Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời
Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời còn gọi là “mười lời giao ước” giữa Đức Chúa Trời và con dân của Ngài. Con dân của Đức Chúa Trời là bất cứ ai tin nhận Ngài và thờ phượng Ngài. Mặc dầu vào năm 1446 trước Công Nguyên, từ trên núi Si-na-i, Đức Chúa Trời phán truyền mười lời giao ước, tức Mười Điều Răn cho con dân Ngài (bao gồm dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác cùng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô), và chính Ngài ghi chép Mười Điều Răn ấy trên hai bảng đá; nhưng trước đó, Ngài đã bày tỏ cho loài người biết các điều răn của Ngài. Thánh Kinh ghi rõ, Áp-ra-ham, là tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên, là một người vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời ít nhất là 430 năm trước khi các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi chép thành chữ:
“Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các điều luật của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5).
Mặc dầu Thánh Kinh Cựu Ước chép rằng, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán truyền cùng dân sự của Ngài và ghi chép Mười Điều Răn trên hai bảng đá; nhưng Thánh Kinh Tân Ước ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus, gọi đó là các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì thế, khi Thánh Kinh nói đến các điều răn của Đức Chúa Trời là nói đến Mười Điều Răn như được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21, là các điều răn do Đức Chúa Cha phán truyền.
Trong tiếng Việt, điều răn có nghĩa là lời khuyên bảo, dạy dỗ phải làm một điều gì hoặc không được làm một điều gì. Thánh Kinh gọi điều răn là lệnh truyền của Thiên Chúa. Là lệnh truyền thì phải được vâng theo.
Đức Chúa Trời đã dùng Mười Điều Răn để làm giao ước với con dân của Ngài. Giao ước ấy giúp cho con dân Chúa biết Đức Chúa Trời muốn họ làm những gì và không muốn họ làm những gì. Giao ước là lời hứa, lời cam kết. Đức Chúa Trời hứa rằng, những ai vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài thì sẽ được Ngài ban phước. Trái lại, những ai vi phạm Mười Điều Răn của Ngài thì sẽ bị Ngài hình phạt.
Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thể hiện sự yêu thương, công bình, và thánh khiết của Thiên Chúa, đồng thời thể hiện rằng Ngài muốn cho con dân của Ngài sống một nếp sống yêu thương, công bình, và thánh khiết giống như Ngài. Vì thế, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Loài người trong mọi thời đại phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Nếu không có Mười Điều Răn thì không có tội lỗi, vì tội lỗi là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nếu bỏ đi Mười Điều Răn thì không còn có sự gì bị gọi là tội lỗi.
Đức Chúa Jesus Christ đã tóm gọn ý nghĩa của Mười Điều Răn như sau:
“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:37-40)
Thật vậy, tất cả luật pháp của Đức Chúa Trời đều dựa trên nền tảng của Mười Điều Răn. Ngay cả điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ truyền cho các môn đồ của Ngài và điều răn Đức Thánh Linh truyền cho Hội Thánh cũng dựa trên Mười Điều Răn.
Con số mười trong Thánh Kinh tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng hoặc phẩm chất. Con số mười hai tiêu biểu cho sự trọn vẹn trong sự cai trị, điều hành. Chỉ khi một người vâng giữ hoàn toàn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì người ấy mới có thể vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ và điều răn của Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh.
Khi chúng ta nhìn vào hai bàn tay có mười ngón tay, chúng ta hãy nhớ rằng, mọi việc chúng ta làm ra phải đúng với Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta nhìn vào đôi bàn chân có mười ngón chân, chúng ta hãy nhớ rằng, mỗi bước chân của chúng ta dẫn đến bất cứ nơi nào trong cuộc sống của chúng ta, đều phải là bước đi theo Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Ngày nay, nếu có ai dạy rằng, con dân Chúa không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, hoặc dạy rằng, con dân Chúa không cần vâng giữ điều răn thứ tư, thì chúng ta phải tránh xa người ấy. Vì sự dạy dỗ đó không đúng với Thánh Kinh. Con dân Chúa ngày nay và cả trong thời bảy năm đại nạn, là lúc Chúa đã đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, vẫn phải giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ.
“Đây tỏ ra sự nhẫn nại của các thánh đồ: họ giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12).
Để được sự cứu rỗi thì một người phải ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ăn năn tội tức là: Chấm dứt không vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời! Nếu người nào tin nhận Chúa nhưng vẫn cứ tiếp tục vi phạm dầu chỉ một điều răn trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì người ấy chưa thật sự ăn năn. Không ăn năn thì không có sự tha thứ và không có sự cứu rỗi.
Thánh Kinh cũng dạy cho chúng ta biết:
“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10).
Phần còn lại của cuốn sách này sẽ giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, hiểu được sự quan trọng của việc vâng giữ Mười Điều Răn, và nhận biết những giáo sư giả, là những người rao giảng tà giáo (giáo lý không đúng với Thánh Kinh) bác bỏ việc vâng giữ Mười Điều Răn hoặc bác bỏ việc vâng giữ bất cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn.
Dưới đây là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được trích ra từ Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 theo Thánh Kinh Bản Hiệu Đính 2012 (https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/):
1 Bấy giờ, Thiên Chúa phán mọi lời này:
2 Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi, Đấng đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ.
3 Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.
4 Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, hoặc hình dạng nào trong các tầng trời, hoặc trong nơi đất thấp, hoặc trong nước dưới đất.
5 Ngươi chớ thờ lạy chúng nó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên con cháu đến đời thứ ba và đến đời thứ tư cho những kẻ ghét Ta;
6 và làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và giữ các điều răn Ta.
7 Ngươi chớ lấy danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi mà làm ra vô ích, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng kể vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm ra vô ích.
8 Hãy nhớ ngày Sa-bát. Hãy thánh hóa nó.
9 Ngươi hãy lao động và làm hết công việc mình trong sáu ngày;
10 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi; ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, hoặc khách ở trong các cửa của ngươi.
11 Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.
12 Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, để những ngày của ngươi được dài ra trên vùng đất mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi ban cho.
13 Ngươi chớ phạm tội giết người.
14 Ngươi chớ ngoại tình.
15 Ngươi chớ trộm cắp.
16 Ngươi chớ nói chứng dối, nghịch kẻ lân cận ngươi.
17 Ngươi chớ tham muốn nhà kẻ lân cận ngươi. Ngươi chớ tham muốn vợ kẻ lân cận ngươi, hoặc tôi trai, hoặc tớ gái, hoặc bò, hoặc lừa, hoặc bất cứ điều gì của kẻ lân cận ngươi.
Nguyện xin Đức Thánh Linh, là Thần Lẽ Thật, ban cho bất cứ ai đọc sách này được sự thông hiểu Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và ban cho những người tin nhận Chúa sức mạnh để họ vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa.