17 – Bà Chúa Ngọc và Bà Liễu Hạnh
Ở nước Việt Nam ta, miền bắc thường thờ bà Liễu Hạnh Công Chúa, miền nam thờ bà Chúa Ngọc.
Truyện tích của hai bà này như sau:
Bà Chúa Ngọc còn gọi là Bà Thiên Y A Na mà người Chàm tôn thờ. Tục truyền rằng: Xưa kia, ở núi Đại An, có hai vợ chồng tiều phu trồng được một rẫy dưa; vì thường bị mất trộm nên ông để tâm rình rập và bắt được thủ phạm là một cô gái nhỏ mồ côi, xinh đẹp. Vì không con nên ông bắt đưa về nhà nuôi, mà không ngờ cô gái ấy vốn là một tiên nữ bị đọa, không hiểu vì lý do gì mà phải giáng trần.
Được một thời gian, cô gái buồn nhớ cảnh tiên xưa nên lấy đá và hoa lá tạo thành một hòn non bộ. Người cha nuôi cho rằng, việc làm đó không thích hợp đối với một người con gái nên nặng lời quở mắng. Cô gái liền nhập thân vào một khúc kỳ nam (khúc gỗ có mùi thơm) đang trôi trên sông. Khúc kỳ nam trôi dạt ra Bắc Hải và tấp vào bờ biển Trung Quốc, tỏa hương thơm lan ra khắp vùng. Dân làng đến xem rất đông nhưng không người nào nhấc nỗi khúc gỗ. Thái tử Trung Quốc nghe tin đồn, liền đến xem và nhẹ nhàng nhấc được khúc gỗ mang về. Sau đó, khúc kỳ nam lại biến hóa thành nàng con gái, rồi cùng thái tử kết làm vợ chồng. Khi được mấy con, nàng lại nhớ chốn cũ nên cùng các con nhập trở lại vào khúc kỳ nam, vượt biển trở về cố quốc. Lúc đó, cha mẹ nuôi đã chết, nàng bèn xây đắp mồ mả và sửa sang lại nhà cửa làm nơi thờ tự hai ông bà.
Trở về làng xưa, bà thấy dân chúng làng Đại An còn quê mùa, chất phác nên mang những điều học hỏi được ở quê chồng về dạy dỗ dân quê mình. Bà dạy cho dân biết phép tắc, lễ nghi; dạy cho dân phương cách để mưu sinh, như: cày cấy, kéo sợi, dệt vải… Sau đó ít lâu, bà cùng với hai con cởi chim hạc trở về cõi tiên. Để tưởng nhớ công đức của bà, dân làng lập miếu thờ tự và tôn xưng là Thiên Y Thần Nữ.
Bà Liễu Hạnh, theo truyền thuyết: đời thứ nhất, bà là con của Thái Ông họ Phạm, hiệu là Huyền Viên và Thái Bà hiệu là Thuần. Hai ông bà cùng là người thôn Quảng Nạp, xã Vĩ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam. Đời thứ hai, bà là con gái ông Lê Thái Công, tên là Đức Chinh, người xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng. Đời thứ ba, bà được sinh ra tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa; lấy chồng họ Mai, sinh được một người con trai, được một năm thì quay trở về cõi tiên. Về sau, bà được Ngọc Hoàng cho phép giáng xuống cõi trần, thường xuyên tiêu dao khắp nơi và được miễn vòng sinh tử luân hồi.
Trên đây chỉ là những mẩu chuyện hoang đường, vô lý được truyền tụng trong dân gian. Bà Chúa Ngọc là người có xác, có thịt sao có thể nhập vào khúc gỗ? rồi lại từ khúc gỗ biến hóa trở lại thành người thật để kết hôn với thái tử, sau đó lại cùng với hai con tái nhập trở lại vào khúc gỗ để trở về cố quốc? Đây chẳng qua chỉ là câu chuyện đồng bóng, mơ hồ ở chốn thôn quê gần miền biển.
Còn bà Liễu Hạnh, bất quá cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường như tất cả những người phụ nữ khác; cuộc đời của bà cũng không có gì khác hơn việc lấy chồng, sinh con, rồi chết. Chẳng qua thân phụ của bà vốn mê tín thuyết luân hồi, nằm mơ thấy con mình là công chúa giáng trần, hoặc bày chuyện ra để nâng cao giá trị của con gái mình; câu chuyện được đồn thổi, lan tràn dần thành truyện tích.
Phụ nữ vùng thôn quê, đa số đều mê tín nên tôn xưng bà Liễu Hạnh là Thánh Mẫu, là chúa tiên độ mạng. Phụ nữ miền Nam xưng bà Chúa Ngọc làm mẹ sanh, gọi là bà Cửu Thiên Huyền Nữ, và cũng lập trang thờ cúng. Thật sai lầm lắm! Chỉ có Đức Chúa Trời, là Đấng cầm quyền sinh tử, tại sao không cầu khẩn Ngài độ mạng và cứu linh hồn cho các bà mà lại đi cầu khấn hai người phụ nữ trong câu chuyện hoang đường?