Bấm vào đây để download bài này
Hỏi:
Con mới biết và theo Chúa trong năm nay. Con có một thắc mắc về đạo Tin Lành mà con không biết hỏi ai. Lúc tiếp nhận và tin Chúa con cứ tưởng đạo Tin Lành chỉ có một hệ phái. Sau một thời gian con mới biết Tin Lành gồm nhiều hệ phái. Thưa có thể cho con biết là Tin Lành gồm bao nhiêu hệ phái không ạ? Và cách phân biệt giữa các hệ phái này với hệ phái khác? Và tại sao Tin Lành lại phân ra các hệ phái? Con mong câu trả lời.
Đáp:
Trước hết, chú chúc mừng con đã biết Chúa và theo Chúa. Cho dù con có nghe bất kỳ ai giảng Tin Lành cho con, miễn là người đó giảng đúng những điều sau đây và con tin đúng những điều sau đây thì con có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời:
1. Mọi người đều đã phạm tội.
2. Tội là bất kỳ một điều gì nghịch lại những Lời Chúa dạy, là những lời đã được ghi chép trong Thánh Kinh.
3. Hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết. Sự chết bao gồm sự chết thứ nhất của thể xác khi hồn lìa khỏi xác và sự chết thứ hai, khi Chúa gọi tội nhân sống lại, phán xét tội lỗi của người đó và nhốt người đó đời đời trong hỏa ngục.
4. Đức Chúa Trời là thánh khiết cho nên Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Đức Chúa Trời là công chính cho nên Ngài phải trừng phạt người có tội. Đức Chúa Trời là yêu thương cho nên Ngài trừng phạt tội lỗi trên Đức Chúa Jesus Christ là Con Một của Ngài để có thể tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn, chịu từ bỏ tội lỗi.
5. Chỉ những ai thật lòng ăn năn, muốn từ bỏ tội lỗi và tin nhận sự chết đền tội của Đức Chúa Jesus Christ thay cho mình thì mới thoát khỏi sự hình phạt của Đức Chúa Trời.
6. Những người thật lòng ăn năn, chịu từ bỏ tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức nhận được sự tha tội, sự làm cho sạch tội, sự tái sinh thành một người mới và được thánh hóa để nhận quyền làm con của Đức Chúa Trời.
7. Tất cả những người đó được gọi là thánh đồ của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Họ được gọi là Hội Thánh, là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ.
Tin Lành của Đức Chúa Trời có quyền phép để cứu mọi kẻ tin, cho nên, hễ Tin Lành được rao giảng thì sẽ có người nghe và tin nhận. Hễ ai nghe và tin nhận thì được cứu rỗi và được Đức Chúa Trời ban cho quyền làm con Đức Chúa Trời, được sống lại và được sống đời đời trong ân điển của Đức Chúa Trời. Cho dù Tin Lành đó được rao giảng bởi bất kỳ ai thì quyền năng cứu rỗi của Tin Lành không hề thay đổi. Tin Lành của Đức Chúa Trời tương tự như viên thuốc cứu tử. Người rao giảng Tin Lành giống như người trao viên thuốc cho bệnh nhân sắp chết. Chỉ cần bệnh nhân được trao đúng thuốc, tin và chịu uống thuốc thì liền được cứu. Còn người trao thuốc có thể là một bác sĩ thật hoặc một bác sĩ giả.
Tin Lành không phải là một tôn giáo. Các tôn giáo là những nỗ lực của loài người tự mình đi tìm kiếm sự cứu rỗi. Tin Lành là ân điển (ân điển là ơn thương xót của Đức Chúa Trời dành cho người có tội) của Đức Chúa Trời ban cho loài người. Tin Lành là “Tin Tức Tốt Lành” về việc Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho nhân loại qua sự Con Một của Ngài là Đức Chúa Jesus Christ hy sinh gánh chịu hình phạt của tội lỗi. Tôn giáo là loài người đi tìm sự cứu rỗi, Tin Lành là Đức Chúa Trời đi tìm loài người để cứu loài người. Vì thế, Tin Lành không phải là một tôn giáo. Chữ Đạo được dùng khi gọi “Đạo Tin Lành” không có nghĩa là một tôn giáo. Chữ Đạo trong Thánh Kinh có nghĩa là “Lời của Đức Chúa Trời.” Như vậy, “Đạo Tin Lành” tức là “Lời của Đức Chúa Trời về tin tức tốt lành liên quan đến sự cứu rỗi nhân loại qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ.”
Đức Chúa Jesus Christ chỉ thành lập Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18). Ngài không lập nên một giáo hội hay giáo phái, hệ phái nào. Giáo hội, giáo phái, hệ phái là do loài người lập ra. Không có một tổ chức giáo hội, giáo phái, hệ phái nào là theo đúng Thánh Kinh, bởi vì, sự thành lập giáo hội, giáo phái, hệ phái tự nó đã nghịch lại Thánh Kinh. Lời Chúa ghi rõ trong Giăng 17:20-21 và I Cô-rinh-tô 3:4-15:
“Ấy chẳng những vì họ mà con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì những ai sẽ nghe lời họ mà tin đến con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong con, và con ở trong Ngài; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng chính Ngài đã sai con đến.” (Giăng 17:20-21).
I Cô-rinh-tô 3:4-15
4 Có người nói: Ta thật là môn đồ của Phao-lô. Người khác nói: Ta thuộc về A-bô-lô. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt sao?
5 Thế thì Phao-lô là ai? A-bô-lô là ai? Họ chỉ là những người phục vụ theo như Chúa đã ban cho mỗi người; bởi họ các anh chị em đã tin.
6 Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.
7 Vậy, người trồng không là gì, người tưới cũng vậy. Nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên.
8 Người trồng và người tưới là một. Mỗi người sẽ nhận phần thưởng của mình tùy theo sự lao động của mình.
9 Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa. Các anh chị em là ruộng của Thiên Chúa, là nhà của Thiên Chúa.
10 Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng mà người khác xây cất trên đó. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất trên đó như thế nào.
11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.
12 Nhưng ai xây trên nền ấy với vàng, bạc, những đá quý, những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ
13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Vì ngày đến sẽ công bố nó; vì nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm phẩm chất công việc của mỗi người sẽ là.
14 Nếu công việc của ai cứ còn lại, là việc mà người ấy đã xây cất trên nền ấy, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.
15 Nếu công việc của ai sẽ bị thiêu hủy, người ấy sẽ bị tổn thất nhưng người ấy vẫn sẽ được cứu, nhưng dường như qua lửa vậy.
Như vậy, bất kỳ một sự thành lập giáo hội, giáo phái, hệ phái nào cũng là tội lỗi. Con dân chân thật của Chúa, có sự hiểu biết Lời Chúa sẽ không đi theo một giáo hội, giáo phái, hệ phái nào hết. Câu hỏi được đặt ra là: Nếu giáo hội, giáo phái, hệ phái là sai thì không lẽ Chúa không ở cùng việc làm của họ? Không lẽ hàng ngàn năm nay, từ khi có các giáo hội, giáo phái, hệ phái thì Chúa không làm việc trong các tổ chức này? Câu trả lời là: Đức Chúa Trời vẫn làm việc trong các tổ chức này như Đức Chúa Trời vẫn làm việc trong sự cứng lòng của dân sự Ngài thời xưa. Khi dân I-sơ-ra-ên đòi có vua, điều đó không đẹp lòng Chúa nhưng Ngài vẫn ban vua cho họ. Vấn đề là: tại sao chúng ta lại bắt chước những sự cứng lòng, làm buồn lòng Chúa? Ngài vẫn làm việc trong các giáo hội, giáo phái, hệ phái nhưng Hội Thánh thì bị mất đi nhiều ơn phước vì những sự chia rẽ đó.
Ngày nay, có hơn 2.000 giáo hội, giáo phái, hệ phái mang danh Đạo Chúa. Giáo hội là những tổ chức ra từ Hội Thánh của Chúa. Khi con dân Chúa pha trộn ý tưởng của loài người, phong tục tập quán của thế gian, các nghi thức thờ lạy tà thần của ngoại giáo và cách thức quản trị, điều hành các tổ chức thế gian vào trong sinh hoạt của Hội Thánh, thì giáo hội được thành hình.
Ban đầu chỉ có Hội Thánh của Chúa, vào thế kỷ thứ tư (năm 380) khi hoàng đế La-mã quốc giáo hóa Đạo Chúa thì sinh ra Giáo Hội Công Giáo (Catholic Church). Đến thế kỷ thứ 11 (năm 1054) thì có sự phân rẽ từ Công Giáo sinh ra Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Church), khối còn lại mang danh là Giáo Hội Công Giáo La-mã (Roman Catholic Church) cho đến ngày nay.
Đến thế kỷ 16 (năm 1517) thì Martin Luther khởi xướng Phong Trào Đối Kháng (Protestant) phân rẽ với Công Giáo La-mã thì sinh ra Giáo Hội Đối Kháng (Protestant Church) ngày nay được gọi là Giáo Hội Lutheran (Lutheran Church).
Từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 18 lại có những Phong Trào Cải Chánh, Phục Hưng, sinh ra các Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian Church – 1536), Giáo Hội Báp-tít (Baptist Church – 1609), Giáo Hội Giám Lý (Methodist Church – 1729).
Đầu thế kỷ 20 (1900) lại có Phong Trào Nói Tiếng Lạ, Đặt Tay Té Ngã thì sinh ra Giáo Hội Ngũ Tuần (Pentecostal Church – 1914) và các nhóm Ân Tứ. Đến thập niên 1960 thì xuất hiện các Giáo Hội Ân Tứ (Charismatic Church) như: Vườn Nho (Vineyard Church), Lời Đức Tin (Word of Faith Church) và Giáo Hội Calvary Chapel.
Từ các giáo hội sinh ra các giáo phái hoặc hệ phái. Thí dụ: Trong Giáo Hội Ngũ Tuần có các giáo phái như Assembly of God, Oneness, Wesleyan-holiness, Reformed-Higher Life, International Pentecostal Holiness Church…
Theo định nghĩa cơ bản thì: Giáo hội (church) bao gồm nhiều giáo phái (denomination) hoặc hệ phái (sect) có cùng tín lý căn bản. Giáo phái có tổ chức theo hệ thống hàng dọc với một cơ quan cầm quyền trung ương, như: Tổng Liên Hội, Tổng Hội. Hệ phái là những tổ chức độc lập, chỉ liên kết với nhau trong cùng một giáo hội trong sinh hoạt nhưng không có cơ quan cầm quyền trung ương. Khi một tổ chức thuộc một giáo phái tách ra khỏi giáo phái đó để sinh hoạt độc lập thì tổ chức đó biến thành hệ phái. Nhiều người cho rằng hệ phái (sect) là dùng để chỉ các nhóm tà giáo nhưng mà không phải vậy. Các nhóm tà giáo (có niềm tin không đúng với Thánh Kinh) vẫn được gọi là các giáo hội, như Giáo Hội Công Giáo La-mã, Giáo Hội Giê-hô-va Chứng Nhân, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm, Giáo Hội Mormon…
Đức Chúa Trời muốn con dân của Ngài thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Thờ phượng Chúa bằng tâm thần là hết lòng, hết sức yêu kính Chúa, vâng phục Chúa. Thờ phượng Chúa bằng lẽ thật là sống và hầu việc Chúa theo những điều Chúa đã dạy trong Thánh Kinh, không thêm điều gì, không bớt điều gì. Nguồn gốc chính của những sự thêm bớt Lời Chúa là các giáo hội, giáo phái, hệ phái.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn con vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa và thánh hóa con bằng chính lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 17:17).
Huỳnh Christian Timothy
22/10/2010