sống, như loài người, thú vật, cây cỏ…

Tâm trạng: Trạng thái tâm lý trong một thời điểm nào đó. Thí dụ: Tâm trạng lo lắng khi kỳ thi sắp đến; tâm trạng vui mừng khi bài thi được điểm cao.

Tế bào: Đơn vị nhỏ nhất tạo thành cơ thể của các vật sống. Trong thân thể của một người trung bình chứa khoảng 37,2 nghìn tỷ tế bào (37,200,000,000,000).

Câu Hỏi

Các cháu hãy làm bài giải đáp các câu hỏi dưới đây, rồi email cho bác Tim trước 9 giờ tối Thứ Hai. Các cháu nên đọc lại và nghe lại bài giảng trước khi làm bài. Các cháu cũng nên cầu nguyện, xin Chúa ban cho các cháu sự thông sáng, hiểu rõ câu hỏi và biết câu trả lời trong khi làm bài. Nếu các cháu có thắc mắc gì thì hãy email cho bác Tim: timhuynh@timhieuthanhkinh.net.

Các cháu hãy trả lời một cách ngắn gọn, theo sự hiểu biết của mình, tránh không lập lại nguyên văn lời của bác Tim:

1. Các cháu có bao giờ cảm nhận cái gọi là “nỗi buồn không tên” hay không? Hãy diễn tả tâm trạng của các cháu khi ấy.

2. Theo các nhà tâm lý học thì điều gì khiến cho chúng ta có tâm trạng buồn chán trong lứa tuổi dậy thì?

3. Theo bài giảng này thì điều gì khiến cho chúng ta có tâm trạng buồn chán trong lứa tuổi dậy thì?

4. Người thế gian phản ứng với tâm trạng buồn chán của tuổi dậy thì như thế nào?

5. Là con dân Chúa, chúng ta nên phản ứng với tâm trạng buồn chán của tuổi dậy thì như thế nào?

Câu hỏi phụ: Tại sao cuốn sổ ghi lại những điều chúng ta hiểu về câu hay đoạn Thánh Kinh mà chúng ta đọc và suy ngẫm trong ngày sẽ trở thành tài sản quý báu của chúng ta?

Tải xuống bài viết này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzEzOTA0OThf/TDT-02-NoiBuonKhongTen.pdf

Tải xuống mp3 bài giảng này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzEzOTA1MTRf/TDT_02_NoiBuonKhongTen.mp3

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.