Hỏi & Đáp: Hôn Nhân Giữa Người Công Giáo và Người Tin Lành

14,795 views

Bấm vào đây để download bài này

Hỏi:

Xin có một câu hỏi về hôn nhân. Có một người nam thuộc về Đạo Công Giáo và một người nữ thuộc về Đạo Tin Lành và đã có con trước hôn nhân. Câu hỏi như sau: Họ có thể kết hôn và giữ đạo của người nào theo người đó, được không? Đạo Công Giáo thì buộc người kia phải theo, có đúng không? Đạo Tin Lành cũng vậy hay sao? Nếu vậy thì phải làm sao để hai người có thể sống chung với nhau? Còn đứa con thì đã được chịu phép rửa tội theo luật Đạo Công Giáo rồi, thì có nên rửa tội theo Đạo Tin Lành nữa không? Xin trả lời đúng theo thực tế, không thiên vị về Đạo nào cả.

Đáp:

Thưa bạn, thực tế thì chỉ có một nhưng câu trả lời cho một vấn nạn trong thực tế thì có nhiều. Đó là vì, tùy theo quan điểm của người trả lời. Tục ngữ đã có câu “Chín người mười ý” là bởi vì mỗi người nhận xét và quyết định khác nhau. Thậm chí, một người có thể có nhiều câu trả lời khác nhau cho một nan đề trong thực tế. Tôi xin miễn nói đến quan điểm của Giáo Hội Công Giáo hay Giáo Hội Tin Lành. Mỗi tổ chức mang tên Giáo Hội Công Giáo hay Giáo Hội Tin Lành đều có những quan điểm riêng của họ mà nhiều khi cùng một giáo hội vẫn không có sự thống nhất. Ở đây, tôi xin trả lời theo quan điểm của Thánh Kinh. Thánh Kinh mà người Công Giáo hay Tin Lành cũng đều xưng nhận rằng đó là nền tảng đức tin của họ.

Theo Thánh Kinh, một con dân chân thật của Chúa sẽ không “mang ách chung” với kẻ chẳng tin. Thánh Kinh, sách II Cô-rinh-tô, đoạn  6 câu 14 chép như thế này:

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?”

Mang ách có nghĩa là cùng với nhau làm việc để đạt đến một mục đích chung dưới sự hướng dẫn của một người chủ. Hình ảnh hai con trâu cùng kéo cày hay hai con bò cùng kéo một cỗ xe rất là rõ ràng để minh họa cho ý nghĩa nêu trên. Người thật lòng tin nhận Chúa là người hoàn toàn dâng trọn đời sống của mình cho Chúa. Mọi việc làm của người đó hoàn toàn nằm trong thánh ý của Chúa:

“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”(Thánh Kinh, sách Ê-phê-sô đoạn 1 câu 10)

Chính vì thế mà một người đã thật lòng tin nhận Chúa không thể hùn hạp làm ăn với người không tin Chúa, không thể kết hôn với người không tin Chúa. Người không tin Chúa có khuynh hướng làm bất kỳ điều gì có lợi cho mình bất kể đúng hay sai trong khi người tin Chúa thì chỉ làm những gì Chúa cho phép mình làm (Chúa đã sắm sẵn trước).

Trường hợp bạn nêu trên đây có thể là:

1. Người nữ đó khi ăn ở với người yêu của mình thì chưa tin nhận Chúa. Hiện nay thì đã thật lòng tin nhận Chúa. Nếu đúng vậy, thì Thánh Kinh dạy như sau:

“12 Đến như những kẻ khác, chẳng phải Chúa, song là chính tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em nào có vợ ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để bỏ. 13 Lại nếu một người đờn bà có chồng ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng. 14 Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên thánh; bằng chẳng vậy, con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh. 15 Nếu kẻ không tin Chúa muốn phân rẽ, thì cho phân rẽ: trong cơn đó, người anh em hay là người chị em chẳng phải cầm buộc gì. Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn ở trong sự bình an. 16 Hỡi kẻ làm vợ kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng mình? Hỡi kẻ làm chồng kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ mình?”(Thánh Kinh, sách I Cô-rinh-tô 7:12-16)

Nếu người chồng làm khó dễ đức tin của người vợ thì người vợ vẫn có thể rời khỏi người chồng, vì Chúa cho phép con dân Chúa tránh sự bắt bớ đức tin. Trong hoàn cảnh hai người khác đức tin với nhau như vậy thì không thể nhân danh Chúa để làm lễ kết hôn. Nói là khác đức tin vì đức tin của người Công Giáo không đúng với Thánh Kinh.

2. Người nữ vốn là tín đồ Tin Lành nhưng chỉ là tín đồ trên danh nghĩa mà thôi, vì vậy mới ăn ở với người khác đức tin ngoài hôn nhân. Nếu cô ta vẫn chưa thật lòng tin nhận Chúa thì không có gì phải bàn thêm, cứ việc theo Đạo Công Giáo, là xong.

3. Người nữ vốn là tín đồ Tin Lành nhưng chỉ là tín đồ trên danh nghĩa mà thôi, nay đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa, muốn sống đúng với lời dạy của Thánh Kinh thì có thể làm theo như trường hợp một trên đây.

Giải pháp tốt đẹp nhất là cả hai người đến với Thánh Kinh, tìm hiểu ý nghĩa đích thật về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa và quyết lòng sống theo lời Chúa dạy, được ghi chép trong Thánh Kinh, thì Đức Chúa Trời sẽ ban ơn cho gia đình của họ. Khi đó, không còn vấn đề ai theo đạo nào mà chỉ là: cả vợ chồng con cái theo Chúa và sống theo Lời Chúa.

Người Tin Lành không làm lễ rửa tội. Người Tin Lành làm lễ báp-tem. Ý nghĩa lễ báp-tem được trình bày trong bài viết sau đây: https://timhieutinlanh.com/taxonomy/term/65

Tim Huỳnh
Ngày 22/10/2010