A. W. Tozer: Cơ Ðốc Giáo Ăn Liền

3,261 views

Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi những quốc gia trên thế giới bào chế những sản phẩm như trà uống liền, cà phê uống liền, và mì ăn liền. Và rồi thì thế giới cũng cho ra đời một tôn phẩm cao siêu: “Cơ-đốc Giáo Ăn Liền.” Nếu những sản phẩm ăn liền đó đã không xuất xứ từ Hoa Kỳ, thì có một điều không thể phủ nhận được, là chính trào lưu chính thống Mỹ đã đem Cơ-đốc Giáo Ăn Liền đến cho các Hội Thánh Tin Lành.

Chúng ta bỏ qua một bên Công Giáo La-mã và chủ nghĩa tự do trong những bộ dạng trá hình khác nhau của nó, và hướng sự chú ý lên hình thể của những người Tin Lành, ngay lập tức chúng ta sẽ thấy con dân của Ðấng Christ phải chịu đựng như thế nào ngay chính trong căn nhà của người bạn thân là Hội Thánh. Thiên tài trên nước Mỹ chú ý đến việc làm cho mọi kết quả đạt được nhanh chóng và dễ dàng và không cần quan tâm nhiều đến chất lượng hay tính lâu dài. Ðiều này đã sản sinh ra một loại vi khuẩn đầu độc toàn bộ cơ cấu trong Hội Thánh tại Hoa Kỳ từ điều hành, hành chính, giảng dạy, tổ chức, quy chế, chăm sóc, và những hệ thống khác nữa, và đã gây ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới qua những công cuộc truyền giáo.

“Cơ-đốc Giáo Ăn Liền” xuất hiện cùng với thời đại máy móc. Con người phát minh ra máy móc với hai mục đích là những công việc quan trọng được thực hiện nhanh hơn và dễ dàng hơn làm bằng tay. Họ muốn công việc được kết thúc nhanh chóng để họ có thêm thời gian tìm kiếm những cái khác mà họ thích, chẳng hạn như rong chơi hay thưởng thức những lạc thú của trần gian này. “Cơ-đốc Giáo Ăn Liền” ngày nay cũng phục vụ những mục đích đó trong tín ngưỡng.

Nói đến “Cơ-đốc Giáo Ăn Liền” tôi muốn ám chỉ cái được tìm thấy ở khắp nơi trong những quỹ đạo Tin Lành là cái được sinh ra từ tư tưởng cho rằng “chúng ta có thể làm hết những bổn phận đối với linh hồn mình chỉ bằng một vài hành động của đức tin, và khi được giải phóng khỏi mọi lo lắng về tình trạng thuộc linh, thì cho là đã làm xong bổn phận thuộc linh của chính mình và đưa đến kết luận là đức tin nơi Thiên Chúa một lần đủ cả.” Cái đức tin đó không phù hợp với đức tin mà chính Phao-lô đã nói trong Rô-ma 1:17 rằng “…Ðức tin lại dẫn đến đức tin nữa.”

Nhưng vấn đề rắc rối là chúng ta có khuynh hướng đặt để sự tin cậy của mình trên những kinh nghiệm và đưa đến hiểu sai toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước. Chúng ta liên tục được thúc đẩy phải quyết định, phải giải quyết vấn đề ngay bây giờ vì muốn toàn bộ sự việc được quan tâm đến ngay lập tức. Ðương nhiên là tôi không phủ nhận là có những quyết định của chúng ta nên quyết định một lần đủ cả, và cũng có những vấn đề riêng tư có thể giải quyết được ngay tức thì bằng một hành động kiên quyết trong sự đáp ứng của đức tin có nền tảng là Thánh Kinh.

Cơ-đốc Giáo Ăn Liền” có khuynh hướng biến hành động đức tin thành một kết cuộc vì thế mà đã bóp chết sự khao khát tiến bộ thuộc linh. Nó hiểu sai bản chất thật của đời sống Cơ-đốc, vốn là một đời sống đức tin năng động và phát triển. Nó bỏ qua sự thật là tân Cơ-đốc nhân được lớn lên giống như một em bé mới ra đời, và cần phải có thực phẩm và hoạt động thì cơ thể mới phát triển bình thường. Nó không đếm xỉa đến sự thật là hành động đức tin trong Ðấng Christ thiết lập một mối quan hệ cá nhân giữa hai bản thể đạo đức và thông sáng (giữa tín đồ và Đấng Christ). Ðức Chúa Trời và con người đã được giải hòa, và chỉ với một lần tiếp xúc với Ðức Chúa Trời thì không đủ để thiết lập một tình bạn thắm thiết giữa Ngài và tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Ngài.

Vì muốn phong tỏa sự cứu rỗi vào trong một hoặc hai kinh nghiệm, những người biện hộ cho “Cơ-đốc Giáo Ăn Liền” phô trương ra định luật của sự phát triển, và nói rằng sự phát triển là cái đã chi phối toàn cõi thiên nhiên này. Họ bỏ qua những ảnh hưởng thiêng liêng của sự thương khó, việc vác thập tự giá mình theo Chúa, và sự vâng lời thiết thực. Họ bỏ qua nhu cầu cần huấn luyện thuộc linh, sự cần thiết của việc hình thành những thói quen tín ngưỡng đúng đắn và nhu cầu đấu tranh chống chọi lại thế gian.

Mối thỏa mãn quá đáng với hành động ban đầu của đức tin đã tạo nên một tâm lý thỏa lòng nào đó, hay ít nhất là không có sự mong chờ nào cả.

Ðối với nhiều người, nó đã tạo ra một tâm trạng chán nản với niềm tin Cơ-đốc. Ðức Chúa Trời dường như ở đâu quá xa xôi, còn thế gian thì lại quá gần, xác thịt thì lại quá mạnh để giữ lòng bền đỗ. Hãy coi chừng sự thỏa mãn với những hành động đức tin ban đầu sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi nhu cầu thức canh, tranh chiến, cầu nguyện, và đưa đến sự tự do thụ hưởng thế giới này.

Có phải “Cơ-đốc Giáo Ăn Liền” là niềm tin chính thống của thế kỷ 21 này? Hãy đọc Thánh Kinh Phi-líp 3:7-16 để thấy được tâm tình của Phao-lô là quên đi những sự ở đàng sau mà vươn tới những sự ở đàng trước. Tôi nhắm mục đích mà chạy, hướng về giải thưởng của sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus.”

A. W. Tozer