Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (04)

3,143 views

Điều Răn và Luật Pháp

Luật Pháp và Ân Điển

Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa, và Thánh Kinh ghi lại ý muốn, điều răn và luật pháp của Thiên Chúa dành cho loài người.

Ý muốn của Thiên Chúa là: Ngài muốn cho loài người được giống như Ngài, làm con của Ngài, và vui hưởng cơ nghiệp của Ngài cho đến đời đời. Để đạt được ơn phước ấy, loài người phải vâng theo một số quy luật do Thiên Chúa đặt ra, gọi là các điều răn của Thiên Chúa. Nếu ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa thì sẽ bị hình phạt theo luật pháp của Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta thấy: Điều răn là những điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm hoặc những điều Thiên Chúa không muốn chúng ta làm. Luật pháp là hình phạt dành cho những ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa và hướng dẫn người có tội cách thức chuộc tội. Trong Mười Điều Răn không có ghi hình phạt dành cho người vi phạm nhưng luật pháp thì luôn luôn ghi rõ hình phạt dành cho từng sự vi phạm những luật lệ của Thiên Chúa. Danh từ luật pháp cũng có khi được dùng để gọi Mười Điều Răn; bởi vì, Mười Điều Răn là các luật lệ cao nhất của Thiên Chúa dành cho loài người.

Thánh Kinh đã ví điều răn là một cái đèn, còn luật pháp là ánh sáng phát ra từ cái đèn:

Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng.” (Châm Ngôn 6:23).

Cái đèn phát ra ánh sáng để xua tan bóng tối, giúp cho chúng ta nhìn thấy đường đi và nhìn thấy những trở ngại nguy hiểm trên đường đi. Ánh sáng từ cái đèn giúp cho chúng ta biết đặt bước chân nơi đâu để không bị trật ra ngoài lối đi và tránh được nguy hiểm. Vì thế, Thánh Kinh còn ví rằng:

Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105).

Điều răn và luật pháp không thể tách rời. Không có điều răn thì không có luật pháp, cũng như không có đèn thì không có ánh sáng. Không có luật pháp thì điều răn không trọn vẹn, cũng như có đèn nhưng đèn lại không chiếu sáng. Thí dụ: Không có điều răn “Chớ trộm cướp,” thì không có luật pháp để buộc kẻ trộm cướp phải bồi thường và chịu phạt. Có điều răn “Chớ trộm cướp,” mà không có luật pháp để giải quyết sự trộm cướp thì điều răn trở thành vô ích; có cũng như không.

Luật pháp và các điều răn của Thiên Chúa là thánh, công bình, tốt lành, và còn lại cho đến đời đời. Mỗi con dân Thiên Chúa có nhiệm vụ làm cho vững bền luật pháp của Thiên Chúa bằng cách tôn kính và làm theo luật pháp:

Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” (Rô-ma 7:12).

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài ở gần; Các điều răn của Ngài là chân thật. Cứ theo các lời chứng của Ngài, tôi đã biết từ lâu rằng: Ngài đã lập chúng cho đến đời đời.” (Thi Thiên 119:151-152).

“Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).

Các hình thức, nghi lễ bên ngoài không quan trọng; sự quan trọng là tấm lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa:

“Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

Người thật lòng yêu kính Thiên Chúa là người vâng giữ các điều răn của Ngài:

“Chúng ta biết mình yêu con cái Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ vẹn các điều răn Ngài. Vì nầy là sự yêu Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:2-3).

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời truyền cho loài người Mười Điều Răn và hứa rằng, những ai vâng giữ Mười Điều Răn ấy thì sẽ được phước và được gọi là con dân của Ngài. Những ai không vâng giữ Mười Điều Răn ấy thì sẽ bị luật pháp của Thiên Chúa hình phạt. Từ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà nhiều điều luật được thành lập trong luật pháp của Thiên Chúa. Mười Điều Răn được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21.

Ký = ghi chép. Xuất = ra khỏi. Xuất Ê-díp-tô Ký là sách ghi chép sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Ai cập) của dân I-sơ-ra-ên.

Phục truyền = rao truyền thêm một lần nữa. Luật lệ = các điều của luật pháp. Phục Truyền Luật Lệ Ký = sách ghi chép sự rao truyền một lần nữa các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Đây là sự rao truyền của Môi-se trước khi ông qua đời và trước khi dân I-sơ-ra-ên nhận lãnh vùng đất hứa Ca-na-an mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ.

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không chỉ ban truyền riêng cho dân I-sơ-ra-ên mà là cho toàn thể loài người. Trong số những người I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô có vô số người thuộc các dân tộc khác cùng đi theo. Khi dân I-sơ-ra-ên đã định cư trong đất Ca-na-an thì các dân ngoại vẫn có thể tin nhận Thiên Chúa và được kết hiệp với dân I-sơ-ra-ên:

Dân I-sơ-ra-ên đi từ Ram-se đến Su-cốt, số không kể con nít, được chừng sáu trăm ngàn người đàn ông đi bộ. Lại có vô số người ngoại bang đi lên chung luôn với chiên, bò, súc vật rất nhiều.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-38).

Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta, thì Ta sẽ đem họ vui mừng trong nhà cầu nguyện Ta. Của lễ thiêu và hy sinh họ dâng trên bàn thờ Ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:6-7).

Lời Chúa phán rõ, sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa là do các dân cư trên đất chứ không riêng dân tộc I-sơ-ra-ên:

Đất bị các dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm các luật pháp, thay đổi luật lệ, dứt giao ước đời đời.” (Ê-sai 24:5).

Ngay cả sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, những người tin Chúa trong thời đại nạn [1] cũng là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ:

“Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người, là những kẻ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ. Nó đứng trên bãi cát biển.” (Khải Huyền 12:17).

“Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ, là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12).

Vì thế, trong ngày Thiên Chúa phán xét toàn thế gian, vào giữa Kỳ Đại Nạn, Rương Giao Ước sẽ hiện ra ở trên trời để Thiên Chúa dựa vào Mười Điều Răn được cất trong Rương Giao Ước, mà phán xét toàn thế gian:

Các dân tộc vốn giận dữ, nhưng cơn thịnh nộ của Ngài đã đến: giờ đã tới, là giờ phán xét kẻ chết, thưởng cho tôi tớ Chúa là các đấng tiên tri, thưởng cho các thánh và các người kính sợ danh Chúa, thưởng cho kẻ nhỏ cùng kẻ lớn, và hủy phá những kẻ đã hủy phá thế gian. Đền thờ Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời, Rương Giao Ước bày ra trong đền thờ Ngài, rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn.” (Khải Huyền 11:18-19).

Một Đền Tạm đã dựng lên: phần thứ nhất gọi là nơi thánh, có chân đèn, bàn và bánh bày ra; rồi đến phía trong màn thứ hai, tức là phần gọi là nơi rất thánh, có bình đựng hương bằng vàng và Rương Giao Ước, toàn bọc bằng vàng. Trong rương có một cái bình bằng vàng đựng đầy ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn, và hai bảng giao ước…” (Hê-bơ-rơ 9:2-4).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời dạy cho loài người bổn phận yêu kính, tin cậy, tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa và bổn phận yêu người khác như chính mình.

Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ ban truyền một điều răn mới cho con dân Chúa. Đó là, con dân Chúa phải yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu họ. Nghĩa là, con dân Chúa phải yêu lẫn nhau hơn chính mình yêu mình, đến nỗi có thể hy sinh mạng sống cho lẫn nhau:

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là các ngươi phải yêu lẫn nhau; như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy. Nếu các ngươi yêu lẫn nhau, thì bởi đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là những môn đồ Ta.” (Giăng 13:34-35).

Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” (Giăng 15:13).

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ về trời thì Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa điều răn giữ mình thánh sạch: không ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngộp, và không phạm tà dâm:

Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngộp, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em hãy kiêng giữ lấy vậy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước cùng với Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ và Điều Răn của Đức Thánh Linh trong Tân Ước được gọi chung là các điều răn của Thiên Chúa mà con dân Chúa phải hết lòng vâng giữ.

Luật pháp của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước lên án chết những kẻ vi phạm nghiêm trọng các điều răn của Thiên Chúa, như: bất cứ ai thờ thần tượng, xúi giục người khác thờ thần tượng, ngoại tình, giết người, không vâng lời cha mẹ, phạm ngày Sa-bát… đều bị ném đá cho đến chết.

Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay hình phạt cho mọi tội lỗi của loài người. Vì thế, luật pháp của Thiên Chúa trong thời Tân Ước không còn lên án chết những ai vi phạm nghiêm trọng các điều răn của Thiên Chúa, ngoại trừ sự hình phạt đến từ luật pháp của loài người, tùy theo mỗi quốc gia. Nhưng tất cả những ai không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ bị phán xét từng việc làm của họ, là những việc vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, trong ngày phán xét chung cuộc. Chúa sẽ gọi thân thể xác thịt của họ sống lại và phán xét công chính từng sự vi phạm của họ, rồi ném họ vào trong hỏa ngục. Họ sẽ chịu khổ ngày đêm trong hỏa ngục cho đến đời đời:

Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và những sách được mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong nhóm đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Kế đó, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.” (Khải Huyền 20:11-15).

Hầu hết các giáo hội mang danh Chúa ngày nay đều có giáo lý dạy rằng, con dân Chúa thời Hội Thánh không cần vâng giữ Mười Điều Răn của Thiên Chúa hoặc chỉ cần giữ chín điều, không cần giữ điều thứ tư là điều răn về sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Giáo lý đó là tà giáo. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy như vậy. Tất cả những con dân Chúa nào không giữ ngày Sa-bát đều là những người đang vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Mà hễ phạm một điều răn thì cũng sẽ bị kể như là đã phạm tất cả các điều răn:

“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10).

Trong thời Tân Ước, tức thời đại của Hội Thánh, chỉ cần tây vị người khác là lập tức bị luật pháp của Thiên Chúa định tội. Như vậy, ai dám dạy rằng luật pháp của Thiên Chúa không còn có hiệu lực đối với con dân Chúa trong thời đại Hội Thánh?

“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Chớ có lòng tư vị bất cứ ai khi có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Chúa của sự vinh quang. Nhưng nếu các anh chị em tư vị người ta, thì các anh chị em phạm tội, bị luật pháp định tội như những kẻ phạm luật.” (Gia-cơ 2:1, 9).

Con dân Chúa có bổn phận làm cho vững bền luật pháp của Thiên Chúa. Làm cho vững bền luật pháp của Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta hết lòng vâng giữ theo điều luật pháp quy định, không vi phạm các điều răn của Ngài. Mỗi khi chúng ta vi phạm các điều răn của Thiên Chúa thì luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ giáng hình phạt trên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ. Chính vì thế mà Thánh Kinh gọi sự phạm tội của con dân Chúa là “đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường” (Hê-bơ-rơ 6:6).

Không một sự gì thánh, công bình, và tốt lành đến từ Thiên Chúa mà lại bị bỏ. Không ai có quyền dẹp bỏ những sự thánh, công bình, và tốt lành của Thiên Chúa.

Giao ước là lời hứa ban phước của Thiên Chúa dành cho những ai vâng giữ điều răn và luật pháp của Ngài. Thiên Chúa có nhiều giao ước với loài người nhưng hai giao ước chính được gọi là Cựu Ước và Tân Ước. Cựu là cũ, tân là mới, ước là lời hứa. Cựu Ước là lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban phước cho những ai vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài, sẽ hình phạt những ai vi phạm chúng. Tân Ước cũng giống như Cựu Ước nhưng được thêm vào các điều khoản: Con Một của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thay cho toàn thể nhân loại. Ai thật lòng ăn năn tội, tức là chịu ngưng vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì được ban cho quyền làm con của Đức Chúa Trời. Ai trung tín trong địa vị con của Đức Chúa Trời thì sẽ được hưởng sự sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Ai không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, hoặc không trung tín trong địa vị làm con của Đức Chúa Trời thì sẽ bị hư mất đời đời.

Ân điển của Thiên Chúa là tất cả những gì Thiên Chúa ban cho loài người, trong đó, ân điển cứu rỗi là lớn hơn hết! Không có ân điển cứu rỗi thì mỗi một người được sinh ra trong thế gian đều phải bị hư mất đời đời. Vì mọi người đều đã phạm tội. Và, công giá của tội lỗi là sự chết!

Ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta một phương cách công chính để thoát khỏi hậu quả và án phạt Thiên Chúa dành cho tội lỗi, để chúng ta được dựng nên mới và được ban cho năng lực của chính Thiên Chúa, tức là Thánh Linh của Ngài, để chúng ta có thể sống theo luật pháp của Ngài. Chi tiết về ân điển cứu rỗi được trình bày trong bài “Tin Lành của Thiên Chúa” ở cuối sách này.

Khi chúng ta tin nhận ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa thì Ngài tha tội cho chúng ta, làm cho chúng ta được sạch tội, và tái tạo chúng ta thành một người mới, ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài để chúng ta có thể sống thánh khiết theo ý muốn của Ngài và trở nên trọn vẹn như chính Ngài. Đức Thánh Linh ghi chép luật pháp của Ngài vào trong lương tâm của chúng ta để chúng ta tự nhiên và sẵn lòng làm theo luật pháp của Ngài:

“Ta sẽ đặt luật pháp Ta bên trong chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta.” (Giê-rê-mi 31:33).

“Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: Chúa phán: Nầy là giao ước Ta lập với chúng nó. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp Ta vào lòng chúng nó và ghi tạc nơi trí khôn.” (Hê-bơ-rơ 10:15-16).

Ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải để chúng ta được cứu ra khỏi hình phạt của tội lỗi rồi tha hồ tiếp tục vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Chúng ta được cứu ra khỏi hình phạt của tội lỗi nhờ tin vào ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng sau khi được cứu mà chúng ta vẫn tiếp tục sống trong tội thì chúng ta sẽ bị hư mất trở lại, và không còn cơ hội được cứu. Chúng ta sẽ bị hư mất đời đời, và hình phạt dành cho chúng ta sẽ nặng nề hơn hình phạt dành cho những kẻ chưa bao giờ tin nhận ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa:

“Bởi vì những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

“Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ đó nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì anh em chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?” (Hê-bơ-rơ 10:26-29).

“Chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:20-22).

Là những người đã được cứu ra khỏi hình phạt của tội lỗi, được cứu ra khỏi sự hư mất đời đời bởi tin nhận ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa, chúng ta hãy sốt sắng cậy Thánh Linh của Thiên Chúa, làm theo luật pháp mà Đức Thánh Linh đã ghi chép trong lòng của chúng ta, sau khi Ngài tái sinh chúng ta. Chúng ta không thể nào cậy vào việc làm theo luật pháp để được cứu, vì chúng ta vẫn sẽ có lúc thiếu sót và sai phạm. Vì thế chúng ta phải cậy vào ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không thể nào cậy vào ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa để tiếp tục vui thú sống trong tội lỗi, không vâng theo luật pháp của Thiên Chúa.

Tóm lại, người thật lòng tin nhận ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa là người được cứu và người đã thật sự được cứu thì không thể cứ tiếp tục không vâng theo luật pháp của Thiên Chúa. Hành động tìm hiểu và hết lòng sống theo luật pháp của Thiên Chúa, tức tìm hiểu và sống theo Thánh Kinh, chứng minh rằng, người sống như vậy là một người đã thật sự được cứu. Trái lại, người nào xưng rằng mình đã tin nhận Chúa và đã được cứu, nhưng vẫn ưa thích tội lỗi và tiếp tục sống trong tội, thì người ấy là kẻ nói dối:

“Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:3-6).

Người như vậy là người không hề ở trong sự cứu rỗi vì người ấy không hề thật lòng ăn năn, không hề thật lòng từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Ghi Chú

[1] www.kytanthe.net