Điều Răn Thứ Tám
Chớ Trộm Cắp
Điều răn thứ tám của Đức Chúa Trời là:
“Ngươi chớ trộm cắp.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15).
Điều răn thứ tám của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:19.
Điều răn thứ tám dạy chúng ta không được trộm cắp.
Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh thì điều răn thứ tám là: “Ngươi chớ trộm cắp.” Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “Ngươi chớ trộm cướp” thì không được đúng ý, bởi vì “trộm cắp” khác với “trộm cướp.”
“Trộm cắp” là hành động lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác; gọi là “trộm” khi hành động chiếm đoạt xảy ra lúc chủ nhân ngủ mê hoặc vắng mặt; gọi là “cắp” khi chủ nhân có mặt nhưng lơ đễnh hoặc bị làm cho mất cảnh giác. Nếu công khai dùng sức mạnh hoặc đe dọa bằng vũ khí hay quyền thế để chiếm đoạt tài sản của người khác thì gọi là “cướp.” Vậy, “trộm cắp” là từ ngữ gọi riêng các hành động lén lút còn “trộm cướp” là từ ngữ gọi chung các hành động lén lút lẫn công khai dùng sức mạnh hay thế lực để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Khi nói rằng điều răn thứ tám cấm “trộm cắp” chứ không cấm “trộm cướp” là chúng ta muốn khẳng định sự phiên dịch trung thực Lời Chúa, chứ không cho rằng trộm cướp thì không vi phạm luật của Chúa. Bởi vì, ngoài Mười Điều Răn còn có các luật lệ ra từ Mười Điều Răn, do Chúa ban hành, mà hai trong những luật lệ đó cấm đoán hành động cướp giựt:
“Chớ lường gạt kẻ lân cận ngươi, chớ cướp giựt người.” (Lê-vi Ký 19:13).
“Chớ cướp giựt kẻ nghèo.” (Châm Ngôn 22:22).
Điều cơ bản mà chúng ta cần phải ghi nhớ, đó là: “Lấy một vật gì không phải của mình mà không được sự đồng ý của người chủ là phạm tội trộm cắp.” Hành động trộm cắp phát xuất từ lòng tham. Lòng tham là sự ưa thích một điều gì đó quá mức, như: tham ăn, tham tiền, tham danh tiếng… và muốn chiếm lấy làm của riêng một điều gì đó không phải là của mình, là điều bị Chúa nghiêm cấm trong điều răn thứ mười. Vì tham ăn nên xảy ra hành động ăn vụng. Vì tham tiền nên xảy ra việc trộm cắp tiền bạc, của cải. Vì tham danh tiếng nên xảy ra việc đánh cắp công lao của người khác.
Không một ý muốn trộm cắp nào mà không bị lương tâm lên tiếng cáo trách. Thánh Kinh cho biết luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi vào lương tâm của nhân loại:
“Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy bảo đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì bênh vực mình.” (Rô-ma 2:15).
Tuy nhiên, bản chất tội lỗi khiến cho người ta dập tắt sự lên án của lương tâm để biến ý muốn trộm cắp thành hành động. Khi tiếng cáo trách của lương tâm đã bị dập tắt thì lương tâm trở nên chai lì (I Ti-mô-thê 4:2). Một lương tâm đã chai lì sẽ tạo ra tiêu chuẩn đạo đức riêng, nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Thay vì lên án hành động trộm cắp, lương tâm chai lì sẽ lên án một người không thừa cơ trộm cắp là: ngu dại, hèn nhát, bỏ lỡ cơ hội… Khi lương tâm đã chai lì, người ta có thể phạm tội trộm cắp mỗi ngày mà không còn ý thức là mình phạm tội, lại tự cho là mình khôn ngoan, khéo léo!
Một vài thí dụ điển hình về sự trộm cắp mà lương tâm chai lì khiến người ta không còn ý thức đó là hành động trộm cắp:
Một người lấy vài tờ giấy hay một cây bút chì của sở làm đem về nhà dùng cho việc cá nhân là một hành động trộm cắp tài sản; còn nếu dùng thời gian làm việc tại sở làm để đọc báo, xem Internet, gửi email, gọi điện thoại mà không liên quan đến công việc của sở làm thì đó là hành động trộm cắp thời gian. Người mua bán mà cân, đong, đo, đếm gian lận tức là phạm tội trộm cắp tiền bạc. Người làm thuê, làm mướn mà không hết lòng làm việc cũng là phạm tội trộm cắp tiền bạc. Chính vì thế mà Chúa truyền cho con dân Chúa:
“Hỡi người làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục người làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa. Hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc. Bất cứ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta…” (Cô-lô-se 3:22-23).
Cũng có những hành động tự bản thân nó không phải là trộm cắp nhưng nếu chúng ta làm ra nó với ý thức là mình đang trộm cắp thì chúng ta đã biến nó thành hành động trộm cắp.
Thí dụ: Anh A và anh B cùng thuê chung một mảnh đất để làm rẫy. Hai anh cùng trồng khoai mì. Một đêm kia, anh A lén ra rẫy để nhổ trộm khoai mì của anh B. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi anh A ra rẫy thì mới khám phá ra rằng, đêm qua mình đã nhổ trộm chính khoai mì của mình. Mặc dù anh A nhổ khoai mì của mình nhưng đối với lương tâm thì anh A vẫn mang tội trộm cắp khoai mì của anh B; vì anh đã hành động như vậy trong ý muốn trộm cắp của người khác.
Lại có những hành động chiếm đoạt của cải người khác nhưng không bị xếp loại là trộm cắp hay trộm cướp khi hành động đó nhằm cứu người hay phục vụ cho lợi ích chung.
Thí dụ: Trong trường hợp khẩn cấp cần phải đập vỡ cửa một căn nhà bỏ trống để lấy thực phẩm, thuốc men, phương tiện cứu người bị nạn.
Trong Ma-la-chi 3:8, Thiên Chúa hỏi con dân của Ngài một câu rất là mỉa mai:
“Người ta có thể trộm cướp Thiên Chúa sao? mà các ngươi trộm cướp ta. Các ngươi nói rằng: Chúng tôi trộm cướp Chúa ở đâu? Các ngươi đã trộm cướp trong các phần mười và trong các của dâng.”
Bối cảnh của câu phán hỏi này là: Sau khi Vương Quốc Giu-đa bị Đế Quốc Ba-by-lôn chinh phục và bắt làm phu tù 70 năm, thì Thiên Chúa đã cho họ được hồi hương để tái lập quốc, xây dựng lại đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem. Bởi chiếu chỉ từ Vua Đa-ri-út của Đế Quốc Phe-rơ-sơ (I-ran ngày nay) và dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên, sự tái thiết đền thờ được hoàn tất vào năm 515 TCN (E-xơ-ra 5). Đến năm 457 TCN, Vua Ạt-ta-xét-xe của Đế Quốc Phe-rơ-sơ ra chiếu chỉ cho E-xơ-ra trở về Giê-ru-sa-lem để tái lập các nghi thức thờ phượng trong đền thờ và dạy dân I-sơ-ra-ên vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Giê-hô-va (E-xơ-ra 7). Mười ba năm sau, vào năm 444 TCN, Vua Ạt-ta-xét-xe lại một lần nữa ra chiếu chỉ cho Nê-hê-mi về lại Giê-ru-sa-lem để xây dựng lại các tường thành. Trong chức vụ thống đốc của Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi đã bênh vực phúc lợi của người nghèo, khuyến khích dân sự ly dị vợ người ngoại, tôn kính ngày Sa-bát, trung tín dâng hiến của dâng phần mười và các của dâng khác (xem sách Nê-hê-mi).
Đến năm 432 TCN, Nê-hê-mi quay lại Phê-rơ-sơ để phục vụ Vua Ạt-ta-xét-xe. Trong thời gian Nê-hê-mi vắng mặt tại Giê-ru-sa-lem thì từ các thầy tế lễ cho đến dân chúng đều quay lại với nếp sống tội lỗi. Dân chúng thì bỏ qua sự dâng phần mười, gian dối trong việc dâng sinh tế, mua bán với dân ngoại trong ngày Sa-bát, và trở lại kết hôn với dân ngoại. Các thầy tế lễ thì tham nhũng, hối lộ, thất trách, dùng những sinh tế kém phẩm chất trong các cuộc tế lễ (Nê-hê-mi 13). Thiên Chúa đã dùng Tiên Tri Ma-la-chi để cáo trách, lên án và kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn.
Từ ngữ “trộm cướp” được dùng trong Ma-la-chi vừa có nghĩa là lường gạt để chiếm đoạt của cải vừa có nghĩa là ngang nhiên cướp đoạt. Trong nghĩa lường gạt thì dân I-sơ-ra-ên đã dâng lên Chúa những con vật mù, què, tật bệnh thay vì dâng lên những con vật khỏe mạnh không tì vít, để khỏi phải tốn nhiều tiền; và như thế, họ đã lường gạt để trộm cướp Chúa. Các thầy tế lễ nhận của hối lộ từ dân chúng để tiếp nhận những con vật kém phẩm chất dâng làm của lễ, cho nên, họ cũng dự phần trong việc lường gạt, trộm cướp Chúa. Dân chúng không dâng phần mười và các của lễ vào đền thờ theo lệnh truyền của Chúa tức là đã ngang nhiên cướp đoạt tài sản thuộc về nhà Chúa. Các thầy tế lễ ăn hối lộ để bỏ qua việc sai phạm đó, cho nên, họ cũng dự phần trong việc ngang nhiên cướp đoạt tài sản trong nhà Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và biết hết mọi sự, thế mà con dân của Thiên Chúa dám lường gạt Ngài và ngang nhiên cướp đoạt các tài sản thuộc về đền thờ của Ngài để thủ lợi, thì quả là một điều mỉa mai!
Ngày nay, con dân Chúa cũng có thể phạm tội trộm cắp của Chúa:
1. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp thời gian của Chúa khi chúng ta bỏ qua sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bát; vì Chúa truyền cho con dân Chúa nhóm họp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát. Chúng ta có thể tự ý nhóm họp thờ phượng Chúa bất kỳ lúc nào nhưng sự nhóm họp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát là mệnh lệnh của Chúa mà chúng ta phải tuân theo:
“Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).
2. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp thời gian của Chúa khi chúng ta dùng thời gian Chúa ban cho mình vào những việc Chúa không bảo chúng ta làm hoặc những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống nào không đem lại ích lợi, không làm gương tốt, và không làm vinh hiển danh Chúa.
3. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp thời gian và tiền bạc của Chúa khi chúng ta đóng góp thời gian và tiền bạc vào những tổ chức tôn giáo rao giảng và thực hành những điều không đúng với Thánh Kinh. Bất cứ tổ chức tôn giáo nào rao giảng và thực hành những điều không đúng với Thánh Kinh thì tổ chức đó là công cụ “cỏ lùng” của Sa-tan, được gieo vào trong thế gian, mạo danh Hội Thánh của Chúa để cạnh tranh với Hội Thánh, hòng làm suy yếu Hội Thánh, và lường gạt những người nhẹ dạ rồi khiến cho họ tin vào những giáo lý phản Thánh Kinh mà phạm tội nghịch cùng Chúa. Chúa đã phán về sự giả hình của những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, như sau:
“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người hỏa ngục gấp hai các ngươi.” (Ma-thi-ơ 23:15).
Con dân Chúa có bổn phận mỗi ngày tra xem Thánh Kinh như tín đồ tại thành Bê-rê để xem mọi lời giảng dạy mình nghe có đúng với Thánh kinh hay không:
“Những người này đáng quý hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, trong sự sẵn lòng tiếp nhận Lời, ngày nào họ cũng tra xem Thánh Kinh, để xét lời giảng có thật chăng.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11).
Chúa cũng truyền cho chúng ta phải nhìn trái để biết cây, nhìn vào nếp sống của một người để biết họ là con dân chân thật của Chúa, người giảng lẽ thật của Chúa hay họ chỉ là những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 7). Vì thế, mỗi người có trách nhiệm về chính mình trong sự nhận xét và phân biệt thật giả.
4. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp tiền bạc của Chúa khi chúng ta không “lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo” cho mình (Ga-la-ti 6:6). Người dạy Đạo là người giảng dạy Lời Chúa cho mình khiến mình hiểu biết Lời Chúa và lớn lên trong đức tin. Người dạy Đạo do chính Chúa sai đến với mình hoặc đem mình đến với người đó, không phải là “mục sư” của các giáo hội. “Lấy trong hết thảy của cải mình” có nghĩa là không loại trừ một hình thức của cải nào, từ thức ăn, chỗ ở, phương tiện di chuyển, cho đến tiền bạc… “Chia cho người dạy đạo” có nghĩa là đáp ứng nhu cầu của người dạy Đạo. Nếu người dạy Đạo có nhu cầu ăn uống thì mình chia xẻ thức ăn, thức uống của mình cho người ấy. Nếu người dạy Đạo có nhu cầu di chuyển thì mình chia xẻ phương tiện di chuyển của mình hoặc chia xẻ tiền bạc dùng thuê mướn phương tiện cho người đó. Nếu người dạy Đạo cần chỗ trú ngụ thì mình chia xẻ nhà cửa mình cho người ấy. Nếu người dạy Đạo cần tiền bạc cho các chi phí trong cuộc sống thì mình chia xẻ tiền bạc của mình cho người ấy. “Lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo” không hề có nghĩa là phân chia tài sản của mình cho người dạy Đạo và cũng không cần thiết thi hành nếu người dạy Đạo đã đủ ăn, đủ mặc, đủ phương tiện hầu việc Chúa.
5. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp tiền bạc của Chúa khi chúng ta không cứu giúp anh chị em trong Chúa lúc họ ở trong hoạn nạn hoặc nghèo thiếu, không đủ ăn, không đủ mặc. Ma-thi-ơ 25:41-46 nói rõ hình phạt mà Chúa sẽ thi hành trên những người phạm tội này:
41 Kế đó, Ngài sẽ phán với những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ nó.
42 Vì ta đã đói, các ngươi không cho ăn; ta khát, các ngươi không cho uống;
43 ta là khách lạ, các ngươi không tiếp đón; ta trần truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng.
44 Đến phiên các ngươi này thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc đau ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư?
45 Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, ta nói với các ngươi, các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa.
46 Rồi những kẻ này sẽ vào hình phạt đời đời…
Chúng ta cần lưu ý nhóm chữ “trong những người rất hèn mọn nầy” được dùng để chỉ anh chị em cùng đức tin trong Chúa, tức là những người đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa. Họ là những người thuộc về Ngài, đang sống giữa thế gian, và được Ngài yêu cho đến cuối cùng (Giăng 13:1) chứ không phải tất cả mọi người trong thế gian.
6. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp tiền bạc của Chúa khi chúng ta sống xa hoa phung phí. Chúa ban cho chúng ta được giàu có về của cải tiền bạc là để chúng ta phân phát cho những người nghèo thiếu. Lời Chúa chép:
“Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian này đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có, vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật.” (I Ti-mô-thê 6:17-19).
Không riêng về tiền bạc của cải mà tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc đời này, chỉ là Ngài giao quyền quản lý cho chúng ta để chúng ta phân phát lẫn nhau, nhờ đó, chúng ta mới thể hiện được tình yêu thương và mối thông công hiệp một trong Chúa của Hội Thánh:
“Mỗi người hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).
7. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cắp sự vinh quang của Chúa khi chúng ta cho rằng nhờ mình hay, mình giỏi, mình hy sinh, mình siêng năng, mình khôn ngoan, mình đạo đức, mình nhân từ, vv… mà việc mình làm có thành quả tốt đẹp. Chúng ta phải nói rằng:
“Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm” (Lu-ca 17:10).
Rất có thể, trong số con dân Chúa có những người trước kia thường xuyên phạm tội trộm cắp, thậm chí, sống bằng nghề trộm cắp. Tuy nhiên, bản tính trộm cắp cũng như tất cả các bản tính xấu xa, gian ác khác, đều đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Đức Chúa Jesus Christ. Con người hiện tại sau khi thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, là một con người mới. Có thể Sa-tan sẽ cám dỗ con người mới phạm tội trộm cắp trở lại; nhưng con dân Chúa phải biết nhân danh Chúa để truyền cho Sa-tan và sự cám dỗ của nó phải lui xa khỏi mình. Lời Chúa dạy rõ:
“Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, để có vật gì giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn.” (Ê-phê-sô 4:28).
Con dân Chúa cần học thuộc lời cầu nguyện sau đây và cầu xin với Chúa mỗi ngày, để giữ mình trong sự liêm khiết:
“Tôi có cầu xin Ngài hai điều, xin chớ từ chối trước khi tôi qua đời: Xin đem xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; chớ cho tôi nghèo khổ hoặc sự giàu sang. Xin hãy nuôi tôi đủ thức ăn cần dùng; kẻo khi no đủ, tôi từ chối Ngài mà nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ai? Hoặc khi bị nghèo khổ, tôi trộm cắp mà làm ô danh Thiên Chúa của tôi.” (Châm Ngôn 30:7-9).
Hành động trộm cắp hay trộm cướp phát xuất từ lòng tham. Lòng tham là một đặc tính của tội lỗi, của bản ngã cũ, mà Thánh Kinh ví sánh với tội thờ lạy thần tượng (Ê-phê-sô 5:5; Cô-lô-se 3:5). Con dân Chúa đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, đã trở nên giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24), thì có đầy dẫy thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa, để không tham lam. Không tham lam thì không thể cố ý vi phạm điều răn thứ tám. Tuy nhiên, nếu chúng ta không khôn ngoan, thông sáng trong Chúa, thì có thể sẽ vô tình phạm tội trộm cắp của Chúa khi chúng ta đóng góp tiền bạc, thời gian vào các tổ chức tôn giáo, mạo làm Hội Thánh Chúa, mà thật ra chúng là Hội của Sa-tan, như Khải Huyền 2:9 đã gọi đích danh; hoặc khi chúng ta không tiếp trợ cho anh chị em có nhu cầu trong Hội Thánh.
Nguyện mỗi người chúng ta biết lắng lòng, nghe theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh và làm theo sự dẫn dắt của Ngài mỗi ngày trong đời sống của chúng ta.