Con Dân Chúa và Dịch Bệnh COVID-19 (Thi Thiên 91)

3,090 views

YouTube: https://youtu.be/7fVxhoB_ZGo

202008 Bài Giảng Trong Năm 2020
Con Dân Chúa và Dịch Bệnh COVID-19
Chú Giải Thi Thiên 91

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Cơn đại dịch bệnh COVID-19 đang lan tràn khắp nơi trên thế giới, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Đây là một cơn dịch bệnh mới, với sức lây lan mãnh liệt, mà loài người chưa từng biết đến bao giờ. Chỉ trong vòng bốn tháng đầu năm 2020, cơn dịch bệnh đã lây lan đến 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới; khiến cho hơn 3,3 triệu người nhiễm bệnh và làm cho hơn 239 ngàn người chết. Cơn dịch bệnh đã làm thay đổi nếp sống của toàn thể loài người, làm ngưng trệ phần lớn các sinh hoạt nơi công cộng, khiến cho nền kinh tế và y tế của mọi quốc gia đều bị khủng hoảng nặng.

Là con dân Chúa, chúng ta nghĩ gì và phản ứng như thế nào, trước cơn đại dịch này?

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về tên của dịch bệnh và tên của loại vi trùng đang gây ra cơn dịch bệnh lớn nhất trên toàn thế giới, trong vòng 100 năm qua.

Khi dịch bệnh vừa xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2019, thì loại vi trùng gây bệnh đã được các nhà vi trùng học và dịch tễ học gọi là “nCoV”, viết tắt của “novel Corona Virus”, có nghĩa là “Vi Trùng Corona Chủng Mới”. Novel trong tiếng La-tinh là ngôn ngữ thường dùng trong y học, có nghĩa là mới. Corona trong tiếng La-tinh có nghĩa là vòng hào quang, dùng để chỉ các mũi gai chất đạm bao chung quanh thân của vi trùng. Virus có nghĩa là vi trùng.

Corona là tên gọi chung cho các loài vi trùng thường gây ra các chứng bệnh cảm cúm, viêm phổi. Chủng là chủng loại. Mới là vì trước giờ người ta chưa hề thấy chủng loại corona này xuất hiện.

Liền sau đó, khi dịch bệnh lan tràn khắp Vũ Hán, khiến nhà cầm quyền Trung Cộng phải phong tỏa hơn 11 triệu dân của thành phố Vũ Hán, thì các bản tin trên các phương tiện truyền thông ngoài Trung Quốc đã dùng cách gọi “Corona Vũ Hán”, “Chứng Viêm Phổi Vũ Hán”, hoặc “Dịch Bệnh Vũ Hán”. Điều này khiến cho nhà cầm quyền Trung Cộng không vui và yêu cầu Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, viết tắt là WHO) đặt ra một tên gọi chính thức cho loại vi trùng corona chủng mới.

Vào ngày 11/02/2020, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã ra thông báo chính thức, đặt tên cho chứng bệnh là “COVID-19”, (viết tắt từ các chữ: Corona Virus December 2019); có nghĩa là: bệnh do vi trùng corona gây ra vào Tháng Mười Hai năm 2019.

Cùng ngày, Ủy Ban Quốc Tế về Phân Loại Vi Trùng (International Committee on Taxonomy of Viruses, viết tắt là ICTV) cũng đặt tên trong tiếng Anh cho loại vi trùng gây bệnh là “SARS-CoV-2”, (viết tắt từ các chữ: Severe Acute Respiratory Syndrome Corona Virus 2); có nghĩa là: hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng bởi vi trùng corona chủng loại 2. Số 2 dùng để phân biệt với chủng corona đã gây ra dịch hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng trước đó, vào năm 2002-2003.

Tuy nhiên, Tổ Chức Y Tế Thế Giới không dùng tên gọi “SARS-CoV-2”, vì e rằng chữ SARS sẽ nhắc nhớ đến cơn đại dịch SARS trước đó, sẽ khiến cho thế giới kinh sợ và hoảng loạn. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã quyết định dùng tên gọi trong tiếng Anh là “the COVID-19 Virus”; có nghĩa là: con vi trùng gây ra bệnh COVID-19.

Sau khi Trung Cộng tìm cách vu khống cho Mỹ hoặc Ý là nơi phát sinh vi trùng gây ra dịch bệnh COVID-19, một số chính trị gia và phần lớn dân các nước trên thế giới đã cùng nhau gọi loại vi trùng gây ra cơn đại dịch là “Vi Trùng Trung Quốc” (Chinese Virus), hoặc “Vi Trùng Vũ Hán” (Wuhan Virus). Nhiều người dùng tên gọi “Vi Trùng Trung Cộng” (CCP Virus, CCP là viết tắt của Chinese Communist Party, có nghĩa là Đảng Cộng Sản Trung Quốc).

Trong bài này, chúng tôi dùng cách gọi COVID-19 chung cho cả tên chứng bệnh lẫn tên vi trùng gây bệnh, là tên chính thức trong các văn kiện y tế thế giới.

Kế tiếp, chúng ta hãy so sánh dịch bệnh COVID-19 với các cơn dịch bệnh khác trong 102 năm qua. Từ năm 1918 cho đến hiện tại là năm 2020, thế giới đã trải qua bốn cơn dịch bệnh lớn, và hiện tại đang trải qua cơn dịch bệnh lớn thứ năm. Để thấy rõ tầm mức nghiêm trọng của cơn dịch bệnh hiện tại chúng ta cần ôn lại các dữ kiện của các cơn dịch bệnh đã qua. Dưới đây là các số liệu chính của mỗi cơn dịch bệnh.

Năm 1918-1919. Tháng 03/1918, cơn đại dịch Cúm Tây-ban-nha bùng phát, khiến cho toàn thế giới có hơn 500 triệu người bị nhiễm bệnh và có từ 50 triệu đến 100 triệu người chết. Dân số thế giới lúc bấy giờ vào khoảng 1,5 tỷ người. Con số người chết được ghi nhận từ nhiều nguồn thống kê không thống nhất với nhau. Vào thời điểm ấy, loài người chưa biết gì về vi trùng học, không có thuốc chủng ngừa, không có thuốc điều trị, sống chen chúc và kém vệ sinh hơn ngày nay. Cơn dịch tự chấm dứt vào mùa hè 1919. Cho đến nay, điểm xuất phát đầu tiên của dịch bệnh vẫn chưa được khẳng định. Có thể là Á Đông, Âu Châu, hoặc Mỹ Châu, nhưng không phải là Tây-ban-nha. Lúc ấy đang xảy ra Thế Giới Đại Chiến Lần Thứ Nhất, các quốc gia tham chiến không muốn cho kẻ thù có cớ tuyên truyền, nên Tây-ban-nha là quốc gia trung lập bị gán cho là nơi xuất phát dịch bệnh [1].

Năm 2002-2003. Tháng 11/2002 cơn đại dịch Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nghiêm Trọng (Severe Acute Respiratory Syndrome, viết tắt là SARS) xuất phát từ thành phố Thuận Đức, thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Hơn 8.000 người trong 29 quốc gia bị nhiễm bệnh và 774 người chết. Không có thuốc hay phương cách điều trị ngoài việc sử dụng một số thuốc kháng vi trùng và thuốc xtê-roi (steroid) có sẵn. Xtê-roi là loại thuốc được bào chế bằng các chất hóa học để bổ sung cho các loại xtê-roi trong cơ thể loài người, giúp tăng cường sức đề kháng vi trùng của cơ thể. Khi thuốc chủng ngừa được tìm ra vào tháng 07/2003 thì cơn dịch cũng tự chấm dứt [2].

Năm 2009-2010. Tháng 01/2009, cơn đại dịch Cúm Heo Mễ-tây-cơ, với tên gọi Cúm H1N1 là một chủng mới của loại vi trùng gây bệnh cúm, xuất phát từ Veracruz, Mexico. Hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh và hơn 284.000 người chết. Bệnh được điều trị bởi các loại thuốc kháng vi trùng có sẵn. Thuốc chủng ngừa được đưa vào sử dụng trong tháng 12/2009. Đến tháng 08/2010 thì đại dịch chấm dứt [3].

Năm 2014-2016. Tháng 03/2014 cơn đại dịch sốt xuất huyết (Ebola) xuất phát tại vùng đông nam xứ Ghi-nê (Guinea). Hơn 28.000 người trong 10 quốc gia bị lây nhiễm. Có 11.325 người chết. Không có thuốc điều trị. Không có thuốc chủng ngừa. Dịch bệnh chấm dứt vào tháng 03/2016 [4].
Năm 2019-2020. Tháng 12/2019 dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo báo cáo lúc 07:08 sáng ngày 02/05/2020 trên toàn thế giới đã có hơn 3.398.458 người nhiễm bệnh. Trong số đó, có 1.080.101 người đã được bình phục và có 239.443 người chết [5]. Cơn đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và có nguy cơ bùng phát lần thứ nhì trên nhiều quốc gia.

Cho đến nay, các nhà vi trùng học và dịch tễ học đã ghi nhận được các dữ kiện sau đây về COVID-19:

  • Như các loại corona trước đó, COVID-19 dễ dàng lây lan qua đường hô hấp. Khi người bệnh nói chuyện, ho, hoặc hắt hơi thì vi trùng có thể theo các giọt nước miếng, nước mũi bay ra trong không khí, lây sang người khác trong vòng 2 mét.
  • Một người có thể bị lây nhiễm khi ở gần người bệnh hoặc tiếp xúc thân thể người bệnh, như bắt tay, ôm hôn. Một người cũng có thể bị lây nhiễm khi chạm tay vào những nơi có vi trùng bám vào, như quả nắm cửa, điện thoại… rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng, khiến vi trùng từ tay có thể vào trong cơ thể.
  • Sau khi COVID-19 vào trong cơ thể thì chúng sẽ xâm nhập vào trong các tế bào, mượn năng lượng và chức năng sản xuất của tế bào để sinh sôi, nảy nở ra hàng triệu vi trùng khác, phá vỡ tế bào chủ, xâm nhập vào các tế bào khác hoặc theo các giọt nước miếng, nước mũi bay ra ngoài, lây lan cho người khác.
  • Thời gian ủ bệnh, tức là thời gian từ khi một người bị nhiễm COVID-19 cho đến khi thể hiện các triệu chứng bị nhiễm bệnh có thể từ hai tuần cho đến bốn tuần. Trong khoảng thời gian ủ bệnh, người bị nhiễm COVID-19 có thể lây lan cho rất nhiều người khác.
  • Có những người bị lây nhiễm COVID-19 (kết quả xét nghiệm dương tính) mà không hề thể hiện các triệu chứng bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn có thể lây lan cho nhiều người.
  • Một số người bị nhiễm COVID-19 thì cơ thể tự phục hồi sau vài tuần lễ. Một số khác thì qua đời. Nhưng phần lớn những người qua đời là những người lớn tuổi đã mang sẵn các chứng bệnh khác, như: ung thư, cao huyết áp, tiểu đường, suyễn… Nghĩa là sức đề kháng vi trùng trong cơ thể đã bị yếu sẵn.
  • COVID-19 tấn công các tế bào phổi, khiến cho hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể sinh ra các kháng nguyên chống lại vi trùng. Trong trường hợp bị nhiễm nặng, hệ thống miễn nhiễm có thể tấn công luôn các tế bào phổi. Phổi bị ngập nước và các tế bào chết, khiến cho bệnh nhân không thở được nên chết ngạt.
  • Nhiều người bị nhiễm bệnh được khỏi bệnh nhưng sau đó vẫn bị dương tính trở lại; nghĩa là vẫn bị nhiễm bệnh trở lại.
  • COVID-19 có thể bám trên các hạt bụi bay lơ lửng trong không khí. Chính vì thế mà khi ra khỏi nhà cần phải đeo khẩu trang.
  • Chất xà-phòng làm tan vỡ thân của COVID-19. Các chất sát trùng có 60% chất cồn trở lên giết được COVID-19.
  • COVID-19 có thể sống trong không khí khoảng ba tiếng, trên các vật làm bằng chất đồng khoảng bốn tiếng, trên các thùng giấy khoảng 24 tiếng, trên các vật làm bằng chất i-nốc (inox, thép không gỉ) khoảng 48 tiếng, và trên các vật làm bằng chất nhựa khoảng 72 tiếng.

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc điều trị chính thức COVID-19. Tất cả đều đang ở trong giai đoạn thử nghiệm. Cách phòng ngừa tốt nhất là tránh tụ tập đông người; giữ khoảng cách ít nhất là 2 mét với người khác; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; thường xuyên rửa tay với xà-phòng ít nhất trong 20 giây; tránh đưa tay lên mặt.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên con dân Chúa và phản ứng nên có của con dân Chúa đối với dịch bệnh.

Là con dân Chúa chúng ta hiểu và tin rằng, mọi sự xảy ra trong thế gian là bởi sự cho phép của Thiên Chúa, dù là sự thiện hay sự ác. Sự thiện là sự đúng theo ý muốn của Thiên Chúa, như đã được ghi rõ trong Thánh Kinh, và đúng với lương tâm mà Thiên Chúa đã đặt để trong loài người. Sự ác là bất cứ sự gì không phải là sự thiện. Sự ác đem lại sự tai hại cho loài người và muôn vật trên đất. Mỗi sự thiện hay ác một người làm ra đều được phán xét cách công chính bởi Thiên Chúa.

Thiên Chúa cho phép sự ác, tức là sự làm nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa, xảy ra; là vì có như vậy thì loài người mới hoàn toàn thực thi quyền tự quyết mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Quyền tự quyết là quyền tự do lựa chọn cách sống. Người yêu kính Thiên Chúa, biết ơn Thiên Chúa, sẽ vâng phục Thiên Chúa mà sống theo ý muốn của Ngài. Người không yêu kính Thiên Chúa, không biết ơn Thiên Chúa thì sẽ chọn sống sao cho mọi ham thích của mình được thỏa mãn mà không cần biết sống như vậy có đúng theo ý muốn của Thiên Chúa hay không. Như vậy, quyền tự quyết giúp thể hiện bản tính của loài người; đồng thời giúp cho loài người thể hiện tình yêu tự nguyện của họ dành cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ép buộc loài người phải yêu kính Ngài nhưng Ngài ban cho họ quyền tự do lựa chọn. Chỉ khi có quyền tự quyết thì loài người mới thể hiện được tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với nhau, và đối với muôn loài tạo vật khác một cách chân thật.

Bên cạnh những sự ác do loài người làm ra, còn có những sự ác do ma quỷ làm ra để hù dọa loài người, khiến loài người phải vâng phục chúng, và để cám dỗ con dân Chúa phạm tội. Khi chúng ta đọc sách Gióp trong Thánh Kinh, chúng ta thấy, với sự cho phép của Thiên Chúa, ma quỷ có thể trong một ngày khiến cuồng phong nổi lên, giết chết mười đứa con của ông Gióp; sai kẻ thù cướp sản vật của ông, giết các tôi tớ của ông; và khiến lửa từ trời rơi xuống thiêu hủy những tài sản khác, giết chết các tôi tớ khác. Sau đó, ma quỷ còn khiến cho một chứng ghẻ lở nổi lên khắp người của ông. Trong câu chuyện của ông Gióp, chúng ta thấy, ma quỷ có thể khích động những kẻ ác làm ra những sự ác, như chúng đã khích động dân Sê-ba và dân Canh-đê đánh cướp tài sản của Gióp, giết chết các tôi tớ của Gióp. Ma quỷ đã tạo ra các hiện tượng trong thiên nhiên như gió lốc để giết các con của Gióp, và mưa lửa để thiêu đốt tài sản và các tôi tớ của Gióp.

Mục đích sự làm ác của ma quỷ là để làm khổ Gióp và cám dỗ Gióp phạm tội nguyền rủa Thiên Chúa. Thiên Chúa cho phép ma quỷ làm ra các sự ác đó để làm bài thử nghiệm đức tin của Gióp. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không cần phải thử thách Gióp để biết về đức tin của Gióp. Vì Ngài là Đấng Toàn Tri, biết hết mọi sự. Sự thử thách Gióp là để bản thân của Gióp, vợ và các bạn của Gióp, cùng các thiên sứ và ma quỷ nhìn biết mức độ đức tin của Gióp. Sự thử thách đó đã đem đến lời kết luận bằng câu tuyên xưng của Gióp:

“Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15a).

Nghĩa là không có bất cứ ai, hoặc bất cứ sự gì có thể làm cho Gióp mất đức tin nơi Thiên Chúa.

Thiên Chúa là yêu thương, thánh khiết, và công chính. Vì thế, bất cứ điều gì Thiên Chúa cho phép xảy ra trong thế gian này cũng đều liên kết với nhau để đem lại sự ích lợi cho con dân của Ngài. Đức Chúa Trời đã có một mục đích nhất định cho mỗi con dân của Ngài, và Đức Chúa Trời luôn đứng về phía con dân của Ngài:

Rô-ma 8:28-31

28 Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.

29 Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.

30 Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công bình. Những ai Ngài đã xưng là công bình thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển.

31 Vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao về những sự này? Nếu Đức Chúa Trời vì chúng ta thì ai có thể nghịch lại chúng ta?

Vì thế, trong tình hình đại dịch đang lan tràn khắp nơi trên thế giới, có hàng triệu người bị lây nhiễm, có hàng trăm ngàn người qua đời, con dân chân thật của Chúa vẫn bình an trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa. Bình an trong tình yêu của Thiên Chúa là hiểu và tin rằng, Thiên Chúa yêu mình và không bao giờ cho phép bất cứ điều gì không có ích lợi xảy ra cho mình; nên không lo lắng. Bình an trong ân điển của Thiên Chúa là hiểu và tin rằng, Thiên Chúa luôn giữ gìn tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mình cách trọn vẹn; luôn ban cho mình mọi nhu cầu, luôn giải cứu mình khỏi mọi nghịch cảnh đúng thời điểm; nên không sợ hãi.

“Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:9).

“Trong mọi sự khốn khổ của họ, thì Ngài cũng chịu khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Bởi tình yêu và sự thương xót của Ngài mà Ngài đã chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng và cưu mang họ trong suốt các ngày thuở xưa.” (Ê-sai 63:9).

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.” (Ê-phê-sô 1:3).

“Đức Chúa Trời của tôi sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của các anh chị em y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:19).

Con dân Chúa vững tin nơi mọi lời hứa của Thiên Chúa đã được ghi rõ trong Thánh Kinh. Con dân Chúa vững tin nơi sự thành tín của Ngài. Tin rằng, Ngài luôn làm thành mọi lời hứa của Ngài. Vì thế, không riêng gì đối với đại dịch COVID-19 mà đối với mọi tai ương, bệnh tật, nghịch cảnh… con dân chân thật của Chúa vẫn luôn bình an và vững vàng trong đức tin.

Con dân Chúa tin rằng, chính Chúa sẽ giữ gìn con dân chân thật của Ngài khỏi mọi dịch bệnh. Nhưng nếu Chúa cho phép người nào trong những con dân của Ngài bị nhiễm bệnh thì đó phải là điều có ích lợi cho người ấy. Miễn rằng, việc nhiễm bệnh không phải là do người ấy phạm tội, không phải là do người ấy cố ý không giữ gìn vệ sinh thân thể, không quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh. Ngay cả trong trường hợp có con dân chân thật nào của Chúa bị nhiễm COVID-19 rồi qua đời, thì đó vẫn là điều tốt nhất Chúa cho phép xảy ra đối với người ấy. Vì chúng ta biết rằng, khi chúng ta qua đời thì chúng ta được nghỉ lao động mệt nhọc trong thân thể xác thịt này, được vào trong thiên đàng, an vui bên Đấng Christ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại cách vinh quang.

Trong cơn dịch bệnh, con dân Chúa luôn bình an, vững đức tin nơi Chúa, nhưng cũng giữ gìn cẩn thận các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh, như mang khẩu trang khi ra đường, thường xuyên rửa tay với xà phòng trong ít nhất là 20 giây, và tránh đến chỗ đông người nếu không cần thiết… Con dân Chúa nên xem dịch bệnh COVID-19 là dấu hiệu cho biết Kỳ Tận Thế đã gần, có nghĩa là ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian cũng đã gần hơn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Bởi đó, con dân Chúa càng nức lòng, mong chờ, và dọn mình sẵn sàng cho ngày hạnh phúc ấy.

Thiên Chúa bày tỏ chính Ngài, ý muốn của Ngài, và chương trình của Ngài dành cho nhân loại qua Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh. Đối với con dân Chúa, Thánh Kinh vừa là thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống, vừa là nguồn của sự khôn sáng, mà cũng vừa là nguồn an ủi cho con dân Chúa trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, bị người đời đối xử bất công, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… Thi Thiên 91 là một điển hình về lời hứa và sự an ủi trong Lời Chúa.

Thi Thiên 91

1 Người nào ở trong nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng.

2 Ta sẽ nói về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Ngài là nơi nương náu của tôi, đồn lũy của tôi, Thiên Chúa của tôi! Tôi tin cậy nơi Ngài.

3 Ngài sẽ giải cứu ngươi khỏi bẫy lưới của kẻ gài bẫy, khỏi dịch bệnh độc hại.

4 Ngài sẽ che chở ngươi với lông Ngài, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ nương náu. Lẽ thật của Ngài là cái khiên và sự bảo vệ của ngươi.

5 Ngươi sẽ chẳng sợ sự kinh khiếp ban đêm, tên bay ban ngày,

6 dịch bệnh lây ra trong tối tăm, sự tàn diệt phá hoại đang lúc trưa.

7 Sẽ có ngàn người sa ngã bên ngươi, và muôn người sa ngã bên phải ngươi. Nó sẽ chẳng đến gần ngươi.

8 Nhưng với mắt mình ngươi sẽ nhìn xem, và thấy sự báo trả cho kẻ ác.

9 Vì ngươi đã đặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nơi nương náu của ta, Đấng Chí Cao, làm nơi ở của ngươi,

10 sẽ chẳng có sự dữ xảy đến cho ngươi, cũng chẳng có dịch bệnh tới gần trại của ngươi.

11 Vì Ngài sẽ ban lệnh cho các thiên sứ của Ngài, giữ gìn ngươi trong mọi đường lối của ngươi.

12 Họ sẽ nâng ngươi trên bàn tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá.

13 Ngươi sẽ bước đi trên sư tử và rắn hổ mang; còn sư tử tơ và con rồng, ngươi sẽ giày đạp dưới chân.

14 Vì người nào yêu Ta, Ta sẽ giải cứu người; Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh Ta.

15 Người sẽ kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời người. Ta sẽ ở cùng người trong cơn gian truân. Ta sẽ giải cứu người, và tôn vinh người.

16 Ta sẽ cho người thỏa lòng sống lâu, và chỉ cho người thấy sự cứu rỗi của Ta.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu.

1 Người nào ở trong nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng.

“Người nào” là bất cứ ai có lòng tin kính Thiên Chúa.

Thiên Chúa chính là Đấng Chí Cao vì không ai vĩ đại như Ngài, không ai toàn ái, toàn thánh, toàn chính, toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn thiện, toàn chân, và toàn mỹ như Ngài.

Toàn ái là yêu thương trọn vẹn, đầy dẫy lòng thương xót và sẵn lòng tha thứ. Toàn thánh là thánh khiết trọn vẹn, không chấp nhận tội lỗi. Toàn chính là công chính trọn vẹn, thưởng phạt phân minh. Toàn năng là có năng lực trọn vẹn, không việc gì mà không làm được. Toàn tri là hiểu biết trọn vẹn, từ quá khứ đến hiện tại lẫn tương lai. Toàn tại là có sự hiện diện trọn vẹn, cùng một lúc hiện diện khắp nơi. Toàn thiện là không có sự ác. Toàn chân là hoàn toàn thành thật, không có sự dối trá. Toàn mỹ là hoàn toàn đẹp đẽ về mọi phương diện.

“Ở trong nơi kín đáo của Đấng Chí Cao” là được ở trong chính Thiên Chúa. Sự ở trong Thiên Chúa là lựa chọn của mỗi người. Thiên Chúa mời gọi mọi người đến với tình yêu và sự cứu rỗi của Ngài nhưng mỗi người phải quyết định cho chính mình. Ở trong Thiên Chúa được gọi là ở nơi kín đáo để nói đến sự che chở, bảo vệ chặt chẽ.

Người tìm đến nương náu mình nơi Thiên Chúa thì sẽ được hằng ở dưới bóng của Ngài. Hằng có nghĩa là mãi mãi. Ở dưới bóng có nghĩa là ở dưới sự che chở. Được mãi mãi ở dưới sự che chở của Thiên Chúa Toàn Năng là được ở trong sự an bình tuyệt đối cho đến đời đời.

2 Ta sẽ nói về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Ngài là nơi nương náu của tôi, đồn lũy của tôi, Thiên Chúa của tôi! Tôi tin cậy nơi Ngài.

“Ta” và “tôi” trong câu này là tiếng tự xưng của người viết ra Thi Thiên 91. Thánh Kinh không ghi rõ ai là người viết Thi Thiên 91. Nhưng có thể từ Thi Thiên 90 đến Thi Thiên 100 là các Thi Thiên do Môi-se viết. Theo sách giải kinh của người Do-thái thì Thi Thiên 91 được Môi-se viết ra, sau khi Đền Tạm được hoàn thành.

Tác giả xưng nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là nơi nương náu, tức nơi trú ẩn, của ông, là đồn lũy, tức nơi che chở, bảo vệ của ông. Danh từ đồn lũy trong Thánh Kinh được dùng để chỉ tường thành vững chắc và cao, bao bọc chung quanh thành. Ông cũng xưng nhận, Ngài là Thiên Chúa của ông và ông tin cậy nơi Ngài.

Tin cậy nơi Thiên Chúa là hoàn toàn phó thác chính mình trong tay Ngài, không lo lắng, không sợ hãi, không thắc mắc, cho dù bất cứ điều gì xảy đến. Ông Gióp là tấm gương sáng về lòng tin cậy nơi Thiên Chúa. Con dân Chúa cần ghi nhớ câu chuyện ông Gióp bị thử thách và học thuộc câu tuyên xưng của ông Gióp:

“Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15a).

Khi chúng ta có được lòng tin cậy Thiên Chúa như ông Gióp thì thật sự không còn một điều gì trong cuộc đời này có thể làm cho chúng ta bị rúng động.

3 Ngài sẽ giải cứu ngươi khỏi bẫy lưới của kẻ gài bẫy, khỏi dịch bệnh độc hại.

Đại danh từ “ngươi” được dùng để chỉ chung toàn dân I-sơ-ra-ên.

“Bẫy lưới của kẻ gài bẫy” là những mưu kế của các kẻ thù dùng để mong đánh bại dân I-sơ-ra-ên. Về thuộc thể là bảy dân tộc trong xứ Ca-na-an và một số các dân tộc khác trong cuộc hành trình từ Ê-díp-tô đến Ca-na-an. Về thuộc linh là ma quỷ luôn bày mưu, lập kế xui khiến dân I-sơ-ra-ên phạm tội.

“Dịch bệnh độc hại” là các cơn dịch bệnh lây lan trong các dân tộc chung quanh dân I-sơ-ra-ên; và có khi là cơn dịch bệnh Đức Chúa Trời dùng để hình phạt dân I-sơ-ra-ên khi họ chống nghịch Ngài. Cho dù là dịch bệnh được Đức Chúa Trời dùng để hình phạt dân I-sơ-ra-ên thì Ngài cũng sẽ giải cứu họ khi họ ăn năn.

4 Ngài sẽ che chở ngươi với lông Ngài, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ nương náu. Lẽ thật của Ngài là cái khiên và sự bảo vệ của ngươi.

Tác giả Thi Thiên dùng hình ảnh gà mẹ che chở, bảo vệ bầy gà con dưới đôi cánh của nó để nói lên sự Thiên Chúa che chở, bảo vệ những ai nương náu mình nơi Ngài. Trong Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ cũng đã từng ví sự Ngài kêu gọi dân thành Giê-ru-sa-lem đến với Ngài như gà mẹ gọi con:

“Hỡi Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn gom con cái của ngươi như gà mái gom gà con mình lại, vào dưới cánh của nó, mà các ngươi chẳng muốn!” (Ma-thi-ơ 23:37, đối chiếu Lu-ca 13:34).

Lẽ thật của Thiên Chúa là mỗi lời được Ngài phán ra và được ghi lại trong Thánh Kinh. Lẽ thật của Thiên Chúa là thức ăn thuộc linh nuôi dưỡng tâm thần và linh hồn của loài người; là sự sáng soi dẫn loài người trong mọi nơi, mọi lúc; là sức mạnh sáng tạo làm ra mọi phép lạ để giải cứu những ai thuộc về Ngài; là năng lực thánh hóa họ và ban sự sống cho họ.

“…loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, nhưng loài người sẽ sống nhờ mỗi một lời ra từ miệng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3).

“Lời Ngài là ngọn đèn cho chân tôi, và ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105).

“…Lạy Chúa! Chúng tôi sẽ theo ai? Ngài có những lời của sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 6:68).

“Xin Ngài thánh hóa họ bởi lẽ thật của Ngài. Lời Ngài là lẽ thật.” (Giăng 17:17).

Cái khiên là lá chắn dùng để chống lại các loại vũ khí của kẻ thù.

Danh từ “sự bảo vệ” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh có nghĩa đen là vòng che chở chung quanh.

5 Ngươi sẽ chẳng sợ sự kinh khiếp ban đêm, tên bay ban ngày,

6 dịch bệnh lây ra trong tối tăm, sự tàn diệt phá hoại đang lúc trưa.

“Sự kinh khiếp ban đêm, tên bay ban ngày” hàm ý sự tấn công của kẻ thù bất ngờ trong ban đêm hoặc mạnh mẽ lúc ban ngày.

“Dịch bệnh lây ra trong tối tăm” hàm ý những cơn bệnh lây lan mà sự lây lan của nó không nhìn thấy được. Ngày nay, chúng ta đã biết các loại vi trùng nhỏ đến nỗi mắt thường không thể thấy được nên chúng ta không thể thấy chúng lây lan. Chúng ta chỉ thấy hậu quả của sự lây lan là có người nhiễm bệnh, có người chết.

“Sự tàn diệt phá hoại đang lúc trưa” hàm ý sự hủy diệt đến giữa ban ngày một cách bất ngờ, phá hoại mọi sự, như các thiên tai: gió lốc, động đất, núi lửa, sóng thần, thiên thạch…

7 Sẽ có ngàn người sa ngã bên ngươi, và muôn người sa ngã bên phải ngươi. Nó sẽ chẳng đến gần ngươi.

Cách nói: “ngàn người sa ngã bên ngươi, và muôn người sa ngã bên phải ngươi” là cách nói đối trong văn thơ Hê-bơ-rơ; hàm ý sẽ có vô số người ngã chết chung quanh người biết nương náu mình nơi Thiên Chúa. Nhưng nguyên nhân của sự chết sẽ chẳng làm hại đến người ấy. Đây cũng sẽ là điều xảy ra cho con dân chân thật của Chúa trong Kỳ Tận Thế.

8 Nhưng với mắt mình ngươi sẽ nhìn xem, và thấy sự báo trả cho kẻ ác.

Câu này hàm ý Thiên Chúa sẽ dùng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để hình phạt những kẻ phạm tội mà không ăn năn, không tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Kẻ ác là kẻ làm ra những sự nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa và lương tâm mà Ngài đã đặt để trong loài người. Con dân Chúa sẽ nhìn thấy nhiều kẻ ác bị ngã chết trong ngày Thiên Chúa báo trả họ về sự phạm tội của họ.

9 Vì ngươi đã đặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nơi nương náu của ta, Đấng Chí Cao, làm nơi ở của ngươi,

10 sẽ chẳng có sự dữ xảy đến cho ngươi, cũng chẳng có dịch bệnh tới gần trại của ngươi.

Tác giả gọi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là nơi nương náu, tức nơi trú ẩn của ông, và gọi Ngài là Đấng Chí Cao. Tác giả cho biết, vì dân I-sơ-ra-ên đã đặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm nơi ở của họ nên sẽ chẳng có sự dữ xảy đến cho họ, cũng chẳng có cơn dịch bệnh nào đến gần nơi ở của họ. Vào lúc Thi Thiên 91 được viết ra, dân I-sơ-ra-ên đang đi trong đồng vắng, tiến về vùng Đất Hứa Ca-na-an. Mỗi khi tạm dừng chân thì họ đóng trại, căng lều để tạm trú.

Sự dữ là những sự đem lại đau buồn, thiệt hại nhưng không nhất thiết là sự ác. Sự dữ có thể đến từ Thiên Chúa để hình phạt những kẻ có tội, đúng theo tiêu chuẩn thánh khiết và công chính của Ngài. Còn sự ác là sự hoàn toàn nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng làm ra các sự dữ:

“Ta hình thành sự sáng và sáng tạo sự tối tăm. Ta làm ra sự bình an và sáng tạo sự dữ. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm mọi sự đó.” (Ê-sai 45:7).

Người biết chọn Thiên Chúa làm nơi ở của mình là người tin kính Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa. Vì thế, người ấy được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ. Cho dù kẻ ác hãm hại người ấy thì Thiên Chúa cũng sẽ biến sự ác thành sự phước hạnh, như Ngài đã làm cho ông Gióp, cho Giô-sép.

11 Vì Ngài sẽ ban lệnh cho các thiên sứ của Ngài, giữ gìn ngươi trong mọi đường lối của ngươi.

12 Họ sẽ nâng ngươi trên bàn tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá.

Trong khi Sa-tan cám dỗ Đức Chúa Jesus Christ thì nó đã trích dẫn hai câu Thánh Kinh này để gài bẫy Ngài, mong rằng có thể khiến cho Ngài phạm tội (Ma-thi-ơ 4:6). Ngày nay, có nhiều người bị ma quỷ tác động, bẻ cong ý nghĩa của Lời Chúa để xui khiến người khác phạm tội, lừa gạt người khác tin vào các tà giáo. Tất cả các giáo hội mang danh Chúa đều có mặt những người này. Họ là những giáo sư giả và tiên tri giả, là những chó sói đội lốt chiên. Các giáo hội có những cơ sở gọi là trường Thánh Kinh hoặc trường Thần học để đào tạo những giáo sư giả và tiên tri giả.

“Mọi đường lối” là nếp sống mỗi ngày. Khi con dân Chúa hiểu rằng, các thiên sứ của Chúa luôn hiện diện chung quanh họ để giữ gìn họ thì họ sẽ bình an trong mọi cảnh ngộ. Họ cũng không để cho mình bị rơi vào sự cám dỗ, không cố ý phạm tội, vì biết các thiên sứ đang nhìn xem họ.

II Các Vua đoạn 6 ghi lại câu chuyện, khi vua Sy-ri sai một đoàn quân bao vây thành Đô-than để bắt Tiên Tri Ê-li-sê thì Đức Chúa Trời đã sai một đạo quân thiên sứ đến bảo vệ ông.

Khi cần, các thiên sứ sẽ bảo vệ con dân Chúa vượt qua các nghịch cảnh cách an lành. Đó là ý nghĩa của câu 12.

13 Ngươi sẽ bước đi trên sư tử và rắn hổ mang; còn sư tử tơ và con rồng, ngươi sẽ giày đạp dưới chân.

Sư tử là loài thú dũng mãnh trong các loài thú rừng. Rắn hổ mang là loài rắn có chất độc rất mạnh. Sư tử tơ là sư tử đang ở độ tuổi sung mãn nhất. Con rồng là một sinh vật được nhắc đến nhiều lần trong Thánh Kinh Cựu Ước [6] và trong sách Khải Huyền của Tân Ước.

Con rồng có thể là một trong các loài khủng long đã bị diệt chủng trong Cơn Lụt Lớn thời Nô-ê. Ngày nay, theo các di tích hóa thạch, chúng ta biết có nhiều loại khủng long khác nhau.

Câu 13 dùng hình ảnh của những mãnh thú và độc thú tiêu biểu cho những kẻ thù hung hãn nhất có thể tấn công loài người. Kẻ thù hung hãn nhất của loài người chính là Sa-tan và các quỷ sứ của nó. Chúng là các thiên sứ phạm tội đã bị hư mất đời đời, đang gắng sức hủy hoại loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Con dân chân thật của Thiên Chúa, những người ở trong Đấng Christ, hiệp một với Đấng Christ sẽ luôn chiến thắng Sa-tan và các quỷ sứ của nó bởi sức toàn năng của Thiên Chúa trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

14 Vì người nào yêu Ta, Ta sẽ giải cứu người; Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh Ta.

Từ câu 14 đến câu 16 là lời phán của Thiên Chúa qua tác giả của Thi Thiên 91.

“Người nào” là bất cứ ai, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, phái tính, địa vị trong xã hội, hay bất cứ một điều gì khác. Chỉ cần là người có lòng tin kính Thiên Chúa, tìm kiếm Thiên Chúa. Yêu Chúa là tin cậy Ngài, tôn kính Ngài, và vâng phục Ngài. Người yêu Chúa sẽ được Chúa giải cứu ra khỏi mọi nghịch cảnh, khỏi mọi kẻ thù.

Được đặt lên nơi cao vừa có nghĩa là được đặt vào nơi an toàn, vừa được đặt vào nơi tôn trọng. Nơi an toàn nhất và cao nhất chính là thiên đàng, nơi có thành thánh Giê-ru-sa-lem không do tay người xây dựng, và có ngai của Đức Chúa Trời.

Biết danh Chúa là hiểu biết về Ngài và nhận rằng, Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

15 Người sẽ kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời người. Ta sẽ ở cùng người trong cơn gian truân. Ta sẽ giải cứu người, và tôn vinh người.

Người yêu Chúa hoàn toàn tin cậy Chúa nên khi gặp gian truân, nghịch cảnh thì sẽ kêu cầu Chúa, xin Chúa tiếp trợ và giải cứu. Chẳng những Chúa đáp lời kêu cầu của người yêu Ngài mà Ngài còn đồng hành với họ trong mọi cơn gian truân. Ngài sẽ sai các thiên sứ của Ngài giải cứu họ, và khiến cho mọi kẻ thù phải đầu phục họ.

“Trong mọi sự khốn khổ của họ, thì Ngài cũng chịu khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Bởi tình yêu và sự thương xót của Ngài mà Ngài đã chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng và cưu mang họ trong suốt các ngày thuở xưa.” (Ê-sai 63:9).

“Ta sẽ nhận lời họ trước khi họ kêu cầu Ta. Họ còn nói, Ta đã nghe rồi.” (Ê-sai 65:24).

Con dân Chúa tôn vinh Chúa là điều hẳn nhiên nhưng chính Chúa cũng khiến cho con dân của Ngài được tôn vinh, khi họ tôn kính Ngài, vâng phục Ngài. Chúa tôn vinh con dân Chúa bằng cách đặt họ lên nơi cao là đem họ vào trong thiên đàng. Riêng đối với con dân Chúa trong Hội Thánh, họ được ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus:

“Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus, để trong các thời đại sẽ đến, Ngài sẽ tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, trong sự từ ái của Ngài, hướng về chúng ta trong Đấng Christ Jesus.” (Ê-phê-sô 2:6-7).

Trong thực tế, vẫn có những lúc con dân Chúa phải trải qua những sự bách hại, đau đớn, và thậm chí bị giết chết. Không phải những lúc như vậy Chúa không đáp lời kêu cầu của con dân Ngài hoặc không giải cứu họ. Nhưng, như trong trường hợp của Đức Chúa Jesus, Đức Chúa Trời đã cho phép sự đau khổ và sự chết xảy ra cho những người yêu Ngài, vì đó là điều tốt nhất cho họ.

“Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.” (I Phi-e-rơ 4:19).

“Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Vậy, trong mọi nghịch cảnh, chúng ta cứ kêu cầu Chúa và trông chờ sự giải cứu của Ngài. Nhưng, nếu Chúa muốn chúng ta tiếp tục chịu khổ thì Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta. Điều quan trọng là sẽ không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức chịu đựng của chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi (I Cô-rinh-tô 10:13). Cho dù sự mở đường đó có nghĩa là Ngài dùng sự chết của thân thể xác thịt để đem chúng ta vào trong thiên đàng.

16 Ta sẽ cho người thỏa lòng sống lâu, và chỉ cho người thấy sự cứu rỗi của Ta.

Ý nghĩa của sự thỏa lòng sống lâu được nói đến trong câu này không hạn chế trong cuộc sống hiện tại, trong thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta. Nó bao gồm sự thỏa lòng sống lâu trong thân thể xác thịt được phục sinh hoặc được biến hóa của chúng ta.

Chúng ta chú ý, đây là sự sống lâu một cách thỏa lòng. Nghĩa là sống hạnh phúc, không một nhu cầu nào và không một sự ưa thích nào mà không được thỏa mãn.

Được Thiên Chúa chỉ cho thấy sự cứu rỗi của Ngài có nghĩa là được nhìn thấy kết quả sự cứu rỗi của Ngài ban cho loài người trong Vương Quốc Đời Đời, trong trời mới đất mới.

Cảm tạ Đức Chúa Trời Yêu Thương, vì Ngài đã ban cho chúng ta những lời hứa thật tuyệt vời trong Thánh Kinh để thêm đức tin cho chúng ta và an ủi chúng ta trong mọi nghịch cảnh. Chúng ta hãy thật lòng yêu Chúa, hết lòng tôn kính Chúa, và hoàn toàn vâng phục Chúa, thì chúng ta luôn bình an, hạnh phúc trong Ngài.

Nguyện tình yêu và sự quan phòng của Đức Chúa Trời bao phủ chúng ta. Nguyện sức mới và sự bình an của Đấng Christ đầy dẫy trong chúng ta. Nguyện sự khôn sáng và các ân tứ của Đức Thánh Linh ở cùng chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/05/2020

Ghi Chú

[1] https://www.healthline.com/health/1918-flu-pandemic-facts#1

[2] https://www.cdc.gov/about/history/sars/timeline.htm

[3] https://www.cdc.gov/flu/pandemic-resources/2009-pandemic-timeline.html

[4] https://www.cdc.gov/vhf/ebola/history/2014-2016-outbreak/index.html

[5] https://www.worldometers.info/coronavirus/

[6] Xin tra xem Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 tại đây:
https://thewordtoyou.net/bible/ Sáng Thế Ký 1:21; Xuất Ê-díp-tô Ký 7:9, 10, 12; Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:33; Nê-hê-mi 2:13; Gióp 7:12; 30:29; Thi Thiên 44:19; 74:13; 91:13; 148:7; Ê-sai 13:22; 27:1; 51:9; Giê-rê-mi 9:11; 10:22; 14:6; 49:33; 51:34, 37; Ê-xê-chi-ên 29:3; 32:2.

Karaoke Thánh Ca: “Từ Khi Theo Jesus”
https://karaokethanhca.net/tu-khi-theo-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/