Sự Cám Dỗ và Sự Phạm Tội Trong Tâm Trí

80 views

YouTube: https://youtu.be/wnBIP7m2CPk

202503 Bài Giảng Trong Năm 2025
Bài Giảng Dành cho Thanh Niên
Sự Cám Dỗ và Sự Phạm Tội Trong Tâm Trí

Huỳnh Christian Timothy

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Chữ “πειρασμός” (peirasmos) /pi-ras-mos’ – pai-ra-mót/ (G3986) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có thể dịch là “sự cám dỗ” hoặc “sự thử thách”. Là sự cám dỗ khi nó mời gọi, xúi giục, thúc ép người ta phạm tội. Là sự thử thách khi nó tạo ra cơ hội để người ta thể hiện sự có hay không có đức tin và lòng trung tín đối với Thiên Chúa.

Trong câu chuyện của Gióp, Sa-tan tạo ra các nghịch cảnh để cám dỗ Gióp phạm tội. Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan cám dỗ Gióp để tạo cho Gióp cơ hội thể hiện đức tin và lòng trung tín của Gióp đối với Đức Chúa Trời. Sự cho phép của Đức Chúa Trời chính là sự thử thách của Ngài dành cho Gióp. Đức Chúa Trời không cần thử thách Gióp để biết đức tin và lòng trung tín của ông. Vì Ngài là Thiên Chúa toàn tri. Từ trong quá khứ đời đời, Ngài đã biết hết mọi sự về Gióp. Sự thử thách là để cho Gióp thể hiện đức tin và lòng trung tín của ông đối với Đức Chúa Trời, trước Sa-tan, trước các thiên sứ, và trước loài người.

Có những trường hợp Đức Chúa Trời trực tiếp thử thách loài người, không liên quan sự cám dỗ bởi loài người hay bởi ma quỷ, như khi Ngài thử thách Áp-ra-ham, bảo ông dâng I-sác, con trai của ông, làm của lễ thiêu. Mọi sự cám dỗ dù đến từ loài người hay đến từ ma quỷ, luôn luôn là sự thử thách, vì chúng được Đức Chúa Trời cho phép xảy ra.

Sự cám dỗ có thể đến từ hoàn cảnh bên ngoài hoặc đến từ ý tưởng bất chính trong tâm trí. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về sự cám dỗ và sự phạm tội trong tâm trí.

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:14-15).

Sự cám dỗ xảy ra cho mỗi người, không ai là không bị cám dỗ. Đức Chúa Trời cho phép sự cám dỗ xảy ra để loài người thi hành quyền tự do lựa chọn của mình và thể hiện lòng tin kính, vâng phục của mình đối với Thiên Chúa; hoặc thể hiện lòng chống nghịch Thiên Chúa. Chính Đức Chúa Jesus cũng đã phải trải qua những sự cám dỗ và thử thách. Ngay sau khi được báp-tem vào chức vụ Christ, Đức Chúa Jesus đã phải đối diện với sự cám dỗ từ Sa-tan. Nhưng Đức Chúa Jesus là người duy nhất không hề phạm tội.

“Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng thể cảm thương những sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách như chúng ta mà không phạm tội.” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Sự cám dỗ có thể đến từ bên ngoài hoặc đến từ bên trong. Sự cám dỗ đến từ bên ngoài qua các giác quan của thân thể xác thịt. Đó là do tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, miệng nếm, thân thể tiếp xúc. Sự cám dỗ đến từ bên trong qua những ý tưởng bất chính trong tâm trí. Sự cám dỗ bên ngoài dẫn đến sự cám dỗ bên trong, nhưng thường khi sự cám dỗ bên trong vẫn xảy ra, khi không có sự cám dỗ bên ngoài.

Tất cả những sự cám dỗ dù đến từ bên ngoài hay đến từ bên trong đều khơi động sự ham muốn trong tâm trí của người bị cám dỗ. Sự ham muốn là tình cảm tự nhiên Đức Chúa Trời ban cho loài người nhưng nếu sự ham muốn phát sinh cách không chính đáng thì nó trở thành sự cám dỗ, tức là sự mời gọi, xúi giục, thúc ép người ta phạm tội.

Sự ham muốn có ăn, có mặc là chính đáng vì đó là nhu cầu sinh tồn; nhưng sự ham muốn trở nên giàu có là không chính đáng, vì một người không cần phải giàu có để có thể sống an vui. Sự ham muốn trở nên giàu có khiến cho người ta rơi vào những sự cám dỗ mà phạm tội. Lời Chúa dạy:

“Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng. Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất. Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:8-10).

Sự ham muốn thú vui tình dục giữa vợ chồng là chính đáng nhưng sự ham muốn thỏa mãn thú vui tình dục qua những sự tà dâm là không chính đáng. Tà dâm là sự thỏa mãn thú vui tình dục ngoài quan hệ vợ chồng, nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa:

“Ngươi sẽ không ngoại tình.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14).

“Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29a).

“Hãy tránh xa sự tà dâm! Mỗi một tội mà người ta làm đều ở ngoài thân thể; nhưng kẻ phạm tà dâm thì phạm tội nghịch lại chính thân thể mình.” (I Cô-rinh-tô 6:18).

Sự ham muốn khoe mình về những sự Chúa ban cho mình, về những điều Chúa làm qua mình là chính đáng. Đó là sự khoe mình trong Chúa, thể hiện lòng biết ơn và làm tôn vinh danh Chúa (II Cô-rinh-tô 10:17). Nhưng sự khoe mình để chứng tỏ mình tài giỏi hơn người khác, để tìm kiếm sự thán phục, khen ngợi cho bản thân là không chính đáng, là kiêu ngạo.

“Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian.” (I Giăng 2:16).

“Nhưng Ngài lại ban ân điển càng hơn. Chính vì vậy mà Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường. [Châm Ngôn 3:34]” (Gia-cơ 4:6).

Khi sự cám dỗ khơi động sự ham muốn trong tâm trí thì sự cám dỗ có thể mời gọi, xúi giục, thúc ép chúng ta làm ra hành động nghịch lại Lời Chúa, nhằm thỏa mãn sự ham muốn. Sự ham muốn trở thành sự tham muốn khi chúng ta quyết định phạm tội để thỏa mãn sự ham muốn. Tham muốn là muốn có những gì không thuộc về mình hoặc muốn thỏa mãn các nhu cầu bằng sự phạm tội.

Mời gọi có tính cách nhẹ nhàng, tinh tế. Đây là trường hợp thường xảy ra với sự cám dỗ phạm tà dâm trong tư tưởng. Thường khi ký ức về những lần vui thú trong sự phạm tà dâm trước kia xuất hiện trong tâm trí, mời gọi người bị cám dỗ hồi tưởng những cảm giác vui thú ấy. Nếu người bị cám dỗ không lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi những ý tưởng tà dâm ấy ra khỏi tâm trí thì người ấy sẽ tiếp tục tư tưởng đến sự tà dâm, lâm vào sự phạm tà dâm trong tư tưởng.

Sự cám dỗ của những hình ảnh, đoạn văn khiêu dâm cũng có tính cách mời gọi. Người bị cám dỗ cần phải lập tức ra khỏi môi trường cám dỗ và lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi những hình ảnh và ý tưởng tà dâm ấy ra khỏi tâm trí.

Sự cám dỗ từ những ý tưởng muốn làm giàu cũng có tính cách mời gọi. Chúng thường được bao che với các lý luận: đây là cơ hội tốt; ai cũng làm như vậy; mình có thể dùng tiền thu được để làm nhiều việc tốt… Người bị cám dỗ cần lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi các cảm xúc và ý tưởng không đúng Lời Chúa ra khỏi tâm trí.

Xúi giục có tính cách mạnh hơn và liên tục. Đây là trường hợp thường xảy ra với sự cám dỗ khoe mình, cạnh tranh, hoặc trả thù.

Trường hợp xúi giục bởi sự cám dỗ phạm tà dâm hay bất cứ sự cám dỗ phạm tội nào khác cũng sẽ xảy ra, nếu người bị cám dỗ không nhanh chóng thoát ra khỏi sự mời gọi của nó.

  • Về sự khoe mình: Sự xúi giục thường dai dẳng thúc đẩy ta khẳng định bản thân. Liên tục nhắc nhở về thành tích, khả năng của mình. Tạo cảm giác “thiệt thòi” nếu không cho người khác biết những điều “tốt” về mình. Lời Chúa dạy: “Hãy để cho kẻ khác tôn vinh con, miệng con chẳng nên làm; để cho một người ngoài tán mỹ con, môi con đừng làm.” (Châm Ngôn 27:2).

  • Về sự cạnh tranh: Thôi thúc so sánh bản thân với người khác. Tạo áp lực phải “hơn người” trong mọi việc. Kích động lòng đố kỵ và ganh tị. Lời Chúa dạy: “Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

  • Về sự trả thù: Những ý nghĩ trả đũa cứ quay đi quay lại. Tìm cách biện minh cho hành động trả thù. Khó dứt bỏ cảm giác bị tổn thương. Lời Chúa dạy: “Chớ lấy ác trả ác cho ai! Hãy nghĩ trước về những điều thiện trước mặt mọi người! Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người! Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận của Đức Chúa Trời; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35]” (Rô-ma 12:17-19).

Người bị cám dỗ cần lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi các cảm xúc và ý tưởng không đúng Lời Chúa ra khỏi tâm trí.

Thúc ép có tính cách rất mạnh mẽ, gây áp lực lớn. Đây là trường hợp thường xảy ra với sự cám dỗ bảo vệ bản thân hoặc bảo vệ những người thân. Sự tự vệ hoặc bảo vệ người thân liên quan bản năng sinh tồn và bảo vệ những gì thuộc về mình, dẫn đến cảm giác bức bách phải hành động ngay lập tức, sợ rằng, nếu không hành động ngay thì sẽ không còn cơ hội. Sự cám dỗ từ những ý tưởng làm ra một điều gì đó bất chính nhưng đem lại ích lợi cho bản thân hoặc cho người thân cũng có tính cách thúc ép. Người bị cám dỗ cần lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi các cảm xúc và ý tưởng không đúng Lời Chúa ra khỏi tâm trí.

Trường hợp thúc ép bởi sự cám dỗ phạm tà dâm hay sự ghiền, nghiện bất cứ điều gì cũng sẽ xảy ra, nếu một người đã buông mình vào trong sự tà dâm hay sự ghiền, nghiện. Người ấy sẽ phạm tà dâm và sự ghiền, nghiện mỗi ngày, từ trong tâm trí cho đến hành động.

Khi đối diện với sự cám dỗ trong tâm trí, nếu người bị cám dỗ không lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi các cảm xúc và ý tưởng không đúng Lời Chúa ra khỏi tâm trí; không lập tức ra khỏi môi trường bị cám dỗ; thì người ấy sẽ nhanh chóng bị rơi vào sự cám dỗ. Khi đã rơi vào sự cám dỗ thì người bị cám dỗ sẽ tiếp tục suy nghĩ đến những hành động tội lỗi để thỏa mãn lòng tham muốn. Từ đó, lòng tham muốn cứ gia tăng cho tới khi thể hiện ra bên ngoài thành hành động. Từ ngữ “thành hình” là từ ngữ được dùng để gọi sự thành hình của bào thai trong lòng mẹ. Khi lòng tham muốn đã biến thành hành động tội lỗi thì kẻ phạm tội nhận lấy bản án chết. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23a).

Trước khi sự phạm tội được thể hiện thành hành động thì nó đã hình thành trong tâm trí, khi một người khuất phục sự cám dỗ trong tâm trí. Đó chính là sự phạm tội trong tư tưởng.

Khoảng cách từ sự cám dỗ đến sự phạm tội trong tư tưởng nếu đo lường bằng thời gian thì nó là rất ngắn, chỉ là một khoảnh khắc. Vì thế, con dân Chúa cần tỉnh thức để kịp thời nhận ra sự cám dỗ trong tâm trí và lập tức nhân danh Chúa, xua đuổi nó.

Ma quỷ có thể tùy theo hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống mà gieo rắc những ý tưởng cám dỗ trong tâm trí của loài người. Nhưng mỗi người cũng có thể tự mình cám dỗ mình, khi nghĩ đến những sự vui thú bất chính.

Các Điều Cần Làm để Đắc Thắng Sự Cám Dỗ và Sự Phạm Tội Trong Tâm Trí

1. Nhận biết và cảnh giác về những sự cám dỗ. Bất cứ ai, bất cứ sự gì hướng mình đến sự phạm tội thì đó là sự cám dỗ.

2. Nhận biết những điểm yếu của bản thân. Mỗi người cần nhận thức mình dễ bị phạm tội về phương diện nào, như: kiêu ngạo, tà dâm, tham lam, nói dối, ham mua sắm lãng phí…

3. Cảnh giác với những tình huống dễ dẫn đến cám dỗ. Mỗi người cần nhận thức mình dễ bị phạm tội trong trường hợp nào và tránh xa các môi trường cám dỗ.

4. Chống trả bằng Lời Chúa và danh Chúa. Khi đối diện với bất cứ sự cám dỗ nào cũng phải lập tức chống trả bằng gươm của Đấng Thần Linh là Lời Chúa; và nhân danh Chúa để xua đuổi sự cám dỗ.

5. Ghi nhớ và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người cần đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để có thể nhớ và dùng Lời Chúa chống lại mọi sự cám dỗ.

6. Cầu nguyện và nương dựa vào Chúa. Luôn xin Chúa thánh hóa mình. Khi cảm thấy sắp sa ngã thì phải lập tức kêu cầu Đức Chúa Jesus Christ, xin Chúa cứu mình.

7. Cầu xin sức mạnh và sự khôn sáng từ Chúa. Luôn xin Chúa ban cho mình sức mới và sự khôn sáng mỗi ngày để có thể thắng mọi sự cám dỗ và sống đẹp lòng Chúa.

Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại thì ngày ấy chúng ta vẫn còn phải đối diện với những cám dỗ và thử thách. Nhưng Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương và Thành Tín của chúng ta sẽ giữ cho chúng ta không bị cám dỗ hoặc thử thách quá sức chịu đựng của chúng ta. Ngài luôn sắm sẵn cho chúng ta lối thoát. Miễn là chúng ta không tự mình cám dỗ mình vì lòng ham thích những thú vui tội lỗi.

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Loài người dễ dàng phạm tội vì trong lòng chứa đầy những sự tội lỗi. Chỉ cần có cơ hội là người ta sẽ phạm tội.

“Vì từ tấm lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, những sự ngoại tình, những sự tà dâm, những sự trộm cướp, những lời chứng dối, và những lời phạm thượng.” (Ma-thi-ơ 15:19).

Nhưng con dân Chúa đã được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản tính tội. Trong họ không còn những ác tưởng, không còn sự ham muốn làm ra tội. Đức Thánh Linh ban cho họ năng lực của Thiên Chúa để họ có thể dùng sức toàn năng của Ngài mà thắng mọi cám dỗ, thắng mọi ham muốn bất chính của xác thịt.

Mỗi chúng ta cần canh giữ lòng của mình, đừng để cho bất cứ ác tưởng nào tồn tại trong tâm trí của mình.

“Hãy hết sức cẩn thận canh giữ tấm lòng của con, vì những sự tuôn trào của sự sống ra từ nó.” (Châm Ngôn 4:23).

Câu hỏi mà mỗi người cần tự mình trả lời là: Làm thế nào để tôi có thể canh giữ tấm lòng của tôi? Làm thế nào để những sự tuôn trào của sự sống ra từ tấm lòng của tôi?

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ mỗi một chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
31/01/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.