Video Chân Giả Luận: 18 Đạo Nho và Tin Lành

2,718 views

 

 

18 – Đạo Nho và Đạo Tin Lành

Hỏi: Theo những lời giảng luận như trên thì đạo Tin Lành là đạo đúng đắn, nhưng đạo Nho cũng là đạo chân chính, không đáng theo hay sao mà phải theo đạo Tin Lành?

Đáp: Nho Giáo, còn được gọi là Khổng Giáo. Người sáng lập ra Nho Giáo là ông Khổng Tử, còn gọi là Khổng Phu Tử, sinh năm 551 TCN, là một nhà hiền triết người Trung Quốc. Khi luận về đạo, Khổng Tử có nói rằng: “Trời mạng gọi là tánh, noi tánh gọi là đạo.” Khi dạy thầy Tử Hạ về Trời là Đấng Chủ Tể, thì Khổng Tử nói rằng: “Chết sống có mạng, giàu sang tại Trời.”

Nho Giáo được người Trung Quốc tin theo như là một tôn giáo, nhưng trong hệ thống các kinh điển của Nho Giáo, hầu hết viết về xã hội và những kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa, ít đề cập đến các vấn đề về thần học hay duy linh. Khổng Tử soạn ra sách  “Luận Ngữ” và “Ngũ Kinh,” dạy đạo đức làm người. Ông dạy nhiều điều đáng làm mẫu mực cho nhân quyền, xã hội; nhưng khi có kẻ nghịch mạng Trời làm ác, ông không có quyền biến cải họ ra người lành để làm trọn những lời dạy dỗ quý báu ấy. Vả lại, muốn hiểu cho tường tận lý lẽ ấy, cần phải xét rõ ý nghĩa của chữ Nho. Nho là một từ ngữ dùng để gọi những người có học vấn, hiểu biết nhiều về các lễ nghi, phép tắc, đạo đức cổ kim, và biết phân biệt đúng sai. Khổng Tử, Mạnh Tử và các bậc thánh đế, minh vương đời xưa cũng chỉ thờ Trời mà thôi. Ngoài ra, không thờ tà thần hay giả thần nào khác, đó mới chính là đạo Nho thật.

Đạo Nho thời bây giờ, đa số đọc sách thánh hiền nhưng không thực hiện theo, mỗi người cứ hành xử theo cách mình cảm nhận, điều gì, việc gì cũng có thể tin được, không biết phân biệt điều hợp lý và vô lý, cứ mải xu hướng theo thế tục: đốt nhang đèn, vàng bạc, làm chay, cúng kiếng cầu phước, cầu lợi trước các tà thần, giả thần. Những người như thế mà xưng là Nho, thì chỉ có làm mất giá trị đạo Nho của bậc thánh hiền đời xưa mà thôi!

Xem như thế, Nho Giáo không phải là một tôn giáo mà chỉ là những xu hướng biện luận về xã hội, chính trị và đạo đức. Trong khi đó, Đức Chúa Giê-xu là Con Một của Đức Chúa Trời; sự dạy dỗ của Ngài vượt lên trên các bậc thánh hiền. Lời của Ngài là lời sống và linh nghiệm, có quyền thay đổi lòng người, khiến họ biến cải từ người xấu ra người tốt. Hơn nữa, Ngài đã hy sinh thân mình trên cây thập tự, làm giá chuộc tội cho những ai có lòng tin vào ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngài cũng đã từ kẻ chết sống lại, nên có đủ quyền lực tha tội cho mọi kẻ tin cậy Ngài và ban cho họ sự sống lại cùng sự sống đời đời.

Xét kỹ, Khổng Tử là một nhà hiền triết dạy đạo đức, chính trị ở đời; còn Đức Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của cả nhân loại. Như vậy, những người nào đã học đạo Nho để biết cách đối xử ở đời, biết cách sống thế nào cho đúng lễ, nghĩa, phép tắc, thì giờ đây cần phải tin Đức Chúa Giê-xu, vì đó là phương cách duy nhất để linh hồn được cứu.

Chúng tôi theo đạo Tin Lành được Chúa làm thay đổi con người, không mê tín dị đoan, không u mê theo tà thuyết. Chúng tôi vâng phục Lời Chúa, đi theo con đường chính đáng, xem tất cả mọi người trong thiên hạ như anh em một nhà, yêu thương, hòa thuận; cùng khuyên bảo nhau làm điều lành, can ngăn nhau làm điều sai trái và đồng một lòng thờ kính một Chúa là Chân Thần và duy nhất. Điều trên hết mà chúng tôi nhận được, đó là: sự bình an thiên thượng trong lòng và sống một đời sống vui vẽ trong tâm linh cho đến lúc lìa khỏi trần thế, linh hồn được lên thiên đàng, tận hưởng sự sống đời đời. Vậy, mong quý vị hãy mau tỉnh thức, hết lòng ăn năn tội, quay trở về cùng Chúa Thánh, là cội nguồn mà từ đó chúng ta đã sinh ra, mà tiếp nhận đạo Tin Lành, chắc chắn quý vị sẽ nhận được ơn cứu rỗi.