12 – Thổ Địa
Sách Tả Truyện (hay Tả Thị Xuân Thu), là tác phẩm sớm nhất của Trung Quốc, ghi chép lịch sử phản ánh giai đoạn năm 722 TCN – 468 TCN, có viết: “Xã là chủ thổ địa, phong làm Thổ Công, xưng là Thổ Thần.” Kể từ đó trở về sau phát sinh ra việc thờ Thần Thổ Địa. Xã là tên đặt cho một chức quan có nhiệm vụ bình trị và cai quản đất nước. Vậy, người cai quản đất nước lúc ấy là ai? Đó là Câu Long. Sách xưa có viết: “Ông Câu Long vào đời Vua Xuyên Húc, làm quan cai quản đất đai, bình trị đất nước, có nhiều công trạng.” Câu Long cũng như những người khác, không thể trường sinh, bất tử để cai quản đất đai trong nước mãi mãi. Ông cũng phải chết, theo như quy luật sinh tồn trong vũ trụ; chức vụ cai quản đất đai của ông cũng phải giao lại cho người khác. Người đời cạn nghĩ, tôn xưng ông là thần đất, gọi là Thổ Địa, đắp tượng thờ cúng, lại còn đặt ra ngày 23 tháng 3 âm lịch làm ngày sinh của Thổ Địa; điều này thật vô nghĩa và sai lạc vô cùng. Thổ Địa không được vua sắc phong như Thành Hoàng, không được hiện diện trong các ngày lễ tế, nhưng trong tâm thức của đa số người dân Việt, luôn luôn tồn tại một ông thần đất gọi là Thổ Địa, hay “Ông Địa.” Người Việt làm tượng ông địa theo hình dạng một ông mập mạp, bụng phệ, ở trần (có nơi đắp tượng ông có mặc áo nhưng phanh ngực ra) trông rất thoải mái, vui tính và dễ dãi, lại rất bình dân; người đời có việc cầu cạnh, khấn khứa gì cũng chỉ hứa hậu tạ cho ông nải chuối. Trang thờ Thổ Địa được đặt dưới đất và thường thờ chung với Thần Tài. Hoa quả cúng thờ thì tùy gia chủ, ai có cái gì thì cúng cái nấy. Có nhà cúng ông một vài trái xoài, mận, ổi… có nhà thì chỉ cúng cho vài củ tỏi, một cốc cà phê hay một điếu thuốc lá. Có gia đình lập trang thờ riêng trong nhà, có gia đình chỉ cắm cây nhang ngoài góc sân, góc vườn.
Ngoài ra, đối với một số gia đình Việt cổ xưa, thần đất không chỉ đơn thuần là Thổ Địa hay “Ông Địa” như đa số giới kinh doanh đang thờ hiện nay, mà thần đất còn bao gồm: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ gọi chung là Gia Thần. Trong nhà, ngoài bàn thờ tổ tiên ra, có những gia đình còn lập thêm một bàn thờ nhỏ để thờ Gia Thần. Gia Thần không phải là tổ tiên. Thổ Công là thần trông coi không gian bao quanh gia đình. Thổ Địa là thần long mạch, là mạch đất của gia đình. Thổ Kỳ là thần trông coi việc chăn nuôi, trồng trọt, chợ búa. Thực chất, người Việt xưa thờ Gia thần (bao gồm cả Thổ Địa) là thờ Trời đất vì trong đó có gắn với quan niệm của Đạo Giáo Trung Quốc về ngũ phương (vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, thuyết về năng lượng, âm dương, chân khí…) Còn bây giờ, người ta thờ Thổ Địa là thờ thần đất với mong muốn được đất ban bố cho mọi thứ. Nông dân thì mong được mùa; người thợ xây đào móng xây nhà hoặc người đào giếng thì cầu mong được Thổ Địa phù hộ cho mọi việc được an toàn, suôn sẻ; người thất lạc đồ đạc cầu mong Thổ Địa tìm giúp cho… Người ta không hiểu rằng: mặc dù đất là nơi sản sinh ra mọi thứ nhu cầu cho con người, song tất cả đều do ân huệ và quyền phép của Đức Chúa Trời. Người không biết trả ơn Đức Chúa Trời mà trả ơn đất, có khác nào người con được cha chia ruộng cho, không mang ơn cha mình lại đi mang ơn ruộng, là điều hết sức vô lý.