Người Công Bình của Đức Chúa Trời

3,154 views

Nhấp vào nút play ►để nghe

Người công bình lui đi và người công bình của Ðức Chúa Trời

Trong Ma-thi-ơ 12:43-45 có ghi lại ngụ ngôn của Ðức Chúa Jesus về việc tà linh ra khỏi một người nhưng sau đó trở lại thấy đời sống của người đó không thay đổi thì nó bèn đem thêm bảy quỷ khác dữ hơn nó nữa cùng nhập vào người ấy. Chúa kết luận rằng: “Vậy, số phận người ấy sau lại xấu hơn trước!” Cũng vậy, số phận của một người đã được Ðức Chúa Trời xưng là công bình mà lại “lui đi” còn xấu hơn trước. Trước kia, khi người ấy chưa biết Chúa thì còn có cơ hội để biết Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài nhưng sau khi đã được Chúa xưng là công bình rồi mà lại “lui đi” trở lại sống trong tội lỗi thì người ấy không còn có cơ hội để được cứu nữa. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là tấm gương sống cho chúng ta. Ông là người được Chúa kêu gọi, đã đáp lại sự kêu gọi của Chúa, được Chúa chọn làm sứ đồ, được Chúa ban cho quyền phép để chữa bệnh, đuổi quỷ và rao giảng Tin Lành cho dân Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 10). Thế nhưng, khi lòng ông chú về tội lỗi, nhất quyết phạm tội, thì Satan liền chiếm ngự lòng ông và  điều khiển ông làm tròn tội ác (Giăng 13:27). Ðức Chúa Jesus khẳng định Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là “đứa con của sự hư mất” (Giăng 17:12).

Ðức Thánh Linh phán tỏ tường trong Hê-bơ-rơ 6:4-6 như sau:

“Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.”

Ðiều đó cũng giống như một người thiếu nợ không thể trả được, đang bị chủ nợ bắt đi làm nô lệ, bỗng dưng có người tình nguyện đứng ra trả nợ thay cho anh ta. Việc duy nhất mà người thiếu nợ có thể làm, và cần phải làm, đó là tin nhận lòng tốt của người đứng ra trả nợ thế cho mình. Sự tin tưởng đó phát xuất từ trong lòng, tuyên xưng trên môi miệng và thể hiện cụ thể qua hành động.

Khi người thiếu nợ tin ở trong lòng thì anh ta ý thức rằng mình không còn là kẻ thiếu nợ nữa. Khi người thiếu nợ tuyên xưng trên môi miệng rằng anh ta tin và chấp nhận lòng tốt của người đứng ra trả nợ thay cho anh ta thì chủ nợ không thể bắt anh ta làm nô lệ được nữa. Dầu vậy, sự tin tưởng đó cần phải thể hiện thành hành động thì người vừa được sạch nợ đó mới có thể thoát khỏi cảnh đời nô lệ và làm lại cuộc đời. Nếu anh ta tin nhận mình đã được sạch nợ, thậm chí hết lời cảm tạ người đã trả nợ thế cho anh ta và tuyên bố với chủ nợ rằng anh đã được tự do để làm lại cuộc đời nhưng anh ta vẫn không rời bỏ người chủ nợ và vẫn làm những công việc người chủ nợ giao phó thì lòng tin và lời tuyên xưng của anh ta không giúp được gì. Anh ta vẫn tiếp tục sống cuộc đời của một người nô lệ!

Người tin nhận và tuyên xưng sự chết chuộc tội của Ðức Chúa Jesus Christ là người đã được sạch món nợ tội lỗi. Thánh Kinh chép:

“Vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.” (Rô-ma 10:10)

Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu. Ðiều tiếp theo là người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa phải thể hiện đức tin qua hành động tích cực xa rời nếp sống cũ tội lỗi để sống một đời sống hoàn toàn được dựng nên mới trong Ðấng Christ. Nếp sống đó, được Thánh Kinh gọi là: Sống bởi đức tin (Rô-ma 1:17; Ga-la-ti 3:11). Chúng ta có thể gọi đó là: Nếp sống tôi ở trong Chúa và Chúa ở trong tôi:

“Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:4, 5)

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

Thánh Kinh nói rõ: Ðức tin không sinh ra việc làm thì tự mình nó chết! Ðức tin không có việc làm là vô ích! Ðức tin đồng công với việc làm và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn (Gia-cơ 2:17, 20, 22). Người tin Chúa mà không làm theo Lời Chúa là người đã được Ðức Chúa Trời xưng là công bình nhưng rồi lại lui đi. Sự lui đi đó dẫn đến hậu quả là bị hư mất. Người tin Chúa và làm theo Lời Chúa là người giữ đức tin cho linh hồn được rỗi và được Ðức Chúa Trời gọi là “Người công bình của Ta!

Người tin Chúa mà vẫn sống trong tội sẽ mất sự cứu rỗi

Thánh Kinh đã bày tỏ rất rõ ràng cho chúng ta thấy là một người sau khi tin Chúa, được Chúa tha tội, được Chúa làm cho sạch tội, được Chúa xưng là công bình, được Chúa ban cho quyền phép, tức là Thánh Linh của Chúa, để trở nên con cái của Ngài mà không chịu nắm lấy cơ hội đó để xa lìa tội lỗi, để kết quả xứng đáng với sự ăn năn (Ma-thi-ơ 3:8) nhưng tiếp tục sống trong tội thì người đó sẽ mất sự cứu rỗi và bị hư mất.

Có nhiều giáo hội ngày nay giảng dạy một cách sai lầm, nghịch lại Thánh Kinh, rằng: Khi một người tin Chúa người ấy được cứu và không gì có thể làm cho người ấy bị mất sự cứu rỗi. Trước hết, chúng ta phải biết rằng sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta là quyền phép để giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi và sống công chính, thánh khiết trong Chúa chứ không phải là thẩm quyền cho phép chúng ta phạm tội.

Lý luận thường được những người ủng hộ cho giáo lý “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn” (one saved always saved) đưa ra, là: Chúng ta không nhờ việc làm để được cứu thì chúng ta cũng không bởi việc làm mà mất sự cứu rỗi. Ðây là một sự lý luận ấu trỉ của những người tự lường gạt chính mình để tiếp tục sống trong tội lỗi. Lý luận như vậy không khác gì cho rằng: Tôi được tỵ nạn tại Mỹ vì chính sách nhân đạo của chính phủ Mỹ chứ không bởi bất kỳ một việc làm nào của tôi cho nên dù tôi có phạm pháp tôi cũng sẽ không mất quyền tỵ nạn!

Sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời là sự ban cho, không phải là sự trả công hay sự khen thưởng nhưng sự ban cho này có điều kiện. Có nhiều người giảng rằng sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời là sự ban cho vô điều kiện. Giảng như vậy là sai với lẽ thật của Thánh Kinh. Ðiều kiện để nhận được sự cứu rỗi là tội nhân phải tin Ðức Chúa Jesus mà tin Ðức Chúa Jesus là làm theo lời phán của Ngài. Làm theo lời phán của Ðức Chúa Jesus là tội nhân phải ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Ðấng Christ, và kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Thánh Kinh cho biết sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời còn lại đời đời nhưng Thánh Kinh không dạy “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn.” Chính sự kiện một người tin Chúa nhưng tiếp tục sống trong tội đã tỏ ra rằng người đó không hề ăn năn! Trái lại, Thánh Kinh nêu ra rất nhiều lời cảnh cáo rằng một người công bình mà phạm tội thì sẽ bị hư mất.

“Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm. Nếu người công bình xây bỏ sự công bình của mình mà phạm sự gian ác, thì nó sẽ chết trong đó.” (Ê-xê-chi-ên 33:13, 18)

“Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ. Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-líp 3:18, 19)

“Vì chúng ta đã được dự phần với Đấng Christ, miễn là giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững bền đến cuối cùng.” (Hê-bơ-rơ 3:14)

“Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy. Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.” (Hê-bơ-rơ 10:24-27)

“Ấy là những suối nước, những đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi và sự tối tăm mờ mịt đã để dành cho chúng nó. Chúng nó dùng những lời văn hoa hư đản, đem những điều ham muốn của xác thịt và điều gian dâm mà dỗ dành những kẻ mới vừa tránh khỏi các người theo đường lầm lạc; chúng nó hứa sự tự do cho người, mà chính mình thì làm tôi mọi sự hư nát; vì có sự chi đã thắng hơn người, thì người là tôi mọi sự đó.

Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sách rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-r ơ 2:17-22)

Như đã trình bày phía trên, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là điển hình cho những người đã tin Chúa rồi mà về sau phạm tội nên bị hư mất. Có người sẽ lý luận rằng Giu-đa không thật lòng tin Chúa. Những người nói như vậy đã vô tình cho rằng một là Ðức Chúa Jesus không biết Giu-đa không thật lòng tin Chúa cho nên vẫn chọn ông làm sứ đồ và ban cho ông quyền phép như 11 sứ đồ khác, hai là tiêu chuẩn của một sứ đồ không bắt buộc một sứ đồ phải là người thật lòng tin Chúa. Dĩ nhiên, cả hai ý tưởng này là hoàn toàn sai trật với Thánh Kinh vì Ðức Chúa Jesus là Ðấng biết hết mọi ý tưởng trong lòng người (Giăng 2:25) và ngay cả một chấp sự trong Hội Thánh cũng phải là một người thật lòng tin Chúa (I Ti-mô-thê 3:9). Như vậy, rõ ràng Giu-đa đã thật lòng tin Chúa nhưng đã bị mất sự cứu rỗi khi ông không giữ vững đức tin đó!

Trong ngụ ngôn về đầy tớ không trung tín Ðức Chúa Jesus đã nhấn mạnh như sau:

“Nếu, trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 24:48-51)

Ðây là ngụ ngôn về Nước Trời cho nên chúng ta biết rằng người chủ là Ðức Chúa Jesus, đầy tớ xấu là người hầu việc Chúa không trung tín, hình phạt đánh xé xương và định phần đồng với kẻ giả hình là hình phạt của sự khóc lóc và nghiến răng trong hỏa ngục:

“Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; Con Người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 13:40-42)

Trong Giăng 15 Ðức Chúa Jesus phán hai điều quan trọng về những người tin Chúa vẫn có thể bị mất sự cứu rỗi; đó là ở trong Chúa mà không kết quảchẳng cứ ở trong Chúa:

“Ta là gốc nho thật, Cha Ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong Ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.” (Giăng 15:1, 2)

“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ trong Ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy.” (Giăng 15:5, 6)

Giáo lý “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn” là lời nói dối kinh khủng của Satan đã được biến chế từ lời nói dối đầu tiên nó nói với bà Ê-va: “Hai ngươi chẳng chết đâu” (Sáng Thế Ký 3:4)! Ý nghĩa thật sự của giáo lý “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn” là: “Các ngươi đã tin Chúa rồi, dù có tiếp tục phạm tội cũng chẳng chết đâu!”

Tôi nhân danh sự đổ huyết của Ðức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá cho tội lỗi của chúng ta mà kêu gọi con dân Chúa hãy bước ra khỏi những tổ chức tôn giáo nào giảng dạy giáo lý “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn.” Ðức Chúa Jesus Christ đổ huyết trên thập tự giá để rửa sạch tội lỗi của chúng ta (Khải Huyền 1:6) chứ không phải để chúng ta cứ sống trong tội lỗi, “coi huyết của giao ước, huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế:”

“Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?” (Hê-bơ-rơ 10:28, 29)

Người Công Bình Chỉ Sống Bởi Ðức Tin

“Người công bình của Ta sẽ cậy đức tin mà sống!” Ðó là lời phán của Ðức Chúa Trời. Chúa là sự sống lại và sự sống và nếu chúng ta tin Chúa thì chúng ta được sống (Giăng 11:25, 26), nhưng thế nào là tin Chúa? và thế nào là cậy đức tin mà sống?

Tin Chúa, trước hết là tin những gì Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Kinh. Tất cả những điều Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Kinh bao gồm trong ba phương diện: được tha tội, được làm cho sạch tội, và được nên thánh.

1. Ðược tha tội: Muốn được tha tội, trước hết chúng ta phải tin rằng chúng ta là tội nhân như lời Chúa phán (Rô-ma 3:10, 23). Kế tiếp, chúng ta phải tin rằng chỉ có sự cứu rỗi ở trong Ðấng Christ (Giăng 14:6, Công Vụ Các Sứ Ðồ 4:12) và chỉ nhờ ân điển, bởi đức tin mà chúng ta được cứu chứ không phải bởi bất kỳ một việc làm nào của chúng ta (Ê-phê-sô 2:8, 9). Sau cùng là chúng ta phải thật lòng ăn năn tội, nghĩa là quyết tâm từ bỏ tội (Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:38).

2. Ðược làm cho sạch tội: Muốn được làm cho sạch tội chúng ta phải tin rằng con người cũ của chúng ta đã chết và Ðức Chúa Trời đã tái sinh chúng ta thành một tạo vật mới trong Ðấng Christ (Rô-ma 6:6; II Cô-rinh-tô 5:17). Ðồng thời chúng ta phải tin rằng Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài để chúng ta đắc thắng mọi cám dỗ, mọi tội lỗi để sống một nếp sống thánh khiết trong Chúa:

“Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Rô-ma 8:9)

3. Ðược nên thánh: Nên thánh có nghĩa là được dành riêng cho Ðức Chúa Trời và trở nên giống như Ngài. Muốn được nên Thánh chúng ta phải sống theo Lời Chúa (Giăng 17:17) và dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa để làm đồ dùng về sự công bình (Rô-ma 12:1, 13). Nên thánh không chỉ có nghĩa là không còn phạm tội nữa mà còn là tích cực làm ra những “việc lành mà Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10).

Cậy đức tin mà sống có nghĩa là đời sống của chúng ta chân thành nương nhờ vào sự tha tội, sự làm cho sạch tội, và sự thánh hóa của Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta, là khao khát và để cho tất cả những điều đó trở thành hiện thực trong chúng ta.

Kết luận

Nhờ đức tin mà chúng ta được xưng công bình, nhờ vâng phục mà chúng ta trở thành người công bình của Ðức Chúa Trời. Nếu tin Chúa mà không vâng phục Ngài thì chúng ta sẽ trở thành những người công bình lui đi trong đức tin. Kết quả của những người giữ vững đức tin là linh hồn được cứu rỗi. Kết quả của những người lui đi trong đức tin là bị hư mất:

“Người công bình của Ta sẽ cậy đức tin mà sống, nhưng nếu lui đi thì linh hồn Ta chẳng lấy làm đẹp chút nào. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi.” (Hê-bơ-rơ 10:38, 39)

Sự lựa chọn hoàn toàn thuộc về chúng ta!

Huỳnh Christian Timothy
13/04/2008