Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/10321-hieukinhchame
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết
https://od.lk/s/MV8xMTQ5MTIwODZf/DR05_TonKinhChaMe.pdf
Ý nghĩa của sự tôn kính
“Hãy tôn kính cha mẹ ngươi” là một mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là hoặc chúng ta tuân theo, hoặc chúng ta chống nghịch. Chúng ta không có sự chọn lựa nào khác và cũng không được phép lý luận. Chúa không phán bảo: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi nếu cha mẹ ngươi làm tròn bổn phận của họ, nếu cha mẹ ngươi yêu thương ngươi, nếu cha mẹ ngươi cư xử công bình với ngươi, nếu cha mẹ ngươi là những người đạo đức, gương mẫu…” Điều kiện duy nhất để chúng ta tôn kính cha mẹ là vì họ là cha mẹ của chúng ta, và lý do duy nhất để chúng ta tôn kính cha mẹ là vì đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Tôn kính là thái độ phải có của loài người đối với Đức Chúa Trời, của con cái đối với cha mẹ, và của mỗi người đối với thẩm quyền Đức Chúa Trời đặt để trên mình. Chữ “tôn kính” trong nguyên tác của Thánh Kinh có nghĩa là tôn trọng và vâng phục. Sự tôn kính không phải chỉ được bày tỏ bằng lời nói mà còn phải thể hiện bằng việc làm. Đức Chúa Trời đã từng quở trách dân Israel và các thầy tế lễ của họ như sau:
“Con trai tôn kính cha mình, đầy tớ tôn kính chủ mình. Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn kính thuộc về ta ở đâu? và nếu ta là chủ, nào sự kính sợ ta ở đâu? Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy cùng các ngươi, hỡi các thầy tế lễ khinh dể danh ta! Các ngươi lại nói rằng: Chúng tôi có khinh dể danh Ngài ở đâu?” (Ma-la-chi 1:6)
1. Tôn kính cha mẹ là tôn trọng và cung kính cha mẹ:
Sự tôn kính cha mẹ được thể hiện trước hết là qua thái độ của chúng ta đối với cha mẹ. Đối với những bậc trưởng thượng, Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta tôn trọng và cung kính họ:
“Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già cả, và kính sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va.” (Lê-vi Ký 19:32)
Thái độ tôn trọng và cung kính đó cũng là điều chúng ta phải có đối với cha mẹ. Vì thế, chúng ta không thể cư xử với cha mẹ như ngang hàng với mình chứ đừng nói là thiếu tôn kính, thiếu lễ độ. Chúng ta tôn trọng và cung kính cha mẹ vì họ là cha mẹ của chúng ta chứ không phải vì họ có phẩm chất đạo đức xứng đáng để chúng ta tôn trọng và cung kính. Nhiều người biện minh cho sự thiếu lễ độ của họ đối với cha mẹ bằng cách nêu ra những khuyết điểm hay những lỗi lầm của cha mẹ. Dù cha mẹ chúng ta có bao nhiêu khuyết điểm hay lỗi lầm thì cũng không làm thay đổi sự kiện họ là cha mẹ của chúng ta. Và nếu họ là cha mẹ của chúng ta thì mệnh lệnh của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là chúng ta phải tôn kính họ.
Hình phạt dành cho những đứa con không tôn trọng và cung kính cha mẹ là sự chết:
“Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:15)
“Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:17)
“Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” (Lê-vi Ký 20:9)
“Đáng rủa sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình! Cả dân sự phải đáp: A-men!” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:16)
“Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt.” (Châm Ngôn 20:20)
2. Tôn kính cha mẹ là vâng phục cha mẹ trong Chúa:
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm.” (Ê-phê-sô 6:1)
“Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Cô-lô-se 3:20)
Vâng phục cha mẹ cũng như vâng phục bất kỳ một thẩm quyền nào Chúa đặt để trên mình không phải là một sự vâng phục mù quáng. Sự vâng phục đó phải được đặt trên nền tảng của lời Chúa, vì vậy, Phao-lô mới viết rằng: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa.” Những câu Thánh Kinh sau đây giới hạn sự vâng phục của chúng ta đối với loài người:
“Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29)
“Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng loài người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 1:10)
Vâng phục cha mẹ trong Chúa là vâng lời cha mẹ trong mọi sự miễn là sự vâng lời đó không chống nghịch lại lời Chúa. Sự vâng phục đòi hỏi một sự trả giá và nhiều khi cái giá để trả vô cùng to lớn. Thánh Kinh khuyên chúng ta học lấy gương vâng phục của Đấng Christ:
“5 Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, 6 Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7 chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8 Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:5-8)
“Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ.” (Lu-ca 2:51)
Khi cha mẹ có những ý muốn hoàn toàn trái nghịch lại lời Chúa, chúng ta được phép không vâng theo những ý muốn sai trái, tội lỗi đó nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể bất kính với họ. Thái độ và lời nói của chúng ta đối với cha mẹ và những bậc có thẩm quyền Chúa đặt để trên mình phải luôn luôn mềm mại, hòa nhã. Bất kỳ một lời nói, một thái độ hỗn hào, vô lễ nào của chúng ta đối với cha mẹ đều là tội chết trước mặt Đức Chúa Trời mà Ngài đã nhều lần cảnh cáo trong Thánh Kinh.
Hình phạt dành cho những đứa con không vâng lời cha mẹ là sự chết:
“18 Khi ai có một đứa con khó dạy và bội nghịch, không nghe theo lời cha mẹ, và mặc dầu bị trừng trị, nó vẫn không khứng vâng lời, 19 thì cha mẹ phải bắt nó dẫn đến trước mặt các trưởng lão của thành mình, tại nơi cửa thành. 20 Đoạn, cha mẹ sẽ nói cùng các trưởng lão của thành mình rằng: Nầy con chúng tôi khó dạy và bội nghịch, không vâng lời chúng tôi, làm kẻ hoang đàng say sưa. 21 Bấy giờ, chúng dân thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả Y-sơ-ra-ên sẽ hay điều đó mà bắt sợ.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:18-21)
3. Tôn kính cha mẹ là phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già của họ:
“Con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (1 Ti-mô-thê 5:4)
Chữ “báo đáp” trong nguyên tác có nghĩa là “trả món nợ mà mình thiếu”. Nhiều người bỏ mặc cha mẹ không chăm sóc, không báo đáp và viện cớ rằng họ đã dâng hiến cho Đức Chúa Trời nên không còn tài vật để nuôi cha mẹ. Đức Chúa Jesus đã lên án thái độ giả hình này:
“4 Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết. 5 Nhưng các ngươi lại nói rằng: Ai nói cùng cha mẹ rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ. 6 Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời. 7 Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: 8 Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. 9 Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (Ma-thi-ơ 15:4-9)
Ngày nay, vẫn có nhiều con dân Chúa tự hào dâng hiến rời rộng cho Đức Chúa Trời nhưng họ thật sự không màng đến những thiếu thốn vật chất của cha mẹ. Nhiều người thậm chí bắt cha mẹ phải làm việc trong nhà như đày tớ để đổi lại miếng cơm manh áo mà họ ban bố cho cha mẹ.
4. Tôn kính cha mẹ không phải là biến cha mẹ thành thần linh
Thực tế, có những người không hề vâng lời hoặc tôn kính cha mẹ khi cha mẹ còn sống, nhưng khi cha mẹ qua đời thì lại làm giỗ cúng trọng thể, xây mồ mã đồ sộ, tốn kém, để được người đời khen là “có hiếu.” Có những người, khi cha mẹ còn sống phải nhờ đến sự chăm sóc, phụng dưỡng của họ, nhưng khi cha mẹ qua đời, họ lại tin rằng cha mẹ có thể “phù hộ” cho họ nên họ lập bàn thờ để thờ lạy cha mẹ như những phúc thần.
Văn hóa Việt Nam đề cao và phát huy lễ nghĩa là một điểm tốt nhưng khi lễ nghĩa biến thành sùng bái, thần thánh hóa các bậc trưởng thượng thì trở thành phạm thượng, nghịch lại Đức Chúa Trời. Thánh Kinh bày tỏ rất rõ ràng thánh ý của Đức Chúa Trời là Ngài không nhường sự vinh hiển cho bất kỳ một ai. Mọi sự thờ phượng chỉ dành riêng cho Ngài:
“Ta là Đức Giê-hô-va; ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng ta cho những tượng chạm!” (Ê-sai 42:8)
Khi chúng ta tôn thờ cha mẹ, tổ tiên như thần linh, xem họ như là những vị thần có thể bảo hộ, có thể ban phúc hoặc giáng họa cho chúng ta, thì chúng ta đã thần tượng hóa họ và đã đặt họ vào vị trí vinh hiển của Đức Chúa Trời. Cha mẹ, tổ tiên của chúng ta dầu tốt lành, nhân đức đến mức nào đi chăng nữa thì cũng vẫn là những tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Thánh Kinh khẳng định rõ điều này:
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23)
Lương tâm và trí khôn của chúng ta dạy cho chúng ta biết rõ trong thế gian không hề có một người nào là toàn vẹn, vì thế mới có câu: “Nhân vô thập toàn!” Xét về mặt đạo đức thì không một người nào đáng để chúng ta thờ lạy vì ai cũng có khuyết điểm. Xét về mặt quyền năng thì chỉ có Đức Chúa Trời Toàn Năng là Đấng tạo dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người, mới xứng đáng để chúng ta thờ lạy. Thờ lạy là hình thức tôn kính cao nhất, và vì thế chỉ có thể dành riêng cho Đức Chúa Trời mà thôi.
Kết luận
“Hãy tôn kính cha mẹ” là một mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Và, cũng như bao nhiêu mệnh lệnh khác của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể nào làm tròn mệnh lệnh này nếu chúng ta không thật sự ở trong Chúa, nếu chúng ta chưa thật sự được Chúa biến đổi thành một con người mới (tái sinh). Nếu chúng ta không thể tôn kính cha mẹ mình thì chắc chắn chúng ta không thể có mối tương quan tốt với những người khác trong xã hội. Một trong những phương cách vô cùng hữu hiệu để nhìn biết một người có thật sự là môn đồ của Chúa hay không, đó là quan sát cách thức họ cư xử với cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Nếu những người chưa tin Chúa mà có thể tôn kính cha mẹ và để lại gương sáng cho xã hội như 24 người con hiếu thảo của Trung Quốc thì người Tin Lành càng phải sáng chói trong sự tôn kính cha mẹ biết là dường nào!
Trên một phương diện khác, cha mẹ, tổ tiên chúng ta đều là vật thọ tạo bởi Đức Chúa Trời cho nên chúng ta không thể tôn kính họ ngang bằng với Đức Chúa Trời, nghĩa là không thờ lạy họ. Sự thờ phượng chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời là Cha chung của muôn loài vạn vật. Lòng tôn kính cha mẹ chân thật sẽ thể hiện trong cách cư xử của chúng ta đối với cha mẹ. Chúng ta tôn kính, vâng phục, và phụng dưỡng cha mẹ khi họ còn sống, theo như mệnh lệnh của Chúa. Khi cha mẹ qua đời, chúng ta chôn cất tử tế và chăm sóc mộ phần của họ chu đáo nhưng không phung phí tiền bạc, của cải, công sức vào việc xây mồ, đắp mã, cốt lấy tiếng khen của thế gian; cũng không lập bàn thờ để thờ lạy như thần linh; và cũng không giỗ cúng, vì người chết không thể hưởng dụng những lễ vật được cúng tế.
Huỳnh Christian Timothy
13/05/2007