YouTube: https://youtu.be/jy4Nw9R-nh0
Bài Giảng Trong Năm 2025
Trung Tín Trong Việc Rất Nhỏ
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất công trong việc rất nhỏ thì cũng bất công trong việc lớn.” (Lu-ca 16:10).
Từ ngữ “trung tín” (G4103) có nghĩa đen là đáng tin cậy và thường được hiểu là sự trung thành, tận tâm, trong việc hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ, hoặc chức vụ. Tính từ này cũng được dùng để gọi đức tính giữ vững đức tin nơi Chúa và hết lòng vâng phục Chúa của con dân Chúa.
“Việc rất nhỏ” là những trách nhiệm, công việc, hoặc cơ hội nhỏ bé trong cái nhìn của loài người, nhưng là dịp để bày tỏ sự trung tín với Chúa và người khác, dù kết quả của nó có vẻ không đáng kể.
Trong xã hội:
- “Việc rất nhỏ” có thể là việc quản lý những thứ bé nhỏ, ít oi về vật chất, như tiền bạc, tài sản của chủ. Người trung tín sẽ không phí phạm hoặc đánh cắp điều gì thuộc về chủ, dù chỉ là một tờ giấy, một cây bút, hay vài đồng.
- “Việc rất nhỏ” có thể là việc quản lý các tài nguyên khác không đáng kể thuộc về chủ, như một ít thời gian trong khoảng thời gian chủ thuê mình làm việc. Người trung tín sẽ không phí phạm hoặc dùng thời gian chủ thuê mình làm việc để không làm việc cho chủ hoặc để làm việc riêng.
Trong Hội Thánh:
- “Việc rất nhỏ” có thể là việc làm không quan trọng nào đó, dù là tự nguyện hay được giao phó, như việc sắp xếp và dọn dẹp chỗ nhóm hiệp của Hội Thánh. Người trung tín khi đã nhận nhiệm vụ thì sẽ không bỏ qua, cũng không làm với tính cách chiếu lệ, nhưng luôn hoàn thành cách chu đáo và đúng lúc.
- “Việc rất nhỏ” có thể là nói lời khuyên bảo, an ủi, khích lệ đúng lúc với anh chị em trong Hội Thánh. Vì đó là bổn phận của con dân Chúa đối với nhau. Người trung tín luôn sốt sắng trong sự thông công với anh chị em trong Hội Thánh.
Trong đời sống cá nhân:
- “Việc rất nhỏ” có thể là giữ lời hứa nhỏ với người khác, như lời hứa sẽ cầu thay cho họ.
- “Việc rất nhỏ” có thể là thực hiện đúng thời khóa biểu do mình đặt ra hoặc đến gặp ai đó đúng hẹn.
Người “trung tín trong việc rất nhỏ” là người chân thật và tận tâm hoàn thành bất cứ việc gì nhỏ nhất thuộc về bổn phận, nghĩa vụ, hay chức vụ của mình.
-
Bổn phận là điều mà một người cảm thấy hoặc được mong đợi phải làm, thường xuất phát từ vai trò, trách nhiệm tự nhiên, hoặc đạo đức cá nhân. Nó mang tính nội tại, liên quan đến lương tâm hoặc mối quan hệ cá nhân. Thí dụ: Con cái có bổn phận chăm sóc cha mẹ, khi cha mẹ già yếu.
-
Nghĩa vụ là trách nhiệm được quy định rõ ràng, thường mang tính pháp lý, xã hội, hoặc bắt buộc bởi một quy tắc, luật lệ nào đó, hoặc bởi tự nguyện cam kết. Nó mang tính ngoại tại, được áp đặt từ bên ngoài. Thí dụ: Công dân có nghĩa vụ đóng thuế theo luật pháp.
-
Chức vụ là một vị trí, nhiệm vụ, hoặc vai trò cụ thể mà một người đảm nhận, thường đi kèm với quyền hạn và trách nhiệm nhất định trong một tổ chức, cộng đồng, hoặc mối quan hệ. Có các chức vụ trong xã hội như: thư ký, giám đốc, chủ tịch… Có các chức vụ trong Hội Thánh như: người chăn, trưởng lão, chấp sự…
Sự “trung tín trong việc rất nhỏ” của một người thể hiện cá tính cẩn thận, chu đáo, tự trọng của người ấy và chắc chắn là nó trở thành thói quen của người ấy. Vì thế, khi được giao phó cho việc lớn thì người ấy cũng sẽ thực hiện công việc một cách “trung tín”, đem lại sự thành công lớn.
Là con dân Chúa, ngoài bổn phận, nghĩa vụ, và chức vụ trong xã hội, chúng ta còn có bổn phận, nghĩa vụ, và chức vụ trong Hội Thánh. Nhưng có thể nói, đối với con dân Chúa, mọi bổn phận, nghĩa vụ, và chức vụ trong xã hội và trong Hội Thánh của họ cũng đều là bổn phận, nghĩa vụ, và chức vụ đối với Chúa. Vì Lời Chúa dạy rõ:
“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).
“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).
Vì vậy, dù trong xã hội hay trong Hội Thánh, con dân Chúa được kêu gọi sống sao cho mọi bổn phận, nghĩa vụ, và chức vụ đều trở thành sự thờ phượng Chúa.
“Việc lớn” là công việc có tính quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, ảnh hưởng rộng hơn trong xã hội hoặc trong Hội Thánh.
Trong xã hội:
- “Việc lớn” có thể là việc quản lý những tài sản lớn hay quản lý nhiều nhân sự của chủ.
- “Việc lớn” có thể là các chức vụ điều hành hoặc lãnh đạo quan trọng trong các cơ sở tư nhân hoặc trong chính quyền.
Trong Hội Thánh:
- “Việc lớn” có thể là các chức vụ điều hành hoặc lãnh đạo, như sứ đồ, người chăn, trưởng lão, chấp sự…
- “Việc lớn” còn là sự sẽ được đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Đời Đời. Vì thế, “việc lớn” không chỉ là trách nhiệm lớn trong hiện tại, mà còn là sự vinh quang và phần thưởng Chúa dành sẵn cho những ai trung tín trong đời này.
Từ ngữ “bất công” (G94) có nghĩa đen là tính không ngay thẳng, thường được dùng để chỉ những kẻ cư xử gian trá, đối xử không công bằng với người khác. Trong Thánh Kinh, từ ngữ này còn được dùng để gọi những kẻ có nếp sống không đúng theo Lời Chúa, có thể dịch sang tiếng Việt là “kẻ không công chính”. Từ ngữ này được Đức Chúa Jesus dùng trong Lu-ca 16:10 để gọi một người không hoàn thành công việc thuộc bổn phận, nghĩa vụ, hay chức vụ một cách tận tâm và chu đáo, cho dù đó chỉ là “việc rất nhỏ”. Sự “bất công” Chúa nói đến đặc biệt chỉ thái độ thiếu trung tín và gian dối, khi quản lý những gì được Chúa hay người khác giao phó, hoặc do mình tự nguyện đảm nhận.
Sự “bất công trong việc rất nhỏ” của một người thể hiện cá tính cẩu thả, tùy tiện, ích kỷ của người ấy và chắc chắn là nó trở thành thói quen của người ấy. Vì thế, khi được giao phó cho việc lớn thì người ấy cũng sẽ thực hiện công việc một cách “bất công”, đem lại hậu quả tai hại lớn.
Sự “bất công” không thể có trong đời sống của con dân Chúa. Sự “trung tín” luôn là phẩm chất tốt lành của con dân Chúa. Vì thế, con dân chân thật của Chúa luôn thể hiện sự “trung tín”, trong nếp sống của họ.
Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh là một tiên tri rao truyền danh Chúa nên họ sẽ luôn sốt sắng “giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15); giảng Lời Chúa dù “đúng thời hay không đúng thời” (II Ti-mô-thê 4:2); và “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26).
Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời nên họ sẽ luôn sốt sắng “làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền” (I Ti-mô-thê 2:1-2); mỗi ngày trung tín dâng thân thể mình “làm của lễ sống và thánh” lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1).
Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh là một nhà vua, sẽ được đồng trị Vương Quốc Trời với Đức Chúa Jesus Christ, nên họ sẽ luôn sốt sắng cai trị chính mình.
“Người mà chẳng cai trị tâm thần mình thì giống như một cái thành bị đánh hạ, không có vách.” (Châm Ngôn 25:28).
“Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.” (I Cô-rinh-tô 9:25).
“Nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).
“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.” (II Ti-mô-thê 1:7).
Con dân Chúa trong Hội Thánh cũng sẽ luôn trung tín trong sự thi hành các chức vụ cai trị Chúa ban cho mình trong xã hội và trong Hội Thánh (Rô-ma 12:8).
Mỗi chúng ta là một đồ dùng trong tay Chúa (Ê-sai 64:8) để qua chúng ta, Chúa làm ra những việc lành của Ngài trong thế gian này và trong Vương Quốc Trời sắp đến. Mỗi một việc làm nhỏ nhặt nhất của chúng ta cũng đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy luôn trung tín trong mọi sự. Và mỗi khi chúng ta trung tín làm tròn phận sự của mình thì chúng ta hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa! Cảm tạ Ngài đã ban ơn cho con hoàn thành bổn phận của con.”
Lời Chúa dạy:
“Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô ích mà đã làm xong bổn phận chúng tôi phải làm.”” (Lu-ca 17:10).
Con dân chân thật của Chúa luôn học theo tính nhu mì và khiêm nhường của Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 11:29), nên họ sẽ không có lòng kiêu ngạo. Họ vui mừng khi được Chúa dùng họ làm ra những việc lành nhưng không cho rằng, do mình tài giỏi. Vì họ hiểu rằng, họ làm được mọi sự là bởi năng lực đến từ Đấng Christ (Phi-líp 4:13).
Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/03/2025
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con Đó Luôn Yêu Ngài”
https://karaokethanhca.net/long-con-do-luon-yeu-ngai/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.