Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (12)

3,748 views

Điều Răn Thứ Sáu

Chớ Phạm Tội Giết Người

Điều răn thứ sáu của Đức Chúa Trời là:

Ngươi chớ phạm tội giết người.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13).

Điều răn thứ sáu của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:17.

Điều răn thứ sáu dạy chúng ta không được phạm tội giết người. Điều răn này không hề ngăn cấm chúng ta giết kẻ ác để tự vệ, giết kẻ thù trong chiến tranh, hoặc thi hành án tử hình đối với những kẻ phạm tội giết người.

Từ ngữ “giết người” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “ratsach” (H7523) /ra-sác/ [1] có nghĩa chính là “bẻ, đập, đâm, đánh, chà nát một cách hung bạo,” và có nghĩa:

  • Giết người: vô tình (lỡ tay, gây ra tai nạn chết người) hoặc cố ý (giết để trả thù, giết vì giận ghét, giết mướn).

  • Bạo sát (người hoặc thú), giết một sinh vật cách dã man, hung bạo.

Giết người là một hành động vô cùng nghiêm trọng. Không phải là một sự tình cờ khi nghĩa đen của động từ giết người trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là: đập tan nát thành những mảnh vụn. Một vật đã bị đập tan nát thành những mảnh vụn là một vật đã hoàn toàn bị hủy diệt, không thể phục hồi. Giết người không chỉ đơn giản là hủy diệt sự sống của một người mà còn là hủy diệt hình ảnh của Đức Chúa Trời trong người đó (Sáng Thế Ký 1:27; 9:6).

Phạm tội giết người (trong tiếng Anh là “murder”), còn gọi là “tội cố sát,” là giết người có ý thức và không hợp pháp, cho dù là bởi động cơ hay mục đích nào. “Có ý thức” tức là đã suy nghĩ và quyết định về hành động giết người. “Không hợp pháp” có nghĩa là không được luật pháp cho phép; và luật pháp nói đến ở đây tức là luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, thường khi thể hiện qua luật pháp của các nhà cầm quyền. Như vậy, Thiên Chúa không cho phép chúng ta “giết người có ý thức và không hợp pháp.”

Theo luật pháp của Thiên Chúa, có những tội, tức là những hành động vi phạm luật pháp của Ngài, bị lên án tử hình. Như vậy, sự thi hành án tử hình theo luật pháp của Thiên Chúa, hoặc theo luật pháp của loài người không nghịch với luật pháp của Thiên Chúa, không phải là điều Thiên Chúa ngăn cấm trong điều răn thứ sáu. Xin xem phần phụ lục về “Án Tử Hình Trong Thánh Kinh” ở cuối bài này.

Ngày nay, hầu hết luật pháp của các quốc gia không xử tử những kẻ gian dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái, chửi mắng cha mẹ, thờ hình tượng hoặc không giữ ngày Sa-bát, v.v.; nhưng không có nghĩa là luật pháp của Thiên Chúa không còn hiệu lực. Tất cả những ai vi phạm điều răn và luật pháp của Thiên Chúa đều phải gánh lấy án phạt. Tuy nhiên, trong thời kỳ ân điển, là thời kỳ từ khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá cho đến cuối cùng của Vương Quốc Ngàn Năm Bình An, Thiên Chúa ban cho mọi tội nhân cơ hội ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Sự cứu rỗi đó bao gồm việc Đức Chúa Jesus Christ gánh thay mọi án phạt của tất cả tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Người ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ sẽ được Thiên Chúa tha tội và xưng là công chính, nghĩa là người ấy không còn chịu án phạt về mọi tội lỗi đã gây ra. Người không ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ sẽ bị chính Đức Chúa Jesus Christ phán xét và định tội, rồi người ấy sẽ chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục (Khải Huyền 20:11-15).

Ngoài hành động cố ý giết người còn có những hành động vô ý giết người gọi là “ngộ sát” như việc không cẩn thận hoặc lầm lẫn khiến xảy ra ra tai nạn làm chết người. Những hành động ngộ sát không thuộc về sự phạm tội giết người mà Thiên Chúa nghiêm cấm trong điều răn thứ sáu. Lại có những hành động cố ý đánh người nhưng lỡ tay làm chết người gọi là “cố ý đả thương, nhân thương trí mạng,” tức là: cố ý đánh cho người ta bị thương nhưng người bị thương lại bị chết. Tất cả những hành động cố ý đả thương gây chết người đều bị kể là phạm tội giết người. Hai trường hợp ngộ sát và cố ý đả thương gây chết người đều được đề cập cách rõ ràng trong Dân Số Ký 35:13-29:

13 Vậy, trong những thành các ngươi nhường cho, sẽ có sáu thành ẩn náu cho các ngươi.

14 Các ngươi phải chỉ ba thành phía bên kia sông Giô-đanh, và lập ba thành khác trong xứ Ca-na-an; ấy sẽ là những thành ẩn náu.

15 Sáu thành này sẽ dùng làm chỗ ẩn náu cho dân I-sơ-ra-ên, luôn cho khách ngoại bang và kẻ nào kiều ngụ ở trong dân đó, để ai vì vô ý đánh chết một người có thể chạy ẩn mình tại đó.

16 Nhưng nếu người ấy đánh bằng đồ sắt, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhân; kẻ sát nhân hẳn phải bị xử tử.

17 Nếu người đánh bằng một cục đá cầm nơi tay có thể làm chết, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhân; kẻ sát nhân hẳn phải bị xử tử.

18 Cũng vậy, nếu người đánh bằng đồ cây cầm nơi tay có thể làm chết, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhân; kẻ sát nhân hẳn phải bị xử tử.

19 Ấy là kẻ báo thù máu sẽ làm cho kẻ sát nhân phải chết; khi nào kẻ báo thù máu gặp kẻ sát nhân thì phải làm cho nó chết đi.

20 Nếu một người nào vì lòng ganh ghét xô lấn một người khác, hay là cố ý liệng vật gì trên mình nó, và vì cớ đó nó bị chết;

21 hoặc vì sự thù đánh bằng bàn tay, và vì cớ đó nó bị chết, thì người nào đánh đó hẳn phải bị xử tử. Ấy là một kẻ sát nhân; người báo thù máu khi nào gặp kẻ sát nhân phải làm cho nó chết đi.

22 Nếu vì tình cờ, vẫn hòa thuận nhau, mà người có lấn xô, hoặc liệng vật gì trên mình người kia,

23 hoặc nếu không phải thù nghịch chẳng có ý làm hại, lại không thấy mà làm rớt một cục đá trên mình người kia, có thể làm chết được, và nếu người chết đi,

24 thì cứ theo luật lệ này, hội chúng phải xử đoán cho kẻ đã đánh và kẻ báo thù máu:

25 hội chúng sẽ giải cứu kẻ sát nhân khỏi tay người báo thù máu, và bảo người trở về thành ẩn náu, là nơi người đã chạy ẩn mình; và người phải ở đó cho đến chừng nào thầy tế lễ thượng phẩm đã được xức dầu thánh qua đời.

26 Nhưng nếu kẻ sát nhân đi ra ngoài giới hạn của thành ẩn náu, là nơi người đã chạy ẩn mình,

27 và nếu kẻ báo thù máu gặp, giết người ở ngoài giới hạn thành ẩn náu, thì kẻ báo thù máu sẽ không mắc tội sát nhân.

28 Vì kẻ sát nhân phải ở trong thành ẩn náu cho đến chừng nào thầy tế lễ thượng phẩm qua đời, kẻ sát nhân sẽ được trở về trong sản nghiệp mình.

29 Bất luận các ngươi ở nơi nào, điều này phải dùng làm một luật lệ phán xét cho các ngươi trải qua các đời.

Trong lịch sử loài người, có những lúc Thiên Chúa dùng dân tộc này để trừng phạt hoặc tiêu diệt một dân tộc khác qua hình thức chiến tranh, vì cớ tội lỗi của dân tộc bị diệt đó đã vượt quá sự cho phép của Thiên Chúa. Những sự tàn sát đôi khi có tính cách diệt chủng đó không phải là điều Thiên Chúa ngăn cấm trong điều răn thứ sáu. Điển hình là việc Thiên Chúa ra lệnh cho dân I-sơ-ra-ên tiêu diệt các dân tộc của xứ Ca-na-an:

Nhưng trong các thành của những dân tộc này, mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp, thì chớ để sống một vật nào biết thở; hãy tận diệt dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, dân Giê-bu-sít, y như Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã phán dặn, để chúng nó không dạy các ngươi bắt chước làm theo những sự gớm ghiếc chúng nó đã làm, để cúng thờ các thần chúng nó, e các ngươi phạm tội cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi chăng.” (Phục Truyền Luật lệ Ký 20:16-18).

Vậy, dân sự la lên, và những thầy tế lễ thổi kèn. Vừa khi dân sự nghe tiếng kèn, la lớn lên, và vách thành liền ngã sập, dân sự leo lên thành, mỗi người ngay trước mặt mình. Chúng lấy thành, đưa gươm qua diệt mọi vật ở trong thành, nào nam phụ lão ấu, cho đến bò, chiên, và lừa.” (Giô-suê 6:20-21).

Ngày nay, loài người lên án một cách gắt gao những cuộc chiến tranh diệt chủng đó. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, đó là cách thức công chính của Ngài để chấm dứt sự phạm tội của những dân tộc bị diệt, đồng thời bảo vệ con dân của Ngài không bị tiêm nhiễm nếp sống tội của các dân tộc bị diệt. Mục đích của sự tiêu diệt các dân tộc của xứ Ca-na-an được Thiên Chúa công bố rất rõ ràng cho dân I-sơ-ra-ên (Phục Truyền Luật lệ Ký 20:18).

Tuy nhiên, dân I-sơ-ra-ên đã không hoàn toàn vâng phục mệnh lệnh của Chúa. Dân I-sơ-ra-ên đã để cho dân Hê-vít của thành Ga-ba-ôn lừa gạt, kết ước với họ nên không thể tiêu diệt họ (Giô-suê 9); chi phái Giu-đa và chi phái Bên-gia-min đã không tiêu diệt dân Giê-bu-sít (Giô-suê 15:63; Các Quan Xét 1:21); chi phái Ép-ra-im, chi phái Ma-na-se, chi phái Sa-bu-lôn, chi phái A-se, và chi phái Nép-ta-li đã không tiêu diệt dân Ca-na-an (Giô-suê 16:10; 17:12; Các Quan Xét 1:27-33); chi phái Đan và nhà Giô-sép đã không tiêu diệt dân A-mô-rít (Các Quan Xét 1:34-36). Vì thế, theo dòng thời gian, nền văn hóa sống luông tuồng theo ham muốn của sắc dục và thờ lạy tà thần của các dân tộc xứ Ca-na-an đã tiêm nhiễm vào nếp sống của dân I-sơ-ra-ên, khiến cho dân I-sơ-ra-ên phạm tội và bị Thiên Chúa dùng các dân tộc A-si-ri và Ba-by-lôn chinh phạt họ. Chưa đầy 700 năm sau khi dân I-sơ-ra-ên đặt chân vào đất hứa, Vương Quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc, bao gồm mười chi phái, bị dân A-si-ri tiêu diệt vào năm 722 TCN; và thêm 135 năm nữa thì Vương Quốc Giu-đa ở phía nam, bao gồm hai chi phái còn sót lại, bị dân Ba-by-lôn tiêu diệt vào năm 587 TCN [2].

Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới có án tử hình dành cho tội giết người, và như vậy, luật pháp của Thiên Chúa đã được thể hiện qua luật pháp của loài người. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức giáo hội mang danh Chúa đã biểu tình chống đối việc thi hành án tử hình, dù là can phạm đã phạm tội giết người hàng loạt. Lý do được họ đưa ra là: “Thiên Chúa cấm giết người!” Đây rõ ràng là sự hiểu sai Lời Chúa. Như đã trưng dẫn trên đây, chính Lời Chúa đã lên án tử hình rất nhiều tội khác nhau. Người ta lý luận rằng, trong thời Tân Ước Đức Chúa Jesus Christ đã chết thế cho mọi người kể cả những người phạm tội giết người hàng loạt, vì thế, không ai có quyền kết án tử hình những kẻ sát nhân. Lý luận như thế có khác nào nói rằng vì Đức Chúa Jesus Christ đã chết chuộc tội cho nhân loại, cho nên, kẻ phạm tội không còn bị hình phạt. Lý luận như thế là không hiểu được ý nghĩa sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

  • Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ chỉ có hiệu lực cứu một người ra khỏi sự đoán phạt của Thiên Chúa về tất cả những tội lỗi của người ấy, nếu người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

  • Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ không giải trừ người có tội ra khỏi trách nhiệm hình sự trong xã hội; nghĩa là, người có tội vẫn phải bồi thường những thiệt hại mình đã gây ra cho người bị hại và phải gánh lấy hình phạt theo luật định của thế gian.

  • Dầu chúng ta ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng thân thể vật chất của chúng ta vẫn phải tiếp tục gánh lấy hậu quả của tội lỗi: bệnh tật, đau đớn, già yếu rồi chết đi cho đến ngày Chúa biến hóa nó hoặc phục sinh nó từ cõi chết. Vì thế, đối với tất cả tội lỗi chúng ta gây ra, dù chúng ta có ăn năn hay không, thì thân thể thịt và huyết này vẫn phải gánh lấy hậu quả, kể cả sự bị tù đày và tử hình theo luật định.

Một người sau khi phạm tội chết, nếu ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy hoàn toàn được sự tha thứ của Đức Chúa Trời, nhưng về mặt xã hội người ấy vẫn phải gánh lấy hậu quả và trách nhiệm việc làm của mình theo luật định. Dĩ nhiên, nếu nạn nhân, gia đình của nạn nhân, và nhà cầm quyền đều đồng ý tha thứ kẻ có tội thì kẻ ấy hoàn toàn được giải trừ mọi trách nhiệm. Là con dân của Chúa chúng ta có bổn phận và trách nhiệm bênh vực, bảo vệ người bị hại, tố cáo kẻ phạm pháp trước pháp luật theo luật định để giúp nhà cầm quyền làm tròn thiên chức. Nếu chúng ta là người bị hại thì sau khi phạm nhân bị kết án theo luật định để công lý được sáng tỏ, chúng ta nên tha thứ cho phạm nhân và xin nhà cầm quyền miễn thi hành án phạt.

Thánh Kinh Tân Ước khẳng định, những kẻ làm dữ phải bị nhà cầm quyền hình phạt:

Những người cai trị không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ thẩm quyền chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; vì người là chức việc của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Thiên Chúa để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ.” (Rô-ma 13:3-4).

Thánh Kinh ghi rõ án tử hình đến từ Đức Chúa Trời cho nên tất cả những án tử hình dựa trên nguyên tắc xử phạt của Thánh Kinh là công chính và cần thiết để trị an xã hội. Con dân Chúa không nên phản đối án tử hình nếu án đó không vi phạm nguyên tắc của Thánh Kinh.

Mặt khác, ngoài việc bày tỏ sự công chính của Thiên Chúa, sự hình phạt kẻ phạm tội còn có hai mục đích thực tế: (1) cất sự gian ác khỏi xã hội, và (2) làm gương cho những người khác, khiến cho họ sợ mà không phạm tội (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:18-21).

Một hình thức phạm tội giết người rất phổ biến trong thời đại của chúng ta là sự phá thai. Phá thai là hành động giết chết trẻ con còn ở trong lòng mẹ. Lịch sử phá thai lâu đời nhất được ghi lại là từ năm 1550 TCN tại Ai-cập. Trung Quốc có văn kiện ghi chép sự phá thai của các quý phi từ năm 515 đến 550 TCN. Theo thần thoại của Trung Quốc thì gần 5000 năm trước Vua Thần Nông đã dạy cho dân cách dùng thủy ngân để phá thai [3]. Hầu như dân tộc nào cũng cảm biết rằng phá thai là một hành động vô đạo đức, là giết người. Nếu vì một lý do nào khiến cho một người chọn sự phá thai thì người ấy sẽ cố gắng làm trong sự kín dấu. Trải qua các thời đại cho đến đầu thế kỷ 18, việc phá thai vẫn xảy ra khắp nơi mà không có một quốc gia nào ra luật ngăn cấm. Năm 1803, Anh Quốc là quốc gia đầu tiên ra luật cấm phá thai, kế tiếp là các tiểu bang của Hoa Kỳ lần lượt đặt sự phá thai ra ngoài vòng pháp luật. Đến năm 1880 thì hầu như mọi sự phá thai đều bị ngăn cấm tại Hoa Kỳ, ngoại trừ trường hợp cần phải cứu lấy tính mạng của người mẹ. Dầu vậy, vào thập niên 1890 thì các bác sĩ ước tính mỗi năm có khoảng hai triệu trường hợp phá thai xảy ra tại Hoa Kỳ. Đến ngày 22, tháng Một, năm 1973, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ban hành luật cho phép phá thai, theo đó, một người mẹ có toàn quyền phá thai vì bất kỳ lý do nào nếu bào thai không quá ba tháng tuổi; nếu bào thai trên ba tháng tuổi thì mỗi tiểu bang có những luật riêng quy định về quyền phá thai [4]. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ có toàn quyền phá thai vì bất cứ lý do nào trong bất kỳ thời điểm nào. Theo thống kê, trong năm 2011 có khoảng 42 triệu cuộc phá thai xảy ra trên thế giới, trong đó, có khoảng 47 ngàn phụ nữ đã chết vì phá thai [5]. Ngày nay, có những giáo hội mang danh Chúa ủng hộ cho sự phá thai, dưới đây là danh sách [6]:

  • Giáo Hội Liên Hiệp Hội Thánh Đấng Christ (The United Church of Christ): ủng hộ mạnh mẽ quyền được phá thai của phụ nữ.

  • Giáo Hội Giám Nhiệm (The Episcopal Church): ủng hộ quyền được phá thai của phụ nữ.

  • Giáo Hội Tin Lành Lutheran tại Mỹ (Evangelical Lutheran Church of America): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ, phá thai vì bị hiếp dâm, phá thai vì kết quả của loạn luân, phá thai vì thai nhi không bình thường.

  • Giáo Hội Liên Hiệp Giám Lý (The United Methodist Church): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

  • Giáo Hội Trưởng Lão Hoa Kỳ (The Presbyterian Church – USA): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

  • Giáo Hội Liên Hiệp Trưởng Lão (The United Presbyterian Church): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

  • Giáo Hội Báp-tít Mỹ (The American Baptist Churches USA): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

  • Giáo Hội Báp-tít Nam Phương (Southern Baptist Convention): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

Thi Thiên 139:13 chép: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.” Thi Thiên 139:16 chép: “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.” Hai câu Thánh Kinh này cho chúng ta thấy việc thai dựng hài nhi trong lòng mẹ là việc làm của Thiên Chúa; tuổi thọ của mỗi người do Thiên Chúa định trước. Như vậy, ai có thẩm quyền phá hủy việc làm của Thiên Chúa và tiêu diệt sự sống đến từ nơi Ngài? Ai có thẩm quyền cất đi mạng sống của thai nhi để cứu lấy mạng sống của người mẹ? Đối với chúng ta là con dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, chúng ta chỉ hoàn toàn phó thác sự sống và sự chết của mình trong bàn tay của Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng có thể bảo vệ mạng sống của bất cứ ai nếu đó là thánh ý của Ngài. Nhưng nếu thánh ý của Thiên Chúa muốn cất đi mạng sống của chúng ta qua nghịch cảnh, thì chúng ta không thể nào chọn bảo vệ sự sống của mình bằng cách tiêu diệt sự sống của người khác.

Đối với các trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân hay thai nhi bị khuyết tật, chúng ta cũng phó thác cảnh ngộ ấy trong bàn tay của Thiên Chúa. Đành rằng trong các trường hợp như vậy bào thai là kết quả của tội lỗi, nhưng nếu Chúa đã cho phép tội lỗi và hậu quả của tội lỗi xảy ra thì sự hình thành của một thai nhi trong lòng mẹ vẫn là điều đến từ Thiên Chúa: Ngài dệt nên thai nhi trong lòng mẹ, nắn nên tâm thần của nó để nó có thể tương giao với Ngài, Ngài định tuổi thọ của nó và ghi vào trong sổ của Ngài. Nếu Chúa muốn thì Ngài sẽ cất đi mạng sống của đứa bé như Ngài đã từng làm đối với đứa con ngoại tình của Vua Đa-vít và Bát-sê-ba (II Sa-mu-ên 12:15-18). Nếu Ngài cho phép thai nhi được sống và sinh ra thì chúng ta có bổn phận nuôi dưỡng và dạy dỗ con trong ân điển của Ngài. Lời Chúa dạy chúng ta:

Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Phá thai không thể nào là một việc làm vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Phá thai vì bất cứ lý do nào cũng là hành động phạm tội giết người, vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Những ai từng phá thai hoặc giúp đỡ, xúi dục người khác phá thai thì cần phải ăn năn và xưng tội với Chúa để được Chúa tha thứ.

Tự tử hay tự sát tức là tự mình giết mình, trong hầu hết các trường hợp cũng là một hình thức phạm tội giết người. Phần lớn những trường hợp tự sát xảy ra là vì: đau khổ, thất vọng, tủi nhục, trốn tránh trách nhiệm hoặc bị tra tấn, áp bức quá sức chịu đựng. Bên cạnh đó, có những trường hợp tự sát là vì bị mất trí, bị ảnh hưởng của rượu, của các chất ma túy hoặc của tà linh. Lại có những trường hợp giết người rồi tự sát vì ghen tương hay thù hận, tự sát để giết người khác như những phi công cảm tử Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến hay các tay khủng bố Hồi Giáo thời nay. Tự sát như thế nào là phạm tội giết người? Chúng ta đã có định nghĩa: “Phạm tội giết người” là giết người có ý thức và không hợp pháp cho dù là bởi động cơ hay mục đích nào. Trong trường hợp tự sát của Sứ Đồ Giu-đa ích-ca-ri-ốt, chúng ta nhận thấy: (1) Giu-đa tự sát vì ăn năn. (2) Giu-đa có ý thức trong việc tự sát. (3) Việc tự sát của Giu-đa được xem là hành động lên án và thi hành án về tội giết người của ông. Vì thế, chúng ta có thể kết luận Giu-đa không phạm tội giết người khi ông tự sát. Tuy nhiên, Giu-đa trở thành đứa con của sự hư mất vì ông đã không tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Trường hợp tự sát hay giết chết người khác của những người bị mất trí cũng không thuộc về sự phạm tội giết người. Vì sự tự sát hay giết người đó không có ý thức.

Sau cùng, một hình thức giết người trong phương diện tinh thần là sự ghét anh chị em cùng đức tin trong Chúa. I Giăng 3:15 chép:

Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người. Các con biết rằng chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống đời đời ở trong mình.”

Trước hết, chúng ta cần chú ý là câu Thánh Kinh này nói đến sự “ghét anh em mình.” Thánh Kinh dùng từ ngữ “anh em” để nói đến tình anh em trong Chúa, khác với từ ngữ “người lân cận” để chỉ tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ trong thế gian. Nói như thế không có nghĩa Chúa cho phép chúng ta “ghét” người ngoài Chúa, bởi vì chính Chúa dạy chúng ta phải yêu những kẻ thù của mình. Lòng ghét dẫn đến tư tưởng giết người như trường hợp Ca-in ghét rồi giết A-bên. Đối với Chúa, có tư tưởng giết người tức là phạm tội giết người. Lời Chúa phán được ghi lại trong Ma-thi-ơ 15:19, như sau:

Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và phạm thượng.”

Câu “Các con biết rằng chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống đời đời ở trong mình,” không có nghĩa vì giết người mà kẻ sát nhân không có sự sống đời đời, nhưng có nghĩa là: vì không có sự sống đời đời ở trong mình cho nên một người mới có thể phạm tội giết người. Sự sống đời đời chính là Đức Chúa Jesus Christ, từ đó, chúng ta suy ra, bất cứ ai ghét anh em mình thì người đó chưa hề có Chúa, chưa hề có sự sống đời đời ở trong người đó, cho dù họ tự xưng là con dân Chúa. Thế nào là ghét anh em mình? Nếu chúng ta không yêu anh em mình bằng tình yêu thiên thượng, tức là không nhịn nhục, không nhân từ, không tha thứ, không tin tưởng, không nín chịu anh em mình thì chúng ta là kẻ ghét anh em mình (I Cô-rinh-tô 13:4-7).

Bạo sát là hành động giết chết một cách hung bạo, độc ác. Những sự tra tấn, hành hạ một người hay một con thú cho đến chết đều là bạo sát. Sự bạo sát có thể tránh được như khi thi hành án tử hình một phạm nhân hoặc khi giết chết súc vật để ăn thịt, thì chúng ta cần phải tránh. Sự bạo sát xảy ra trong chiến tranh là điều khó thể tránh được vì tự bản chất của chiến tranh đã là hung bạo, độc ác. Là con dân Chúa nếu ở trong vai trò của một lính chiến, dù chúng ta buộc phải tiêu diệt kẻ thù để bảo vệ chính mình, bảo vệ đồng đội và an ninh quốc gia, chúng ta cần giảm thiểu sự hung bạo và độc ác trong khả năng và thẩm quyền của mình. Thánh Kinh không hề khuyên một người tin Chúa phải rời khỏi quân đội. Khi những người lính La-mã nghe Giăng Báp-tít rao giảng, họ hỏi ông họ phải làm gì, thì Giăng Báp-tít đã trả lời:

Quân lính cũng hỏi rằng: Còn chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng hà hiếp, đừng lừa dối ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình.” (Lu-ca 3:14).

Giăng Báp-tít không hề bảo họ phải ra khỏi quân đội hay đừng tham dự tác chiến.

Trong thế giới của chúng ta, sinh vật là những vật có sự sống, bao gồm: người, thú, chim, cá, côn trùng, và các loài thực vật. Chúng ta đã biết Thiên Chúa nghiêm cấm việc phạm tội giết người cho nên chúng ta không thể tùy ý giết người. Thiên Chúa cho phép chúng ta được ăn thịt các loài thú, các loài chim, các loài cá, và các loài thực vật, vì thế, việc giết thịt và thu hoạch rau quả làm thực phẩm là điều đương nhiên không nghịch lại luật pháp:

Thiên Chúa lại phán rằng: Này, Ta đã ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, và mọi loài cây sinh quả có hạt giống; ấy sẽ là thức ăn cho các ngươi.” (Sáng Thế Ký 1:29).

Các loài vật ở trên đất, các loài chim trời, và các vật hành động trên đất, cùng các cá biển, đều sẽ khiếp sợ ngươi và bị trao vào tay ngươi. Bất cứ vật gì hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như Ta đã cho thứ cỏ xanh.” (Sáng Thế Ký 9:2-3).

Mọi vật Thiên Chúa đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật gì đáng bỏ, miễn là mình cảm tạ mà ăn lấy thì được; vì nhờ Lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh.” (I Ti-mô-thê 4:4-5).

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tránh những việc gây thương tích và giết chóc các sinh vật chỉ có tính cách mua vui, giải trí hoặc chỉ nhằm phục vụ cho bất cứ điều gì không phải là nhu cầu trong cuộc sống. Thí dụ: việc săn bắn hổ, báo chỉ nhằm mục đích lấy da làm thảm trang trí nội thất, việc săn bắn voi để lấy ngà dùng cho các việc mỹ nghệ, v.v., là những việc con dân Chúa không nên dự phần, kể cả việc mua bán các sản phẩm đó. Lời Chúa phán:

Hai con chim sẻ chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và nếu không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất.” (Ma-thi-ơ 10:29).

Lời ấy hàm ý: sự sống của mọi loài sinh vật nằm trong bàn tay của Thiên Chúa, chúng ta không được phép giết một sinh vật nào trừ khi trong hoàn cảnh cần thực phẩm, y dược, và tự vệ. Trái lại, chúng ta cần chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muôn loài vạn vật mà Thiên Chúa đã giao cho chúng ta quyền quản trị. Nếu có ai cố ý bạo sát và lạm sát thì Thiên Chúa vẫn có thể cho phép sự phạm tội xảy ra, nhưng người ấy sẽ phải trả lời trước Thiên Chúa về tội lỗi của người ấy trong ngày phán xét.

Ý nghĩa chính của điều răn thứ sáu: “Ngươi chớ phạm tội giết người,” là Thiên Chúa nghiêm cấm chúng ta giết người một cách có ý thức và nghịch lại Thánh Kinh cho dù là bởi động cơ hay mục đích nào, bao gồm các hành động phá thai và một số trường hợp tự sát. Án tử hình do các nhà cầm quyền đặt ra nếu không nghịch lại luật pháp của Thiên Chúa thì không bị chi phối bởi điều răn thứ sáu. Tội giết người không giới hạn trong hành động lấy đi mạng sống của một người mà còn bao gồm sự ghét một người. Sự ghét dẫn đến tư tưởng và hành động phạm tội giết người, như trường hợp tức giận ra tay đánh người rồi lỡ tay gây chết người, dù trước đó không có ý giết người. Đối với Thiên Chúa, phạm tội trong tư tưởng, trong lời nói hoặc trong hành động đều là có tội và sẽ bị hình phạt. Ngoài ra, con dân chân thật của Chúa không bạo sát và lạm sát. Điều răn thứ sáu truyền cho mọi người phải tôn trọng mạng sống đến từ Thiên Chúa, nhất là mạng sống của một người, bởi vì loài người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Ghi Chú

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=H7523

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_abortion#Prehistory_to_5th_century

[4] http://www.feminist.com/resources/ourbodies/abortion.html

[5] http://www.prb.org/pdf11/abortion-facts-and-figures-2011.pdf

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_and_abortion