Video Chân Giả Luận: 14 Thuyết Luân Hồi

2,735 views

 

 

14 – Thuyết Luân Hồi

Dã nhân là một loài thú chạy, chim anh vũ là loài chim bay. Loài vật không thể nào sánh được với loài người vì giữa hai loài có một khoảng cách rất xa, đó là: loài người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời ban cho quyền cai quản muôn vật. Thánh Kinh, sách Sáng-thế-ký, chương 1, câu 27 và 28, chép: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” Sách xưa có câu: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.” Có nghĩa: Trời sinh ra muôn vật nhưng chỉ duy có loài người là thiêng liêng nhất. Thế nhưng, triết thuyết nhà Phật cho rằng có sự luân hồi là điều khó chấp nhận.

Đức Chúa Trời đã lấy đất nặn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, người trở thành một giống loài mang hình ảnh của Đức Chúa Trời; nghĩa là giống như Đức Chúa Trời trong tâm thần. Nhờ đó, người có thể nhận biết Đức Chúa Trời, thờ phượng Ngài và tương giao với Ngài. Từ đó về sau, loài người theo quy luật Đức Chúa Trời đã sắp đặt mà sinh sản, lưu truyền nòi giống, có xác thịt, có linh hồn và tâm thần. Linh hồn là bản ngã của mỗi người với các chức năng: cảm xúc, suy luận và quyết định. Tâm thần là hình ảnh của Đức Chúa Trời trong mỗi người với các chức năng: nhận thức thế giới thần linh, nhận thức tiêu chuẩn thánh thiện, đạo đức của Đức Chúa Trời, và có đức tin vào Đức Chúa Trời. Khi loài người chết, xác thịt từ đất mà ra nên phải trở về với bụi đất, tâm thần về lại nơi Đức Chúa Trời, nhưng linh hồn thì chờ ngày thể xác phục sinh rồi ứng hầu trước Đấng Tạo Hóa để đón nhận sự phán xét hoặc thưởng, hoặc phạt. Loài vật thì không được như vậy, vì chúng không mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên khi chết, xác và hồn đều bị phân hủy, không có việc đầu thai hoặc chuyển kiếp theo như thuyết luân hồi của nhà Phật đã đề xướng. Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng đã quy định các giống loài phải sinh sản tùy theo loại, và Ngài cũng ban phước cho loài người sinh sản thêm nhiều và đầy dẫy trên mặt đất. Xem như thế, không thể nào có việc luân hồi hay chuyển kiếp được.

Theo luận thuyết của nhà Phật: “Khi một người chết đi, nếu làm lành sẽ được sinh lại làm người, còn kẻ làm ác phải chuyển kiếp, sinh làm súc vật.” Nhưng trong thế gian, người thiện ít hơn người ác, căn cứ theo lập luận ấy, sợ rằng chỉ trong vòng 100 năm, loài người phải bị xóa sổ, không còn hiện diện trên mặt đất nầy nữa! Cũng theo thuyết nhà Phật: “Đời này ăn bốn lạng thịt, kiếp sau phải bỏ ra nửa cân.” Trên cõi đời, số người ăn thịt nhiều hơn kẻ không ăn, như thế, một người trong suốt cả cuộc đời của mình, đã ăn không biết bao nhiêu là thịt, nếu phải trả số nợ ấy thì trả đến kiếp nào mới xong? Sợ rằng loài người phải bị tuyệt diệt! Phương chi, các người hiền đời xưa đều có ăn thịt, có lý nào giờ đây tất cả những vị ấy đều đã hay đang làm súc vật để trả nợ?

Có người hỏi: Nếu không có luân hồi, tại sao có kẻ giàu, người nghèo, kẻ sang người hèn?

Đáp: Phải biết rằng, mỗi người đều có một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau trên đời. Ông Mạnh Tử có nói: “Không có người làm quan, lấy ai cai trị người làm ruộng? Không có người làm ruộng, lấy ai nuôi sống người làm quan?” Đó là ý nghĩa thông thường trong xã hội, không liên quan gì đến việc luân hồi, chuyển kiếp? Người nào đặt lòng tin nơi Cứu Chúa Giê-xu, biết làm việc lành, dù ở trong hoàn cảnh nghèo hèn, nhưng tâm trí được bình an, lúc chết linh hồn được trở về cùng Đức Chúa Trời; người nào nghịch mạng Chúa, làm điều ác, dù được sống trong vinh hoa phú quý đời này, nhưng sau khi chết linh hồn phải sa xuống hỏa ngục; như vậy, sự giàu sang hay nghèo hèn trong đời này có đáng để chúng ta phải lưu tâm hay không? Mong rằng quý vị thông hiểu nguồn cội của loài người và muôn vật để có được sự hiểu biết đúng đắn về  thuyết luân hồi mà không bị lầm lạc.