Hỏi & Đáp: Chủ Nhật và Chúa Nhật

8,391 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Trong Kinh Thánh chỉ nói đến ngày đầu tuần – không nói đến ngày Chủ Nhật hay Chúa Nhật, như vậy hiểu như thế nào?

Đáp:

“Chủ Nhật” là tiếng Hán Việt: . “Chủ” có nghĩa là đứng đầu, “nhật” là ngày – “Chủ Nhật” là ngày làm chủ trong một tuần, tức là ngày đầu tuần.

“Chúa Nhật” là cách phát âm khác của danh từ . Cả hai cách phát âm đều dùng để đọc cùng một chữ và “chủ” hay “chúa” đều có nghĩa giống nhau. Nhiều người Việt tưởng rằng “Chúa Nhật” có nghĩa là “ngày của Chúa” thế nên nhiều người Việt tin Chúa thích gọi ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là “Chúa Nhật,” nhưng danh từ “Chúa Nhật” hoàn toàn không mang nghĩa “ngày của Chúa.”

Trong Thánh Kinh, tên gọi của các ngày là: ngày Thứ Nhất hay ngày Thứ Nhứt, ngày Thứ Nhì, ngày Thứ Ba, ngày Thứ Tư, ngày Thứ Năm, ngày Thứ Sáu, và ngày Thứ Bảy (Sáng Thế Ký 1 và 2:2, 3). Thánh Kinh không hề gọi ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật là “ngày của Chúa” mà chỉ gọi ngày Thứ Bảy, tức ngày Sa-bát (Sa-bát có nghĩa là nghỉ ngơi), là “ngày của Chúa.” Những câu Thánh Kinh sau đây cho chúng ta biết ngày nào là “ngày của Chúa:”

“Phần ngươi, hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nhất là các ngươi hãy giữ ngày Sa-bát Ta, vì là một dấu giữa Ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng Ta, là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13)

“Ai nấy phải tôn kính cha mẹ mình và giữ những ngày Sa-bát Ta: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.”(Lê-vi Ký 19:3)

“Vì Đức Giê-hô-va phán như vầy: Những kẻ hoạn hay giữ các ngày Sa-bát Ta, lựa điều đẹp lòng Ta, cầm vững lời giao ước Ta, thì Ta sẽ ban cho họ tại trong nhà Ta và trong tường Ta một chỗ, và một danh tốt hơn danh của con trai con gái; Ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi. Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta, thì Ta sẽ đem họ vui mừng trong nhà cầu nguyện Ta. Của lễ thiêu và hi sinh họ dâng trên bàn thờ Ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.”(Ê-sai 56:4-7)

“Nếu ngươi ngừa giữ chơn mình trong ngày Sa-bát, không làm vừa ý mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi người thánh của Đức Giê-hô-va là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình, bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê-hô-va làm vui thích, Ta sẽ làm cho ngươi cỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy.”(Ê-sai 58:13-14)

Chúng ta có thể xem thêm trong: Ê-xê-chi-ên 20:13; 16; 20:20-21, 24; 22:8, 26; 23:38; 44:24; Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28; Lu-ca 6:5 để thấy Thánh Kinh xác định rằng ngày Thứ Bảy Sa-bát là ngày của Chúa và Đấng Christ là Chúa, là Chủ của ngày Sa-bát. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng “ngày của Chúa” trong Khải Huyền 1:10 tức là ngày Sa-bát [1].

Từ ngàn xưa, các tôn giáo thế tục thờ lạy tà thần đã dùng tên các tà thần đặt làm tên cho các vì tinh tú, các giờ trong ngày, các ngày trong tuần, và các tháng trong năm. Nhìn vào bảng so sánh dưới đây chúng ta sẽ thấy Sa-tan đã thành công phần nào trong nỗ lực biến ngày của Chúa trở thành vô nghĩa đối với Hội Thánh và biến ngày thờ lạy tà thần mặt trời thành ngày nghỉ ngơi của Hội Thánh.

Tên Thánh Kinh

Tên Anh ngữ / La-tin

Hành tinh tiêu biểu

Ngoại giáo

Cơ-đốc Giáo

Ngày Thứ Nhất

Sunday: Ngày của tà thần mặt trời Dies Sōlis

Mặt trời

Thờ lạy tà thần mặt trời qua hình tượng tà thần Apollo. Dùng thay thế ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời, và gọi là ngày Sa-bát của Cơ-đốc nhân.

Ngày thứ nhì

Monday: Ngày của tà thần mặt trăng Dies Lūnae

Mặt trăng

Ngày thứ ba

Tuesday: Ngày của tà thần chiến tranh Dies Martis

Hỏa tinh

Ngày thứ tư

Wednesday: Ngày tà của thần săn bắn Dies Mercuriī

Thủy tinh

Ngày thứ năm

Thursday: Ngày của tà thần sấm sét Dies Jovis

Mộc tinh

Ngày thứ sáu

Friday: Ngày của nữ tà thần ái tình Dies Veneris

Kim tinh

Ngày Thứ Bảy

Ngày được Thiên Chúa ban phước và đặt làm ngày thánh.

Ngày Thiên Chúa ra lệnh cho con dân của Ngài nghỉ làm việc và cho phép tôi tớ, súc vật của mình cũng được nghỉ làm việc.

Saturday: Ngày của tà thần nông Dies Saturnī

Thổ tinh

Dạy rằng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời hoặc ít nhất là điều răn thứ tư không áp dụng cho Hội Thánh. Thế nên, tín đồ Đấng Christ không cần tôn thánh ngày Sa-bát, không cần nghỉ làm việc trong ngày Sa-bát.

Truyền thống gọi ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là “ngày của Chúa” ra từ Giáo Hội Công Giáo La-mã. Lịch sử của Hội Thánh cho thấy: Suốt từ thế kỷ Thứ Nhất cho đến thế kỷ thứ tư, Hội Thánh của Chúa không hề biết đến sự kiện “ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là ngày của Chúa” [1].

Vào ngày 7 tháng 3 năm 321, Hoàng Đế La-mã Constantine ra sắc luật buộc toàn Đế Quốc La-mã phải tôn kính Chủ Nhật mà ông gọi là ngày “tôn kính mặt trời:”

Vào ngày tôn kính mặt trời, các công chức và cư dân trong các thành phố phải nghỉ ngơi, và các cửa tiệm phải đóng cửa. Tuy nhiên, trong các vùng thôn quê, những người có liên quan đến nghề nông có thể tự do và hợp pháp tiếp tục công việc của họ; bởi vì, thông thường một ngày khác không thích hợp cho việc gieo giống hoặc trồng nho; kẻo sự bỏ qua thời điểm chính xác cho những công việc đó khiến cho bị mất đi sự ban cho dư dật của trời” [2]

Mục đích của Constantine là buộc công dân trong đế quốc tôn kính ngày của tà thần mặt trời (được tượng hình qua tượng tà thần Apollo) chứ không phải ông có ý muốn cho dân chúng thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày đó; bởi vì, vào thời đó, Constantine vẫn còn giữ địa vị thầy tế lễ thượng phẩm của ngoại giáo, thờ phượng đủ các tà thần của La-mã và Hy-lạp mà nổi bật nhất là tà thần Apollo, tiêu biểu cho ánh sáng và mặt trời [3].

(Xem hình tượng tà thần Apollo của người La-mã tại đây:
http://no.wikipedia.org/wiki/Fil:Roman_Statue_of_Apollo.jpg).

Công Đồng Lao-đi-xê do Giáo Hội Công Giáo La-mã tổ chức vào năm 364, trong đó có điều khoản thứ 29, quy định việc giữ ngày Sa-bát là bất hợp pháp, thay vào đó, giáo hội buộc con dân Chúa phải thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật và Chủ Nhật được giáo hội gọi là “ngày của Chúa.”  Như vậy, Hội Thánh Chúa đã tự do giữ ngày Sa-bát cho đến khi bị Giáo Hội Công Giáo ra luật cấm vào năm 364; và cũng từ đó giáo hội dùng danh xưng “ngày của Chúa” cho Chủ Nhật. Dù vậy, theo Sử Gia Socrates Scholasticus thì phần lớn Hội Thánh Chúa khắp nơi vẫn trung tín giữ ngày Sa-bát cho đến thế kỷ thứ năm, ngoại trừ các Cơ-đốc nhân tại Alexandria và tại Rome, là những người đã vâng theo quy luật của Giáo Hội Công Giáo La-mã [1].

Kể từ đó cho đến nay, thói quen thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật và tư tưởng thần học cho rằng Chủ Nhật là Sa-bát của Cơ-đốc nhân, đã tiêm nhiễm sâu đậm vào trong Hội Thánh. Cuộc đối kháng với Giáo Hội Công Giáo La-mã do Martin Luther khởi xướng năm 1517 và các cuộc cải chánh sau đó dù có đem Hội Thánh trở về với nhiều lẽ thật của Thánh Kinh, thoát ra nhiều ngụy giáo lý của Giáo Hội Công Giáo La-mã, nhưng vẫn không loại bỏ được các giáo lý sai lầm về Chủ Nhật.

Con dân của Chúa thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật, thờ phượng Chúa bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Việc Hội Thánh nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày nào không bao giờ là vấn đề nhưng việc Hội Thánh vi phạm điều răn thứ tư, không tôn thánh ngày Sa-bát của Chúa là vấn đề. Chúng ta có thể gọi ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là Chủ Nhật hay Chúa Nhật, nên nhớ là không kèm theo chữ “ngày” vì “nhật” có nghĩa là “ngày,” nhưng Chúa Nhật không có nghĩa là ngày của Chúa mà chỉ có nghĩa là ngày đứng đầu trong một tuần. Thánh Kinh gọi ngày Thứ Bảy Sa-bát là “ngày của Chúa.”

Huỳnh Christian Timothy
28/07/2011

Chú Thích

[1] Xin xem thêm bài: “Lịch Sử Giữ Ngày Sa-bát của Hội Thánh:” https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=9
Download tại đây: http://www.divshare.com/download/14938260-6b1

[2] Codex Justinianus, lib. 3, tit. 12, 3; trans. in Philip Schaff, “History of the Christian Church,” Vol. 3 (Hendrickson Publishers, 07/2006), p. 380, note 1: On the venerable Day of the Sun let the magistrates and people residing in cities rest, and let all workshops be closed. In the country, however, persons engaged in agriculture may freely and lawfully continue their pursuits; because it often happens that another day is not so suitable for grain-sowing or for vine-planting; lest by neglecting the proper moment for such operations the bounty of heaven should be lost.”

[3] Philip Schaff, “History of the Christian Church,” Vol. 3 (Hendrickson Publishers, 07/2006), p. 31

Bạn đọc biết tiếng Anh có thể tham khảo về lịch sử thờ tà thần mặt trời tại đây:
http://web.archive.org/web/20070311123655/http://members.aol.com/zoticus/bathlib/helios/