Tuổi Dậy Thì 04: Làm Chủ Tâm Trạng

1,702 views

Tuổi Dậy Thì:
04 Làm Chủ Tâm Trạng

Huỳnh Christian Timothy

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.” (II Ti-mô-thê 1:7)

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzE3NDY3NDFf/TDT_04_LamChuTamTrang.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/tdt-04-lamchutamtrang
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/vv6vnss7e9ybzfu/TDT_04_LamChuTamTrang.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Tâm trạng là trạng thái tâm lý nhất thời của chúng ta. Trạng thái tâm lý nhất thời là sự cảm xúc trong lòng của chúng ta trong một khoảng thời gian nào đó; có thể là cảm xúc: buồn hoặc vui, phấn khởi hoặc chán nản, hy vọng hoặc tuyệt vọng…

Chúng ta cảm xúc khi chúng ta đối diện với những sự việc xảy ra trong đời sống của chúng ta, chung quanh chúng ta. Đó là điều tự nhiên để giúp chúng ta biết phản ứng một cách thích hợp trong từng hoàn cảnh. Thí dụ: Khi chúng ta đối diện với sự đau buồn của cha mẹ vì chúng ta không vâng lời cha mẹ mà gây ra lỗi lầm, thì chúng ta có thể có tâm trạng đau buồn, hối tiếc, dẫn đến sự chúng ta xin lỗi cha mẹ và quyết định sẽ không bao giờ cãi lời cha mẹ nữa. Đó là cảm xúc hợp lý, là phản ứng thích hợp với hoàn cảnh, là sự đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với những người không có Chúa làm chủ trong đời sống, thì họ thường có những cảm xúc không hợp lý, những phản ứng không thích hợp, dẫn đến sự phạm tội, gây thiệt hại cho chính mình và người khác. Vì họ kiêu ngạo, luôn xem mình là tôn trọng hơn những người khác, nên họ dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm; họ không chấp nhận những ý kiến, luật lệ, và thẩm quyền nào nghịch lại sở thích của họ.

Trong thí dụ trên, cảm xúc đau buồn, hối tiếc vì đã cãi lời cha mẹ, gây ra lỗi lầm là cảm xúc chính đáng. Nhưng lại có những người cảm thấy tức giận khi cha mẹ đau buồn vì mình; bởi vì, họ cho rằng, họ có quyền tự do làm theo ý mình mà cha mẹ không cần phải quan tâm đến việc làm của họ; hoặc họ cho rằng, việc làm của họ là không sai trái. Ngoài ra, những người không giữ gìn vệ sinh thân thể, hoặc ăn uống, ngủ nghỉ không điều độ, hoặc hút thuốc lá, hoặc dùng các loại ma túy, hoặc ghiền rượu… cũng thường xuyên có tâm trạng buồn chán, cáu giận, bất an. Về phương diện thuộc linh, ma quỷ cũng có thể tác động vào tâm trí của những người không có Chúa, khiến cho họ có những cảm xúc không hợp lý. Tất cả những cảm xúc không hợp lý đều phát sinh từ sự sợ hãi: Sợ người khác chê cười mình; sợ người khác không chấp nhận mình; sợ người khác không tôn trọng mình; sợ người khác không yêu thương mình; sợ người khác áp bức mình; sợ người khác hơn mình…

Tâm trạng của chúng ta thể hiện qua thái độ, cử chỉ, và hành vi. Thái độ là nét mặt; cử chỉ là dáng điệu; hành vi là việc làm. Các cháu từng nghe biết tin tức ở Mỹ hay xảy ra nhiều trường hợp học sinh mang súng vào trường, bắn giết thầy, cô, và bạn học. Đó chính là sự thể hiện tâm trạng qua hành vi của một số thiếu niên có những sự cảm xúc không hợp lý, và các cháu ấy đã không làm chủ được tâm trạng của mình.

Mặc dù chúng ta có đức tin nơi Chúa nhưng khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi lớn trong thân thể xác thịt của chúng ta và sự đối diện với các vấn đề thuộc linh, thì tâm trạng của chúng ta cũng dễ thay đổi thường xuyên. Nhưng sự thay đổi tâm trạng của những người thật sự có Chúa làm chủ trong đời sống sẽ không vô lý như trong những người không có Chúa. Vì như câu gốc của chúng ta trong tuần này đã nói rõ:

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.” (II Ti-mô-thê 1:7).

Thần trí là sự hiểu biết, cảm xúc, và quyết định trong tâm thần. Thần trí của những người không có Chúa bị tác động bởi ma quỷ và bản bản ngã tội lỗi. Đó là thần trí của sự kiêu ngạo, ích kỷ, và sợ hãi. Thần trí của những người thuộc về Chúa đến từ Chúa và là thần trí của sự yêu thương, thánh khiết, công chính, khiến cho họ được bình an, thỏa lòng, biết tôn trọng mọi người, biết vâng phục các quyền Chúa đặt để trên mình, biết vì ích lợi của người khác mà hy sinh ích lợi của bản thân.

Thần trí của năng lực là sức mạnh mà chúng ta có được do sự chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa, về ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta; do sự chúng ta biết ơn Thiên Chúa và kính yêu Thiên Chúa; do sự chúng ta vì kính yêu Thiên Chúa mà quyết tâm sống đẹp lòng Ngài. Sức mạnh ấy giúp chúng ta thắng mọi thử thách và cám dỗ mỗi ngày trong cuộc sống.

Thần trí của tình yêu là sự chúng ta hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và nhận biết tình yêu của Ngài tuôn tràn trong chúng ta, khiến chúng ta yêu Thiên Chúa trên mọi sự và yêu người khác như yêu chính mình, yêu những anh chị em cùng đức tin hơn yêu chính mình.

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).

Khi Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta điều răn mới thì Ngài cũng đã ban cho chúng ta năng lực để vâng giữ điều răn của Ngài. Năng lực ấy chính là thần trí của tình yêu, là sự chúng ta hiểu biết tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa, và dùng tình yêu của Thiên Chúa để yêu mọi người. Chính vì thế mà khi cần, chúng ta có thể hy sinh ngay cả mạng sống của mình, để cứu giúp anh chị em cùng đức tin của chúng ta, như Đấng Christ đã hy sinh mạng sống của Ngài, để cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi và hình phạt của tội lỗi.

Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình.” (Giăng 15:13).

Chữ “bạn hữu” trong Giăng 15:13 là chỉ về những ai làm theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ, như đã chép trong Giăng 15:14. “Phó sự sống mình” có nghĩa là chịu chết thay cho. Chúng ta không có bổn phận phải chết thay cho những người không tin Chúa. Nhưng đối với anh chị em trong Chúa thì vì chúng ta yêu họ hơn chính mình, nên chúng ta sẵn sàng phó sự sống của mình cho họ.

Kỷ luật là những quy định, phép tắc cần phải vâng theo để đời sống được tốt đẹp. Kỷ luật trong Chúa là những quy định, phép tắc trong Thánh Kinh mà con dân Chúa phải vâng theo. Đối với con dân Chúa, sự tự kỷ luật là sự tự mình vui lòng vâng theo những quy định, phép tắc trong Thánh Kinh và những quy định, phép tắc trong gia đình, trong xã hội, nếu chúng không nghịch lại Thánh Kinh. Thần trí của sự tự kỷ luật là sự hiểu biết rằng, những quy định, phép tắc không nghịch Thánh Kinh là những điều giúp ích cho chúng ta; vì thế, chúng ta yêu mến những sự ấy, và quyết tâm vâng theo những sự ấy. Những quy định và phép tắc trong Thánh Kinh là gì? Chính là những gì mà Lời Chúa bảo chúng ta hãy làm hay đừng làm. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17), điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 13:34), và điều răn giữ mình thánh sạch của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29), chính là những quy định và phép tắc căn bản trong Thánh Kinh. Tất cả mọi quy định và phép tắc khác đều ra từ đó, kể cả mọi quy định và phép tắc trong gia đình, trong xã hội nếu chúng không nghịch lại Thánh Kinh.

Vì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thần trí của sự bình an, không sợ hãi, thần trí của năng lực, thần trí của tình yêu, thần trí của sự tự kỷ luật mà chúng ta hoàn toàn làm chủ được tâm trạng của mình. Vì chúng ta có sự hiểu biết và có năng lực, biết mình đang dối diện với sự gì, biết phải ứng phó ra sao, và có sức mạnh để ứng phó.

Làm chủ tâm trạng có nghĩa là không cho phép những sự cảm xúc không hợp lý nổi lên trong chúng ta. Ngay khi sự cảm xúc không hợp lý vừa đến thì chúng ta lập tức nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, truyền cho nó phải lui ra khỏi chúng ta ngay. Thí dụ: Cha mẹ vừa mở lời quở trách chúng ta mà trong lòng chúng ta có cảm xúc bực bội, khó chịu, tức giận; thì lập tức, trong tâm thần, chúng ta nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để truyền cho sự cảm xúc vô lý đó phải lui ra khỏi chúng ta ngay. Rồi, cũng trong tâm thần, chúng ta kêu cầu danh Chúa, xin Chúa giúp chúng ta mềm mại tiếp nhận sự quở trách của cha mẹ và hiểu đúng ý của cha mẹ. Nếu cha mẹ quở trách đúng thì chúng ta xin lỗi cha mẹ, và hứa sẽ cẩn thận giữ mình để không tái phạm. Nếu cha mẹ vì hiểu lầm mà quở trách không đúng, thì chúng ta mềm mại, giải thích cho cha mẹ rõ.

Nhân danh Chúa và kêu cầu danh Chúa là nhân danh Đức Chúa Jesus Christ và kêu cầu danh Đức Chúa Jesus Christ. Thí dụ:

  • Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho những cảm xúc bực bội, khó chịu, tức giận phải lui ra khỏi ta, ngay lập tức. A-men!

  • Lạy Đức Chúa Jesus Christ, xin Chúa giúp con mềm mại tiếp nhận sự quở trách của cha mẹ và hiểu đúng ý của cha mẹ. Con cảm tạ Ngài. A-men!

Tất cả những người không có Chúa đương nhiên không được Đức Chúa Trời ban cho thần trí của sự bình an, của tình yêu, của năng lực, và của sự tự kỷ luật. Họ tìm kiếm các phương pháp để đạt đến sự bình an trong tâm thần, để có thể yêu thương, để có sức mạnh thắng điều ác và làm được điều lành, và tự kỷ luật. Họ tu tập theo các pháp môn của các tôn giáo. Họ đọc các loại sách tâm lý học. Nhưng các tôn giáo và tâm lý học không thể nào ban cho họ thần trí của Thiên Chúa. Họ không thể nào thoát ra khỏi sự kiêu ngạo, ích kỷ, sợ hãi, và họ trở nên độc ác. Chính vì thế mà thế gian này ngày càng lún sâu vào trong tội lỗi.

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Các cháu hãy luôn ghi nhớ rằng, chúng ta không thể dùng những phương cách của thế gian, những phương cách do tâm trí xác thịt của loài người nghĩ ra, để chiến đấu trong cuộc chiến thuộc linh. Chúng ta phải dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã ban cho chúng ta, như đã chép trong Ê-phê-sô 6:11-18 [1]. Lời Chúa cũng khẳng định rõ ràng:

Vì dù chúng ta bước đi trong xác thịt, chúng ta chẳng chinh chiến theo xác thịt. Những khí giới {dùng trong} cuộc chiến tranh của chúng ta không {thuộc về} xác thịt, nhưng đối với Đức Chúa Trời là sức mạnh cho sự triệt hạ các đồn lũy, cho sự triệt hạ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt giữ mọi ý tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ; có sự sẵn sàng để báo trả mọi sự không vâng phục, khi sự vâng phục của các anh chị em đã được trọn.” (II Cô-rinh-tô 10:3-6).

Đối với những người không thuộc về Chúa thì họ không có cuộc chiến thuộc linh. Vì họ đã hoàn toàn bị ma quỷ bắt làm tù binh, khiến cho họ phải nô lệ cho tội lỗi. Suốt cuộc đời của họ phải làm ra những việc tội lỗi, trừ khi họ tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Trời để được cứu ra khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.

Đối với những người không thuộc về Chúa, khi họ bước vào tuổi dậy thì ma quỷ liền đem sự kiêu ngạo và những thú vui tội lỗi ra quyến rũ họ, cám dỗ họ phạm tội. Ma quỷ xúi giục họ làm ra những việc phạm pháp để chứng tỏ họ có bản lĩnh, gan dạ. Ma quỷ xúi giục họ làm đẹp cách không thích hợp với lứa tuổi của họ. Ma quỷ xúi giục họ quay cuồng theo các điệu nhạc đời và thần tượng các ca sĩ. Ma quỷ xúi giục họ hủy hoại thân thể của họ bằng cách nhuộm tóc với những màu sắc không tự nhiên, để những kiểu tóc theo các phong trào của thế gian, xăm mình, soi lỗ khắp nơi trên da thịt để đeo các loại trang sức, theo các thần tượng âm nhạc. Ma quỷ xúi giục họ dùng ma túy, phạm tà dâm… để giải tỏa những áp lực tâm lý. Ma quỷ khiến họ ghiền, nghiện các trò chơi điện tử, chat hoặc nhắn tin, để suốt ngày họ tiêu phí thời gian cách vô ích…

Còn chúng ta là những người thuộc về Chúa thì khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì cũng chính là lúc mà chúng ta bắt đầu bước vào cuộc chiến thuộc linh. Vì thế, chúng ta phải hết lòng đến với Chúa, hoàn toàn tránh xa những điều kể trên, vì những điều ấy là mưu kế và sự tấn công của ma quỷ.

Các cháu nào suốt ngày bấm điện thoại để chơi game hoặc chat và nhắn tin là các cháu đang ở trong sự nô lệ của ma quỷ. Sự các cháu tin Chúa chỉ là trên môi miệng, vì các cháu đang sống không khác gì những người không tin Chúa. Các cháu đã không làm chủ tâm trạng của mình, không kỷ luật được thân thể của mình..

Khi các cháu bước vào tuổi dậy thì là các cháu cũng đối diện với sự tự mình trả lời trước Chúa về đức tin của các cháu. Các cháu sẽ chọn tin cậy Ngài để bước vào cuộc đời đang mở ra trước mặt các cháu; hay là các cháu sống theo ý riêng của mình, xem mình là Đức Chúa Trời của chính mình, phục vụ cho những ham muốn bất chính của xác thịt? Bác Tim mong rằng các cháu sẽ tự trang bị mình bằng Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh, với mọi vũ khí Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta, mà trở thành muối của đất, ánh sáng của thế gian; thay vì chọn bắt chước theo thế gian, vui thú những điều thuộc về thế gian, mà sập bẫy của ma quỷ, để rồi đắm mình trong tội lỗi và bị hư mất đời đời.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
22/09/2018

Ghi Chú

[1] Các cháu hãy đọc và nghe bài giảng này: “Chú Giải Ê-phê-sô 6:10-24”
http://timhieuthanhkinh.net/chu-giai-e-phe-so-6_10-24/

Câu Hỏi

Các cháu hãy làm bài giải đáp các câu hỏi dưới đây, rồi email cho bác Tim trước 9 giờ tối Thứ Hai. Các cháu nên đọc lại và nghe lại bài giảng trước khi làm bài. Các cháu cũng nên cầu nguyện, xin Chúa ban cho các cháu sự thông sáng, hiểu rõ câu hỏi và biết câu trả lời trong khi làm bài. Nếu các cháu có thắc mắc gì thì hãy email cho bác Tim:

timhuynh@timhieuthanhkinh.net

Các cháu hãy trả lời một cách ngắn gọn, theo sự hiểu biết của mình, tránh không lập lại nguyên văn lời của bác Tim:

1. Thần trí là gì?

2. Tâm trạng là gì?

3. Tâm trạng được thể hiện như thế nào?

4. Làm thế nào để làm chủ được tâm trạng?

5. Nếu không làm chủ được tâm trạng thì điều gì sẽ xảy ra?

Câu hỏi phụ: Hãy giải thích ý nghĩa của II Cô-rinh-tô 10:3-6. (Điểm thưởng cho câu này là từ 1 đến 3, tùy theo mức độ xuất sắc của lời giải thích.)

Tải xuống bài viết này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzE3NDY3NTJf/TDT-04-LamChuTamTrang.pdf

Tải xuống mp3 bài giảng này tại đây:
https://od.lk/d/MV8xNzE3NDY3NDFf/TDT_04_LamChuTamTrang.mp3

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.