YouTube: https://youtu.be/cZluRFtDGsY
Tản Mạn về Khái Niệm Thời Gian, Hệ Thống Lịch, Ngày Lễ Vượt Qua Đầu Tiên, và Ngày Lễ Vượt Qua Khi Đức Chúa Jesus Bị Đóng Đinh
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kính thưa Hội Thánh,
Nhân dịp ngày Lễ Vượt Qua năm 2025 sắp đến, chúng tôi xin được có đôi lời tản mạn với quý ông bà, anh chị em về khái niệm thời gian, hệ thống lịch, ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên, và ngày Lễ Vượt Qua khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh. Chúng tôi mong rằng, những lời tản mạn hôm nay sẽ giúp cho quý ông bà, anh chị em nhìn thấy sự sắp xếp màu nghiệm của Đức Chúa Trời, trong dòng lịch sử của muôn loài do Ngài dựng nên.
Sở dĩ chúng tôi gọi những gì được chia sẻ hôm nay là những lời tản mạn mà không gọi là một bài giảng, vì những gì được nói ra không phải là một sự diễn giảng Lời Chúa, cũng không có một chủ đề và cấu trúc nhất định, mà chỉ là những học hỏi, khám phá, và suy ngẫm cá nhân.
“Thời gian” là một khái niệm cơ bản trong cuộc sống, đề cập đến sự tiếp diễn của mọi sự kiện từ quá khứ qua hiện tại và hướng đến tương lai.
Về mặt khoa học, thời gian được coi là một chiều của không-thời gian, là đại lượng vật lý cơ bản không thể tách rời khỏi không gian, trong lý thuyết tương đối của Einstein.
Về mặt triết học, thời gian là một dòng chảy liên tục, là phương tiện để đo lường sự thay đổi và sự phát triển của mọi vật. Thời gian cũng có thể được hiểu là khung tham chiếu mà loài người dùng để sắp xếp các sự kiện theo trình tự và nhận thức về quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai.
Mỗi khi nói đến thời gian, chúng ta thường liên tưởng đến các đơn vị đo lường thời gian, như: giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm. Chúng là bảy đơn vị thường được dùng để đo lường thời gian. Chúng ta cũng nghĩ đến “lịch” là các hệ thống dùng để đo lường và ghi lại thời gian.
Theo các nhà khoa học, thời gian bắt đầu khi thế giới vật chất được hình thành. Lý thuyết về sự hình thành của thế giới vật chất được nhiều người chấp nhận nhất là thuyết “Sự Nổ Lớn” (Big Bang). Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học giả định rằng, thế giới vật chất được bắt đầu cách nay khoảng 13,8 tỉ năm với sự nổ của một “độc điểm vô hạn” (singularity). Độc có nghĩa là duy nhất. Điểm để chỉ sự tập trung. Vô hạn là không có giới hạn. Cho tới nay, “Sự Nổ Lớn” đã trở thành một lý thuyết khoa học, là mô hình vũ trụ học chuẩn được hỗ trợ bởi nhiều bằng chứng quan sát.
Theo các nhà khoa học, “độc điểm vô hạn” là một trạng thái trong đó mật độ vật chất và năng lượng trở nên vô hạn hoặc gần như vô hạn, và các định luật vật lý thông thường, như thuyết tương đối rộng của Einstein, không thể áp dụng được. Tại đây, mọi thứ bao gồm vật chất, năng lượng, không gian, và thời gian được “ép” vào một trạng thái cực kỳ nhỏ bé và nóng bỏng đến mức không thể mô tả bằng toán học hay vật lý hiện tại.
Theo một số lý thuyết hiện đại, trước “Sự Nổ Lớn”, không có “không gian” để chứa vật chất theo nghĩa thông thường. Thay vào đó, toàn bộ vật chất và năng lượng của vũ trụ được cho là tập trung trong một điểm có kích thước nhỏ đến mức gần như không thể đo được. Mật độ tại điểm này là vô hạn, nhiệt độ cũng vô hạn, và không có cấu trúc hay hình dạng cụ thể nào có thể mô tả được.
Khoa học không biết nguồn gốc của “độc điểm vô hạn”, cũng không biết nguyên nhân của “Sự Nổ Lớn”.
Đối với con dân Chúa thì muôn loài do Thiên Chúa dựng nên và sự dựng nên ấy được gọi là sự sáng tạo của Thiên Chúa, được ghi lại trong Thánh Kinh. Thánh Kinh được chính Thánh Kinh xác nhận là Lời của Thiên Chúa, do Thiên Chúa dùng loài người viết ra để giúp loài người biết về Thiên Chúa, ý muốn và việc làm của Thiên Chúa.
Thánh Kinh khẳng định rằng, thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh do Thiên Chúa sáng tạo bởi bảy lời phán của Ngài, như đã được chép trong Sáng Thế Ký đoạn 1. Dựa vào các ghi chép trong Thánh Kinh về dòng dõi của loài người, chúng ta hiểu rằng, sự sáng tạo chỉ xảy ra cách nay khoảng 6.000 năm. Điều đó có nghĩa là tuổi của vũ trụ không thể nào lên đến hàng chục tỉ năm.
Các phương pháp tính toán dựa trên quan sát thực nghiệm của các nhà khoa học để đo tuổi của vũ trụ bằng nhiều cách đã đưa ra con số 13,8 tỉ năm. Tuy nhiên, hành động sáng tạo của Thiên Chúa là một phép lạ, vượt trên mọi định luật vật lý. Các nhà khoa học có thể dùng nhiều phương pháp để tính tuổi của rượu ngon trong tiệc cưới tại Thành Ca-na do Đức Chúa Jesus làm ra và khám phá rằng, rượu ấy đã có từ hàng chục hoặc hàng trăm năm. Nhưng thực tế, Đức Chúa Jesus chỉ mới hóa nước thành rượu trong một khoảnh khắc trước đó. Các nhà khoa học có thể dùng nhiều phương pháp để tính tuổi của A-đam ngay khi ông vừa được dựng nên và khám phá rằng, ông đã có từ khoảng 30 năm trước đó. Nhưng thực tế, Thiên Chúa đã dựng nên ông trong một khoảnh khắc trước đó. Vì thế, mọi phép tính của khoa học dù là chính xác theo các định luật vật lý nhưng hoàn toàn không thể áp dụng đối với sự sáng tạo của Thiên Chúa.
Thần Học gọi số tuổi do khoa học có thể đo được về vũ trụ, về rượu do Đức Chúa Jesus làm ra, và về A-đam khi ông mới được Thiên Chúa dựng nên là “tuổi biểu kiến” (apparent age), để giải thích sự khác biệt giữa tuổi thực tế của một sự vật và tuổi mà nó “trông có vẻ” dựa trên các phương pháp đo lường tự nhiên.
Ngay trong câu đầu tiên của Thánh Kinh: “Vào lúc ban đầu [của sự] Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất” (Sáng Thế Ký 1:1), Thánh Kinh đã xác định thời gian, không gian, và vật chất được Thiên Chúa sáng tạo:
-
“Vào lúc ban đầu” là thời gian.
-
“Các tầng trời” là không gian.
-
“Đất” là vật chất.
Hai chữ [của sự] trong Sáng Thế Ký 1:1 của Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 không có trong nguyên ngữ Thánh Kinh mà được người dịch thêm vào, giúp làm rõ nghĩa câu Thánh Kinh. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, Sáng Thế Ký 1:1 bao gồm bảy từ ngữ (đọc từ phải sang trái), được phiên âm như sau: bereshit bara Elohim et hashamayim ve’et ha’aretz.
בְּרֵאשִׁ֖ית בָּרָ֣א אֱלֹהִ֑ים אֵ֥ת הַשָּׁמַ֖יִם וְאֵ֥ת הָאָֽרֶץ׃
1. Bereshit = vào lúc ban đầu hoặc trong sự ban đầu;
2. bara = đã sáng tạo;
3. Elohim = Thiên Chúa;
4. et = hạt ngữ pháp (particle), là một đơn vị từ nhỏ, không biến đổi, đóng vai trò cú pháp hoặc ngữ nghĩa trong câu, như đánh dấu quan hệ, thời gian, hoặc cách thức. Trong Sáng Thế Ký 1:1, nó được dùng để đánh dấu hai tân ngữ trực tiếp: “các tầng trời” và “đất”. Nó không được dịch sang các ngôn ngữ khác;
5. hashamayim = các tầng trời;
6. ve’et = và + hạt ngữ pháp;
7. ha’aretz = đất.
Số bảy tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thuộc linh. Bảy từ ngữ trong Sáng Thế Ký 1:1 tiêu biểu cho tính trọn vẹn trong sự sáng tạo của Thiên Chúa.
Khi đọc chương đầu tiên của Thánh Kinh là Sáng Thế Ký đoạn 1, chúng ta thấy các từ ngữ và nhóm chữ sau đây chỉ về thời gian:
-
Ban đầu;
-
ban ngày;
-
ban đêm;
-
buổi tối và buổi sáng;
-
ngày Thứ Nhất;
-
ngày Thứ Nhì;
-
ngày Thứ Ba;
-
ngày Thứ Tư;
-
ngày Thứ Năm;
-
ngày Thứ Sáu.
Từ ngữ “ban đầu” trong Sáng Thế Ký 1:1 chính là từ ngữ xác định sự khởi đầu của thời gian và của muôn loài thọ tạo. Chúng ta có thể hiểu rằng, trước khi Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài thì ngoài Thiên Chúa không có bất cứ vật gì khác, cũng không có thời gian. Trước sự sáng tạo, Thiên Chúa tự thực hữu trong quá khứ vô cùng. Chỉ có một sự tự thực hữu duy nhất và còn mãi là sự tự có và có mãi của Thiên Chúa. Vì thế, danh xưng của Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, tức là: Đấng Tự Có và Có Mãi.
Qua Sáng Thế Ký đoạn 1 chúng ta hiểu rằng, một ngày bao gồm “buổi tối và buổi sáng”, còn gọi là “ban đêm” và “ban ngày”. Buổi tối được đặt trước buổi sáng vì bóng tối có trước ánh sáng. Theo Thánh Kinh, một ngày mới bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại.
Khi đọc đến Sáng Thế Ký 2:2-3 thì chúng ta thấy, có thêm từ ngữ “ngày Thứ Bảy” và chúng ta hiểu rằng, chính Thiên Chúa đã định ra mỗi tuần là một chu kỳ gồm bảy ngày.
Mặc dù thời gian bắt đầu từ ngày thứ nhất của sự sáng tạo, khi Thiên Chúa định nghĩa nó bằng “buổi tối và buổi sáng” (Sáng Thế Ký 1:5), nhưng phải đến ngày thứ tư của sự sáng tạo thì Thiên Chúa mới tạo ra mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Các thiên thể này vận hành để “phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm” (Sáng Thế Ký 1:14), tức là để tính toán, sắp xếp “lịch”. “Lịch” là hệ thống đo lường thời gian dựa trên chu kỳ thiên văn. Vì vậy, trong khi thời gian đã được đếm từ ngày thứ nhất của sự sáng tạo thì ngày thứ năm của sự sáng tạo có thể được xem là ngày đầu tiên của lịch dựa trên sự vận hành của các thiên thể, bởi chúng chỉ xuất hiện từ ngày thứ tư.
Chính vì thế, khi Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se, như ghi trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2, ngày đầu tiên của tháng đầu tiên theo lịch ấy có thể được hiểu là ngày Thứ Năm trong tuần lễ, nếu xem tuần lễ sáng tạo là hình mẫu cho các tuần lễ sau này. Vì trong tuần lễ bảy ngày hiện đại, ngày Thứ Năm tương ứng với vị trí của ngày thứ năm trong tuần lễ sáng tạo, được đánh số từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy.
Năm Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên cũng là năm dân I-sơ-ra-ên được Ngài đem ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Dù không có ngày tháng cụ thể trong Thánh Kinh hay trong lịch sử để xác định năm chính xác, nhưng dựa trên các chi tiết trong Thánh Kinh và sử liệu thì chúng ta có thể tính ra, đó là năm 1446 TCN, tương đương với năm 2315, theo Lịch Hê-bơ-rơ [1].
“Vào năm bốn trăm tám mươi, sau khi con dân I-sơ-ra-ên ra khỏi đất Ê-díp-tô, là năm thứ tư của Sa-lô-môn cai trị trên I-sơ-ra-ên, nhằm tháng Xíp, tức là tháng thứ hai, thì ông xây cất Đền Thờ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (I Các Vua 6:1).
Các học giả thường đặt năm thứ tư của Sa-lô-môn vào khoảng năm 966 TCN, dựa trên lịch sử khảo cổ và sự đồng bộ với các vương triều khác [2], [3], [4]. Tính ngược: 966 TCN + 480 năm = 1446 TCN là năm dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vậy, Lễ Vượt Qua đầu tiên nhằm ngày 14 tháng Nisan năm 2315, theo Lịch Hê-bơ-rơ, là một ngày Thứ Tư, tương đương với ngày 12/03/1446 TCN, theo Lịch Gregorian [5] mà chúng ta đang dùng ngày nay, hoặc ngày 25/03/1446 TCN, theo Lịch Julian [6].
Dựa trên các chi tiết trong Thánh Kinh và các sử liệu, chúng ta biết, Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27, nhằm năm 3787, theo Lịch Hê-bơ-rơ. Kính xin quý con dân Chúa đọc hoặc nghe bài giảng “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” đã được chúng tôi đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com/thanhoc [7] để biết thêm chi tiết. Ngày Lễ Vượt Qua ấy nhằm Thứ Tư ngày 14 tháng Nisan năm 3787, theo Lịch Hê-bơ-rơ, tương đương với ngày 07/04/27, theo Lịch Gregorian, hoặc ngày 09/04/27, theo Lịch Julian.
Dựa trên các dữ liệu được trình bày trên đây, chúng ta có thể hiểu rằng:
1. Thời gian bắt đầu ngay từ khi Thiên Chúa tiến hành sự sáng tạo, với ngày thứ nhất được định nghĩa bằng “buổi tối và buổi sáng” (Sáng Thế Ký 1:5). Tuy nhiên, sự tính lịch dựa trên chu kỳ thiên văn chỉ khả thi từ ngày thứ tư, khi Thiên Chúa tạo ra mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao để “phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm” (Sáng Thế Ký 1:14). Loài người, được tạo ra vào ngày thứ sáu của sự sáng tạo, sau đó dùng các chu kỳ vận hành của các thiên thể để tính lịch.
2. Ngày thứ năm của sự sáng tạo có thể được xem là ngày đầu tiên của lịch dựa trên sự vận hành của các thiên thể, bởi chúng được dùng để tính lịch và chúng chỉ xuất hiện từ ngày thứ tư của sự sáng tạo. Ngày đầu tiên của lịch dựa trên sự vận hành của các thiên thể cũng là ngày Thứ Năm trong tuần. Vậy, ngày 14 tháng đầu tiên của năm sáng tạo là ngày Thứ Tư trong tuần.
3. Về sau, Đức Chúa Trời quy định ngày 14 của tháng đầu tiên trong năm là ngày Lễ Vượt Qua. Lễ ấy tiêu biểu cho sự chết của Đấng Christ để làm sinh tế chuộc tội cho loài người, theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
4. Khi Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se, ngày đầu tiên của tháng đầu tiên theo lịch ấy có thể được hiểu là ngày Thứ Năm trong tuần lễ, nếu xem tuần lễ sáng tạo là hình mẫu cho các tuần lễ sau này. Vậy, ngày 14 tháng đầu tiên của năm ấy là ngày Thứ Tư trong tuần.
5. Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá để hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại, vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27. Ngày ấy cũng là một ngày Thứ Tư trong tuần.
6. Sự ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên và ngày Lễ Vượt Qua khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá đều nhằm ngày Thứ Tư, dường như có những ý nghĩa Thần học rất sâu nhiệm.
7. Đức Chúa Jesus phải chết vào ngày Lễ Vượt Qua nhằm ngày Thứ Tư trong tuần để có thể phục sinh vào chiều của ngày Thứ Bảy, kết thúc một tuần lễ và bước sang một tuần lễ mới. Trong khoảng thời gian đó, thân thể xác thịt của Ngài đã trọn ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất, đúng theo lời tiên tri của chính Ngài:
“Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất. [Giô-na 1:17]” (Ma-thi-ơ 12:40).
Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus đã được chôn vào trong lòng đất trước khi mặt trời lặn của ngày Thứ Tư và đã phục sinh trước khi mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy. Thân thể xác thịt của Ngài đã ở trong lòng đất các đêm Thứ Tư, Thứ Năm, và Thứ Sáu; các ngày Thứ Năm, Thứ Sáu, và Thứ Bảy.
Ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên, khi Đức Chúa Trời ban hành Lễ Vượt Qua cho dân I-sơ-ra-ên, và ngày Lễ Vượt Qua khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá đều nhằm ngày Thứ Tư, trùng hợp với sự kiện mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được dựng nên trong ngày Thứ Tư của tuần lễ sáng tạo có thể gợi ra các ý nghĩa thần học sau đây:
1. Ánh sáng thiên thượng và sự cứu chuộc: Trong ngày thứ tư của tuần lễ sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo nên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao để soi sáng trái đất và phân biệt ngày đêm (Sáng Thế Ký 1:14-19). Điều này có thể tượng trưng cho ánh sáng thuộc linh của Thiên Chúa chiếu vào thế gian tối tăm. Lễ Vượt Qua đầu tiên và Lễ Vượt Qua khi Đức Chúa Jesus chịu chết đều rơi vào ngày Thứ Tư, tiêu biểu cho sự tiên tri và sự hoàn thành ơn cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người, mang ánh sáng cứu rỗi đến cho loài người trong bóng tối của tội lỗi.
2. Các dấu hiệu và mùa: Sáng Thế Ký 1:14 nói rằng, các thiên thể được dựng nên “để định những mùa, những ngày, và những năm”. Trong cả Lễ Vượt Qua đầu tiên và Lễ Vượt Qua khi Đức Chúa Jesus chịu chết, các dấu hiệu thiên thượng đều xuất hiện. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký, có dấu hiệu của bóng tối bao phủ toàn xứ. Khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh, bóng tối cũng bao trùm mặt đất từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (Ma-thi-ơ 27:45).
3. Thời điểm được định trước: Việc các sự kiện này xảy ra cùng một ngày trong tuần có thể được hiểu rằng, kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã được định trước từ thuở sáng thế. Các thiên thể được tạo ra để đánh dấu thời gian, và Đức Chúa Trời đã sử dụng cùng một mốc thời gian (ngày thứ tư) cho các hành động cứu chuộc quan trọng của Ngài.
4. Sự đổi mới của Đấng Tạo Hóa: Việc Thiên Chúa sáng tạo các thiên thể vào ngày thứ tư, rồi sau đó sử dụng cùng ngày đó cho Lễ Vượt Qua và sự hy sinh của Đấng Christ, có thể biểu thị rằng, cùng một Đấng Tạo Hóa đang thực hiện công việc đổi mới và phục hồi tạo vật.
5. Sự chi phối trên các quyền lực vũ trụ: Trong thế giới cổ đại, mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao thường được loài người thờ phượng như các thần. Qua việc tạo dựng chúng vào ngày thứ tư và sau đó chọn cùng ngày đó cho các hành động cứu chuộc, Thiên Chúa cho thấy, uy quyền tối thượng của Ngài trên mọi thế lực trong vũ trụ.
6. Sự hoàn hảo của chu kỳ cứu chuộc: Từ sáng thế cho đến sự cứu chuộc cuối cùng qua Đấng Christ, việc duy trì cùng một ngày trong tuần cho các sự kiện quan trọng này có thể biểu thị sự hoàn hảo và tính liên tục trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
7. Biểu tượng về sự phục hồi vũ trụ: Sự kết nối giữa việc sáng tạo các thiên thể và hành động cứu chuộc cuối cùng của Đấng Christ có thể ám chỉ rằng, sự cứu rỗi không chỉ dành cho loài người mà còn cho toàn bộ vũ trụ được tạo dựng (Rô-ma 8:19-22).
Các kết nối này gợi ý một sự hài hòa sâu sắc trong kế hoạch thiên thượng, nơi mà thời điểm, biểu tượng và mục đích đều được Đức Chúa Trời sắp xếp một cách hoàn hảo xuyên suốt lịch sử cứu rỗi.
Sự kiện thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus phục sinh vào cuối ngày Thứ Bảy, là ngày Sa-bát, thời điểm kết thúc một tuần, để bước vào ngày Thứ Nhất, thời điểm bắt đầu cho tuần mới, có thể được xem là tiêu biểu cho:
1. Sự chuyển giao giữa hai giao ước: Sự phục sinh xảy ra ở ranh giới giữa ngày Sa-bát (ngày Thứ Bảy, tiêu biểu cho Cựu Ước) và ngày đầu tuần (ngày Thứ Nhất, tiêu biểu cho Tân Ước). Điều này tượng trưng cho sự hoàn tất của Giao Ước Cũ trong luật pháp và sự bắt đầu của Giao Ước Mới trong Đấng Christ.
2. Sự sáng tạo mới: Ngày Thứ Nhất trong tuần là ngày Đức Chúa Trời bắt đầu công trình sáng tạo. Sự kiện Đức Chúa Jesus phục sinh liền trước thời điểm bắt đầu ngày Thứ Nhất và hiện ra với các môn đồ của Ngài vào sáng sớm ngày Thứ Nhất có thể tượng trưng cho sự khởi đầu của một công trình sáng tạo mới: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17).
3. Sự hoàn tất giao ước và sự an nghỉ đích thực: Đấng Christ hoàn tất công việc cứu chuộc của Ngài vào cuối ngày Sa-bát, tượng trưng cho sự hoàn tất của luật pháp và mang đến sự an nghỉ đích thực cho những người tin Ngài, vượt trên sự an nghỉ theo nghi lễ của ngày Sa-bát.
4. Sự chuyển tiếp từ tối tăm sang ánh sáng: Sự chuyển tiếp từ cuối ngày Thứ Bảy sang đầu ngày Thứ Nhất cũng tượng trưng cho sự chuyển từ tối tăm (sự chết) sang ánh sáng (sự sống), từ cũ sang mới, từ tội lỗi sang sự được cứu rỗi.
5. Chu kỳ hoàn tất và bắt đầu mới: Sự phục sinh ở thời điểm kết thúc chu kỳ tuần lễ cũ (ngày Thứ Bảy) và bắt đầu chu kỳ mới (ngày Thứ Nhất) tượng trưng cho việc Đấng Christ đã hoàn tất một chu kỳ lịch sử (thời kỳ dưới luật pháp) và bắt đầu một thời đại mới (thời kỳ ân điển).
6. Sự hoàn thành trọn vẹn của ơn cứu rỗi: Ba ngày ba đêm trọn vẹn trong lòng đất tượng trưng cho sự hoàn thành trọn vẹn và tốt đẹp của công tác chuộc tội, không còn bất cứ điều gì cần phải thêm vào. Vì hình phạt của sự phạm tội đã được thi hành trọn vẹn.
7. Đức Chúa Jesus đã mở ra một Sa-bát vĩnh cửu: Sau khi sống lại, Đức Chúa Jesus đã mở ra một Sa-bát vĩnh cửu, tức là sự an nghỉ đời đời khỏi những đau khổ của đời này, cho những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời:
“Vậy thì còn lại một Sa-bát cho dân của Đức Chúa Trời. {Có thể dịch: “Vậy thì còn lại một sự yên nghỉ cho dân của Đức Chúa Trời.” Từ ngữ sabbatismos (G4520) trong tiếng Hy-lạp được dùng trong câu này có nghĩa là: sự nghỉ ngơi; khác với từ ngữ sabbaton (G4521) có nghĩa là: ngày Sa-bát.} Vì ai đi vào bên trong sự yên nghỉ của Ngài thì người ấy cũng nghỉ ngơi khỏi những công việc của mình, như Đức Chúa Trời đã nghỉ ngơi khỏi những công việc của Ngài. Vậy, chúng ta hãy sốt sắng đi vào bên trong sự yên nghỉ đó, để cho không ai sa ngã cùng một cách của kẻ chẳng tin.” (Hê-bơ-rơ 4:9-11).
Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus vào cuối ngày Thứ Bảy không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn là dấu ấn Thần học về sự trọn vẹn của kế hoạch cứu rỗi, sự chiến thắng của sự sống, và lời hứa về một vương quốc vĩnh cửu. Mỗi chi tiết trong thời gian Đức Chúa Jesus chịu chết và sống lại đều mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, liên kết Cựu Ước và Tân Ước thành một bức tranh cứu chuộc trọn vẹn.
Chúng tôi xin kết thúc sự tản mạn tại đây.
Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/04/2025
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/413-lich-he-bo-ro
[2] https://www.johnbmacdonald.com/blog/solomon-to-exile-in-10-minutes
[3] https://totallyhistory.com/solomon-timeline/
[4] https://library.biblicalarchaeology.org/article/how-we-know-when-solomon-ruled/
[5] https://thewordtoyou.net/dictionary/415-lich-gregorian
[6] https://thewordtoyou.net/dictionary/414-lich-julian
[7] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/
Karaoke Thánh Ca: “Con Không Hề Quên”
https://karaokethanhca.net/con-khong-he-quen/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.